Thỉnh thoảng tôi lại nghe thấy mọi người lấy cái lí lẽ mà tôi hay gọi là “lí lẽ khổ đau” để ủng hộ việc bắt buộc trẻ em tới trường. Kiểu như là: “tôi cũng từng phải mài đũng quần 12 năm ở trường nên con tôi cũng sẽ phải như thế’ hoặc là “Tôi phải làm công việc tôi không thích cả ngày, thế nên con tôi cũng sẽ phải ở trường cả ngày kể cả nếu nó không thích. Cuộc sống là thế mà.”
Hệ quả bi kịch nhất và sâu sắc nhất mà hệ thống trường học đem lại là: chúng ta học được rằng bản thân mình không thể tự làm được gì (learned helplessness)
Tôi cho rằng hầu hết các bậc cha mẹ đều muốn những điều tốt đẹp hơn cho bản thân họ và con cái họ. Nhưng, sau khi phải trải qua những năm tháng ngột ngạt và mệt mỏi ở trường, họ thường cảm thấy mình chẳng biết làm gì hơn. Thật sự là điều này cũng không đáng nhạc nhiên lắm. Bởi vì ngay từ thuở ban đầu (năm 1852 ở Mỹ) trường học đã được tạo ra để kiểm soát và khuất phục số đông, và nó đã có tác dụng cho đến tận bây giờ.
Cevin Soling, người làm bộ phim tài liệu “War on Kids” và là đồng nghiệp của tôi tại alternativestoschool.com viết về trường lớp trên tạp chí FORBES như sau:
“Từ rất sớm trẻ em đã được học bài học rằng bản thân chúng không thể tự làm được việc gì khi chúng không được phép theo đuổi điều mà chúng quan tâm. Điều này là hiển nhiên thôi, khi tất cả những điều chúng phải học đã được lên chương trình sẵn một cách cứng nhắc. Mọi khía cạnh của cuộc sống học sinh đều bị kiểm soát, bao gồm môi trường xung quanh, điều gì được làm hay không được làm, hành vi thế nào mới được chấp nhận, suy nghĩ cái gì hay thế nào mới đúng.”
Bài học khổ đau này chính là nguyên nhân dẫn đến việc nhiều người cam chịu cuộc sống, và họ lại dạy con cái họ cũng phải cam chịu như họ. Điều họ không nhận ra đó là: đây chỉ là bài học mà trường lớp dạy chứ không phải thực tế, chính bài học này khiến cho tinh thần sáng tạo và mọi niềm đam mê cá nhân bị vùi dập.
Hôm qua, nhiệt độ ngoài trời là 24 độ C, trời rất nhiều nắng. Chúng tôi (tác giả là một bà mẹ có 4 con đều được unschool) chơi ngoài trời cả ngày. Nhà tôi ngay đối diện một trường tiểu học, nên đã có lúc tôi nhìn sang bên đó và quan sát. Tôi thấy ở đó bọn trẻ được nghỉ ra chơi 10 phút, sau đó thì phải xếp hàng dọc để quay trở lại lớp học, giáo viên thì ra sức khen ngợi lũ trẻ đã rất ngoan ngoãn khi xếp hàng ngay ngắn để vào lớp.
Trong một bài viết mang tên “Trường học là Nhà Tù và nó đang làm hại con em chúng ta”, tiến sĩ Peter Gray đã viết:
“Hệ thống trường lớp mà chúng ta biết hiện nay là một sản phẩm của lịch sử chứ không phải là sản phẩm của bất kì nghiên cứu nào về cách mà trẻ em học hỏi. Cách hoạt động của nó được thiết kế từ thời Cải cách đạo Tin lành (Protestant Reformation), khi trường học được tạo ra để dạy trẻ em đọc Kinh Thánh, để dạy chúng tin theo những điều trong Kinh Thánh mà không mảy may nghi ngờ gì, để dạy chúng biết tuân theo lệnh của những người nắm quyền mà không đòi hỏi hay nghi vấn điều gì. Những người sáng lập đầu tiên của trường học đã viết ra rất rõ ràng những mục đích trên. Ý tưởng rằng trường lớp là nơi nuôi dưỡng sự sáng tạo và khả năng tự học ở trẻ hoàn toàn không có trong đầu những người đó. Đối với họ, việc đứa trẻ tự có lập trường riêng là tội lỗi (willfulness was sinfulness), lập trường riêng phải bị dập tắt chứ không phải được khuyến khích.”
Đây có phải là điều chúng ta muốn cho con cái mình hay không? Chúng ta muốn con mình được chơi đùa vui vẻ ngoài trời nắng chan hòa, hay chúng ta muốn con mình phải xếp hàng đi vào lớp học?
Là cha mẹ, chúng ta có khả năng bẻ gãy cái vòng luẩn quẩn của sự áp bức và bài học khổ đau này. Chúng ta có thể cho con cái mình sự tự do và cơ hội tự phát triển những niềm đam mê riêng.
Tất cả bắt đầu với chúng ta.
(Tg: Kerry McDonald – sáng lập viên của alternativestoschool.com)