Khi nỗi sợ thường trực, giáo dục gia đình dựa trên niềm tin vào trẻ là không thể.
Đã từ lâu, tôi vẫn luôn ủng hộ cái mà tôi hay gọi là giáo dục gia đình dựa trên niềm tin vào trẻ (cha mẹ tin tưởng con cái). Những người làm cha mẹ mà tin tưởng con mình sẽ trao cho đứa trẻ nhiều tự do nhất có thể để chúng tự đưa ra các quyết định. Họ tin tưởng vào bản năng, sự phán quyết, và khả năng học hỏi từ sai lầm của các con. Họ không cố gắng điều khiển sự phát triển của con và để chúng tự kiểm soát sự phát triển của mình. Họ hỗ trợ, thay vì điều khiển, bằng cách giúp các con đạt được mục tiêu của chính chúng khi các con cần và yêu cầu được giúp đỡ.
Giáo dục gia đình dựa trên sự tin tưởng là cách giáo dục tự nhiên nhất, và ít gây căng thẳng nhất, cho cả cha mẹ lẫn con cái. Các nhà nhân chủng học đều quan sát thấy rằng cách giáo dục như vậy là phổ biến trong các nền văn hoá săn bắt hái lượm. Nhiều gia đình trong xã hội hiện đại ngày nay, đặc biệt là các gia đình đi theo phong trào Giáo dục tự do, đã và đang áp dụng cách giáo dục gia đình này; họ cũng đã viết nhiều về niềm vui cũng như lợi ích của nó. Các cha mẹ tin tưởng con không sợ cuộc sống, và họ cũng không lo sợ cho cuộc sống của các con mình một cách vô lí. Họ có niềm tin vào khả năng của các con mình, và niềm tin đó trở thành một lời tiên đoán tự hoàn thành.
Gần 10 năm trước, tôi đã viết: thông điệp mà các bậc cha mẹ truyền cho con mình khi tin tưởng chúng là “Con có khả năng. Con có mắt và bộ não để tự tìm hiểu. Con biết khả năng và hạn chế của bản thân. Thông qua các hoạt động vui chơi và khám phá tự do con sẽ học được những điều mình cần biết. Nhu cầu của con là có giá trị. Ý kiến của con là có giá trị. Con tự chịu trách nhiệm về các sai lầm của mình và cha mẹ tin tưởng là con sẽ học hỏi được từ các sai lầm đó. Giao thiệp không phải là lấn át người khác, mà là giúp đỡ nhau để ai cũng có được cái mình cần và mong muốn. Cha mẹ ủng hộ chứ không chống lại con.” Và bây giờ tôi sẽ thêm vào đây vài thông điệp nữa, đó là: “Cuộc sống của con là của con, không phải của cha mẹ, và cuộc sống là để tận hưởng.”
Kẻ thù của giáo dục gia đình dựa trên sự tin tưởng là nỗi sợ, và, thật không may là, nỗi sợ đang làn tràn ở khắp mọi nơi trong xã hội hiện nay. Nỗi sợ lan tràn khắp nơi không phải vì thế giới thực sự trở nên nguy hiểm hơn trước kia, mà bởi vì xã hội chúng ta đã tạo ra những giai thoại nguy hiểm về các mối hiểm nguy. Chúng ta sợ rằng người lạ sẽ bắt con mình đi mất nếu chúng ta không liên tục theo sát con và rằng các con sẽ trở nên vô gia cư, hoặc trở thành những kẻ thất bại theo cách nào đó, nếu chúng không đạt được điểm cao ở trường, không tham gia các hoạt động ngoại khoá cần thiết, và không được nhận vào các trường đại học danh tiếng. Thực tế hơn, chúng ta cũng sợ bị người khác phán xét. Chúng ta sợ để người khác thấy rằng chúng ta không đang theo sát, thúc đẩy, dẫn dắt con theo cách mà xã hội bảo chúng ta nên làm, mà thay vì đó lại để cho con thoải mái tự do không làm gì hoặc là chính mình.
Giáo dục gia đình dựa trên nỗi sợ có nhiều sắc thái, một phần tuỳ vào các kiểu nỗi sợ thường trực trong tâm trí của người làm cha mẹ, một phần tuỳ theo tính cách và khả năng tài chính của các bậc phụ huynh. Sau đây là các sắc thái.
Cha mẹ bao bọc
Cha mẹ bao bọc là những người bảo vệ con thái quá và tham gia quá nhiều vào cuộc sống của các con mình. Một người cha/mẹ bao bọc, khi nghe tôi nói về việc tin tưởng con cái, rất có thể sẽ nói (và tôi đã nghe vài người nói): “không phải tôi không tin con mình, mà tôi không tin cái thế giới này”. Họ cho rằng hiểm nguy rình rập ở khắp nơi, và bởi vậy họ bảo vệ và khuyên răn con mình bất kể chúng làm gì.
Nhiều cuộc nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi cha mẹ nuôi dạy con theo cách này thì những đứa con khi vào độ tuổi trưởng thành sẽ thiếu các kĩ năng cần thiết để xử lí các tình huống. Những người cha mẹ bao bọc gặp khó khăn trong việc “buông tay” con mình, kể cả khi chúng đã là người trưởng thành, có thể một phần vì những đứa con dường như thực sự cần đến sự giúp đỡ, vì khi còn nhỏ chúng đã tạo thành thói quen không tự quyết định việc gì. Những người cha mẹ này tiếp tục muốn biết tất cả mọi chi tiết trong đời sống của những người con đã trưởng thành của mình, họ tiếp tục đưa ra các lời khuyên cho con cả khi chúng đã bắt đầu có gia đình riêng cho dù con họ không cần đến những lời khuyên đó.
Cha mẹ Dọn đường
Thay vì chỉ loanh quanh bên con để giúp chúng vượt qua các chướng ngại của cuộc đời, các bậc cha mẹ dọn đường lại đập tan các chướng ngại. Đây là kiểu cha mẹ bao bọc con mình bằng cách sử dụng tiền và quyền lực của mình để dọn đường cho các con. Họ cố gắng hướng tới mục tiêu giúp con mình vào học những trường danh giá nhất có thể, giúp chúng có những sự nghiệp được trả lương cao nhất có thể, bởi vì đây là những người cha mẹ coi trọng sự thành công bề nổi.
Những cha mẹ dọn đường thuê gia sư để kèm con mình học, thuê chuyên gia để viết bài luận xin vào đại học cho con, tìm kiếm những bác sĩ sẵn sàng kí một vài chẩn đoán nào đó để con họ được ưu tiên ở trường, quyên góp những khoản tiền lớn cho các trường đại học để đổi lại con họ đươc nhận vào đó, và gọi cho các giáo viên hoặc thậm chí các giáo sư để yêu cầu con họ được ưu tiên đặc biệt. Vụ điều tra Operation Varsity Blues còn hé lộ rằng nhiều bậc cha mẹ sẵn sàng bỏ ra hàng chục ngàn đô-la để hối lộ các giám thị và nhân viên đại học để họ gian lận và dối trá với mục đích con họ được nhận vào trường mà họ chọn. Những người cha mẹ này đồng thời làm đủ mọi cách để giấu giếm các con về hành động dọn đường của mình, để các con không phải bẽ mặt khi biết rằng thành công không phải đến từ thực lực của chúng. Việc dọn đường không chỉ có mục đích dọn sạch các chướng ngại và mở ra các cơ hội, nó còn để cái tôi của con cái họ được thổi phồng lên.
Cha mẹ Truyền lửa
Cha mẹ truyền lửa không quá bận tâm tới việc dọn dẹp các chướng ngại cho con mình bởi họ đang cố gắng truyền cho chúng cái mà họ cho là động lực và thái độ cần thiết để lèo lái cuộc sống trong cái thế giới đáng sợ này. Những người cha mẹ này tin vào ý tưởng rằng cuộc sống về cơ bản là một cuộc tranh đấu, có người thắng có người thua. Để chiến thắng bạn cần phải muốn thắng và phải biết cách chiến đấu. Không có gì là ngạc nhiên khi nhiều bậc cha mẹ suy nghĩ theo hướng này. Toàn bộ hệ thống giáo dục trường học của chúng ta là một cuộc đấu liên tục dành cho trẻ em. Tất cả mọi người đều ở trên cùng một đường chạy, chạy tới cùng một đích , và ai bị tụt lại phía sau hoặc chạy lệch đường đều bị coi là “kẻ thất bại”. Bởi vậy, nhiều người trưởng thành rồi nhưng vẫn có cảm giác cuộc sống là một cuộc đua mà trong đó có người thắng người thua. Thậm chí tôi đã từng nghe vài cha mẹ lý luận rằng giá trị lớn nhất của trường học là: nó dạy trẻ em tranh đấu. Cuộc nghiên cứu hay nhất mà tôi biết về Cha mẹ truyền lửa được thực hiện cách đây 1 thập kỉ bởi Hilary Friedman. Cô nghiên cứu chủ đề này để làm luận án tiến sĩ, và sau đó đã xuất bản một cuốn sách mang tên “Chơi để Chiến thắng”. Friedman quan tâm tới các động lực của những người cha mẹ khi họ thúc đẩy con cái tham gia các hoạt động ganh đua và đầu tư những khoản tiền lớn để trả cho các buổi học và phí tham gia các hoạt động đó. Họ cũng bỏ ra nhất nhiều thời gian và công sức để đưa con mình tới những buổi tập luyện và các sự kiện và khuyến khích con mình cố gắng giành chiến thắng. Vậy những người cha mẹ này mong muốn điều gì khi đầu tư nhiều như vậy?
Để tìm hiểu, Friedman dành 16 tháng để phỏng vấn các phụ huynh từ 95 gia đình khác nhau, và trong vài trường hợp cũng phỏng vấn cả những đứa con. Cô đã chọn những gia đình tham gia tích cực 3 hoạt động cạnh tranh khác nhau là: Bóng đá, Cờ và Nhảy. Trong mỗi trường hợp, đứa con đều ở độ tuổi học cấp 1. Friedman phát hiện ra rằng lí do khiến phần lớn những người cha mẹ đầu tư tiền bạc, thời gian và công sức nhiều như vậy không phải vì đứa trẻ yêu thích hoạt động đó, cũng không phải vì cha mẹ muốn đứa con trở thành chuyên nghiệp trong hoạt động đó. Họ lựa chọn hoạt động đó vì tính cạnh tranh của nó. Họ tin rằng các cuộc thi đấu sẽ củng cố những thái độ và kĩ năng cần thiết ở đứa con để sau này chúng sẽ có đủ vốn liếng để cạnh tranh vào các trường đại học danh tiếng, các công việc lương cao, và thăng quan tiến chức.
Đối với những người cha mẹ này, mục tiêu chính là con cái họ được thấm nhuần giá trị của sự chiến thắng và học được một số kĩ năng nhất định quan trọng cho việc chiến thắng bất kì cuộc đua nào, ví dụ như khả năng chịu đựng bền bỉ và khả năng thao tác khi phải chịu áp lực. Để thực hiện mục đích này, nhiều cha mẹ trao thưởng cho con họ bằng tiền hoặc quà hoặc các chuyến đi chơi có giá trị lớn hơn nhiều so với phần thưởng của chính các cuộc đấu, với điều kiện con họ thắng hoặc lên trình độ chứ không phải khi chúng thua. Mục tiêu là củng cố giá trị của sự chiến thắng.
Khi Friedman hỏi những đứa trẻ điều gì làm chúng thích thú nhất về hoạt động mà chúng tham gia, chúng thường kể về việc gặp gỡ và có thêm bạn mới và về những phần thưởng được trao khi chiến thắng. Hiếm khi chúng kể về sự đam mê đối với hoạt động đó hoặc thậm chí về bất kì niềm vui thực sự nào từ việc chiến thắng. Thực tế là, một số trẻ còn nói rằng chúng cảm thấy tồi tệ khi đánh bại một người bạn của mình. Ngược lại, không có một phụ huynh nào đề cập đến việc kết bạn như là một lí do để con mình tham gia vào các hoạt động này.
Những cha mẹ này đều có xu hướng thái quá, nhưng tôi ngờ là niềm tin vào một thế giới của sự tranh đấu và giá trị của việc thẩm thấu ham muốn chiến thắng là một trong những lí do khiến cho ngày nay nhiều bậc cha mẹ đưa con mình, kể cả những trẻ rất nhỏ, đến tham gia các hoạt động mang tính cạnh tranh thay vì đơn giản là để chúng ra ngoài chơi tự do. Điều mà những cha mẹ tin tưởng con nhận ra, cũng là điều mà những cha mẹ truyền lửa không nhận ra, là: bí mật thật sự của thành công không nằm ở mong muốn đánh bại người khác mà ở việc khám phá ra điều mình thực sự muốn làm, kết bạn và học cách hợp tác. Cho đến giờ thì cách tốt nhất để học được những điều này là Chơi tự do.
Cha mẹ Hổ báo
Nếu cha mẹ dọn đường là kiểu cha mẹ bao bọc thái quá thì, cha mẹ hổ báo là kiểu cha mẹ truyền lửa dạng thái quá. Cha mẹ hổ báo là khái niệm được đưa ra cách đây vài năm bởi Amy Chua – một giáo sự đại học Yale. Đây là cách nuôi dạy con tàn bạo được miêu tả trong sách của bà có tên “Battle Hymn of the Tiger Mother”. Bà Chua rõ ràng nhìn nhận cuộc sống như một cuộc đấu và mục đích của cuộc đời là chiến thắng. Là một phụ huynh, mục đích của bà là làm cho các con mình chiến thắng. Ví dụ, trong phạm vi âm nhạc, bà quyết định đứa con nào học nhạc cụ nào (Sophia học piano, Lulu học violon) và dùng mọi biện pháp, trừ bạo lực (rõ ràng rồi!) để bắt chúng luyện tập vài giờ đồng hồ mỗi ngày. Các biện pháp của bà bao gồm la hét, doạ dẫm, trao thưởng, sỉ nhục, làm cho xấu hổ, và nói dối (như khi bà hứa hẹn sẽ cho con nghỉ ngơi nhưng lại không giữ lời). Biện pháp yêu thích nhất của bà là lặp đi lặp lại với những đứa con rằng chúng sẽ làm bẽ mặt cả gia đình, đặc biệt là mẹ mình, nếu chúng không thể đạt vị trí cao nhất trong cuộc thi tới.
Bà Chua đảm bảo rằng mỗi phút giây của các con gái đều được lấp đầy bằng các hoạt động mà bà lựa chọn. Các con bà đi học, làm bài tập về nhà, đi học đàn, luyện tập chơi đàn (thường có mẹ đứng gần bình phẩm), và đi nhiều nơi để biểu diễn ở những địa điểm danh giá. Chúng phải đạt toàn điểm A (cao nhất trên thang điểm) và chiến thắng mọi cuộc thi ở trường. Chúng không được phép tham gia chơi nhóm, không được đến nhà bạn dự tiệc ngủ, không được chơi tự do, không được gặp gỡ những đứa trẻ khác.
Sách của bà Chua sẽ là hài hước nếu nó chỉ là một câu chuyện bóp méo, nhưng mà không phải. Bà ta rất nghiêm túc. Bà gọi đó là cách nuôi con kiểu Trung Quốc và đưa nó ra như một cách để người phương Tây làm theo. Tuy nhiên, đáng chú ý là những người Mỹ gốc Hoa đánh giá cuốn sách đó trên trang Amazon rất thấp so với những người khác. Nhiều người Mỹ gốc Hoa ghét cuốn sách vì nó khiến họ nhớ tới cách họ bị cha mẹ đối xử khi còn nhỏ. Họ coi đó như là một sự bạo hành và nó có ảnh hưởng lâu dài tới cuộc sống sau này của họ. Họ nhấn mạnh sẽ không nuôi dạy con mình theo cách này.
Tôi có một thắc mắc là vì sao lại có nhiều người phương Tây, những độc giả không phải người Trung Quốc (46,6%) lại đánh giá cuốn sách là 5 sao và vì sao nó nhanh chóng trở thành cuốn sách bán chạy nhất (best-seller). Có vẻ như cuốn sách là có giá trị với những người mà, giống bà Chua, nhìn nhận mục đích của cuộc đời là chiến thắng, và những người mà, giống bà Chua, tin rằng trẻ em sẽ không chiến thắng nếu để chúng tự thân vận động. Thật may sao, có rất ít trong số những người đó có đủ ý chí tàn bạo và khả năng bỏ qua sự thấu hiểu cần có để thực hiện những biện pháp khắc nghiệt của bà Chua, nhưng rõ ràng là có nhiều người ao ước mình làm được như vậy. Vì sao chiến thắng lại quan trọng đến mức một người sẵn sàng hy sinh niềm vui và sự tự do của con mình vì nó? Câu trả lời duy nhất mà tôi có thể đưa ra là: đối với những người cha mẹ kia, không thắng tức là thất bại, và không có gì đáng sợ hơn sự thất bại. Cha mẹ hổ báo, giống như cha mẹ dọn đường, dường như rất coi trọng sự thành công bề ngoài, nhưng cách mà họ sử dụng trong việc đảm bảo sự thành công là trái ngược nhau. Thay vì dọn hết các chướng ngại như cha mẹ dọn đường, cha mẹ hổ báo tạo ra chướng ngại và bắt con mình phải vượt qua. Thay vì thổi phồng cái tôi của con, họ hạ thấp cái tôi của chúng và khiến chúng khuỵ luỵ. Họ coi bản thân là những người huấn luyện con cái mình chứ không phải là người bảo vệ chúng.
Tôi đã viết một bài phê bình sách của bà Chua (tại đây review of Chua’s book), trong đó tôi cho rằng thuật ngữ Mẹ Hổ là không phù hợp cho kiểu giáo dục gia đình này. Đó là một sự sỉ nhục đối với các con hổ. Không có con hổ mẹ nào lại huấn luyện các con mình như vậy. Hổ mẹ cho phép các con non chơi thoả thích, bởi chúng biết một cách bản năng rằng chơi là cách các con non thực hành các kĩ năng chúng cần để sống sót và phát triển. Cách của bà Chua là cách của một người huấn huyện hổ trong một gánh xiếc chứ không phải cách của một hổ mẹ. Người huấn luyện hổ trong gánh xiếc bắt các con hổ non làm những việc chúng không muốn, không phải vì họ muốn tốt cho các con hổ non, mà vì họ muốn phô diễn kĩ năng của một người huấn luyện.
Cha mẹ tự vệ
Cha mẹ tự vệ là cách giáo dục gia đình trong đó người được bảo vệ là cha mẹ chứ không phải là con cái. Nỗi sợ ở đây là sợ bị người khác phán xét. Tất cả chúng ta, một cách tự nhiên, đều quan tâm tới đánh giá của người khác về bản thân mình, và mục đích của cách giáo dục kiểu tự vệ là làm giảm bớt những lời phán xét tiêu cực về cách các bậc cha mẹ giáo dục con cái họ. Tôi khá đồng cảm với các bậc phụ huynh phải đối mặt với vấn đề này. Thật khó để làm điều mà bạn cho là đúng khi phần lớn những người khác trong cuộc đời bạn cho rằng như thế là sai.
Tôi đã nghe nhiều bậc cha mẹ thú nhận rằng họ biết tự vệ như vậy khiến cho họ không thể là người cha mẹ mà họ muốn là. Họ nói những điều kiểu như: “tôi biết con mình đủ lớn để đi bộ tới trường hoặc chơi ở công viên một mình, nhưng tôi sợ bị người khác – họ hàng, hàng xóm hoặc thậm chí cảnh sát – buộc tội là mình không quan tâm tới con nếu tôi để con tôi tự do như vậy”. Hoặc: “tôi biết là con tôi rất khổ sở khi phải đến trường và mọi việc sẽ tốt đẹp hơn nếu con tôi được học ở nhà hoặc tham gia các nhóm giáo dục tự hướng, nhưng cha mẹ và anh em tôi sẽ ghét tôi nếu tôi để điều đó xảy ra”.
Trong cuộc nghiên cứu của chúng tôi về các gia đình unschool (here), Gina Riley và tôi nhận thấy rằng thử thách lớn nhất mà các bậc phụ huynh báo cáo lại là họ phải đối mặt với sự phán xét thẳng thừng hoặc ngầm của người khác về lựa chọn unschooling của họ. Những bậc cha mẹ này đã vượt qua được rào cản của sự tự vệ, nhưng với nhiều người, nó không hề dễ dàng. Tôi tin là có rất nhiều bậc cha mẹ không thể vượt qua được rào cản này. Nếu không phải là nỗi sợ bị người khác phán xét, thì là nỗi sợ phá vỡ một truyền thống. Nếu không có những nỗi sợ đó thì tôi cho rằng sẽ có rất nhiều cha mẹ tin tưởng vào con cái họ hơn, và sẽ có rất nhiều phụ huynh không đưa con họ tới trường học hơn số lượng hiện đã và đang làm điều đó. Đó là lí do vì sao hiện tại, hiệp hội giáo dục tự hướng (Alliance for Self-Directed Education) đang nỗ lực bình thường hoá giáo dục tự hướng.
Vài lời tự bào chữa
Có lẽ cũng vì muốn tự vệ mà tôi sẽ kết thúc bài viết này với vài lời tự bào chữa, để tránh những phản ứng mang tính chỉ trích mà tôi đoán là sẽ có nhiều độc giả đang nhắm vào mình.
Đầu tiên, tôi cần nói rõ rằng tôi không ngây thơ và giả vờ là cuộc sống này không ẩn chứa mối nguy hiểm nào. Tất nhiên là có mối nguy hiểm, và tất nhiên việc cha mẹ quan tâm đến những mối hiểm nguy đó để bảo vệ con mình là hoàn toàn tự nhiên. Với nhiều người, các mối nguy hiểm lớn hơn so với những người khác. Nhưng chúng ta không giúp được gì cho con mình bằng cách để cho những nỗi sợ bị phóng đại của mình bóp nghẹt cuộc sống của các con, khiến cho chúng mất đi niềm vui và khiến chúng không thể phát triển những kĩ năng xử lí tình huống cần thiết để đối mặt với những hiểm nguy thực sự. Chúng ta dạy con về các mối hiểm nguy thật và giúp chúng nghĩ ra các cách để đối mặt, như vậy là tốt. Nhưng khi chúng ta tước đoạt quyền của con mình, tước đoạt cơ hội vui chơi và các cơ hội thực hành các kĩ năng cần thiết khi phải đối mặt với nguy hiểm vì tin rằng như thế mới là bảo vệ con, thì như vậy là không tốt.
Thứ hai, tôi cũng cần nói rõ rằng giáo dục gia đình dựa trên sự tin tưởng không đồng nghĩa với việc cha mẹ dễ dãi trong nuôi dạy con. Là cha mẹ, chúng ta có nghĩa vụ bảo ban các con để chúng hiểu được rằng người khác cũng có quyền của họ, chứ không phải chỉ mình chúng mới có quyền, và các con không được phép quấy rầy hoặc can thiệp vào quyền của người khác. Có vài nguyên tắc mà tất cả chúng ta đều phải tuân thủ. Trong các gia đình mà cha mẹ tin tưởng con cái, thường thì những đứa con sẽ hiểu và tuân thủ các nguyên tắc đó một cách tự nhiên , một phần do sự làm gương của cha mẹ. Nhưng điều này không phải luôn luôn diễn ra đúng như vậy, và trong trường hợp đó cha mẹ cần thực thi các nguyên tắc đó.
Và cuối cùng, tôi kêu gọi các độc giả không nhìn nhận bài viết này như một lời trách móc các bậc cha mẹ. Các bậc cha mẹ, đặc biệt là những người mẹ, đã khổ sở vì bị trách nhiều lắm rồi. Thực ra, đó cũng là một phần vấn đề. Ngoại trừ một vài trường hợp (cha mẹ dọn đường thái quá và cha mẹ hổ báo thái quá), tôi vẫn luôn đồng cảm với các bậc cha mẹ, những người là nạn nhân của bất kì hoặc tất cả các áp lực xã hội, dẫn đến những kiểu giáo dục gia đình méo mó mà tôi liệt kê ở trên. Điều chúng ta cần không phải là trách móc mà là sự khai sáng, và đó là điều mà chúng tôi đang nỗ lực củng cố thông qua Let Grow và Alliance for Self-Directed Education.
(https://www.psychologytoday.com/us/blog/freedom-learn/201903/the-many-shades-fear-based-parenting)