ADHD & Trường học: Đánh giá sự Bình thường trong một Môi trường bất bình thường

22 Tháng Chín 2019
Chuyên mục
Unschooling
Bình luận  0
Chẩn đoán ADHD (chứng Tăng động giảm chú ý) xuất phát từ việc Trường học không chấp nhận được sự Đa dạng bình thường của con người.
Dựa trên những dự liệu mới nhất và đáng tin cậy nhất (năm 2010), khoảng 8% trẻ em Mỹ, tuổi từ 4 đến 17, đã được chẩn đoán là mắc chứng Tăng động giảm chú ý (ADHD – Attention Deficit Hyperactivity Disorder). Các báo cáo đều chỉ ra rằng số trẻ em trai mắc chứng rối loạn này cao hơn gấp 3 lần số trẻ em gái. Điều đó có nghĩa là khoảng 12% trẻ em trai và 4% trẻ em gái được chẩn đoán là mắc chứng ADHD. Hãy suy nghĩ về điều này! Mười hai phần trăm trẻ em trai – tức là 1 trên 8 trẻ – được những người có thẩm quyền trong ngành y tế dựa trên những tiêu chuẩn chẩn đoán chính thức của Hiệp hội Tâm lí Hoa Kỳ – cho là mắc phải chứng rối loạn tâm thần này! [Ghi chú thêm vào tháng 6/2015: hiện nay tình trạng đã trở nên trầm trọng hơn. Dựa theo những dữ liệu mới nhất, hiện tại 20% trẻ em trai được chẩn đoán là có mắc chứng ADHD vào thời điểm nào đó trong quá trình học tập.]
Nếu chỉ sử dụng đánh giá của các giáo viên thì số lượng trẻ bị coi là Tăng động giảm chú ý có thể còn lớn hơn. Trong một nghiên cứu trên 16 trường học khác nhau với hơn 3000 trẻ em, các giáo viên đã điền vào phiếu chẩn đoán ADHD tiêu chuẩn, trong đó họ đánh dấu các hành vi của học sinh trong lớp. Theo nghiên cứu đó, chỉ dựa trên đánh giá của giáo viên thì có tới 23% trẻ em trai học cấp 1 và 20% trẻ em trai học cấp 2 được chẩn đoán là mắc chứng ADHD. Con số này quả là đáng kinh ngạc! Theo như đánh giá của các giáo viên, gần 1/4 trẻ em trai học cấp 1 và 1/5 trẻ em trai học cấp 2 đều mắc chứng rối loạn tâm thần Tăng động giảm chú ý – ADHD!
ADHD về bản chất là một vấn đề về sự Thích nghi với trường học
Như thế nào là mắc chứng ADHD? Về cơ bản, nó có nghĩa là không thể thích nghi với các điều kiện của một trường học thông thường. Đa số các chẩn đoán ADHD đều xuất phát từ các quan sát của giáo viên. Một trường hợp điển hình là: một đứa trẻ thường xuyên gây rắc rối ở trường – không tập trung, không hoàn thành bài tập được giao, gây náo loạn lớp học bằng các hành vi và ngôn từ thái quá hoặc bột phát. Kết quả là, người giáo viên sẽ đề xuất với cha mẹ của đứa trẻ đi gặp tư vấn với nhân viên y tế về khả năng mắc chứng Tăng động giảm chú ý của trẻ. Nhân viên y tế sẽ sử dụng bảng tiêu chí đánh giá tiêu chuẩn, xem xét sự đánh giá của giáo viên và cha mẹ về hành vi của trẻ. Nếu các đánh giá phù hợp với các tiêu chí, thì đứa trẻ sẽ được chẩn đoán là mắc chứng ADHD. Trẻ sẽ được kê thuốc Adderall hoặc Concerta, và thường là hành vi của trẻ ở trường sẽ cải thiện. Trẻ sẽ bắt đầu làm những việc mà người giáo viên yêu cầu, lớp học đỡ bị náo loạn hơn, và cha mẹ thở phào nhẹ nhõm. Thuốc có tác dụng!
Các tiêu chí để chẩn đoán ADHD thiết lập bởi DSM-IV (sổ tay hướng dẫn chẩn đoán chính thức của Hiệp hội Tâm lí Hoa Kỳ) rõ ràng chỉ tập trung chủ yếu vào hành vi tại trường học. Cuốn sổ tay hướng dẫn liệt kê 9 tiêu chí liên quan đến sự thiếu tập trung và 9 tiêu chí khác liên quan đến sự hoạt động thái quá và sự bốc đồng. Nếu một đứa trẻ có biểu hiện 6 trong 9 tiêu chí của bất kì nhóm tiêu chí nào, ở mức độ đủ lớn trong một khoảng thời gian đủ lâu, thì đứa trẻ sẽ được nhận định là mắc ADHD, thể Giảm chú ý, hoặc thể Tăng động, hoặc thể kết hợp là Tăng động giảm chú ý, tuỳ vào các biểu hiện. Để tiện cho các bạn nghiên cứu kĩ hơn, tôi copy trực tiếp từ DSM-IV danh sách đầy đủ các tiêu chí chẩn đoán.
Không chú ý
  1. Thường không chú ý kĩ các chi tiết hoặc phạm lỗi do sơ suất trong học tập, làm việc hoặc các hoạt động khác.
  2. Thường gặp khó khăn trong việc tập trung vào công việc hoặc hoạt động chơi.
  3. Thường có vẻ không lắng nghe khi người khác nói chuyện trực tiếp.
  4. Thường không làm theo chỉ dẫn và không thể hoàn thành bài tập, việc được giao, hoặc trách nhiệm ở nơi làm việc (không phải do hành vi chống đối hoặc không hiểu chỉ dẫn).
  5. Thường gặp khó khăn trong việc sắp xếp các hoạt động.
  6. Thường tránh, không thích, hoặc không muốn làm những việc cần nhiều cố gắng về tinh thần trong thời gian dài (ví dụ như bài học hoặc bài tập về nhà).
  7. Thường mất các đồ vật cần thiết để thực hiện công việc và hoạt động (ví dụ như đồ chơi, bài tập về nhà, bút chì, sách, dụng cụ).
  8. Thường dễ bị phân tán tư tưởng.
  9. Thường cẩu thả trong các hoạt động hàng ngày.
Hoạt động thái quá và bột phát
  1. Tay chân thường không yên hoặc quằn quại ở chỗ ngồi.
  2. Thường đứng lên khi được yêu cầu ngồi yên một chỗ.
  3. Thường chạy vòng quanh hoặc trèo leo vào thời điểm hoặc nơi chốn không thích hợp (thiếu niên hoặc người lớn có thể cảm thấy rất bồn chồn).
  4. Thường gặp khó khăn trong việc chơi các hoạt động nhẹ nhàng một cách im lặng.
  5. Thường hoạt động liên tục hoặc phản ứng “như máy”.
  6. Thường nói rất nhiều.
  7. Thường buột ra câu trả lời trước khi câu hỏi kết thúc.
  8. Thường gặp khó khăn khi phải đợi tới lượt.
  9. Thường ngắt lời hoặc xen vào người khác.
OK, sau khi đọc danh sách này, có ai ngạc nhiên vì sao nhiều trẻ em trai lại được chẩn đoán ADHD như vậy và vì sao các giáo viên lại là người đề xuất tiến hành chẩn đoán không? Giơ tay lên (nhưng đừng trả lời trước khi tôi gọi đến bạn).
Thật là thuận tiện khi chúng ta có một cách chính thức để chẩn đoán những đứa trẻ không chịu ngồi yên một chỗ, thường không chú ý tới giáo viên, thường không làm những bài tập chúng được giao, thường nói mà không đợi đến lượt mình, và thường buột miệng ra câu trả lời trước khi câu hỏi kết thúc. Trước kia người lớn thường gọi những đứa trẻ như vậy là “nghịch ngợm” – đôi khi với một cái cau mày khó chịu, đôi khi với một nụ cười vì nhận ra rằng “nó vẫn là đứa trẻ con” hoặc “con trai thì phải hiếu động”. Nhưng bây giờ thì chúng ta biết, vì vài lí do thuộc về gene hay sinh học, những đứa trẻ này bị mắc chứng rối loạn tâm thần. À, nhưng thật tuyệt vời, chúng ta có một cách điều trị hiệu quả. Chúng ta có thể cho chúng một loại thuốc cực kì mạnh. Hoặc là methylphenidate hoặc amphetamine, cả hai loại này đều có tác dụng lên não gần giống với cocaine (nhưng không gây “phê”) và, vì những lí do tốt đẹp, cả hai đều bị cấm sử dụng trừ khi bạn được chẩn đoán mắc bệnh rối loạn tâm thần và được bác sĩ kê đơn cho. Thuốc này có tác dụng. Bọn trẻ trở nên dễ bảo hơn và việc quản lí lớp học trở nên dễ dàng hơn.
Thể ADHD hay gặp nhất là Giảm chú ý (predominently inattentive type). Trước kia chứng rối loạn này được gọi là ADD. Một bác sĩ nhi khoa rất giỏi tại ĐH Yale, người chuyên điều trị (bằng thuốc) nhiều trẻ em được chẩn đoán là mắc chứng Giảm chú ý thú nhận: “Nhiều trẻ em được dán nhãn là “ADHD không tăng động” là những đứa trẻ cực kì cực kì thông minh và sáng tạo. Tôi thường nghĩ là những đứa trẻ này thấy rằng thế giới bên trong (trí tưởng tượng) của chúng thì phong phú hơn thế giới bên ngoài (lớp học) và bởi vậy, một cách tự nhiên, chúng tập trung vào thế giới tưởng tượng bên trong mà không để ý đến lớp học… Lẽ ra giải pháp cho vấn đề này phải nằm ở cấp độ trường học, một nơi mà tôi gần như không có tầm ảnh hưởng gì tới. Tuy nhiên, tôi có thể giúp những đứa trẻ này tập trung và chuyển hướng sự tập trung về lớp học.”
Vì sao nhiều trẻ em lại gặp khó khăn trong việc thích nghi với Trường học như vậy?
Từ góc nhìn về mặt tiến hoá, trường học là một môi trường bất bình thường. Trong suốt quãng thời gian dài tiến hoá của loài người, chưa bao giờ có cái gì tương tự như trường học từng tồn tại. Trường học là một nơi mà ở đó trẻ em được kì vọng dành phần lới thời gian của chúng ngồi im lặng ở ghế, lắng nghe giáo viên nói về những điều chúng không thực sự quan tâm, đọc những thứ chúng bị bảo phải đọc, viết những thứ chúng bị bảo phải viết, và học thuộc nhiều thông tin để trả bài thông qua các bài kiểm tra. Ở những bài viết khác của mình, tôi đã viết rất chi tiết rằng trong suốt lịch sử loài người cho đến gần đây, trẻ em vẫn luôn luôn tự học hỏi giáo dục bản thân. Chúng học hỏi bằng cách theo đuổi những mối quan tâm từ tự thân và mang tính bản năng. Từ đó dẫn đến việc chúng hỏi hàng tá các câu hỏi (câu hỏi của bản thân chúng chứ không phải của người khác), nói chuyện với người khác như những người đồng vai, khám phá thế giới một cách năng nổ, và thực hành các kĩ năng quan trọng đối với nền văn hoá mà chúng đang sống thông qua các hoạt động chơi tự do trong các nhóm lẫn tuổi.
Từ góc nhìn về mặt tiến hoá của tôi, thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều trẻ em không thể thích nghi với môi trường trường học, dẫn đến việc chúng được chẩn đoán mắc chứng ADHD. Tất cả những đứa trẻ bình thường đều gặp khó khăn nào đó trong việc thích nghi với trường học. Việc trẻ em (hoặc bất kì ai khác) phải ngồi một chỗ nhiều như vậy, phải bỏ qua những câu hỏi và mối quan tâm thực sự của bản thân, và phải làm chính xác những điều người khác yêu cầu là không tự nhiên. Loài người chúng ta có khả năng thích nghi cao, nhưng không phải là không có giới hạn. Việc đẩy một môi trường quá xa ra khỏi giới hạn bình thường sẽ khiến cho các thành viên trong môi trường đó không thể thích nghi được nữa, và đó là điều chúng ta đã và đang làm với trường học. Tôi không có gì ngạc nhiên khi tỉ lệ trẻ được chẩn đoán ADHD bắt đầu tăng cao trong khoảng thập kỉ (những năm 1990) khi mà trường học trở nên ngày càng khắt khe hơn bao giờ hết – khi các bài kiểm tra mang tính quyết định được ưu ái, khi giờ giải lao bị bó hẹp, khi các giáo viên được phân công rằng họ phải dạy những kiến thức để chuẩn bị cho các bài kiểm tra chuẩn và mọi học sinh phải qua được các bài kiểm tra đó nếu không người giáo viên sẽ mất việc.
Sự không khoan nhượng của Trường học đối với sự Đa dạng bình thường của loài Người
Vì sao một số trẻ thích nghi với trường học tốt hơn những trẻ khác? Câu trả lời có liên quan đến sinh lí học – sinh lí học bình thường chứ không phải bất bình thường. Vì những lí do có lợi cho sự tiến hoá, các thành viên của loài [người] sinh ra có những đặc điểm khác nhau về gien, dẫn tới sự đa dạng về tính cách. Con người vẫn luôn luôn sống trong các cộng đồng, và các cộng đồng cũng như các cá nhân sống trong đó đều hưởng lợi từ sự đa dạng. Việc vài người dè dặt trong khi số khác bột phát, vài người thụ động trong khi số khác chủ động, vài người cẩn thận trong khi số khác táo bạo… là TỐT. Đây là những tính cách bình thường. Trong các môi trường khi mà mọi người được tự do, họ sẽ tìm cách sống và học hỏi sao cho phù hợp nhất với bản thân, và thông qua đó sẽ có những đóng góp đặc biệt không giống ai cho cộng đồng của mình. Các môi trường sống bình thường của loài người vẫn luôn luôn có những chỗ thích hợp cho mọi người, và những ai được tự do thì một cách tự nhiên sẽ lựa chọn những vị trí mà ở đó họ thấy thoải mái và vui vẻ nhất.
Nhưng ở môi trường trường học, đặc biệt là ngày nay, không có nhiều vị trí để mọi học sinh có thể lựa chọn. Tất cả đều được kì vọng làm một thứ giống nhau, vào cùng một thời điểm, bằng một cách duy nhất. Tất cả đều phải qua được những bài kiểm tra giống nhau. Vài học sinh, có vẻ gần như tất cả, có một tính cách cho phép chúng thích nghi với trường học đủ để vượt qua các bài kiểm tra và tránh cư xử theo cách mà các giáo viên không thể khoan nhượng. Tuy nhiên, để có thể thích nghi được như vậy, nhiều học sinh có biểu hiện lo âu, trầm cảm, hoài nghi, hoặc phải kìm nén sự sáng tạo; nhưng trường học chấp nhận được những điều này. Các đặc điểm như vậy của học sinh được coi là “bình thường”. Trừ khi trở nên thái quá thì học sinh sẽ không cần đến chẩn đoán của DSM-IV. Những trẻ mà tính cách của chúng không cho phép chúng thích nghi với hệ thống là những đứa được chẩn đoán ADHD. Và phần lớn chúng là trẻ em trai. Một trong những đặc điểm sinh học dẫn đến ADHD trong môi trường trường học rõ ràng là Nhiễm sắc thể Y. Vì những lí do tiến hoá, trẻ em trai thường hoạt bát, táo bạo, bột phát và kém chịu nghe lời hơn trẻ em gái. Cả trẻ em trai và gái đều có những nét tính cách như vậy, tuy nhiên tỉ lệ là không giống nhau. Trong xã hội hiện tại, 12% trẻ em trai và 4% trẻ em gái được coi là có những hành vi không thể chấp nhận được dẫn đến việc chúng được chẩn đoán mắc chứng ADHD. Ở trong một môi trường khác, nơi trẻ em có thể tự lựa chọn chỗ đứng phù hợp với mình, phần lớn bọn trẻ đều ổn.
Câu chuyện minh hoạ
Tôi sẽ kết thúc bằng một câu chuyện có thật để minh hoạ tất cả những điều trong bài viết này. Câu chuyện kể về một chàng trai trẻ mà tôi đã biết rất rõ từ hồi cậu ấy mới 13 tuổi. Trong suốt các năm học ở trường, cậu là một người hài hước, hoạt bát, cực kì bốc đồng, và gây khó chịu cho gần như tất cả các giáo viên của cậu. Gần như không bao giờ cậu hoàn thành bài tập được giao và liên tục phá vỡ không khí lớp học. Cậu thực sự không thể tập trung vào bất kì bài học nào ở trường và có vẻ như không có khả năng kiềm chế bản thân nói ra những điều cậu nghĩ thay vì những điều người khác bảo cậu nói. Cha mẹ cậu thường xuyên được gọi đến họp. Khi người có thẩm quyền ở trường yêu cầu cha mẹ cậu đưa cậu đi viện để được chẩn đoán ADHD, mẹ cậu – một bác sĩ – người biết rằng những hệ quả lâu dài lên não bộ của các loại thuốc sử dụng trong điều trị ADHD chưa bao giờ được thử trên người những đã được chứng minh là có những hệ quả rất xấu khi thử trên động vật trong phòng thí nghiệm – đã từ chối. Cậu bé có tất cả các đặc điểm của thể ADHD kết hợp (tức là vừa tăng động vừa giảm chú ý), và tôi không nghi ngờ gì về việc cậu sẽ được chẩn đoán như vậy nếu mẹ cậu đồng ý đưa cậu đi khám. Nhờ vào sự khoan dung của người trợ lí hiệu trưởng, cậu bé vẫn được lên lớp đều mặc dù không bao giờ làm bài tập và trượt gần hết các bài thi. Cậu tốt nghiệp trung học và đứng bét trường. Rồi sau đó phần tốt đẹp của cuộc đời cậu bắt đầu. Không thể học đại học, cậu tham gia một chương trình thực tập nghề và phát hiện ra rằng mình giỏi nấu ăn và rất thích nấu ăn. Sau khi làm việc một thời gian trong một nhà hàng, cậu được giới thiệu vào một trường chuyên dạy nấu ăn, ở đó cậu rất thích và trở thành xuất sắc. Bây giờ, ở tuổi 22, cậu có một công việc tuyệt vời với vai trò trợ lí bếp trưởng trong một nhà hàng vô cùng nổi tiếng. Trong môi trường này, nơi đòi hỏi sự năng động liên tục và khả năng tinh thần nhạy bén để đáp ứng nhiều đòi hỏi cùng một lúc, cậu ấy toả sáng. Cậu đã tìm được vị trí thích hợp của mình. Cậu chẳng học được gì từ 13 năm học ở trường, nhưng, với tính cách sôi nổi của mình, trường học không thể tàn phá được cậu. Khi cuối cùng cậu cũng được rời trường học để tự do theo đuổi mối quan tâm của riêng mình, cậu đã tìm được chỗ đứng cho mình và phát triển mạnh mẽ ở đó. Thế giới thực, ơn trời, rất khác so với trường học.
https://www.psychologytoday.com/us/blog/freedom-learn/201007/adhd-school-assessing-normalcy-in-abnormal-environment

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *