Unschooling có thể giúp bảo vệ trái đất được không?

12 Tháng Ba 2018
Chuyên mục
Unschooling
Bình luận  0

Unschooling có thể giúp bảo vệ trái đất được không?

Tôi cho là ĐƯỢC.

Theo tôi hiểu, cốt lõi của unschooling là: đồng thuận, tôn trọng, tự do, ủng hộ, yêu thương, kết nối, cộng đồng. Unschooling là Giáo dục tự do, dựa trên đam mê của người học và sự tham gia trực tiếp vào cuộc sống thực tế. Nó khuyến khích sự tự giác và trách nhiệm cá nhân, không ép buộc hay kiểm soát người học, và sự đồng thuận trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống được đặt ở vị trí trung tâm.

Ngược lại, trong nền văn hoá của chúng ta – nền văn hoá được xây dựng trên hệ thống chính trị-xã hội của chế độ phụ hệ, việc chúng ta phải kiểm soát để bảo đảm con cái chúng ta lớn lên trở thành các thành viên hữu ích của xã hội là không bàn cãi. Theo Teresa Graham, tác giả cuốn “Parenting for Social Change”, tư tưởng “kẻ mạnh có quyền kiểm soát kẻ yếu” đã ăn sâu trong chúng ta và nó bắt đầu trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Hệ thống giáo dục của chúng ta đang phản ánh những quy tắc xã hội này. Đã từ lâu, giáo dục là hoạt động uốn nắn trẻ để biến chúng thành những người lao động năng suất phục vụ cho nền kinh tế toàn cầu. Từ cuối thế kỉ 19, khi giáo dục bắt đầu trở nên phổ biến, trải qua rất nhiều cuộc cải cách, hệ thống giáo dục hiện tại vẫn chưa dừng lại để xem xét những điều mà đứa trẻ cần hoặc muốn, hay mô hình giáo dục hiện tại có đang giúp được gì cho con người và sự sống trên trái đất hay không. Mặc dù các chính trị gia quả quyết rằng tăng trưởng [kinh tế] phải được tiếp tục, bằng chứng thực tế – biến đổi khí hậu, xói mòn đất, sự tuyệt chủng của nhiều loài sinh vật và hàng tấn nhựa gây ô nhiễm các đại dương – tất cả đều gợi ý rằng mô hình giáo dục của chúng ta đang nhanh chóng trở nên không bền vững.

Khi nào mà lợi nhuận, công nghiệp và lối sống tiêu thụ của chúng ta vẫn được coi là “thành công” bởi xã hội, thì các tài nguyên thiên nhiên còn bị khai thác vô tội vạ. Để duy trì sự sống trên Trái Đất, các cấu trúc kinh tế và chính trị, trong đó bao gồm hệ thống trường học hiện tại, cần phải được chuyển hoá.

Hầu hết trẻ em không được lựa chọn việc đi học hay không đi học, đây là một vấn đề gần như không bao giờ bị nghi vấn. Sau khi bước qua cánh cổng trường học, trẻ em tiếp tục bị cướp đi những quyền cơ bản và sự tự do. Giáo dục xảy ra dựa trên sự ép buộc, thông qua các biện pháp chỉnh sửa hành vi như bảng khen thưởng, sự đe nẹt, các hình phạt tập thể… Một số trường học có thể tỏ ra là nhẹ nhàng và quan tâm đến trẻ hơn, ở đó việc học tập mang tính toàn diện và vui vẻ hơn. Nhưng nếu bạn tìm hiểu thật sâu, bạn sẽ thấy rằng hầu hết mọi trường học, trừ một vài trường được xây dựng và hoạt động trên nguyên tắc Giáo dục Tự do, đều được xây dựng trên nguyên tắc “ép buộc”.

Các trường “lấy trẻ làm trung tâm” hoặc “tiến bộ” mà tôi đã gặp hoặc xem xét, có xu hướng được xây dựng dựa trên một quan điểm cụ thể về sự phát triển của trẻ và điều mà mỗi đứa trẻ nên biết. Ví dụ, phương pháp Montessori, được sáng lập bởi Maria Montessori năm 1907, sử dụng nhiều học cụ khác nhau được thiết kế để “dạy” trẻ một bộ kỹ năng cụ thể. Dường như đứa trẻ có quyền chơi tự do, nhưng trên thực tế, các ‘đồ chơi’ (ví dụ như các hạt có kích thước bằng ngọc trai được thiết kế để đại diện cho hệ thống thập phân) đều được thiết kế với mục đích dạy trẻ các kiến thức cụ thể.

Một triết lý giáo dục khác được nhiều người biết đến là Waldorf Steiner, do Rudolf Steiner sáng lập năm 1919 tại Đức. Ở các trường Steiner, trong những năm mẫu giáo, hoạt động chính là các chương trình chơi tự do có hướng dẫn, các chương trình này tập trung vào các nhu cầu phát triển theo triết lý Waldorf Steiner. Từ lớp 1 trở đi, trẻ em được dạy theo một giáo trình định sẵn, và mặc dù nó là một giáo trình toàn diện trong đó sự phát triển về mặt nghệ thuật và tinh thần được coi trọng, nó vẫn là một phương pháp giáo dục top down (có sự phân chia vai trò từ trên xuống) và mục đích thật sự của nó vẫn xoay quanh người lớn chứ không phải trẻ em.

Giáo dục tiến bộ, mặc dù có thể được xem là phương pháp tiếp cận toàn diện hơn và nhẹ nhàng hơn trong học tập, vẫn ấn định rằng người lớn có trách nhiệm đảm bảo rằng trẻ em học được một số kiến thức, kỹ năng và giá trị nhất định. Ngược lại, Giáo dục Tự Do cho phép người học tự chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc học tập.

Trong một khoảng thời gian ngắn từ khi trường học trở thành bắt buộc, chúng ta được dạy để tin rằng trẻ em chỉ học khi bị ép buộc. Chúng ta đã quên mất một thực tế là trẻ em có khả năng tự học bẩm sinh. Chúng có thể tự học cũng như tự biết đi, tự biết nói, tự khám phá thế giới xung quanh thông qua vui chơi, quan sát và khám phá. Chúng ta không chỉ tin rằng trẻ em cần phải bị ép thì mới học, chúng ta còn tin rằng chúng ta cần phải kiểm soát những điều trẻ em học. Chúng ta thấm nhuần tư tưởng rằng trẻ em cần phải thành công [trong các môn học] ở trường để không bị thất bại trong cuộc sống.

Thực tế rõ ràng cho thấy hành tinh này không cần thêm những người thành công như vậy nữa. Nhưng nó thực sự cần thêm những người hoạt động vì hoà bình, những người có thể hàn gắn, những người kể chuyện, những người biết yêu thương. Nó cần những người biết sống chân thật với chính bản thân họ. Nó cần những người có đủ can đảm để sẵn sàng đấu tranh để biến thế giới trở nên tốt đẹp hơn và nhân văn hơn. Và những người như thế thì không phải là những người thành công theo cách định nghĩa của xã hội hiện đại.

Mô hình giáo dục trong trường học đã cho phép chúng ta biến trái đất thành những sản phẩm công nghiệp và thành tiền, nhưng đã đến lúc chúng ta cần quay trở về là một phần của thiên nhiên thay vì bắt thiên nhiên phục vụ cho chúng ta. Thế hệ này qua thế hệ khác, chúng ta đang quên đi những kĩ năng sống bền vững trên hành tinh này. Chương trình học hiện đại của chúng ta được chia nhỏ ra thành nhiều môn học riêng biệt.  Nó bị tách ra khỏi cái tổng thể mà trong đó mọi thứ có liên quan chặt chẽ tới nhau. Ngược lại, unschooling chính là cuộc sống, sống là học và học là sống.

Cậu bé tuổi teen Cade Summers đã viết rất hùng hồn về chủ đề này trong bài viết mang tên “Vì sao tôi rời bỏ trường học và không bao giờ quay lại” như sau: “Tôi thấy rằng trường học đã cướp mất của trẻ em sự tự do cần thiết nhất với chúng: sự tự do được sống trong một thế giới thật. Rồi sau khi cướp đi của trẻ em khả năng thực hiện các giải pháp cho các vấn đề thực tế, trường học lại yêu cầu chúng giải quyết các vấn đề trừu tượng không có tính thực tế, thế mà lại tuyên bố rằng đang giúp chúng chuẩn bị cho tương lai.”

Tất nhiên, những đứa trẻ đến trường học cũng có thể có ý thức về trái đất, nhưng hệ thống giáo dục theo kiểu top down (có sự phân chia vai trò từ trên xuống) và ngồi-một-chỗ chỉ phù hợp với một số trẻ trong khi đó những đứa trẻ khác lại bị vùi dập. Chúng ta sẽ luôn luôn cần đến những người giáo viên giỏi, những người có nhiều kiến thức và kinh nghiệm, những tấm gương sáng, nhưng chúng ta không cần đến một hệ thống giáo dục ép buộc mà hệ thống đó quy định chúng ta phải nghĩ cái gì, cư xử thế nào đồng thời cướp đi những năm tháng tuổi trẻ và khả năng học hỏi tự nhiên của chúng ta. Chúng ta không cần một hệ thống tách chúng ta ra khỏi gia đình, cộng đồng và cuộc sống thực.

Nhưng thực sự thì unschooling sẽ bảo vệ trái đất bằng cách nào? Chắc chắn là ở một mức độ nào đó, cách chúng ta đối xử với trái đất là một sự phản chiếu của cách chúng ta đối xử với người khác. Alice Miller nói:“Khi trẻ em được huấn luyện, chúng sẽ học cách huấn luyện người khác. Trẻ em bị quở trách sẽ học cách quở trách; nếu chúng bị mắng nhiếc chúng sẽ học cách mắng nhiếc; nếu bị cười nhạo chúng sẽ học cách cười nhạo người khác; nếu bị làm bẽ mặt chúng sẽ học cách làm người khác bẽ mặt; nếu tinh thần của chúng bị áp bức chúng sẽ học cách áp bức.”

Nhiều người trong chúng ta đã và vẫn đang bị người khác bảo phải làm gì và nghĩ gì. Suốt cả cuộc đời, chúng ta vẫn đang bị đè nén và chi phối, và kết quả là chúng ta đè nén và chi phối tất cả các sinh vật khác trên trái đất. Vào thời điểm này của lịch sử, Trái Đất thực sự đang quỳ gối cầu xin duy trì sự sống khi mà chúng ta đứng, tay chống nạnh đầy quyền lực.

Điều chúng ta cần phải làm là thay đổi các nguyên tắc giáo dục. Thay vì thờ ơ, chúng ta cần hướng tới hàn gắn trái đất, và để bắt đầu quá trình đó chúng ta phải hàn gắn bản thân và mối quan hệ của chúng ta với những người khác. Thay vì kiểm soát, chúng ta cần dùng sức mạnh của mình để khuyến khích và cổ vũ.

Unschooling là sự mở rộng tự nhiên của việc làm cha mẹ trong sự tôn trọng con cái (respectful parenting). Nó là con thuyền chúng ta cần lái để bảo vệ trái đất. Unschooling không phải chỉ là giáo dục và học tập, nó là một cách sống. Hiểu lầm lớn nhất về unschooling là: cha mẹ thụ động trong việc chăm sóc và nuôi dạy con. Điều này hoàn toàn không chính xác bởi vì thực ra nó yêu cầu cha mẹ phải tương tác và kết nối với con nhiều hơn bình thường, nhưng vai trò của họ là người hỗ trợ chứ không phải người kiểm soát.

Mặc dù trách nhiệm học tập nằm hoàn toàn trong tay trẻ, cha mẹ vẫn có một vai trò lớn trong việc đảm bảo rằng môi trường sống của trẻ cho phép bản năng học hỏi tự nhiên của chúng được hoạt động hiệu quả. Cha mẹ cần đảm bảo trẻ được tiếp cận với nhiều nguồn tri thức và với nhiều người có nhiều kĩ năng, kiến thức và giá trị khác nhau. Tuy đứa trẻ cần thời gian và tự do để phát triển đam mê, nhưng cha mẹ cũng cần luôn sẵn sàng trả lời các câu hỏi của con, tương tác với con và hỗ trợ con.

Unschooling cũng không phải là tự do làm bất cứ điều gì bạn muốn; thay vào đó nó đòi hỏi bạn phải tôn trọng giới hạn cá nhân của những người xung quanh, hướng bạn lắng nghe bản thân và tự tìm ra trật tự cho chính mình thay vì bị kiểm soát từ bên ngoài bởi bất kì người nào. Nguyên tắc và giá trị của gia đình thay thế cho các luật lệ áp đặt, tình yêu thương và sự quan tâm chiếm vị trí trung tâm. Unschooling là dành thời gian bên những người thân yêu nhất của bạn và giúp họ trở thành những con người tuyệt vời nhất mà họ có thể là bằng cách cùng nhau đối mặt với những thử thách của xã hội hiện đại.

Nói theo ngôn ngữ giáo dục, unschooling có nghĩa là người học được hướng dẫn để tự trở thành người thầy của chính mình, để tự suy nghĩ, tự suy xét. Chúng ta học bởi vì chúng ta muốn học hỏi về vấn đề nào đó, chứ không phải vì việc học có thể đưa ta đến vị trí này nọ trong xã hội tiêu thụ và dựa trên sự tiện lợi hiện tại. Unschooling đánh giá cao mọi sự học hỏi, nó tin rằng mỗi người có một món quà giá trị để trao tặng trái đất.

Khi công nghệ được sử dụng một cách có ý thức, thay vì là kẻ thù của thiên nhiên, nó có thể giúp cho việc tự học trở nên dễ dàng; nó giúp nhiều bậc cha mẹ có cơ hội làm việc từ xa và linh hoạt, khiến cho cách sống này trở nên thực tế hơn. Công nghệ mở ra rất nhiều cơ hội học tập, nhiều nguồn kiến thức miễn phí cho phép trẻ học được những kĩ năng mới và tiếp cận với thông tin một cách dễ dàng ngay tại nhà.

Thay vì đóng cửa sớm thư viện, chúng ta hãy mở rộng chúng để tạo không gian gặp gỡ cho các unschooler. Chúng ta hãy tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ trẻ em tự học. Hãy mở ra những khu vườn trong cộng đồng và khuyến khích các gia đình tự trồng thực phẩm. Hãy tạo ra nhiều cơ hội để các thế hệ đến được với nhau và thực hiện các công việc chung, xây dựng lòng trắc ẩn và nuôi dưỡng trách nhiệm tập thể đối với trái đất.

Trong một thế giới lý tưởng, chúng ta sẽ không cần đến trường lớp. Nhưng sự thật là không phải cha mẹ nào cũng muốn hoặc cảm thấy có thể unschool con cái họ, và bởi vậy chúng ta cần biết rằng một số gia đình tin rằng đến trường là sự lựa chọn tốt nhất hoặc khả dĩ nhất.

Mặc dù không đảm bảo, nhưng unschooling có thể cho phép chúng ta có thời gian, tự do và cơ hội được ở bên ngoài với thiên nhiên nhiều hơn, được tham gia một cách chân thật và sống động vào cộng đồng và môi trường xung quanh. Tại sao chúng ta không phá bỏ những bức tường giam hãm những đứa trẻ suốt ban ngày và xem xem điều gì sẽ xảy ra? Lẽ nào chúng ta đã quên rằng chúng ta cũng là một loài sinh vật, rằng chúng ta chính là thiên nhiên? Nếu thực sự lắng nghe, chắc chắn chúng ta sẽ nghe thấy tiếng thiên nhiên đang gọi chúng ta trở về.

Unschooling là một món quà, nó mời bạn sống chậm lại, hít thở sâu hơn, hưởng thụ giây phút hiện tại và phá bỏ lối suy nghĩ cũ cho đến khi bạn phải tự hỏi lại bản thân: làm người nghĩa là như thế nào?  Nó mời bạn đặt nghi vấn không chỉ vấn đề giáo dục, mà còn đặt nghi vấn về ý nghĩa nền tảng của chính cuộc sống và như vậy, nó kêu gọi bạn sống một cuộc sống có mục đích. Với unschooling, bạn được tôn trọng và kết quả là, bạn được “trang bị” tốt hơn để tôn trọng tất cả các sinh vật sống.

Chúng ta đang sống trong một xã hội tin rằng trẻ em cần bị kiểm soát, bị xem nhẹ, cần được nhồi kiến thức để chúng ta có thể uốn nắn chúng theo cách mà ta muốn; một xã hội tin rằng trẻ em cần được tách ra khỏi gia đình của chúng càng sớm càng tốt để cha mẹ chúng có thể theo đuổi sự nghiệp và tham gia tăng trưởng kinh tế thay vì hỗ trợ phát triển các thế hệ tương lai. Chúng ta sử dụng các đồ nhựa dùng một lần rồi vứt chúng vào những thùng rác lúc nào cũng đầy tràn, bởi vì như vậy tiện lợi. Chúng ta không có thời gian, sự kiên nhẫn và sự cẩn trọng để sống cuộc sống của mình theo bất kì cách nào khác. Chúng ta hoạt động không ngừng: luôn luôn ganh đua với nhau và vội vã từ cuộc nói chuyện này đến cuộc nói chuyện khác, từ tương tác này đến tương tác khác. Chúng ta sống trong một thế giới vẫn tin rằng việc giữ những sinh vật thông minh như cá voi và cá heo, tách chúng khỏi gia đình của chúng và giam chúng trong những thùng nước kín để biểu diễn giải trí cho chúng ta là điều chấp nhận được. Tương tự, chúng ta cho rằng việc bắt các con hổ ngoài thiên nhiên hoang dã và giam cầm chúng ở một nơi nhỏ hơn 18000 lần so với môi trường sống tự nhiên của chúng là chấp nhận được.

Có lẽ phần lớn chúng ta không dừng lại để suy xét xem những điều này có sai không và sai nhiều không bởi vì bản thân chúng ta chưa bao giờ cảm nhận được tự do hoàn toàn là như thế nào. Có thể là nếu từ lúc sinh ra, chúng ta biết thế nào là tự do thực sự trong tâm trí, cơ thể và tâm hồn mình, và chúng ta tôn trọng những người khác và được tôn trọng, thì chúng ta sẽ có thể hiểu rằng sức mạnh không đồng nghĩa với sự kiểm soát và chúng ta sẽ không bao giờ nghĩ rằng cướp đi sự tự do của một sinh vật khác là điều chấp nhận được. Thay vào đó chúng ta sẽ muốn bảo vệ mọi người và mọi loài.

 

(lược dịch từ https://www.self-directed.org/tp/can-unschooling-save-our-planet)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *