Unlearning

29 Tháng Mười Hai 2017
Chuyên mục
Unschooling
Bình luận  0

Unschooling là dành cho cả các bậc cha mẹ chứ không chỉ dành cho trẻ em. Đối với phần lớn chúng ta, unschooling là một cách sống và học hỏi hoàn toàn mới. Thực tế là, đối với các bậc cha mẹ, unschooling thường là unlearning (từ bỏ các kiến thức và quan niệm đã học hoặc được dạy bởi trường lớp, gia đình và xã hội – ND). Sau đây là những quan niệm mà bản thân tôi cần từ bỏ:

 

  1. Tôi cần từ bỏ quan niệm rằng trẻ em cần phải được dạy. Thực tế là chúng không cần được dạy. Chúng chỉ cần được hỗ trợ trong quá trình tự học hỏi. Quá trình này diễn ra liên tục, nó tự nhiên như hơi thở. Nhưng quá trình đó cần được tôn trọng, khuyến khích và tạo điều kiện.
  2. Tôi cần từ bỏ quan niệm rằng sự thành công trong học tập có thể được đong đếm bởi các kết quả nhất định. Một bài kiểm tra sẽ không cho tôi biết bạn đã học được điều gì, nó chỉ nói lên những điều mà bạn đã quên vào thời điểm này. Nó không thể cho tôi biết bạn đã khám phá ra điều gì sau nhiều giờ vui chơi, cũng không thể cho tôi biết bạn đam mê cái gì.
  3. Tôi cần từ bỏ quan niệm cho rằng việc học hỏi là tuyến tính. Các kiến thức không cần phải được dạy theo trật tự nhất định cho nhóm trẻ có độ tuổi nhất định. Bạn sẽ không bỏ lỡ bất kì điều gì hữu ích hoặc có ý nghĩa với bản thân mình. Không ai biết tất cả mọi thứ, nhưng khi ta muốn hoặc cần học hỏi điều gì đó, chắc chắn ta sẽ học nó.
  4. Tôi cần từ bỏ quan niệm rằng chỉ có duy nhất một cách học đúng. Việc học hỏi không chỉ đến từ sách giáo khoa và vở bài tập. Không phải cứ xem màn hình (TV, ipad…) là xấu. Tham gia đội thể thao nào đó cũng không quan trọng và ý nghĩa hơn việc bạn dành hàng giờ ngoài trời bên người thân và bạn bè.
  5. Tôi cần từ bỏ quan niệm rằng chỉ có các chuyên gia mới hiểu được các nhu cầu của con tôi trong vai trò là một con người và một người học. Tôi nói “người học” chứ không phải “học sinh” bởi không giáo viên nào có thời gian để hiểu được các thói quen của con tôi, để cho con tôi tự do khám phá thế giới theo cách riêng của con vào thời điểm thích hợp nhất cho con. Một người cha/mẹ yêu con sẽ kiên nhẫn hơn bất kì người giáo viên giỏi nào.
  6. Tôi cần từ bỏ quan niệm kì quặc rằng “giao tiếp xã hội” chỉ xảy ra nếu một đứa trẻ đi học 6 giờ mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần, 40 tuần mỗi năm trong một căn phòng với những đứa trẻ khác cùng độ tuổi (bài viết này của một người mẹ ở Úc – ND). Tôi biết là khả năng giao tiếp của trẻ em sẽ rất tuyệt vời nếu chúng được chơi với các nhóm trẻ có độ tuổi khác nhau, nếu chúng được gần gũi với các thành viên trong gia đình “lớn” của mình (bao gồm ông, bà, cô, bác, chú, dì, anh chị em họ…), nếu chúng được tham gia vào cuộc sống thực tế của cộng đồng và học hỏi từ cộng đồng. Như thế tốt hơn là chỉ cố gắng “giao tiếp” trong môi trường hạn hẹp của trường lớp, nơi bọn trẻ phải ngồi một chỗ, tay đặt trước ngực, miệng ngậm chặt và mắt hướng về phía tấm bảng của giáo viên.

 

Các quan niệm của chúng ta về giáo dục là kết quả của cách mà chính chúng ta được dạy dỗ, những quan niệm này thường xuất phát từ nỗi sợ rằng con cái chúng ta sẽ thất bại. Làm một điều gì khác với đám đông, buông bỏ những quan niệm đã định hình niềm tin của chúng ta và thử một cái gì đó mới mẻ không phải là điều dễ dàng. Bởi vậy nên đối với một người làm mẹ như tôi, unschooling chắc chắn là một hành trình từ bỏ những quan niệm cũ, hành trình unlearning.

 

https://forageforge.com/2015/12/12/unlearning/

(nguồn ảnh: racheous.com)

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *