Sacred Economics – Kinh tế học thiêng liêng
(tác giả: Charles Eisenstein)
Đọc bản tiếng Anh tại đây:
Lời mở đầu
Mục đích của cuốn sách này là làm cho tiền và nền kinh tế trở nên thiêng liêng như mọi thứ khác trong vũ trụ.
Hiện nay chúng ta liên kết tiền với những điều trần tục. Nếu có bất cứ điều gì thiêng liêng trong thế giới này, đó chắc chắn không phải là tiền. Tiền dường như là kẻ thù của những bản năng tốt đẹp của chúng ta, điều đó rõ nhất là mỗi khi chúng ta muốn làm điều tốt hoặc muốn trở nên hào phóng thì ý nghĩ “Mình không thể vì không có tiền” xen vào và gây trở ngại. Tiền dường như là kẻ thù của cái đẹp. Tiền dường như là kẻ thù của mọi cuộc cải cách xã hội và chính trị chính đáng, khi mà các tập đoàn quyền lực chỉ đạo luật pháp hướng tới việc tăng lợi nhuận của chính mình. Tiền dường như đang hủy diệt trái đất, khi chúng ta tàn phá đại dương, rừng, đất, và mọi loài để nuôi dưỡng lòng tham không giới hạn.
Ít nhất là từ khi Chúa Jesus đuổi những người đổi tiền ra khỏi đền thờ, chúng ta đã cảm thấy rằng có một cái gì đó xấu xa về tiền bạc. Khi các chính trị gia mải kiếm tiền thay vì phục vụ vì lợi ích cộng đồng, chúng ta gọi họ là tham nhũng. Các tính từ như “dơ bẩn” và “bẩn thỉu” miêu tả tiền một cách tự nhiên. Những người xuất gia được cho là không liên quan gì đến tiền: “Bạn không thể phục vụ Thượng Đế và Tiền cùng lúc.”
Đồng thời, không ai có thể phủ nhận rằng tiền cũng có một phẩm chất huyền bí, một sức mạnh có thể khiến thay đổi hành vi và điều phối hoạt động của con người. Từ thời xa xưa, các nhà tư tưởng đã phải ngạc nhiên trước khả năng của một con dấu trên một miếng kim loại hay một tờ giấy để biến chúng trở thành những vật mang đầy quyền lực. Thật không may, khi nhìn thế giới xung quanh chúng ta, thật khó để không kết luận rằng sự kỳ diệu của tiền bạc là một loại ma thuật.
Rõ ràng, nếu chúng ta muốn biến tiền thành một cái gì đó thiêng liêng thì một cuộc cách mạng toàn bộ là cần thiết – một sự chuyển hoá về bản chất của tiền. Không chỉ đơn thuần là chúng ta phải thay đổi thái độ của mình về tiền như một số các chuyên gia nói; thay vào đó, chúng ta sẽ tạo ra những loại tiền mới, thể hiện và củng cố sự thay đổi về thái độ đó. Kinh tế học thiêng liêng mô tả loại tiền mới này và nền kinh tế mới mà trong đó nó được sử dụng. Nó cũng khám phá sự chuyển hoá về vai trò của con người mà chính vai trò này vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của sự chuyển hoá của tiền. Sự thay đổi về thái độ mà tôi nói đến liên quan đến nhận thức cốt lõi về bản thân con người: nó bao gồm sự hiểu biết của chúng ta về mục đích của cuộc sống, vai trò của con người trên hành tinh này, mối quan hệ của cá nhân với cộng đồng con người và tự nhiên; ngay cả nhận thức thế nào là một cá nhân hay một cái tôi. Rốt cuộc, chúng ta coi tiền bạc (và tài sản) như là sự mở rộng của cái tôi; do đó mới có đại từ sở hữu “của tôi” để mô tả nó, cũng giống như khi ta nói “tay của tôi” hay “chân của tôi” vậy. Tiền của tôi, xe hơi của tôi, tay của tôi, gan của tôi… Hãy nghĩ tới cảm giác bị xâm phạm khi chúng ta bị cướp, nó cứ như thể là một phần của chính bản thân chúng ta đã bị cướp vậy.
Sự chuyển hoá từ trần tục sang thiêng liêng của tiền – một thứ liên quan sâu sắc đến bản thân chúng ta, một thứ đóng vai trò trung tâm trong hoạt động của thế giới – sẽ có những ảnh hưởng vô cùng lớn. Nhưng tiền bạc, hay bất cứ thứ gì khác, như thế nào mới là thiêng liêng? Đã vài ngàn năm, các khái niệm về thiêng liêng, thánh thiện và thần thánh dùng để diễn tả đến những thứ tách biệt với thiên nhiên, thế giới và người trần mắt thịt. Từ ba đến bốn ngàn năm trước, các vị thần bắt đầu rời khỏi các sông, hồ, rừng, và núi để lên trời, trở thành những lãnh chúa của thiên nhiên chứ không còn là bản chất của của thiên nhiên nữa. Vì sự thiêng liêng bị tách khỏi thiên nhiên, nên nếu ai đó tham gia quá sâu vào các vấn đề của thế giới thì người đó cũng trở nên hết linh thiêng. Con người đã thay đổi từ một thực thể sống thiêng liêng trở thành một người trần tục. Thiêng liêng là phải siêu nhiên, phi vật chất. Nếu Thượng Đế tham dự vào thế giới, thì đó là qua các phép lạ – sự can thiệp của Thượng Đế vi phạm hoặc thay thế luật của tự nhiên.
Nghịch lý là, cái thứ xa lạ và trừu tượng gọi là tinh thần này được coi là thứ làm cho thế giới sống động. Hỏi một người mộ đạo cái gì thay đổi khi một người chết, và cô ấy sẽ nói linh hồn đã rời khỏi thể xác. Hỏi cô ấy ai tạo ra mưa rơi và gió thổi, và cô ấy sẽ nói rằng đó là Thượng Đế. Galileo và Newton dường như đã loại bỏ Thượng Đế ra khỏi những hoạt động hàng ngày của thế giới, thay vào đó họ giải thích nó như sự hoạt động đều đặn của một cỗ máy có khối lượng và sức mạnh cực lớn, nhưng thậm chí họ vẫn cần một người chế tạo cỗ máy đó vào buổi ban đầu, để tạo ra vũ trụ với năng lượng tiềm năng đã hoạt động từ đó đến giờ. Quan niệm này hiện giờ vẫn tồn tại với Big Bang, một sự kiện nguyên sơ là khởi nguồn của “nội lực âm” (negative entropy) tạo ra mọi chuyển động và sức sống. Trong bất kỳ trường hợp nào, khái niệm về tinh thần của chúng ta là về một cái gì đó tách biệt và không thuộc về thế giới trần tục, nhưng nó có khả năng can thiệp một cách kỳ diệu vào các vấn đề vật chất, và thậm chí nó còn làm cho mọi thứ trở nên sống động và chỉ đạo mọi việc theo một cách đầy bí ẩn.
Thật là quá mỉa mai và quá rõ ràng rằng có một thứ trên hành tinh này mà đặc điểm của nó rất gần gũi với quan niệm trên của thần thánh là tiền. Nó là một sức mạnh vô hình và bất tử bao quanh và điều khiển tất cả mọi thứ, đầy quyền năng và không giới hạn, một “bàn tay vô hình” khiến cho thế giới hoạt động. Tuy nhiên, tiền hiện nay là một điều trừu tượng, quá lắm cũng chỉ là các kí hiệu trên một tờ giấy nhưng thường chỉ là những mảnh thông tin (bit) trong máy vi tính. Nó tồn tại trong một địa hạt xa rời khỏi vật chất. Trong địa hạt đó, nó được miễn trừ khỏi những luật lệ quan trọng nhất của thiên nhiên, vì nó không phân hủy và trở về với đất như mọi thứ khác, mà được bảo quản, không thay đổi, trong các kho tiền và các tệp tin máy tính, thậm chí phát triển theo thời gian nhờ vào lãi suất. Nó mang đặc tính của sự bảo tồn và tăng trưởng vĩnh cửu, cả hai điều đó đều phản tự nhiên. Trong tự nhiên, vàng là thứ có những tính chất gần nhất với đặc tính này, nó không rỉ, không xỉn đi, cũng không phân rã. Bởi vậy trước đây, vàng đã được sử dụng như là tiền và như một phép ẩn dụ cho linh hồn thiêng liêng – không hư hỏng và không thay đổi.
Tính chất trừu tượng thần thánh của tiền đạt đến cực điểm trong những năm đầu của thế kỉ 21 khi nền kinh tế tài chính không còn dựa vào nền kinh tế thực mà tự tạo nên một lãnh địa của riêng nó. Tài sản khổng lồ của Wall Street đã không còn liên quan đến sự sản xuất hàng hoá vật chất mà tồn tại trong một lãnh địa riêng biệt.
Nhìn xuống từ đỉnh Olympia, các nhà tài chính tự gọi mình là “bậc thầy của vũ trụ”, truyền sức mạnh của vị thần mà họ phục vụ để mang lại vận may hoặc rủi ro đến số đông, để di chuyển núi, phá rừng, thay đổi dòng chảy của sông, tạo ra hoặc phá huỷ sự tồn tại của các quốc gia. Nhưng tiền bạc nhanh chóng chứng tỏ là nó một vị thần đồng bóng. Khi tôi viết những lời này, có vẻ như những nghi lễ ngày càng điên rồ hơn mà các linh mục tài chính sử dụng để xoa dịu thần Tiền là vô ích. Giống như các giáo sĩ của một tôn giáo đang hấp hối, họ khuyên các tín đồ của mình phải cống hiến nhiều hơn trong khi giải thích rằng nguyên nhân của những rủi ro là sự tha hoá – các ngân hàng tham lam, những người tiêu dùng vô trách nhiệm hoặc đổ lỗi cho sự trục trặc bí ẩn của Thượng Đế – các thị trường tài chính. Một số người thì đang đổ lỗi cho chính các linh mục.
Cái mà chúng ta đang gọi là sự suy thoái có thể được gọi là “Thượng Đế bỏ thế giới” bởi một nên văn hoá cổ xưa. Tiền đang biến mất, và theo với nó là một đặc tính khác của tinh thần: sức mạnh làm cho cuộc sống loài người trở nên sống động. Khi tôi đang viết những điều này, trên toàn thế giới các máy móc đang ì chệ. Các nhà máy ngưng hoạt động; thiết bị xây dựng chỏng chơ, công viên và thư viện đóng cửa dần; và hàng triệu người bị đói và trở thành người vô gia cư trong khi nhiều nhà không có người ở và thức ăn bị thiu thối tại các nhà kho. Tuy nhiên, tất cả các yếu tố con người và vật chất để xây dựng nhà cửa, phân phối thực phẩm, và chạy các nhà máy vẫn còn tồn tại. Dường như chỉ có cái gì đó phi vật chất, cái động lực thúc đẩy đó, là biến mất. Cái biến mất chính là tiền. Tiền là cái duy nhất bị thiếu ở đây, nó dường như không có thực (dưới dạng các electron trong máy tính) đến mức hầu như ta không thể nói là nó đã từng tồn tại, tuy nhiên nó quyền lực đến mức nếu thiếu nó, hoạt động của con người sẽ bị đình chệ. Đối với cấp độ cá nhân cũng vậy, chúng ta dễ thấy sự thiếu tiền có thế lấy hết động lực sống của một người thế nào. Có vẻ như tiền làm cho cả người lẫn máy móc trở nên sống động. Thiếu nó, ta như mất đi phần linh hồn.
Chúng ta không nhận ra rằng khái niệm của chúng ta về thần thánh đã thu hút vào nó một vị thần phù hợp với khái niệm đó và cho nó quyền lực tối cao trên trái đất. Bằng cách chia rẽ linh hồn khỏi xác thân, tinh thần khỏi vật chất, và Thượng Đế khỏi thiên nhiên, chúng ta đã dựng lên một thứ có sức mạnh cai trị nhưng vô hồn, xa lạ, vô thần và phản tự nhiên. Vì vậy, khi tôi nói về việc làm cho tiền trở nên thiêng liêng, tôi không kêu gọi một điều gì siêu nhiên đến truyền bá tính thiêng liêng vào các đối tượng trần tục. Thay vào đó, tôi đang quay trở lại thời gian, thời mà trước khi có sự chia rẽ giữa vật chất và tinh thần, khi sự thiêng liêng là đặc tính của tất cả.
Vậy thiêng liêng là gì? Nó có hai khía cạnh: tính duy nhất và tính kết nối. Một điều thiêng liêng là một thứ đặc biệt và duy nhất. Vì vậy nó vô cùng quý giá; nó không thể thay thế được. Nó không có giá trị tương đương, và do đó không có “giá trị” hữu hạn bởi giá trị chỉ có thể được xác định khi đem ra so sánh. Tiền, giống như tất cả các cách đo lường, là một tiêu chuẩn để so sánh.
Mặc dù nó là duy nhất, nhưng cái thiêng liêng vẫn không thể tách rời khỏi tất cả những gì đã tạo ra nó, khỏi tiền thân của nó, và cũng không tách rời khỏi vị trí của nó trong ma trận của tất cả mọi sự hiện hữu. Bây giờ bạn có thể nghĩ rằng thực sự mọi thứ và mọi mối quan hệ là thiêng liêng. Điều đó có thể đúng, nhưng mặc dù về mặt trí tuệ chúng ta có thể tin là như thế, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng cảm thấy thế. Chúng ta cảm thấy có một số điều thiêng liêng, một số điều khác thì không. Mục đích của những điều thiêng liêng với chúng ta là để nhắc nhở chúng ta về sự thiêng liêng của tất cả.
Hiện tại chúng ta sống trong một thế giới đã bị tách khỏi tính thiêng liêng của nó, bởi vậy nên rất ít điều thực sự cho chúng ta cảm giác được sống trong một thế giới thiêng liêng. Các sản phẩm được sản xuất hàng loạt, các mặt hàng tiêu chuẩn, những ngôi nhà giống hệt nhau, các gói thực phẩm giống hệt nhau và các mối quan hệ ẩn danh với các cơ quan chức năng đều phủ nhận tính duy nhất của thế giới. Nguồn gốc xa xôi của các đồ vật mà ta sở hữu, sự ẩn danh trong mối quan hệ, những hậu quả trong việc sản xuất và xử lý hàng hoá nhưng không thấy được trong tầm mắt chúng ta, tất cả đều phủ nhận tính kết nối. Vì vậy, chúng ta sống mà không có kinh nghiệm về sự thiêng liêng. Tất nhiên, trong tất cả những điều mà từ chối tính độc đáo và tính kết nối, tiền luôn đi đầu. Bản thân ý tưởng về một đồng xu bắt nguồn từ mục tiêu chuẩn hóa, sao cho mỗi đồng drachma, mỗi đồng stater, mỗi đồng shekel và mỗi đồng yuan đều có chức năng giống nhau. Hơn nữa, khi nó là một phương tiện phổ quát và trừu tượng cho việc trao đổi, tiền được tách biệt khỏi nguồn gốc của nó, tách biệt khỏi sự liên kết của nó với đồ vật. Một đồng đô la luôn là một đồng đô la, không quan trọng là ai đưa nó cho bạn. Chúng ta sẽ nghĩ rằng một người nào đó thật “trẻ con” khi họ gửi một khoản tiền vào ngân hàng và rút ra một tháng sau đó, phàn nàn rằng: “Đây không phải là tiền tôi đã gửi! Đây là những đồng tiền khác! “
Theo mặc định, cuộc sống được tiền tệ hoá là một cuộc sống trần tục, vì tiền bạc và những thứ nó mua được thiếu tính thiêng liêng. Một quả cà chua mua ở siêu thị và một quả được trồng trong vườn của người hàng xóm và đem sang cho tôi thì khác nhau thế nào? Một ngôi nhà được xây dựng sẵn và một ngôi nhà được xây dựng bởi một người biết tôi và hiểu tôi với sự tham gia của tôi thì khác nhau thế nào? Sự khác biệt cơ bản phát sinh từ các mối quan hệ cụ thể kết hợp tính duy nhất của người cho và người nhận. Khi cuộc sống đầy những điều như vậy, được thực hiện với cái tâm, kết nối bởi mạng lưới các câu truyện gắn liền với con người và nơi chốn mà chúng ta biết, thì đó là một cuộc sống phong phú, một cuộc sống mang tính nuôi dưỡng. Hiện nay chúng ta đang sống dưới một chướng ngại vật của sự giống nhau, của sự thiếu cá tính. Ngay cả các sản phẩm làm theo yêu cầu, nếu được sản xuất hàng loạt, cũng chỉ cung cấp một vài hoán vị của các khối tiêu chuẩn giống nhau. Sự giống nhau này giết chết linh hồn và làm cho cuộc sống trở nên rẻ mạt.
Sự hiện diện của điều thiêng liêng giống như một sự trở về nhà, ngôi nhà mà từ trước tới nay vẫn luôn ở đó, một sự thật vẫn luôn tồn tại. Nó xảy ra khi tôi quan sát một con côn trùng hay một cái cây, nghe bản giao hưởng của những chú chim hay tiếng gọi của những con ếch, cảm nhận bùn giữa các kẽ ngón chân, chăm chú ngắm nhìn một vật thể đẹp, học hỏi về sự hoạt động phức tạp đến mức vô đối của một tế bào hoặc một hệ sinh thái, chứng kiến sự đồng bộ hoặc các biểu tượng trong cuộc sống của bản thân tôi, ngắm những đứa trẻ hạnh phúc chơi đùa, hay cảm động vì một tác phẩm của một thiên tài. Những trải nghiệm đó dù phi thường, nhưng chúng không tách biệt khỏi phần còn lại của cuộc sống. Mà quả thực, sức mạnh của chúng đến từ sự thoáng hiện của một thế giới thực hơn, một thế giới thiêng liêng là nền tảng của thế giới của chúng ta.
Vậy cái “ngôi nhà mà vẫn luôn ở đó”, cái “sự thật mà vẫn luôn tồn tại” đó là cái gì? Đó là chân lý về sự hợp nhất hoặc sự kết nối của tất cả mọi vật hiện hữu, và cảm giác rằng chúng ta đang tham dự vào một điều gì đó lớn lao hơn cả bản thân chúng ta, nhưng đồng thời cũng chính là chúng ta. Trong sinh thái học, đó là nguyên tắc phụ thuộc lẫn nhau: rằng tất cả mọi loài phải phụ thuộc vào những loài khác xung quanh nó thì mới sống sót được, các mối liên hệ vươn xa hơn rồi bao trùm toàn bộ hành tinh. Sự tuyệt chủng của bất kì loài nào cũng đều dẫn đến sự mất đi tính toàn vẹn của chính bản thân chúng ta.
Nếu cái thiêng liêng là cửa ngõ dẫn tới sự hợp nhất của vạn vật, thì nó cũng đồng thời là cửa ngõ dẫn tới tính duy nhất và sự đặc biệt của mỗi cá thể. Một vật/cá thể thiêng liêng là độc nhất vô nhị, nó mang theo mình tính chất duy nhất không thể bị thuyên giảm thành một nhóm đặc điểm giống nhau. Đó là lí do vì sao khoa học giản thuyết dường như tước đi tính thiêng liêng của thế giới, vì tất cả mọi thứ biến thành một tổ hợp này hoặc tổ hợp khác của một số những đặc điểm giống nhau. Quan niệm này phản chiếu hệ thống kinh tế của chúng ta, bản thân nó bao gồm các mặt hàng tiêu chuẩn, công việc tiêu chuẩn, quy trình tiêu chuẩn, dữ liệu tiêu chuẩn, và tiêu chuẩn hơn cả là tiền – một sự trừu tượng tối thượng. Trước đây mọi việc không như thế. Những người sống theo bộ lạc nhìn nhận mỗi sinh vật không phải chỉ là một thành viên của một hạng mục mà là một cá thể duy nhất. Ngay cả hòn đá, đám mây mà những giọt nước tưởng như giống nhau cũng được coi là những sinh vật có tri giác và duy nhất. Các sản phẩm được làm ra bởi bàn tay con người cũng là độc nhất, nó mang theo mình những cái không đồng đều đặc trưng của người làm ra nó. Đây chính là mối liên kết giữa hai đặc điểm của sự thiêng liêng là tính độc nhất và tính kết nối: những đồ vật độc nhất mang theo dấu ấn khởi nguyên của nó, mang theo vị trí duy nhất của nó trong mạng lưới những sự vật hiện hữu, sự phụ thuộc của nó vào những phần còn lại của quá trình sáng tạo. Những đồ vật và hàng hoá tiêu chuẩn thì đều giống nhau và bởi vậy không gắn liền với các mối liên hệ.
Trong cuốn sách này tôi sẽ mô tả một cái nhìn mới về một hệ thống tiền tệ và một nền kinh tế thiêng liêng, là hiện thân của tính duy nhất và tính liên kết với nhau của tất cả mọi sự vật. Nó sẽ không bị tách rời, trên thực tế hay trong nhận thức, khỏi mạng lưới tự nhiên nền tảng. Nó hợp nhất con người với thiên nhiên – hai lĩnh vực bị tách rời đã lâu; nó là sự mở rộng của sinh thái học – tuân theo tất cả mọi quy luật của tự nhiên và mang theo mọi vẻ đẹp của tự nhiên.
Trong mỗi tổ chức của nền văn minh của chúng ta, bất kể xấu xí hay thối nát thế nào, vẫn luôn có phôi thai của một điều đẹp đẽ: cùng một nốt nhạc nhưng ở một quãng cao hơn. Tiền cũng không ngoại lệ. Mục đích ban đầu của nó chỉ đơn giản là kết nối những món quà của con người với nhu cầu của con người, để tất cả chúng ta có thể sống trong sự sung túc và dồi dào hơn. Làm thế nào mà tiền đã tạo ra sự khan hiếm thay vì sự dồi dào, sự tách biệt thay vì sự kết nối, là một trong những chủ đề của cuốn sách này. Tuy nó đã trở thành thế nào, trong lý tưởng ban đầu của tiền như là một đại diện của món quà, chúng ta có thể thoáng nhìn thấy một cái gì đó mà trong tương lai sẽ khiến nó trở nên thiêng liêng một lần nữa. Chúng ta công nhận việc trao đổi quà tặng là một dịp thiêng liêng, đó là lý do tại sao chúng ta tự nguyện thực hiện một buổi lễ khi trao quà tặng. Tiền thiêng liêng sẽ là một phương tiện để cho đi, là phương tiện để mang tinh thần của quà tặng thấm vào nền kinh tế toàn cầu, cái tinh thần đó đã chi phối các nền văn hoá bộ tộc và làng xã và vẫn đang hiện diện ở bất kì nơi nào mà mọi người làm việc gì đó cho nhau không vì tiền.
Kinh tế học thiêng liêng mô tả tương lai này và đồng thời đưa ra những phương án thực tế để tiến tới tương lai đó. Đã từ lâu tôi trở nên mệt mỏi khi đọc những cuốn sách chỉ phê phán một vài khía cạnh của xã hội mà không đưa ra được một cách thức nào để thay thế. Rồi tôi cũng trở nên mệt mỏi khi đọc những cuốn sách đưa ra những cách thức lạc quan quá mức đến bất khả thi: “Chúng ta phải cắt giảm thải khí CO2 90%.” Tôi lại trở nên mệt mỏi với những cuốn sách có đưa ra những cách thức hợp lí nhưng không miêu tả những điều mà cá nhân tôi có thể thực hiện được. Kinh tế học thiêng liêng nhắc đến cả bốn khía cạnh: nó phân tích những điều cơ bản đã khiến tiền trở nên sai lệch; nó mô tả một thế giới tốt đẹp hơn dựa trên một loại tiền tệ và nên kinh tế khác; nó giải thích những hoạt động tập thể cần thiết để tạo ra thế giới đó và các phương thức hành động; và nó đi vào khám phá cách mà các cá nhân có thể thay đổi thế giới, sự thay đổi về vai trò và cách sống mà tôi gọi là “sống trong tinh thần quà tặng.”
Việc chuyển hoá tiền không phải là thuốc chữa bách bệnh cho các căn bệnh của thế giới, cũng không nên được ưu tiên hơn các lĩnh vực cải cách khác. Chỉ mỗi việc sắp xếp lại các bit trong các máy tính sẽ không xóa bỏ được những thiệt hại thực tế về vật chất và xã hội trên hành tinh của chúng ta. Tuy nhiên, công việc chữa lành cũng sẽ không đạt được hiệu quả ở bất kì lĩnh vực nào nếu không có sự chuyển hoá tương ứng của tiền tệ, vì tiền đã đi vào từng ngóc ngách của cuộc sống. Những thay đổi về mặt kinh tế mà tôi miêu tả là một phần của một sự thay đổi lớn lao, một sự thay đổi bao trùm lên tất cả các khía cạnh của cuộc sống.
Nhân loại đang chỉ mới bắt đầu thức tỉnh trước sự trầm trọng của cuộc khủng hoảng hiện tại. Nếu sự chuyển hoá về kinh tế mà tôi miêu tả có vẻ thần diệu, thì đó là bởi vì chỉ có một phép lạ mới có thể chữa lành được thế giới. Ở tất cả mọi lĩnh vực, từ tiền tệ đến sinh thái đến chính trị đến công nghệ đến y tế, chúng ta cần những giải pháp vượt quá những giới hạn khả thi hiện tại. Thật may là, khi cuộc sống cũ sụp đổ, chúng ta biết rằng giới hạn của những điều khả thi sẽ nới rộng ra, và theo với nó lòng dũng cảm cũng như mong muốn hành động của chúng ta sẽ lớn lên. Sự hội tụ của các cuộc khủng hoảng hiện tại – trong lĩnh vực tiền tệ, năng lượng, giáo dục, y tế, nước, đất, khí hậu, chính trị, môi trường, và nhiều nữa – là một cuộc khủng hoảng sẽ đưa chúng ta bước sang một cuộc sống mới, một thế giới mới. Chúng ta không thể ngăn những cuộc khủng hoảng này thâm nhập vào đời sống cá nhân, và thế giới của chúng ta sẽ sụp đổ, chúng ta sẽ bước vào một thế giới mới, với một vai trò mới. Đây là lí do tại sao nhiều người cảm thấy có một ý nghĩa tâm linh nào đó của cuộc khủng hoảng hiện tại. Chúng ta cảm thấy rằng “bình thường” sẽ không quay trở lại, rằng chúng ta sẽ được tái sinh vào một cái bình thường mới: một kiểu xã hội mới, một mối quan hệ mới với trái đất, một trải nghiệm làm người mới.
Tôi cống hiến sự lao động của tôi cho một thế giới tốt đẹp hơn mà trái tim của chúng ta biết là có thể tồn tại. Tôi nói “trái tim” của chúng ta bởi vì lý trí của chúng ta đôi lúc nói rằng thế giới đó là không thể tồn tại. Lý trí của chúng ta nghi ngờ rằng mọi việc sẽ sẽ rất khác so với những gì mà chúng ta học được từ kinh nghiệm bản thân. Có thể bạn sẽ cảm thấy ngờ vực, coi thường, hoặc thất vọng khi bạn đọc mô tả của tôi về một nền kinh tế thiêng liêng. Có thể bạn sẽ cảm thấy muốn bỏ qua lời của tôi vì cho rằng nó lí tưởng đến mức vô vọng. Bản thân tôi cũng từng muốn giảm nhẹ những lời mô tả của mình, để khiển nó trở nên hợp lí hơn, có trách nhiệm hơn, phù hợp hơn với những kì vọng nhỏ nhoi của chúng ta về cuộc sống và về thế giới. Nhưng nếu giảm nhẹ như thế thì sẽ không nói lên được sự thật. Tôi sẽ dùng những công cụ của lý trí để nói lên những điều trong trái tim tôi. Trong tim tôi, tôi biết rằng chúng ta có thể kiến tạo nên một nền kinh tế và một xã hội đẹp đẽ như thế, và điều gì kém hơn thế thì không xứng đáng với khả năng của chúng ta. Hay chúng ta đã tuyệt vọng đến mức không thể mong cầu được một thế giới thiêng liêng?