Lắng dịu tiếng nói của truyền thống

22 Tháng Sáu 2019
Chuyên mục
Unschooling
Bình luận  0

Mấy hôm nay, cô con gái 12 tuổi của tôi dậy muộn. Khoảng 9 giờ sáng, những tồn dư ngoan cố của lối suy nghĩ truyền thống thì thầm vào tai tôi rằng có lẽ tôi nên đánh thức con dậy. Có nhiều thứ để làm. Hôm nay trời rất đẹp. Mặt trời đã lên mấy tiếng đồng hồ. Anh trai con bé cũng đã thức dậy từ lâu rồi.

10h15, tiếng nói bên trong mang đầy sự khó chịu (hoặc có lẽ là ghen tị) lại vang lên trong đầu tôi rằng bữa sáng vẫn đang bày trên bàn ăn và rằng chúng tôi có nhiều thứ hay ho để làm hơn là đợi con bé thức dậy. Tôi chưa bao giờ được phép ngủ dậy muộn như vậy khi con nhỏ. Vậy tại sao con bé lại được?

11h, tôi đã hết chịu nổi, hoàn toàn bị thuyết phục rằng con gái mình đang lãng phí thời gian. Thời gian quý giá để học hỏi đã bị bỏ phí. Trời ạ, hôm nay chưa phải là cuối tuần. Chúng tôi đang làm hư con bé. Nhưng rồi một ý nghĩ khác nảy lên và gợi ý rằng có thể con bé đang buồn bực điều gì đó. Hoặc con bé ốm. Chắc chắn có điều gì đó không ổn. Dạo này tôi có ở bên con bé không? Tôi có lắng nghe con không? Tại sao tôi lại không để ý nhỉ?

Thế rồi tiếng nói tàn nhẫn nhất từ bên trong lại vang lên mỗi lúc một to hơn: “Mình là một người mẹ tồi tệ.”

Cuộc đối thoại trong đầu này là điều tôi không thể ngăn lại, dù tôi đã unschool 5 năm nay và cố gắng rất nhiều để điều chỉnh bản thân. Đây là một quá trình lặp đi lặp lại và tác động mạnh tới tôi mà tôi không biết. Khi cả hai con tôi đều chưa biết đọc khi trường họccho rằng lẽ ra chúng phải biết đọc rồi, tiếng nói của truyền thống trong tôi bảo rằng các con đang bị chậm phát triển. Khi chúng không biết thế nào là thời gian biểu hoặc không biết viết chữ hoa, nó thuyết phục tôi rằng các con không có đủ các kĩ năng cần thiết. Khi các con không có mấy chục bạn cùng lớp để mời đến dự sinh nhật, trái tim tôi tan vỡ và tiếng nói kia lại bảo tôi rằng chắc các con phải cô đơn lắm! Và khi người khác chỉ trích hoặc phán xét sự tự do giáo dục của các con, tiếng nói kia lại khiến tôi cảm thấy xấu hổ bằng cách thuyết phục rằng lẽ ra tôi nên đưa con tới trường học.

Đôi khi, tôi có thể ngẩng đầu và nhận ra rằng tiếng nói kia chỉ là những vết tích cũ từ quá trình trưởng thành của tôi và từ những ảnh hưởng của sự điều kiện hoá của xã hội lên bản thân tôi. Nó như những cuốn băng được ghi âm, những thông điệp được nhắc đi nhắc lại quá lâu đến nỗi thật khó để làm chúng lắng xuống. Nhưng, tuy tôi không thể khiến những tiếng nói kia chìm trong im lặng, tôi không việc gì phải nghe theo chúng nữa. Và đương nhiên tôi cũng không phải làm theo lời của chúng nữa.

Cũng có những khoảnh khắc khi yếu đuối, tôi lại xỉ vả những con ma tự ti, những cơn giận dữ, những giọt nước mắt của sự hoài nghi. Nhưng tôi sẽ không đầu hàng. Khi tôi biết chăm sóc bản thân, tôi nhận ra chân tướng của tiếng nói kia, tôi còn chấp nhận nó như là một phần không thể tách rời khỏi bản thân mình. Tôi viết nó ra giấy, mời nó tới thảo luận cho rõ ràng. Và tôi cố gắng không áp đặt nó lên các con mình. Con gái tôi không nợ tôi một lời giải thích, một lời biện hộ, một sự minh chứng nào. Con cần ngủ và con đang lắng nghe cơ thể. Bởi vậy khi con bé tỉnh dậy, được nghỉ ngơi đủ và nạp đầy năng lượng, nụ cười và khuôn mặt đáng yêu của con khiến tôi kinh ngạc. Tôi ôm lấy con và chào con buổi sáng. Tiếng nói lè nhè kia lui vào góc để rồi tôi sẽ quét nó đi cùng với bụi bẩn và những mẩu vụn của cuộc đời. Chắc chắn rằng trong vài giờ tới con gái tôi sẽ học hỏi và sáng tạo nhiều điều mới mẻ.

Tôi ngắm nhìn con ăn sáng bằng một tay, còn tay kia thì vẽ bằng cả trái tim. Một tiếng nói nhẹ nhàng vang lên, tiếng nói mà tôi đã vun đắp và đón chào sau nhiều thời gian và trải nghiệm. Nó không bao giờ hét, không làm tôi xấu hổ, cũng không nhì nhèo. Nó chỉ đơn giản nói rằng: “Hãy tin tưởng!”

(https://amuddylife.com/2018/02/20/silencing-the-voice-of-conformity/)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *