Năm 1930, nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes đã dự đoán rằng, cuối thế kỉ 20, thời gian làm việc mỗi tuần của một người trung bình sẽ là 15 giờ đồng hồ. Sự tự động hoá lúc đó vừa bắt đầu thay thế nhiều công việc vào đầu thế kỉ 20, và Keynes đoán trước rằng xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển cho đến một thời điểm mà tất cả những gì con người cần để có một cuộc sống vừa ý có thể được tạo ra bởi một lượng lao động tối thiểu, dù là lao động trí óc hay thể chất. Hoá ra Keynes đã đúng về sự tự động hoá. Giờ đây chúng ta có nhiều loại máy móc, máy vi tính và rô bốt có thể nhanh chóng thực hiện những công việc mà trước đây con người phải làm một cách khó nhọc, và sự phát triển của tự động hoá không hề có dấu hiệu chậm lại. Nhưng ông ấy đã sai về sự giảm lao động của con người.
Khi những công việc cũ được thay thế bởi máy mọc thì công việc mới lại xuất hiện. Một số những công việc mới đó là kết quả trực tiếp của những công nghệ mới, và công bằng mà nói, những việc đó có ích lợi cho xã hội theo những cách mà không chỉ để con người có việc để làm. Những công việc trong ngành công nghệ thông tin là những ví dụ điển hình nhất, chẳng hạn như việc thiết kế và sản xuất trò chơi game để phục vụ những nhu cầu giải trí mới của con người. Nhưng chúng ta cũng có những công việc mới xuất hiện mà có vẻ như hoàn toàn không có lợi, thậm chí có hại. Ví dụ là, các công việc quản lí của các tờ báo lá cải, những luật sư kinh tế chuyên đi giúp đỡ các công ty tìm cách trốn thuế, hàng vạn người làm trong ngành công nghiệp tài chính làm những việc mà những kẻ vận động hành lang láu cá lợi dụng để mua chuộc các chính trị gia, và những người làm các công việc quảng cáo để thúc đẩy mua bán những thứ mà chẳng ai thực sự cần.
Một thực tế đáng buồn là rất nhiều người đang sử dụng phần lớn thời gian sống của họ để làm những việc chằng có ích lợi gì cho xã hội. Nhiều người thậm chí còn không tự đặt câu hỏi là công việc họ làm thực sự có ích lợi gì cho xã hội hay không. Chúng ta có các chính trị gia đấu tranh để giữ những nhà máy sản xuất vũ khí tiếp tục hoạt động để các công nhân ở đó không bị thất nghiệp, kể cả khi những loại vũ khí đó đã được quân đội cho là không còn hữu ích nữa. Và chúng ta cũng có các chính trị gia và học giả cãi lý rằng ngành công nghiệp khai thác dầu (năng lượng hoá thạch) và các nhà máy xả carbon phải được giữ để duy trì công việc cho công nhân, còn việc môi trường bị phá huỷ thì cứ mặc kệ.
Vấn đề thực sự ở đây, tất nhiên, là một vấn đề có tính kinh tế. Chúng ta đã tìm ra cách giảm lượng công việc cần phải làm để sản xuất ra tất cả những thứ chúng ta cần và muốn (một cách thực tế), nhưng chúng ta không biết cách phân bổ những nguồn đó trừ khi thông qua việc trả lương cho những công việc kéo dài 40 giờ hoặc hơn mỗi tuần. Thật ra, ngành công nghệ có tác dụng tập trung ngày càng nhiều sự giàu sang vào tay một số ngày càng ít phần trăm dân số, chính điều này tạo ra vấn đề về sự phân bổ. Hơn nữa, như một di sản từ cuộc cách mạng công nghiệp, chúng ta có một đặc tính về mặt văn hoá nói rằng con người phải làm việc để kiếm ăn, và thế là chúng ta lảng đi những kế hoạch nghiêm túc về việc chia sẻ của cải qua những cách khác ngoài cách đánh đổi sức lao động.
Bởi vậy, tôi nói, đặt công việc xuống và hãy vui chơi đi! Chúng ta sinh ra để vui chơi chứ không phải để làm việc. Chúng ta toả sáng khi vui chơi. Hãy đề cho các nhà kinh tế nghĩ cách làm thế nào để tạo ra một thế giới tối đa hoá vui chơi và tối thiểu hoá công việc. Có vẻ đó là vấn đề giải quyết được. Chúng ta sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu những người đang làm các việc vô ích hoặc có hại đang vui chơi thay vì làm việc, và tất cả chúng ra sẽ san sẻ đều những việc cần làm và chia sẻ đều với nhau những lợi ích có được từ đó.
Công việc là gì?
Từ “công việc” có nhiều nghĩa khác nhau. Nghĩa của từ “công việc” mà Keynes dùng cũng như tôi dùng ở đoạn trên là: một hoạt động mà chúng ta làm bởi vì chúng ta cảm thấy cần phải làm để nuôi sống bản thân và gia đình về mặt kinh tế. “Công việc” cũng có thể có nghĩa là bất kì hoạt động nào khiến ta cảm thấy không thoải mái nhưng vẫn phải làm, dù nó có giúp ta kiếm được đủ số tiền mà ta muốn hay không. Như vậy, “công việc” trái ngược với “vui chơi”. Một số người may mắn cho rằng nghề nghiệp của họ là một cuộc chơi. Họ vẫn sẽ làm những công việc đó kể cả khi họ không cần làm để kiếm tiền. Đó không phải là ý nghĩa của từ “công việc” mà tôi nói đến trong bài viết này. Nhưng nó là một ý nghĩa đáng để chúng ta lưu tâm vì nó nhắc chúng ta nhớ rằng phần lớn những thứ mà hiện nay chúng ta gọi là công việc, bởi chúng ta làm công việc đó để kiếm tiền, có thể được gọi là vui chơi trong một thế giới mà cuộc sống được đảm bảo theo một cách khác.
Công việc có phải là một phần không thể thiếu với con người không? Không.
Nhiều người ngạc nhiên khi biết được điều này, nhưng trong lịch sử loài người, công việc là một phát minh mới. Nó xuất hiện cùng lúc với sự xuất hiện của ngành nông nghiệp, khi con người phải lao động nhiều giờ để cày cấy, chăm sóc cây trồng và thu hoạch; rồi nó mở rộng ra với sự xuất hiện của ngành công nghiệp, khi con người phải làm những công việc chán ngắt nhiều giờ mỗi ngày trong những dây chuyền sản xuất hoặc trong các khu hầm mỏ. Nhưng ngành nông nghiệp mới xuất hiện được khoảng mười ngàn năm thôi, và ngành công nghiệp thì còn mới mẻ hơn thế nhiều. Trước đó, trong suốt hàng trăm ngàn năm, chúng ta là những người săn bắt hái lượm. Những nhà nghiên cứu đã quan sát và sống với những nhóm người cho đến hiện tại vẫn săn bắt hái lượm ở nhiều vùng hẻo lánh trên thế giới thường xuyên báo cáo lại rằng những con người đó hầu như không làm những việc mà chúng ta hiện nay gọi là công việc.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng một người đàn ông hoặc phụ nữ trong các nhóm săn bắt hái lượm dành ra trung bình 20 giờ mỗi tuần để săn bắt, hái lượm, và thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến sự sinh tồn như chế tạo công cụ và chuẩn bị bữa ăn. Một phần thời gian còn lại khi họ tỉnh táo được dùng để nghỉ ngơi, nhưng phần lớn thời gian họ tham gia vào các hoạt động vui chơi như chơi nhạc, sáng tạo nghệ thuật, nhảy múa, chơi trò chơi, kể chuyện, hàn thuyên với bạn bè, đi thăm bạn bè hoặc họ hàng ở những nhóm láng giềng. Ngay cả việc săn bắt và hái lượm cũng không được coi là công việc, họ làm những việc đó một cách hăng hái và nhiệt tình. Bởi vì những hoạt động đó rất vui và được thực hiện bởi một nhóm bạn, nên luôn luôn có cả tá người muốn đi săn bắt và hái lượm; và bởi vì thực phẩm được chia sẻ trong cả nhóm nên nếu ai đó không cảm thấy muốn đi săn bắt hoặc hái lượm vào một ngày nào đó thì họ không bị ép phải đi.
Một số nhà nhân chủng học báo cáo lại rằng những nhóm người mà họ nghiên cứu còn chẳng có từ nào để ám chỉ công việc; hoặc nếu họ có một từ thì từ đó chỉ dành cho những người nông dân, hoặc công nhân mỏ, hoặc những người không săn bắt hái lượm mà họ biết. Nhà nhân chủng học Marsha Sahlins (1972) đã rất nổi tiếng khi nhắc đến những người săn bắt hái lượm như là một “xã hội giàu có nguyên thuỷ” – giàu có không phải vì họ có nhiều của cải mà vì nhu cầu của họ rất ít và họ có thể thoả mãn những nhu cầu đó mà không phải cố gắng gì nhiều, bởi vậy họ có rất nhiều thời gian để vui chơi.
Về mặt tiến hoá, mười ngàn năm là một khoảng thời gian gần như vô nghĩa. Bản chất con người của chúng ta đã hình thành rất lâu trước khi có sự xuất hiện của ngành nông nghiệp hay công nghiệp. Về cơ bản, tất cả chúng ra đều là những người săn bắt hái lượm, sinh ra để tận hưởng các hoạt động sinh tồn và để có thật nhiều thời gian sáng tạo những hoạt động mang lại niềm vui cho bản thân ngoài các hoạt động mang tính sinh tồn. Hiện giờ chúng ta có thể trồng trọt chăn nuôi và sản xuất với rất ít sức lao động, chúng ta có thể giành lại sự tự do mà chúng ta đã từng tận hưởng trong suốt phần lớn lịch sử tiến hoá, nếu chúng ta có thể giải quyết được vấn đề phân bổ.
Chúng ta có cần làm việc để luôn năng động và hạnh phúc không? Không.
Một số người lo lắng nếu ai đó sống mà ít làm việc thì sẽ trở nên lười biếng và suy sụp tâm lí. Họ nghĩ rằng con người cần làm việc để có cảm giác mình sống có mục đích hoặc chỉ để có lí do ra khỏi giường mỗi sáng. Họ thấy rằng nhiều người sau khi mất việc đã trở nên trầm cảm, họ thấy nhiều người sau khi đi làm về đã chẳng làm thêm được việc gì mấy, họ thấy nhiều người lớn tuổi sau khi nghỉ hưu đã không biết phải làm gì nữa và cảm thấy mình vô giá trị. Nhưng những quan sát đó đều diễn ra trong một thế giới mà trong đó với nhiều người, không có việc làm đồng nghĩa với sự thất bại; trong đó những người đã làm việc cả ngày, khi về nhà đều cảm thấy kiệt sức về thể xác hoặc tinh thần; trong đó công việc được tán dương còn vui chơi thì bị chê bai; và trong đó một cuộc sống chỉ biết có làm việc hay học tập từ tuổi học tiểu học cho đến lúc nghỉ hưu đã khiến rất nhiều người quên cả cách vui chơi.
Hãy nhìn vào những em bé chưa bao giờ đi học xem. Sự tò mò và ham chơi của chúng vẫn chưa bị dẹp đi để nhường chỗ cho công việc. Chúng có lười biếng không? Không. Chỉ cần trừ lúc ngủ thì lúc nào chúng cũng vô cùng năng động. Lúc nào chúng cũng bận rộn, tò mò, và khi chơi chúng sáng tạo ra nhiều câu chuyện, xây dựng nên nhiều thứ, sáng tạo nghệ thuật, và triết lí hoá (vâng, triết lí hoá) cuộc sống quanh chúng. Chẳng có lí do gì để chúng ta cho rằng mong muốn hoạt động đó bị giảm đi theo tuổi tác. Mong muốn đó bị giảm đi vì trường học của chúng ta, nơi đánh giá cao công việc và hạ thấp giá trị của vui chơi, đã tước nó đi mất. Ở những người săn bắt hái lượm, mong muốn này không hề giảm đi theo tuổi tác, và chắc chắn nó cũng không giảm đi trong chúng ta nếu chúng ta không bị ép buộc phải làm việc nhiều đến thế.
Trường học được tạo ra với mục đích chính là để dạy chúng ta nghiễm nhiên biết tuân theo lệnh của những người cầm quyền (các ông chủ) và để dạy chúng ta làm những công việc chán ngắt mà vẫn đảm bảo đúng thời hạn. Nói cách khác, trường học được tạo ra để đè nén mong muốn tự nhiên được khám khá và vui chơi và để chuẩn bị cho chúng ta sẵn sàng chấp nhận một cuộc sống chỉ biết đến công việc. Trong một thế giới mà vui chơi được đánh giá cao hơn công việc, chúng ta sẽ không cần những trường học như thế. Thay vào đó, chúng ta sẽ để mỗi người được tự do vui chơi, sáng tạo, và tự tìm thấy ý nghĩa cuộc sống của bản thân.
Công việc thường là điều chúng ta không muốn làm. Nó làm ta mất tự do. Nếu chúng ta phải làm việc thì tức là chúng ta không được tự do lựa chọn điều mình muốn làm và tự đi tìm ý nghĩa cuộc sống của bản thân. Ý tưởng cho rằng con người cần phải làm việc thì mới cảm thấy hạnh phúc có liên quan mật thiết đến ý tưởng được bảo trợ rằng con người không thể tự biết nên làm gì nếu có tự do. Ý tưởng tệ hại về bản chất con người đó đã được rao giảng hàng thế kỉ rồi, và được nhấn mạnh ở trường học, để duy trì lực lượng nhân công không biến động.
Những khám phá có giá trị về mặt văn hoá, sự sáng tạo và các phát minh có phụ thuộc vào công việc không? Không.
Con người yêu thích khám phá và sáng tạo. Chúng ta sinh ta là đã tò mò và thích vui chơi, và sự khám phá và tính sáng tạo chính là sản phẩm của tính tò mò và sự vui chơi. Chẳng có lí do nào để tin là nếu chúng ta làm việc ít hơn và có nhiều thời gian để làm những điều mình muốn thì sẽ có ít hơn những thành tựu trong khoa học, nghệ thuật và những phát kiến sáng tạo khác.
Những hình thức sáng tạo cụ thể một phần phụ thuộc vào những điều kiện văn hoá. Ở những người săn bắt hái lượm du mục, khi quá nhiều đồ dùng trở thành gánh nặng khi mang theo, những khám phá mới thường là về môi trường sinh học và vật lí mà con người trực tiếp phụ thuộc, và những sản phẩm sáng tạo thường có tính phù du (không tồn tại lâu) như bài hát, điệu nhảy, câu đùa, chuyện kể, trang trí cơ thể… Hiện tại, từ khi ngành nông nghiệp xuất hiện, những sản phẩm của sự sáng tạo bao gồm tất cả những hình thức trên cộng với những sáng tạo vật chất mà đã khiến cách sống của chúng ta thay đổi về mặt cơ bản.
Gần như tất cả các nhà khoa học, nhà phát minh, nghệ sĩ, nhà thơ, và nhà văn lớn đều nhắc đến những thành tựu của họ như là một sự vui chơi. Ví dụ như Einstein, ông nói rằng những thành tựu về toán học và vật lí lí thuyết là “trò chơi tổ hợp”. Ông làm cho vui chứ không phải để kiếm tiền, ông kiếm tiền bằng công việc thư kí tại một văn phòng cấp bằng sáng chế. Nhà sử học văn hoá người Hà Làm Johan Huzinga, trong cuốn sách kinh điển của mình là Homo Ludens, đã bảo vệ một cách thuyết phục rằng phần lớn những thành tựu văn hoá mà đã khiến cuộc sống của con người trở nên phong phú – trong nghệ thuật, âm nhạc, văn chương, thơ ca, toán học, triết lý, và kể cả luật học – đều phát sinh từ sự vui chơi. Ông đã chỉ ra rằng những thành tựu đó tràn trề nhất ở những thời điểm và nơi chốn mà một số đông những người trưởng thành được tự do không phải làm việc và bởi vậy có thể vui chơi, ở trong một môi trường mà vui chơi được nhìn nhận đúng. Một ví dụ điển hình là Athen cổ đại.
Nếu không làm việc thì chúng ta có thụt lùi về mặt đạo đức không? Không.
Nhà thơ và triết gia thế kỉ 18 Friedrich Schiller viết: “Con người chỉ sống toàn vẹn khi vui chơi.” Tôi đồng ý với điều này; dường như với tôi cũng như với Schiller, rõ ràng là khi vui chơi chúng ta tự nhiên quan tâm tới những người khác, và sự quan tâm đó trở thành một phần đặc tính của loài người.
Trong thế giới chỉ có công việc và công việc hiện nay, trách nhiệm hoàn thành công việc khiến chúng ta không còn tâm trí nào để quan tâm tới những người khác nữa. Công việc đã lấy đi thời gian và sức khoẻ, đôi khi cả động lực của chúng ta nữa, khiến chúng ta không thể giúp được người láng giềng khi họ cần, không thể cố gắng bảo vệ môi trường, không thể tuyên truyền những điều tốt có thể đem lại lợi ích đến cho thế giới. Sự thật là đã có rất nhiều người đang tham gia vào những hoạt động nhân văn này mặc dù vẫn chịu áp lực công việc, điều đó là minh chứng rõ ràng rằng con người muốn giúp người khác và muốn khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Phần lớn chúng ta sẽ giúp người khác nhiều hơn nếu không bị công việc chiếm lấy thời gian và sức khoẻ và không bị cám dỗ bởi lòng tham cộng với sự quy phục trước quyền lực mà công việc tạo ra.
Những người săn bắt hái lượm vui chơi cả đời, nhưng những nhà nhân chủng học đều biết rõ họ thiết tha chia sẻ và giúp đỡ người khác như thế nào. Một từ khác dành cho xã hội như vậy là “xã hội bình quân chủ nghĩa” – đó là xã hội duy nhất từ trước tới giờ không có sự phân chia theo tầng lớp thứ bậc. Đặc điểm đạo đức của họ, dựa trên nền tảng vui chơi, ngăn cấm bất kì người nào có địa vị cao hơn hoặc sở hữu nhiều của cải hơn người khác. Trong một thế giới không có công việc, hoặc gần như không có, chúng ta sẽ không còn mong muốn thăng tiến thêm nữa, vì sẽ chẳng đi tới đâu cả. Thay vào đó chúng ta sẽ quan tâm tới sự hạnh phúc của người khác hơn, sau cùng, chính họ là người người bạn cùng chơi với chúng ta cơ mà.
Bởi vậy, thay vì cố gắng để bảo tồn công việc, sao chúng ta không giải quyết vấn đề phân bổ, giảm thiểu công việc, và cho phép bản thân vui chơi nhỉ?
Câu hỏi hay đó.
(Tác giả: Dr. Peter Gray)