Tôi vẫn nghe thấy tiếng bà tôi nói trong đầu bằng một giọng nói dịu dàng và quả quyết: “con là một người đáng yêu và đầy tình thương, rồi con sẽ trở thành một người mẹ tuyệt vời nhất trên đời này”. Tôi đã cảm thấy rất tự hào bởi tôi rất tin lời bà nói. Tôi đầy tình thương và tôi sẽ trở thành một người mẹ tuyệt vời. Tình thương yêu = người mẹ tốt.
Thế rồi tôi trở thành một người mẹ.
Những năm tháng đầu tiên, vì thiếu ngủ và không có thời gian chăm sóc bản thân, tôi đã trở nên kiệt sức đến mức tất cả những cảm xúc yêu thương mà tôi nghĩ mình có thừa đều bay vèo ra ngoài cửa sổ.
Tôi trở thành một người mẹ tồi tệ nhất có thể. Tôi đã rất bực bội, khó chịu và oán giận việc tôi phải chăm sóc một đứa trẻ mà tôi hầu như không biết phải chăm sóc thế nào và 1) sẽ không có ai cứu tôi thoát khỏi cái hoàn cảnh đó… không bao giờ 2)cuối năm sẽ chẳng có khoản thưởng nào và 3)tôi sẽ không bao giờ được chồng con mình trao danh hiệu “người mẹ của năm”, bởi tôi luôn có cảm giác mình có nghĩa vụ phải hy sinh, hy sinh và hy sinh nhiều hơn nữa.
Thế rồi một điều mới mẻ loé lên trong đầu tôi,
“Tình yêu không tồn tại khi ta ở trạng thái kiệt sức hay không hiểu biết! Có thể tôi yêu con mình hơn bất kì ai hay điều gì, nhưng tình yêu đó không khiến tôi cảm thấy thanh thản, yêu thương hay hiện hữu. Thực ra, khi tôi càng tin rằng tôi yêu con thì tôi càng muốn hét thật to vào mặt con khi con không làm theo những gì tôi mong muốn”
Tôi nhận ra một sự thật rằng: tình yêu thương mà tôi dành cho con, hay cho chồng, hay cho bất kì ai thực ra là hoàn toàn vì bản thân tôi. TÔI, TÔI, TÔI, họ khiến TÔI cảm thấy thế nào. Nếu họ làm TÔI thoái mái thì tôi rất yêu họ. Nhưng lúc nào họ không làm theo ý TÔI thì tôi sẽ rất oán giận, luôn phán xét, luôn kiểm soát và hành động chẳng khác nào một đứa trẻ.
Vậy tôi còn thiếu điều gì? Tôi tự hỏi.
Tôi đã nghĩ rằng chỉ yêu thôi là đã đủ lắm rồi.
SỰ TỈNH THỨC! Đó là điều còn thiếu. Nhưng điều này có nghĩa là gì?
Chỉ khi nào ta hiểu được rằng tình yêu thương nếu không đi đôi với sự tỉnh thức thì cũng chỉ là một loại cảm xúc, ta mới có mong muốn sống trong một tầm nhận thức cao hơn.
Nếu ta chỉ muốn níu lấy cảm xúc yêu thương thì ta sẽ bị lạc lối trong sự thất thường của nó và sẽ bị nó trói buộc.
Khi ta ở trong trạng thái cao hơn của yêu thương, ta sẽ có thể yêu bản thân và người khác vì chính bản chất con người họ; và ta sẽ không thấy họ cần phải thay đổi hay hay đáp trả yêu thương cho ta theo cách mà ta muốn.
Tình yêu của ta không còn mang tính ích kỉ nữa.
Chúng ta có thể lựa chọn: hoặc yêu thương người kia vì chính họ, hoặc là không.
Chúng ta cũng có thể lựa chọn: yêu thương mù quáng hay yêu thương trong tỉnh thức.
Ta có thể yêu được người khác hay không phụ thuộc vào việc ta có thể yêu bản thân mình vô điều kiện hay không.
Chỉ khi nào ta tự chăm lo được cho những nhu cầu của chính mình thì ta mới có thể thực sự yêu thương được người khác.
Khi ta yêu thương ai đó vì ta cần họ thì tình yêu đó trở thành một loại nhu cầu, sự phụ thuộc và kiểm soát.
Hãy thử nhìn lại tình yêu của bạn qua lăng kính này. Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận ra rằng tình yêu bạn dành cho người khác cũng không sâu sắc lắm và lại có rất nhiều điều kiện kèm theo.
Đừng buồn lòng! Có thể đây sẽ là con đường dẫn bạn tới một tình yêu thương lớn hơn – tình yêu thương trong sự tỉnh thức – tình yêu thương thực sự.
(TS Shefali Tsabary)