Đánh mất mình trong khi được giáo dục

11 Tháng Năm 2018
Chuyên mục
Unschooling
Bình luận  0

Con gái 7 tuổi của tôi thường nói với tôi rằng: “Mẹ, khi con lớn lên con không muốn làm gì cả. Con chỉ muốn là chính mình, như bây giờ thôi.” Và tôi nói với con rằng là chính mình là một điều tuyệt vời. Con bé có ý nói rằng, câu trả lời cho câu hỏi “sau này lớn lên con muốn làm gì?” mà người lớn thường hay hỏi trẻ con là “con chỉ muốn là chính mình”. Phải chọn là một cái gì nhất định thì quả là rất hạn chế. Con bé có rất nhiều mối quan tâm. Con nói với tôi: “Mẹ, con là một vũ công, một nghệ sĩ, một nhà thám hiểm, một người viết truyện, một người thích giúp đỡ người khác, một người chị, và một nhà khoa học!” Và quả đúng là như vậy. Hiện tại con đã là ai đó rồi, và con biết rất rõ mình là người thế nào.

Và điều đó khiến tôi vui mừng thực sự.

Tất cả mọi người đều nên biết mình là ai, mình thích gì, đam mê gì, tin vào điều gì và tại sao.

Vào thời điểm bạn trở thành người lớn, hy vọng là bạn đã dành tuổi thơ của mình để khám phá ra những điều này, và khi đó bạn sẽ sẵn sàng đưa ra những quyết định về điều mà bạn muốn làm tiếp theo. Nhưng thường là không được như vậy. Khi chúng ta bước vào độ tuổi 17-18, mọi người đều kì vọng chúng ta sẽ lựa chọn một hướng đi nghề nghiệp, kiếm một tấm bằng Đại học nhưng chúng ta thì chẳng hề biết mình muốn gì. Một số người quyết định nghỉ học một năm (gap year) để “tìm lại chính mình”. Và tôi tự hỏi, họ đã “đánh mất mình” khi nào?

Có lẽ tôi biết câu trả lời.

Nếu trong suốt 13 năm tuổi thơ, mỗi tuần 5 ngày, bạn phải làm những điều người khác bảo bạn làm, học những điều người khác bảo bạn học, nghĩ những điều người khác bảo bạn nghĩ, thì chuyện bạn không biết mình thực sự là ai cũng không phải là điều khó hiểu, phải không?

Nếu bạn luôn được người khác bảo phải chú tâm vào môn học này môn học kia, trong thời gian bao lâu, thì bạn còn thời gian đâu để khám phá niềm đam mê thực sự của bản thân nữa?

Nếu bạn liên tục được người khác thúc đẩy học tập bằng những phần thưởng hoặc sự trừng phạt từ bên ngoài, vậy có gì ngạc nhiên khi bạn chẳng thấy có động lực gì nếu không còn bất kì chế độ thưởng phạt nào nữa? Tệ hại hơn là, khi những đứa trẻ tuổi teen trải qua điều này, chúng bị chỉ trích là “lười biếng” và “mất định hướng” khi chính người lớn chúng ta là nguyên nhân khiến chúng thành ra như thế.

Cơ hội được dành tuổi thơ để khám phá ra mình là ai, để học các kĩ năng cần thiết cho cuộc sống của riêng mình, để lớn lên thành người mà mình sinh ra để trở thành, là một điều tôi ước mong cho tất cả mọi trẻ em. Chúng cũng có những quyền như người lớn trong việc tự kiểm soát tâm trí mình, tự kiểm soát điều gì chúng quan tâm, điều gì chúng muốn học, điều gì chúng muốn làm, phải không? Có lẽ nếu nhiều trẻ em có được cơ hội đó hơn thì số người trẻ cần phải đi “tìm chính mình” ở tuổi 17 sẽ ít hơn chăng?

Để làm gì nếu bạn đã hoàn thành tất cả các môn học ở trường nhưng lại chẳng thiết tha gì với cuộc sống? Thật là không công bằng khi chúng ta cướp mất tuổi thơ của trẻ em để đổi lấy cái gọi là “giáo dục”. Những đứa trẻ trở thành những người trưởng thành, đi làm những công việc mà chẳng có một chút hứng thú nào bởi họ cũng không biết lối đi nào khác hơn.

Có lẽ nếu chúng ta trả lại tuổi thơ cho trẻ em, để chúng tự do học điều chúng muốn theo cách mà chúng muốn, thì thế giới này sẽ có những người lớn hạnh phúc hơn và nhiệt huyết hơn với cuộc sống. Như vậy trẻ em sẽ không phải “đánh mất chính mình” để được coi là “có giáo dục”.

Tôi không biết khi lớn lên các con tôi sẽ làm gì. Nhưng, vì chúng không tới trường, nhiều khả năng là chúng sẽ không đánh mất chính mình trong khi “được giáo dục”. Cái giá của giáo dục như vậy là quá cao.

 

(http://happinessishereblog.com/2016/04/getting-educated-losing-yourself)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *