Mặc dù trước mắt ta có rất nhiều bằng chứng cho thấy nhiều chiến lược làm cha mẹ không hiệu quả và thậm chí thường gây ra tác dụng ngược, phần lớn chúng ta đi theo hướng không tỉnh thức mà chính nó đã tạo ta những khó khăn trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Để có thể thực sự kết nối có hiệu quả với con, ta phải sẵn sàng đối mặt và giải quyết các vấn đề của bản thân bắt nguồn từ cách mà bản thân ta được nuôi dạy. Nếu không được chuyển hoá theo cách đó, ta sẽ không tôn trọng con, không quan tâm đến mong muốn thực sự của con và không thấy được sự thông thái của chúng. Chỉ khi nào người làm cha mẹ chúng ta hiểu rõ bản thân mình thì lúc đó ta mới có thể giúp con hiểu rõ được bản thân chúng.
Vì lí do này, để làm cha mẹ tỉnh thức chúng ta bắt buộc phải chuyển hoá bản thân. Thực ra theo kinh nghiệm của tôi, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái tồn tại đầu tiên là với mục đích chuyển hoá cha mẹ, sau đó mới tới mục đích nuôi dạy đứa trẻ.
Khi tôi chỉ ra cho các bậc cha mẹ rằng họ cần phải chuyển hoá bản thân, họ thường khự nự “Sao lại là tôi?”, họ không hiểu điều tôi gợi ý. Khi tôi giải thích rằng cách duy nhất để con cái họ thay đổi hành vi là khi cha mẹ trở nên tỉnh thức hơn thì họ thường cảm thấy thất vọng. Họ không chấp nhận được sự thật là họ cần phải thay đổi cách nhìn của chính họ chứ không nên tập trung vào việc thay đổi con cái. Tôi thấy có nhiều bậc cha mẹ sợ phải đối diện với những điều không thể biết trước sẽ xảy ta một cách tất yếu trong hành trình chuyển hoá từ vô thức sang tỉnh thức.
Con đường này không dành cho những trái tim yếu ớt mà dành cho những tâm hồn dũng cảm dám mong muốn trải nghiệm sự liên kết thực sự với con cái họ. Con chúng ta đến đây để ta có thể nhận ra những vết thương tâm lí của mình và để kêu gọi lòng dũng cảm cần thiết để chuyển hoá những giới hạn mà các vết thương này đã tạo ra trong ta. Khi hiểu được quá khứ có ảnh hưởng như thế nào tới cuộc sống của ta trong hiện tại, dần dần ta sẽ có khả năng làm cha mẹ trong sự tỉnh thức. Cho đến lúc đó, dù ta có cố gắng đến mức nào, dù ta không mời gọi nó, nhưng sự vô thức cũng sẽ luồn lách vào các tương tác giữa ta và con cái.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng các bạn đừng mong ước sự vô thức không tồn tại. Thay vào đó, việc hiểu được các hình thái của sự vô thức và hậu quả của nó có thể thúc đẩy một người bắt đầu tự xem xét lại bản thân, và đó là điều bắt buộc để trở thành một người làm cha làm mẹ tốt.
Trong hành trình này con cái là đồng minh của chúng ta, bởi chúng liên tục phản chiếu các khía cạnh của sự vô thức của cha mẹ, chúng cho ta hết cơ hội này đến cơ hội khác để thức tỉnh. Vì trẻ em xứng đáng có được những bậc cha mẹ tỉnh thức, nên ta phải mang nợ con vì sự tồn tại của chúng có thể giúp ta chuyển hoá bản thân.
Mặc dù trên hành trình chuyển hoá bản thân, mỗi cá nhân sẽ phải trải qua những chi tiết khác nhau, nhưng về cơ bản tất cả đều phải tự hỏi mình những vấn đề sau:
Tôi có đang cho phép bản thân tiến tới một sự chuyển hoá về mặt tâm linh thông qua mối quan hệ với con cái hay không?
Làm thế nào để tôi nuôi dạy con với sự tỉnh thức mà con thực sự cần ở tôi, và trở thành người cha mẹ mà con tôi xứng đáng được có?
Làm thế nào để tôi thoát khỏi những nỗi sợ phải thay đổi và chuyển hoá bản thân để phù hợp với những mong muốn sâu thẳm của con?
Tôi có dám đi ngược lại với đám đông để nuôi dạy con theo cách mà cuộc sống nội tâm được coi trọng hay không?
Tôi có công nhận là mỗi bước đi trong hành trình làm cha mẹ là một lời kêu gọi tôi trưởng thành hơn hay không?
Tôi có thể nhìn nhận mối quan hệ của mình với con cái là một mối quan hệ thiêng liêng hay không?
(tg: TS Shefali Tsabary)