Chúng ta có nhà to hơn nhưng gia đình nhỏ lại;
Nhiều tiện ích hơn, nhưng ít thời gian hơn.
Chúng ta có nhiều bằng cấp hơn nhưng ít khôn ngoan hơn;
Nhiều kiến thức hơn nhưng ít sự phán đoán hơn;
Nhiều chuyên gia hơn, nhưng nhiều vấn đề hơn;
Nhiều thuốc men hơn nhưng kém khoẻ mạnh hơn.
Chúng ta lên tận Mặt trăng,
Nhưng không thể qua đường để gặp người hàng xóm mới.
Chúng ta tạo nên nhiều máy tính để lưu trữ nhiều hơn bao giờ hết,
Nhưng không còn thực sự truyền thông với nhau;
Chúng ta có rất nhiều về số lượng,
Nhưng lại rất ít về chất lượng.
Giờ là thời đại của đồ ăn nhanh nhưng tiêu hoá chậm;
Những người cao lớn nhưng tính cách thì tủn mủn;
Lợi ích khủng nhưng các mối quan hệ thì hời hợt.
Giờ là lúc ngoài cửa sổ kia có rất nhiều,
Nhưng trong phòng lại chẳng có gì. – Vô danh
Cuộc khủng hoảng tài chính mà chúng ta đang phải đối mặt ngày nay phát sinh từ thực tế là hầu như chẳng còn lại bất kì vốn xã hội, văn hoá, tự nhiên và tinh thần nào để biến thành tiền nữa. Việc tạo ra tiền liên tục trong nhiều thế kỉ đã khiến cho chúng ta trở nên quá nghèo nàn đến nỗi không còn gì để bán. Rừng của chúng ta bị tàn phá không thể cứu chữa, đất của chúng ta cạn kiệt và bị cuốn ra biển, cá đã bị khai thác hết, và khả năng hấp thụ và tái chế chất thải của trái đất bị bão hòa. Kho tàng văn hoá các bài hát và câu chuyện, các hình ảnh và biểu tượng, đã bị cướp đi và sở hữu dưới dạng bản quyền. Bất kỳ cụm từ thông minh nào bạn có thể nghĩ đến đã là một khẩu hiệu được đăng ký nhãn hiệu. Các mối quan hệ và khả năng của con người đã bị cướp đi khỏi chúng ra rồi được bán lại cho chính chúng ta, bởi vậy nên giờ đây chúng ta phải phụ thuộc vào người lạ, phụ thuộc vào tiền, để có những thứ mà trước đây gần như là miễn phí: thức ăn, nơi trú ẩn, quần áo, các trò giải trí, chăm sóc trẻ em, nấu nướng. Bản thân cuộc sống đã trở thành một loại mặt hàng để đem ra mua bán.
Ngày nay chúng ta bán đi những dấu tích cuối cùng của những điều thiêng liêng nhất mà chúng ta được ban tặng: sức khoẻ, sinh quyển và bản đồ gen của chúng ta, thậm chí cả tâm trí của chúng ta nữa. Lời tuyên bố của Pythagoras rằng “Tất cả mọi thứ đều là con số”, đã gần như trở thành sự thật: thế giới đã được chuyển đổi thành tiền. Quá trình này đang đạt đến cực điểm trong thời đại của chúng ta. Nó gần như đã hoàn chỉnh, đặc biệt là ở Mỹ và nước “phát triển”. Ở các nước “đang phát triển” (hãy để ý cách những từ ngữ này đưa ra giả định rằng hệ thống kinh tế của chúng ta là mục tiêu mà các xã hội khác phải hướng tới) vẫn còn những người sống chủ yếu trong các nền văn hoá quà tặng, nơi tài sản tự nhiên và xã hội chưa bị biến thành đối tượng để sở hữu. Sự toàn cầu hoá là quá trình tước đoạt những tài sản này để phục vụ nhu cầu tăng trưởng không giới hạn của cỗ máy tiền. Tuy nhiên, việc khai thác trên những vùng đất khác cũng đang chạm tới các giới hạn của nó, bởi vì gần như chẳng còn gì để mà khai thác nữa và bởi vì ở đó sự phản kháng ngày càng mang lại nhiều hiệu quả.
Kết quả là nguồn cung tiền – và khoản nợ tương ứng – trong vài thập kỉ trở lại đây đã vượt xa lượng hàng hóa và dịch vụ mà nó hứa hẹn. Điều này liên quan sâu sắc đến vấn đề quá tải trong kinh tế học cổ điển. Để trì hoãn khủng hoảng vốn – một cái vòng luẩn quẩn của lợi nhuận giảm, lương giảm, tiêu dùng giảm, và sự thừa mứa hàng hoá trong các ngành công nghiệp đã hoàn thiện – chúng ta phải liên tục phát triển các ngành công nghiệp và thị trường mới có lợi nhuận cao. Sự sống còn của chủ nghĩa tư bản phụ thuộc vào sự phát triển vô tận của những ngành công nghiệp mới này, mà về cơ bản nó là sự chuyển đổi vô hạn các tài nguyên tự nhiên, văn hoá, xã hội và tinh thần thành tiền. Vấn đề là các nguồn tài nguyên này là hữu hạn, và khi chúng càng gần đến mức cạn kiệt thì sự khai thác càng trở nên khó khăn và gây hại. Do đó, cùng lúc với cuộc khủng hoảng tài chính, chúng ta có cuộc khủng hoảng sinh thái và cuộc khủng hoảng về sức khoẻ. Các cuộc khủng khoảng này liên quan chặt chẽ tới nhau. Chúng ta không thể tiếp tục chuyển đổi trái đất thành tiền, cũng không thể tiếp tục chuyển đổi sức khoẻ của bản thân thành tiền mà không khiến cho nền tảng của sự sống bị đe doạ.
Trong một câu chuyện cổ của Trung Quốc có một con quái vật tên là tao tie. Con quái vật này không bao giờ biết no. Nó ăn mọi sinh vật xung quanh nó, ăn hết cả trái đất mà nó vẫn đói. Vì vậy, nó bắt đầu ăn cơ thể của chính mình. Nó ăn tay, chân và thân của mình, không để lại gì ngoài cái đầu. Có lẽ câu chuyện này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tình trạng hiện tại.
Một cái đầu không thể sống mà không có cơ thể. Khi đã ngốn hết các tài sản chung, ngành tài chính bắt đầu chuyển sang ăn thịt chính nó: nền kinh tế công nghiệp mà lẽ ra nó phải phục vụ. Nếu thu nhập từ sản xuất hàng hoá và dịch vụ không đủ để trả nợ, thì các chủ nợ sẽ tịch thu tài sản để thay thế. Đây là những gì đã và đang xảy ra trong nền kinh tế Mỹ và toàn cầu. Ví dụ, ban đầu việc vay tiền mua nhà với tài sản thế chấp là chính ngôi nhà đó là con đường dẫn tới việc sở hữu một ngôi nhà của riêng mình với số vốn ban đầu là 20% giá trị ngôi nhà. Nhưng hiện nay gần như chẳng có ai dám mơ ước một ngày nào đó sẽ trả được hết nợ, thực tế là họ chỉ đang thuê ngôi nhà từ ngân hàng mà thôi. Trên thế giới, các quốc gia thuộc Thế giới thứ ba cũng rơi vào tình trạng tương tự, khi họ buộc phải đem bán các tài sản quốc gia và tư hữu hoá các dịch vụ xã hội để trả nợ cho IMF (quỹ tiền tệ quốc tế). Cũng như bạn cảm thấy toàn bộ sức lao động của bạn là để phục vụ cho việc trả nợ, thì toàn bộ nền kinh tế của họ hướng tới việc sản xuất hàng hóa để trả nợ nước ngoài.
Các kế hoạch thắt chặt chi tiêu để thanh toán nợ cho IMF cũng tương tự như kế hoạch trả nợ bắt buộc do tòa án đưa ra: “Bạn sẽ phải sống tằn tiện hơn, làm việc chăm chỉ hơn, và dành ra một phần lớn hơn trong khoản thu nhập để trả nợ. Bạn sẽ giao nộp cho tôi tất cả mọi thứ bạn sở hữu và chuyển tất cả các khoản thu nhập trong tương lai của bạn cho tôi!” Lương hưu cho người lao động, lương giáo viên, khoáng chất, dầu mỏ – tất cả đều được dành cho việc trả nợ. Các hình thức nô lệ đã thay đổi, nhưng định hướng cơ bản của nó thì chưa. Trớ trêu là về lâu dài, các kế hoạch trả nợ này thậm chí không mang lại lợi ích cho chủ nợ. Chúng làm giảm tăng trưởng kinh tế bằng cách giảm nhu cầu tiêu thụ và các cơ hội đầu tư kinh doanh. Việc làm bốc hơi, giá hàng hóa sụt giảm, khả năng thanh toán nợ của người nợ và các quốc gia nợ giảm xuống.
Không thể nghĩ xa hơn các lợi ích ngắn hạn, nhóm tư bản tiền tệ thích chương trình thắt chặt (austerity) bởi theo đó người bị nợ nói rằng “Chúng tôi sẽ cống hiến nhiều sức lao động hơn và nhiều tài nguyên hơn cho việc thanh toán nợ.” Nó cho phép các khoản nợ không thể tất toán được thanh toán thêm một thời gian nữa. Đây là những gì đang xảy ra ở châu Âu vào thời điểm những dòng này được viết (2010), khi các chính phủ cắt giảm lương hưu và đồng ý tư nhân hoá các dịch vụ xã hội để họ có thể đảm bảo với các chủ trái phiếu rằng họ sẽ được trả [lãi]. Các chính sách “thắt lưng buộc bụng” cũng đang diễn ra trên nước Mỹ dưới hình thức báo động rùm beng về thâm hụt ngân sách liên bang. Trong logic của thị trường trái phiếu và thâm hụt ngân sách, việc chúng ta phải có trách nhiệm thắt chặt chi tiêu hơn để trả nợ cho quốc gia là không thể bàn cãi. Nhưng nếu chúng ta nghĩ vượt thoát logic đó thì điều này là vô lý: liệu chúng ta có thể bị ép buộc phải hạ thấp chất lượng cuộc sống của nhiều người để bảo vệ sự giàu có của một số ít người bởi những con số đơn thuần và sự diễn giải các bit [trên máy vi tính] hay không?
Cũng đến lúc nguồn thu nhập và tài sản có thể tịch thu của người mắc nợ rơi vào tình trạng cạn kiệt. Sự sụp đổ của nền kinh tế đang diễn ra vào thời điểm hiện tại lẽ ra đã phải xảy ra cách đây nhiều năm, nếu những tài sản giả mạo được thổi phồng giá trị không được tạo ra để nuôi sống con quái vật tài chính tao tie lâu hơn một chút trong khi nó tự ăn thịt chính nó, với các khoản nợ mới chồng chất các khoản nợ cũ. Những nỗ lực cứu vãn nền kinh tế hiện nay không thể mang lại hiệu quả, bởi vì kinh tế phải tiếp tục phát triển – tất cả những khoản nợ đều có kèm lãi suất. Tuy nhiên chính quyền vẫn tiếp tục cố gắng. Khi bạn nghe cụm từ “giải cứu hệ thống tài chính”, hãy hiểu điều đó có nghĩa là “giữ các khoản nợ trên sổ sách.” Họ đang tìm cách để bạn (và các quốc gia mắc nợ) tiếp tục trả nợ và để khoản nợ tiếp tục tăng lên. Kim tự tháp nợ không thể phát triển mãi mãi, bởi vì cuối cùng, khi những người vay phải dùng tất cả thu nhập của mình để phục vụ cho việc trả nợ và khi tài sản của họ đã bị tịch thu hết, các chủ nợ không còn cách nào khác ngoài việc cho người vay vay thêm tiền để thanh toán nợ. Chẳng mấy chốc số nợ lên quá cao đến mức người mắc nợ phải vay tiền để trả lãi. Điều này có nghĩa là tiền không chảy từ người vay sang chủ nợ được nữa. Đây là giai đoạn cuối cùng, giai đoạn này thường là ngắn, mặc dù nó được kéo dài trong thời đại của chúng ta bằng “ma thuật” tài chính của phố Wall. Các khoản nợ gốc và các khoản nợ phái sinh bắt đầu bị mất giá trị, dẫn đến sự giảm phát nợ.
Về cơ bản, cuộc khủng hoảng tài chính gần đây và cuộc khủng hoảng tăng trưởng của nền văn minh của chúng ta có liên quan tới nhau. Tiền nợ kèm lãi suất buộc kinh tế phải tăng trưởng, và khủng hoảng nợ là một triệu chứng xảy ra bất cứ khi nào sự tăng trưởng chậm lại.
Cuộc khủng hoảng hiện nay là giai đoạn cuối cùng của những gì đã bắt đầu vào những năm 1930. Các giải pháp liên tiếp cho vấn đề cơ bản của việc làm thế nào để tốc độ tăng trưởng của tiền bắt kịp với lãi suất (%) đã được áp dụng, và đã kiệt quệ. Giải pháp hiệu quả đầu tiên là chiến tranh, một tình trạng đã tồn tại từ năm 1940. Thật không may, hay đúng hơn là may, vũ khí hạt nhân và sự thay đổi ý thức con người đã giới hạn sự leo thang vô tận về mặt quân sự. Chiến tranh giữa các cường quốc không còn khả thi nữa. Các giải pháp khác – sự toàn cầu hóa, phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới bằng công nghệ để thay thế cho sức lao động của con người, sử dụng công nghệ để cướp đoạt đến cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, và cuối cùng là sự tự gặm nhấm của ngành tài chính – cũng có tiến trình tương tự như giải pháp chiến tranh. Trừ khi có những lĩnh vực khác có thể đem ra chuyển đổi thành tiền mà tôi chưa biết đến, và trừ khi chúng ta có thể chịu đựng được sự đói nghèo hơn, đau khổ hơn và xa cách hơn, thì điều không thể tránh khỏi không thể được trì hoãn lâu hơn nữa.
Bong bóng tín dụng được đổ lỗi là nguồn gốc của tai họa kinh tế hiện tại của chúng ta. Thực chất nó không phải là nguyên nhân, mà chỉ là một triệu chứng khi nền kinh tế không thể tiếp tục tăng trưởng được nữa. Khi thu nhập từ đầu tư vốn bắt đầu giảm vào đầu những năm 1970, vốn bắt đầu tìm kiếm trong sự tuyệt vọng những cách khác để duy trì sự tăng trưởng của nó. Khi mỗi bong bóng xuất hiện – hàng hóa vào cuối những năm 1970, đầu tư bất động sản vào năm 1980, các cổ phiếu dotcom trong những năm 1990, và bất động sản và các dẫn xuất tài chính trong những năm 2000 – vốn chuyển sang các khoản đầu tư kế tiếp ngay lập tức và vẫn duy trì ảo tưởng về sự mở rộng kinh tế. Nhưng nền kinh tế thực sự thì đang trì trệ. Hàng hoá từ hoạt động sản xuất công nghiệp luôn thừa mứa mà nhu cầu tiêu dùng không thể bắt kịp với nó. Vốn tự nhiên và xã hội cũng không còn đủ để chuyển đổi thành tiền được nữa.
Để duy trì sự tăng trưởng của tiền theo cấp số nhân, hoặc khối lượng hàng hoá và dịch vụ phải có khả năng theo kịp với nó, hoặc chủ nghĩa đế quốc và chiến tranh phải leo thang vô tận. Tất cả đã đạt đến giới hạn của nó. Không còn giải pháp nào khác nữa.
Hiện nay, chúng ta không thể tiếp tục chuyển đổi thiên nhiên thành hàng hoá và các mối quan hệ thành dịch vụ được nữa. Các tiến bộ về công nghệ sẽ không giúp chúng ta bắt được thêm nhiều cá hơn – nguồn cá ở biển đã gần cạn kiệt. Chúng sẽ không giúp chúng ta tăng sản lượng thu hoạch gỗ – các cánh rừng đã gần biến mất hết. Chúng sẽ không giúp chúng ta trong việc khai thác dầu được nhiều hơn – nguồn dự trữ dầu đang khô cạn. Chúng ta không thể mở rộng lĩnh vực dịch vụ – hầu như không còn bất cứ điều gì chúng ta làm cho nhau miễn phí nữa. Nền kinh tế không thể tiếp tục tăng trưởng được nữa; chúng ta không thể chuyển đổi sự sống và thế giới thành tiền được nữa. Bởi vậy, ngay cả khi chúng ta tuân theo các quy định chính sách cực đoan hơn từ phe cánh tả – với hy vọng tiếp tục kích thích tăng trưởng kinh bằng việc hủy bỏ các khoản nợ và phân phối lại thu nhập – thì những di sản thiên nhiên, văn hoá và cộng đồng còn sót lại sẽ biến mất nốt. Cùng lắm, kích thích kinh tế sẽ cho phép nền kinh tế tăng trưởng thêm chút ít trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, vì các lĩnh vực không bị tiền tệ hoá (demonetized) trong thời kì suy thoái sẽ được tiền tệ hoá lại lần nữa (remonetized). Ví dụ, khi kinh tế suy thoái, tôi và một số bạn bè thay nhau trông nom con cái của nhau, nhưng nếu kinh tế thịnh vượng, chúng tôi sẽ tự gửi con đến trường mầm non (chi phí gửi con đến trường mầm non ở Mỹ rất cao – ND). Sự giúp đỡ qua lại của chúng ta trở thành một cơ hội để dựa vào đó nền kinh tế có thể tăng trưởng: những gì chúng ta làm cho nhau miễn phí có thể được chuyển đổi thành các dịch vụ để kiếm tiền. Nói chung, chúng ta chỉ đang quay trở về như trước kia, và một cuộc khủng khoảng mới tương tự sẽ lại xảy ra. Chiến tranh và sự giảm phát chỉ có hiệu quả và sẽ giảm dần hiệu quả trong việc kéo dài thời gian để tìm đến các vốn tự nhiên và xã hội mới chưa bị tiền tệ hoá.
Do đó, vấn đề hiện nay sâu sắc hơn nhiều so với những gì hiện nay người ta vẫn nói. Hãy xem xét ví dụ điển hình này từ một tạp chí tài chính:
“[Paul] Volcker nói đúng. Các khoản nợ có kí quỹ, chứng khoán đảm bảo bởi tài sản thế chấp, những sự phức tạp và các trò tiêu khiển phát sinh từ máy vi tính không phải là giải pháp cho các nhu cầu cơ bản trong nền kinh tế, mà là giải pháp cho sự tham lam không giới hạn của phố Wall. Nếu không có chúng, các ngân hàng sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài tiếp tục dùng vốn của họ để đáp ứng các nhu cầu thực sự của các doanh nghiệp và người tiêu dùng, và như vậy sẽ không có khủng hoảng, không sụp đổ, và không suy thoái.” (1)
Điều này chỉ mô tả được bề mặt của một vấn đề sâu sắc hơn, trong đó các giao ước nợ có thế chấp (collateralized debt obligations) hoặc tương tự chỉ là những triệu chứng đơn thuần. Vấn đề sâu sắc hơn là không có đủ các “nhu cầu thực sự” để các ngân hàng có thể chi vốn cho chúng, bởi vì chỉ có những nhu cầu như vậy mới tạo ra lợi nhuận cao hơn mức lãi suất của các khoản vay hợp lệ. Trong một nền kinh tế của sự sản xuất dư thừa, các khoản vay như vậy là rất hiếm. Vì vậy, ngành công nghiệp tài chính đã chơi các trò chơi số (chứng khoán) để thay thế. Giao ước nợ có thế chấp là một triệu chứng, chứ không phải là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính có nguồn gốc từ việc tăng trưởng kinh tế không thể bắt kịp với lãi suất.
Nhiều chuyên gia đã quan sát thấy mô hình Ponzi* của Bernard Madoff không khác nhiều so với kim tự tháp công cụ phái sinh** và các công cụ khác dựa trên tài sản thế chấp của ngành tài chính. Các công cụ này vốn tạo ra một bong bóng, mà giống như mô hình Ponzi của Madoff, nó chỉ có thể duy trì được chính nó thông qua sự phát triển không ngừng của dòng tiền mới theo cấp số nhân. Không như mọi người nghĩ, mô hình Ponzi chính là một biểu tượng của thời đại chúng ta. Không phải chỉ có thị trường tài chính phố Wall là mô hình kim tự tháp không bền vững duy nhất. Mà cả hệ thống kinh tế cũng không bền vững bởi nó dựa trên sự chuyển đổi không ngừng các tài sản chung hữu hạn thành tiền. Nó giống như một ngọn lửa phải bùng cháy ngày càng cao hơn cho đến khi các nhiên liệu có sẵn trở nên cạn kiệt. Chỉ có một kẻ ngốc mới tin rằng một ngọn lửa có thể cháy ngày càng cao hơn khi nguồn nhiên liệu là hữu hạn. Sự phi công nghiệp hóa (deindustrialization) và tài chính hóa (financialization) nền kinh tế gần đây cũng giống như việc dùng sức nóng để tạo ra thêm nhiên liệu. Theo định luật thứ hai của nhiệt động học, cái được tạo ra luôn luôn ít hơn nguồn nhiên liệu cần để tạo ra nó. Rõ ràng, việc vay tiền mới để trả nợ gốc và lãi cho khoản nợ cũ không thể kéo dài được lâu, nhưng đó là điều mà nền kinh tế nói chung đã và đang làm trong 10 năm qua.
(* Mô hình Ponzi là trò vay tiền của người này để trả nợ người khác. Kẻ đi vay đưa ra cam kết trả lợi tức cao cho người cho vay và quảng cáo với họ về những tấm gương đã từng nhận được lợi tức cao trước đây để hấp dẫn người cho vay. Người cho vay bị hấp dẫn bởi lợi tức cao lại thậm chí giới thiệu những người cho vay mới hơn. Bằng hình thức này, kẻ đi vay càng ngày càng vay được những khoản tiền lớn hơn từ nhiều người cho vay mới hơn. ** Phái sinh hay còn gọi là Chứng khoán phái sinh, là một công cụ tài chính thừa hưởng giá trị của nó từ giá trị của các thực thể cơ sở chẳng hạn như tài sản, chỉ số, hay lãi suất — bản thân nó không có giá trị nội tại)
Tuy nhiên, ngay cả nếu chúng ta từ bỏ sự điên rồ này, chúng ta vẫn phải đối mặt với sự cạn kiệt của nguồn nhiên liệu (hãy nhớ, tôi không chỉ có ý nói đến nguồn nhiên liệu với nghĩa là năng lượng, mà tôi muốn nói đến bất kỳ nguồn vốn tự nhiên hoặc văn hóa nào có thể biến được thành hàng hoá). Hầu hết các đề xuất để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay là tìm thêm nhiên liệu. Cho dù đó là khoan thêm giếng dầu, hoặc bê tông hoá các khoảng không gian xanh, hoặc thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng, thì mục tiêu đều là để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – nghĩa là mở rộng lĩnh vực hàng hoá và dịch vụ. Điều đó có nghĩa là tìm ra những thứ mới để chúng ta phải trả tiền để có chúng. Ngày nay, thậm chí chúng ta phải trả tiền để có nước sinh hoạt, đúng là tổ tiên của chúng ta nằm mơ cũng không thể tưởng tượng ra điều này. Còn cái gì mà chưa bị biến thành tiền nữa?
Theo tôi biết, nhà kinh tế học đầu tiên nhận ra vấn đề cơ bản và mối quan hệ của nó với hệ thống tiền tệ là Frederick Soddy, một người từng được trao giải Nobel và là người tiên phong trong lĩnh vực hóa học hạt nhân, người đã chuyển mối quan tâm của mình sang ngành kinh tế học vào những năm 1920. Soddy là một trong những người đầu tiên vạch trần hệ tư tưởng về sự tăng trưởng kinh tế vô hạn theo cấp số nhân. Ông mở rộng lý luận của Thomas Malthus vượt ngoài lĩnh vực dân số sang lĩnh vực kinh tế. Herman Daly mô tả ngắn gọn cái nhìn của Soddy như sau:
“Ý tưởng rằng mọi người có thể sống đầy đủ nhờ vào việc trả lãi cho các khoản vay của họ… chỉ là một kế hoạch tăng trưởng kinh tế vĩnh viễn khác (perpetual motion scheme) – một ảo tưởng điên rồ trên quy mô lớn. Soddy dường như có ý nói rằng việc gì mà rõ ràng là bất khả thi ở mức độ cộng đồng (tất cả mọi người phải trả lãi để sống sót) thì cũng nên bị cấm ở mức độ cá nhân, như một nguyên tắc công bằng. Nếu không bị cấm, hoặc ít nhất là bị hạn chế theo cách nào đó, thì tại một thời điểm nào đó, khoản nợ sẽ trở nên quá lớn (lớn hơn cả giá trị của tài sản thế chấp) đến mức người mắc nợ không thể có khả năng trả nợ được nữa, và xung đột sẽ xảy ra. Cuộc xung đột sẽ diễn ra dưới hình thức thoái thác nợ. Nợ phát triển với lãi suất kép và như một con số toán học là hoàn toàn không có giới hạn để ngừng hoặc chậm lại. Lượng của cải lớn dần trong một thời gian với lãi suất kép, nhưng vì nó là vật chất, nên sự tăng trưởng của nó sớm hay muộn sẽ đạt tới giới hạn.” (2)
Theo lí thuyết Peak Oil (Peak Oil là thời điểm mức khai thác dầu tăng đến đỉnh điểm rồi sau đó nó sẽ giảm sút mãi mãi cho đến khi dầu bị cạn kiệt-ND), tăng trưởng kinh tế có liên quan mật thiết đến sự tiêu thụ tài nguyên, bởi vậy nền kinh tế sẽ sụp đổ khi ngành chế biến dầu bắt đầu sa sút. Những người chỉ trích lí thuyết Peak Oil thì cho rằng kinh tế có thể tăng trưởng mà không phụ thuộc vào việc sử dụng năng lượng nhờ có công nghệ. Kể từ năm 1960, nền kinh tế của Mỹ đã tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với mức tiêu thụ năng lượng, đây là một xu hướng tăng nhanh trong những năm 1980. Nước Đức thậm chí đã làm được tốt hơn thế, từ năm 1991 mức tiêu thụ năng lượng của họ giữ nguyên không đổi mặc dù nền kinh tế Đức tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên, vấn đề ở đây không chỉ là sự tiêu thụ năng lượng. Đúng là chúng ta có thể duy trì tăng trưởng kinh tế bằng cách thay vì tiêu thụ loại tài nguyên này thì chuyển sang tiêu thụ một loại tài nguyên khác – bằng cách đốt khí đốt (gas) thay vì dầu hoặc bằng cách tạo ra các dịch vụ trả tiền hoặc sở hữu tài sản trí tuệ thay vì đi đánh bắt cá tuyết. Nhưng khi xét về tổng thể (bao gồm tất cả các tài sản chung về tự nhiên, văn hoá, xã hội và tinh thần), lập luận cơ bản của Peak Oil vẫn còn hiệu lực. Thay vì Peak Oil, chúng ta đang đối mặt với Peak Everything (thời điểm tất cả các tài nguyên bắt đầu trở nên cạn kiệt mãi mãi-ND).
Khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra năm 2008, phản ứng đầu tiên của chính phủ – gói cứu trợ và kích thích tiền tệ – là một nỗ lực nhằm duy trì một tháp nợ vượt xa nền tảng kinh tế thực của nó. Cách làm đó tạm thời có hiệu quả trong một khoảng thời gian, nó trì hoãn một điều mà sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra. Cách làm thay thế – kích thích kinh tế – bị chết yểu vì một lí do sâu sắc hơn. Nó không thành công vì chúng ta đã chạm tới các giới hạn: thiên nhiên đã hết khả năng tiếp nhận chất thải của chúng ta mà không để hệ sinh thái bị phá huỷ; xã hội đã hết khả năng chịu đựng thêm sự biến mất của các cộng đồng và sự kết nối; rừng đã gần biến mất hết, cơ thể của con người đã mất khả năng duy trì sự sống trong một thế giới bị ô nhiễm với đầy các chất độc hại. Việc chỉ số tín dụng của chúng ta đạt tới giới hạn của nó chỉ phán ánh một điều rằng chúng ta chẳng còn gì để biến thành tiền được nữa. Chúng ta có thực sự cần thêm đường xá và những cây cầu để phát triển kinh tế nữa hay không? (3) Các chương trình kích thích của chính phủ cùng lắm sẽ kéo dài sự tồn tại của hệ thống kinh tế trong hai hoặc ba năm, có thể sẽ có tăng trưởng trong một khoảng thời gian ngắn khi chúng ta hoàn thành công cuộc bóc lột thiên nhiên, tinh thần, cơ thể và văn hoá. Khi những di tích này của các tài sản chung đã biến mất, thì không gì có thể ngăn được sự sụp đổ (the Great Unraveling) của nền kinh tế tiền tệ.
Mặc dù chi tiết và thời gian của sự sụp đổ này là không thể tiên đoán được, nhưng tôi cho rằng đầu tiên chúng ta sẽ phải trải qua tình trạng giảm phát, trì trệ và phân hóa giàu nghèo, tiếp theo là bất ổn xã hội, siêu lạm phát hoặc sụp đổ tiền tệ. Vào thời điểm đó, những lựa chọn thay thế (alternatives) mà chúng ta đang khám phá ngày nay sẽ có chỗ đứng riêng, chúng sẽ tạo cơ hội để chúng ta xây dựng nên một nền kinh tế mới thiêng liêng. Càng gần tới lúc nền kinh tế tiền tệ sụp đổ, càng có nhiều đề xuất trong cuốn sách này trở nên thuyết phục hơn.
Đối mặt với cuộc khủng hoảng mà sớm muộn sẽ xảy ra, mọi người thường hỏi họ có thể làm gì để tự bảo vệ bản thân. “Mua vàng? Dự trữ thực phẩm đóng hộp? Xây nhà tại một khu vực hẻo lánh?” Tóm lại là “tôi nên làm gì?” Tôi muốn đưa ra một câu hỏi khác, đó là: “Điều tốt đẹp nhất mà tôi có thể làm là gì?” Bạn thấy đấy, cuộc khủng hoảng hiện nay thực chất đang mở ra một cơ hội rất lớn cho chúng ta. Sự giảm phát, sự mất giá trị của tiền, chỉ là một điều xấu nếu việc tạo ra tiền là một điều tốt. Tuy nhiên, từ những ví dụ tôi đưa ra bạn có thể thấy rằng việc tạo ra tiền đã làm tất cả chúng ta trở nên nghèo nàn bằng nhiều cách khác nhau. Ngược lại, việc tiền bị mất giá trị có tiềm năng làm cho cuộc sống của chúng ta tốt lên. Nó cho chúng ta cơ hội giành lại các tài sản chung đã mất vì bị biến thành tiền và tài sản tư hữu.
Mỗi khi kinh tế suy thoái chúng ta lại thấy là nhiều người không còn khả năng chi trả cho nhiều loại hàng hoá và dịch vụ nữa, vì vậy họ phải dựa vào bạn bè và hàng xóm. Ở đâu mà các giao dịch gặp khó khăn vì không có tiền làm trung gian, ở đó nền kinh tế quà tặng sẽ tái hiện và các loại tiền mới được tạo ra. Tuy nhiên, thường là mọi người và các tổ chức sẽ bám víu vào các cách thức cũ lâu nhất có thể. Phản ứng đầu tiên thường gặp khi phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế là kiếm nhiều tiền hơn và cất giữ nhiều tiền hơn – tức là đẩy nhanh việc chuyển đổi thành tiền bất kì cái gì bạn có thể chuyển đổi. Ở mức độ hệ thống, sự gia tăng nợ nần tạo áp lực rất lớn lên việc biến các tài sản chung thành hàng hoá. Chúng ta có thể thấy người ta đang kêu gọi khoan dầu tại Alaska, khoan dầu sâu dưới đại dương, v.v…. Tuy nhiên, đây là lúc quá trình đảo ngược thực sự bắt đầu: mọi thứ từ phạm trù của hàng hoá và dịch vụ sẽ được trả về phạm trù của quà tặng, của sự tương hỗ, của sự tự cung tự cấp và sự chia sẻ trong cộng đồng. Hãy ghi nhớ: khi nền kinh tế tiền tệ bắt đầu sụp đổ, quá trình đảo ngược chắc chắn sẽ xảy ra khi mọi người bị mất việc làm hoặc trở nên quá nghèo túng đến nỗi không thể mua gì được. Mọi người sẽ giúp đỡ lẫn nhau, và các cộng đồng thực sự sẽ tái xuất hiện.
Ngay cả khi bạn chỉ lo lắng cho tương lai của bản thân, thì cộng đồng có lẽ là khoản “đầu tư” thông minh nhất mà bạn có thể thực hiện. Khi hệ thống tài chính bắt đầu sụp đổ, hầu hết các khoản đầu tư trở thành các mẩu giấy hoặc các tệp dữ liệu điện tử vô giá trị. Chúng chỉ có giá trị trong phạm vi các thỏa thuận xã hội có chứa và diễn giải chúng. Ngay cả vàng cũng sẽ không làm cho bạn an toàn hơn khi sự việc trở nên thực sự tồi tệ. Trong các thời kì khủng hoảng cực độ, các chính phủ thường tịch thu các kho vàng tư nhân – Hitler, Lenin, và Roosevelt đều đã làm như vậy. Nếu ngay cả chính phủ cũng tan rã, thì những người có súng trong tay sẽ đến và cướp vàng hoặc bất kì tài sản nào có giá trị của bạn.
Thỉnh thoảng tôi có đọc trang web tài chính Zero Hedge vì trên đó có những kiến thức đáng chú ý về các giả thuyết và mưu đồ của tầng lớp nắm quyền lực tài chính. Theo quan điểm không rõ ràng của trang web đó thì hiện nay không có loại tài sản nào trừ vàng và các hàng hoá vật chất là an toàn. Tôi đồng ý với logic này, có điều nó vẫn chưa đi đến tận cùng của vấn đề. Nếu hệ thống ngừng hoạt động dẫn đến sự siêu lạm phát, thì tài sản – cũng là một quy ước xã hội giống như tiền – cũng sẽ mất giá trị. Trong thời kì khủng hoảng xã hội, tôi không thể tưởng tượng được có điều gì nguy hiểm hơn là sở hữu vài trăm ounce vàng. Sự an toàn duy nhất thực sự chỉ có thể tìm thấy trong cộng đồng: lòng biết ơn, sự kết nối, và sự hỗ trợ của những người xung quanh bạn. Nếu bạn đang giàu thì tôi, với tư cách là nhà tư vấn đầu tư của bạn, khuyên bạn rằng: hãy sử dụng của cải của bạn để làm cho cuộc sống của những người xung quanh bạn tốt đẹp lên một cách lâu dài và bền vững.
Trong khi hệ thống hiện tại chưa sụp đổ, bất cứ điều gì chúng ta làm để bảo vệ nguồn tài nguyên tự nhiên cũng như xã hội khỏi bị biến thành tiền sẽ đẩy nhanh sự sụp đổ và giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của nó. Bất kì khu rừng nào bạn bảo vệ khỏi bị khai thác, bất kì con đường nào bạn ngăn chặn xây dựng, bất kì nhóm chơi chung (cooperative playgroup) nào bạn thành lập; bất kì ai được bạn dạy cho cách tự chăm sóc bản thân hoặc cách tự xây nhà, tự nấu ăn, hoặc tự may quần áo; bất kì loại của cải nào bạn tạo ra hoặc thêm vào cho cộng đồng; bất kì cái gì được bạn bảo vệ để không bị Cỗ máy nuốt-chửng-thế-giới chạm tới sẽ giúp thu ngắn thời gian tồn tại của Cỗ máy. Và khi hệ thống tiền tệ sụp đổ, nếu bạn đã không bị phụ thuộc vào tiền để có thể đáp ứng được phần nào nhu cầu của mình, thì cuộc sống của bạn sẽ không thể bị đảo lộn nhiều lắm đâu. Tương tự như vậy ở mức độ xã hội. Bất kì sự trù phú nào về mặt tự nhiên, cho dù là sự đa dạng sinh học, đất đai màu mỡ, hoặc nước sạch, và bất kì cộng đồng hoặc tổ chức xã hội nào mà không phải là phương tiện để chuyển đổi cuộc sống thành tiền sẽ duy trì và làm phong phú cuộc sống sau khi tiền trở nên vô giá trị.
Tôi sẽ sớm miêu tả một hệ thống tiền tệ khác mà không phải là nguyên nhân dẫn đến sự chuyển đổi tất cả những gì tốt đẹp thành tiền. Trong đó, còn người sẽ có một vai trò hoàn toàn khác, “cái tôi” sẽ mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. “Nhiều hơn cho bạn tức là ít hơn cho tôi” sẽ không còn đúng nữa. Ở mức độ cá nhân, cuộc cách mạng sâu sắc nhất mà chúng ta có thể thực hiện là một cuộc cách mạng trong ý thức về bản thân, trong vai trò của chúng ta. Cái tôi rời rạc và tách biệt của Descartes và Adam Smith đang trở nên lỗi thời. Chúng ta đang nhận ra rằng chúng ta có liên quan chặt chẽ tới nhau và tới toàn thể sự sống. Lãi suất đi ngược lại với sự hợp nhất này, vì nó tìm kiếm sự tăng trưởng của cái tôi tách biệt nhưng lại làm tổn hại đến những cái bên ngoài hay những cái khác. Có lẽ những ai đang đọc cuốn sách này đều đồng ý với nguyên tắc của sự tương tức, dù là từ quan điểm tâm linh hay sinh thái. Đã đến lúc chúng ta sống theo nguyên tắc đó. Đã đến lúc chúng ta sống với tinh thần quà tặng, bởi đó là biểu hiện của sự thấu hiểu nguyên tắc bất phân ly. Giờ đây rõ ràng là “ít hơn cho bạn cũng có nghĩa là ít hơn cho tôi”. Hệ tư tưởng về sự tăng trưởng vĩnh cửu đã đưa chúng ta đến một trạng thái nghèo nàn đến nỗi việc hít thở cũng trở nên khó khăn. Hệ tư tưởng đó và nền văn minh được xây dựng dựa trên nó ngày nay đang sụp đổ.
Cưỡng lại hoặc trì hoãn sự sụp đổ sẽ chỉ làm cho nó tồi tệ hơn. Tìm kiếm những cách mới để phát triển nền kinh tế sẽ chỉ khiến cho các tài sản chung còn lại của chúng ta biến mất hết. Chúng ta hãy ngừng kháng cự lại cuộc cách mạng về cách sống, về sự hiện hữu và vai trò của con người (human beingness). Nếu chúng ta muốn sống qua những cuộc khủng hoảng đang diễn ra ngày hôm nay, hãy đừng tìm cách chỉ sống sót. Đó là tư duy của sự chia cắt; đó là chịu đựng, là bám víu vào một quá khứ đang chết dần. Thay vào đó, chúng ta hãy thay đổi nhận thức của bản thân hướng về sự hợp nhất và suy nghĩ về những gì chúng ta có thể cho đi. Mỗi chúng ta có thể đóng góp gì cho một thế giới tốt đẹp hơn? Đó là trách nhiệm duy nhất và cũng là sự đảm bảo duy nhất của chúng ta.
Tôi sẽ phát triển chủ đề “sinh kế đúng” và “đầu tư đúng” ở phần sau của cuốn sách này. Chúng ta có thể tham gia vào việc tiêu hủy tiền có ý thức và có mục đích thay vì cứ để nó xảy ra trong vô thức khi nền kinh tế đang sụp đổ. Nếu bạn vẫn có tiền để đầu tư, hãy đầu tư vào các doanh nghiệp rõ ràng là đang tìm cách xây dựng cộng đồng, bảo vệ thiên nhiên và lưu giữ tài sản chung về văn hoá. Hãy chuẩn bị sẵn tinh thần là bạn sẽ không nhận được lợi ích tài chính nào từ khoản đầu tư đó, thậm chí còn bị thâm hụt – đó là một dấu hiệu tốt cho thấy bạn đang không biến phần còn lại của thế giới thành tiền một cách không chủ ý. Cho dù bạn có tiền để đầu tư hay không, bạn vẫn có thể giành lại những gì đã bị biến thành tiền bằng cách đi theo hướng dần thoát khỏi nền kinh tế tiền tệ. Bất kì điều gì bạn học để tự làm cho bản thân hoặc cho người khác một cách miễn phí; bất kì sự tái chế hoặc tái sử dụng các vật liệu phế thải nào; bất kì cái gì bạn làm thay vì mua, cho đi thay vì bán; bất kì kỹ năng mới hoặc bài hát mới hoặc tác phẩm nghệ thuật mới nào mà bạn tự học hoặc dạy người khác sẽ làm giảm sự thống trị của tiền bạc và phát triển một nền kinh tế quà tặng để giúp chúng ta vượt qua giai đoạn chuyển tiếp sắp tới. Thế giới của Quà tặng – sự tiếp nối của các xã hội sơ khai dựa trên sự cho và nhận vô tư, mạng lưới sinh thái, và những lời dạy thiêng liêng đang tới gần với chúng ta. Nó chạm vào trái tim của chúng ta và đánh thức sự hào phóng trong chúng ta. Chúng ta có nghe theo lời kêu gọi của nó trước khi những điều tốt đẹp còn lại của trái đất bị tiêu thụ nốt hay không?