Chương 4: Sự sai trái của quyền sở hữu Đất

12 Tháng Mười Hai 2017
Chuyên mục
Sacred Economics
Bình luận  0

Điều gì sẽ xảy ra trên chính thiên đường nếu những người đến đó trước đã chiếm bề mặt thiên đường làm của riêng, và phân chia nó thành tài sản để sở hữu một cách tuyệt đối giữa họ với nhau, giống như chúng ta đang chia nhau bề mặt trái đất? -Henry George

Con người không tạo ra trái đất, và mặc dù anh ta có quyền cư ngụ trong đó, anh ta không có quyền chiếm bất kì phần nào của nó để làm thành tài sản riêng của mình vĩnh viễn; Đấng Sáng tạo cũng không mở một văn phòng nhà đất để để ban hành các chứng từ chứng nhận quyền sở hữu đất đầu tiên. -Thomas Paine

Ham muốn sở hữu

Chúng ta đã và đang sống trong thời đại của Sự Chia Cắt. Mối liên kết của chúng ta với cộng đồng, với thiên nhiên và với nơi chốn đã và đang tan rã, bỏ chúng ta lại trong một thế giới xa lạ. Mất đi các mối liên kết này cũng có nghĩa là chúng ta bị mất đi cái gì đó lớn hơn cả sự giàu sang, dường như chúng ta bị mất đi một phần của chính mình. Sự bần cùng mà chúng ta cảm nhận, khi bị cắt đứt khỏi cộng đồng và tự nhiên, là một sự bần cùng trong tâm hồn của chúng ta. Đó là vì, trái với các giả thuyết về kinh tế, sinh học, triết học chính trị, tâm lý học, và tôn giáo mang tính tổ chức, chúng ta về cơ bản không phải là những hữu thể riêng biệt có quan hệ với nhau. Chúng ta chính là các mối quan hệ.

Tôi đã từng nghe Martín Prechtel nói về ngôi làng của ông ở Guatemala như sau: “Trong làng tôi, nếu bạn đưa đứa con bị bệnh đến chỗ thầy thuốc, bạn sẽ không bao giờ nói: “Tôi khỏe mạnh, nhưng con tôi bị bệnh”. Bạn sẽ nói: “Gia đình tôi bị bệnh”. Hoặc nếu bạn đưa một người hàng xóm tới chỗ thầy thuốc, bạn sẽ nói: “Làng tôi bị bệnh”. Không nghi ngờ gì nữa, trong một xã hội như vậy, người ta không thể nào nói rằng: “Tôi khỏe mạnh, nhưng rừng lại ốm yếu”. Việc nghĩ rằng ai đó có thể khỏe mạnh trong khi gia đình của họ, làng của họ, hoặc đất đai, nước hoặc hành tinh này không khoẻ, thì cũng vô lí như khi ta nói: “Tôi mắc căn bệnh gan chết người, nhưng đó chỉ là gan của tôi – còn tôi thì khỏe mạnh!” Cũng như ý thức của tôi về bản thân bao gồm gan của tôi, thì ý thức của họ về bản thân bao gồm cộng đồng xã hội và tự nhiên của họ.

Ngược lại, cái tôi hiện đại là một chủ thể kín đáo và tách biệt trong một vũ trụ ở bên ngoài. Cái tôi này là Người Kinh tế (economic man) của Adam Smith; nó là linh hồn nằm trong thể xác trong tôn giáo; nó là cái gen ích kỷ trong ngành sinh học. Nó là nền tảng của tất cả các cuộc khủng hoảng trong thời đại của chúng ta, tất cả đều là những biến thể của sự chia cắt – chia cắt khỏi tự nhiên, khỏi cộng đồng, khỏi những phần đã mất của chính chúng ta. Nó đứng đằng sau những thủ phạm đang liên tục phá hủy các hệ sinh thái và hệ thống chính trị, mà lòng tham của con người hay chủ nghĩa tư bản là ví dụ. Ý thức về bản thân của chúng ta đòi hỏi: “Nhiều hơn cho tôi là ít hơn cho bạn”; do đó chúng ta có một hệ thống tiền tệ dựa trên lãi suất, hệ thống này là sự biểu hiện chính xác cho nguyên tắc trên. Trong các xã hội dựa trên quà tặng ngày xưa, nhiều hơn cho tôi có nghĩa là nhiều hơn cho cả bạn.

Ham muốn sở hữu phát triển như một phản ứng tự nhiên đối với một ý thức hệ xa lạ khiến cho các mối liên hệ bị cắt đứt và đẩy chúng ta vào tình trạng cô độc trong vũ trụ. Khi chúng ta loại trừ thế giới khỏi bản thân, thì cái con người nhỏ bé, cô đơn còn lại có một niềm khao khát đòi yêu cầu bồi thường càng nhiều càng tốt cho những mất mát của chính mình. Nếu cả thế giới, cả cuộc sống và trái đất này không còn là tôi nữa, thì ít nhất tôi cũng có thể bù đắp cho bản thân bằng cách làm cho thế giới này trở thành của tôi. Các cá thể riêng biệt khác cũng làm như vậy, vì vậy chúng ta sống trong một thế giới của sự cạnh tranh và nỗi lo lắng hiện hữu ở khắp nơi. Điều này ăn sâu vào trong chính cách chúng ta nhìn nhận bản thân. Chúng ta được sinh ra trong sự thiếu hụt – thiếu hụt trong sự hiện hữu, thiếu hụt trong tâm hồn.

Bị mắc kẹt trong logic của “tôi và của tôi”, chúng ta tìm cách bù đắp một phần nhỏ cho sự mất mát của bản thân bằng cách phóng đại và bảo vệ cái tôi riêng biệt và sự mở rộng của nó – tiền bạc và tài sản. Những người thiếu phương tiện kinh tế để thổi phồng cái tôi thì thay vào đó thường thổi phồng cái tôi thể chất, đó là một trong những lý do tại sao bệnh béo phì làm người nghèo khổ sở như vậy (ở Mỹ, những người béo phì phần lớn là người nghèo – ND). Nghiện mua sắm, nghiện tiền, và nghiện tích trữ phát sinh từ cùng một vấn đề cơ bản giống như các chứng nghiện ăn: cả hai đều đến từ sự cô đơn, từ nỗi đau vì tồn tại mà bị cắt đứt khỏi phần lớn những gì là bản chất của chúng ta.

Khi nhìn vào những hầm mỏ lộ thiên và những khu vực nơi cây cối bị chặt sạch, những miền chết chóc, nạn diệt chủng và văn hoá tiêu dùng xấu xí, chúng ta hỏi: nguồn gốc của cỗ máy tàn ác này là gì mà nó ngốn hết mọi điều đẹp đẽ và phun ra tiền như vậy? Cái tôi kín đáo và tách biệt, khi quan sát một vũ trụ mà về cơ bản là ở ngoài nó, thì một cách tự nhiên sẽ đối xử với thế giới tự nhiên và con người như một đống công cụ ngẫu nhiên. Phần còn lại của thế giới về cơ bản là không-phải-ta. (1) Tại sao chúng ta phải quan tâm đến nó, ngoài những tiện ích mà chúng ta có thể nhìn thấy trước? Vì vậy, Descartes, người tiên phong trong việc phát triển khái niệm hiện đại về cái tôi, đã phát triển cả khái niệm về tham vọng trở thành “chúa tể và người sở hữu” của thiên nhiên. Như từ “người sở hữu” ngụ ý, ý tưởng về “sở hữu tài sản” là khá tự nhiên đối với những cái tôi tách biệt.

Sự phân biệt cứng nhắc và hạn hẹp của chúng ta giữa “ta và những thứ khác” đang sắp đến hồi kết thúc, nó là nạn nhân của giả thuyết của chính nó. Như các nhà thần bí đã dạy, cái tôi riêng biệt chỉ có thể được duy trì tạm thời và với giá rất đắt. Chúng ta đã duy trì nó một thời gian dài, và đã xây dựng cả một nền văn minh dựa trên nền tảng đó – nền văn minh mà luôn tìm cách chinh phục thiên nhiên và bản chất con người. Sự hội tụ của các cuộc khủng hoảng hiện tại đã khiến cho các mục tiêu đó trở nên vô ích. Nó báo trước sự kết thúc của nền văn minh mà chúng ta biết, và báo trước một trạng thái mới của sự hiện hữu của con người mà sự hiện hữu đó được định nghĩa bằng một ý thức mới linh động hơn, bao quát hơn về cái tôi.

Một lý thuyết về nguồn gốc của tài sản liên hệ nó với khái niệm về sự tự trị, hay quyền tự chủ, khái niệm này xuất hiện từ quá khứ cộng đồng bộ lạc của chúng ta. Charles Avila mô tả logic đó theo cách này: “Nếu tôi tự lập, và sức lao động của tôi thuộc về tôi, thì những gì tôi làm là của tôi.” (2) Rằng “Tôi tự lập” là một điều kiện tiên quyết thuộc về hệ tư tưởng cho bất kỳ khái niệm nào về việc sở hữu tài sản; điều này hoàn toàn không phải là một giới luật phổ quát trong các xã hội của loài người. Trong các kiểu xã hội khác, gia tộc, bộ lạc, làng xóm, hoặc thậm chí cộng đồng của tất cả mọi sinh vật có thể được ưu tiên hơn cái tôi cá nhân, ở đó sức lao động của bạn không thuộc về bạn, mà thuộc một cái gì đó lớn hơn. (3) Do đó, hiện tượng sở hữu tài sản không phải là gốc rễ của căn bệnh hiện tại của chúng ta, mà là một triệu chứng của sự ngắt kết nối và cô lập của chúng ta. Do đó, cuốn sách này không tìm cách xoá bỏ sự sở hữu tài sản (vì làm như vậy sẽ giải quyết các triệu chứng chứ không phải nguyên nhân) mà tìm cách chuyển hoá nó thành một phần trong một sự chuyển hoá lớn hơn của sự hiện hữu của loài người.

Những nhà tư tưởng khác, đặc biệt là Wilhelm Reich và Genevieve Vaughan, liên hệ nguồn gốc của sự sở hữu tài sản với sự xuất hiện của xã hội phụ hệ. (4) Mặc dù tôi tin rằng những lập luận này là có giá trị, tôi lựa chọn không khai thác những khía cạnh giới tính của tiền bạc và tài sản – một chủ đề xứng đáng có một luận thuyết riêng. Mỗi tổ chức của Thời Đại Chia Cắt của chúng ta đều gắn liền với tất cả những tổ chức khác; sự sở hữu tài sản làm cho tất cả mọi thứ trở thành đối tượng của thương mại, nó dẫn chúng ta xa rời khỏi thế giới, và tiếp theo là xa rời khỏi thiên nhiên, khỏi cơ thể vật chất, và xa rời cả phần nữ tính thiêng liêng của mình.

Ham muốn sở hữu giảm đi khi cảm giác kết nối và lòng biết ơn của chúng ta tăng lên, và chúng ta nhận ra rằng sức lao động của chúng ta không phải của riêng chúng ta, rằng những gì tôi làm là không hẳn là của tôi. Khả năng lao động của tôi, và chính sự sống của tôi, chẳng phải là một món quà hay sao? Trong nhận thức đó, chúng ta mong muốn cho đi những sáng tạo của mình tới tất cả những gì đã đóng góp vào sự hiện hữu của chúng ta và ban cho chúng ta món quà của sự sống.

Một số triết gia theo chủ nghĩa xã hội đã biến mong muốn được thúc đẩy bởi lòng biết ơn này thành một nghĩa vụ và thành một sự biện minh cho việc nhà nước tước đoạt công sức lao động của cá nhân. Chúng ta mắc một “món nợ với xã hội”, và nhà nước trở thành người thu nợ. Trong hình thức ít cực đoan hơn, nó biện minh cho thuế thu nhập – cũng là sự tước đoạt công sức lao động của cá nhân. Trong cả hai trường hợp, chúng ta đều bị ép buộc phải cho đi. Liệu chúng ta có thể tạo ra một hệ thống kinh tế mà hệ thống đó sẽ giải phóng, tán dương, và khen ngợi mong muốn cho đi bẩm sinh? Đó là những gì cuốn sách này mô tả: một hệ thống đền đáp cho sự lưu thông chứ không phải sự tích lũy, tạo ra nhưng không sở hữu, cho đi và không giữ làm của riêng.

Vụ cướp đầu tiên

Chủ quyền của cá nhân là bước đầu tiên hướng tới khái niệm hiện đại về tài sản, vì hầu hết mọi thứ trên trái đất không phải là sản phẩm lao động của bất kỳ ai. Theo logic của “những gì tôi làm ra là của tôi”, bất cứ thứ gì tồn tại độc lập với nỗ lực của con người đều không thuộc về ai. Việc đòi quyền sở hữu của một thứ như vậy – như là đất, sông, động vật, cây cối – thì giống như một hành động ăn cắp, tương tự như việc tôi sẽ là một tên trộm nếu tôi nắm giữ quyền sở hữu một thứ mà bạn làm ra.

Một dòng tư duy kinh tế nổi bật đã phát sinh từ nhận thức này, trong đó những người đáng chú ý nhất là P.J Proudhon, Karl Marx, Henry George và Silvio Gesell. Proudhon tuyên bố: “Sở hữu đất đai là hành động ăn cắp”. Khi truy tìm nguồn gốc của bất kỳ mảnh đất được sở hữu nào, thông qua một loạt các chuyển nhượng “hợp pháp”, chúng ta cuối cùng cũng đến được với chủ sở hữu đầu tiên – người mà đơn giản là chỉ chiếm nó, tách nó ra khỏi phạm vi “của chúng ta” hoặc “của Thượng Đế” và đưa vào phạm vi “của tôi”. Thường thì điều này xảy ra bằng vũ lực, như trong việc chiếm vùng đất rộng lớn trên toàn Bắc Mỹ trong ba thế kỷ qua. Câu chuyện này đã tự diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau suốt hàng thiên niên kỷ trên toàn thế giới. Xét cho cùng, trước thời La Mã, hành động tương tự không hề tồn tại. Đất đai giống như không khí và nước; nó không thể được sở hữu. Những chủ sở hữu đầu tiên do đó không thể có được nó một cách hợp pháp. Chắc chắn họ đã chiếm nó.

Người ta thường lập luận rằng quyền sở hữu đất là kết quả tự nhiên của nông nghiệp. Trong khi người săn bắt hái lượm đã hầu như không làm gì với đất của mình, thì nông dân đã lao động trên đó để làm cho nó năng suất hơn (trong việc tạo thức ăn cho người). Sẽ không công bằng nếu người nông dân phải lao động cả năm chỉ để “người hái lượm” đến vào mùa thu hoạch và “sống khoẻ” với các sản phẩm thu hoạch được. Tư hữu đất đai lẽ ra là để khích lệ người ta cải thiện năng suất của đất. Có công bằng hơn không nếu người ta chỉ sở hữu sự năng suất đó thôi chứ không sở hữu chính mảnh đất?

Ban đầu, quyền sử dụng đất hầu như luôn luôn là quyền chung của cả làng hoặc bộ lạc, chứ không phải của cá nhân nào. Trong các nền văn minh nông nghiệp vĩ đại như Ai Cập, Mesopotamia, và Triều Châu- Trung Quốc, hầu như không có khái niệm tư hữu đất. Tất cả đất đai là tài sản của nhà vua, và vì vua là đại diện của Thượng Đế trên mặt đất, nên tất cả đất đai đều là tài sản của Thượng Đế.

Có một sự khác nhau lớn về mặt khái niệm giữa việc có quyền hưởng lợi từ lao động của mình trên một mảnh đất và việc sở hữu mảnh đất. Ở phương Tây, khái niệm tuyệt đối về quyền sở hữu đất dường như có nguồn gốc từ Rome, có khả năng phát sinh từ quan niệm của người Hy Lạp về cá nhân. Chính ở Rome, lần đầu tiên đất đai được đặt dưới cái mà họ gọi là dominium, “quyền tối thượng, quyền mà không có quyền nào lớn hơn, quyền hợp pháp hóa tất cả những quyền khác, trong khi tự nó không cần phải phải hợp pháp … quyền ‘sử dụng, sở hữu, và lạm dụng’ -ius utendi, fruendi, abutendi.”(5)

Ở phương Đông, việc sở hữu đất đai công khai đã bắt đầu sớm hơn, ít nhất là trên khái niệm. Ở Trung Quốc ít nhất là nó xuất hiện từ triều đại Shang Yang vào thế kỷ thứ tư TCN và có thể trước đó, mặc dù vào thời điểm đó người ta cũng không chắn chắn về các dữ kiện lịch sử của khoảng thời gian trước khi có sự tư hữu đất đai, chỉ biết rằng, theo các tuyên bố của đạo Khổng, việc bán đất là không được phép vào “thời xa xưa”(6).Ấn Độ có lẽ cũng biết đến sự tư hữu đất vào thế kỷ thứ sáu TCN, mặc dù các bằng chứng có phần mâu thuẫn (7). Trong bất kỳ trường hợp nào, phần lớn đất ở Ấn Độ thuộc sở hữu chung của cộng đồng cho tới thời kỳ người Anh đến đó và thống trị. (8)

Ở Trung Âu thời Trung Cổ, phần lớn đất đai được sở hữu hoặc bởi cộng đồng hoặc bởi các vua chúa phong kiến, những người không “sở hữu” đất đai theo đúng như nghĩa hiện đại – tức là coi đất đai như một thứ hàng hóa có thể được mua bán tự do. Họ có một số quyền đối với đất, có thể chuyển giao cho các chư hầu để đổi lấy các dịch vụ khác nhau, chia phần các sản phẩm của mùa vụ, và cuối cùng là để đổi lấy tiền. Tại Anh, việc chuyển nhượng đất đai nói chung là tồn tại cho đến thế kỷ mười lăm. (9) Sau đó, các vùng đất rộng lớn của Anh Quốc nhanh chóng trở thành tài sản tư nhân nhờ vào Enclosure Acts (quyết định của Quốc hội Anh nhằm quây hàng rào các cánh đồng mở và các vùng đất chung – ND); trên khắp lục địa các vùng đất khác cũng trở thành tài sản tư nhân thông qua “sự giải phóng” nông nô. Lewis Hyde viết,

Trong khi trước kia một người có thể đánh cá ở bất cứ dòng suối nào và săn bắt ở bất cứ khu rừng nào, thì giờ đây có những cá nhân đã tuyên bố là chủ nhân của những tài sản chung này. Về cơ bản sự hưởng dụng đất đã thay đổi. Người nông nô thời trung cổ gần như trái ngược với chủ đất: đất sở hữu họ. Anh ta không thể di chuyển tự do từ nơi này đến nơi khác, nhưng anh ta từng có quyền không thể chuyển nhượng đối với mảnh đất mà anh ta gắn bó. Giờ đây có những người tuyên bố là chủ sở hữu đất và đem cho thuê nó với một khoản phí. Trong khi một người nông nô không thể bị đuổi khỏi mảnh đất của mình, thì người thuê đất có thể bị đuổi ra khỏi mảnh đất không chỉ vì không trả tiền thuê mà còn theo ý muốn nhất thời của chủ đất (10).

Cũng như nhiều cải cách xã hội, việc giải phóng nông nô là một bước nữa trong tiến trình củng cố quyền lực kinh tế và chính trị vào tay những người đã nắm quyền lực. Trong nhiều thế hệ, người ta đã tự do chăn thả gia súc, gom nhặt củi đốt, và săn bắt trên những vùng đất xung quanh mình. Nhưng giờ đây, họ không thể tiếp tục như vậy nữa. (11) Những vùng đất này từng là tài sản chung, của tất cả và không của riêng ai. Vĩnh viễn sau đó, chúng trở thành tài sản tư hữu.

Nếu tư hữu đất đai là một hành động cướp, thì một hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ quyền tư hữu đó là một hệ thống dựng lên để duy trì một tội ác. Bằng việc làm cho quyền tư hữu đất đai trở thành bất khả xâm phạm, chúng ta xác nhận hành động ăn cắp ban đầu là hợp lệ. Không quá ngạc nhiên khi các luật lệ được tạo ra bởi chính những kẻ trộm để hợp thức hóa những lợi ích bất chính của họ. Thực tế là, ở Rome và những nơi khác, người giàu và người có quyền lực chính là những người đã chiếm đất và viết luật.

Để người đọc không nghĩ rằng tôi đang công kích chủ nghĩa Marxist, hãy để tôi nhanh chóng thêm rằng tôi không ủng hộ việc bãi bỏ tư hữu đất đai. Vì một điều, việc bãi bỏ liên quan đến một sự thay đổi mạnh mẽ, đột ngột, có thể gây xung đột mạnh với những người không sẵn sàng từ bỏ. Thứ hai, tư hữu đất chỉ là một triệu chứng của căn bệnh sâu xa hơn (sự Chia Cắt), và nếu chúng ta giải quyết triệu chứng đó bằng tâm lí của sự chia cắt, của chinh phục, của vượt qua cái ác, chúng ta vẫn sẽ tạo ra những điều bất công nhưng dưới hình thức khác. Cuối cùng, ngay cả trong phạm vi kinh tế, vấn đề không phải là sự tư hữu đất mà là những lợi ích không công bằng dành cho người sở hữu nó. Mặc dù một người được hưởng lợi chỉ vì sở hữu những gì đã từng của chung là sai trái, nhưng tất cả mọi người đều hưởng lợi khi các nguồn tài nguyên được sử dụng bởi những người biết cách sử dụng chúng tốt nhất. Những tài sản chung bao gồm đất, khoáng chất, tầng chứa nước, và khả năng hấp thụ chất thải của khí quyển. Chúng ta cần một hệ thống kinh tế mà không cho phép lợi-nhuận-do-sở-hữu nhưng vẫn tưởng thưởng cho doanh nhân có tinh thần “Tôi biết một cách để sử dụng nó tốt hơn” và cho phép tinh thần đó tự do tạo tác. Các hệ thống theo chủ nghĩa Marxist không những loại trừ lợi nhuận bằng cách kiểm soát độc quyền các nguồn tài nguyên khan hiếm; mà họ còn loại xoá bỏ lợi nhuận từ việc sử dụng có hiệu quả những nguồn tài nguyên đó. Kết quả là sự không hiệu quả và trì trệ. Liệu chúng ta có thể thưởng cho những người có thể sử dụng các nguồn tài nguyên một cách tốt nhất mà không thưởng cho những người chỉ đơn giản là chủ sở hữu? Cuốn sách này miêu tả một hệ thống tiền mà sẽ bảo vệ sự tự do của việc tư hữu đất nhưng không cho phép chủ sở hữu được hưởng những lợi ích không công bằng.

Bất cứ nơi nào và bất cứ khi nào nó xảy ra, việc tư nhân hoá đất đai nhanh chóng mang theo với nó một sự tập trung quyền sở hữu. Trong những ngày đầu của thời La Mã cổ đại, đất đai là tài sản chung (không phải của cá nhân), ngoại trừ một mảnh đất nhỏ của gia đình: “Đất trồng ngô thuộc quyền sử dụng của cộng đồng” (12). Khi Rome mở rộng bằng những cuộc viễn chinh, những vùng đất mới đã không còn là “của cộng đồng” mà sớm rơi vào tay những gia đình giàu có nhất – tầng lớp quý tộc – điều này trở thành chuẩn mực cho nhiều thế kỷ tới. Đất đai thuộc sở hữu của họ tăng lên và những người thuộc tầng lớp bình dân từng nắm quyền sử dụng ban đầu phải chịu thiệt thòi, những người đó thường được gọi đi phục vụ trong quân đoàn, và trong bất kỳ trường hợp nào họ cũng không thể cạnh tranh về giá công lao động với những người nô lệ (được trả công rẻ mạt) thuộc các mảnh đất của tầng lớp quý tộc. Họ đã mắc các khoản nợ không thể trả được, và bởi vì đất đai đã trở thành một thứ hàng hóa có thể mua bán được, nên họ đã bị buộc phải rời khỏi nhà cửa của mình và bắt đầu ăn cắp, cướp bóc, hoặc, nếu họ may mắn, làm nghề thủ công ở các đô thị.

Khi vận mệnh của Đế chế thay đổi và nguồn cung cấp nô lệ đã cạn kiệt, nhiều chủ đất lớn đã quay sang những người nông dân thuê đất, yêu cầu họ trồng trọt trên đất của mình. Bị ràng buộc bởi các khoản nợ, những người thuê đất này cuối cùng đã trở thành những người nông nô Trung cổ. Hãy suy nghĩ về nó theo cách này: nếu bạn nợ tôi một khoản nợ mà bạn không thể trả được, thì bạn có nghĩa vụ phải trả mức nhiều nhất mà bạn có thể. Số tiền thu được từ sức lao động của bạn mãi mãi về sau này sẽ thuộc về tôi. Điều này rất giống với luật phá sản tại Mỹ như đã được ban hành trong Bankruptcy “Reform” Act năm 2005. Luật này bắt buộc người tuyên bố phá sản phải trích một khoản lương tương lai để trả cho chủ nợ. (13) Các nước thứ ba cũng rơi vào hoàn cảnh khốn khổ tương tự, những nước này bị buộc phải cơ cấu lại nền kinh tế của họ và hiến toàn bộ thặng dư về kinh tế cho việc trả nợ vĩnh viễn. Đây là những bản sao hiện đại của tầng lớp nông nô, họ buộc làm việc cho các chủ sở hữu tiền giống như những nông nô làm việc cho chủ đất. Tình trạng của họ được gọi là “lấy công trả nợ” (debt peonage).

Có một sự tương đồng lớn giữa La Mã cổ đại và ngày nay. Bây giờ cũng như hồi đó, của cải đang ngày càng tập trung vào tay của một số ít người. Bây giờ cũng như hồi đó, người ta phải mắc nợ suốt đời (mà không bao giờ có thể trả hết) chỉ để có được những nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống. Trước đây, đó là vì người ta không có đất; ngày nay đó là vì người ta không có tiền. Nô lệ, nông nô, và những người thuê đất lao động suốt đời để làm giàu cho chủ đất; ngày nay số tiền thu được từ sức lao động của chúng ta rơi vào tay những người chủ sở hữu tiền.

Trong lịch sử của tư tưởng cấp tiến, việc nhận ra rằng tư hữu đất là một hành động cướp thường đi kèm với một cơn thịnh nộ và mong muốn trả thù những tên cướp. Vấn đề không đơn giản như vậy. Các chủ sở hữu đất, được thừa kế hay không, được sinh ra trong một vai trò được tạo ra và đòi hỏi bởi những câu chuyện vô hình của nền văn minh của chúng ta mà những câu chuyện đó buộc chúng ta biến thế giới này thành tài sản và tiền bạc dù chúng ta có ý thức rằng mình đang làm như vậy hay không.

Chúng ta hãy đừng lãng phí năng lượng tâm linh của mình vào việc ghen ghét những người giàu có, hoặc thậm chí cả những kẻ cướp đầu tiên. Nếu chúng ta ở trong vị trí của họ, chúng ta cũng sẽ như họ thôi. Thật vậy, hầu hết chúng ta tham gia, bằng cách này hay cách khác, vào hành vi ăn cắp các tài sản chung hiện vẫn đang tiếp diễn. Chúng ta đừng ghét, để chúng ta không tiếp tục kéo dài Kỷ nguyên của Sự Chia Cắt nữa và để chúng ta, giống như những người Bolsheviks, sẽ không gây ra một cuộc cách mạng không đủ sâu, và vì thế không tái tạo lại trật tự cũ theo một hình thức méo mó khác. Tuy nhiên, chúng ta đừng quên nhìn vào thiên nhiên và hậu quả của tội ác vô thức từ sự tư hữu đất, để chúng ta có thể đưa thế giới trở lại trạng thái trù phú ban đầu và sự thịnh vượng tiềm tàng của nó.

Sự chuyển đổi từ quyền được hưởng lợi ích sang quyền sở hữu hoàn toàn đất đai là một bước chuyển dần dần, mà điểm cuối cùng là việc bán đất để lấy tiền. Chúng ta hãy nhớ rằng đây là một sự chuyển đổi về mặt khái niệm (đất không thừa nhận là nó được sở hữu), một sự phóng chiếu của con người lên thực tại. Việc sở hữu đất (và tất nhiên là tất cả các hình thức sở hữu) nói lên nhận thức của chúng ta về thế giới nhiều hơn là nói về bản chất của thứ được sở hữu. Quá trình chuyển đổi từ những ngày đầu, khi quyền sở hữu đất là không thể tưởng tượng được cũng như quyền sở hữu bầu trời, mặt trời và mặt trăng, cho đến ngày nay, khi gần như mọi mét vuông trên trái đất đều được sở hữu theo cách này hay cách khác, thực sự chỉ là câu chuyện về sự thay đổi quan điểm của chúng ta về chính chúng ta trong mối quan hệ với vũ trụ.

Truyền thống Georgist

Sự khác biệt giữa quyền sử dụng và quyền sở hữu hoàn toàn cũng tương tự như sự khác biệt cơ bản giữa cái được tạo ra thông qua nỗ lực của con người và cái đã có sẵn; nó vẫn tồn tại ngày nay trong sự phân biệt giữa tài sản “thực” và tài sản “cá nhân”, và nó là nền tảng cho tư tưởng cải cách trong hàng ngàn năm.

Kể từ khi Đế Quốc La Mã phát triển cơ sở pháp lý về quyền sở hữu như chúng ta biết ngày nay, những chỉ trích đầu tiên về quyền sở hữu cũng đồng thời xuất hiện, và điều đó cũng không gây ngạc nhiên lắm. Trong thế kỷ thứ ba và thứ tư, các nhà lãnh đạo của nhà thờ Thiên Chúa giáo có quan điểm đặc biệt rõ ràng rằng mọi thứ trên trái đất là dành cho tất cả để chia sẻ với nhau. Ambrose viết, “người giàu cũng như người nghèo đều được hưởng những điều tốt đẹp từ vũ trụ… Nhà của Đức Chúa Trời là dành cho cả người giàu và người nghèo “, và” Chúa Trời của chúng ta muốn trái đất này là sở hữu chung của tất cả và hoa trái của nó là dành cho tất cả. “(14) Ông viết rằng tài sản cá nhân là không thuận theo tự nhiên, vì tự nhiên mang lại tất cả mọi thứ cho mọi người sử dụng chung. Chúa Trời đã tạo ra mọi thứ để chúng là tài sản chung. Bởi vậy thiên nhiên là của chung, không thể thuộc quyền sở hữu của bất kì cá nhân nào. (15)

Những người sáng lập đạo Thiên Chúa khác, đặc biệt là John Chrysostom, Augustine, Basil the Great và Clement cũng có quan điểm tương tự. Họ khuyến khích các con chiên thực hiện lời dạy của Chúa Jesus theo nghĩa đen và đem cho tất cả tài sản của họ cho người nghèo. Triết lý của họ không phải là một triết lý xa vời: nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo đã làm đúng như thế. Ambrose, Basil, và Augustine từng là những người giàu có trước khi bước vào giới tăng lữ, và họ đã cho đi tất cả.

Tuy những lời dạy của những người sáng lập là thế, nhưng cuối cùng bản thân Giáo hội đã giành lấy một lượng đất đai đáng kể và liên minh với quyền lực của đế quốc. Lời dạy của Chúa Jesus đã trở thành những lý tưởng không thực tế, không thể dùng để khuyên bảo ai một cách nghiêm túc, và Vương Quốc của Thiên Chúa đã được vận chuyển từ trái đất lên Thiên Đàng. Đây là một bước quan trọng trong việc chia cắt về mặt khái niệm tinh thần và vật chất, mà chính sự chia cắt này góp phần làm cho vật chất, đặc biệt là tiền, ngày nay trở nên trần tục. Trớ trêu hơn là, hầu hết mọi người ngày nay tự xưng là tín đồ Thiên Chúa giáo đã đảo lộn mọi thứ, họ coi chủ nghĩa xã hội là đồng nghĩa với chủ nghĩa vô thần và sự giàu có cá nhân đồng nghĩa với sự ủng ái của Thiên Chúa.

Những người thành lập Giáo Hội thời kỳ đầu thường nhắc đến sự phân biệt giữa những gì con người tạo ra thông qua nỗ lực của họ và những gì được trao cho nhân loại bởi Chúa Trời để mọi người cùng dùng chung. Nhiều nhà phê bình xã hội và kinh tế trong vài thế kỷ qua đã nhắc lại sự phẫn nộ ban đầu về vấn đề chiếm đoạt các tài sản chung và đưa ra các đề xuất sáng tạo để sửa chữa nó. Thomas Paine, một nhà phê bình như vậy, đã viết,

Chúng ta không thể tách riêng các sản phẩm được tạo ra bởi hoạt động cày cấy trồng trọt ra khỏi chính mảnh đất mà trên đó các sản phẩm được tạo nên, ý tưởng về tài sản đất phát sinh từ sự kết nối không thể tách rời đó; nhưng chắc chắn là, chỉ có các sản phẩm, chứ không phải mảnh đất, là thuộc về sở hữu cá nhân …. Do đó, mỗi người chủ sở hữu đất trồng trọt nợ cộng đồng một khoản tiền thuê đất (vì tôi không biết từ nào hơn để diễn tả ý tưởng này) đối với mảnh đất mà anh ta nắm giữ. (16)

Nhà kinh tế học đầu tiên phát triển ý tưởng này một cách đầy đủ là Henry George, trong cuốn sách năm 1879 “Sự tiến bộ và sự nghèo đói” của ông. Ông bắt đầu với cùng một tiền đề giống như Paine và những người Thiên Chúa giáo đầu tiên:

Nhưng ai đã tạo ra trái đất mà lại có người có thể đòi quyền sở hữu nó, hoặc bất kỳ phần nào của nó, hoặc quyền cho, bán hoặc truyền lại nó? Bởi vì trái đất không do chúng ta tạo ra, mà chỉ là nơi cư ngụ tạm thời của một thế hệ được tiếp nối bởi một thế hệ khác; vì chúng ta ở đây dưới sự cho phép của Đấng Sáng Tạo, rõ ràng rằng không ai có thể có quyền sở hữu độc quyền đất đai, và quyền của tất cả mọi người đối với đất đai phải là bình đẳng và bất khả nhượng. Quyền sử dụng đất phải được đảm bảo, để người sử dụng nó có thể gặt hái những sản phẩm lao động của mình. Nhưng quyền sử dụng đất phải bị hạn chế bởi quyền bình đẳng của tất cả mọi người, và do đó quyền sử dụng đất phải đi kèm điều kiện rằng người sử dụng sẽ trả cho cộng đồng một khoản tiền tương đương với các đặc quyền có giá trị mà anh ta được hưởng từ việc sử dụng đất. (17)

Tại sao lại có chuyện một người thu lợi từ giá trị sử dụng của đất chỉ bằng việc sở hữu nó, đặc biệt là khi nguồn gốc của quyền sở hữu đó dựa trên một sự bất công đã xảy ra từ xa xưa? Dựa vào đó, Henry George đã đề xuất Luật Một Thuế nổi tiếng – tiền thu về từ việc cho thuê đất sẽ bị đánh thuế 100%. Thuế này sẽ chỉ đánh vào giá trị của đất chứ không đánh vào các sản phẩm được tạo ra trên mảnh đất đó; ví dụ, đất đai bị đánh thuế nhưng các tòa nhà xây dựng trên đó hoặc sản phẩm nông nghiệp được trồng trên đó không phải chịu thuế. Nó được gọi là luật “một” thuế bởi vì George chủ trương bãi bỏ tất cả các loại thuế khác, ông cho rằng việc đánh thuế các tài sản cá nhân hợp pháp thì cũng giống như một hành động cướp – tương tự như việc trục lợi từ một cái gì đó thuộc tài sản chung. Các bài viết của George đã làm dấy lên một phong trào chính trị lớn khiến ông suýt được bầu làm thị trưởng của New York, nhưng tất nhiên, ông đã phải chiến đấu với thế lực đằng sau đồng tiền đánh ông từ mọi hướng. (18) Thi thoảng ở một số nơi trên thế giới, ý tưởng của ông được áp dụng (hai nơi tôi đã dành phần lớn cuộc đời mình là Đài Loan và Pennsylvania đều đánh thuế vào giá trị cơ bản của đất) và những ý tưởng đó đã ảnh hưởng lớn đến tư duy kinh tế ở khắp nơi.

Một trong những người ngưỡng mộ ông, Silvio Gesell, đã đề xuất một ý tưởng tương tự như thuế đất của George: quyền sở hữu của cộng đồng đối với tất cả các loại đất, đất có thể cho tư nhân thuê với mức giá tương đương với giá thuê kinh tế (economic rent). (19) Lý luận của Gesell rất thuyết phục và mang tính tiên phong trong cách nhìn nhận của nó về sinh thái học và tính tương tức của vạn vật (tất cả các cá thể đều có mối liên kết chặt chẽ với nhau – ND). Hãy đọc đoạn văn lạ thường được viết năm 1906 này:

Chúng ta thường nghe câu nói: Con người có quyền tự nhiên đối với trái đất. Nhưng đó là một câu nói ngớ ngẩn, nó chẳng khác gì câu nói: con người có quyền tự nhiên với chân tay của anh ta. Nếu chúng ta nói về các quyền theo hướng như vậy, chúng ta cũng phải nói rằng cái cây có quyền cắm rễ của nó vào trong đất. Liệu con người có thể sống cả đời trong các trái bóng bay được không? Trái đất thuộc về, và là một phần không thể tách rời của con người. Chúng ta không thể tưởng tượng được một người sống mà không có trái đất, cũng như một người không thể sống mà không có đầu hoặc dạ dày. Trái đất là một phần, một cơ quan của con người, cũng giống như cái đầu vậy. Các cơ quan tiêu hóa của một người bắt đầu và kết thúc ở đâu? Chúng không có điểm bắt đầu và không có điểm kết thúc, mà tạo thành một hệ thống khép kín mà không có khởi đầu hay kết thúc. Những chất mà con người cần để duy trì sự sống không thể được tiêu hóa bởi con người khi ở trạng thái thô của chúng và chúng phải trải qua một quá trình chuẩn bị cho tiêu hóa. Và công việc chuẩn bị này không diễn ra ở miệng của con người, mà ở các loài cây cỏ. Cây cỏ thu thập và chuyển đổi các chất để chúng có thể trở thành chất dinh dưỡng để tiếp tục hành trình qua đường tiêu hoá. Cây cỏ và không gian mà trong đó chúng tồn tại cũng giống như một phần của con người như miệng, răng hoặc dạ dày của anh ta ….

Vậy thì, làm sao chúng ta có thể chịu đựng để cho một cá nhân nào đó tịch thu đất đai để làm tài sản độc quyền riêng cho mình, để xây dựng hàng rào, và với sự giúp đỡ của cảnh giới và những nô lệ được huấn luyện riêng để giữ chúng ta tránh xa khỏi các vùng đất, xa khỏi một phần của chính bản thân chúng ta – để xé rách chân tay ra khỏi cơ thể của chúng ta? Hành động như vậy không phải là hành động tự hủy hoại bản thân hay sao? (20)

Gesell tiếp tục, với lối diễn đạt tu từ tuyệt vời, nói rằng sự huỷ hoại này thậm chí còn tệ hơn cả việc cắt bỏ một bộ phận trên cơ thể, vì các thương tích trên cơ thể có thể lành lại, nhưng

Vết thương tạo nên bởi việc bị tách ra khỏi một mảnh đất mưng mủ và thối rữa mãi mãi, nó không bao giờ lành. Mỗi lần đến hạn phải trả tiền thuê đất, vết thương lại banh ra và “máu vàng” phụt ra. Con người mất máu đến độ trắng bệch lại và lảo đảo bước tiếp về phía trước. Bị tách ra khỏi một mảnh đất là điều khủng khiếp nhất đối với cơ thể của chúng ta; nó để lại một vết thương hở mưng mủ không thể được chữa lành trừ khi thứ đã bị lấy cắp được ghép trả lại chỗ cũ của nó.

Tôi cho rằng đây là một vết thương mà tất cả chúng ta đều cảm nhận được, không chỉ vì tiền thuê nhà được đưa vào chi phí của tất cả mọi thứ chúng ta mua, mà còn như một sự tước đoạt quyền con người về mặt tâm linh. Cách đây không lâu tôi đang lái xe qua những đoạn đường ở miền trung Pennsylvania với một phụ nữ đến từ Pháp. Những ngọn núi thoai thoải và những thung lũng rộng lớn như vẫy gọi chúng tôi, thế nên chúng tôi quyết định là sẽ đi bộ ở đó. Cứ như thể mặt đất đang chào mời bàn chân của chúng tôi, muốn chúng tôi bước đi trên nó. Chúng tôi quyết định tìm một chỗ để dừng xe và đi bộ. Chúng tôi lái xe trong một giờ đồng hồ, nhưng không hề tìm thấy một cánh đồng hay mảnh rừng nào không được bao quanh với những tấm biển hiệu “Cấm xâm phạm”. Mỗi lần nhìn thấy một tấm biển hiệu như vậy, tôi cảm thấy một cơn đau nhói, một nỗi mất mát. Một con sóc, một con hưu còn tự do hơn tôi. Những biển hiệu này chỉ áp dụng với con người. Ở đây có một nguyên tắc chung: chế độ sở hữu đất, hàng rào bao quanh những mảnh đất chưa được sở hữu đã và đang làm chúng ta trở nên nghèo túng. Lời hứa hẹn tự do vốn gắn liền với phong cảnh xanh tươi rộng mở đó chỉ là ảo tưởng. Lời của Woody Guthrie quá thấm thía:

Có một cái tường cao và to ở đó để chặn tôi lại.

Tấm biển hiệu được sơn chữ, nó nói rằng đây là tài sản riêng.

Nhưng đằng sau nó thì chẳng có chữ gì.

Mặt trước của tấm biển là dành cho bạn và cho tôi. (21)

 Sau ba trăm năm phát triển kinh tế, chúng ta trở nên nghèo khó tới mức không có nổi sự giàu sang và tự do bằng một con sóc. Những người thổ dân sống ở đây (Bắc Mỹ) trước khi người châu Âu tới đã biết cách vận hành đất đai. Họ có thể tự do nói, “Chúng ta hãy leo lên ngọn núi đó. Chúng ta hãy bơi trong cái hồ đó. Chúng ta hãy câu cá ở dòng sông đó”. Ngày nay, ngay cả những người giàu có nhất trong chúng ta cũng không được tự do như thế. Một mảnh đất trị giá hàng tỷ đô cũng không rộng lớn bằng vùng đất mà những người săn bắt hái lượm từng tự do đi lại(22).

Ở hầu hết châu Âu thì khác. Ví dụ, ở Thuỵ Điển, quyền Allemansrätt cho phép các cá nhân đi bộ, nhặt hoa, cắm trại trong một hoặc hai ngày, bơi lội hoặc trượt tuyết trên đất tư nhân (nhưng không quá gần nhà ở). Tôi đã gặp một người đam mê ngựa nói rằng ở Ireland, tất cả các cánh cửa dẫn vào các nông trại và các đồng cỏ tư nhân đều không bị khoá. Ở đó không có khái niệm “xâm phạm”; đất đai rộng mở cho tất cả mọi người. Bù lại, những người cưỡi ngựa tôn trọng người nông dân và mảnh đất, họ chỉ đi lại ở khu vực ngoài rìa để tránh ảnh hưởng tới động vật và đồng cỏ. Khi nghe nói về hệ thống này, tôi không nghĩ rằng có bất kỳ người Mỹ nào có thể nhìn ra những khu vực rộng lớn của đất nước này với những cánh cổng, hàng rào, và các biển hiệu “không xâm phạm” mà không có cảm giác bị cầm tù hay mất mát. Bạn có cảm thấy “vết thương” của Gesell – rằng đất đã bị cắt rời khỏi chúng ta hay không?

Đi xa hơn George, Gesell có đóng góp rất to lớn trong việc áp dụng tư duy tương tự nhưng vượt ra ngoài đất đai để chạm tới phạm vi của tiền, tạo ra một hệ thống tiền tệ mới mà tôi sẽ miêu tả, sau khi hoàn thành các chương nền tảng, trong cuốn sách này như là một yếu tố then chốt của nền kinh tế thiêng liêng.

Sự khăng khăng của Henry George về việc chỉ đánh thuế đất đã từng gây tranh cãi giữa những người tiến bộ trong thời đại của ông. Hiện nay, nó chẳng còn mấy ý nghĩa nữa bởi ngày càng có rất nhiều các tài sản chung khác được đưa vào phạm vi của tài sản tư. (23) Việc “mua bán những tài sản trước đây không thể chuyển nhượng” của Lewis Hyde đã vượt xa khỏi phạm vi đất đai để bao gồm gần như mọi thứ cần thiết cho sự tồn tại và hạnh phúc của con người. Sự kết nối của chúng ta với thiên nhiên, với văn hoá, và với cộng đồng đã bị xé toạc ra và bán lại cho chúng ta. Đến thời điểm hiện tại tôi đã chỉ tập trung vào đất đai, nhưng gần như mọi tài sản chung khác đều đã và đang phải chịu số phận tương tự. Tài sản trí tuệ là ví dụ rõ ràng nhất, và tiền bản quyền thu được từ việc sở hữu nó đóng một vai trò tương tự như tiền thuê đất. (Nếu bạn nghĩ rằng tài sản trí tuệ khác với đất đai vì nó là do con người tạo ra, hãy đọc tiếp!) Nhưng có một hình thức sở hữu mà bao gồm và thay thế mọi hình thức sở hữu khác là: quyền sở hữu tiền. Trong lĩnh vực tài chính, lãi suất đóng vai trò như tiền bản quyền và tiền thuê đất, nó đảm bảo rằng của cải tạo ra từ sự sáng tạo và sức lao động của con người chủ yếu chảy vào túi những người sở hữu tiền. Tiền cũng là một tội ác như các hình thức sở hữu tài sản khác – sự cướp bóc vẫn đang tiếp diễn – nó vừa thúc ép vừa là hiện thân của sự chiếm hữu các tài sản chung.

Để khôi phục lại sự thiêng liêng cho nền kinh tế, chúng ta cần sửa chữa những điều sai trái do vụ cướp này gây ra, bởi món quà thiêng liêng đã vì nó mà bị thuyên giảm. Những điều đã từng là thiêng liêng, độc đáo và riêng tư bị biến đổi thành các loại hàng hóa. Không phải ngay lập tức mà chúng ta thấy rõ ràng rằng lợi ích từ quyền sở hữu tiền cũng không chính đáng giống như lợi ích từ quyền sở hữu đất. Rốt cuộc, tiền bạc, không giống như đất đai, là một sự sáng tạo của con người. Chúng ta kiếm tiền từ việc sử dụng các món quà (tài năng) mà chúng ta có. Chúng ta kiếm tiền bằng năng lượng, thời gian và sự sáng tạo của mình. Chắc chắn thu nhập từ lao động này phải thuộc về người lao động một cách hợp pháp chứ? Do vậy, chắc chắn là không phải tất cả tiền đều bất hợp pháp, phải vậy không?

Đó là một quan điểm ngây thơ. Trên thực tế, tiền có liên quan sâu sắc và không thể chối cãi đến sự chuyển đổi đất đai của chung thành tài sản cá nhân, giai đoạn cuối cùng và mang tính quyết định của sự chuyển đổi này là sự cắt giảm đất đai trở thành một loại hàng hoá có thể được mua và bán. Nhiều yếu tố khác của di sản tự nhiên và văn hóa của chúng ta cũng bị bóp nghẹt, biến thành tài sản, và cuối cùng thành “hàng hoá và dịch vụ” để đổi lấy tiền. Tôi không có ý nói rằng làm việc để kiếm tiền là xấu xa; nhưng, dùng tiền để kiếm thêm tiền là sai trái. Kiếm lãi suất từ tiền cũng giống như thu tiền từ việc cho thuê đất. Tiền là xác chết của những tài sản chung, là hiện thân của tất cả mọi thứ trước kia đã từng là của chung và miễn phí, tiền đã trở thành một tài loại tài sản trong dạng thức thuần tuý nhất. Những chương tiếp theo sẽ chứng minh lời tuyên bố này. Tôi sẽ miêu tả chính xác cách thức và lý do mà tiền kèm lợi tức, về cơ bản, đã và đang chiếm đoạt các tài sản chung, hủy hoại hành tinh, và khiến cho phần lớn nhân loại lâm vào hoàn cảnh làm thuê để trả nợ.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *