PHẦN I: SỰ CHIA CẮT
Tất cả các cuộc khủng hoảng hiện tại đều xuất phát từ một cái gốc rễ chung mà chúng ta có thể gọi là Sự Chia Cắt. Nó có nhiều hình thái khác nhau – sự chia cắt giữa con người và thiên nhiên, sự tan rã của cộng đồng, sự phân chia thực tại thành vật chất và tinh thần – Sự Chia Cắt có mặt ở khắp mọi khía cạnh của nền văn minh của chúng ta. Nó không thể tiếp tục được nữa bởi nó đang tạo ra các cuộc khủng hoảng ngày càng lớn mà chính những cuộc khủng hoảng đó sẽ đưa chúng ta vào một kỉ nguyên mới, kỉ nguyên của Sự Hợp Nhất.
Sự chia cắt không phải là một thực tại, mà chỉ là một nhận thức của con người, một hệ tư tưởng, một câu chuyện. Cũng như trong tất cả các nền văn hoá, câu chuyện về con người của chúng ta có hai phần liên quan mật thiết tới nhau: câu chuyện về Cái Tôi, và câu chuyện về Thế Giới. Câu chuyện đầu tiên là về một cái tôi tách biệt và khôn ngoan: một mớ bòng bong tâm lí, một linh hồn kín trong một cái vỏ bằng da thịt, một kiểu hình sinh học được chỉ huy bởi các gien của chính nó để tìm kiếm cơ hội sinh sản, một cỗ máy có lí trí tìm kiếm tư lợi kinh tế, một người quan sát một vũ trụ tách biệt ở bên ngoài, một ý thức bị giam cầm trong thân xác. Câu chuyện thứ hai là câu chuyện về Sự Thăng Tiến (Ascent): rằng nhân loại, xuất thân từ một trạng thái ngu dốt và yếu ớt, đang nắm lấy các sức mạnh của thiên nhiên và khám phá ra những bí mật của vũ trụ, tiến thẳng tới định mệnh của mình là làm chủ hoàn toàn và siêu việt hơn cả thiên nhiên. Đó là một câu chuyện về sự chia cắt của con người khỏi thiên nhiên, trong đó con người ngày càng lớn mạnh còn thiên nhiên thì dần dần bị biến thành các nguồn tài nguyên, hàng hoá, tài sản, và cuối cùng là tiền.
Tiền là một hệ thống các thoả thuận, ý nghĩa, và biểu tượng mang tính xã hội được phát triển theo thời gian. Nói tóm lại, nó là một câu chuyện, tồn tại trong xã hội cùng với những thứ khác như luật pháp, quốc gia, tổ chức, lịch và thời gian, tôn giáo, và khoa học. Các câu chuyện đều có sức mạnh sáng tạo khủng khiếp. Thông qua chúng, chúng ta điều phối hoạt động của con người, tập trung sự chú ý và mục đích, vạch rõ các vai trò, và nhận biết điều gì là quan trọng, thậm chí điều gì là thật. Các câu chuyện khiến cho cuộc sống có ý nghĩa và có mục đích và vì vậy thúc đẩy hành động. Tiền là một yếu tố quan trọng trong câu chuyện về Sự Chia Cắt – câu chuyện làm nên nền văn minh của chúng ta.
Phần I của Kinh tế học Thiêng Liêng là làm sáng tỏ hệ thống kinh tế phát sinh trên nền tảng là câu chuyện về Sự Chia Cắt. Sự vô danh tính, không nhân cách, phân cực giàu nghèo, tăng tưởng không kết thúc, tàn phá hệ sinh thái, xã hội hỗn loạn, khủng hoảng không thể sửa chữa – được dựng lên trong hệ thống kinh tế, chúng lớn đến mức nếu không có một sự chuyển hoá trong câu chuyện của loài người thì không có gì có thể cứu vãn được thế giới hiện tại. Mục đích của tôi là bằng cách nhận dạng những điểm đặc trưng cốt lỗi của nền kinh tế dựa trên Sự Chia Cắt, chúng ta có thể có thêm sức mạnh để hình dung ra một nền kinh tế dựa trên Sự Hợp Nhất, một nền kinh tế có khả năng phục hồi sự toàn vẹn những vết rạn nứt của các cộng đồng, các mối quan hệ, các nền văn hoá, các hệ sinh thái và hành tinh.
* * *
Chương 1: Thế giới Quà Tặng
Kể cả sau từng ấy thời gian
Mặt trời không bao giờ nới với trái đất
Rằng “Anh nợ Tôi”.
Hãy nhìn xem điều gì xảy ra
Với một tình yêu như thế,
Nó thắp sáng cả Bầu Trời.
—Hafiz
Ban đầu là Món Quà.
Chúng ta sinh là những đứa trẻ sơ sinh yếu đuối, những sinh vật gần như chỉ biết nhận mà không có gì để cho đi, tuy vậy chúng ta được nuôi dưỡng, được bảo vệ, được ôm ấp và vỗ về dù chưa làm bất kì điều gì để xứng đáng được như vậy, dù chẳng có gì để đổi lấy những điều đó. Sự trải nghiệm này, giống nhau với tất cả mọi người đã trải qua thời ấu thơ, cho chúng ta biết vài điều về bản năng tâm linh sâu sắc nhất của mình. Cuộc sống của chúng ta được ban cho chúng ta; bởi vậy, trạng thái mặc định của chúng ta là biết ơn. Đó là chân lí của sự tồn tại của chúng ta.
Kể cả nếu bạn đã có một tuổi thơ khủng khiếp, nếu bạn đang đọc những dòng chữ này, ít nhất bạn đã được cho đủ để sống tới lúc trưởng thành. Trong những năm đầu đời, không có điều gì trong trải nghiệm này là do bạn tự kiếm hay tự tạo ra cả. Tất cả đều là một Món Quà. Hãy thử tưởng tượng bây giờ bạn bước ra khỏi nhà và đâm đầu vào một thế giới xa lạ và bạn hoàn toàn yếu ớt, bạn không thể tự kiếm ăn hay kiếm quần áo để mặc, không thể điều khiển được chân tay mình, thậm chí không thể phân biệt giới hạn của cơ thể và thế giới bên ngoài. Rồi có một sinh vật khổng lồ đến và ôm bạn, cho bạn ăn, chăm sóc bạn, và yêu thương bạn. Như thế thì bạn có thấy biết ơn hay không?
Trong những thời khắc sáng suốt, có thể là sau một cú suýt chết, hoặc khi tiễn một người về thế giới bên kia, chúng ta biết rằng bản thân sự sống là một món quà. Chúng ta trải nghiệm một sự biết ơn to lớn vì được sống. Chúng ta bước đi trong sự kinh ngạc trước sự màu nhiệm của cuộc sống: niềm vui được thở, sự thích thú trước các màu sắc và âm thanh, niềm hạnh phúc khi được uống nước để làm tan cơn khát, sự ngọt ngào của khuôn mặt một người thân yêu. Cái cảm giác lẫn lộn giữa lòng kính phục và lòng biết ơn này là một dấu hiệu chắc chắn về sự tồn tại của những điều thiêng liêng.
Chúng ta cảm thấy sự tôn kính và lòng biết ơn tương tự khi chúng ta thấy được sự tuyệt diệu của thiên nhiên, tính phức tạp và trật tự kì diệu của một hệ sinh thái, một sinh vật, một tế bào. Chúng hoàn hảo một cách vô đối, vượt xa những gì mà tâm trí ta có thể tưởng tượng, có thể tạo nên, thậm chí có thể hiểu nhiều hơn một phần nhỏ xíu của chúng. Tuy vậy chúng đang tồn tại, mà không phải do chúng ta tạo nên: cả một thế giới để bao quanh và nuôi sống chúng ta. Chúng ta không cần phải hiểu chính xác cách mà một hạt giống nảy mầm và lớn lên; chúng ta không cần can thiệp để khiến điều đó xảy ra. Đến tận bây giờ, sự hoạt động của một tế bào, một sinh vật, một hệ sinh thái vẫn còn là một điều bí ẩn. Chúng ta không cần điểu khiển nó, cũng không cần hiểu nó hoạt động ra sao, nhưng chúng ta vẫn được nhận hoa trái của thiên nhiên. Bạn có thể tưởng tượng được sự kinh ngạc và lòng biết ơn của tổ tiên của chúng ta khi họ suy tưởng về những gì mà thế giới ban tặng cho họ một cách hào phóng như vậy không?
Không lạ gì khi những nhà tư tưởng tôn giáo xưa kia nói rằng Thượng Đế đã tạo nên thế giới, và không lạ gì khi họ nói Thượng Đế ban tặng thế giới cho chúng ta. Câu đầu tiên thể hiện lòng khiêm tốn, câu thứ hai lòng biết ơn. Thật đáng buồn là, sau này các nhà thần học lại bóp méo điều này thành “Thượng Đế cho chúng ta thế giới để chúng ta khai thác, bóc lột và thống trị.” Nhận thức như vậy là trái ngược với tinh thần của nhận thức ban đầu. Lòng khiêm tốn biết rằng Món Quà này lớn hơn khả năng hiểu biết của chúng ta. Lòng biết ơn biết rằng chúng ta tôn vinh hoặc làm ô danh người tặng quà thông qua cách chúng ta sử dụng món quà.
Ngành vũ trụ học hiện đại cũng khẳng định sự hình thành của vũ trụ như một món quà. Chẳng lẽ Big Bang xảy ra mà không vì cái gì? Cảm giác này được củng cố bởi việc kiểm tra kĩ hơn các hằng số vật lý khác nhau (tốc độ ánh sáng, khối lượng electron, điểm mạnh tương đối của bốn lực cơ bản, v.v.), bằng một cách không thể giải thích được, tất cả đều có những giá trị chính xác cần thiết cho một vũ trụ chứa vật chất, các ngôi sao, và sự sống. Như thể cả vũ trụ được xây dựng cho chúng ta, để chúng ta có thể tồn tại.
Ban đầu là Món Quà: trong sự khởi đầu nguyên thuỷ của thế giới, vào thời điểm bắt đầu của sự sống, và trong giai đoạn trứng nước của loài người. Vì vậy, lòng biết ơn là điều tự nhiên đối với chúng ta. Nó rất căn bản, rất mãnh liệt đến mức rất khó để cắt nghĩa. Có lẽ đó là cảm giác một khi đã nhận được một món quà, thì chúng ta sẽ nảy sinh mong muốn đáp trả. Do đó chúng ta có thể suy ra rằng những người nguyên thủy, được kết nối với lòng biết ơn ban đầu này, thể hiện nó trong các mối quan hệ xã hội và kinh tế của họ. Thật vậy, họ đã làm như thế. Hầu hết tài liệu về lịch sử tiền tệ bắt đầu với sự đổi chác ban sơ, nhưng sự đổi chác khá là hiếm hoi giữa những người săn bắt hái lượm. Phương thức trao đổi kinh tế quan trọng nhất là tặng quà.
Mặc dù rất căn bản, lòng biết ơn và sự hào phóng xuất phát từ đó cùng tồn tại với những khía cạnh khác – kém đẹp đẽ hơn – của bản tính con người. Tôi tin vào tính thần thánh căn bản của loài người, nhưng tôi cũng nhận ra rằng chúng ta đã dấn thân vào một sự chia cắt khỏi tính thần thánh đó đã lâu, và đã tạo ra một thế giới mà ở đó những người nhẫn tâm và tàn bạo vươn lên nắm lấy của cải và quyền lực. Cuốn sách này không giả vờ là những người đó không tồn tại, cũng như giả vờ rằng xu hướng đó không tồn tại trong mỗi con người. Thay vào đó, nó mong muốn làm thức dậy tinh thần của Món Quà đang ngủ trong chúng ta, và tạo dựng nên những tổ chức là hiện thân của tinh thần đó và khuyến khích nó phát triển. Hệ thống kinh tế hiện nay trao thưởng cho sự ích kỉ và lòng tham. Một hệ thống kinh tế mà trao thưởng cho sự hào phóng, giống như trong các nền văn hoá cổ xưa, thì sẽ như thế nào?
Hãy bắt đầu bằng cách hiểu rõ hơn về nguyên lí của quà tặng. Tôi đã nhắc đến vấn đề trao đổi kinh tế ở trên, nhưng nói chung đó không phải là một cách mô tả chính xác về cộng đồng sống trên nguyên tắc quà tặng. Sự quay vòng là một từ tốt hơn. Trong các cộng đồng cổ xưa, việc trao tặng quà được chi phối bởi các phong tục phức tạp, những phong tục này vẫn còn tồn tại ngày nay trong các xã hội không hoàn toàn bị mất liên kết với quá khứ. Thông thường các mạng lưới quà tặng gắn liền với mạng lưới họ hàng huyết thống. Các phong tục chỉ định ai cho người nào. Bạn được kì vọng là phải cho đi với một số người; với một số người khác bạn có thể mong đợi được nhận từ họ; và trong những trường hợp khác sẽ có sự trao đổi quà tặng giữa đôi bên.
Mặc dù quà tặng có thể mang tính qua lại, nhưng nó cũng thường xuyên quay vòng. Tôi cho bạn, bạn cho người khác… và cuối cùng ai đó lại cho tôi. Một ví dụ nổi tiếng là hệ thống kula của những người dân đảo Trobriand (quần đảo phía Đông bờ biển New Guinea thuộc quốc gia Papua New Guinea), ở đó vòng cổ được trao tặng theo một hướng từ đảo này sang đảo khác, và vòng tay thì được trao tặng theo hướng ngược lại. Nhà nhân chủng học Bronislaw Malinowski đã miêu tả rằng kula – có nghĩa là vòng tròn – là mấu chốt của một hệ thống quà tặng rộng lớn và của những trao đổi kinh tế khác. Marcel Mauss miêu tả nó như sau:
“Hệ thống trao đổi quà tặng thấm sâu trong mọi ngóc ngách của cuộc sống kinh tế và đạo đức của người Trobriand. Cuộc sống của họ thấm nhuần bởi nguyên tắc ngày. Luôn luôn là “cho đi và nhận lại.” Các món quà liên tục được cho đi, chấp nhận, và đáp trả.”
Mặc dù cực điểm của hệ thống kula là sự trao đổi mang tính nghi lễ cao của các loại vòng tay và vòng cổ giữa các tộc trưởng, nhưng mạng lưới quà tặng bao quanh nó mở rộng ra với mọi món đồ hữu dụng khác, kể cả thực phẩm, tàu thuyền, sức lao động, và hơn thế nữa. Sự đổi chác sòng phẳng, theo Mauss, là không bình thường. “Thường thường, kể cả khi một món quà đã được trao tặng thì nó cũng không được giữ mãi bởi người nhận, trừ khi nếu không có nó thì người đó không làm gì được.” Nói theo cách khác, các món quà lưu chuyển liên tục, chúng chỉ dừng lại khi có người thực sự cần đến nó. Sau đây là sự miêu tả về nguyên tắc quà tặng của Lewis Hyde:
“Món quà di chuyển đến nơi không có gì – đến với người thiếu thốn nhất. Và nếu có ai đó ở nơi khác cần đến nó hơn thì nó sẽ tiếp tục hành trình của mình và đến với người đó. Sự hào phóng của chúng ta có thể làm cho chúng ta thiếu thốn, nhưng chính sự thiếu thốn đó lại nhẹ nhàng kéo các món quà di chuyển về phía chúng ta để bù đắp cho chúng ta.”
Mặc dù ngày nay chúng ta phân biệt rất rõ ràng giữa một món quà và một giao dịch thương mại, nhưng trước kia không hề có sự phân biệt rõ ràng như thế. Một số nền văn hoá, như người Toaripi và Namau, chỉ có một từ duy nhất để nói về mua, bán, mượn và cho mượn, người Mesopotamia thì có từ šám đều có nghĩa là mua và bán. Sự mơ hồ tương tự vẫn tồn tại trong nhiều ngôn ngữ hiện đại. Tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Đan Mạch, tiếng Nauy, tiếng Hà Lan, tiếng Estonia, tiếng Bulgari, tiếng Serbi, tiếng Nhật, và nhiều thứ tiếng khác chỉ có duy nhất một từ cho hành động mượn và cho mượn, có lẽ đó là một dấu tích từ thời xưa khi hai hành động đó chưa được phân biệt.
Lời giải thích sự nhập nhằng này nằm ở phương thức hoạt động của quà tặng. Trừ ngoại lệ hiếm, có thể chỉ mang tính lí thuyết mà Derrida gọi là “quà miễn phí”, thì hành động tặng quà luôn dẫn tới một vật trao đổi hoặc dẫn tới sự mang ơn về mặt đạo đức hoặc xã hội (hoặc cả hai). Không giống như các giao dịch tiền tệ ngày nay – đóng và không kèm theo nghĩa vụ nào – sự trao đổi quà tặng là mở, nó tạo nên một mối liên hệ liên tục giữa người cho và người nhận. Một cách nhìn khác là: món quà là một phần của người tặng quà, và khi chúng ta trao tặng một món quà, chúng ta cho đi một phần của bản thân mình. Điều này trái ngược với các giao dịch hàng hoá hiện nay, khi các loại hàng hoá được bán đi như một món đồ không liên quan gì đến người bán chúng. Tất cả chúng ta đều cảm nhận được sự khác biệt. Có thể bạn có vài món đồ người khác tặng mà bạn quý như báu vật, có thể khách quan mà nói thì nó không khác gì những món đồ bạn có thể mua, nhưng nó là độc nhất vô nhị và đặc biệt bởi vì người tặng có ý nghĩa với bạn. Bởi vậy đối với những người từ thời xưa, việc tặng quà có tính chất kì diệu, và các món quà luôn có một linh hồn gắn liền với chúng.
Những đồ vật vô dụng như vỏ sò, hạt trang trí, vòng cổ, v.v… là loại tiền cổ xưa nhất. Việc đổi chúng lấy cái gì đó có giá trị sử dụng, thật lòng mà nói, chỉ là một cách để làm cho việc tặng quà – một cái gì đó đổi lấy không cái gì cả – trở nên thuận tiện. Họ biến chúng trở thành một cái gì đó – đổi lấy – một cái gì đó, nhưng điều đó không làm cho nó kém ý nghĩa hơn một món quà, bởi vì họ chỉ đang trả lại một vật tượng trưng cho sự biết ơn của họ mà thôi. Từ cách nhìn nhận này, việc mua và bán, mượn và cho mượn, không có ranh giới phân biệt là dễ hiểu. Đó không phải là những hành động trái ngược nhau. Tất cả các món quà quay vòng trở lại với người cho đi dưới một hình thái khác. Người mua và người bán là ngang bằng nhau.
Ngày nay có một sự bất cân đối trong các giao dịch thương mại, trong đó người mua là người cho tiền và nhận hàng hoá, còn người bán là người nhận tiền và cho đi hàng hoá. Nhưng đồng thời chúng ta cũng có thể nói là “người mua” đang bán tiền để lấy hàng hoá, còn “người bán” đang mua tiền bằng hàng hoá. Bằng chứng về ngôn ngữ và ngành nhân chủng học cho biết sự bất cân đối này xuất hiện sau tiền rất nhiều. Vậy, chuyện gì đã xảy ra với tiền mà đã tạo ra sự bất cân đối này? Tiền khác với tất cả các loại hàng hoá khác trên thế giới, và, như chúng ta sẽ thấy, chính sự khác biệt này là nguyên nhân chính khiến nó trở nên trần tục.
Mặt khác, quà tặng được chúng ta công nhận là thiêng liêng bằng trực giác, đó là lí do vì sao đến giờ chúng ta vẫn tổ chức các buổi lễ để trao tặng quà. Quà tặng là hiện thân của những tính chất quan trọng của sự thiêng liêng mà tôi nhắc đến trong Lời Mở Đầu. Thứ nhất, tính độc nhất: không như những loại hàng hoá tiêu chuẩn hiện nay, quà tặng là độc nhất vì chúng như là một phần của người tặng. Thứ hai, tính liên kết: quà tặng mở rộng phạm vi cá nhân để bao gồm toàn bộ cộng đồng. Trong khi hiện nay tiền là hiện thân của nguyên tắc “Nhiều hơn cho tôi có nghĩa là ít hơn cho bạn”, thì trong một nền kinh tế quà tặng (gift economy), nhiều hơn cho bạn cũng có nghĩa là nhiều hơn cho tôi vì ai có thì cho người cần. Quà tặng làm bền vững nhận thức huyền bí rằng chúng ta đang tham gia vào một điều gì đó lớn hơn bản thân, nhưng đồng thời không tách biệt khỏi bản thân. Các tiên đề của sự tư lợi cá nhân thay đổi vì cái tôi cá nhân đã mở rộng để bao gồm một một cái gì đó của người khác.
Cách giải thích thông thường về sự xuất hiện của tiền mà chúng ta tìm thấy trong các cuốn sách giáo khoa kinh tế cho rằng sự đổi chác là điểm xuất phát. Ngay từ thuở ban đầu, các cá nhân cạnh tranh với nhau để tăng trưởng tư lợi của bản thân đến mức cao nhất. Sự miêu tả này không phù hợp với các chứng cứ về nhân chủng học. Theo như Mauss, sự đổi chác là hiếm có ở Polynesia, hiếm ở Melanesia, và không tồn tại ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương. Nhà nhân chủng học kinh tế George Dalton nhấn mạnh: “Sự đổi chác, theo nghĩa hẹp là đổi hàng hoá không dùng đến tiền, chưa bao giờ có ý nghĩa quan trọng hay là một cách thức giao dịch chủ yếu trong bất kì hệ thống kinh tế nào trong quá khứ hay ở hiện tại mà chúng tôi có thông tin chính xác.” Ví dụ duy nhất của sự đổi chác, theo Dalton, là những giao dịch lặt vặt, không thường xuyên, hoặc khẩn cấp – cũng giống như hiện nay. Ngoài những ví dụ đó ra, những giao dịch không dùng tiền gần như hoàn toàn không giống với những giao dịch để gia tăng lợi ích cá nhân trong trí tưởng tượng của các nhà kinh tế học, thay vào đó chúng có xu hướng tạo ra những mối quan hệ mật thiết và lâu dài được thừa nhận bởi phong tục và có tính chất qua lại. Những giao dịch như vậy không nên được gọi là đổi chác, mà là trao đổi quà tặng.
Hiện nay chúng ta cho quà tặng và món đồ mua được vào các hạng mục riêng biệt; chắc chắn, những triết lí về kinh tế và tâm lí khác nhau được áp dụng vào mỗi hạng mục đó. Nhưng thời xưa không có sự phân định như thế, và thời này chúng ta cũng không phân biệt rõ ràng giữa mối quan hệ công việc và mối quan hệ cá nhân. Các nhà kinh tế học khi kể lại lịch sử của tiền, có xu hướng phóng chiếu sự phân biệt ngày nay vào quá khứ, theo đó họ tạo ra nhiều giả thuyết về bản tính con người, về cái tôi, và về mục đích cuộc sống: rằng chúng ta là những bản ngã tách biệt và khôn ngoan luôn cạnh tranh với nhau để giành lấy nguồn tài nguyên khan hiếm và tăng lợi ích cá nhân đến mức tối đa. Tôi sẽ không nói rằng những giả thuyết đó là sai. Chúng là một phần của hệ tư tưởng đã tạo ra nền văn minh của chúng ta, một Câu chuyện về Con người mà hiện nay sắp đến hồi kết. Cuốn sách này đóng góp một phần trong việc kể một Câu chuyện mới về Con người. Sự chuyển hoá của tiền là một phần của sự chuyển hoá lớn hơn và nền tảng của nó dựa trên những nhận thức rất khác về cái tôi, cuộc sống và thế giới.
Nền kinh tế của loài người chưa bao giờ xa cách khỏi vũ trụ học, tôn giáo và tâm lí. Không chỉ có nền kinh tế cổ xưa dựa trên nguyên tắc quà tặng: vũ trụ học và tôn giáo cổ xưa cũng vậy. Ngày nay cũng thế, tiền với đặc tính tiêu chuẩn hoá, trừu tượng và vô danh tính đứng ngang hàng với những khía cạnh khác trong sự trải nghiệm của loài người. Nếu có một loại tiền mới thì thế giới quan mới về khoa học, tôn giáo và tâm lí sẽ như thế nào?
Nếu tiền không phải được xuất phát từ thế giới tưởng tượng của các nhà kinh tế học về sự đổi chác được đong đếm để tăng lợi ích, thì nó xuất phát từ đâu? Tôi gợi ý là nó xuất phát như một phương thức để làm cho việc tặng quà, chia sẻ và sự hào phóng trở nên thuận tiện, hay ít nhất là nó có mang tinh thần đó. Để tạo ra một nền kinh tế thiêng liêng, chúng ta cần phục hồi lại tinh thần ban đầu đó của tiền.
Về cơ bản, tiền là một khái niệm đẹp đẽ. Hãy để tôi ngây thơ một lát để mô tả tính chất tâm linh cơ bản của tiền. Tôi có cái bạn cần, và tôi mong muốn trao nó cho bạn. Vì vậy tôi cho đi, và bạn cảm thấy biết ơn và mong muốn đáp trả tôi bằng một thứ gì đó. Nhưng hiện tại bạn không có thứ gì mà tôi cần. Bởi vậy bạn đưa cho tôi một món đồ tượng trưng cho lòng biết ơn của bạn – một món đồ đẹp nhưng vô dụng như một cái vòng cổ kết bằng vỏ sò hoặc một mẩu bạc. Món đồ tượng trưng đó mang ý nghĩa “Tôi đã cho đi cái mà người khác cần và đã có được lòng biết ơn của họ.” Sau đó, khi tôi nhận được một món quà từ người khác, tôi đưa cho họ món đồ tượng trưng kia. Quà tặng có thể lưu chuyển trong phạm vi xã hội rất rộng, và tôi có thể nhận từ những người mà tôi chẳng có gì để cho họ trong khi đó vẫn có thể thể hiện mong muốn đáp trả những món quà đó.
Ở phạm vi gia đình, thị tộc, hoặc nhóm săn bắt hái lượm, người ta không cần đến tiền để vận hành một nền kinh tế quà tặng. Ngay cả trong những phạm vi xã hội lớn hơn như một ngôi làng hoặc bộ tộc có hàng trăm người, người ta cũng không cần sử dụng đến tiền. Ở đó, nếu tôi không cần cái gì từ bạn vào lúc này, thì hoặc bạn sẽ đem cho tôi cái mà tôi cần vào một lúc khác trong tương lai (vì bạn biết ơn tôi), hoặc bạn sẽ cho một người khác, người đó lại cho một người khác nữa, và người khác đó sẽ cho tôi. Đây là “vòng tròn quà tặng”- nền tảng của một cộng đồng. Trong một bộ tộc hoặc một ngôi làng, xã hội đủ nhỏ để những người cho tôi có thể nhận ra món quà mà tôi cho người khác. Trong một xã hội lớn như của chúng ta thì không xảy ra trường hợp đó. Nếu tôi cho anh một cách hào phóng, người nông dân trồng gừng cho tôi ở Hawaii hay người kĩ sư thiết kế cái điện thoại của tôi ở Nhật sẽ không biết điều đó. Bởi vậy thay vì sử dụng cái gì đó mang tính cá nhân để thể hiện sự biết ơn, chúng ta dùng tiền – vật đại diện cho sự biết ơn. Sự làm chứng của xã hội khi các món quà được trao trở thành vô danh tính.
Tiền trở nên cần thiết khi phạm vi của quà tặng rộng hơn phạm vi những người chúng ta biết ở mức độ cá nhân. Đó là khi quy mô kinh tế và sự phân chia sức lao động vượt quá phạm vi bộ tộc hoặc làng xã. Thật vậy, kiểu tiền đầu tiên xuất hiện trong các nền văn minh nông nghiệp phát triển xa hơn các ngôi làng Neolithic (thời kì từ 15000 năm trước công nguyên đến 2000 năm trước công nguyên): Mesopotamia, Ai Cập, Trung Quốc, và Ấn Độ. Những mạng lưới quà tặng truyền thống địa phương nhường chỗ cho các hệ thống phân bổ trung ương, với đền thờ, và sau này là cung điện hoàng gia, như là trung tâm. Rất có thể, điều này được phát triển từ truyền thống trao đổi quà giữa các tộc trưởng, rồi sau đó các món quà được trao cho gia đình và bộ tộc của họ. Bắt đầu với vai trò là giao điểm cho sự lưu thông quà tặng trong phạm vi lớn hơn, chúng nhanh chóng xa rời khỏi tinh thần quà tặng khi sự đóng góp trở nên bắt buộc và được đong đếm, và sự chi tiêu trở nên mất cân đối. Các tài liệu cổ của Sumer (Iraq cổ đại) đã nhắc đến sự phân cực giàu nghèo, những người có tài sản và không có tài sản, và mức lương thấp chỉ đủ để tồn tại của người lao động. Mặc dù các đạo luật trung ương, chứ không phải thị trường thương mại, điều hành sự lưu thông của hàng hoá, các đế quốc nông nghiệp ban đầu cũng sử dụng cái mà một số gọi là tiền: các đơn vị hàng hoá nông nghiệp và kim loại tiêu chuẩn làm phương tiện trao đổi, đơn vị tính toán, và vật có giá trị. Vì vậy, từ bốn ngàn năm trước, tiền đã không còn đáp ứng được kỳ vọng ngây thơ của tôi rằng nó sẽ tạo ra sự sung túc hơn cho tất cả mọi người bằng cách tạo điều kiện cho sự gặp gỡ giữa món quà và nhu cầu.
Bằng việc tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, thúc đẩy sản xuất, và cho phép tích luỹ vốn để thực hiện những dự án lớn, lẽ ra tiền phải làm cho cuộc sống phong phú hơn: nó nên đem lại cho chúng ta sự thoải mái, nhàn hạ, hết lo lắng, và một sự phân chia của cải công bằng. Thật vậy, các lí thuyết kinh tế đều đoán trước được những kết quả như vậy. Nhưng sự thật là tiền lại trở thành một biểu tượng của những điều ngược lại: nỗi lo lắng, sự gian khổ, và sự phân cực giàu nghèo. Thật là một nghịch lí.
Nếu chúng ta muốn có một thế giới với công nghệ hiện đại, với rạp chiếu phim và các dàn nhạc giao hưởng, với mạng truyền thông từ xa và kiến trúc vĩ đại, với các đô thị quốc tế và văn học toàn cầu, chúng ta cần tiền, hoặc thứ gì đó giống thế, như một phương tiện để phối hợp hoạt động của con người trên phạm vi đủ lớn để tạo ra những thứ đó. Bởi vậy, tôi viết cuốn sách này để mô tả một hệ thống mà tiền được phục hồi lại tính chất thiêng liêng của nó như một tặng phẩm. Tôi nói “phục hồi” vì tiền đã từng có ý nghĩa thiêng liêng và tuyệt diệu. Trước kia, các ngôi đền là nơi các sản phẩm nông nghiệp dư thừa được tích trữ và phân phối lại: trung tâm của tôn giáo cũng đồng thời là trung tâm của kinh tế. Chắc chắn là các ngôi đền có vai trò rất lớn trong việc phát hành tiền xu, rất nhiều loại xu đã từng được in hình các con vật linh thiêng hoặc các vị thần. Việc này hiện nay vẫn tiếp diễn, các tờ tiền giấy và đồng tiền xu đều mang hình các vị tổng thống được minh hoạ gần giống các vị thần.
—
Có thể một ngày nào đó chúng ta sẽ không cần đến tiền để có một nền kinh tế quà tặng trên phạm vi hàng tỉ người; có thể loại tiền mà tôi miêu tả trong cuốn sách này chỉ là một bước chuyển tiếp. Tôi không phải kiểu người muốn cổ vũ cho việc xoá bỏ nền văn minh, công nghệ và văn hoá, cũng như những đặc điểm khiến chúng ta là người. Thay vào đó tôi chỉ đoán trước sự trở về trạng thái thiêng liêng của nhân loại, chúng ta sẽ có được sự toàn vẹn và sẽ sống hài hoà với thiên nhiên như những người săn bắt hái lượm, nhưng được tổ chức ở một mức cao hơn. Tôi đoán trước sự hoàn thiện, chứ không phải sự từ bỏ, của đôi tay và trí óc – những món quà được ban tặng cho chúng ta để khiến chúng ta là người.
Hãy để ý sự tự nhiên khi chúng ta miêu tả các thuộc tính đặc trưng của con người như những món quà. Theo các nguyên tắc chung của quà tặng, các món quà mà chúng ta được tặng cũng là một phần của Người Tặng. Nói cách khác, chúng là các món quà thiêng, từ món quà Lửa của thần Prometheus cho đến món quà Âm Nhạc của thần Apollo, cho đến món quà Nông Nghiệp của Thần Nông. Theo như trong Kinh Thánh, chúng ta không chỉ được ban tặng thế giới, mà còn được tặng hơi thở của cuộc sống và khả năng sáng tạo – bởi chúng ta được tạo ra “theo như hình hài” của Đấng Sáo Tạo.
Ở mức độ cá nhân, chúng ta cũng cảm nhận được rằng: ta được ban tặng tài năng nào đó là vì có một lí do riêng của nó. Hơn nữa, chúng ta có một mong muốn phát triển những tài năng đó mà không thể kìm nén được để rồi lại mang những tài năng đó ra ngoài thế giới để cống hiến. Mỗi người chúng ta đều đã từng trải nghiệm niềm vui khi cho đi và sự hào phóng của những người xa lạ. Nếu bạn hỏi tìm đường ở một thành phố, hầu hết mọi người đều vui lòng giúp bạn. Chẳng có tư lợi cá nhân nào khi chúng ta chỉ đường cho một người xa lạ, đó đơn giản chỉ là sự biểu hiện của tính hào phóng có sẵn trong chúng ta.
Thật là mỉa mai khi tiền, ban đầu là một phương tiện để kết nối món quà với những người cần đến chúng, ban đầu là kết quả tự nhiên của một nền kinh tế quà tặng thiêng liêng, giờ đây lại chính là cái đang ngăn cản sự đơm hoa kết trái của mong muốn cho đi của chúng ta, nó chính là cái đang giam giữ chúng ta với những công việc nhàm chán chỉ vì chúng ta cần kiếm sống, và nó chính là cái chặn trước những thôi thúc hào phóng nhất của chúng ta với suy nghĩ “Tôi không có đủ tiền để làm được việc đó”. Chúng ta sống trong một nỗi lo lắng hiện diện ở khắp mọi lúc mọi nơi, nỗi lo lắng đó sinh ra từ sự khan hiếm tiền – là thứ chúng ta phụ thuộc vào để sống. Mục đích sống của chúng ta, sự phát triển và biểu lộ tài năng của chúng ta, bị cầm cố bởi vì chúng ta cần tiền, cần kiếm sống, để tồn tại. Nhưng không ai, dù họ giàu có, an toàn, hoặc thoải mái đến mức nào, có thể cảm thấy trọn vẹn trong cuộc sống nếu những tài năng của họ không được biểu hiện ra ngoài. Kể cả những công việc được trả lương cao nhất, nếu nó không liên quan gì đến tài năng mà chúng ta được ban tặng, cũng sớm trở nên nhàm chán, và chúng ta nghĩ: “Tôi không được sinh ra để ở đây làm công việc này”.
Kể cả khi một công việc có liên quan đến tài năng của chúng ta, nhưng nếu ta không tin vào mục đích của công việc đó, thì cái cảm giác nhàm chán sẽ lại xuất hiện, cái cảm giác rằng chúng ta đang không thực sự sống cuộc sống của chính mình mà chỉ đang sống cuộc sống mà chúng ta được trả tiền để sống. “Đầy thử thách” và “thú vị” cũng không đủ, vì tài năng của chúng ta là một món quà thiêng liêng, nên nó phải được dùng cho một mục đích thiêng liêng.
Ý tưởng rằng chắc chắn chúng ta ở trên trái đất này để làm điều gì đó về cơ bản là một quan niệm mang tính tôn giáo. Ngành sinh học truyền thống dạy rằng chúng ta tiến hoá để có thể tồn tại, rằng bất kì cố gắng nào nằm ngoài mục đích tồn tại và sinh sản đều đi ngược lại với hoạch định sẵn của bộ gien. Tuy nhiên, cách nhìn nhận của ngành sinh học rằng chúng ta là những sinh vật ích kỉ, tách biệt và luôn cạnh tranh nhau chỉ là một sự phóng chiếu của chính nền văn hoá hiện đại của chúng ta chứ không phải là cách hiểu đúng về tự nhiên. Có những cách hiểu về tự nhiên khác mà không bỏ qua sự cạnh tranh hiển nhiên nhưng ưu tiên cho sự hợp tác, sự cộng sinh, và sự liên kết của các sinh vật thành một tổng thể lớn hơn. Cách hiểu mới này thực ra khá là cổ xưa, nó nhắc lại hiểu biết của những người thổ dân về tự nhiên như là một mạng lưới quà tặng (web of gifts).
Mỗi sinh vật và mỗi loài đóng góp một phần quan trọng trong sự toàn vẹn của sự sống trên trái đất, và sự đóng góp này, ngược lại với những kì vọng của ngành sinh học tiến hoá, không cần phải thu về bất kì lợi ích cá nhân trực tiếp nào cho chính sinh vật đó. Vi khuẩn giải phóng ni-tơ không thu được lợi ích trực tiếp nào từ việc nó giải phóng ni-tơ, ngoại trừ việc nguồn ni-tơ mà nó phóng ra đất giúp cây cối phát triển giúp rễ cây phát triển giúp nấm phát triển, rồi cuối cùng nấm cung cấp chất dinh dưỡng cho vi khuẩn đó. Các loài tiên phong mở đường cho các loài chủ chốt, các loài chủ chốt tạo điều kiện cho các loài khác, các loài khác lại nuôi sống các loài khác nữa trong một mạng lưới quà tặng mà, cuối cùng, quay trở về nuôi dưỡng các loài tiên phong. Các cây lớn mang nước lên để nuôi các cây nhỏ hơn, và loài tảo tạo ra o-xy để các loài động vật có thể thở. Loại bỏ bất kì sinh vật nào đi thì sức sống của tất cả đều trở nên mong manh.
Có thể bạn nghĩ rằng tôi ngây thơ với những lí lẽ trên. Có thể bạn nói rằng mọi thứ hoạt động tốt như vậy là do ngẫu nhiên: Các cây lớn không quan tâm đến việc mang nước đến cho các cây nhỏ xung quanh – chúng làm vậy là cho bản thân chúng, để tăng cơ hội sống sót và để sinh sản. Việc chúng nuôi dưỡng các sinh vật khác chỉ là một hệ quả phụ không có chủ ý. Tương tự như vậy với tảo, với vi khuẩn tạo ni-tơ, và với vi khuẩn giúp tiêu hoá xenluloza sống trong các loài động vật nhai lại. Có thể bạn nghĩ rằng trong thế giới này mỗi người phải tự lo cho bản thân. Tự nhiên là một cuộc cạnh tranh khốc liệt, và một nên kinh tế như vậy cũng là hợp lẽ tự nhiên.
Tôi không nghĩ rằng điều đó là hợp tự nhiên. Đó là một sự lạc lối, một sự dị thường mặc dù là một giai đoạn cần thiết mà khi đã lên đến đỉnh điểm thì sẽ mở đường cho một giai đoạn mới. Trong tự nhiên, sự phát triển thái quá và sự cạnh tranh hoàn toàn là những đặc điểm của các hệ sinh thái chưa hoàn thiện, theo sau đó luôn là sự phụ thuộc lẫn nhau rất phức tạp, sự cộng sinh, sự hợp tác, và sự tuần hoàn của các nguồn tài nguyên. Giai đoạn tiếp theo của nền kinh tế sẽ là một sự phát triển song hành với những hiểu biết mới của chúng ta về tự nhiên. Nó sẽ kêu gọi sự phát triển tài năng của mỗi người trong chúng ta; nó sẽ đề cao sự hợp tác thay vì sự cạnh tranh; nó sẽ khuyến khích sự lưu chuyển thay vì gom góp của cải; và nó sẽ quay vòng thay vì phát triển theo hướng tuyến tính. Tiền sẽ không biến mất trong tương lai gần, nhưng vai trò của nó sẽ suy giảm khi nó mang ngày càng nhiều những tính chất của một tặng phẩm. Nền kinh tế sẽ co lại, và cuộc sống của chúng ta sẽ phát triển.
Tiền như chúng ta đang biết sẽ không thân thiện với một nền kinh tế biểu hiện tinh thần của quà tặng, một nền kinh tế mà chúng ta có thể gọi là thiêng liêng. Để biết được tiền như thế nào thì mới là thiêng liêng, chúng ta cần xác định rõ điều gì đã khiến cho tiền trở thành sức mạnh điều khiển sự tham lam, xấu xa, khan hiếm và tàn phá môi trường như hiện nay.
Cũng như khoa học thường phóng chiếu văn hoá vào tự nhiên, kinh tế học cũng coi những điều kiện được quyết định bởi văn hoá là những sự thật hiển nhiên. Sống trong một nền văn hoá của sự khan hiếm (vì sự khan hiếm là điều chúng ta đang trải nghiệm, khi việc “kiếm sống” bức chế sự biểu hiện tài năng của chúng ta), chúng ta cho rằng đó là nền tảng của kinh tế. Trong lĩnh vực sinh học, chúng ta đã và đang nhìn nhận thế giới như một nơi mà các cá nhân riêng biệt cạnh tranh với nhau để giành lấy nguồn tài nguyên giới hạn. Hệ thống tiền tệ, như chúng ta sẽ thấy, là hiện thân của niềm tin này ở mức độ rất sâu sắc. Nhưng niềm tin này có đúng không? Có phải chúng ta sống trong một thế giới, một vũ trụ mà nền tảng là sự khan hiếm? Và nếu không, nếu chân lí của vũ trụ là sự trù phú, thì làm thế nào mà tiền lại trở thành phản tự nhiên như vậy?