Căn bệnh mang tên Bận rộn

22 Tháng Một 2018
Chuyên mục
Minimalism
Bình luận  1

Vài ngày trước tôi gặp một người bạn thân. Tôi dừng lại và hỏi cô ấy và gia đình dạo này thế nào. Cô ấy nhìn lên, giọng trùng xuống, và rên rỉ: “Tôi bận lắm… tôi bận lắm … nhiều thứ phải làm quá.”

Gần như ngay sau đó, tôi vô tình gặp lại một người bạn khác và tôi cũng hỏi anh ấy thế nào. Lại một lần nữa, với cùng giọng điệu, cùng một câu trả lời: “Tôi bận lắm… tôi có nhiều thứ phải làm lắm.”

Giọng điệu đó có vẻ bực bội, mệt mỏi, thậm chí gần như kiệt sức.

Và không phải chỉ người lớn mới vậy. Khi chúng tôi chuyển nhà đến North Carolina khoảng 10 năm trước, chúng tôi đã rất vui vì được chuyển đến một thành phố có hệ thống giáo dục rất tuyệt vời. Khu phố của tôi có rất nhiều gia đình, họ đến từ nhiều miền khác nhau. Mọi thứ có vẻ rất ổn.

Sau khi chúng tôi ổn định nhà cửa, chúng tôi đến nhà một người hàng xóm thân thiện, hỏi xem liệu con gái chúng tôi và con gái của họ có thể chơi với nhau được không. Người mẹ – một người rất dễ mến – với tay lấy cái điện thoại để mở ứng dụng lịch ra xem. Cô ấy xem mãi… xem mãi… xem mãi. Cuối cùng cô ấy nói: 2 tuần rưỡi nữa con bé sẽ rảnh trong khoảng 45 phút. Thời gian còn lại dành cho môn thể dục, piano, học hát. Con bé… bận lắm.”

Những tập quán có tính huỷ hoại bắt đầu từ sớm, rất sớm.

Làm thế nào mà chúng ta cuối cùng lại sống thế này? Tại sao chúng ta lại làm điều này với bản thân? Tại sao chúng ta lại làm điều này với con cái của mình? Từ khi nào mà chúng ta quên rằng chúng ta là người chứ không phải rô-bốt (we are human beings, not human doing)

Điều gì đã xảy ra với cuộc sống mà trong đó bọn trẻ được vui chơi, được gây bừa bộn, chân tay lấm lem bùn đất, “được” buồn chán?  Có phải chúng ta yêu con quá nên mới lên kế hoạch ngập đầu cho chúng, khiến chúng căng thẳng và bận rộn – như chúng ta không?

Điều gì đã xảy ra với cuộc sống mà trong đó chúng ta có thể ngồi bên những người chúng ta yêu thương và thong thả nói chuyện về những điều chúng ta cảm thấy trong trái tim và tâm hồn – những câu chuyện với những khoảng lặng mà chúng ta không cần phải lấp đầy?

Làm thế nào mà chúng ta lại tạo ra một thế giới trong đó càng ngày chúng ta càng có nhiều việc phải làm nhưng lại càng ngày càng có ít thời gian để sống thảnh thơi, thời gian để suy ngẫm, thời gian dành cho cộng đồng, thời gian để chỉ… hiện hữu?

 

“Cuộc sống mà không được suy xét thì không đáng sống… đối với một con người.” (The Apology of Socrates) Làm sao chúng ta có thể sống, suy xét, hiện hữu, trở thành, là một con người toàn vẹn khi chúng ta quá bận rộn?

Căn bệnh “bận rộn” này đang tàn phá sức khoẻ và tinh thần của chúng ta. Nó khiến chúng ta không còn khả năng thực sự có mặt bên những người chúng ta thương yêu nhất, và ngăn không cho chúng ta xây dựng cộng đồng – điều mà chúng ta luôn mong mỏi và cảm thấy thiếu thốn.

 

Từ những năm 1950s, chúng ta đã có rất nhiều đổi mới về mặt kĩ thuật đến nỗi chúng ta cho rằng (hay được hứa hẹn rằng) cuộc sống sẽ dễ dàng hơn, đơn giản hơn, thuận tiện hơn. Tuy nhiên, so với cách đây vài thập kỉ, chúng ta vẫn không có nhiều thời gian rảnh rỗi và “tự do” hơn.

Đối với một số người – những người “may mắn”, ranh giới giữa công việc và gia đình gần như biến mất. Chúng ta sử dụng công nghệ suốt ngày đêm.

Smartphone và laptop đồng nghĩa với việc nhà và cơ quan là một. Khi bọn trẻ đi ngủ, chúng ta lại online.  

Hàng ngày tôi ngập đầu trong email. Hàng trăm hàng trăm email đến mỗi ngày mà tôi không biết có cách nào để ngăn chúng lại. Tôi đã thử vài cách: chỉ trả lời vào buổi tối, không trả lời vào cuối tuần, yêu cầu mọi người gặp mặt trực tiếp. Thế mà chúng vẫn tới ồ ạt, và mọi người luôn mong đợi được trả lời ngay lập tức. Cuối cùng tôi cũng… bận rộn.

Đối với nhiều người khác thì khác. Nhiều người phải làm 2 công việc với mức lương thấp để nuôi sống gia đình. 20% trẻ em [Mỹ] đang phải sống trong cảnh nghèo túng và có rất nhiều bậc cha mẹ phải làm các công việc trả lương bèo bọt để có một mái nhà và những thứ trông giống đồ ăn để đặt lên bàn ăn (2/3 bữa ăn của người Mỹ được sản xuất công nghiệp tức là đã qua chế biến và đóng gói sẵn hoặc fast food, không phải là thực phẩm tươi – ND). Chúng ta quá bận rộn.

Kiểu mẫu gia đình cũ, trong đó một người đi làm, còn một người ở nhà chăm sóc con cái và nhà cửa đã trở nên xa vời.

Cuộc sống lẽ ra không phải để trở thành thế này.

 

Khi tôi hỏi “bạn có khoẻ không?”, điều tôi muốn hỏi thực sự là “trong trái tim bạn đang cảm thấy thế nào, vào giây phút này, vào hơi thở này ấy?”

Tôi không có ý hỏi bạn rằng bạn có kế hoạch làm bao nhiêu việc, tôi cũng không hỏi trong inbox bạn có bao nhiêu tin nhắn. Tôi chỉ muốn biết trái tim bạn đang cảm thấy thế nào vào giây phút hiện tại này mà thôi. Hãy nói cho tôi biết. Nói cho tôi biết nếu bạn đang hạnh phúc, nói cho tôi biết nếu bạn đang đau khổ, nói cho tôi biết nếu bạn đang mong mỏi được kết nối. Hãy xem xét trái tim của bạn, hãy khám phá tâm hồn bạn, và sau đó nói cho tôi biết điều gì đó trong trái tim và trong tâm hồn bạn.

Hãy nói cho tôi biết rằng bạn vẫn nhớ mình là một con người, chứ không phải là một rô-bốt chỉ biết làm hết việc này đến việc kia theo kế hoạch.

Hãy đặt tay bạn lên tay tôi, nhìn vào mắt tôi, và kết nối với tôi trong một giây. Hãy nói cho tôi biết bạn đang cảm thấy thế nào, và hãy đánh thức trái tim tôi. Hãy giúp tôi nhớ rằng tôi cũng là một con người toàn vẹn, rằng chúng ta cần kết nối với nhau.

 

Tôi dạy ở một trường đại học. Ở đây nhiều sinh viên tự hào với lối sống “học hết sức, chơi tới bến” của họ. Đây có thể là sự phản chiếu lối sống và sự bận rộn của xã hội chúng ta, rằng kể cả những hình thức thư giãn của chúng ta cũng mang tính “kích thích”, ví dụ như các bộ phim hành động, những môn thể thao nhanh và có tính bạo lực, v.v…

Tôi không có bất kì giải pháp thần thánh nào. Tôi chỉ biết rằng chúng ta đang mất đi khả năng sống thực sự.

Chúng ta cần thay đổi cách chúng ta làm việc và cách chúng ta sử dụng công nghệ. Chúng ta biết mình muốn gì mà: một cuộc sống có ý nghĩa, được cảm thấy mình thuộc về một cộng đồng, một sự cân bằng và hài hoà trong cuộc sống.

W.B.Yeats từng viết:

“Một người dám khám phá những góc tối trong tâm hồn mình thì còn dũng cảm hơn một anh lính chiến đấu ngoài chiến trận.”

Chúng ta làm sao có thể khám phá những góc tối trong tâm hồn mình nếu chúng ta quá bận rộn? Chúng ta làm sao có thể biết suy xét cuộc sống của mình?

Chúng ta cần một kiểu mẫu khác để sắp xếp lại cuộc sống, xã hội, gia đình, và cộng đồng.

Tôi muốn con tôi được lấm lem, bừa bộn, thậm chí buồn chán. Tôi muốn chúng ta có thể sống một cuộc sống mà có những lúc chúng ta có thể dừng lại, nhìn vào mắt nhau, chạm vào nhau, và cùng nói với nhau: Tôi đang dành thời gian để suy tư về cuộc sống của chính tôi đây. Tôi biết mình muốn điều gì trong tâm hồn. Tôi biết trong tim mình đang cảm thấy thế nào. Và tôi biết cách thể hiện ra những điều mình đang cảm thấy.

Hôm nay bạn cảm thấy thế nào?

Hãy giữ kết nối với nhau để khi có một người trả lời “Tôi đang bận lắm” thì chúng ta có thể nói tiếp “Tôi biết, bạn yêu quí. Ai mà không bận chứ. Nhưng tôi muốn biết hôm nay trong trái tim mình bạn cảm thấy thế nào.”

https://onbeing.org/blog/the-disease-of-being-busy/

 

One response on “Căn bệnh mang tên Bận rộn

  1. Võ Hương Thủy nói:

    Bài viết xúc động quá, cảm ơn bạn thật nhiều.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *