Sơ lược về khả năng tự giáo dục ở trẻ em - Peter Gray

22 Tháng Bảy 2016
Chuyên mục
Unschooling
Bình luận  1

Là người lớn, chúng ta có những trách nhiệm nhất định đối với con cái của mình và trẻ em trên toàn thế giới. Những trách nhiệm đó là tạo ra những nơi an toàn, có lợi cho sức khoẻ mà trong đó trẻ em có thể phát triển và được tôn trọng. Những trách nhiệm đó là nuôi dưỡng  trẻ em bằng các loại thực phẩm thích hợp, không khí trong lành, những nơi vui chơi không độc hại, và nhiều cơ hội để tương tác một cách tự do với những trẻ em khác. Trách nhiệm đó là làm một tấm gương tốt cho con trẻ. Nhưng có một điều chúng ta không phải lo lắng là: làm thế nào để giáo dục trẻ em.

 

Chúng ta không phải lo lắng về chương trình học, kế hoạch bài học, thúc đẩy trẻ em học hỏi, kiểm tra năng lực của trẻ, và tất cả những gì khác liên quan đến phương pháp sư phạm. Thay vào đó, chúng ta hãy chuyển nguồn năng lượng này hướng tới việc tạo ra những môi trường bền vững trong đó trẻ có thể vui chơi thoải mái. Việc học hỏi là trách nhiệm của trẻ em, không phải của người lớn chúng ta. Chỉ có trẻ em mới có thể làm điều đó cho bản thân chúng. Chúng được sinh ra để học hỏi. Nhiệm vụ liên quan đến giáo dục của chúng ta chỉ là dừng lại và để cho quá trình này tự xảy ra. Chúng ta càng cố gắng kiểm soát nó, chúng ta càng can thiệp sâu vào quá trình này.

 

Khi tôi nói rằng giáo dục là trách nhiệm của trẻ em và rằng chúng được sinh ra để chịu trách nhiệm đó, tôi không mong bạn chấp nhận sự khẳng định này bằng đức tin. Chúng ta sống trong một thế giới mà trong đó sự khẳng định này không còn là sự thật hiển nhiên nữa. Chúng ta sống trong một thế giới mà hầu như tất cả trẻ em và thanh thiếu niên được gửi đến trường học, bắt đầu ở lứa tuổi ngày càng nhỏ và kết thúc ở lứa tuổi ngày càng lớn, và trong đó “trường học” có một ý nghĩa tiêu chuẩn nhất định. Chúng ta đo lường giáo dục bằng điểm số trên các bài kiểm tra và sự lên lớp đều đặn của trẻ trong hệ thống trường học. Đương nhiên, sau đó, gần như là tự động, chúng ta nghĩ về giáo dục như một cái gì đó được thực hiện ở các trường học bởi các chuyên gia được đào tạo về phương pháp sư phạm –  những người biết làm thế nào để trẻ em biến những tiềm năng thô của chúng thành một sản phẩm được giáo dục.

Vì vậy, tôi coi nhiệm vụ của mình là đưa ra những bằng chứng để hỗ trợ cho lời tuyên bố của tôi. Những bằng chứng trực tiếp nhất đến từ những trường hợp mà chúng ta có thể thấy trẻ em tự giáo dục chính mình mà không cần bất cứ cái gì tương tự như trường lớp. Dưới đây là ba trường hợp như vậy:

 

  1. Trẻ em học hỏi một lượng kiến thức cực kì lớn trước khi chúng bắt đầu đi học. Bằng chứng rõ ràng nhất về năng lực tự giáo dục của trẻ, luôn hiện hữu cho bất kỳ ai trong chúng ta chịu mở mắt nhìn, đến từ việc quan sát trẻ em trong bốn hoặc năm năm đầu đời, trước khi có ai đó cố gắng dạy chúng một cách có hệ thống bất cứ điều gì. Hãy suy nghĩ về tất cả những gì trẻ học được trong thời gian đó. Trẻ học cách đi bộ, chạy, nhảy, leo trèo. Chúng tìm hiểu về cách thao tác, và các tính chất vật lý của tất cả các đồ vật nằm trong tầm tay mình. Trẻ em học ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng, đó chắc chắn là một trong những nhiệm vụ liên quan đến nhận thức phức tạp nhất mà con người có thể học. Chúng tìm hiểu tâm lý cơ bản của người khác – làm thế nào để làm hài lòng người khác, làm thế nào để làm phiền họ, làm thế nào để có được những gì chúng cần hoặc muốn từ người khác. Trẻ em tìm hiểu tất cả những điều này không phải thông qua các bài học được cung cấp bởi bất cứ ai, mà thông qua các hoạt động vui chơi tự do, sự tò mò không biên giới, và sự chú tâm tự nhiên của chúng đến hành vi của người khác. Chúng ta không thể ngăn chặn trẻ em trong việc học hỏi tất cả những điều này và những điều khác nữa trừ khi chúng ta nhốt chúng trong cái tủ quần áo một mình.

 

  1. Trẻ em trong các nền văn hóa săn bắn hái lượm trở thành những người trưởng thành có ích mà không cần trường lớp.Theo lịch sử, phần lớn sự tồn tại của loài người là đời sống du mục, sống trong các nhóm tìm kiếm thức ăn tương đối nhỏ. Bản chất cơ bản của con người – bao gồm sự ham chơi, sự tò mò, và tất cả sự thích nghi sinh học khác của chúng ta cho việc học tập – phát triển trong bối cảnh của cuộc sống đó. Một số nhóm người săn bắn hái lượm vẫn tồn tại, với nền văn hóa nguyên vẹn, cho tới thời đại này. Các nhà nhân chủng học nghiên cứu các nhóm như vậy – ở châu Phi, châu Á, New Zealand, Nam Mỹ, và các nơi khác – đã tìm thấy một sự nhất quán đáng chú ý trong thái độ của họ đối với trẻ em. Trong tất cả các nền văn hóa này trẻ em và thanh thiếu niên được phép vui chơi và làm theo sở thích riêng mà không cần sự can thiệp của người lớn mỗi ngày từ sáng đến tối. Niềm tin của những người này, tạo nên bởi hàng thiên niên kỷ kinh nghiệm, là những người trẻ tự học thông qua các hoạt động chơi và khám phá, sau đó khi đã sẵn sàng, sẽ bắt đầu thực hành một cách tự nhiên những điều mình đã học được vào các mục đích có lợi cho cả nhóm. Thông qua những nỗ lực riêng, trẻ em thời kì săn bắn hái lượm thu thập một lượng lớn kỹ năng và kiến ​​thức chúng cần để thành công trong nền văn hóa này.

 

  1. Trẻ em tại một số “trường ngoài trường học” trong văn hóa của chúng ta trở thành những người lớn thành công mà không cần bất cứ cái gì tương tự như trường học thông thường. Tôi đã nhiều năm làm một người quan sát trẻ em và thanh thiếu niên tại trường Sudbury Valley, tại Framingham, bang Massachusetts. Trường được thành lập bốn mươi năm trước bởi những người có niềm tin về giáo dục cũng gần tương tự với những người săn bắn hái lượm. Trường dành cho những trẻ từ bốn đến mười tám tuổi, và ngôi trường này không có điểm nào giống một trường học điển hình. Đây là một môi trường dân chủ trong đó trẻ em và người lớn thực sự có quyền ngang nhau và trong đó học sinh học hoàn toàn thông qua các hoạt động do họ tự định hướng. Về cơ bản, đó là một môi trường an toàn, trong đó trẻ em có thể chơi, khám phá, chịu trách nhiệm, và tương tác một cách tự do với những người khác không phân biệt lứa tuổi. Không có bài kiểm tra, không có phần thưởng, không có việc đỗ hay trượt, không có môn học hay bài tập bắt buộc, không có việc ép buộc hay dỗ dành trẻ em trong việc học tập, không có kỳ vọng rằng các nhân viên ở trường phải chịu trách nhiệm cho việc học tập của trẻ em. Tính đến nay, hàng trăm bạn trẻ đã tự giáo dục chính họ ở ngôi trường này. Và, không, họ không trở thành thợ săn và người hái lượm. Họ trở thành nghệ nhân, nghệ sĩ, đầu bếp, bác sĩ, kỹ sư, doanh nhân, luật sư, nhạc sĩ, nhà khoa học, nhân viên xã hội, và kĩ sư thiết kế phần mềm. Ta có thể tìm thấy họ trong bất kì ngành nghề nào được đánh giá cao trong xã hội hiện nay.

 

Trong các bài viết tiếp theo, tôi sẽ trình bày chi tiết về ba trường hợp trên.

(Tác giả: Tiến sĩ Peter Gray – giáo sư nghiên cứu ngành tâm lý học tại Boston College)

One response on “Sơ lược về khả năng tự giáo dục ở trẻ em – Peter Gray

  1. Bang Nguyen nói:

    Rất hay và bổ ích

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *