Vì sao trẻ em phản kháng khi phải tới Trường học: Sự bất hợp lí trên phương diện Tiến hoá.

25 Tháng Chín 2019
Chuyên mục
Unschooling
Bình luận  0

Các trường học của chúng ta không bổ trợ mà hoạt động đối nghịch với bản năng của trẻ em. 

Hầu hết mọi trẻ em trong xã hội của chúng ta đều phản kháng lại việc đi học ở trường. Tôi có đang nói điều gì mới mẻ không nhỉ? Chúng phản kháng bằng nhiều cách khác nhau: giả vờ ốm, lê lết vào buổi sáng, làm bài tập chỉ để đối phó (hoặc thậm chí không làm), và phá vỡ các quy tắc ở trường khi có thể. Kể cả những đứa có điểm cao ở trường và thích thể hiện cũng phản kháng lại trường học bằng những lời giễu cợt, và đôi khi bằng việc lừa dối mà chúng tự bào chữa rằng đó cũng chỉ như việc nhảy qua những cái vòng ngu xuẩn mà thôi. 

Vì sao lại phản kháng? Giáo dục là một điều tốt cơ mà, phải không? Trẻ em cần được giáo dục để sống tốt trong xã hội. Xã hội cũng chi ra những khoản tiền khổng lồ để giáo dục trẻ em (dù chúng có muốn vậy hay không). Lẽ nào những đứa trẻ này chỉ là một đám hư hỏng vô ơn bạc nghĩa? Nếu đúng là như vậy, thì tôi và bạn, và gần như tất cả mọi người khác – những người đã từng phải đi học – cũng là những kẻ hư hỏng vô ơn bạc nghĩa. Tất cả chúng ta đều đã từng phản kháng. Thực ra, trước đây khi việc đi học ở trường mới trở nên bắt buộc, trẻ em phản kháng còn nhiều hơn bây giờ dù rằng lúc đó thời gian trẻ phải ở trường không nhiều như bây giờ. Trước kia trẻ em phải bị đánh thì chúng mới chịu ở lại trường và làm những điều mà các giáo viên bảo chúng làm. 

Trong một bài viết khác của mình, tôi có sử dụng khái niệm “sự bất hợp lí trên phương diện Tiến hoá” để giải thích vì sao trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ lại phản kháng lại việc đi ngủ một mình trong bóng tối. Khái niệm “sự bất hợp lí trên phương diện Tiến hoá” ám chỉ sự mất cân đối giữa những điều kiện môi trường trong hiện tại và những điều kiện môi trường trong suốt thời gian tiến hoá của tổ tiên loài Người. Trong suốt ít nhất 99 phần trăm lịch sử loài người, tất cả chúng ta đều là những người săn bắt hái lượm. Các nhà nhân chủng học đã chỉ ra rằng cách sống săn bắt hái lượm là cách sống bền lâu duy nhất mà loài người từng biết đến. Từ khi có sự xuất hiện của nông nghiệp, tức là chỉ mới 10 ngàn năm trước, chúng ta bị cuốn vào cơn lốc thay đổi văn hoá ngày càng nhanh hơn. Từ góc nhìn về mặt sinh học, chúng ta vẫn là những người săn bắt hái lượm, luôn phải cố gắng hết sức để đối phó với các điều kiện sống thời nay. Những bản năng đã tiến hoá khi chúng ta còn săn bắt hái lượm vẫn còn giữ nguyên.

Bây giờ tôi muốn áp dụng khái niệm “sự bất hợp lí trên phương diện Tiến hoá” vào vấn đề giáo dục. 

Trước kia trong những nền văn hoá săn bắt hái lượm, cách trẻ em học hỏi ngược lại hoàn toàn so với các phương pháp hiện nay ở trường học. Theo nghiên cứu của ngành nhân chủng học, một trong những giá trị được nâng niu nhất trong tất cả các xã hội săn bắt hái lượm là sự Tự do. Những người săn bắt hái lượm tin rằng ép buộc một người, bao gồm cả trẻ em, làm điều họ không muốn là sai trái. Họ gần như không bao giờ gợi ý trực tiếp, bởi như vậy cũng giống như một sự ép buộc. Họ tin rằng mọi người, khi được tự do, sẽ học cách đóng góp cho sự thịnh vượng của cả cộng đồng, bởi họ sẽ thấy được giá trị của việc làm đó cũng như trải nghiệm niềm vui khi đóng góp. Trong suốt hàng trăm ngàn năm, đó là nguyên tắc tổ chức của xã hội loài người. Cuộc sống săn bắt hái lượm đòi hỏi óc sáng tạo của các cá nhân, và nó đòi hỏi lòng tin rằng mọi người sẽ chia sẻ và hợp tác với nhau bởi ai cũng muốn vậy. Những người săn bắt hái lượm dường như thấu hiểu điều đó, và họ cũng hiểu rằng trẻ em sẽ trưởng thành thành những người tự do, đáng tin cậy, biết hợp tác và sáng tạo nếu chúng được tự do trong suốt thời thơ ấu, khi chúng sống giữa một cộng đồng có những giá trị đạo đức chung và có nhiều hình mẫu để noi theo. 

Trong khoảng thời gian dài khi chúng ta là người săn bắt hái lượm, trẻ em được tự do vui chơi và khám phá cả ngày, ngày này qua ngày khác, bằng cách đó chúng tự giáo dục bản thân. Giáo dục luôn luôn là tự chỉ huy. Thực tế là, lí do vì sao một cách tự nhiên trẻ em luôn năng động, tò mò, và thích giao thiệp là: những đặc điểm đó là sức mạnh động lực đằng sau khả năng tự học hỏi của trẻ. Những đặc điểm “trẻ con” đó được phát triển, định hình, bằng chọn lọc tự nhiên, để phục vụ cho chính mục đích giáo dục, với điều kiện trẻ em được tự do. 

Bởi vậy, khi chúng ta buộc trẻ em phải ngồi một chỗ và lắng nghe người giáo viên và chỉ làm những điều chúng được bảo thì mỗi nơ-ron thần kinh, xương tuỷ và cơ bắp trong cơ thể chúng kháng cự lại. Cơ thể của chúng bảo rằng: “Điều này là sai. Mình cần tự kiểm soát những điều mình làm, mình cần thực tập những kĩ năng mà mình thấy quan trọng, mình cần tìm câu trả lời cho những câu hỏi mà mình quan tâm chứ không phải những câu hỏi khiến mình nhàm chán, mình cần chú ý tới những điều mà mọi người đang làm ở thế giới thật chứ không phải tới điều mà người giáo viên này đang nói. Nếu mình mà không làm những điều mình cần làm, thì mình sẽ không thể trưởng thành và trở thành một người có khả năng và có giá trị được.” Vào thời săn bắt hái lượm, đứa trẻ nào không cảm thấy rằng nó cần tự kiểm soát cuộc sống và việc học hỏi của nó thì sẽ trở thành người không thích nghi được với xã hội. 

Bởi vậy, trẻ em có những bản năng giúp chúng tự học hỏi thông qua hoạt động vui chơi, khám phá tự do và giao thiệp với nhau. Nhưng trường học của chúng ta lại cứ khăng khăng rằng trẻ em phải từ bỏ sự tự do đó và làm những điều người khác bảo chúng phải làm. Chưa bao giờ trường học hoạt động hiệu quả trong việc giáo dục trẻ em, và kể cả trên lí thuyết nó cũng không thể có hiệu quả, vì hoạt động của trường học đối nghịch với bản năng của trẻ và bởi vậy gợi ra sự phản kháng. 

Chúng ta sẽ làm gì với sự bất hợp lí trên phương diện tiến hoá này? 

Với tôi dường như chúng ta có hai lựa chọn. Chúng ta có thể cứ tiếp tục hệ thống trường lớp bắt buộc và chiến đấu với bản năng của trẻ em, sử dụng thuốc hoặc bất kì phương tiện nào cần thiết để vùi dập mong muốn tự do của trẻ. Hoặc, chúng ta có thể áp dụng cách giáo dục mà phần lớn mọi người đang cho là có vẻ cấp tiến, thậm chí điên rồ, nhưng lại được coi là bình thường đối với các xã hội săn bắt hái lượm. Cách giáo dục cấp tiến này là để cho trẻ em tự học hỏi, còn chúng ta thì cung cấp những điều kiện cần thiết để chúng có thể làm được điều đó. 

Ý tưởng rằng trẻ em có thể tự kiểm soát sự học của chúng, và có thể làm điều đó rất tốt, có vẻ lố bịch đối với số đông trong xã hội hiện nay. Chúng ta đã quá tin rằng việc giáo dục trẻ em đòi hỏi sự kiểm soát và ép buộc từ người lớn. Nhưng, nếu ai đó sẵn sàng tìm hiểu và xem xét, có quá nhiều bằng chứng cho thấy cách giáo dục của người săn bắt hái lượm có thể đem lại rất nhiều hiệu quả trong xã hội ngày nay của chúng ta. Tôi có miêu tả các bằng chứng trong nhiều bài viết khác. Chúng ta có thể lập nên các trung tâm để trẻ em đến vui chơi và học hỏi. Ở đó chúng ta cung cấp các điều kiện mà trẻ cần để tự học. Những điều kiện cần thiết bao gồm: nhiều trẻ em ở nhiều độ tuổi khác nhau để chúng có thể chơi với nhau, các công cụ quan trọng của xã hội ngày nay, những người lớn quan tâm tới trẻ – tất cả trong phạm vi một cộng đồng có đạo đức, nơi những giá trị cao đẹp nhất của xã hội được biểu hiện. Có lẽ nhiều người sẽ ngỡ ngàng nhưng việc dựng nên những trung tâm như vậy thực sự không hề tốn kém quá nhiều. Và những nơi như thế, không giống như trường học, sẽ tràn đầy niềm vui và sự phấn khích.

https://www.psychologytoday.com/us/blog/freedom-learn/201111/why-children-protest-going-school-more-evo-mismatch

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *