Hành trình của bạn là độc nhất!

26 Tháng Một 2018
Chuyên mục
Unschooling
Bình luận  0

Tôi rất thích viết và chia sẻ trên blog cách các con tôi học hỏi mà không cần tới trường. Ngoài chia sẻ những điều hay ho, tôi cảm thấy việc chia sẻ những điều không dễ chịu lắm cũng rất quan trọng, ví dụ như sự hoài nghi, sự thiếu tự tin, những nỗi sợ xung quanh việc làm những việc trái lẽ thường hoặc việc bị phán xét.

Nhưng nếu tôi chỉ có thể đưa ra một lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ vừa mới bắt đầu hành trình unschooling cùng con cái của họ thì tôi sẽ nói:

Đừng tìm kiếm quá nhiều lời khuyên!

Tôi biết điều này nghe có vẻ ngược đời, nhưng: Bạn là độc nhất. Con bạn là độc nhất. Cuộc sống của gia đình bạn là độc nhất. Và bởi vì tính độc nhất đó mà những yếu tố liên quan đến cuộc sống cũng như sự học của các con bạn chắc chắn sẽ khác những đứa trẻ khác (sống ở đâu, học cái gì, khi nào, tại sao, ở đâu, và như thế nào). Nếu bạn tin tưởng bản thân rằng mình sẽ hướng dẫn và hỗ trợ con mà không cản trở sự học hỏi của chúng (đây là một quy tắc quan trọng) và nếu bạn cũng tin tưởng rằng các con mình bẩm sinh là tò mò và ham học hỏi, thì bạn đã đi được nửa đường rồi. Nửa đường còn lại của cuộc hành trình sẽ tự trải ra một cách đầy thú vị và kì diệu, đôi khi bằng những cách rất bình dị, nếu chúng ra cứ để nó xảy ra một cách tự nhiên.

Việc bạn nghi ngờ khả năng học hỏi của các con khi không có ai dạy chúng là một điều bình thường. Chúng ta được điều kiện hoá để tin rằng điều này là không thể và cũng không chấp nhận được. Chúng ta sợ để cho con mình tự do bởi vì phần lớn chúng ta được “huấn luyện” là phải tuân theo những quy định hạn chế của xã hội. Chúng ta được áp cho niềm tin rằng để cho con cái có quyền tự quyết đồng nghĩa với việc cuộc sống mất đi trật tự thông thường, rằng như vậy là chúng ta đang hại các con mình. Xã hội bảo chúng ra rằng việc nghe theo, làm theo và duy trì những quy định và kiểu mẫu mà chúng ta không thực sự tin, tất cả là để trở nên một công dân tốt, và thậm chí một người cha/mẹ tốt.

Trong các cộng đồng unschooling trực tuyến đôi khi cũng xuất hiện những giới hạn và hạn chế tương tự. Nhiều người tin rằng nếu chúng ta tuân thủ một số quy tắc và tiêu chí nhất định, thì chúng ta mới là những unschooler “thật sự”. Nếu không tuân theo những tiêu chuẩn đó thì bạn lại thuộc về một bè phái riêng nào đó mà chưa được đặt tên. Những điều này xuất phát từ nhu cầu muốn thuộc về một điều gì đó để có điểm tựa, để làm mọi việc cho “đúng” cách, để hoà nhập và thậm chí tuân theo các tiêu chí về cách nuôi dạy, hướng dẫn con cái học hỏi và giúp chúng khám phá thế giới. Bản chất của con người là muốn học hỏi từ người khác, là tìm kiếm sự ủng hộ khi chúng ta cảm thấy không chắc chắn, thậm chí dựa vào những người có nhiều kinh nghiệm hơn để họ hướng dẫn chúng ta. Thường thì chúng ta cảm thấy thoải mái hơn khi biết rằng mình không phải là những người duy nhất đang nghi ngờ một điều gì đó, rằng những người khác đã vượt qua những trở ngại tương tự như chúng ta và đã sống sót. Chúng ta thấy tự tin hơn khi biết những trường hợp cụ thể về những đứa trẻ được unschool – những đứa trẻ đã vượt qua mọi lời chỉ trích và phát triển tốt cả về mặt thể chất lẫn tinh thần, những đứa trẻ mà đã tự biết đọc và biết viết, những đứa trẻ mà có vẻ không hứng thú với bất kì cái gì nhưng rồi một ngày khi tất cả mọi người đã hết hy vọng thì chúng tự nhiên có một niềm đam mê mãnh liệt mà không có ai hay cái gì có thể làm suy chuyển được niềm đam mê đó. Chúng ta thở phào nhẹ nhõm khi thấy câu chuyện của mình cũng na ná giống như những câu chuyện kia. Phù! Tôi cảm thấy nhẹ cả người.

Nhưng có một sự khác biệt giữa việc đi tìm kiếm sự thoải mái, hỗ trợ, lời gợi ý và lời cam đoan và đón nhận chúng theo một cách mang tính xây dựng và không phán xét với việc xin quá nhiều lời khuyên từ những người mà chúng ta cho là “chuyên gia”. Đặc biệt là khi lời khuyên đó đi ngược lại bản năng và sự suy xét của bản thân chúng ta. Nhiều người trong giới unschooling sẽ không đồng tình với tôi, nhưng tôi tin tưởng mãnh liệt rằng không có một cách unschool nào là chuẩn mực. Tất nhiên, chúng ta cần đưa ra ví dụ về unschooling là gì cũng như không phải là gì để giải thích unschooling. Chúng ta cũng cần một cái tên gọi để chúng ta có thể nói về nó, viết về nó. Nhưng liệu chúng ta có thể đưa ra một định nghĩa chung cho tất cả hay không? Và chúng ta có cần phải làm vậy không?

Về cốt lõi, unschooling thực sự chỉ là sống một cách trọn vẹn và tự do. Nếu trường học chưa bao giờ tồn tại, xã hội cũng chẳng sụp đổ được. Sự học hỏi cũng không mất đi. Và đương nhiên, chúng ta sẽ kết nối với nhau nhiều hơn – trong gia đình, cộng đồng, xã hội; và có thể thế giới này sẽ là một mạng lưới liên kết những cá nhân độc nhất, mỗi cá nhân đều đóng góp cho cuộc sống chung và đều được tôn trọng.

Tìm kiếm và nhận được sự hỗ trợ nhiệt thành là một điều tuyệt vời. Hãy đi tìm những lời gợi ý, nhưng đừng đi theo con đường mà người khác đã đi. Hãy tìm lời khuyên, nhưng biết rằng bạn có thể chọn lọc và bỏ qua lời khuyên đó nếu nó không phù hợp với hoàn cảnh của bạn. Hãy học hỏi những người có nhiều kinh nghiệm nhưng đừng copy họ. Hãy thử nghiệm, xem xét, và lựa chọn những điều phù hợp với bạn và gia đình của bạn. Hãy vướng vấp, thành công, rồi lại thử nghiệm tiếp. Hãy lắng nghe con cái và lắng nghe chính bản thân mình. Hãy tin tưởng. Và đừng bao giờ để người nào đó nói rằng bạn đang làm sai. Con đường unschooling của bạn không phải là con đường unschooling của tôi hay của bất cứ ai. Và nó nên là như vậy.

https://amuddylife.com/2018/01/25/on-seeking-unschooling-advice/

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *