Mặc dù người ta hứa sẽ chấm dứt chiến tranh một lần và mãi mãi, mặc dù hàng triệu người kêu gào “không bao giờ chiến tranh nữa”, mặc dù nhiều người hy vọng tương lai sẽ tốt đẹp hơn, nhưng tôi phải nói điều này: Nếu hệ thống tiền tệ dựa vào lãi suất và lãi suất kép hiện nay vẫn hoạt động, tôi dám dự đoán vào ngày hôm nay rằng tối đa là 25 năm nữa sẽ có một cuộc chiến tranh mới và cuộc chiến tranh đó thậm chí còn tồi tệ hơn cả cuộc chiến tranh hiện tại (thế chiến thứ nhất – ND). Tôi có thể thấy trước một cách rõ ràng những bước phát triển tiếp theo. Sự tiến bộ về mặt công nghệ ở mức hiện tại sẽ nhanh chóng dẫn đến một thành tích mang tính kỷ lục của ngành công nghiệp. Sự tích tụ vốn sẽ xảy ra nhanh chóng bất chấp những tổn thất to lớn trong suốt chiến tranh, và bởi vì nguồn tiền quá lớn nên lãi suất sẽ được hạ thấp xuống cho đến khi những nhà đầu cơ tiền tệ không chịu giảm nữa. Sau đó, tiền sẽ được tích trữ (dẫn tới sự giảm phát), các hoạt động kinh tế sẽ giảm xuống, và số người thất nghiệp lang thang trên đường phố tăng lên… Trong những đám đông bất bình này, các ý tưởng mang tính cách mạng sẽ nảy sinh. Cùng với nó, “siêu chủ nghĩa quốc gia”- một ý tưởng độc hại – cũng sẽ phát triển mạnh. Không một quốc gia nào sẽ hiểu được quốc gia nào, và cuối cùng chiến tranh lại xảy ra. – Silvio Gesell (1918)
Chúng ta đang phải đối mặt với một nghịch lí. Một mặt, tiền là một biểu tượng của sự biết ơn và tin tưởng, một thứ kết nối các món quà với các nhu cầu, một thứ hỗ trợ sự trao đổi giữa những người mà nếu không có nó thì không có cách nào để trao đổi được với nhau. Như vậy lẽ ra nó phải khiến tất cả chúng ta giàu có hơn. Nhưng nó lại không làm được việc đó. Thay vào đó, nó đã mang lại sự mất an ninh, nghèo đói, và biến các tài sản chung về mặt văn hoá và tự nhiên của chúng ta thành tiền. Tại sao lại như vậy?
Nguyên nhân của những điều này nằm sâu trong lòng của hệ thống tiền tệ hiện nay. Chúng vốn gắn liền với cách mà tiền ngày nay được tạo ra và lưu hành, và trọng tâm của hệ thống đó là lãi suất. Lãi suất là một điều ngược lại với quà tặng, bởi thay vì cho bớt cho người khác khi chúng ta có nhiều hơn nhu cầu (quà tặng), thì chúng ta lại sử dụng quyền sở hữu để kiếm thêm nhiều hơn cho mình (lãi suất) – lấy đi chứ không cho. Và như chúng ta sẽ thấy, lãi suất và quà tặng không chỉ trái ngược nhau về mặt động cơ, chúng còn trái ngược nhau về mặt hệ quả.
Ngay từ buổi ban đầu, lãi suất đã là một phần cơ bản của tiền tệ. Tiền bắt nguồn từ khi Cục dự trữ Liên bang Fed (hoặc ECB hoặc ngân hàng trung ương khác) mua chứng khoán có lãi suất (theo truyền thống là trái phiếu kho bạc, nhưng gần đây hơn là tất cả các loại chứng khoán được thế chấp bằng tài sản và các loại rác tài chính khác) trên thị trường tự do. Số tiền này được Fed hoặc ngân hàng trung ương tự tạo ra từ không khí bằng một nét chữ (hoặc bằng một bàn phím vi tính). Ví dụ, khi Fed mua $290 tỉ Đô-la chứng khoán được thế chấp bằng tài sản từ Deutsche Bank năm 2008, Fed đã không sử dụng số tiền mà nó đang nắm giữ để mua mà nó tự tạo ra một khoản tiền mới vào tài khoản của Deutsche Bank. Đây là bước đầu tiên trong việc tạo ra tiền. Cho dù cái mà Fed hoặc ngân hàng trung ương mua là gì, nó luôn luôn là chứng khoán có lãi suất. Nói theo cách khác, điều này có nghĩa là số tiền được tạo ra đi kèm với một khoản nợ, và khoản nợ luôn lớn hơn số tiền được tạo ra.
Kiểu tiền vừa được miêu tả được biết đến như là “tiền cơ sở” hay M0. Nó tồn tại như khoản dự trữ ngân hàng (và tiền mặt). Bước thứ hai xảy ra khi một ngân hàng cho một doanh nghiệp hoặc một cá nhân vay. Lại một lần nữa, tiền mới được tạo ra trong tài khoản của người vay. Khi một ngân hàng cho vay một khoản trị giá 1 triệu đô la, ngân hàng sẽ không trừ khoản tiền đó đi từ một tài khoản khác; mà nó chỉ đơn giản là tạo ra 1 triệu đô la mới. Một triệu đô la tiền mới được tạo ra – và một khoản nợ hơn 1 triệu đô la cũng đồng thời được tạo ra. (1) Số tiền mới này được gọi là M1 hoặc M2 (tùy thuộc vào loại tài khoản). Đây là số tiền thực sự được tiêu dùng vào việc mua bán hàng hoá và dịch vụ, vốn thiết bị, chi trả nhân công, v.v…
Cách miêu tả sự tạo ra tiền ở trên thực ra chưa đầy đủ mặc dù nó được công nhận rộng rãi. Nhưng hiện tại nó là tạm đủ để miêu tả hệ quả của lãi suất. Tôi sẽ bàn thêm về vấn đề này trong phần Phụ lục.
Chuyện ngụ ngôn kinh tế
Lãi suất vừa tạo ra sự khan hiếm tràn lan vừa điều khiển cỗ máy nuốt chửng thế giới thông qua tăng trưởng kinh tế liên tục. Để giải thích, tôi sẽ bắt đầu với một câu chuyện ngụ ngôn mà tác giả là nhà kinh tế học có tầm nhìn phi thường Bernard Lietaer. Câu chuyện có tên “Đồng thứ 11” từ cuốn sách The Future of Money.
Ngày xửa ngày xưa, ở một ngôi làng xa xôi, người ta trao đổi với nhau để có mọi thứ mà họ cần. Vào mỗi ngày có phiên chợ, mọi người đi qua đi lại với gà, trứng, thịt hun khói và bánh mì, và họ phải tham gia vào các cuộc thương lượng kéo dài với nhau để đổi lấy thứ mà họ cần. Vào các thời điểm quan trọng trong năm, ví dụ như ngày mùa hoặc bất kì khi nào trang trại của ai đó cần được sửa chữa sau một cơn bão, người ta lại giúp đỡ lẫn nhau theo như truyền thống. Họ biết rằng nếu một ngày nào đó họ có vấn đề gì cần sự giúp đỡ, người khác sẽ đến giúp họ để trả ơn cũ.
Vào một ngày chợ phiên, một người lạ đi giày đen bóng lộn và đội một chiếc mũ phớt trắng đến và quan sát toàn bộ quá trình trao đổi với một nụ cười khinh khỉnh. Khi ông ta thấy một người nông dân chạy quanh để quây sáu con gà của mình để đổi lấy một miếng thịt hun khói lớn, ông ta không thể nào không phá lên cười. “Mấy người tội nghiệp!”, ông ta nói, “cổ lỗ quá!” Vợ của người nông dân nghe thấy vậy liền thách thức người lạ mặt kia và nói: “Ông thì có cách xử lí gà tốt hơn chăng?” Người lạ mặt trả lời: “Gà ư, không! Nhưng có một cách để loại bỏ những rắc rối này tốt hơn nhiều.” “Vậy sao, như thế nào?” Người đàn bà hỏi lại. “Có nhìn thấy cái cây kia không?” Người lạ mặt trả lời. “Tôi sẽ đến đó và đợi cho đến khi có một người trong làng đến và đưa cho tôi một tấm da bò lớn. Rồi sau đó hãy gọi tất cả các gia đình tới chỗ tôi. Tôi sẽ giải thích cách làm tốt hơn.”
Và mọi chuyện xảy ra đúng như vậy. Người lạ mặt lấy tấm da bò và cắt nó thành nhiều mảnh hình tròn, và đóng một con tem chau truốt và thanh nhã lên mỗi mảnh tròn đó. Rồi ông ta đưa cho mỗi gia đình 10 mảnh, và giải thích rằng mỗi mảnh đại diện cho giá trị của một con gà. Ông ta nói: “Bây giờ các bạn có thể trao đổi và thoả thuận mua bán bằng những đồng tiền này thay vì bằng các con gà khó bảo.
Nghe cũng có lí. Tất cả mọi người đều rất ấn tượng với người đàn ông lạ mặt đi giày bóng lộn và đội chiếc mũ phớt đầy cảm hứng.
Sau khi mỗi gia đình đã nhận 10 đồng tiền, người lạ mặt nói thêm: “À, tiện thể, một năm nữa tôi sẽ quay lại và ngồi ở chính cái cây này. Tôi muốn mỗi gia đình mang trả lại cho tôi 11 đồng. Đồng thứ 11 là để biểu trưng cho lòng biết ơn của các bạn vì tôi đã mang tới cho các bạn một kĩ thuật mới.” “Nhưng đồng tiền thứ 11 ở đâu ra?”, người đàn ông có 6 con gà hỏi. Người lạ mặt trả lời với một nụ cười làm yên lòng người kia: “Rồi anh sẽ biết.”
Giả sử là dân số và sản phẩm tạo ra hàng năm của ngôi làng giữ nguyên vào năm tiếp đó, theo bạn điều gì sẽ phải xảy ra? Hãy nhớ là, đồng tiền thứ 11 chưa bao giờ được tạo ra. Bởi vậy, nếu tất cả mọi người đều xoay sở tốt, thì một trong số 11 gia đình sẽ phải mất hết tiền để 10 gia đình còn lại có được đồng thứ 11.
Bởi vậy khi một cơn bão đến và đe doạ hoa màu của một trong số các gia đình, người ta trở nên kém hào phóng hơn và không dành thời gian của mình để đi giúp gia đình khác bảo vệ hoa màu. Đúng là dùng những đồng tiền thay vì mang gà theo để trao đổi ở các phiên chợ là có thuận tiện hơn, nhưng cách làm mới này cũng kéo theo một hệ quả không mong muốn, nó làm mất đi sự hợp tác đã từng là truyền thống của ngôi làng. Thay vào đó, việc sử dụng tiền tạo ra một sự cạnh tranh mang tính hệ thống giữa những người sử dụng.
Câu chuyện ngụ ngôn này bắt đầu cho thấy lãi suất chính là nguyên nhân gây nên sự sự cạnh tranh, sự bấp bênh, và lòng tham trong hệ thống kinh tế của chúng ta. Những điều này không bao giờ có thể được loại trừ khi mà những nhu yếu phẩm vẫn được mua bằng tiền vay có lãi. Nhưng hãy cùng tiếp tục câu chuyện để thấy cách mà lãi suất cũng đang tạo ra áp lực tăng trưởng kinh tế vĩnh viễn như thế nào.
Có 3 cách để kết thúc câu chuyện của Lietaer: vỡ nợ, tăng trưởng nguồn tiền, hoặc phân phối lại của cải. Một trong số 11 gia đình có thể sẽ phá sản và phải giao nộp trang trại của họ cho người lạ mặt đội mũ (ngân hàng), hoặc người lạ mặt có thể kiếm một tấm da bò khác và tạo ra thêm tiền, hoặc những người dân làng có thể chỉ trích người đàn ông kia và từ chối không trả tiền cho ông ta. Các nền kinh tế dựa trên lãi suất cũng đối mặt với những lựa chọn tương tự.
Vậy hãy tưởng tượng rằng những người dân trong làng đến quanh người đàn ông đội mũ và nói: “Thưa ngài, ngài có thể làm ơn cho chúng tôi thêm tiền để không ai trong chúng tôi bị phá sản được không?”
Người đàn ông nói: “Tôi sẽ làm vậy, nhưng chỉ với những người nào có thể đảm bảo với tôi rằng họ có khả năng trả lại tiền cho tôi. Bởi vì mỗi đồng tiền có giá trị bằng một con gà, nên tôi sẽ cho những người có số gà nhiều hơn số tiền mà họ đang nợ tôi vay tiền. Như thế, nếu họ không trả lại tôi tiền, tôi sẽ có thể lấy gà của họ để thay thế. À, và bởi vì tôi là một người tốt, nên tôi thậm chí sẽ tạo ra những đồng tiền mới cho những người hiện tại chưa có thêm gà, nếu họ có thể thuyết phục tôi rằng họ sẽ gây giống thêm gà trong tương lai. Vậy, hãy cho tôi xem kế hoạch làm ăn của các anh! Hãy cho tôi thấy rằng các anh đáng tin cậy (một người có thể viết một “bảng báo cáo tín dụng” để giúp các anh điều này). Tôi sẽ cho mượn tiền ở mức 10% lãi – nếu các anh là những người nuôi gà thông minh, mỗi năm đàn gà của các anh có thể tăng 20%, các anh trả lại tôi tiền, và bản thân các anh cũng giàu lên.”
Những người dân làng nói: “Như thế nghe cũng hợp lí đấy, nhưng vì ông đang tạo ra những đồng tiền mới với lãi suất 10%, thì đến cuối cùng chúng tôi vẫn không có đủ tiền để trả lại cho ông.”
Người đàn ông trả lời: “Không vấn đề gì. Các anh sẽ thấy, vào thời điểm đó, tôi sẽ tạo ra thêm nhiều đồng tiền nữa, và khi đến hạn phải trả lại những đồng tiền đó, tôi lại tạo thêm nhiều đồng tiền nữa. Tôi sẽ luôn luôn sẵn lòng cho các anh mượn thêm tiền. Tất nhiên, các anh phải sản xuất thêm nhiều gà nữa. Miễn là các anh liên tục phát triển chăn nuôi gà, thì sẽ chẳng bao giờ có vấn đề gì hết.”
Một đứa trẻ đến và nói với người đàn ông: “Thưa ông, gia đình cháu bị bệnh, và chúng cháu không có đủ tiền để mua thức ăn. Ông có thể cho cháu thêm tiền được không?”
Người đàn ông nói: “Ta rất tiếc, nhưng ta không thể làm thế được. Cháu ạ, ta chỉ tạo ra thêm tiền cho những người có khả năng trả lại được cho ta thôi. Nhưng nếu gia đình cháu có vài con gà để mang ra thế chấp, hoặc nếu cháu có thể chứng tỏ là mình có thể lao động chăm chỉ hơn để gây giống thêm nhiều gà hơn, thì ta sẽ rất vui lòng đưa cho cháu tiền.”
Ngoại trừ một vài trường hợp không may, hệ thống đó hoạt động tốt trong một thời gian. Những người dân làng chăn nuôi đàn gà của họ đủ nhanh để có thể lấy thêm những đồng tiền mà họ cần để trả lại người đàn ông đội mũ. Vài người, vì lí do nào đó, có thể là kém may mắn hoặc không đủ tài giỏi, đã phá sản; và những người hàng xóm may mắn (hoặc hoạt động hiệu quả hơn) của họ tiếp quản trang trại của họ và thuê họ lao động ở chính trang trại đó. Tuy nhiên, nói chung là các trại gà đều tăng trưởng 10% mỗi năm khi được cung cấp tiền. Ngôi làng và các trại gà đã phát triển đến mức có nhiều người trong làng trở nên giàu có như người đàn ông đội mũ, những người đó luôn bận rộn tạo thêm những đồng tiền mới và cho người khác vay tiền nếu người đó có kế hoạch khả thi để mở rộng trại gà.
Thời gian trôi qua, nhiều vấn đề nảy sinh. Một trong những số đó là: rõ ràng là không có ai thực sự cần những con gà kia. Bọn trẻ kêu ca: “Con ăn trứng mãi ngán lắm rồi”. Những người phụ nữ phàn nàn: “Trong nhà bây giờ phòng nào cũng có một cái giường lông gà”. Để giữ cho việc tiêu thụ các sản phẩm từ gà liên tục tăng trưởng, những người dân trong làng sáng tạo ra đủ thể loại kế sách. Gia đình sang trọng là mỗi tháng phải thay một cái nệm lông mới, là phải có những ngôi nhà to hơn để đặt những cái nệm lông đó, là phải có sân vườn toàn gà là gà. Người ta giải quyết các cuộc tranh chấp với các ngôi làng khác bằng những trận chiến ném trứng gà. Ngài thị trưởng đồng thời là em rể của người đàn ông đội mũ kêu gọi: “Chúng ta phải tạo ra nhu cầu tiêu thụ gà! Như vậy thì chúng ta sẽ càng ngày càng giàu có.”
Một hôm, một người phụ nữ lớn tuổi của làng phát hiện ra một vấn đề khác. Nơi mà trước kia là những cánh đồng xanh ngát và màu mỡ thì nay trở nên hôi hám bẩn thỉu. Các thảm thực vật đã biến thành nơi trồng hạt để nuôi gà. Trước kia trong ao và dưới suối từng có đầy tôm cá, giờ đây những nơi đó trở thành những cái hầm chứa phân gà hôi thối. Bà nói: “Chúng ta phải dừng lại thôi. Nếu cứ mở rộng trại gà mãi thế này thì rồi sẽ đến ngày chúng ta ngập trong phân gà!”
Người đàn ông đội mũ kéo bà sang một bên và nói với bà bằng một giọng ra vẻ trấn an rằng: “Đừng lo. Ở dưới con đường kia có một ngôi làng vẫn còn đầy các cánh đồng màu mỡ. Những người trong làng ta đang lên kế hoạch sang đó để mở trang trại gà. Và nếu người trong làng đó không đồng ý thì… chúng ta sẽ dùng vũ lực với họ. Mà này, bà không nghiêm túc khi nói về việc ngừng tăng trưởng đấy chứ. Nếu thế thì những người hàng xóm của bà sẽ trả nợ bằng cách nào? Nếu thế thì tôi làm sao có thể tạo ra những đồng tiền mới nữa? Nếu thế thì tôi cũng có thể phá sản ấy chứ.”
Và thế là, từng ngôi làng một đều trở thành những nơi chứa phân gà hôi thối bao quanh những đàn gà khổng lồ mà chẳng ai thực sự cần, và các ngôi làng thì đánh nhau để tranh giành những không gian xanh còn sót lại – nơi có thể giúp họ tăng trưởng thêm được vài năm nữa. Tuy nhiên, mặc dù rất cố gắng để duy trì tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng bắt đầu chậm lại. Khi sự tăng trưởng chậm lại, các món nợ bắt đầu tăng tỉ lệ so với thu nhập, cho đến mức nhiều người phải dùng tất cả số tiền mà họ có chỉ để trả nợ cho người đàn ông đội mũ. Nhiều người phá sản và phải làm việc với mức lương tối thiểu cho những ông chủ mà chính những ông chủ đó cũng gần như chỉ kiếm đủ để trả nợ cho người đàn ông đội mũ. Càng ngày số người có thể mua các sản phẩm từ gà càng ít đi, điều đó khiến cho việc duy trì nhu cầu và tăng trưởng trở nên càng khó khăn hơn. Tuy sống trong một môi trường [đã bị huỷ hoại] với vô số gà là gà, nhưng số người gần như không có đủ nhu yếu phẩm để sống càng ngày càng tăng. Điều này tạo ra một nghịch lí về sự khan hiếm trong chính sự dư dật.
Và đó là tình trạng của xã hội hiện đại ngày nay.
Sự bắt buộc tăng trưởng
Tôi hy vọng câu chuyện ngụ ngôn trên đã giải thích được tình trạng của nền kinh tế thật hiện nay. Bởi vì có lãi suất nên vào bất kì thời điểm nào, số tiền nợ cũng luôn lớn hơn số tiền thực có. Để kiếm thêm tiền để duy trì toàn bộ hệ thống, chúng ta phải gây giống thêm nhiều gà hơn – nói cách khác, chúng ta phải tạo ra nhiều “hàng hoá và dịch vụ” hơn. Để làm được điều đó, cách làm chính là bán đi những thứ mà trước đây từng là miễn phí: là biến rừng thành gỗ, biến âm nhạc thành sản phẩm mua bán, biến các ý tưởng thành tài sản trí tuệ, biến sự giúp đỡ qua lại thành các dịch vụ phải trả tiền.
Được tiếp tay bởi công nghệ, trong vài thế kỷ qua, các hàng hoá và dịch vụ phi tiền tệ trước đây nhanh chóng bị biến thành các món hàng để mua bán và các dịch vụ phải trả tiền, đến mức hiện nay gần như chẳng còn gì nằm ngoài phạm vi tiền tệ nữa. Các tài sản chung khổng lồ, cho dù là đất đai hay văn hoá, đã được rào lại và bán đi – tất cả để theo kịp sự tăng trưởng theo cấp số nhân của tiền. Đây là lý do sâu xa khiến chúng ta biến rừng thành gỗ, biến các bài hát thành tài sản trí tuệ, v.v … Đây là lý do tại sao hai phần ba bữa ăn của người Mỹ được chế biến ở ngoài chứ không phải ở nhà. Đây là lý do tại sao các phương pháp chữa bệnh bằng thảo dược đã phải nhường chỗ cho các loại thuốc hoá dược, tại sao việc chăm sóc trẻ đã trở thành một dịch vụ phải trả tiền, tại sao nước uống lại là hạng mục tăng trưởng số một trong các hạng mục đồ uống được bán trên thị trường.
Sự bắt buộc phải tăng trưởng liên tục hàm ẩn trong tiền tệ dựa trên lãi suất chính là thứ đã khiến chúng ta không ngừng biến sự sống, thế giới và tinh thần thành tiền. Chúng ta bị kẹt trong một cái vòng luẩn quẩn khắc nghiệt: càng biến sự sống thành tiền, chúng ta càng cần tiền để sống. Chính lãi suất chứ không phải tiền mới là gốc rễ của mọi điều xấu xa.
Chúng ta hãy cùng xem xét vấn đề này chi tiết hơn một chút. Cũng giống như người đàn ông đội mũ, một ngân hàng hoặc bất kì người cho vay nào thường thường sẽ chỉ cho bạn vay tiền nếu bạn có khả năng trả nợ cho họ. Khả năng này có thể dựa vào thu nhập [mong đợi] trong tương lai của bạn, tài sản thế chấp, hoặc hệ số tín dụng cao. Các hệ quả nghiêm trọng xảy ra nếu bạn vỡ nỡ khiến cho bạn phải đảm bảo khả năng trả nợ của mình. Việc trả nợ không chỉ phụ thuộc vào khả năng của bạn, nó còn bị gây áp lực bởi các hình thức khác nhau về mặt xã hội, kinh tế và pháp lý nữa. Toà án có thể yêu cầu tịch thu tài sản để thực hiện các nghĩa vụ của hợp đồng vay nợ. Và mặc dù chúng ta không còn bỏ tù những người bị vỡ nợ nữa (2), nhưng những người mắc nợ quá hạn phải chịu đựng sự sách nhiễu không dứt từ các cơ quan thu nợ. Họ cũng bị từ chối chỗ ở, việc làm, và an ninh. Nhiều người cũng cảm thấy trả nợ là một nghĩa vụ về mặt đạo đức. Điều này là tự nhiên: trong các nền kinh tế quà tặng, những người đã nhận đều cảm thấy cho đi là một nghĩa vụ về mặt xã hội cũng như đạo đức.
Tiền để hoàn trả nợ gốc và lãi đến từ việc bán hàng hoá và dịch vụ, hoặc nó có thể đến từ việc vay thêm. Bất cứ lúc nào bạn sử dụng tiền, về cơ bản bạn đang đảm bảo: “Tôi đã thực hiện một dịch vụ hoặc cung cấp một mặt hàng có giá trị tương đương với thứ mà tôi đang mua.” Bất cứ lúc nào bạn vay tiền, bạn đang nói rằng bạn sẽ cung cấp một mặt hàng hoặc dịch vụ tương đương trong tương lai. Về lý thuyết, điều này nên là có lợi cho mọi người, bởi vì nó cho phép kết nối các món quà và các nhu cầu không chỉ trên phương diện không gian và nghề nghiệp mà còn trên phương diện thời gian nữa. Tiền dựa trên tín dụng cho phép đổi hàng hoá hiện tại lấy hàng hoá trong tương lai. Điều này không phải là không phù hợp với nguyên tắc quà tặng: Bây giờ tôi nhận; sau này tôi cho đi.
Các vấn đề nảy sinh từ lãi suất. Bởi vì nợ có lãi suất có nghĩa là, tại bất kỳ thời điểm nào, số tiền nợ luôn lớn hơn số tiền thực có, nên tiền phải liên tục được tạo mới. Việc thiếu tiền khiến chúng ta phải cạnh tranh với nhau và đưa chúng ta vào một tình trạng khan hiếm liên tục vốn gắn liền với hệ thống tiền tệ dựa trên lãi suất. Nó giống như trò chơi Chiếc ghế âm nhạc, không bao giờ đủ ghế cho tất cả mọi người chơi. Áp lực nợ là đặc tính của hệ thống này. Mặc dù một số người có thể hoàn trả các khoản nợ của họ, nhưng về tổng thể, hệ thống này đòi hỏi tình trạng mắc nợ càng ngày càng tăng.
Áp lực nợ liên miên đồng nghĩa với việc sẽ luôn luôn có những người bất an và tuyệt vọng – những người vì áp lực sinh tồn nên sẵn sàng chặt cây ở những mảnh rừng cuối cùng, bắt những con cá cuối cùng, biến thành tiền mặt bất cứ nguồn vốn tự nhiên, văn hoá, xã hội hay hay tinh thần nào còn lại. Sẽ không bao giờ có lúc chúng ta chạm tới thời điểm nào là “đủ” bởi vì trong một hệ thống nợ dựa trên lãi suất, sự trao đổi không chỉ là “hàng hoá hiện tại lấy hàng hoá tương lai” mà là “hàng hoá hiện tại lấy nhiều hàng hoá hơn trong tương lai”. Để trả nợ hoặc để đơn giản là sống, hoặc bạn phải chiếm lấy tài sản hiện có của người khác (cạnh tranh) hoặc bạn phải tạo ra tiền “mới” từ các tài sản chung.
Đây là một ví dụ cụ thể để làm sáng tỏ nguyên tắc hoạt động của hệ thống. Giả sử bạn tới một ngân hàng với nói: “Tôi muốn vay 1 triệu đô-la để tôi có thể mua khu rừng này để bảo vệ các cây ở đó khỏi bị chặt làm gỗ. Như vậy tôi sẽ không có thu nhập từ khu rừng, bởi vậy tôi sẽ không thể trả lãi được. Nhưng nếu ngân hàng cần thu lại tiền, tôi có thể bán lại khu rừng và trả lại 1 triệu đô-la.” Thật không may là, chẳng có ngân hàng nào đồng ý với lời đề nghị này dù họ muốn như vậy. Nhưng nếu bạn tới ngân hàng và nói: “Tôi muốn vay 1 triệu đô-la để mua khu rừng này, thuê xe ủi đất, chặt sạch cây ở đó, và bán gỗ với tổng giá trị là 2 triệu đô-la, trong đó tôi sẽ trả 12% lãi cho ngân hàng và cũng kiếm lời cho bản thân mình”. Sẽ có ngay một ngân hàng đồng ý. Ở ví dụ đầu tiên, không có hàng hoá hay dịch vụ mới nào được tạo ra, bởi vậy tiền không được tạo mới. Phải tạo ra hàng hoá và dịch vụ mới thì mới có thêm tiền. Đây là lí do tại sao hiện nay lại có nhiều công việc biến các nguồn vốn tự nhiên và xã hội thành tiền đến vậy. Còn những công việc phục hồi và cải tạo lại các tài sản chung thì rất ít.
Nói chung, áp lực không ngừng đối với những người vay tiền trong việc cung cấp hàng hoá và dịch vụ là một áp lực cơ bản để nền kinh tế có thể tăng trưởng (được định nghĩa là sự tăng trưởng của tổng số hàng hoá và dịch vụ để đổi lấy tiền). Một cách nhìn khác là: bởi vì số tiền nợ luôn luôn lớn hơn nguồn cung tiền, việc tạo ra tiền tạo ra một nhu cầu phải có nhiều tiền hơn trong tương lai. Số lượng tiền phải càng ngày càng tăng; tiền mới chảy vào túi những người sẽ cung cấp hàng hoá và dịch vụ; do đó, khối lượng hàng hoá và dịch vụ cũng phải càng ngày càng tăng.
Vì vậy, không phải chỉ vì tiền là một con số nên nó có khả năng tăng trưởng vô hạn. Trên thực tế, hệ thống tiền tệ của chúng ta đòi hỏi sự tăng trưởng đó để tồn tại. Hầu hết các nhà kinh tế cho rằng áp lực tăng trưởng đặc hữu này là một điều tốt. Họ nói rằng nó tạo ra động lực để đổi mới, để tiến bộ, để đáp ứng nhiều nhu cầu một cách ngày càng hiệu quả hơn. Một nền kinh tế dựa trên lãi suất về cơ bản là một nền kinh tế dựa trên sự tăng trưởng. Ngoại trừ một số nhỏ những người có tư tưởng cấp tiến, phần lớn các nhà kinh tế và có lẽ tất cả các nhà hoạch định chính sách đều coi tăng trưởng kinh tế là một minh chứng cho sự thành công.
Toàn bộ hệ thống tiền tệ dựa trên lãi suất sẽ hoạt động tốt nếu khối lượng hàng hoá và dịch vụ đổi lấy tiền theo kịp sự phát triển của nó. Nhưng nếu không như vậy thì điều gì xảy ra? Nói cách khác, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn mức lãi suất (tính theo %) thì điều gì xảy ra? Giống như những người trong câu chuyện ngụ ngôn, chúng ta phải xem xét điều này khi mà thế giới dường như đang chạm đến giới hạn tăng trưởng.
Sự tập trung của cải
Bởi vì tăng trưởng kinh tế hầu như luôn thấp hơn mức lãi suất, điều thường xảy ra trong các trương hợp như vậy không còn là bí ẩn nữa. Nếu người nợ không thể thanh toán lãi từ khoản tiền mới mà họ tạo ra thì họ phải sử dụng cả tài sản hiện có để trả cho các chủ nợ và/hoặc đảm bảo sẽ dùng một phần lớn hơn của thu nhập hiện tại và tương lai để phục vụ cho việc trả nợ. Khi tài sản và thu nhập của họ đã cạn kiệt, chắc chắn họ rơi vào tình trạng vỡ nợ. Khi lợi tức đầu tư trung bình thấp hơn mức lãi suất bình quân phải trả để có được vốn đầu tư, sự vỡ nợ là đương nhiên. Đối với một tỷ lệ người đi vay nhất định, sự vỡ nợ là không thể tránh khỏi.
Ít nhất về mặt lý thuyết, sự vỡ nợ không nhất thiết là một điều xấu: chúng đem đến những hậu quả tiêu cực cho những quyết định không còn mang lại lợi ích nữa-nghĩa là việc sản xuất hàng hoá không có hiệu quả như người ta mong muốn. Các nhà cho vay sẽ thận trọng không cho vay đối với những người không có khả năng đóng góp cho nền kinh tế, và người vay sẽ bị áp lực phải hành động theo những cách mà có thể đóng góp vào nền kinh tế. Ngay cả trong một hệ thống lãi suất bằng không (0), người ta vẫn có thể bị vỡ nợ nếu họ đưa ra quyết định sai lầm, nhưng sự vỡ nợ sẽ không nhất thiết là một điều kiện cơ bản để hệ thống đó tồn tại.
Ngoại trừ các nhà kinh tế, không ai thích sự vỡ nợ – các chủ nợ thì càng không thích, bởi vì như vậy là tiền của họ biến mất. Có một cách để ngăn ngừa sự vỡ nợ, ít nhất là tạm thời, là cho người vay vay nhiều tiền hơn để họ có thể tiếp tục thanh toán khoản vay ban đầu. Điều này có thể là hợp lý nếu người đi vay đang gặp khó khăn tạm thời hoặc nếu có lý do để tin rằng trong tương lai gần năng suất lao động sẽ đủ lớn để người vay có thể thanh toán tất cả các khoản vay. Nhưng thông thường, người cho vay sẽ tiếp tục cho vay dù trước đó có nợ xấu chỉ vì họ không muốn bị tổn thất do người đi vay bị vỡ nợ, điều này thực sự có thể khiến bản thân người cho vay rơi vào tình trạng phá sản. Chừng nào mà người đi vay vẫn thanh toán, người cho vay có thể giả vờ rằng mọi thứ đều bình thường.
Đây chính là tình trạng của nền kinh tế thế giới trong vài năm qua. Sau nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ, mức lãi suất vượt xa tốc độ tăng trưởng kinh tế. Không có sự gia tăng bù trừ trong trường hợp vỡ nợ, chúng ta phải đối mặt với một khoản nợ quá lớn. Chính phủ, theo yêu cầu của ngành tài chính (chủ nợ, chủ sở hữu tiền), đã cố gắng hết sức để ngăn ngừa tình trạng vỡ nợ và giữ nguyên các khoản nợ trên sổ sách, với hy vọng rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ phục hồi và người đi vay sẽ tiếp tục có khả năng trả nợ. (3) Họ hy vọng sẽ “tăng trưởng kinh tế để thoát nợ”.
Ở cấp độ chính trị, áp lực tương tự để tạo ra “tăng trưởng kinh tế” cũng tồn tại như ở cấp độ cá nhân hay doanh nghiệp. Người bị nợ đang chịu áp lực phải bán một cái gì đó, dù là sức lao động của mình, để có tiền trả nợ. Những chính sách thân thiện với tăng trưởng khiến cho việc “bán cái gì đó” trở nên dễ dàng hơn; nghĩa là họ tạo điều kiện cho việc chuyển đổi nguồn vốn tự nhiên, xã hội, và các nguồn vốn khác thành tiền. Khi chúng ta nới lỏng các kiểm soát ô nhiễm, chúng ta nới lỏng việc chuyển đổi bầu không khí để duy trì sự sống thành tiền. Khi chúng ta hỗ trợ xây dựng đường vào các khu rừng già, chúng ta nới lỏng việc chuyển đổi các hệ sinh thái thành tiền. Khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gây áp lực cho các chính phủ để tư nhân hoá các dịch vụ xã hội và cắt giảm chi tiêu, họ thúc đẩy sự chuyển đổi vốn xã hội thành tiền.
Đó là lý do tại sao ở Mỹ, cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều mong muốn “mở những thị trường mới”, “thực thi quyền sở hữu trí tuệ”, v.v… Đó cũng là lý do tại sao bất kỳ cái gì thuộc về tài sản chung của cộng đồng không thể được khai thác, ví dụ như dầu ở Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Alaska, các chợ thực phẩm địa phương được bảo vệ bằng thuế quan hoặc các khu bảo tồn thiên nhiên ở châu Phi phải chịu đựng các cuộc tấn công liên tục từ các chính trị gia, các tập đoàn hay những kẻ săn trộm. Nếu tiền ngừng tăng trưởng, thì khoảng cách giữa sự vỡ nợ và sự phân cực giàu nghèo sẽ biến mất, dẫn đến tình trạng bất ổn xã hội, và chắc chắn dẫn tới một cuộc cách mạng. Nếu không tăng trưởng thì không thể có kết quả nào khác khi mà nợ cứ gia tăng theo cấp số nhân trong một thế giới hữu hạn.
Nếu sự tăng trưởng này, tức là sự chuyển đổi các tài sản chung thành tiền, xảy ra với tốc độ nhanh hơn mức lãi suất (%), thì mọi thứ đều ổn (ít nhất là từ quan điểm tài chính, chứ không phải là quan điểm về mặt con người hay sinh thái). Nếu có đủ nhu cầu về gà và đủ nguồn tài nguyên để nuôi chúng, người dân có thể vay với mức lãi suất 10% để tăng đàn gà lên 20%. Để sử dụng ngôn ngữ thông thường, đầu tư vốn mang lại lợi tức cao hơn mức vốn ban đầu; do đó, dù phải trả nợ nhưng người đi vay vẫn giàu lên. Đó là trường hợp của những buổi ban đầu, khi các tài sản chung có thể được chiếm hữu dễ dàng bởi chưa ai từng sỡ hữu chúng. Nó vẫn đúng trong một xã hội mà các mối quan hệ xã hội chưa bị tiền tệ hoá – theo cách nói về kinh tế, đây được gọi là “thị trường chưa phát triển”. Chỉ với tăng trưởng kinh tế thì các chủ nợ mới trở nên càng ngày càng giàu, và những người đi vay cũng giàu lên theo.
Nhưng ngay cả trong những thời kì tốt đẹp, mức tăng trưởng hiếm khi đủ nhanh để bắt kịp mức lãi suất. Hãy tưởng tượng rằng dân làng chỉ có thể tăng đàn gà của họ lên mức 5% một năm. Thay vì chỉ lấy một phần của số tiền mới kiếm được từ sự tăng trưởng cho các ngân hàng, bây giờ họ phải trả (trung bình) tất cả số tiền đó, cộng với một phần tài sản hiện tại của họ và/hoặc và một phần thu nhập trong tương lai. Sự tập trung của cải – cả thu nhập lẫn tài sản – là một hệ quả không thể tránh khỏi của tình trạng tốc độ tăng trưởng không bắt kịp với lãi suất (nợ phát triển nhanh hơn hàng hoá và dịch vụ).
Các nhà tư tưởng kinh tế từ thời Aristotle đã nhận ra vấn đề cốt lõi này. Aristotle đã quan sát thấy rằng vì tiền là “vô sinh” (tức là, nó không để lại con cái như gia súc hay cây lúa), nên việc cho vay tiền với lãi suất là không chính đáng. Ngay cả trước năm 350 TCN, sự tập trung của cải – kết quả của việc cho vay tiền kèm lãi suất – đã xảy ra nhiều lần, và nó cũng xảy ra nhiều lần sau đó. Nó xảy ra một lần nữa vào thời La Mã. Miễn là đế chế nhanh chóng mở rộng, có được đất đai mới và cống phẩm mới, mọi thứ đều ổn thoả và không có sự tập trung của cải cực độ. Chỉ đến khi sự tăng trưởng của đế quốc bị chậm lại, sự tập trung của cải tăng lên và tầng lớp nông dân đông đảo – thành phần chủ chốt của quân đội La Mã – rơi vào hoàn cảnh làm công trả nợ. Đế chế nhanh chóng trở thành một nền kinh tế nô lệ.
Tôi không cần phải nhấn mạnh sự tương đồng giữa Rome và thế giới ngày nay. Khi tăng trưởng đã chậm lại, nhiều người và nhiều quốc gia đều đang rơi vào một tình trạng tương tự như những người nông dân thời La Mã. Một tỷ lệ càng ngày càng lớn của thu nhập được dùng để trả nợ, và khi như thế vẫn không đủ, các tài sản đã có trước đó được thế chấp và sau đó bị tịch thu cho đến khi người vay không còn lại gì. Bởi vậy tại Mỹ, số người sở hữu nhà ở đã giảm liên tục không gián đoạn trong nửa thế kỷ qua, từ 85% năm 1950 đến khoảng 40% hiện tại (bao gồm 1/3 sở hữu hoàn toàn nhà của họ mà không phải nợ nần). Nói cách khác, mọi người không còn được sở hữu nhà của họ nữa. Hầu hết những người tôi biết đều không sở hữu những chiếc xe hơi của họ mà chủ yếu thuê chúng từ các ngân hàng bằng việc vay tiền mua xe. Ngay cả các tập đoàn cũng vay nợ ở mức chưa từng có, do đó một tỷ lệ lớn doanh thu của họ phải dành để trả cho các ngân hàng và các chủ sở hữu trái phiếu. Điều này cũng đúng với hầu hết các quốc gia, với tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ngày càng tăng. Ở mọi mức độ, chúng ta đang ngày càng trở thành nô lệ của các món nợ, chúng ta không được hưởng những thành quả lao động của mình mà phải dùng chúng để trả cho các chủ nợ.
Ngay cả khi bạn không mắc nợ, chi phí lãi suất sẽ được tính vào giá của gần như mọi thứ bạn mua. Ví dụ, khoảng 10 phần trăm chi tiêu của chính phủ Mỹ (và tiền thuế) dành cho việc trả lãi các món nợ của quốc gia. Nếu bạn thuê nhà, phần lớn chi phí thuê được dành để trả cho khoản phí cao nhất mà người cho thuê phải chịu – chi phí hàng tháng từ việc vay tiền ngân hàng để mua nhà. Khi bạn ăn một bữa tại nhà hàng, mức giá bạn phải trả bao gồm chi phí thu hồi vốn của nhà hàng. Ngoài ra, chi phí cho điện, nguồn cung thực phẩm và tiền thuê nhà của nhà hàng cũng bao gồm cả khoản lãi mà các nhà cung cấp phải trả để có vốn [vay từ ngân hàng]. Tất cả số tiền này là một loại cống nạp, một loại thuế trên tất cả mọi thứ chúng ta mua, mà số tiền đó chảy vào túi các chủ sở hữu tiền.
Lãi suất bao gồm sáu yếu tố: phí bảo hiểm rủi ro, chi phí cho vay, phí bảo hiểm lạm phát, phí bảo hiểm thanh khoản, phí bảo hiểm đáo hạn và phí bảo hiểm lãi không rủi ro. (4) Một cuộc thảo luận tinh vi hơn về mục đích của lãi suất có thể giúp phân biệt các yếu tố này, và đi đến kết luận rằng chỉ có 3 yếu tố sau – và đặc biệt là yếu tố cuối cùng mới có có tính chất của lãi suất. Nếu không có chúng, sự tập trung của cải không còn là một điều đương nhiên nữa vì phần tiền đó không nằm yên vị trong tay những người cho vay (mặc dù vậy, áp lực tăng trưởng vẫn còn tồn tại). Tuy nhiên, trong hệ thống hiện tại, tất cả sáu yếu tố đều đóng góp vào lãi suất hiện hành. Điều đó có nghĩa là những người có tiền có thể càng ngày càng giàu thêm chỉ đơn giản vì họ có tiền. Trừ khi người đi vay có thể kiếm tiền đủ nhanh, mà điều này chỉ khả thi trong một nền kinh tế đang phát triển, thì của cải sẽ tập trung vào tay những người cho vay.
Nói một cách đơn giản là thế này: một phần của lãi suất nói lên rằng, “Tôi có tiền và anh cần nó, vì vậy tôi sẽ tính phí để anh có thể dùng tiền của tôi – chỉ vì tôi có thể, chỉ vì tôi có tiền, còn anh thì không”. Để tránh sự phân cực giàu nghèo, lãi suất phải thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế; nếu không, quyền sở hữu tiền sẽ cho phép một người giàu lên nhanh hơn hiệu quả biên trung bình của sự đầu tư vốn hiệu quả. Nói cách khác, bạn giàu lên nhanh hơn bởi bạn sở hữu tiền chứ không phải vì bạn tham gia hoạt động sản xuất. Trên thực tế, điều này gần như luôn luôn xảy ra, bởi vì khi tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng lên, những người có quyền cũng đẩy lãi suất lên cao hơn. Lý do đưa ra là để ngăn ngừa lạm phát, nhưng đó cũng là một phương tiện để làm tăng sự giàu có và quyền lực của những chủ sở hữu tiền. (5) Nếu không có các biện pháp tái phân phối của cải, thì sự tập trung của cải vẫn sẽ tăng lên dù kinh tế có tăng trưởng hay không.
Theo nguyên tắc chung, bạn càng có nhiều tiền, bạn càng không vội sử dụng đến nó. Từ thời Hy Lạp cổ đại, người ta đã có cái mà Keynes gọi là “liquidity preference”: thích tiền hơn hàng hoá, trừ khi hàng hoá là cấp thiết. Sự ưu tiên này là không thể tránh khỏi khi tiền trở thành một phương tiện và mục đích phổ quát. Lãi suất củng cố sự ưu tiên này, nó khuyến khích những người đã có tiền giữ nó trong tay. Giờ đây những người cần tiền phải trả cho những người có tiền để có thể sử dụng tiền của họ. Tiền để thanh toán lãi trên khoản vay sẽ phải đến từ thu nhập trong tương lai của người vay. Đây là một cách khác để hiểu làm thế nào mà lãi suất khiến cho tiền của người nghèo lại chảy vào túi của người giàu.
Người ta có thể biện minh cho việc trả lãi cho các khoản đầu tư dài hạn có rủi ro, vì trong trường hợp đó, lãi suất thực ra là một khoản tiền bồi thường dành cho người cho vay vì họ là người phải bỏ tiền. Nó phù hợp với các nguyên tắc về quà tặng: khi bạn tặng một món quà, bạn thường nhận được một món quà lớn hơn (nhưng điều đó không phải là đảm bảo tuyệt đối, nên mới có rủi ro). Nhưng trong hệ thống hiện tại, ngay cả khoản vay đảm bảo bởi chính phủ cũng yêu cầu ký quỹ và các trái phiếu chính phủ ngắn hạn không rủi ro cũng kèm theo lãi. Điều này khiến cho các nhà đầu tư “kiếm lời” trong khi vẫn giữ được tiền của mình. Yếu tố không rủi ro này được thêm vào như là một khoản phí bảo hiểm ẩn cho tất cả các khoản vay khác, đảm bảo rằng những người có tiền sẽ ngày càng có nhiều tiền hơn. (6)
Áp lực kép hướng tới sự tăng trưởng của lĩnh vực tiền tệ và sự phân cực giàu nghèo mà tôi đã mô tả – là hai khía cạnh của cùng một vấn đề. Hoặc là tiền tăng trưởng bằng cách nuốt chửng những thứ không thuộc phạm vi tiền tệ, hoặc nó tự “ăn thịt” nó. Vì phạm vi của những thứ phi tiền tệ đang cạn kiệt, nên áp lực tự bòn rút chính nó của tiền tăng lên, và sự tập trung của cải leo thang. Khi điều đó xảy ra, một áp lực khác xuất hiện để giải cứu hệ thống: sự tái phân phối của cải. Suy cho cùng, sự phân cực giàu nghèo ngày càng tăng và sự khổ cực không thể kéo dài mãi.
Sự tái phân phối của cải và Chiến tranh giai cấp
Nếu của cải không được phân phối lại, bất ổn xã hội là không thể tránh khỏi trong một hệ thống tiền tệ dựa trên sự vay nợ và lãi suất, đặc biệt là khi sự tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, những người giàu có luôn luôn phản kháng lại sự tái phân phối của cải, vì như thế có nghĩa là tài sản của họ bị đem ra phân phối lại. Do đó, chính sách kinh tế phải cân bằng giữa sự tái phân phối và sự bảo đảm tài sản. Chính sách đó có xu hướng chỉ phân phối lại một lượng của cải tối thiểu đủ để duy trì trật tự xã hội mà thôi.
Theo truyền thống, các chính quyền theo phái Tự do (liberal goverments) tìm cách cải thiện vấn đề tập trung của cải bằng các chính sách tái phân phối như thuế thu nhập tăng tỉ lệ thuận với thu nhập, thuế bất động sản, các chương trình phúc lợi xã hội, mức lương tối thiểu cao, chăm sóc sức khoẻ phổ cập, giáo dục đại học miễn phí và các chương trình xã hội khác. Các chính sách này mang tính tái phân phối bởi vì mặc dù người giàu phải chịu thuế cao nhưng tất cả mọi người đều được hưởng lợi từ các khoản chi tiêu và các chương trình xã hội của chính phủ, hoặc thậm chí người nghèo còn được ưu tiên nữa. Các chính sách tái phân phối làm trung hoà xu hướng tự nhiên hướng tới sự tập trung của cải trong một hệ thống tiền tệ dựa trên lãi suất. Ít nhất là tạm thời, các chính sách đó cũng đi ngược lại lợi ích của những người giàu, đó là lý do vì sao tại thời điểm chính trị bảo thủ hiện nay, các chính sách như vậy được coi là nguyên nhân gây ra chiến tranh giai cấp.
Các chính quyền bảo thủ (conservative goverments) thì phản đối các chính sách tái phân phối. Dường như họ coi sự tập trung của cải là một điều tốt. Nếu bạn giàu, có thể bạn cũng thấy vậy bởi vì bạn được hưởng nhiều lợi ích hơn những người khác. Bạn thuê người làm công với chi phí thấp hơn. Sự giàu có, quyền lực và đặc quyền của bạn lớn hơn. (7) Do đó, các chính quyền phục vụ các lợi ích (ngắn hạn) của người giàu ủng hộ những điều ngược lại với các chính sách tái phân phối nói trên: thuế thu nhập theo tỷ lệ cố định, giảm thuế bất động sản, giảm bớt các chương trình xã hội, tư nhân hóa dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, v.v…
Trong những năm 1930, Mỹ và nhiều nước khác phải đối mặt với một sự lựa chọn: hoặc phân phối lại tài sản một cách nhẹ nhàng thông qua chi tiêu xã hội và đánh thuế người giàu, hoặc để cho sự tập trung của cải tiến lên tới đỉnh điểm dẫn đến cách mạng và sự tái phân phối bằng bạo lực. Đến những năm 1950, hầu hết các quốc gia đã thông qua thỏa hiệp xã hội được đưa ra trong Thoả thuận mới (New Deal): người giàu vẫn giàu có, nhưng họ phải từ bỏ một phần lợi ích của quyền sở hữu vốn bằng việc nộp thuế. Sự thỏa hiệp này đã có tác dụng trong một thời gian khi tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức cao cho đến những năm 1970.
Tuy nhiên, ngay cả giải pháp nhẹ nhàng này cũng mang theo nhiều hậu quả không mong muốn. Các chính sách thuế thu nhập cao đánh thuế những người kiếm được nhiều hơn là những người chỉ đơn giản là sở hữu nhiều. Chúng cũng tạo ra một cuộc chiến bất tận giữa các cơ quan thuế và các công dân – những người thường tìm cách tránh trả ít nhất một phần thuế. Họ thuê hàng chục ngàn luật sư và kế toán trong cuộc chiến này. Đây có phải là một cách sử dụng tốt nguồn nhân lực hay không? Hơn nữa, đây là một hệ thống vừa đấm vừa xoa đối với những người sở hữu tiền.
Trong một hệ thống dựa trên lãi suất, chiến tranh giai cấp là không thể tránh khỏi, dù ở dạng ẩn hay rõ ràng. Lợi ích ngắn hạn của những người nắm giữ của cải chống lại lợi ích của những người mắc nợ. Vào thời điểm chương sách này được viết, cán cân nghiêng về phía những người giàu có, vì các đại diện chính trị của họ đã huỷ bỏ các chương trình xã hội tái phân phối được áp dụng từ những năm 1930 ở hầu hết các nước phương Tây. Trong một thời gian ngắn, trong thời kỳ hậu Thế chiến II, sự tăng trưởng cao khiến cho chiến tranh giai cấp có vẻ mờ nhạt, nhưng thời đại đó đã chấm dứt. Hệ thống tiền tệ phải trải qua một sự thay đổi cơ bản, nếu không trong vài năm tới cuộc chiến tranh giai cấp sẽ ngày càng căng thẳng. Mục đích của cuốn sách này là thay đổi các quy tắc căn bản và loại bỏ hoàn toàn cơ sở của chiến tranh giai cấp.
Khi các chương trình tái phân phối từ những năm 1930 không được thực hiện nữa và mức nợ đạt đến tỷ lệ khủng hoảng, biện pháp cấp tiến hơn là cần thiết. Trong các xã hội xưa, sự phân cực giàu nghèo được giải quyết bằng việc hủy nợ định kỳ. Ví dụ: theo luật xoá bỏ gánh nặng Seisachtheia của Solon (Athen, thế kỉ thứ 6 TCN), nợ và tình trạng lấy công trả nợ (debt peonage) được xoá bỏ. Hoặc luật đại xá Jubilee của người Do Thái cổ: “sau bảy năm, ngươi sẽ xoá nợ: Mỗi chủ nợ sẽ xoá nợ cho người hàng xóm mắc nợ mình; anh ta sẽ không đòi nợ người hàng xóm hay anh em của mình nữa; bởi vì đây là luật miễn nợ của Chúa” (Deuteronomy 15:1-2). Cả hai cách thực hành cổ xưa này triệt để hơn luật phá sản vì người nợ được giữ tài sản và vật thế chấp của mình. Dưới thời Solon, đất đai thậm chí còn được trả về cho chủ sở hữu ban đầu.
Một ví dụ về huỷ nợ gần đây hơn là việc hủy bỏ một phần các khoản nợ của các quốc gia nghèo, bị thiên tai tàn phá. Ví dụ, IMF, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ đã huỷ bỏ nợ của Haiti trong năm 2008. Có một phong trào yêu cầu xoá bỏ nợ cho các nước thứ Ba đã tồn tại mấy thập kỉ nhưng cho đến nay đạt được rất ít kết quả.
Một hình thức tái phân phối khác là luật phá sản, trong đó người nợ được giải phóng khỏi nghĩa vụ, thường là sau khi bị tịch thu hết tài sản để trả cho chủ nợ. Tuy nhiên, đây thực ra chỉ là một sự chuyển đổi tài sản trên danh nghĩa từ chủ nợ sang người nợ, vì giá trị của tài sản thấp hơn giá trị của khoản nợ. Thời gian gần đây, tại Mỹ việc tuyên bố phá sản cá nhân thực sự trở nên khó khăn hơn, vì luật pháp (viết lại theo lệnh của các tổ chức phát hành thẻ tín dụng) ép người nợ vào một kế hoạch thanh toán trong đó một phần thu nhập trong tương lai của họ sẽ dành để trả cho chủ nợ. (8) Càng ngày, người ta càng không thể thoát khỏi nợ nần, người nợ phải lao động suốt đời để trả nợ. Không giống như Seisachtheia và Jubilee, luật phá sản chuyển tài sản của người mắc nợ cho chủ nợ. Các chủ nợ sau đó trở thành người kiểm soát vốn cả về vật chất lẫn tài chính. Người mắc nợ cũ không có lựa chọn nào khác ngoài việc lại lâm vào cảnh nợ nần. Các tuyên bố phá sản chỉ là rắc rối nho nhỏ tạm thời của sự tập trung của cải mà thôi.
Cực đoan hơn là việc hoàn toàn từ chối nợ – từ chối trả nợ hoặc chuyển tài sản thế chấp cho chủ nợ. Tất nhiên là thường thường, chủ nợ có thể khởi kiện và yêu cầu cảnh sát đến để tịch thu tài sản của con nợ. Chỉ khi nào hệ thống pháp luật và tính hợp pháp của nhà nước bắt đầu tan rã thì sự từ chối nợ của cá nhân mới khả thi. (9) Như vậy chúng ta thấy rằng tiền bạc và tài sản chỉ là các quy ước xã hội mà thôi. Nếu loại bỏ các quy ước thông thường trong cách nhìn nhận các biểu tượng [các con số trên máy tính], Warren Buffett cũng chẳng giàu hơn tôi, có lẽ trừ việc căn nhà của ông ta lớn hơn nhà của tôi. Kể cả nếu ông ta giàu vì một hành động gì đó, thì đấy cũng là một vấn đề về mặt quy ước.
Tại thời điểm tôi đang viết những dòng này, việc từ chối nợ không phải là một lựa chọn dành cho các công dân cá nhân. Đối với các quốc gia có chủ quyền, nó dường như là một vấn đề khác hoàn toàn. Về lý thuyết, các nước có nền kinh tế trong nước và nguồn tài nguyên ổn định để trao đổi với các nước láng giềng chỉ cần tuyên bố vỡ nợ là xong. Nhưng trên thực tế, họ hiếm khi làm vậy. Những nhà cầm quyền, dân chủ hay không dân chủ, thường là đồng minh với các cơ quan tài chính toàn cầu và nhận được nhiều phần thưởng khi họ làm như vậy. Nếu họ không chịu, họ phải đối mặt với đủ các loại thù địch. Báo chí phản đối họ; thị trường trái phiếu quay lưng lại với họ; họ bị dán nhãn là “vô trách nhiệm”, “cánh tả”(chống lại nền kinh tế thị trường – ND) hoặc “không dân chủ”; phe đối lập chính trị của họ sẽ nhận được sự ủng hộ từ các cường quốc; họ thậm chí trở thành mục tiêu của một cuộc đảo chính hoặc một cuộc xâm lăng. Bất kỳ chính phủ nào chống lại việc chuyển đổi vốn xã hội và tự nhiên thành tiền đều bị gây áp lực và bị trừng phạt. Đó là những gì xảy ra ở Haiti khi Aristide chống lại các chính sách tân tự do (neoliberal) và bị lật đổ năm 1991 và năm 2004; nó đã xảy ra ở Honduras trong năm 2009; nó đã xảy ra trên khắp thế giới hàng trăm lần. Gần đây, vào tháng 10 năm 2010, một cuộc đảo chính cũng xảy ra tại Ecuador, quốc gia này đã bác bỏ 3,9 tỷ đô la nợ trong năm 2008 và sau đó đã tái cơ cấu lại nó ở mức 35 xu đối với đồng USD. Đó là số phận của bất kỳ quốc gia nào chống lại chế độ nợ (debt regime).
Nhà kinh tế học John Perkins mô tả chiến lược cơ bản trong cuốn Confessions of an Economic Hit Man (lời thú tội của một kẻ giết thuê về kinh tế) như sau: đầu tiên là hối lộ cho những nhà cai trị, sau đó là đe dọa họ, sau đó là một cuộc đảo chính, nếu tất cả thất bại, thì sẽ có một cuộc xâm lăng. Mục tiêu là để đất nước kia chấp nhận các khoản cho vay [từ nước ngoài] và thanh toán các khoản vay đó – để mắc vào nợ nần và cứ như vậy mãi. Dù ở mức độ cá nhân hay quốc gia, khoản nợ này thường bắt đầu với một dự án có tầm cỡ lớn – một sân bay hoặc một hệ thống đường hoặc một tòa nhà chọc trời, vay để cải tạo nhà ở hoặc vay cho giáo dục đại học. Nó hứa hẹn người vay tiền (hay quốc gia vay tiền) những phần thưởng tuyệt vời trong tương lai nhưng thực sự là đang làm giàu thêm cho các thế lực bên ngoài và khiến người/quốc gia đó rơi vào cái bẫy nợ. Trước kia, sức mạnh quân sự và sự cống nạp bắt buộc là các công cụ của một đế chế; ngày nay đó là cảnh nợ nần. Nợ buộc các quốc gia và cá nhân phải cống hiến năng suất lao động của mình vào việc kiếm tiền. Các cá nhân thỏa hiệp ước mơ của họ và chấp nhận làm các công việc cho phép họ kiếm đủ để theo kịp các món nợ của mình.
Các quốc gia chuyển đổi từ nền nông nghiệp và kinh tế địa phương tự cung tự cấp (không tạo ra ngoại hối) thành nền nông nghiệp chuyên sản xuất các loại cây trồng để xuất khẩu và các nhà máy sản xuất bóc lột nhân công (tạo ra ngoại hối). (10) Haiti đã mắc nợ từ năm 1825, khi nó bị ép phải bồi thường cho Pháp để thay thế cho tài sản (tức là các nô lệ) mà Pháp đã mất trong cuộc nổi dậy của nô lệ vào năm 1804. Khi nào Haiti sẽ trả hết nợ? Không bao giờ. (11) Khi nào một quốc gia thuộc Thế giới thứ ba sẽ trả hết nợ và cống hiến năng suất của nó cho người dân trong nước? Không bao giờ. Khi nào thì phần lớn mọi người trả hết tiền vay học đại học, thẻ tín dụng và các khoản vay mua nhà? Không bao giờ.
Tuy nhiên, dù ở mức quốc gia hay cá nhân, thời điểm bác bỏ nợ có thể gần hơn chúng ta tưởng. Tính hợp pháp của tình trạng hiện tại đang trở nên mong manh, và khi chỉ một vài con nợ bác bỏ khoản nợ của họ, những người/quốc gia còn lại cũng sẽ làm theo như vậy. Thậm chí việc bác bỏ nợ còn có một cơ sở pháp lý có căn cứ đàng hoàng: nguyên tắc nợ bẩn (odious debt) nói rằng các khoản nợ phát sinh từ việc gian lận là không hợp lệ. Các quốc gia có thể phủ nhận các khoản nợ phát sinh do các nhà cầm quyền độc tài đã thông đồng với các tổ chức cho vay để làm giàu cho bản thân và họ hàng của họ và đã xây dựng các dự án có quy mô lớn nhưng không có ích lợi gì cho quốc gia. Các cá nhân có thể phủ nhận các khoản cho vay tiêu dùng và cho vay mua nhà được thực hiện thông qua các hình thức cho vay dối trá. Có lẽ thời điểm chúng ra rũ bỏ gánh nặng nợ nần đang sắp tới gần.
Lạm phát
Một cách cuối cùng để phân phối lại tài sản là thông qua lạm phát. Trên bề mặt, lạm phát là một hình thức có vẻ như là để xoá nợ vì nó cho phép các khoản nợ được trả bằng loại tiền có giá trị thấp hơn loại tiền lưu hành vào thời điểm vay ban đầu. Đó là một cách vừa làm giảm giá trị của tiền và vừa giảm giá trị của khoản nợ theo thời gian. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản như vậy. Vì một điều, lạm phát thường đi kèm với lãi suất tăng, bởi vì một mặt các nhà chức trách về mặt tài chính sẽ tăng lãi suất để “chống lạm phát”, mặc khác các tổ chức cho vay tiềm năng sẽ thích đầu tư vào những loại hàng hóa không bị ảnh hưởng bởi lạm phát hơn là cho vay tiền với lãi suất thấp hơn mức lạm phát. (12)
Kinh tế học truyền thống nói rằng lạm phát là kết quả của sự gia tăng nguồn cung tiền mà không có sự gia tăng tương ứng trong nguồn cung hàng hoá. Vậy làm thế nào để tăng nguồn cung tiền? Trong năm 2008-2009, Cục Dự trữ Liên bang đã cắt giảm lãi suất xuống gần bằng không và tăng nguồn cung tiền lên rất lớn mà không gây ra bất kỳ lạm phát đáng kể nào. Đó là bởi vì các ngân hàng đã không tăng cường cho vay, tức là người dân và doanh nghiệp-những người sẽ chi tiêu nó không chạm được vào tiền. Thay vào đó, tất cả số tiền mới nằm trong kho của ngân hàng như khoản tiền dư thừa hoặc lọt vào thị trường chứng khoán; do đó mới xảy ra sự gia tăng giá cổ phiếu từ tháng 3 đến tháng 8 năm 2009. (13)
Không có gì là lạ khi: thiếu các khách vay đáng tin tưởng (có khả năng trả nợ) và thiếu tăng trưởng kinh tế, lãi suất thấp cũng chẳng thúc đẩy được việc vay nợ. Ngay cả khi Cục dự trữ liên bang mua mọi trái phiếu kho bạc trên thị trường, tăng cơ sở tiền tệ lên gấp 10 lần, lạm phát vẫn không xảy ra. Để có lạm phát, tiền phải nằm trong tay của những người sẽ tiêu nó. Tiền mà không ai tiêu thì có còn là tiền hay không? Tiền mà một kẻ bủn xỉn chôn dưới đất và quên luôn về nó thì có còn là tiền hay không? (14) Trực giác Newton-Descartes của chúng ta coi tiền là một vật; nhưng thực ra, nó là một mối liên hệ. Khi nó tập trung trong tay một số ít, mối liên hệ của chúng ta với những thứ duy trì và làm phong phú cuộc sống trở nên mỏng manh.
Các chương trình cứu trợ của Cục dự trữ liên bang chủ yếu là đặt tiền vào tay các ngân hàng, nơi mà đến giờ nó vẫn nằm ở đó. Trong thời kỳ suy thoái kinh tế, để tiền có thể vào tay những người sẽ tiêu nó, quá trình tạo tín dụng (credit-creation) nói rằng “Ngươi chỉ được tiếp cận với tiền nếu ngươi có thể kiếm thêm nhiều tiền hơn” phải được bỏ qua. Việc đó có thể được thực hiện thông qua kích cầu tài chính – nghĩa là chi tiêu của chính phủ. Chi tiêu như vậy thực sự có khả năng tạo ra lạm phát. Tại sao lạm phát lại xấu? Không ai thích vật giá leo thang, nhưng nếu thu nhập cũng tăng nhanh tương tự, thì làm sao hại được? Nó chỉ có hại đối với những người có tiền tiết kiệm; những người đang mắc nợ thì thực ra đang được lợi. Điều mà mọi người thường lo sợ là giá cả tăng nhưng lương không tăng. Nếu giá cả và tiền lương cùng tăng lên, thì lạm phát về cơ bản là một loại thuế đánh vào tiền nhàn rỗi. Nó phân phối lại của cải để những người sở hữu tiền không tiếp tục giàu thêm nhờ vào tác dụng của lãi suất nữa. (15) Chúng ta sẽ quay trở lại với khía cạnh có lợi của lạm phát khi chúng ta xem xét hệ thống tiền có lãi suất âm.
Lý thuyết truyền thống nói rằng chính phủ có thể tài trợ chi tiêu mang tính lạm phát thông qua việc đánh thuế (taxation) hoặc sự bội chi (deficit spending – chính sách vay tiền nước ngoài để khuyến khích kinh tế và chống thất nghiệp mặc dù nguồn thu nhập thiếu). Tại sao các khoản chi tiêu tài trợ bởi thuế lại có tính lạm phát? Rốt cuộc, đó chỉ là việc lấy tiền của một số người và trao nó cho người khác thôi mà. Nó chỉ có tính lạm phát khi nó lấy của người giàu và mang cho người nghèo – những người sẽ chi tiêu nó một cách nhanh chóng. Cũng giống như vậy, sự bội chi chỉ có tính lạm phát nếu tiền vào tay những người sẽ chi tiêu nó chứ không phải vào kho của các ngân hàng lớn. Trong cả hai trường hợp, lạm phát là một hậu quả hoặc là triệu chứng của sự tái phân phối của cải chứ không phải là một phương tiện để thực hiện sự tái phân phối. (16)
Như vậy, lạm phát không thể được xem là tách biệt khỏi các hình thức cơ bản hơn của sự tái phân phối của cải. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà chính khách bảo thủ, theo truyền thống là những người bảo hộ của giới nhà giàu, là những “con diều hâu” sắc bén nhất trong việc phát hiện ra sự bội chi. Họ phản đối bội chi – một việc làm có xu hướng mang tiền đến tay những người mắc nợ, chứ không phải những người có tài sản. Nếu thất bại trong việc phát hiện và phản đối bội chi, họ sẽ đòi cắt giảm chi tiêu, tăng lãi suất và trả nợ công, chủ yếu là đảo ngược lại sự tái phân phối. Ngay cả khi không có dấu hiệu lạm phát thực sự, họ cũng lấy lạm phát ra làm lý do để tranh cãi.
Về nguyên tắc, bất kỳ chính phủ nào có tiền tệ riêng đều có thể tạo ra số tiền không giới hạn mà không cần phải tính thuế, chỉ đơn giản bằng cách cứ in tiền hoặc bắt buộc ngân hàng trung ương phải mua trái phiếu không kèm lãi. Đúng, nó sẽ tạo ra lạm phát – tiền lương và giá cả sẽ tăng lên, và giá trị tương đối của tài sản tiết kiệm sẽ giảm xuống. Việc chính phủ các nước sử dụng cơ chế trái phiếu có lãi suất để tạo ra tiền là một điểm quan trọng nói lên tính chất của hệ thống tiền tệ của chúng ta. Ở đây, đến chính phủ cũng phải cống nạp tiền lãi cho những người chủ sở hữu tiền.
Tại sao chính phủ lại phải trả lãi cho người giàu khi nó đã có toàn quyền trong việc phát hành tiền? Từ thời cổ đại, quyền phát hành tiền xu được coi là một chức năng thiêng liêng hoặc mang tính chính trị mà chức năng đó thiết lập nên một sự tập trung quyền lực về mặt xã hội. Ngày nay quyền lực đó đang nằm ở đâu đã quá rõ ràng. Meyer Rothschild nói: “Nếu tôi có quyền phát hành và kiểm soát tiền của một quốc gia, tôi sẽ không quan tâm ai tạo ra luật pháp ở quốc gia đó”. Ngày nay, tiền bạc đang phục vụ sự giàu sang cá nhân. Đó thực sự là nguyên tắc cơ bản của lãi suất. Tuy nhiên, thời kì của lãi suất đang sắp kết thúc; chẳng bao lâu nữa, tiền sẽ phục vụ một chủ nhân khác.
Nhiều hơn cho bạn là ít hơn cho tôi
Các nguyên nhân có tính hệ thống của sự tham lam, cạnh tranh, và lo âu hiện hữu khắp mọi nơi ngày nay mâu thuẫn với một số giáo lý New Age mà tôi thường xuyên gặp-rằng “Tiền chỉ là một hình thức năng lượng”, rằng “tất cả mọi người sẽ trở nên giàu có nếu họ tin là mình có thể giàu có”. Khi các nhà truyền giáo New Age bảo chúng ta “giải phóng niềm tin hạn hẹp của chúng ta về tiền “,”vứt bỏ tâm lí khan hiếm”,”sẵn sàng đón nhận dòng chảy của sự trù phú” hoặc trở nên giàu có thông qua sức mạnh của tư duy tích cực, họ đang bỏ qua một vấn đề quan trọng. Các ý tưởng của họ bắt nguồn từ nhận thức rằng khan hiếm là sản phẩm của niềm tin tập thể, chứ nó không phải là chân lí; tuy nhiên, chúng không phù hợp với hệ thống tiền tệ hiện nay.
Đây là một ví dụ điển hình về kiểu tư duy này, trích từ Linh hồn của tiền bởi Lynn Twist:
Tiền tự nó không tốt cũng không xấu, tiền tự nó không có quyền năng cũng không vô dụng. Chính cách hiểu của chúng ta về tiền bạc, sự tương tác của chúng ta với nó, mới là khởi nguồn của vấn đề và cũng là nơi mà chúng ta tìm thấy cơ hội thực sự để tự khám phá và chuyển hoá bản thân. (17)
Lynn Twist là một nhà bác ái có tầm nhìn, bà đã truyền cảm hứng cho nhiều người để họ sử dụng tiền với mục đích cao đẹp. Nhưng bạn có thể tưởng tượng những từ ngữ này được nói ra với một người đang thiếu thốn và rất cần tiền thì họ sẽ có cảm giác thế nào không? Vài năm trước đây, khi tôi bị phá sản, tôi nhớ đã cảm thấy khó chịu với những người bạn tâm linh có ý tốt của mình, khi họ nói với tôi rằng “tâm lí khan hiếm” chính là vấn đề của tôi. Khi nền kinh tế của cả một quốc gia như Latvia hay Hy Lạp sụp đổ và hàng triệu người phá sản, chúng ta có thể đổ lỗi cho tất cả bởi họ có “tâm lí khan hiếm” hay không? Thế còn những đứa trẻ nghèo đói thì sao? Chúng cũng có tâm lí khan hiếm hay sao?
Trong cùng cuốn sách, bà Twist mô mả tâm lí khan hiếm như sau: “nó giống như trò chơi Chiếc ghế âm nhạc của bọn trẻ, số ghế luôn ít hơn số người 1 đơn vị. Bạn không nên tập trung vào việc mình sẽ thua hay mình sẽ là người cuối cùng không ngồi lên được một chiếc ghế nào.” (18)
Nhưng như tôi đã mô tả, hệ thống tiền tệ đúng là một trò chơi Chiếc ghế âm nhạc, một cuộc tranh giành điên rồ trong đó chắc chắn một số người phải chịu thua. Tuy nhiên, bà Twist đã đúng ở mức độ sâu sắc hơn. Bà đã đúng khi nói rằng hệ thống tiền tệ hiện nay là sản phẩm của tâm lí khan hiếm – mà tâm lí khan hiếm đó dựa trên nền tảng sâu xa hơn: các huyền thoại và ý thức hệ của nền văn minh của chúng ta mà tôi gọi là Câu chuyện về cái Tôi và Câu chuyện về Thế giới. Nhưng chúng ta không thể chỉ thay đổi thái độ của mình về tiền; chúng ta phải thay đổi cả tiền nữa, vì nó chính là hiện thân của thái độ của chúng ta. Việc thay đổi bản thân không thể bị tách rời khỏi việc thay đổi thế giới. Cái này phản chiếu cái kia; cái này là phương tiện cho cái kia. Khi chúng ta thay đổi bản thân, giá trị và hành động của chúng ta cũng thay đổi. Khi chúng ta cố gắng thay đổi thế giới, các vấn đề nội tại nảy sinh và chúng ta phải đối diện với chúng. Bởi vậy nên chúng ta cảm nhận được rằng cuộc khủng khoảng trên toàn cầu hiện nay là một cuộc khủng khoảng có tính chất tâm linh. Nó kêu gọi một “cuộc cách mạng thiêng liêng” như Andrew Harvey đã nhắc tới.
Hệ thống tiền bạc của chúng ta ngày nay là sự biểu hiện của tâm lí khan hiếm. Tâm lí đó đã thống trị nền văn minh của chúng ta trong nhiều thế kỷ. Khi tâm lý đó thay đổi, hệ thống tiền tệ sẽ thay đổi để biểu hiện một ý thức mới. Trong hệ thống tiền tệ hiện nay, chỉ có một số ít người có thể sống trong sự giàu sang, không thể khác hơn. Một người trở nên giàu có thì chắc chắn có một người khác phải trở nên nghèo khó.
Một trong những nguyên tắc của “kế hoạch thịnh vượng” là buông bỏ cảm giác tội lỗi bắt nguồn từ niềm tin rằng bạn chỉ có thể giàu có nếu người khác nghèo khổ, rằng nhiều hơn cho tôi là ít hơn cho bạn. Vấn đề là trong hệ thống tiền tệ ngày nay đó lại là sự thật! Nhiều hơn cho tôi là ít hơn cho bạn. Kinh tế tăng trưởng nhưng cái giá phải trả là vốn tự nhiên, văn hoá, sức khoẻ và tinh thần bị mất đi. Cảm giác tội lỗi chúng ta cảm thấy về tiền là khá xác đáng. Chắc chắn, bằng tiền chúng ta có thể tạo ra những điều đẹp đẽ, những tổ chức đáng trọng, nhưng nếu chúng ta cố gắng kiếm tiền với những mục tiêu như vậy, ở mức độ nào đó chúng ta đang cướp của người này để đem cho người khác.
Tôi không hề có ý ngăn cản các bạn khỏi “tâm lí thịnh vượng”. Trái lại là khác – bởi vì khi số người có tâm lí thịnh vượng đủ lớn, hệ thống tiền tệ sẽ thay đổi để phục vụ niềm tin mới. Hệ thống tiền tệ ngày nay dựa trên nền tảng của Sự chia cắt. Nó vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của nhận thức rằng chúng ta là những cá nhân tách biệt trong một thế giới “ở bên ngoài”. Tâm lí thịnh vượng chỉ có thể thực sự tồn tại khi chúng ta bỏ đi nhận thức này và trở nên cởi mở với bản chất thật có tính tương tức với vạn vật của mình. Lãi suất không thể là một phần trong nhận thức mới này.
Sau đây là một ví dụ hơi cực đoan để làm sáng tỏ sự sai lầm trong “tâm lí thịnh vượng” và cũng là sai lầm của hệ thống tiền tệ hiện nay. Vài năm trước, một phụ nữ giới thiệu tôi với một tổ chức đặc biệt mà cô ấy đã tham gia tên là “Tặng quà” (Gifting). Về cơ bản, nó hoạt động như sau: đầu tiên, bạn “tặng” 10 ngàn đôla cho người mời bạn vào tổ chức. Sau đó bạn đi tìm 4 người khác để mời họ vào, mỗi người đó sẽ “tặng” bạn 10 ngàn đôla. Vậy là mỗi người sẽ có 30 ngàn đôla. Họ giải thích đó là một biểu hiện của sự trù phú của vũ trụ, bạn chỉ cần có thái độ cởi mở đúng đắn, đó là yêu cầu duy nhất. Chẳng cần phải nói, tôi nắm ngay lấy cơ hội. Đùa chút thôi. Thay vào đó, tôi hỏi người phụ nữ kia: “Chẳng phải cô đang lấy tiền từ bạn mình hay sao?”
Cô ấy trả lời: “Không, bởi vì họ cũng sẽ có được 30 ngàn đôla, miễn là họ tin vào nguyên tắc tặng quà.”
“Nhưng họ sẽ có được số tiền đó từ bạn của họ. Rồi cuối cùng, sẽ không còn người nào chưa tham gia nữa, và những người tham gia cuối cùng sẽ mất 10 ngàn đôla. Thực ra cô đang lấy cắp tiền của bạn mình nhưng lại dùng ngôn ngữ tặng quà để làm vậy.”
Không bao giờ tôi gặp lại người phụ nữ ấy nữa. Sự phẫn nộ và phủ nhận của cô ấy giống như của những người được hưởng lợi từ nền kinh tế tiền tệ hiện nay – một hệ thống cũng có cấu trúc tương tự như “kinh doanh” kiểu kim tự tháp. Hãy tưởng tượng rằng phí tham gia 10 ngàn đôla được tạo ra như một món nợ có kèm lãi (sự thực là vậy). Bạn cần phải đem nhiều người đến tham gia ở tầng dưới của bạn, nếu không bạn sẽ bị mất tiền. Với những người ở “dưới đáy”, cách duy nhất để tránh cảnh mất tiền là đi kiếm thêm nhiều người hơn nữa và kéo họ vào cùng tham gia nền kinh tế tiền tệ, ví dụ thông qua sự sự thực dân – e hèm – ý tôi là “mở ra các thị trường thương mại tự do mới” và thông qua tăng trưởng kinh tế: chuyển đổi các mối quan hệ, văn hoá, tự nhiên v.v… thành tiền. Điều này trì hoãn điều không thể tránh khỏi, và điều không thể tránh khỏi – tức sự gia tăng phân cực giàu nghèo – sẽ lồng lộn lên bất cứ khi nào tăng trưởng chậm lại. Những người mắc nợ cuối cùng sẽ không có cách nào để trả nợ: không có ai để lấy tiền từ họ, chẳng còn gì để biến thành tiền. Chúng ta sẽ thấy, đó chính là gốc rễ của cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội, và sinh thái mà nền văn minh của chúng ta đang phải đối mặt.