Cải cách giáo dục, có thể hay không thể?

30 Tháng Mười Một 2016
Chuyên mục
Unschooling
Bình luận  1

Từ buổi đầu của sự hình thành trường lớp cho đến hiện tại luôn luôn có các nhà cải cách, họ muốn sửa đổi cách thức hoạt động của trường lớp. Phần lớn, những nhà cải cách đó có thể được phân thành hai phái: Tự do – Bảo thủ, hay Tiến bộ – Truyền thống. Một phái cho rằng trẻ em học hỏi tốt nhất khi chúng vui vẻ, được lựa chọn, được học những điều có ý nghĩa với chúng, và nói chung là được phép kiểm soát phần nào đó về những điều chúng phải học và cách chúng học. Một phái thì cho rằng trẻ em học tốt nhất khi chúng được hướng dẫn trực tiếp bởi giáo viên – những người biết rõ hơn trẻ em về điều gì phải học và học theo phương pháp nào. Thi thoảng lại có những phong trào cải cách, nhưng thường những phong trào đó không đi đến đâu cả. Những người theo phái Tiến bộ đưa giáo dục đi theo hướng của họ trong một thời gian nhưng không có kết quả khả quan, thế là những người theo phải Truyền thống lại kéo nền giáo dục đi theo chiều ngược lại theo hướng của họ, những cũng không có kết quả khá hơn là mấy.

Quả lắc giáo dục không bao giờ đi xa mà luôn bị đẩy ngược lại vì chẳng có kiểu cải cách nào có hiệu quả. Những chính sách của phái Tiến bộ khi bị đặt trong một hệ thống mà trong đó trẻ em vẫn bị yêu cầu phải học một số kĩ năng nhất định và một số kiến thức nhất định, thì không hiệu quả bởi trẻ em không bao giờ chọn học theo các chương trình học đã định sẵn.  Những chính sách “không học vớ vẩn” của phái Truyền thống thì có lợi thế là tuyên bố rõ ràng những điều trẻ em cần học, nhưng nó cũng không hiệu quả vì nó loại bỏ tư duy sáng tạo và can thiệp quá sâu vào quá trình học tập tự nhiên của trẻ. Trẻ em có thể học vẹt những kiến thức cần học để qua được bài kiểm tra, nhưng chúng không nhớ cũng như không sử dụng những kiến thức đó trong đời sống hàng ngày vì mớ kiến thức đó chẳng có ý nghĩa gì với chúng.

Quả lắc giáo dục cứ đưa qua đưa lại như vậy đã tạo nên rất nhiều cuộc tranh luận không ngừng nghỉ và nhiều cuốn sách được viết bởi các giáo sư ngành sư phạm được xuất bản. Những người viết các cuốn sách đó và những người đung đưa quả lắc tự gọi mình là các nhà cải cách, nhưng thực tế là, họ không thể tạo nên cải cách thực sự.

Cải cách giáo dục thực sự là gì?

Cải cách giáo dục thực sự, theo tôi, đòi hỏi một sự thay đổi cơ bản trong nhận thức của chúng ta về tiến trình giáo dục. Nó đòi hỏi chúng ta từ bỏ ý nghĩ rằng người lớn phải có trách nhiệm quyết định sự học tập của trẻ em. Nói cách khác, nó đòi hỏi chúng ta vứt bỏ tiền đề cơ bản của hệ thống trường lớp của chúng ta hiện nay.

Hầu hết những người liên quan đến cải cách giáo dục, dù theo phái Tiến bộ hay Truyền thống, đều cho rằng người lớn mới là người có trách nhiệm trong việc học tập của trẻ em. Các nhà giáo dục phái Tiến bộ nhìn nhận giáo viên như những người điều khiển môi trường học tập của trẻ. Họ có nhiệm vụ sắp đặt mọi thứ trong lớp và hướng trẻ chơi những trò chơi “đúng”, khám phá những câu hỏi “đúng hướng”, và học những câu trả lời “đúng” để sau cùng, chúng có thể qua được các bài kiểm tra. Những người theo phái Truyền thống thì đưa ra một con đường dẫn thẳng đến các câu trả lời đúng mà không cần đến các trò chơi. Cả hai phái đều tin rằng dạy tốt sẽ dẫn đến học tốt, họ chỉ không tán thành ý tưởng của nhau về vấn đề “thế nào là dạy tốt” mà thôi. Cả hai phái cũng tin rằng người lớn phải có trách nhiệm quyết định những điều trẻ em nên học và phải kiểm tra trẻ, bằng cách này hay cách khác, để đảm bảo rằng trẻ đang học đúng những điều cần học.

Trẻ em đến với thế giới này, luôn luôn tự thúc đẩy bản thân tìm hiểu về thế giới vật chất, xã hội và văn hoá quanh chúng, nhưng chúng cần được tự do để theo đuổi mục tiêu đó. Trong bốn hoặc năm năm đầu đời của trẻ, chúng ta thường cho chúng sự tự do chúng cần. Trong những năm đó, dù không được dạy, trẻ em vẫn học được một lượng kiến thức khổng lồ. Chúng học ngôn ngữ mẹ đẻ từ con số không. Chúng học những nguyên tắc cơ bản của vật lí. Chúng học Tâm lí học đến một mức độ khiến chúng trở thành những chuyên gia trong lĩnh vực làm vừa lòng, gây khó chịu, điều khiển và mê hoặc những người khác sống quanh mình. Chúng học được một lượng kiến thức thực tế cực kì lớn. Chúng học cách sử dụng các loại máy móc nếu được phép, kể cả những loại máy mà người lớn chúng ta còn thấy phức tạp.

Trẻ em làm được tất cả những điều này mà hầu không có sự hướng dẫn từ người lớn. Thực ra, người lớn không thể ngăn trẻ em học hỏi những điều này, trừ khi họ nhốt bọn trẻ vào trong tủ kín. Không phải chỉ có vài “thiên tài” đặc biệt nào đó mới có thể học được như vậy đâu; trẻ em nào cũng thế cả, trừ một số trẻ bị tổn thương não thôi.

Nhưng rồi, khi đủ tuổi đến trường, chúng ta làm một điều tương tự như nhốt trẻ vào trong tủ kín vậy. Chúng ta ép trẻ em vào một môi trường gọi là “trường học”, ở nơi đó chúng ta không cho trẻ học theo cách tự nhiên, bởi vậy chúng không thể tự học được điều gì, và ở đó chúng ta giao cho giáo viên nhiệm vụ “dạy dỗ” bọn trẻ. Tất nhiên là vì thế mà ở những môi trường như vậy, những điều trẻ em học được bị ảnh hưởng rất lớn bởi người giáo viên. Lời tiên tri tự trở thành sự thật! Nếu bạn ép buộc trẻ em ở trong những môi trường mà chúng không thể tự học, thì sự học tập phải phụ thuộc vào sự dạy dỗ.

Trẻ em tự học mà không cần ai đó dạy chúng, nhưng, người lớn chúng ta có trách nhiệm tạo điều kiện cho phép trẻ có thể tự học. Theo tôi, muốn có cải cách giáo dục thực sự, chúng ta cần tạo cho trẻ những điều kiện sau:

Điều kiện quan trọng nhất là Tự do. Để có thể tự học, trẻ em cần có thoải mái thời gian để chơi, khám phá, trở nên buồn chán, vượt qua sự buồn chán, khám phá ra đam mê riêng, và theo đuổi những đam mê đó. Để có thể học được những điều cần thiết để trở thành những thành viên có ích trong xã hội, trẻ em cũng cần một môi trường phong phú để chơi và khám phá trong đó. Môi trường phong phú có nghĩa là một môi trường mà trẻ em được tiếp xúc với các dụng cụ, kĩ năng, ý tưởng, nguyên tắc đạo đức, tập tục, và những cuộc thảo luận có ý nghĩa. Một môi trường như thế cần có nhiều thành viên ở nhiều độ tuổi khác nhau, trong đó các trẻ nhỏ hơn sẽ học những kĩ năng và ý tưởng mới bằng việc quan sát và tương tác tự nhiên với những trẻ lớn hơn và người lớn, còn các trẻ lớn học cách chăm sóc và lãnh đạo bằng việc tương tác với các trẻ nhỏ hơn.

Trong các nhóm săn bắt hái lượm, môi trường như vậy được tạo ra một cách tự nhiên, không gượng ép, vì trẻ em được tự động hoà nhập vào trong mọi hoạt động của nhóm. Trường Sudbury Valley và vài trường khác tương tự cũng cho thấy rằng nếu để ý và cố gắng một chút, chúng ta có thể tạo ra môi trường như vậy mà không hề tốn kém hơn so với những gì chúng ta đang đổ vào hệ thống trường công lập, với kết quả tuyệt vời. Nhiều gia đình theo Unschooling cũng tìm ra cách để tạo cho con họ một môi trường phong phú để chúng tự học hỏi và giáo dục bản thân.

Cải cách thực sự không thể xảy ra trong hệ thống trường học hiện tại.

Một người bạn và đồng nghiệp của tôi, nhà sinh vật học tiến hoá David Sloan Wilson, dùng câu “bạn không thể đi từ đây mà đến đó được” để chỉ một nguyên tắc tiến hoá cơ bản áp dụng cho cả sự phát triển về mặt văn hoá cũng như sự tiến hoá về mặt sinh học. Một sinh vật như khủng long hay một tổ chức văn hoá như hệ thống giáo dục bắt buộc của chúng ra hiện nay có thể từ từ tiến hoá hay thay đổi, nhưng không phải mãi mãi cứ như thế. Khủng long đến một thời điểm không thể tiếp tục tiến hoá để phù hợp với điều kiện sống trên trái đất, bởi vậy chúng chết hết và những sinh vật mới có tính thích nghi cao xuất hiện – động vật có vú. Hệ thống giáo dục bắt buộc của chúng ta, ban đầu được tạo nên với mục đích truyền giáo và huấn luyện sự phục tùng, không thể được sửa đổi để phù hợp với mục đích giáo dục thực sự.

Không thể nào có một sự thay đổi từ từ trong hệ thống giáo dục hiện nay mà có thể dẫn đến sự cải cách thực sự mà tôi nói ở trên. Những bước đi nhỏ tưởng như là đang đi đúng hướng, được các nhà giáo dục tiến bộ đề xuất, cũng thất bại ngay trong hệ thống này. Một chút “tự do” trong một hệ thống mà sự thành công được đo đạc bởi các bài kiểm tra thì không ăn thua, bởi vì trẻ em tự do thì không chọn học các đáp án để làm bài kiểm tra. “Hoạt động vui chơi” ở một môi trường mà trẻ bị phân loại theo tuổi và bị hạn chế chơi thì không phải là một phương pháp học tập hiệu quả.

Hơn nữa, giống như khủng long, hệ thống trường học đã trở nên quá cồng kềnh đến nỗi khó mà thay đổi được nó. Nó đang là một ngành kinh doanh vô cùng lớn, hàng triệu người đang làm việc trong ngành này và mong muốn của họ không gì khác hơn là giữ nguyên nó như thế. Bởi các khách hàng phải đến với nó vì bị bắt buộc chứ không được tự lựa chọn nên nó không quan tâm đến việc có phải thay đổi để làm khách hài lòng hay không. Thay vào đó, nó hoạt động vì lợi ích của những người vận hành nó. Và, bởi vì trường học đã trở thành bắt buộc suốt mấy thệ hệ rồi nên gần như tất cả mọi người đều đã trải qua nó và không tưởng tượng được nếu không có nó thì cuộc sống sẽ ra sao. Có một điều mà hệ thống trường học truyền thống dạy rất giỏi, đó là niềm tin sai lệch rằng chúng ta cần phải đến trường thì mới học được.

Vì tất cả những lí do này và nhiều lí do khác nữa, cải cách thực sự là KHÔNG THỂ trong hệ thống giáo dục hiện nay.

Cải cách thực sự sẽ chỉ xảy ra khi nào những người không chấp nhận hệ thống trường lớp hiện nay chiếm số đông.

Số đông mọi người vẫn cho rằng hệ thống trường lớp bắt buộc hiện tại, hoặc một số phiên bản khác của nó, là cần thiết cho sự nghiệp giáo dục của xã hội. Khi nói về cải cách, họ nói về những cú lắc nhẹ, theo hướng này hoặc hướng kia, của quả lắc giáo dục. Nhưng có một số nhỏ lại nghĩ khác. Đó là những người không chấp nhận hệ thống trường lớp hiện nay bởi, giống như tôi, họ không thấy có chút hy vọng nào cho một sự thay đổi thực sự trong hệ thống đó. Một số người chọn hoặc thậm chí thành lập những môi trường học tập khác hẳn đi, giống như trường Sudbury Valley (tại Massachussets, Mỹ.) Một số khác chọn Homeschooling hoặc Unschooling. Và rất nhiều người trong số này đang tập hợp lại để tạo ra những môi trường học hỏi phong phú cho con em họ.

Kịch bản cho cải cách giáo dục thực sự theo tôi hình dung sẽ là thế này. Xu hướng không chấp nhận hệ thống trường học truyền thống sẽ tiếp tục trở nên ngày càng mạnh mẽ. Nó trở nên mạnh mẽ hơn bởi khi có thêm một người lựa chọn rời khỏi hệ thống cũ, sự lựa chọn đó sẽ trở nên bớt kì quặc hơn trong mắt những người khác. Phần lớn chúng ta không thích khác người. Chỉ có một số rất ít dám hành động khác số đông. Nhưng khi càng ngày càng có nhiều người không chấp nhận trường lớp truyền thống, sẽ tới lúc ai cũng biết ít nhất một gia đình (hoặc hơn) đã lựa chọn con đường khác, ai cũng sẽ thấy lựa chọn của gia đình đó khiến bọn trẻ hạnh phúc hơn nhưng vẫn không mất đi cơ hội thành công khi chúng trưởng thành. Dần dần, mọi người sẽ thay đổi thái độ. “Ơ này, mình không nhất thiết phải đến trường như người ta vẫn nói nữa. Mình có thể vui chơi, khám phá, tận hưởng tuổi thơ mà vẫn học hỏi được nhiều điều.”

Mọi người sẽ bắt đầu nhận ra họ có thể lựa chọn. Họ sẽ chọn cái gì – trường lớp truyền thống nơi họ bị bắt làm theo lời người khác, hay Tự do? Nếu đã thực sự hiểu rằng mình có thể lựa chọn giữa tự do và chuyên chính độc tài, bạn sẽ chọn cái gì???

(tác giả: Peter Gray – Free to Learn)

One response on “Cải cách giáo dục, có thể hay không thể?

  1. Dương Ngọc Quang nói:

    – Bài viết phù hợp với quy luật phát triển tự nhiên mạnh mẽ của loài người: Sinh tồn hay là chết!
    – Một bài viết sâu sắc! Cám ơn!
    Trân trọng!

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *