Khi hệ thống trường học được mang vào những xã hội truyền thống khắp nơi trên thế giới, có một sự thay đổi cơ bản về việc học tập: trước đây việc này do trẻ em, gia đình và cộng đồng quyết định thì giờ đây việc này do một hệ thống quyền lực từ trung ương quyết định và kiểm soát. Mặc dù các nền văn hoá là khác nhau, nhưng ở trong những xã hội chưa “hiện đại hoá”, trẻ em được học hỏi thông qua các hoạt động vui chơi tự do, qua sự tương tác với các trẻ em khác ở mọi lứa tuổi, qua sự hoà nhập với thiên nhiên và qua sự tham gia trực tiếp vào các hoạt động và công việc của người lớn. Chúng có thể được giao những trách nhiệm thực sự trong việc kiếm tiền nuôi sống gia đình và được yêu cầu phải tôn trọng những người lớn tuổi, nhưng thường là người lớn không kiểm soát từng hoạt động và lựa chọn của chúng hàng ngày hàng giờ như hiện nay. Trẻ em học hỏi thông qua trải nghiệm, thí nghiệm, thử nghiệm và sai lầm, thông qua sự quan sát độc lập thế giới tự nhiên và hành vi của mọi người, và thông qua các hoạt động chia sẻ thông tin tự nguyện trong cộng đồng như qua các câu chuyện kể, bài hát và lễ nghi. Những người lớn tuổi và những truyền thống cộng đồng được coi là nguồn học thức uyên bác và kiến thức thực hành, còn trẻ em được sống bình đẳng trong cuộc sống địa phương, được tiếp thu kiến thức, đạo đức và nguồn tâm linh từ những lời dạy đã được mài dũa qua bao thế hệ để trở thành một thành viên có ích trong cộng đồng.
Một đứa trẻ ở trong lớp học thường ở trong tình trạng không thể di chuyển, nói chuyện, cười, hát, ăn, uống, đọc sách, tự suy nghĩ, thậm chí không thể đi toilet mà không được phép của giáo viên. Một khi việc học tập được được đặt vào trong một tổ chức được kiểm soát bởi các nhà cầm quyền trung ương, tự do của cá nhân và sự tôn trọng đối với cộng đồng bị cắt giảm trầm trọng. Gia đình và cộng đồng giờ đây được đặt sang một bên. Kiến thức của họ giờ đây chẳng là gì so với chương trình học ở trường. Giáo viên kiểm soát đứa trẻ, trường học kiểm soát giáo viên, thành phố kiểm soát trường học, và càng ngày, các hệ thống tiêu chuẩn quốc gia sẽ kiểm soát thành phố. Còn một sự phát triển làm ta ớn lạnh hơn, đó là ý tưởng về tiêu chuẩn giáo dục TOÀN CẦU. Nói cách khác, là sự tạo dựng MỘT tổ chức mà tổ chức đó sẽ có quyền quyết định mỗi đứa trẻ trên hành tinh này phải học cái gì. Vấn đề rõ ràng trong kịch bản này là: AI được quyền quyết định mọi trẻ em phải học cái gì? Ai quyết định cách thức, thời gian và nơi mà bọn trẻ học những điều đó? Ai kiểm soát những bài kiểm tra, hay khi nào cần kiểm tra, hay cách sử dụng kết quả? Quan trọng không kém, ai quyết định những điều mà bọn trẻ KHÔNG phải học? Hệ thống cấp bậc trong giáo dục được xác minh bởi những “chuyên gia” đứng trên đỉnh của kim tự tháp, điều này khiến họ được phép quyết định những vấn đề trên thay cho mọi người. Nhưng AI được quyền chọn những vị chuyên gia đó, và sau cùng, ai có lợi từ điều này?
Trong những xã hội “phát triển”, chúng ta đã quá quen với sự kiểm soát tập trung trong vấn đề học tập đến nỗi điều này trở nên vô hình với chúng ta, và phần lớn mọi người chấp nhận nó như một lẽ tự nhiên, không thể tránh khỏi và cần thiết cho sự tự do và dân chủ. Chúng ta cho rằng, bộ máy chức trách, bởi vì họ liên quan đến giáo dục – một điều tốt không thể chối cãi – nên chắc là về mặt cơ bản bộ máy này cũng phải tốt và những quyết định của họ đều tốt cho mọi người. Chúng ta để cho những chuyên gia chẳng biết từ đâu đến quyết định chúng ta phải học những gì, khi nào cần phải học, và học theo phương pháp nào. Chúng ta cho họ quyền được kiểm tra mình, quyền được đo đạc những gì có trong trí não mình và đánh giá kĩ năng của mình, rồi tiếp tục cho phép họ xếp loại mình bằng một hệ thống các con số mà những con số đó có sức ảnh hưởng cực kì lớn đến các cơ hội trong tương lai của ta trong việc tham gia vào nền kinh tế và chính trị của xã hội. Rất nhiều người trong số chúng ta coi việc bị buộc phải đi học là một trong những quyền con người cơ bản.
Ý tưởng về một nền giáo dục được kiểm soát bởi nhà nước cũng tạo ra nhiều vấn đề tương tự như ý tưởng về một ngành truyền thông độc quyền bởi nhà nước vậy. Tại Mỹ, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí và quyền tự do tôn giáo được bảo vệ nhưng quyền tự do lựa chọn giáo dục thì không. Một ý tưởng rất dân chủ – tự do và bình đẳng trong giáo dục cho mọi đứa trẻ – được kết hợp với một ý tưởng rất phản dân chủ – rằng giáo dục phải được kiểm soát từ trên xuống bởi những người có thẩm quyền do chính quyền lựa chọn.
Có một sự lẫn lộn cơ bản giữa nền giáo dục được nhà nước hỗ trợ và nền giáo dục bị nhà nước kiểm soát. Khi đã nói rõ ràng như vậy chắc chúng ta sẽ không thể nhầm lẫn được nữa phải không?
Việc nhìn vào những điều mà trẻ em phải học ở trường cũng thú vị giống như việc nhìn vào những điều chúng không phải học. Trong khi trẻ em đang bận rộn giải toán đại số hay làm các bài tập hoá học thì những bản hợp đồng thương mại thế giới được kí kết và tiền tệ bị thao túng bởi những người hay nhóm người mà phần lớn chúng ta không biết là ai, càng không biết là họ đang làm những cái gì. Trẻ em bị buộc phải giải các phương trình bậc hai và viết tập làm văn, nhưng khi tốt nghiệp thì chẳng có một chút kiến thức nào có thể áp dụng vào đời sống thực tế. Trẻ em phải học rất nhiều môn học nhưng chúng không hề biết rằng những tập đoàn lớn đang thúc đẩy chính quyền phê duyệt luật cho phép các tập đoàn có thể làm ô nhiễm không khí và nguồn nước, từ chối bảo hiểm y tế, đưa ra các loại thuốc hầu như không được thí nghiệm lâm sàng ra thị trường và đưa vào chuỗi thực phẩm những sản phẩm biến đổi gien. Ở những nước đang phát triển, khi các thiếu niên đang đau đầu với các môn văn toán ở trường thì mảnh đất tổ tiên của chúng đang bị đem bán cho các tập đoàn nước ngoài.
Con em chúng ta luôn ngập đầu trong những mẩu thông tin rời rạc, bờ phờ với đống bài tập về nhà và những bài kiểm tra, đến nỗi chúng không có thời gian hay sức lực để mà chú ý đến những điều đang xảy ra xung quanh mình. Chúng được dạy phải tập trung vào việc đua tranh với những đứa trẻ khác thay vì được dạy để có cái nhìn sâu sắc về thế giới. Những học sinh “xuất sắc” thì rất biết nghe lời và một cách vô thức, chỉ biết tư duy trong những cái khung được người khác đóng sẵn cho. Những học sinh không chịu ngồi yên để quá trình này diễn ra êm thấm thì bị đào thải, bị dán nhãn là kém thông minh, thậm chí có vấn đề về trí tuệ, và được gửi đến bệnh viện lấy thuốc uống cho biết nghe lời.
Lần tới nếu bạn nghe thấy một em thiếu niên nói rằng em muốn tìm hiểu về vấn đề ABC nào đó nhưng em không thể vì còn phải học để chuẩn bị cho bài kiểm tra Hoá học ngày mai, hay nghe thấy một bậc phụ huynh nói rằng anh ta muốn con mình chạy nhảy nhiều hơn nhưng không thể vì thời gian biểu ở trường không cho phép, hay nghe thấy một giáo viên nói rằng cô ấy muốn có những buổi thảo luận mở hoặc làm những dự án sáng tạo với các học sinh trong lớp nhưng không thể bởi cô còn phải luyện thi cho các học sinh, làm ơn hay tự hỏi bản thân: tại sao họ KHÔNG THỂ làm những việc này? Ai bảo là họ không thể? Ai phải chịu trách nhiệm ở đây? Chúng ta không có tự do hay sao? Có hay không?
Khi Thomas Paine viết một cuốn sách tuyên truyền để châm ngòi cho một cuộc cách mạng, ông đã đặt tên cho cuốn sách là “Common Sense” (dịch nôm na là trí khôn cơ bản). Nói cách khác, một xã hội mang tính dân chủ chỉ khi nó thừa nhận rằng bất kì một người bình thường nào cũng có đủ trí khôn để tự đánh giá những vấn đề xung quanh cuộc sống gia đình, các vấn đề thế giới, chiến tranh, hoà bình và sự bình đẳng… và chính phủ phải tôn trọng quyết định của người dân chứ không phải ngược lại.
Nhưng những điều chúng ta học được từ thuở ấu thơ lại là những điều ngược lại. Không những chúng ta không được tin tưởng khi còn là trẻ con, cha mẹ chúng ta, thậm chí cả thầy cô của chúng ta cũng không được tin tưởng giao phó cho việc giáo dục chúng ta. Tất cả phải có sự kiểm định, đánh giá bởi các chuyên gia cấp cao hơn. Nhưng nếu các bậc cha mẹ bình thường cũng không đủ trình độ để biết con cái của họ có đang phát triển bình thường hay không thì làm sao họ có thể đánh giá được những vấn đề khác liên quan đến xã hội? Nếu trước khi đến tuổi trưởng thành, chúng ta phải giao phó bộ não của mình cho trường lớp – mà những trường lớp đó được đánh giá và kiểm soát bởi chính phủ – trong 12 năm trời, liệu sau đó chúng ta có thực sự tự do làm theo những điều chúng ta cho là đúng đắn từ lương tâm hay không? Thậm chí chúng ta có còn biết được thực sự chúng ta là ai nữa hay không?
Khi Wikipedia mới được sáng lập, nó dường như là một trò hề. Chất lượng các bài đăng không đồng đều, có rất nhiều lỗi. Những nhà xuất bản Bách khoa toàn thư, nơi thuê toàn những chuyên gia trong các lĩnh vực để viết và biên tập nội dung sách có lẽ đã âm thầm cười khoái trá. Nhưng giờ thì họ không cười như thế được nữa rồi. Ý tưởng về một kho thông tin chất lượng cao có thể được tạo nên bởi một hệ thống mở dành cho các biên tập viên tình nguyện lúc đầu nghe có vẻ lố bịch, nhưng có một điều rất thú vị đã xảy ra. Con người, trong lúc hợp tác với nhau bằng những mối quan hệ không vụ lợi, trao đổi và kiểm tra rồi đối chiếu và chau truốt và mở mang kiến thức và trí tuệ của nhau, đã và đang tạo ra một nguồn thông tin công cộng lớn hơn và sống động hơn bất cứ thứ gì từng tồn tại trên hành tinh này. Tôi không phóng đại Wikipedia, tất nhiên nó vẫn còn sai sót và giới hạn, nhưng điều gì mà chẳng có sai sót và giới hạn! Chỉ sau 10 năm tồn tại, nó quả là xuất sắc. Thậm chí các giáo sư Harvard – những hình tượng lớn trong giới trí thức – cũng đang sử dụng các bài viết của Wikepedia trong bài giảng của mình.
Nhưng đây không phải một bài tán dương công nghệ. Điều tôi nói ở trên là về trí tuệ của con người và khả năng cực kì lớn của nó khi mọi người tự do tương tác trong một mạng lưới truyền thông và hợp tác mở và bình đẳng. Đi đôi với những tiến bộ của cuộc cách mạng kĩ thuật số, những hình mẫu hợp tác trên cơ sở bình đẳng (theo chiều ngang) đã vượt xa các kiểu mẫu cũ (chỉ đạo từ cấp trên xuống cấp dưới) về mặt hiệu quả.
Những thay đổi tích cực trong xã hội đã và đang xảy ra nhưng không phải trong các tổ chức kiểm soát bởi thứ bậc mà qua việc mọi người liên kết với nhau và tạo ra những cộng đồng chung dựa trên sự tự nguyện. Khi mục tiêu là phát huy tối đa trí tuệ của con người, ta cần kích hoạt những kĩ năng riêng biệt, những tài năng và kiến thức của những cá nhân khác biệt chứ không phải đưa tất cả mọi người vào trong những cái khung giống hệt nhau để tạo ra những kết quả giống hệt nhau. Cái ta cần là một cấu trúc không mang tính thưởng phạt mà ở đây sự hợp tác được thúc đẩy thay vì sự ganh đua, sự mạo hiểm được khuyến khích thay vì tránh mắc lỗi, sự sáng tạo được ủng hộ thay vì sự lặp đi lặp lại những điều đã biết.
Nếu thực sự muốn một sức mạnh dài lâu, ổn định thì chúng ta cần bắt đầu xây dựng một mạng lưới học tập mở, bình đẳng theo chiều ngang ngay trong cộng đồng. Nếu trong 10 năm ta có thể tạo ra Wikepedia từ không khí, vậy nếu chúng ta tin tưởng trẻ em, giáo viên, cha mẹ, hàng xóm của ta để tạo ra một mạng lưới học tập cộng đồng mở, sống động và phù hợp với nhu cầu và đam mê của mỗi cá nhân, ta sẽ có thể tạo ra cái gì? Thay vì cố gắng tăng tiến theo chiều dọc, mỗi cá nhân sẽ được quyền tự do kiểm soát việc học tập của mình theo cách riêng, khi đó ta sẽ có thể tạo ra cái gì?
Và ta có thể tạo ra cái gì, ta có thể giải quyết những vấn đề sinh thái nào, ta có thể làm vơi đi những nỗi đau nào, nếu thay vì áp đặt những chương trình học cứng nhắc và nền kinh tế huỷ diệt lên cả thế giới, ta nắm lấy nguồn tri thức đã có từ bao đời nay của các nền văn hoá dân tộc như một phần trong nguồn tri khổng lồ của cả nhân loại? Nếu mạng Internet là một nguồn tri thức tập thể của những con người kết nối lại trong không gian kĩ thuật số, thì sự thông thái của các nền văn hoá dân tộc là một nguồn tri thức tập thể của con người kết nối với nhau qua chiều dài lịch sử. Một người thổ dân ở New Guinea vẫn có thể nhận biết được 70 loại chim nhờ nghe tiếng hót; một pháp sư vùng Amazon có thể nhận biết được hàng trăm loại cây cỏ và biết cách sử dụng chúng kiểu gì để có thể chữa bệnh cho mọi người; một thuỷ thủ lão luyện vùng Polynesie có thể phát hiện ra một hòn đảo xa phía sau đường chân trời bằng việc quan sát những con sóng và hành vi của các con chim. Những tri thức này dường như là siêu nhiên với một người của xã hội hiện đại đang lạc lối trong một khu rừng, nhưng nó không phải siêu nhiên. Đâylà trí tuệ con người đã được mài dũa qua hàng ngàn năm bởi sự quan sát, thử nghiệm, suy tư, trực giác, sự tinh lọc về nghệ thuật và kinh nghiệm và truyền thông của không biết bao nhiêu con người. Trí tuệ này không thua kém gì trí tuệ của những người đã phóng vệ tinh lên Sao Hoả. Đây là trí tuệ con người đã định hình và đạt mức hoàn hảo, rồi giống như một tia sáng, nó phóng thẳng, sâu vào trái tim của tự nhiên.
Ở khắp nơi trên nước Mỹ, người dân da đỏ đang phải đấu tranh để mảnh đất thiêng liêng từ thời tổ tiên của họ không rơi vào tay các tập đoàn lớn sẽ đến phá hoại môi trường sinh thái nơi đó. Họ không để phía quyền lực đang huỷ diệt thế giới của họ dạy họ phải làm thế nào. Họ tự biết lựa chọn thế nào, họ tự truyền thông với nhau, tự học hỏi lẫn nhau và dạy bảo nhau, tự xây dựng các cuộc vận động. Khi mà hành tinh này càng ngày càng nóng dần lên, đại dương tràn ngập nhựa và đất bị nhiễm độc đến mức không thể trồng trọt, khi mà nền kinh tế sụp đổ và trẻ em nhiều nơi không có gì để ăn và 0,001% dân số thế giới nắm trong tay quá nhiều tài sản và trở nên quá quyền lực đến mức sự dân chủ trở nên bất khả thi, đã đến lúc chúng ta phải tự hỏi bản thân: Ai đang giáo dục chúng ta? Với mục đích gì? Lẽ nào đây chưa phải là lúc chúng ta giành lấy quyền tư duy độc lập cho mình hay sao?
http://www.filmsforaction.org/news/occupy-your-brain-on-power-knowledge-and-the-reoccupation-of-common-sense/