Vì sao hệ thống giáo dục khó thay đổi

18 Tháng Ba 2017
Chuyên mục
Unschooling
Bình luận  0

Ngày nay, nhiều người hiểu được giá trị giáo dục của tự do vui chơi và khám phá, tiếc nuối là trẻ em được cho quá ít cơ hội cho các hoạt động như vậy, và tin rằng tính ương ngạnh (willfulness) của trẻ là một động lực tích cực cho sự phát triển, giáo dục và hưởng thụ cuộc sống của bản thân chúng. Tuy nhiên, các trường học vẫn tiếp tục như trước. Trên thực tế, trường lớp thông thường và các hoạt động do người lớn chỉ huy theo mô hình trường lớp chiếm ngày càng nhiều thời gian của trẻ em. Tại sao đảo ngược xu hướng này lại khó đến vậy? Tại sao thiết lập những thay đổi cơ bản trong hệ thống trường học lại khó đến vậy? Tôi không giả vờ rằng mình biết câu trả lời đầy đủ cho câu hỏi này, nhưng đây là tóm tắt những suy nghĩ của tôi liên quan đến những rào cản khiến cho hệ thống giáo dục khó thay đổi về mặt cơ bản.

Tính bình thường của Trường lớp

Như các nhà tâm lý học xã hội thường chỉ ra, mọi người luôn luôn cố gắng để được bình thường trong mắt những người khác. Nếu chúng ta hành xử khác với lẽ thường, người khác có thể không chấp nhận chúng ta, và không có gì tệ hại hơn là bị chối bỏ bởi chúng ta là những sinh vật sống theo cộng đồng. Nếu mọi người trong một nền văn hoá đều bó chân các cô gái, kể cả điều đó khiến các cô không đi lại được, thì thậm chí cả những bậc cha mẹ không tin vào hành động đó cũng vẫn thực hiện nó để con gái họ sẽ không bị coi là kỳ quặc. Nếu tất cả các trẻ em trong một khu phố đều đi học, thì đứa trẻ làm một việc gì đó khác sẽ được xem là kỳ quặc, và cha mẹ đứa trẻ được coi là không chỉ lập dị mà còn cẩu thả.

Hãy lắng nghe bất kì cuộc hội thoại nào giữa một người lớn và một đứa trẻ mà họ vừa gặp, bạn sẽ thấy ngày nay chúng ta nhận dạng trẻ căn cứ vào việc đi học của chúng nhiều thế nào. “Cháu học trường nào ? ” “Cháu thích học môn gì?” “Cháu có thích thầy/cô giáo không?” “Cháu có thích đi học không?”

Các trường mới được thành lập dựa trên các nguyên tắc rất khác so với các trường thông thường thu hút khá ít học sinh, thậm chí những người tin vào các nguyên tắc đó cũng không tới vì họ sợ làm thế khiến họ trở thành những người kì quặc. Những đứa trẻ quyết định theo học một trường như vậy cần rất nhiều sự hỗ trợ để đương đầu với nỗi sợ hãi đó, và cha mẹ chúng thậm chí cần nhiều hỗ trợ hơn.

Lời tiên tri tự trở thành sự thật của Trường lớp thông thường

Trường học thông thường đã và đang cổ suý cách suy nghĩ và hành động để biến những tiền đề của chính nó thành những lời tiên tri tự trở thành sự thật (self-fulfilling prophecies). Các tiền đề đó có vẻ đúng bởi vì chúng ta đánh giá chúng trong bối cảnh trường lớp thông thường và theo các tiêu chuẩn được thiết lập bởi các trường lớp đó*.

Dưới đây là ví dụ về một tiền đề như vậy: Các trường học cần phải khuyến khích trẻ học. Tôi đã vô số lần gặp những bậc cha mẹ, những người tin rằng các trường độc đáo như Sudbury Valley thì chỉ dành cho những đứa trẻ biết tự giác, nhưng không phải dành cho con cái của họ, bởi vì con cái của họ không tự giác. Và bản thân những đứa trẻ cũng thường tin điều đó. Chúng nói những điều như, “Cháu cần giáo viên thúc giục, nếu không cháu sẽ không làm gì cả ngày.” Tại sao mọi người trong nền văn hoá của chúng ta lại có suy nghĩ rằng trẻ em trong độ tuổi đi học sẽ không học được nhiều nếu chúng được tự do? Hầu như không có ai nghĩ như thế về trẻ em dưới tuổi đi học (0-5 tuổi), và những người săn bắt – hái lượm không hề suy nghĩ như vậy về trẻ em dù chúng ở độ tuổi nào.

Một nguyên nhân dẫn đến nhận thức rằng ‘trẻ em ở độ tuổi đi học không thể tự học’ phát sinh từ sự chấp nhận của xã hội đối với định nghĩa về “học” của hệ thống trường lớp. Nếu “học” được định nghĩa là làm bài tập ở trường hoặc những việc tương tự, thì chắc chắn rằng những đứa trẻ được unschool hoặc những trẻ đến học tại các trường như Sudbury Valley dành rất ít thời gian để “học”. Thay vào đó, chúng dành thời gian chơi và khám phá, theo những cách không dự đoán trước, và chúng  học được các kiến ​​thức và kỹ năng như là một hệ quả phụ (side effect).

Một nguyên nhân khác cho nhận thức trên là: các trẻ em ở trường cả ngày để làm bài kiểm tra và làm những việc mà chúng không muốn làm nên khi đã về đến nhà chúng dành thời gian rảnh rỗi để thư giãn hoặc chẳng làm gì cả, cũng giống như bố mẹ chúng sau một ngày làm việc căng thẳng. Điều này cản trở chúng tham gia thực sự vào các hoạt động vui chơi, khám phá và trò chuyện mang tính giáo dục.

Một ví dụ khác về lời tiên đoán tự trở thành sự thật đó là: học giỏi ở trường thì sau này sẽ thành công. Chúng ta đã khiến lời tiên đoán này trở thành sự thật bằng cách tạo nên một thế giới cho bọn trẻ mà trong đó “thành công” được định nghĩa là “học giỏi ở trường”. Nghĩa vụ của trẻ em là đạt điểm tốt ở trường, và nếu đạt điểm tốt thì sẽ có nhiều phần thưởng. Điểm tốt là tiêu chuẩn để được lên lớp, để được nêu tên trong vinh dự, để được vào đại học, để được người lớn khen thưởng… Bởi vậy, khi thành công được định nghĩa như vậy thì tất nhiên “học giỏi sẽ thành công”.

Có rất rất nhiều thống kê chỉ ra mối tương quan giữa số năm đi học và sự thành công được xác định bởi thu nhập. Nhưng có nhiều lí do dẫn đến mối tương quan đó mà chẳng liên quan gì đến việc học. Và đây là ba lí do như vậy:

(1) Chúng ta đã và đang tạo ra một thế giới trong đó những nghề nghiệp có thu nhập cao như Luật sư, Bác sĩ và Quản lí thường đòi hỏi những bằng cấp nhất định với số năm học nhất định (thường là bằng Đại học hoặc Sau Đại học). Ở trong một thế giới như vậy, đương nhiên số năm đi học có tương quan với thu nhập.

 (2) Chúng ta đã và đang tạo ra một thế giới trong đó “thành công” được định nghĩa là “điểm cao” khi còn nhỏ và “thu nhập cao” lúc trưởng thành. Ở trong một thế giới như vậy, những cá nhân muốn đạt nhiều thành tựu cao (theo tiêu chuẩn thông thường) sẽ rất chăm chỉ để đạt điểm cao khi đang đi học và kiếm nhiều tiền khi trưởng thành. Và, thế là đương nhiên chúng ta có mối tương quan giữa điểm cao và thành công. Chúng ta cũng đã và đang tạo ra một thế giới mà trong đó rất ít người không đi học những trường lớp  thông thường, bởi vậy các bậc cha mẹ cũng như trẻ em không có những hình mẫu nào khác về thành công để trông theo.

 (3) Trẻ em con nhà giàu có hoặc khá giả có tiền để học nhiều hơn trẻ em con nhà nghèo nên chúng đi học nhiều hơn. Trẻ em con nhà giàu cũng có nhiều cơ hội trong việc lựa chọn những nghề có lương cao vì có các mối quan hệ từ gia đình và nhiều  lợi thế khác. Điều này cũng tạo nên mối tương quan giữa số năm đi học và thu nhập sau này.

Vì những lí do trên và nhiều lí do khác nữa, mối tương quan giữa “học hành” và “thành công” là đương nhiên trong cái thế giới mà chúng ta tạo nên. Không có thống kê nào chỉ ra mối tương quan đó có liên quan gì đến những điều được học ở trường hay không.

Sự cố thủ của ngành Kinh Doanh Giáo Dục

Một lí do khác dẫn đến sự trì trệ trong việc thay đổi hệ thống giáo dục một cách thực sự, đó là sự đồ sộ và cố thủ của ngành Giáo Dục. Ở Mỹ 6,8 triệu người kiếm sống bằng nghề giáo viên (bài viết từ năm 2008). Nghề giáo viên có nhiều lợi ích như: không sợ mất việc, lương thưởng ổn định, nhiều thời gian rảnh. Ngành in sách giáo khoa cũng đồ sộ và sinh nhiều lợi nhuận. Một thay đổi mang tính cơ bản sẽ khiến cả hệ thống lao đao. Sẽ không cần đến giáo viên, cũng không cần đến các trường sư phạm và không cần cả sách giáo khoa nữa.

Nhiều người có mong muốn không những duy trì mà còn mở rộng ngành Giáo Dục hiện tại. Nếu trẻ em phải đi học nhiều hơn thì các giáo viên, quản lí, giảng viên sư phạm, tác giả sách giáo khoa và các nhà xuất bản có nhiều việc để làm hơn. Ngành Kinh Doanh Giáo Dục cũng giống như bất kì ngành kinh doanh nào, nó luôn cố gắng mở rộng kinh doanh để kiếm về nhiều lợi nhuận.

Ngành công nghiệp giáo dục trở nên phát đạt nhờ những thay đổi nhỏ và những xu hướng nhất thời. Các ý tưởng mới về cách thúc đẩy trẻ em, các khóa học mới, và cách mới để dạy những chương trình cũ, tất cả đều tạo ra thêm việc cho các giảng viên sư phạm và các nhà xuất bản giáo dục. Nhưng sự thay đổi về cơ bản mà tôi vẫn nói đến sẽ phá hỏng tất cả những gì liên quan đến ngành kinh doanh này.

Thay đổi từ từ không có tác dụng

Một rào cản nữa là: sự thay đổi mà chúng ta cần không thể được thực hiện từ từ tại trường học và không thể được thực hiện trong hệ thống giáo dục. Sự thay đổi này yêu cầu chúng ta thay đổi hẳn các quan niệm cũ, giáo viên sẽ không còn là người chịu trách nhiệm trong tiến trình giáo dục nữa, thay vào đó mỗi học sinh mới là người tự chịu trách nhiệm. Chúng ta không thể làm thế từng chút từng chút một được. Cho đến khi nào các giáo viên vẫn là người thiết kế chương trình học, thì kể cả họ có cho học sinh nhiều lựa chọn mấy đi chăng nữa, học sinh vẫn sẽ coi việc quyết định học cái gì là việc của giáo viên chứ không phải của chúng. Cho đến khi nào các giáo viên vẫn đánh giá sự tiến bộ của học sinh, dù bằng cách nào đi nữa, học sinh vẫn sẽ coi việc của chúng là phải làm hài lòng các yêu cầu của giáo viên, không phải là tự tạo ra yêu cầu cho chính bản thân.

Thực tế là, các học sinh sẽ bị căng thẳng hơn nếu chúng ta thêm vào hệ thống trường học nhiều sự lựa chọn hơn và nhiều cách đánh giá hơn. Nếu thay đổi theo kiểu “tự do” như vậy, mỗi học sinh sẽ phải đoán xem các giáo viên muốn chúng làm cái gì và đoán xem tiêu chuẩn đánh giá thực sự (nhưng không được nói thẳng ra) của các giáo viên là gì. Đi học trở thành một hoạt động “đọc ý nghĩ”. Bản thân tôi tin rằng trong hệ thống trường lớp, cách tốt nhất để dạy học là các giáo viên càng rõ ràng về các yêu cầu và tiêu chuẩn càng tốt. Như thế các học sinh sẽ cố gắng để đạt yêu cầu mà hầu như không phải sợ rằng chúng đã học sai.

Chúng ta cũng không thể loại bỏ việc đánh giá học sinh một cách từ từ trong hệ thống trường học được. Giả sử trong chương trình học có một môn mà các giáo viên không chấm điểm. Ta sẽ thấy ngay rằng các học sinh sẽ không học môn học đó kể cả khi chúng muốn học. Trong một hệ thống mà các môn khác được chấm điểm thì môn học không được chấm điểm sẽ được hiểu là không có giá trị. Làm sao một học sinh lại dành thời gian đi học một môn không được chấm điểm trong khi các môn khác vẫn được chấm điểm. Để thay đổi tâm lí đó, toàn bộ hệ thống phải thay đổi.

Thay đổi đang diễn ra như thế nào

Tuy vậy, một thay đổi về cơ bản trong giáo dục đang diễn ra ngoài hệ thống trường học truyền thống. Nó đang diễn ra trong các nhóm gia đình quyết định “unschool” các con của họ và trong những người mở các trường học mà không giống những trường thông thường tương tự như trường Sudbury Valley. Những người theo phong trào này tự tạo nên những tiêu chuẩn mới giúp họ trông bớt dị thường trong mắt những người khác. Qua sự quan sát cách trẻ em tự giáo dục bản thân, họ đã có một nhận thức hoàn toàn mới về giáo dục. Với họ, khả năng tự giáo dục ở trẻ là điều người lớn cần nhìn nhận và ngưỡng mộ chứ không phải giáo dục là điều mà người lớn cần kiểm soát. Họ bắt đầu thấy rất nhiều ví dụ về những người đã tự giáo dục bản thân một cách tự do và hạnh phúc, ngoài hệ thống trường học thông thường, và họ vẫn tiếp tục sống những cuộc sống rất ý nghĩa và thành công sau này.

Không có lí do gì để chúng ta cảm thấy chán nản về tương lai của giáo dục cả. Chúng ta chỉ cần nhận ra rằng cải cách giáo dục sẽ không xảy ra trong hệ thống trường lớp. Nó sẽ tiếp tục xảy ra ngoài hệ thống đó. Có một sự thay đổi từ từ, đó là sẽ có ngày càng nhiều người không lựa chọn trường học thông thường. Để điều đó có thể xảy ra, chúng ta cần chắc chắn rằng mọi người có quyền lựa chọn đến trường hoặc không đến trường một cách hợp pháp. Nếu chúng ta muốn một thế giới mà trong đó trẻ em được phát triển một cách tự do và hạnh phúc, với sự trải nghiệm hoàn toàn về tính dân chủ, thì đây phải là ưu tiên hàng đầu.

(*) đây là lí do vì sao deschooling là một bước cực kì quan trọng dành cho các bậc cha mẹ (lời người dịch)

Tác giả: GS-TS Peter Gray

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *