Unschooling như một hành động đấu tranh vì nữ quyền

24 Tháng Sáu 2017
Chuyên mục
Unschooling
Bình luận  0

Khi còn là một người mẹ trẻ, tôi đã mặc một cái áo phông có chữ: “Bàn tay đưa nôi là bàn tay đẩy thuyền.” Câu nói đó lấy cảm hứng từ một bài thơ của William Ross Wallace từ thế kỉ 19 mang tên “Bàn tay đưa nôi thống trị thế giới”. Vào thời điểm đó tôi đã hiểu rằng việc trở thành một người mẹ đã làm mong muốn tạo thay đổi trên thế giới của tôi lớn mạnh hơn, tuy nhiên tôi không biết nó sẽ dẫn tôi đi đâu. Lúc đó tôi đã nhận ra rằng, khi liên quan đến phong trào nữ quyền thì cuộc sống cá nhân cũng là một kiểu hoạt động đấu tranh. Trước đó tôi đã không thừa nhận vài vấn đề đã được xã hội coi là đương nhiên về cách cuộc sống vận hành, trong đó có việc phủ nhận cách thức mà bản thân tôi được nuôi dạy và hệ thống trường học như một phương tiện giáo dục hiệu quả.

Tôi không thích các quy tắc hiện hành, tôi cũng không thích các kiểu dán nhãn – kể cả khi các nhãn dán đó đúng với sự nổi loạn của tôi. Thực tế là, cả cuộc đời tôi đã đấu tranh để bản thân không bị miêu tả như một người theo một chủ nghĩa nhất định nào. Tôi không thích khi bị nhắc đến như là một người hoạt động vì môi trường, một nhà hoạt động chung chung, một nhà hoạt động vì nữ quyền, một nhà hoạt động vì nhân quyền, một homeschooler (tự giáo dục con), một unschooler cấp tiến (để con tự giáo dục), a life learner (người học từ cuộc sống)… mặc dù mỗi cái tên đó đều nói lên một phần cuộc sống và công việc của tôi. Những cái nhãn mác đó cũng có lúc hữu ích vì bạn có thể kết nối với những người khác có chung suy nghĩ, nhưng chúng cũng giới hạn, chia rẽ, phân cách, gây xa lánh và làm cho mọi việc trở nên rối rắm. Và bởi vì chúng tạo ra những nhóm người với những tiêu chuẩn nhất định cho các thành viên, chúng càng tạo nên nhiều định kiến hơn.

Trường học là nơi chúng ta phân loại, cắt khúc và dán nhãn, ở đó kiến thức được bẻ vụn thành nhiều môn học và học sinh được nhóm lại theo tuổi và khả năng làm bài kiểm tra. Và giáo dục bậc đại học và trên đại học đã biến sự phân chia kiến thức trở thành một nghệ thuật. Lẽ ra tôi không cần phải quá ngạc nhiên khi bị một người trí thức bênh vực cho nữ quyền chế nhạo chỉ vì tôi ủng hộ cho việc học hỏi từ cuộc sống (life learning) và những sự hỗ trợ hiển nhiên dành cho các bà mẹ ở nhà đi kèm theo nó. Tuy nhiên, chưa bao giờ tôi cho rằng việc học hỏi từ cuộc sống (hơn là từ trường lớp) và hoạt động nữ quyền là hai vấn đề riêng biệt. Thực tế là, tôi chắc chắn rằng việc học hỏi từ cuộc sống và sự thách thức hành động dán mác của nó chính là một hành động cơ bản để đấu tranh cho nữ quyền, vì nhiều lí do mà tôi sẽ nói rõ trong bài viết này. Nhưng nhiều năm qua, tôi đã gặp nhiều người, trong đó có nhiều bà mẹ tuy ở nhà để unschool các con nhưng vẫn nghi ngờ bản thân và chưa thấy rõ được vấn đề này.

Trước đây không phải lúc nào tôi cũng tự tin, có lúc tôi còn tự hỏi quan điểm của mình về giáo dục liệu có xung đột với các lập trường tiến bộ khác của bản thân hay không. Điều đó thay đổi khi tôi bắt đầu quan sát trẻ nhỏ và thấy chúng và những người chăm sóc chúng nhận được ít sự tôn trọng như thế nào.

Tôi tốt nghiệp đại học sư phạm năm 1969 nhưng chỉ sau vài tháng làm việc như một giáo viên tôi đã nhận ra rằng cả tôi và các học sinh đều không muốn ở trong lớp học đó. Bởi vậy tôi đã bỏ dạy. Tôi đi tìm một công việc khác phù hợp với mình hơn và vì rất tò mò xem bọn trẻ học hỏi như thế nào (một điều không được chú trọng trong chương trình đào tạo giáo viên ở đại học), tôi đã làm việc một thời gian ở một nhà trẻ.

Vào những năm 1970 không có nhiều nhà trẻ lắm (lời người dịch: tác giả người Canada) nhưng vì tôi càng ngày càng ủng hộ đấu tranh vì nữ quyền  nên tôi đã tin rằng nhà trẻ là một yếu tố quyết định nếu xã hội muốn tiến xa hơn gia đình hạt nhân và cái tôn ti ngột ngạt của nó (của gia đình hạt nhân). Nhưng tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy các nhân viên nữ ở nhà trẻ không được coi trọng và bị trả lương rẻ mạt thế nào, đặc biệt là khi họ phải làm một công việc rất nhiều căng thẳng và rất quan trọng như thế… và những nhà trẻ đó thì quả thực là những nơi chẳng có chút gì để gây cảm hứng cả. Tôi sinh ra là một người rất hay hỏi, và trải nghiệm này khiến tôi đặt ra  rất nhiều câu hỏi: tại sao xã hội lại không coi trọng công việc này như vậy? Có phải vì phụ nữ đang làm việc đó hay không? Hay là vì chúng ta không coi trọng việc chăm sóc cho thế hệ tương lai? Thế nào là “được giải phóng” khi chúng ta trả cho những người phụ nữ khác một khoản lương tối thiểu để chăm sóc con cái chúng ta để chúng ta có thể có những công việc lương cao hơn? Phụ nữ có cần phải có một công việc có lương để chứng tỏ mình ủng hộ nữ quyền hay không? Tại sao phụ nữ phải đi theo hình mẫu của đàn ông để thách thức chế độ gia trưởng? Liệu có cách nào khác nữa không?

Rồi tôi lập gia đình. Khi mang thai, tôi không hiểu tại sao phong trào ủng hộ nữ quyền lại muốn tôi phải lựa chọn giữa quyền của tôi và quyền của những đứa con tương lai của tôi. Chúng tôi đã quyết định sẽ tạo một cuộc sống mà quyền của tất cả mọi thành viên trong gia đình đều được đảm bảo. Và bởi vậy công việc của đời tôi là ủng hộ việc trẻ em có quyền được nuôi dưỡng và giáo dục với sự tôn trọng.

Việc làm mẹ khiến tôi hiểu ra sự kết nối giữa những lựa chọn của tôi cho cuộc sống cá nhân và những lựa chọn khác ở mức lớn hơn. Tôi nhớ mình đã nghĩ rằng cơ thể người mẹ là môi trường đầu tiên của sự sống, bởi vậy tôi cần phải có một cơ thể sạch sẽ và khỏe mạnh để nuôi dưỡng những đứa con đang lớn lên trong mình, và tôi phải đảm bảo có một thế giới an toàn để các con sống sau khi chúng ra đời. Đó là lúc tôi bắt đầu thay đổi.

Ở mức độ cá nhân, một trong những điều đó là các con tôi sẽ không tới trường để học. Và thế là tôi và chồng tôi tạo ra những điều kiện để biến việc này thành sự thật. Chúng tôi bắt đầu Life Learning Magazine và nghĩ rằng trong thập kỉ tới sẽ được ở nhà, cùng nhau sống hạnh phúc, cùng nhau học hỏi và cùng nhau kiếm tiền. Câu chuyện cổ tích đó không biến thành sự thật như mong đợi nhưng cuộc sống của chúng tôi đã dạy các con con tôi – từ trải nghiệm – những bài học về việc kiếm sống, về việc chấp nhận sự khác biệt, về cách xử lí các mối quan hệ…

Andrea O’Reilly – giáo sư ngành Women’s Studies tại York University và người sáng lập Assocciation for Research on Mothering, cho rằng: những người mẹ có khả năng thách thức những hệ thống không tôn trọng sự lựa chọn và tự do ý chí của phụ nữ. Nhưng bà chỉ tập trung vào phụ nữ mà bỏ quên trẻ em. Có lẽ bà O’Reilly và những người khác trong ngành công nghiệp giáo dục nghĩ rằng các trường học công lập đang chăm sóc cho những đứa trẻ. Nhưng thực tế là không. Trong cuốn sách “Challenging Assumption in Education” tôi đã viết rằng hệ thống trường công lập của chúng ta đang khiến cho sự phân cấp xã hội ngày càng trở nên tồi tệ hơn, ở đó trẻ em bị tước đoạt những quyền con người cơ bản, và cũng ở đó chủ nghĩa tiêu thụ được đẩy đến mức báo động. Hơn thế nữa, các trường học không có tính dân chủ vì ở đó trẻ em không được tự quyết định và không được kiểm soát cuộc sống của chính bản thân chúng. Trường học dạy trẻ em phải tuân theo quyền lực. Ở đó có sự phân chia theo giới tính, tầng lớp, tuổi tác; có hiện tượng bắt nạt và cả quấy rối tình dục nữa. Cấu trúc của trường học chính là cấu trúc của một xã hội có nền tảng dựa trên sự tiêu chuẩn hóa, sự ganh đua và sự sắp xếp quyền lực từ trên xuống.

Nói ngắn gọn lại, trường học – và xã hội nói chung – đối xử với trẻ em bằng những cách mà phụ nữ không muốn bị đối xử. Trường học không tin là trẻ em có khả năng tự kiểm soát cuộc sống, tự giữ bản thân an toàn, và tự đưa ra quyết định.

Ngoài sự tự do về việc học hỏi các kiến thức dựa trên đam mê, unschooling (mà tôi hay thích gọi là Life Learning) có nghĩa là sống có ý thức hơn – hành động vị tha (thay vì tìm kiếm sự tán thành của những người nắm quyền), tôn trọng những người khác vì chính bản thân họ, xóa bỏ sự phân biệt đối xử, nhận ra và xử lí các xung đột, hợp tác làm việc, học hỏi và cải thiện thế giới bằng cách sống trong đó và hành động.

Các bậc cha mẹ chọn unschooling rất quan tâm đến các lựa chọn và tính tự lập của con cái. Họ tôn trọng quyền được tự quyết định của con trẻ (trong giới hạn an toàn về mặt thể chất cũng như cảm xúc). Họ hiểu rằng khi trẻ em là một phần của cộng đồng, chúng sẽ mong muốn cộng đồng đó hoạt động tốt, nhận trách nhiệm về những hành động của chúng và đóng góp công sức mình để xây dựng cộng đồng.

Một trong những điều mà mọi người hay chỉ trích unschooling (và homeschooling)  là trẻ em ở nhà với mẹ quá nhiều. Thực ra, điều này này có là do sự thiếu hiểu biết. Bỏ qua sự thật là bọn trẻ được unschool thường được tiếp xúc với đủ mọi người từ nhiều thành phần xã hội khác nhau và độ tuổi khác nhau, lời chỉ trích này hạ thấp giá trị của mối quan hệ giữa người mẹ và con cái. Là một nhà hoạt động trong bất kì lĩnh vực nào không chỉ có nghĩa là chống lại những cái đang hiện hữu mà còn là đưa ra những giải pháp mới có tính tích cực hơn. Những hoạt động như ngủ chung, kéo dài thời gian nuôi con bằng sữa mẹ, giáo dục gia đình là những giải pháp mạnh mẽ và có tính nuôi dưỡng, từ đó đứa trẻ sẽ được cảm thấy an toàn từ khi còn nhỏ rồi trở dần trở thành những cá nhân độc lập.

Một trong những câu hỏi mà tôi có từ cách đây gần 40 năm về việc đưa con cái đến nhà trẻ để người mẹ có một sự nghiệp riêng và có tiếng là ủng hộ nữ quyền vẫn đang ở trong tâm trí tôi. Hiện nay, một số phụ nữ đang cố gắng giải bài toán hóc búa bằng cách tận dụng những chính sách thuế hoặc những chính sách khác hỗ trợ cho những người mẹ khi vừa đi làm vừa nuôi con; một số khác thì tin rằng những nhà trẻ chất lượng cao hơn, hoặc cải cách tại nơi làm việc, hoặc trả lương cao hơn cho các cô trông trẻ là giải pháp.

Nhưng, như từ nhiều năm qua tôi đã suy tưởng, có một con đường thứ ba. Nếu chúng ta lật đổ hình mẫu của đàn ông về thành công mà những người phụ nữ vẫn đang làm theo để tạo ra cơ hội bình đẳng nam nữ thì sao? Nếu chúng ta không chấp nhận rằng thành công có nghĩa là kiếm được nhiều tiền, thì chúng ta có thể tạo ra một hướng đi mới liên quan đến điều gì là quan trọng trong cuộc sống. Việc thử thách quan điểm rằng “bình quyền cho phụ nữ có nghĩa là cơ hội bình đẳng về việc làm và điều đó chỉ thực hiện được khi người phụ nữ có một công việc toàn thời gian” sẽ gây ra nhiều tranh cãi, nhưng có một phong trào đang dần lớn mạnh và nó đang đặt câu hỏi rằng liệu hạnh phúc có dựa hoàn toàn vào vấn đề kinh tế hay không. Người đấu tranh cho nữ quyền và môi trường đồng thời là tác giả cuốn sách “If Women Counted”, Marilyn Waring, là một trong những người đầu tiên cho rằng hiện nay phụ nữ bị buộc phải tin rằng cách duy nhất để đóng góp cho xã hội là thông qua năng suất làm việc và khả năng tiêu thụ của họ, bởi vậy nếu phụ nữ làm những công việc không có lương tức là họ đang không có đóng góp gì.

Xa hơn nữa, nhà  trí thức người Úc đồng thời là một người viết sách và phê bình xã hội Susan Maushart khẳng định rằng: việc làm mẹ phải được đặt ở trung tâm của xã hội loài người, mọi vấn đề về kinh tế và xã hội cần phải xoay xung quanh cái trung tâm đó. Xã hội cần phải “nhìn nhận rằng việc mang thai, sinh nở và nuôi dưỡng con cái không phải là một hoạt động gây phiền hà và kém quan trọng mà là một việc tối quan trọng.” Dồn những đứa trẻ vào trường lớp để các bà mẹ có thể tiếp tục với “cuộc sống thực sự” không phải là giải pháp. Nhưng chúng ta cần phải tìm cách đảm bảo an toàn tài chính cho tất cả mọi phụ nữ, và tiến xa hơn là đảm bảo cho cả những người làm cha nữa.

Mọi người nói rằng ủng hộ cho nữ quyền đồng nghĩa với quan điểm tiến bộ rằng phụ nữ cùng là người. Nhưng tôi gợi ý một quan điểm tiến bộ hơn nữa, đó là “Trẻ Em cũng là người”. Vào thời điểm này trong lịch sử, cho phép trẻ sống và học hỏi ở thế giới thực, giải phóng chúng khỏi sự phân biệt đối xử gắn liền với trường lớp là cách tốt nhất để tôn vinh quan điểm đó. Chúng ta cần phải tìm cách biến điều đó thành hiện thực mà không làm ảnh hưởng tới quyền lợi của bất cứ ai. Rồi sau đó chúng ta mới thực sự có thể đi trên con đường sáng tạo nên một xã hội bình đẳng hơn.

(tác giả: Wendy Priesnitz – Life Learning Magazine)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *