“Gỡ cái trò chơi phát nhạc ra khỏi giường, chăm sóc cho các nhu cầu của con, rồi để chúng một mình.” Câu nói kì quặc này đã dẫn tôi đến với Magda Gerber và triết lí chăm sóc trẻ mà sau này trở thành niềm đam mê của tôi. Tôi đã sinh bé vài tháng trước khi đọc được câu nói này trên tờ tạp chí Làm cha mẹ Los Angeles.
Tôi không nhớ được gì khác trong bài viết đó, nhưng tôi không thể không nghĩ tới lời khuyên lạ đời đó của bà Gerber. Vào lúc đó, là một người mẹ trẻ mới sinh con, tôi mất phương hướng và tuyệt vọng. Mặc dù đã đọc rất nhiều sách và được rất nhiều người thân và bạn về cho nhiều lời khuyên, tôi vẫn cảm thấy không biết phải làm sao để chăm sóc cho đứa con mới lọt lòng. Tôi có cảm giác rằng Magda Gerber có câu trả lời cho những điều tôi cần biết. Vài tuần sau tôi gọi điện thoại cho tổ chức của Gerber (RIE – Resources for Infant Educarers), và tôi đã tham dự một lớp học hướng dẫn Cha mẹ chăm sóc trẻ sơ sinh cùng với đứa con 3 tháng tuổi của mình. Nhưng đầu tiên, hãy để tôi tua ngược thời gian một chút.
Tôi đã choáng váng khi chẳng thấy bản năng làm mẹ tự nhiên của mình xuất hiện sau khi con gái đầu lòng chào đời. Tôi đã nghĩ là đương nhiên mình sẽ biết chăm con. Hóa ra không phải vậy. Và tình trạng không chắc chắn về điều gì khiến tôi vô cùng mệt mỏi. Tôi cảm thấy bối rối và kiệt sức với cô con gái xinh đẹp nhưng có những đòi hỏi dường như là vô tận. Bên cạnh việc chăm sóc cho các nhu cầu sinh học của con, tôi cảm thấy mình cần tiêu khiển con mọi lúc mọi nơi khi con thức, và chỉ được nghỉ ngơi khi con bé ngủ.
Để giữ cho con luôn luôn bận rộn, tôi đã sử dụng các loại dụng cụ thay thế cha mẹ tạm thời. Con tôi có một trò chơi phát nhạc gắn trên giường, một cái ghế đung đưa để đưa con vào trạng thái mơ màng và đôi khi làm con ngủ được một chút, nhưng khiến cho tôi và chồng tôi thực sự thấy không thoái mái. Vào ban ngày, tôi treo một con bò nhồi bông phát nhạc vào một nơi cố định rồi bật đi bật lại cho con nghe khi con ngồi trên chiếc ghế dành riêng cho mình ở cái bàn ăn, nhưng bài hát đó khiến tôi phát điên. Tôi không chịu đựng được, tôi luôn cảm thấy lo âu, hoang mang, và tôi không biết tại sao lại như vậy.
Khi tôi đưa con gái đến lớp học đầu tiên, người hướng dẫn bảo tôi đặt con lên một cái chăn trên sàn nhà. Con bé thức trong vòng 2 tiếng đồng hồ, đôi lúc nhìn xung quanh, đôi lúc mút ngón tay. Tôi đã nhìn thấy một con người độc lập có một không hai, tách hẳn ra khỏi tôi. Tôi đã nhìn thấy một bé sơ sinh có những suy nghĩ riêng mà hoàn toàn không cần đến tôi hay con bò phát nhạc – con bé không cần bất cứ cái gì trong 2 tiếng đồng hồ. Đó đúng là một sự khai trí. Tôi nhận ra rằng đứa con sơ sinh của mình là một con người toàn vẹn chứ không còn là một sự tiếp nối của mình nữa. Tôi thấy vô cùng thú vị khi quan sát con và cố gắng tưởng tượng xem con đang nghĩ gì trong đầu. Trên hết là, tôi có thể dành thời gian cho bản thân để thở, để thư giãn, và để hưởng thụ thời gian với con – kể cả đôi lúc để con ở một mình khi con vẫn đang thức.
Tôi tiếp tục tham gia lớp học cùng con một tuần mỗi lần. Triết lí của Magda Gerber khiến cho những kiến thức tôi đã từng biết về chăm sóc trẻ bị đảo lộn. Tôi bắt đầu nhìn thế giới từ góc nhìn của con gái. Tôi bắt đầu hiểu câu nói của Magda trên tạp chí Làm cha mẹ Los Angeles. Hãy bắt đầu với việc gỡ món đồ chơi phát nhạc ra khỏi giường.
Trẻ sơ sinh là những cá nhân độc lập. Nghệ sĩ và những người có khả năng sáng tạo, dù họ là họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn, kiến trúc sư, nhà thiết kế, hay triết gia, là những người biết mài giũa tính cá nhân của mình và thể hiện ra ngoài thế giới một cái nhìn độc nhất. Nếu một đứa trẻ sơ sinh có thể bắt đầu dành thời gian để nhìn chăm chú, lắng nghe, và sau này sờ nắm và xem xét những cái khiến bé thích thú ở xung quanh, thay vì bị ép nhìn và nghe một món đồ chơi phát nhạc treo ngay trên đầu bé mỗi khi nó thức giấc, hay một cái xúc xắc lắc lư trước mặt bé, thì bé sẽ có cơ hội tiếp xúc với bản chất cốt lõi độc nhất của mình. Một đứa trẻ sơ sinh có rất ít sự lựa chọn, bởi vậy hãy để bé tự chọn. Nếu chúng ta có một tác phẩm nghệ thuật hay một món đồ chơi phát nhạc tuyệt vời muốn chia sẻ với bé, vậy thì chúng ta có thể để nó đâu đó trong phòng để nếu khi nào muốn bé sẽ chọn tập trung vào nó.
Phần thứ hai trong câu nói của Magda Gerber có ý rằng: cha mẹ hãy chú tâm đến những hoạt động chăm sóc hàng ngày cho con vì nó rất quan trọng. Nếu chúng ta dành cho bé sự chú tâm hoàn toàn khi cho bé ăn, khi tắm cho bé, khi thay tã và khi chuẩn bị cho bé ngủ, thì chúng ta đáp ứng cả nhu cầu thể chất lẫn nhu cầu gần gũi của bé. Magda khuyến khích chúng ta chú tâm đến những hoạt động gần gũi và mang tính hợp tác này vì chính những hoạt động này sẽ khiến cha mẹ và con kết nối với nhau, thay vì làm qua loa để có thời gian chơi cùng nhau. Khi trẻ có được sự chú tâm hoàn toàn của cha mẹ trong những hoạt động chăm sóc hàng ngày, bé sẽ được nạp đầy năng lượng và sẵn sàng chơi độc lập.
Và ý nghĩ này đưa tôi đến phần cuối cùng trong câu nói của Magda: “để chúng một mình”. “Để một bé sơ sinh ở một mình” nghe có vẻ lạnh lùng và thiếu tình thương, nhưng “tự do chơi” có thể là điều tốt nhất đối với một đứa bé. Khi những nhu cầu cơ bản của bé đã được đáp ứng thì thời gian bé ở một mình sẽ nuôi dưỡng tính sáng tạo và sự tự tin của bé. Cha hoặc mẹ có thể quan sát một cách lặng lẽ hoặc ở phòng bên cạnh để đáp ứng khi bé cần gì đó. Đứa con thứ hai hoặc thứ ba trong một gia đình thường có nhiều thời gian tự do kiểu này hơn vì các bậc cha mẹ thường có tâm lí thoải mái hơn và có ít năng lượng để bày trò cho con hơn. Magda gọi đó là: “sự lơ đễnh có lợi”.
Một bài báo gần đây trên tờ New York Times có tên “Em bé của bạn thông minh hơn bạn tưởng” viết bởi Alison Gopnik nhấn mạnh sự quan trọng của “blue-sky speculation” (quan sát trời xanh) – cơ hội để “tưởng tượng ra những cách khác mà thế giới có thể là”. Một em bé sơ sinh tự chơi ở một nơi an toàn có thể bắt đầu phát triển cách nhìn riêng về cuộc sống. Thời gian một mình cho phép bé kết nối với những suy nghĩ riêng xuất phát từ tự thân bé. Bé có cơ hội hấp thu mọi chi tiết thú vị ở môi trường xung quanh với mọi giác quan. Bé được là chính mình, bé cảm thấy an lành.
Sự hiểu biết cơ bản này đến từ Magda Gerber có thể sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho thế giới phức tạp sau này. Nuôi dưỡng khả năng “quan sát trời xanh” của bé ngay từ đầu sẽ tạo nên một nền tảng vững chắc để bé phát triển khả năng sáng tạo và tư duy chiến lược. Trẻ sơ sinh có khả năng tư duy toàn cảnh, nếu chúng ta để các bé có thời gian tư duy.
(tg: Janet Lansbury – Elevating Child Care)