Tôi không muốn hưởng lợi trên sự đau khổ của người khác

3 Tháng Năm 2017
Chuyên mục
Well-Being
Bình luận  0

Dưới đây là một đoạn được gọi là “Thế giới nô lệ” trong sách “Sacred Economics” (kinh tế học thiêng liêng) của Charles Eisenstein.

Tôi đang viết những dòng chữ này khi đang ở một sân bay lớn. Hàng ngàn người đang làm các công việc khác nhau có liên quan đến sân bay này, nhưng chỉ một số ít trong số các công việc đó thực sự thích hợp cho con người.

Tôi đến sân bay trên một chiếc xe của khách sạn. Khi đang trên xe tôi có nói chuyện với bác tài xế. Bác là một người nhập cư đến từ Peru. Tôi kể cho bác nghe về bài diễn văn mà tôi đã nói cuối tuần vừa rồi, tôi cũng kể cho bác nghe những điều tôi muốn làm để biến thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Rồi tôi nói: “Cả ngày bác cứ lái xe tới lui từ sân bay về khách sạn, chắc cũng có lúc bác phải nghĩ ‘tôi sinh ra trên trái đất này không phải chỉ để làm việc này’ chứ nhỉ?”

“Chắc chắn là như thế rồi.”

Tôi không thể không đặt câu hỏi tương tự khi quan sát cô nhân viên bán hàng tại một kiosk ở sân bay khi cô nạp vào máy các loại hàng hóa mà khách mua, trả lại cho khách tiền thừa và nói “Cám ơn ông/bà, chúc một ngày tốt lành”, hay khi quan sát một người đàn ông đi từ thùng rác này tới thùng rác khác để gom rác rồi lại thay một cái túi rác mới một cách lặng lẽ với khuôn mặt u sầu. Cái thế giới mà chúng ta đã và đang tạo ra, nó kiểu gì vậy? Tại sao một con người lại phải làm những công việc như thế cả ngày? Chúng ta là những con người kiểu gì vậy, nếu nhìn thấy điều này mà không cảm thấy bị xúc phạm?

Những người làm việc ở các quầy vé và cổng kiểm soát thì có công việc bớt nhàm chán hơn một chút. Có thể họ mất vài ngày đến vài tuần thay vì vài giờ thì mới quen việc, nhưng, những công việc đó vẫn không thể được coi là phù hợp với khả năng và tính sáng tạo của một con người (mặc dù có thể nó cũng khiến người ta hài lòng vì các lí do khác như được phục vụ, khiến người khác vui, gặp gỡ mọi người v.v…) Công việc của các tiếp viên hàng không cũng tương tự. Chỉ có các phi công, những người điểu khiển trạm không lưu, các kĩ sư may ra mới làm các công việc phù hợp với khả năng học hỏi của một con người.

Chúng ta đang sống trong một thế giới nô lệ. Bất cứ cái gì đem lại từ sức lao động của những người nô lệ đều mang kèm theo nó một cái giá quá đắt về mặt tinh thần: sự trống rỗng và tách biệt sâu trong lòng khiến chúng ta không thể nhìn thẳng vào mắt mọi người. Chúng ta liệu có thể bỏ qua nó và tiếp tục sống trong thế giới nô lệ này không? Tôi muốn mình có thể nhìn thẳng vào mặt một ai đó, biết rằng họ không vì tôi được lợi mà bị mất đi nhân phẩm cao quý.

Thật là kì lạ, nhưng cũng tồi tệ, bởi những công việc này lại được trả công rất thấp. Về mặt kinh tế, tôi hoàn toàn hiểu lí do vì sao, nhưng trong tôi có cái gì đó không thể chấp nhận được cái logic này. Tôi muốn những người mang vác hành lí, tài xế, thu ngân phải được trả nhiều hơn chứ không phải ít hơn các phi công.

Nếu thiếu những con người làm những công việc chân tay này, cái sân bay này và cái xã hội này sẽ không thể hoạt động như hiện tại. Chuyến đi của tôi phụ thuộc vào công sức lao động của những con người này, những người mà số lương ít ỏi của họ gần như chỉ đủ để giúp họ tồn tại.

Tại sao họ lại đồng ý làm những công việc này? Chắc chắn không phải vì mong muốn dành toàn thời gian để thực hiện chúng. Nếu bạn có thể hỏi một người trong số họ lí do vì sao họ làm công việc mà họ đang làm, nếu họ không quá xấu hổ thì sẽ nói cho bạn biết rằng “Tôi phải làm. Tôi phải kiếm tiền, và đây là công việc tốt nhất mà tôi có thể tìm thấy.”

Bởi vậy chuyến đi ngày hôm nay của tôi có thể thực hiện được vì có những người đang phải làm những việc mà họ không muốn chỉ để tồn tại. Đó là “kiếm sống” theo đúng nghĩa. Nếu tôi ép buộc ai đó lao động cho tôi nếu không họ sẽ chết thì người đó sẽ trở thành nô lệ cho tôi. Trong thế giới chúng ta đang sống, có nhiều người đang phải làm những công việc không xứng với nhân phẩm của họ để thế giới có thể tồn tại. Tất nhiên không phải chỉ ở sân bay mà còn ở các nhà máy, nông trường, gần như họ ở mọi nơi.

Đọc xong đoạn trên bạn cảm thấy thế nào?

Tôi đọc xong đoạn “thế giới nô lệ” này từ cuốn sách “Sacred Economics” của Charles Eisenstein vài ngày trước. Khi đọc đến đoạn cuối, tôi đã khóc, khóc như mưa vì xấu hổ và vì cảm thấy tội lỗi. Tại sao nhiều người phải từ bỏ, hoặc tệ hơn là, không bao giờ có cơ hội khám phá những ước mơ sâu kín nhất của mình vì họ bị buộc phải làm việc để kiếm sống?

Đoạn văn này khiến tôi phải suy nghĩ. Tôi nhớ lại thời gian mình bắt đầu “tỉnh ngộ” vào năm 2007. Tôi đang làm việc cho Accenture Consulting (1trong 500 tập đoàn lớn nhất thế giới dựa trên doanh thu hàng năm), mỗi tuần lại bay qua bay lại trên đất nước (Mỹ). Một hôm, trước một chuyến bay, em trai tôi đưa cho tôi cuốn sách “Confessions of an Economic Hitman” (lời thú tội của một kẻ giết thuê về kinh tế) của John Perkins. Vì đã chán xem phim trên máy bay nên tôi quyết định sẽ thử đọc cuốn sách đó xem sao. Hóa ra từ khi tốt nghiệp đại học 5 năm trước, đây là cuốn sách đầu tiên mà tôi đọc. Tôi đã đọc hết từ đầu đến cuối và bước ra khỏi máy bay trở thành một người hoàn toàn khác so với trước đó 6 giờ đồng hồ. John Perkins sống một cuộc sống chuyên đi “phát triển” các nước “đang phát triển”, một điều mà lúc đó tôi cho là cao quý. Sau cùng, kinh tế phải phát triển thì con người mới sung túc và hạnh phúc được cơ mà.

Niềm tin của tôi thực sự là quá xa vời với thực tế. John Perkins từng làm việc cho quỹ tiền tệ quốc tế IMF (International Monetary Fund) và Ngân hàng thế giới (World bank) để tạo các gói “hỗ trợ phát triển” với lãi suất lên đến 20% một năm – một lãi suất mà họ biết các nước đang phát triển không bao giờ có khả năng hoàn trả. Nhiều nước sẽ không bao giờ được chạm tay vào số tiền đó bởi nó chảy thẳng vào các tập đoàn đa quốc gia, những tập đoàn này sử dụng ex-patriots (ex-patriots ở đây có thể được hiểu là những người bản xứ nhưng được đào tạo ở các nước tư bản phát triển, quay về nước mình làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia) để làm các công việc xây dựng. Đương nhiên là các nước đó không thể trả được khoản lãi nên họ sẽ phải thương lượng lại để giảm nợ bằng cách nới lỏng rào chắn thương mại quốc gia khiến cho thị trường trong nước tràn ngập các sản phẩm nhập khẩu rẻ tiền làm cho nền kinh tế địa phương bị hủy hoại, và tạo ra một nhóm những con người tuyệt vọng chẳng còn biết làm gì khác ngoài những công việc hèn mọn để sống qua ngày.

Họ làm gì có lựa chọn nào khác? Việc làm ăn của họ không thể cạnh tranh được với các sản phẩm rẻ tiền từ các tập đoàn đa quốc gia được chính phủ trợ giá. Họ chỉ nhận được một lời đề nghị “làm việc này không thì thôi”. Và khi công việc đó là cách duy nhất để giúp họ nuôi sống gia đình thì họ chẳng có lựa chọn nào hết.

Chủ Nghĩa Tư Bản tạo ra mức lương nô lệ.

Trong vài trường hợp, cuộc sống của những người lao động hiện tại còn tệ hơn cả nô lệ thời xưa. Dưới chế độ nô lệ, chủ nô phải có trách nhiệm lo ăn, ở và sức khỏe cho các nô lệ. Dưới hệ thống “thương mại tự do” (free market), nếu người lao động bị ốm hoặc thương tật, họ sẽ bị thay thế. Người thuê lao động không bị ép buộc phải chăm lo cho các nhu cầu cơ bản của công nhân. Những người không thể lao động gần như không được trợ giúp gì, họ gần như không có sự lựa chọn nào. Vậy tại sao hệ thống này lại tồn tại? Đó là vì các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau bằng cách cung cấp các sản phẩm và dịch vụ giá rẻ nhất có thể. Người tiêu dùng không có lựa chọn. Họ không được lựa chọn trả giá cao hơn để cho số tiền chênh ra đó chảy vào túi những người lao động nghèo, những người mà chỉ với một số tiền rất nhỏ đã có thể thay đổi cuộc sống.

Tuần trước (cuối tháng 3/2017), Apple trở thành tập đoàn giàu nhất thế giới, vượt qua Exxon Mobil. Nó có tổng số dự trữ tiền mặt lên tới 98 tỉ Đô-la Mỹ. Nhưng công ty này lại kí hợp đồng với Foxconn để thi hành chính sách “lao động nhiều giờ với mức lương nhỏ mọn” (long hours and paltry wages) khiến nhiều công nhân cùng quẫn tự tử. Mục đích của sự tích trữ một đống tiền như vậy là gì? Có phải để những ông chủ tiền tệ hay nói cách khác là các nhà đầu tư càng ngày càng có nhiều tiền hay không?

Chúng ta có thể làm tốt hơn thế hay không?

Đây có phải là cách chúng ta muốn thế giới vận hành hay không? Lẽ nào ta không thể làm tốt hơn? Bạn cảm thấy thế nào khi sử dụng những sản phẩm mà đằng sau nó là nước mắt và máu của nhiều người?

Tôi không có ý định nói xấu gì Apple. Chính sách như của Apple được áp dụng bởi nhiều tập đoàn trên toàn cầu. Các tập đoàn không áp dụng sẽ mất thị trường vào tay các tập toàn có áp dụng. Người tiêu dùng trên toàn thế giới đang hưởng lợi từ sự đau khổ của người lao động. Bản thân tôi ước ao được thấy điều này thay đổi, kể cả nếu tôi phải trả giá cao hơn và tiêu dùng ít hơn. Bởi vì tôi muốn mình có thể nhìn thẳng vào mắt bất kì một người nào và biết rằng tôi không hưởng lợi từ việc họ bị tước đoạt nhân phẩm.
“Không ai đáng phải sống trong một thế giới được xây dựng trên nền tảng suy giảm phẩm chất của con người, của rừng, của nước, và của các loài khác trên hành tinh sống động này. Hãy nói điều này với những người anh em Wall Street (thị trường cổ phiếu) của mình: Đừng dành cuộc sống của mình để chơi với các con số trong khi ngoài kia thế giới đang bị thiêu cháy bởi khổ đau.” – Charles Eisenstein.

(http://chrisagnos.com/benefiting-from-the-indignity-of-others/)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *