Sự khác nhau giữa Giáo Dục Tự Do và Giáo dục tiến bộ - Peter Gray

12 Tháng Bảy 2017
Chuyên mục
Unschooling
Bình luận  0

Sự khác nhau giữa giáo dục tự do và giáo dục tiến bộ (tg: Peter Gray)

 

Tôi là một người ủng hộ Giáo Dục Tự Do/ Giáo Dục Tự Chỉ Huy (Self-Directed Education). Nghiên cứu của tôi và của nhiều người khác thuyết phục tôi rằng Giáo Dục Tự Do thực sự có hiệu quả, mang tính thực tế cao, và không gây ra nhiều rắc rối cho mọi người như hệ thống giáo dục bắt buộc mà chúng ta vẫn cho là “tiêu chuẩn”. Giáo Dục Tự Do (được viết hoa) là từ ngày càng được nhắc đến nhiều hơn để nói về con đường giáo dục được theo đuổi bởi các unschooler hoặc những người đến học tại các trường học hoặc trung tâm học tập được thiết kế đặc biệt để ủng hộ việc học tập tự chỉ huy, không có chương trình học bắt buộc, như các trường học dân chủ kiểu Sudbury Valley, trung tâm học tập Agile, và một số các trường tự do khác.

 

Tôi nhận ra rằng khi tôi nói hay viết về Giáo Dục Tự Do, có một số người tưởng nhầm là tôi đang nói và viết về giáo dục tiến bộ. Giáo dục tiến bộ có rất nhiều mục đích giống như của Giáo Dục Tự Do, những người ủng họ nó cũng dùng nhiều từ ngữ giống Giáo Dục Tự Do, nhưng triết lí nền tảng của hai phương hướng giáo dục này thì khá là khác và phương pháp thực hiện thì cực kì khác nhau. Trong bài này tôi sẽ nói về những giáo lí cơ bản của giáo dục tiến bộ, sau đó nói về Giáo Dục Tự Do, và cuối cùng sẽ giải thích vì sao tôi cho rằng Giáo Dục Tự Do chứ không phải giáo dục tiến bộ sẽ trở thành phương pháp giáo dục tiêu chuẩn trong tương lai không xa.

 

Giáo Dục Tiến Bộ

Giáo dục tiến bộ là từ thường được dùng để nói đến phong trào cải cách giáo dục bắt đầu từ cuối thế kỉ 18, cùng khoảng thời gian mà việc đến trường trở nên bắt buộc ở hầu hết các bang trên nước Mỹ, và từ đó đến nay đã nổi lên và chìm xuống ít nhất hai lần. Khoảng thời gian từ năm 1890 đến năm 1940 xuất hiện rất nhiều ý tưởng tiến bộ trong giáo dục, rất nhiều trường tiến bộ tư nhân được mở ra, và nhiều người đã rất cố gắng để đưa các ý tưởng tiến bộ vào trường lớp chính thống. Vào thời gian đó nhà triết học đi đầu trong giáo dục tiến bộ (ít nhất là tại Mỹ) là John Dewey. Ngoài ra còn có các nhà giáo dục tiến bộ khác như Rudolf Steiner (1869-1925) và Maria Montessori (1870-1952), truyền thống giáo dục của hai người này vẫn đang được tiếp tục ở các trường Waldorf và Montessori. Các ý tưởng tiến bộ trong giáo dục có xu hướng chìm xuống trong chiến tranh thế giới lần thứ 2 và lại bùng lên phát triển ở những năm 1960 và 1970, đến năm 1980 thì lại bắt đầu chìm xuống. Tuy nhiên gần đây tại các trường chú trọng tới việc học tập theo dự án (project-based learning) các ý tưởng của giáo dục tiến bộ lại được khôi phục.

 

Các nhà giáo dục tiến bộ thường nhấn mạnh việc học đi đôi với hành, kiến thức phải được đặt trong hoàn cảnh phù hợp với các trải nghiệm sống của học sinh, tư duy phê phán, hiểu sâu sắc một vấn đề chứ không chỉ học thuộc lòng, làm việc nhóm và hợp tác thay vì ganh đua, đánh giá dựa trên sản phẩm thay vì các bài kiểm tra, và bồi dưỡng trách nhiệm xã hội, thái độ dân chủ, và quan tâm tới công bằng xã hội. Họ thường nói tới “giáo dục con người toàn vẹn” và về “tập trung vào học sinh” thay vì chỉ tập trung vào môn học. Các giáo viên tiến bộ được kì vọng phải biết rõ hết các học sinh của mình và giúp chúng thể hiện hết các khả năng của bản thân một cách tốt nhất.

 

Trang web của Mạng lưới Giáo dục Tiến bộ (Progressive Education Network – một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 2009 như một phần nhằm khôi phục giáo dục tiến bộ) tuyên bố rằng: “Giáo dục phải (a) làm lớn mạnh tiếng nói, lương tâm và trí tuệ của học sinh để tạo ra một thế giới công bằng và bền vững; (b) khuyến khích sự tham gia tích cực của sinh viên trong việc học tập, trong cộng đồng và trên thế giới; (c) đáp ứng nhu cầu phát triển của học sinh, và tập trung vào sự phát triển xã hội, tình cảm, trí tuệ, nhận thức, văn hoá và thể chất của học sinh; (d) tôn vinh và nuôi dưỡng tính tò mò tự nhiên và ham muốn học hỏi bẩm sinh của học sinh, bồi dưỡng tính tự giác và việc tự khám phá ra niềm đam mê và mục đích của học sinh; (e) xuất phát từ các mối quan tâm, kinh nghiệm, mục đích và nhu cầu của các học sinh từ mọi thành phần xã hội –> thúc đẩy sự đồng cảm, truyền thông và hợp tác mà vẫn tôn trọng sự khác biệt của người khác: (f) tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa sinh viên, nhà giáo dục, cha mẹ/người giám hộ và cộng đồng. “

 

Alfie Kohn, một trong những người dẫn đầu hiện nay trong việc ủng hộ giáo dục tiến bộ, đã ghi nhận rằng các trường học có thể được đánh giá là tiến bộ ít hay nhiều dựa trên các tiêu chí sau: (a) tập trung phát triển trẻ em một cách toàn vẹn chứ không chỉ dạy kiến thức; (b) tính cộng đồng; (c) tính hợp tác; (d) tính công bằng; (e) thúc đẩy tính tự giác; (f) hiểu biết sâu sắc; (g) học tập tích cực; và (h) coi trọng trẻ em. Các nhà giáo dục tiến bộ có xu hướng coi giáo dục là một nỗ lực hợp tác giữa học sinh và các giáo viên. Rất nhiều sáng kiến đến từ các học sinh, nhưng người giáo viên có trách nhiệm hướng dẫn để sáng kiến đó phát huy hiệu quả. Niềm đam mê của trẻ đóng một vai trò lớn, nhưng giáo viên “nuôi dưỡng” hoặc thậm chí “phát hiện” những niềm đam mê đó cho trẻ. Hoạt động vui chơi được hiểu là một phần của quá trình học tập, nhưng giáo viên hướng dẫn và giải thích hoạt động đó theo cách được thiết kế sẵn để đảm bảo một số hiệu quả giáo dục nhất định.

 

Giáo Dục Tự Do

Những người ủng hộ Giáo dục Tự Do, giống như những người ủng hộ giáo dục tiến bộ, nhấn mạnh rằng giáo dục không chỉ là học vấn. Trang web của Liên minh Giáo dục Tự Do (Alliance for Self-Directed Education) định nghĩa giáo dục là sự tổng hợp của tất cả mọi thứ mà một người học để giúp người đó có một cuộc sống hạnh phúc và có ý nghĩa. Đó có thể bao gồm kiến thức về bản thân, kỹ năng lập kế hoạch và tự định hướng các hoạt động của mình, kỹ năng sống hài hoà với người khác và hiểu biết về thế giới xung quanh đủ để có thể sống trong đó với cách phù hợp nhất. Hầu hết các nhà giáo dục tiến bộ sẽ đồng ý với khái niệm này về giáo dục.

 

Sự khác nhau giữa giáo dục tiến bộ và Giáo Dục Tự Do nằm ở cách hiểu làm thế nào để giáo dục một con người toàn vẹn như thế. Đối với nhà giáo dục tiến bộ, điều đó có được nhờ sự hợp tác giữa đứa trẻ và một nhà giáo cực kì nhân văn, có khả năng sư phạm phi thường – người nhẹ nhàng định hướng năng lượng của trẻ và định hình các ý tưởng sơ khai của trẻ theo cách tốt nhất để phục vụ cho trẻ và xã hội một cách dài lâu. Đối với người ủng hộ Giáo Dục Tự Do, điều đó có được từ xu hướng tự nhiên muốn hiểu bản thân và thế giới xung quanh của trẻ và muốn sử dụng những thông tin sẵn có ở môi trường xung quanh, trong đó có cả những người hiểu biết và nhiều kinh nghiệm, để thực hiện mong muốn trên.

 

Đối với người ủng hộ Giáo Dục Tự Do, sự xuất sắc của đứa trẻ, chứ không phải của giáo viên, mới là gốc rễ của một sự giáo dục toàn vẹn. Công việc của người lớn – những người tạo điều kiện cho Giáo Dục Tự Do ít nặng nề hơn của người giáo viên trong giáo dục tiến bộ. Trong Giáo Dục Tự Do, người lớn không cần phải có kiến ​​thức sâu rộng về mọi môn học mà một học sinh có thể muốn học, không cần phải hiểu các hoạt động bên trong của tâm trí của mỗi đứa trẻ, và không phải là bậc thầy về sư phạm (dù điều đó là gì chăng nữa!). Đúng hơn, họ chỉ cần đảm bảo rằng đứa trẻ được cung cấp một môi trường cho phép bản năng giáo dục tự nhiên của đứa trẻ hoạt động hiệu quả. Đó là môi trường mà đứa trẻ (a) có thời gian và tự do không giới hạn để chơi và khám phá; (b) được tiếp cận với các công cụ hữu ích nhất của nền văn hoá mà trong đó chúng đang sống; (c) được sống trong một cộng đồng có nhiều người ở nhiều độ tuổi khác nhau, có nhiều kĩ năng, kiến thức và ý tưởng khác nhau và quan tâm tới nhau; Và (d) được tiếp cận với một số người lớn sẵn sàng trả lời các câu hỏi (hoặc cố gắng để trả lời) và sẵn sàng trợ giúp khi được yêu cầu. Đây là loại môi trường được thiết lập tại các trường học hoặc trung tâm học tập được thiết kế cho Giáo Dục Tự Do, và cũng là loại môi trường mà các gia đình unschool thành công thiết lập cho con cái họ.

Theo cách nhìn này, giáo dục không phải là sự hợp tác giữa học sinh và giáo viên, mà nó hoàn toàn là trách nhiệm của người học sinh. Trong khi các nhà giáo dục tiến bộ tiếp tục nhìn nhận rằng trách nhiệm của họ là đảm bảo học sinh học được một số kiến thức, kĩ năng và giá trị sống nhất định, và họ cần đánh giá sự tiến bộ của học sinh, thì những người hỗ trợ trong Giáo Dục Tự Do không coi đó là trách nhiệm của họ. Trong khi giáo dục tiến bộ là sự tiếp nối của giáo dục truyền thống thì Giáo Dục Tự Do là một sự trái ngược hoàn toàn với giáo dục truyền thống.

 

Đến đây tôi muốn đưa ra một sự phân biệt mà trước đây chưa từng làm rõ (ngay cả trong các bài viết của tôi) giữa Giáo Dục Tự Do, viết hoa, và giáo dục tự do, không viết hoa. Tôi đề nghị Giáo dục Tự Do được sử dụng để đề cập đến việc giáo dục trẻ em, trong độ tuổi đi học từ mẫu giáo đến lớp 12, trong các gia đình đã đưa ra một quyết định có chủ ý để các con họ tự giáo dục bản thân bằng cách theo đuổi sở thích của mình mà không bị áp đặt một chương trình học bắt buộc nào, kể cả trong hay ngoài trường học. Tôi đề xuất thêm rằng giáo dục tự do, không viết hoa, được sử dụng theo nghĩa chung chung hơn để nói về một hoạt động mà mỗi người đều tham gia vào mỗi phút thức giấc mỗi ngày. Tất cả chúng ta luôn luôn tự giáo dục bản thân khi chúng ta theo đuổi những mối quan tâm của mình, khi kiếm sống, và khi cố gắng giải quyết những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Hầu hết những gì mà bất kỳ ai trong chúng ta biết – bất kể là chúng ta có đi học ở các trường lớp truyền thống hay không- đến từ giáo dục tự do/giáo dục tự chỉ huy.

 

Những người theo đuổi Giáo Dục Tự Do thực chất đang nói rằng giáo dục tự do (không viết hoa) quá mạnh mẽ và hiệu quả đến mức trẻ em không hề cần đến giáo dục bắt buộc, nếu trẻ được sống trong một môi trường tối ưu hóa khả năng tự giáo dục của chúng. Trên thực tế, nhiều người nói rằng giáo dục bắt buộc can thiệp vào việc trẻ tự giáo dục bằng cách tiêu tốn rất nhiều thời gian của trẻ, biến việc học thành một điều gì đó khó chịu và nuôi dưỡng trong đầu trẻ rằng các em không có khả năng tự kiểm soát việc học của mình.

 

Vì sao tôi cho rằng Giáo Dục Tự Do chứ không phải Giáo dục tiến bộ sẽ trở thành phương pháp giáo dục tiêu chuẩn trong tương lai.

Tôi ngưỡng mộ các nhà giáo dục tiến bộ. Không có ngoại lệ, những người tôi đã gặp đều là những người tốt, những người quan tâm sâu sắc đến trẻ em và muốn làm cho cuộc sống của trẻ em tốt hơn. Họ nhìn thấy những tác hại của hệ thống giáo dục chuẩn của chúng ta và muốn làm điều gì đó để thay đổi. Các nhà giáo dục tiến bộ hiện đang nỗ lực giảm bớt bài tập về nhà (để trẻ em được thực sự sống ngoài giờ đến trường), kéo dài thời gian chơi và nghỉ ngơi cho học sinh ở trường, giảm bớt hoặc loại bỏ các bài kiểm tra tiêu chuẩn và cho phép giáo viên linh hoạt hơn và đáp ứng nhu cầu của trẻ trong lớp học. Họ đang chiến đấu một trận chiến khó khăn, và tôi ngưỡng mộ họ vì điều đó. Nhưng đây là một trận chiến đã và đang diễn ra cho đến chừng nào chúng ta còn có giáo dục bắt buộc tại trường lớp. Đó là một trận chiến giúp điều chỉnh lại sự thái quá của giáo dục tiêu chuẩn; nhưng nó không có khả năng đánh bại giáo dục tiêu chuẩn, bởi vì nó chấp nhận quá nhiều niềm tin tiêu chuẩn về những gì giáo dục phải là.

 

Chừng nào giáo viên tin rằng nhiệm vụ của họ là đảm bảo rằng trẻ học được một số điều nhất định, vào những thời điểm nhất định, thì dù suy nghĩ của họ tiến bộ đến đâu chăng nữa, họ vẫn phải sử dụng các biện pháp cưỡng chế để khiến trẻ làm được điều đó. Về bản chất, trẻ em không phát triển các sở thích giống nhau vào cùng một thời điểm, do đó, một lớp học điển hình với nhiều học sinh không thể vận hành được, kể cả khi chúng ta giả định rằng tất cả học sinh sẽ học chương trình học dự kiến ​​thông qua việc theo đuổi các mối quan tâm cá nhân.

 

Tôi dám chắc rằng hầu hết các giáo viên mới, sau khi rời khỏi ghế các trường sư phạm và bước vào công việc, nghĩ rằng họ sẽ trở thành các nhà giáo dục tiến bộ. Họ đã đi vào ngành sư phạm, bởi vì họ yêu trẻ em; và trong các lớp sư phạm, phần lớn triết lí giáo dục mà họ đọc và nghe đều là về giáo dục tiến bộ – hướng dẫn, nuôi dưỡng và giúp đỡ, chứ không phải là cưỡng chế. Nhưng rồi họ bước vào thế giới thực của lớp học. Ở đó, họ có ba mươi đứa trẻ, họ phải giữ gìn trật tự, và phải làm một cái gì đó để khiến việc học dường như đang diễn ra; và những ý tưởng tiến bộ của họ sớm bay ra ngoài cửa sổ. Không có gì ngạc nhiên khi các trường hoạt động phù hợp với các nguyên tắc tiến bộ đều là trường tư và học phí ở đó rất cao. Họ yêu cầu các lớp học nhỏ, tỷ lệ giáo viên trên học sinh cao, và các giáo viên đều phải có năng lực vượt trội.

 

Ngay cả những người ủng hộ nhiệt tình giáo dục tiến bộ đều phải thừa nhận rằng một trong những lý do mà giáo dục tiến bộ chưa thực hiện được đó là vì quá thiếu giáo viên. Ví dụ, Alfie Kohn đã nói về điều đó như sau: “Giáo dục tiến bộ đòi hỏi có thêm nhiều giáo viên, những người có kiến thức rất sâu và dày về môn học mà họ dạy nếu họ muốn học sinh của họ thực sự hiểu kiến thức chứ không chỉ học vẹt.” Các giáo viên tiến bộ cũng phải biết nhiều về sư phạm bởi vì không có kiến thức chuyên môn nào (như là chuyên môn về toán, lý, hoá, văn…) có thể cho bạn biết cách tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của học sinh “. Thêm vào đó là ý tưởng giáo viên có nghĩa vụ phải biết tất cả học sinh của họ như là các cá nhân riêng biệt và giúp chúng phát triển tiềm năng và đam mê của chúng. Đến đây có thể bạn sẽ bắt đầu hiểu tại sao giáo dục tiến bộ đã không thể thay thế giáo dục trực tiếp – học thuộc lòng và kiểm tra – để trở thành phương pháp giáo dục chuẩn.

 

Các nhà giáo dục tiến bộ thường trích dẫn Rousseau như một người đề xướng ban đầu quan điểm của họ. Tác phẩm duy nhất của Rousseau về giáo dục là cuốn sách mang tên Émile, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1760, là một tài liệu hư cấu về việc giáo dục một cậu bé. Nếu cuốn sách này có bất kỳ ứng dụng nào trong thế giới thực, nó sẽ là cách giáo dục một hoàng tử. Giáo viên của Émile là một người dạy kèm. Công việc duy nhất và nhiệm vụ duy nhất trong cuộc đời của ông ta là giáo dục cậu bé này. Tỷ lệ giáo viên trên học sinh là một trên một. Người dạy kèm, theo mô tả của Rousseau, là một kiểu siêu anh hùng. Ông ta không chỉ am hiểu sâu sắc tất cả các môn học, mà còn hiểu được Émile từ trong ra ngoài, có thể nói là hiểu hơn cả bất kì một người nào có thể hiểu một người khác. Ông biết tất cả những mong muốn của cậu bé, vào bất cứ thời điểm nào, và ông biết chính xác phải thúc đẩy kiểu gì vào bất cứ lúc nào để tối đa hóa lợi ích giáo dục sẽ nảy sinh từ hành động của cậu bé đối với những mong muốn đó. Do đó, người thầy này tạo ra một môi trường trong đó Émile luôn luôn làm những gì cậu bé muốn làm, nhưng vẫn học được chính xác những bài học mà ông thầy đã vạch ra sẵn.

 

Tôi nghĩ rằng nếu nhiều nhà giáo dục thực sự đọc Émile, thay vì chỉ nhắc đến nó, họ sẽ nhận ra những thiếu sót cơ bản trong lý thuyết giáo dục tiến bộ. Nó quá đòi hỏi giáo viên nên không thể trở nên thực tế trên quy mô rộng, và nó đưa ra các giả định không thực tế về việc những mong muốn và động cơ của một con người có thể được nhìn thấy rõ và dự đoán trước. Ở mức cao nhất, trên diện rộng, giáo dục tiến bộ chỉ có thể giúp điều chỉnh sự khắc nghiệt của các phương pháp truyền thống và thêm một chút tự định hướng và sáng tạo vào cuộc sống của học sinh trong trường học mà thôi.

 

Trái ngược với giáo dục tiến bộ, Giáo dục Tự Do hoàn toàn không tốn kém mà lại hiệu quả. Ví dụ, trường Sudbury Valley đang tiến tới kỷ niệm 50 năm thành lập, hoạt động với mức ngân sách trên mỗi sinh viên chưa bằng một nửa so với các trường công lập địa phương. Tỷ lệ người lớn trên học sinh cao là không cần thiết, bởi vì hầu hết sự học tập của học sinh không đến từ việc tương tác với người lớn. Trong môi trường hỗn hợp nhiều lứa tuổi, học sinh nhỏ tuổi liên tục học hỏi từ những học sinh lớn tuổi, và trẻ em ở mọi lứa tuổi thực hành các kỹ năng cần thiết và thử những ý tưởng mới trong khi vui chơi, khám phá, trò chuyện và theo đuổi bất cứ sở thích nào mà chúng có. Chúng cũng tự mình sử dụng các nguồn thông tin trên Internet để có được kiến thức mà chúng đang tìm kiếm tại bất kỳ thời điểm nào.

 

Những lời chỉ trích thông thường về Giáo dục Tự Do là nó không thể có hiệu quả, hoặc chỉ có thể có hiệu quá đối với một số người có tính tự giác cao. Thực tế là, các nhà giáo dục tiến bộ thường nhanh chóng phân định rạch ròi quan điểm của họ về giáo dục và quan điểm của Giáo Dục Tự Do, bởi vì họ không muốn quan điểm của họ bị nhầm lẫn với những ý tưởng mà họ cho là “lãng mạn” hoặc “điên rồ” và “không thể thực hiện được”. Ví dụ, tôi khá chắc chắn rằng Alfie Kohn đã nghĩ về Giáo Dục Tự Do khi ông viết như sau: “Trong phiên bản hoạt hình này, trẻ em được tự do làm bất cứ điều gì chúng muốn, chương trình học có thể bao gồm bất cứ điều gì vui (và không có gì không vui). Việc học tập được cho là tự động xảy ra trong khi giáo viên chỉ đứng, quan sát và vui mừng rạng rỡ. Tôi thiếu không gian ở đây để đưa ra những ví dụ về sự sai lầm này cũng như để giải thích tường tận tại sao nó lại là một điều cực kì sai – nhưng hãy tin tôi đi: Mọi người thực sự khinh miệt cái ý tưởng giáo dục tiến bộ dựa trên một nền tảng không liên quan gì đến giáo dục tiến bộ.”

 

Sự miêu tả Giáo Dục Tự Do như “hoạt hình” của Kohn không hoàn toàn đúng – bởi vì trẻ thường tự lựa chọn làm những việc trông như có vẻ chẳng có gì hay ho và bởi vì người lớn không chỉ đứng đó quan sát và vui mừng rạng rỡ. Tuy nhiên, sự miêu tả đó cũng không quá khác so với thực tế. Và nó thực sự có hiệu quả. Đừng tin tôi; hãy đọc và suy nghĩ và đặt câu hỏi về các bằng chứng. Các nghiên cứu về cuộc sống sau khi tốt nghiệp của những học sinh đã tốt nghiệp các trường Giáo Dục Tự Do và về những unschooler đã trưởng thành – những người tự học bằng cách theo đuổi đam mê của bản thân, cho thấy họ đang sống rất tốt. Bạn có thể đọc thêm về điều này trong các bài viết khác của tôi trên blog này (freedom to learn @ psychology today), và trong cuốn sách “Free to Learn” của tôi.

 

Giáo dục Tự Do có hiệu quả vì về mặt sinh học chúng ta được sinh ra với khả năng tự giáo dục. Trong suốt quá trình lịch sử loài người, trẻ em tự học thông qua hoạt động khám phá, vui chơi, quan sát và lắng nghe người khác, và tìm ra cũng như thực hiện các mục tiêu của mình trong cuộc sống. David Lancy (2016) đã kết luận rằng học tập – bao gồm cả giáo dục – là điều tự nhiên đối với con người, nhưng việc dạy và được dạy thì không. Lời tuyên bố của Winston Churchill “Tôi luôn thích học, nhưng tôi không phải lúc nào cũng thích được dạy”, là điều mà bất cứ ai, vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi nào, đều có thể nói.

 

Bản năng tự học của trẻ em vẫn hoạt động hiệu quả trong xã hội hiện đại, miễn là chúng ta cung cấp các điều kiện cho phép chúng hoạt động. Những bản năng đã thúc đẩy trẻ em thời săn bắt hái lượm học cách săn bắt, hái lượm và làm tất cả những gì chúng phải làm để trở thành những người trưởng thành thực thụ cũng chính là những bản năng thúc đẩy trẻ em trong xã hội hiện đại học đọc, học tính toán với các con số, học vận hành máy vi tính và làm tất cả những gì họ phải làm để trở thành những người trưởng thành thực thụ. Giáo Dục Tự Do là rất tự nhiên, thoải mái và hiệu quả hơn nhiều cho tất cả mọi người so với giáo dục ép buộc. Điều đó khiến tôi không thể không tin rằng nó sẽ lại trở thành con đường giáo dục chuẩn trong tương lai không xa.

 

Giáo dục bắt buộc là đốm sáng trong lịch sử nhân loại, được thiết kế để phục vụ các nhu cầu tạm thời phát sinh trong quá trình công nghiệp hóa và để phục vụ nhu cầu đàn áp sự sáng tạo và ý chí tự do. Giáo dục bắt buộc đang trong quá trình tự đốt cháy chính nó, giống như một kiểu bùng phát cuối cùng trước khi kết thúc. Một khi người ta lại khám phá ra rằng Giáo Dục Tự Do có hiệu quả, và không gây ra căng thẳng cũng như tổn hại giống như giáo dục bắt buộc gây ra, và chúng ta bắt đầu chuyển hướng một phần của hàng tỷ đô la hiện đang dùng cho giáo dục bắt buộc để phát triển Giáo Dục Tự Do cho tất cả trẻ em, thì Giáo Dục Tự Do sẽ lại trở thành con đường giáo dục tiêu chuẩn. Sau đó, chúng ta sẽ có thể bỏ các chữ in hoa đi. Và sau đó chúng ta sẽ không cần giáo dục tiến bộ để làm dịu đi sự khắc nghiệt của giáo dục bắt buộc nữa.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *