Khả năng tự học ở trẻ em dưới 5 tuổi

25 Tháng Ba 2017
Chuyên mục
Unschooling
Bình luận  0

Bạn đã bao giờ dừng lại và nghĩ về lượng kiến thức mà trẻ em học được trong mấy năm đầu đời, trước khi chúng đến trường, trước khi chúng được ai đó dạy điều gì một cách có hệ thống chưa? Trẻ em học hỏi rất tự nhiên, đây là kết quả của hoạt động vui chơi, khám phá và quan sát thế giới bên ngoài. Nhưng sự học hỏi đó, nói là nó tự nhiên không có nghĩa là trẻ em không phải cố gắng gì. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dùng rất nhiều công sức để học hỏi. Khả năng tập trung cao độ trong thời gian dài cả về thể chất lẫn tinh thần và khả năng vượt qua các rào cản ở trẻ là cực kì phi thường. Lần tới nếu bạn có cơ hội ở gần một đứa trẻ dưới năm (5) tuổi, hãy ngồi yên và quan sát. Hãy cố gắng tưởng tượng điều gì đang diễn ra trong đầu đứa trẻ mỗi khi nó tương tác với môi trường xung quanh. Nếu bạn cho phép mình làm điều đó, bạn sẽ thấy rất thú vị. Trải nghiệm đó có thể sẽ làm bạn nhìn nhận về giáo dục theo một cách hoàn toàn mới, cách nhìn đó đến từ đứa trẻ chứ không phải về đứa trẻ.

Ở đây tôi sẽ tóm tắt các kiến thức về sự tự học hỏi ở trẻ em theo bốn phương diện: thể chất, ngôn ngữ, khoa học và đạo đức – xã hội.

Về thể chất

Hãy bắt đầu với quá trình tập đi. Con người là loài sinh ra để đi bằng hai chân. Nhưng đây không phải là việc dễ. Mỗi người, ai cũng có lúc phải rất cố gắng thì mới đi được trên hai chân của mình.

Tôi còn nhớ vào một ngày mùa xuân cách đây rất lâu, khi đó con trai tôi mới gần một tuổi. Lúc đó nó mới chỉ đi được nếu bám vào thứ gì đó chứ chưa đi được một mình. Ngày hôm đó chúng tôi đang đi du lịch trên một con tàu, và trong cả chuyến đi đó, con tôi chỉ muốn nắm tay tôi đi đi lại lại trên boong tàu mà thôi. Chúng tôi đi qua đi lại hàng tiếng đồng hồ, tôi phải gù lưng lại để nắm lấy tay con, điều đó chẳng dễ chịu chút nào. Nhưng con tôi thì cứ muốn như thế. Tôi chỉ là một người thay thế cho cây gậy chống cho con thôi. Tôi cố thuyết phục con nghỉ một chút vì bản thân tôi cần nghỉ, nhưng con tôi rất giỏi lôi kéo tôi đi trở lại mỗi khi tôi dừng.

Nghiên cứu chỉ ra rằng khi đang tập đi, mỗi ngày trung bình mỗi trẻ tập đi khoảng 6 giờ đồng hồ, trong khoảng thời gian đó chúng bước khoảng 9000 bước và đi khoảng 3182 mét. Chúng không cố gắng phải đi đến đâu cả, chúng đi vì muốn đi thôi. Chúng trở nên đặc biệt thích đi khi được được tiếp xúc với một kiểu bề mặt mới. Tôi cho rằng con tôi thích đi lại trên boong tàu cũng một phần vì chuyển động của con tàu khiến cho việc đi lại trên đó trở nên khó hơn và vì vậy tạo ra một thử thách mới khiến con tôi thích thú.

Khi mới bắt đầu tập đi một mình, trẻ em thường bị ngã và đau; nhưng ngay sau đó chúng tự đứng dậy và cố gắng thêm nữa và thêm nữa. Sau khi biết đi, chúng tiếp tục tập chạy, nhảy, leo trèo, đu người và hàng tá các kiểu di chuyển khác nhau nữa. Chúng ta không hề phải dạy chúng làm bất kì điều gì trong những điều kể trên, và tất nhiên chúng ta cũng không phải thúc đẩy trẻ làm những điều đó. Tất cả những gì chúng ta cần làm là cho trẻ ở trong một môi trường an toàn và phù hợp để chúng có thể “tập luyện”.

Về Ngôn Ngữ

Nếu bạn đã từng học một ngoại ngữ khi đã lớn thì bạn biết nó khó thế nào rồi. Có hàng ngàn từ mới và rất nhiều quy tắc ngữ pháp phải học. Thể mà trẻ em vào lúc khoảng bốn tuổi đã nói được ngôn ngữ mẹ đẻ rất giỏi. Vào độ tuổi đó, chúng đã có một lượng kiến thức khá phức tạp về từ vựng và ngữ pháp. Thực tế là, trẻ em lớn lên trong một gia đình có hai ngôn ngữ (bilingual) có thể  nói được cả hai ngôn ngữ đó lúc bốn tuổi mà không hề bị lẫn lộn.

Trẻ bốn tuổi không thể miêu tả các quy tắc ngữ pháp của ngôn ngữ mà chúng nói (người lớn cũng không làm được như thế), nhưng cách chúng nói và hiểu người lớn thể hiện rõ là chúng đã nắm được các quy tắc. Chúng hiểu về chức năng của danh từ, động từ, tính từ, trạng từ và hơn thế nên có thể tự xây dựng được những câu nói mới. Trẻ sơ sinh có thể sinh ra đã có khả năng hiểu ngôn ngữ, nhưng các từ vựng và quy tắc của mỗi ngôn ngữ là khác nhau nên chắc chắn phải học thì mới biết.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ liên tục tự học ngôn ngữ. Khi còn sơ sinh, chúng bắt đầu bập bẹ. Khi trẻ lớn dần, tiếng bập bẹ đó trở nên ngày càng giống tiếng của ngôn ngữ mà chúng được nghe hàng ngày. Khi được vài tháng tuổi, chúng rất tập trung nghe người khác nói và cũng tham gia vào các hoạt động mà dường như có thể giúp chúng hiểu người khác đang nói gì. Ví dụ, chúng thường nhìn theo mắt của những đứa trẻ lớn hơn hoặc của người lớn để xem mọi người đang nhìn cái gì, điều này giúp chúng đoán được mọi người đang nói về cái gì. Với chiến thuật này, một đứa trẻ khoảng một tuổi khi ở trong vườn và nghe có người nói “bông hoa cúc này đẹp quá” có khả năng hiểu được người kia đang nói về cái gì. Trong độ tuổi từ 2 đến 17, trẻ em học được trung bình khoảng 60.000 từ, tương đương với một từ mỗi giờ đồng hồ tỉnh táo.

Học ngôn ngữ cũng giống như tập đi, nó là một hoạt động vui chơi. Đây là một hoạt động hấp dẫn, sôi nổi và được thực hiện chẳng vì mục đích cao xa nào. Trẻ em có thể đi lại vòng quanh và gọi tên các đồ vật bởi vì như thế vui, chứ không phải để được khen thưởng. Khi trẻ càng lớn dần, trò chơi với từ ngữ trở nên phức tạp hơn dưới dạng các câu đố, câu chơi trữ, vần điệu. Chúng ta không thể dạy trẻ em ngôn ngữ; chúng ta chỉ có thể cho trẻ em ở trong một môi trường bình thường để chúng tự học, có nghĩa là, một môi trường trong đó trẻ em được tương tác với những người biết nói.

Về Khoa Học

Trẻ em cực kì tò mò về tất cả mọi thứ xung quanh chúng. Kể cả khi mới được vài ngày tuổi, trẻ sơ sinh đã biết dành nhiều thời gian để nhìn những cái mới mẻ nhiều hơn so với những cái chúng đã nhìn thấy trước đó rồi. Khi có thể kếp hợp mắt và tay để với lấy và thao tác với các đồ vật thì chúng làm như vậy liên tục. Trẻ 6 tháng tuổi với lấy bất kì vật gì mới lạ và xem xét nó rất kĩ càng. Chúng bóp đồ vật ấy, chuyền nó từ tay này sang tay kia, lắc, thả cho rơi rồi quan sát xem điều gì xảy ra; và khi có điều gì đó hay ho xảy ra, chúng lặp lại, như để chứng minh rằng điều đó không phải do may mắn mà có. Hãy quan sát một em bé 6 tháng tuổi, bạn sẽ thấy trong bé có tố chất của một nhà khoa học.

Mục tiêu hàng đầu của trẻ em khi khám phá là học cách kiểm soát môi trường quanh chúng. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hứng thú với những vật mà chúng có thể kiểm soát được nhiều hơn là những vật chúng không thể kiểm soát. Ví dụ, một cái máy phát nhạc mà chúng có thể tự bật tắt thì thú vị hơn nhiều so với một cái máy tự động bật tắt hoặc được người lớn điều khiển. Trẻ em dành sự chú tâm đặc biệt cho các đồ vật khi chúng đang học cách kiểm soát đồ vật đó. Một khi chúng đã biết cách kiểm soát món đồ đó và đã biết hết mọi khả năng của nó, chúng sẽ có xu hướng hết hứng thú với vật đó. Đó là lí do vì sao một cái hộp các-tông dùng để đựng một món đồ chơi đắt tiền nhưng không thể kiểm soát được lại khiến đứa trẻ thích thú hơn cả món đồ chơi.

Mong muốn tìm hiểu cách hoạt động của các vật và cách kiểm soát chúng không kết thúc khi đứa trẻ lớn lên; nó vẫn tiếp diễn miễn là trẻ em và cả người lớn được tự do theo đuổi con đường của riêng mình. Mong muốn này là nền tảng của khoa học. Không có gì phá hoại nó nhanh hơn một môi trường trong đó tất cả mọi người đều được bảo phải làm gì với những đồ vật mới và làm thế nào. Sự thú vị của khoa học nằm ở sự phát hiện (discovery), không phải ở đáp số (result). Điều đó là đúng với tất cả chúng ta, dù đó là đứa trẻ 6 tháng tuổi đang khám phá món đồ chơi treo trên cũi, hay là một đứa trẻ 2 tuổi đang khám phá một cái hộp các-tông, hay là một nhà khoa học đang khám phá những đặc tính của một hạt vật chất hay một enzyme. Chẳng có ai làm khoa học vì thích được người khác chỉ cho các câu trả lời cho những câu hỏi không phải của mình; người ta làm khoa học vì thích tự đi tìm những câu trả lời cho các câu hỏi của chính bản thân mình. Đây là lí do tại sao phương pháp tiêu chuẩn để dạy các môn khoa học của chúng ta không biến những người được dạy trở thành các nhà khoa học. Những người thực sự trở thành các nhà khoa học thì kể cả được dạy hay không được dạy các phương pháp đó vẫn trở thành các nhà khoa học.

Về Đạo Đức và Xã Hội

Môi trường vật lí xung quanh khiến trẻ em thích thú, nhưng môi trường xã hội đối với chúng còn thú vị hơn nhiều. Trẻ em tự nhiên thích ở gần người khác, đặc biệt là những trẻ lớn hơn chúng một chút và hiểu biết nhiều hơn chúng một chút. Chúng muốn làm những việc mà người khác làm. Chúng cũng muốn chơi với người khác. Chơi với người khác là cách tự nhiên hữu hiện trong quá trình học hỏi về đạo đức và xã hội của mỗi đứa trẻ.

Thông qua vui chơi trẻ học được cách hòa thuận với người khác. Trong khi chơi chúng phải quan tâm đến nhu cầu của những trẻ khác, học cách nhìn nhận vấn đề từ góc nhìn của người khác, học cách thỏa thuận, học cách thỏa hiệp sự khác biệt, học cách kiểm soát sự bốc đồng của bản thân, học cách làm hài lòng người khác để tiếp tục có người chơi cùng. Đây đều là những bài học khó, và đây là những bài học vô cùng quan trọng mà tất cả chúng ta đều phải học nếu muốn có một cuộc sống hạnh phúc. Chúng ta không thể dạy những bài học này; chúng ta chỉ có thể để trẻ em chơi cùng nhau và để chúng tự trải nghiệm những hệ quả từ sự thành công hay thất bại trong giao tiếp xã hội. Mong muốn tự nhiên được chơi với người khác khiến cho mỗi đứa trẻ bình thường phải cố gắng để hòa thuận với người khác khi chơi. Nếu không hòa thuận được thì cuộc chơi kết thúc, và hệ quả tự nhiên đó là một kinh nghiệm có tác dụng mạnh mẽ. Không có bài giảng hay lời khuyên nào từ chúng ta có thể thay thế cho kinh nghiệm đó.

Điều gì xảy đến với động lực học hỏi tự nhiên khi trẻ 5 hoặc 6 tuổi?

Một lần, khi con tôi khoảng 7 tuổi và đang đi học ở một trường công, tôi nói với cô giáo của con rằng trước khi đi học con tôi có vẻ thích học hơn hơn nhiều so với bây giờ. Cô ấy trả lời: “chắc anh là nhà tâm lí học thì anh biết, đây là một thay đổi tự nhiên trong quá trình phát triển. Khi còn nhỏ, bọn trẻ học hỏi một cách rất tự nhiên, nhưng sau đó chúng thay đổi và cần phải có người lớn giao cho việc thì mới làm.

Tôi hiểu cô ấy lấy ở đâu cái ý tưởng đó. Tôi từng đọc các cuốn sách giáo khoa về tâm lí học theo độ tuổi phát triển, trong đó có các chương khác nhau dựa trên số tuổi của trẻ và khi trẻ dưới 5 tuổi, người ta coi đó là “tuổi vui chơi”. Những chương đầu tiên bàn về hoạt động vui chơi của trẻ. Cứ như là đến 5 hay 6 tuổi thì trẻ tự nhiên ngừng vui chơi. Những chương còn lại bàn về các nghiên cứu về cách trẻ thực hiện các công việc do người lớn giao cho. Tôi cho là cô giáo của con đã đọc những cuốn sách như vậy khi còn ngồi ghế trường sư phạm. Nhưng những cuốn sách đó thể hiện những cái nhìn méo mó về những điều lẽ ra là tự nhiên. Trong những bài viết khác, tôi sẽ đưa ra những minh chứng rằng nếu trẻ em trên 5 hoặc 6 tuổi được tự do và có cơ hội theo đuổi đam mê của bản thân, thì mong muốn vui chơi và khám phá sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy chúng, càng ngày càng mạnh mẽ hơn, và từ đó tiến tới những cách thức tự học hỏi phức tạp hơn.

Tác giả: Peter Gray

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *