Đây là bài phát biểu của Nancy Carlsson-Paige khi nhận giải thưởng mang tên nhà giáo dục nổi tiếng Deborah Meier. Bà là giảng viên 30 năm nay tại Lesley University in Cambrigde (Massachussets), là tác giả cuốn sách “Taking Back Childhood”
… Tôi luôn luôn yêu công việc của tôi – dạy các giáo viên về cách trẻ em tư duy, cách chúng học hỏi, cách chúng phát triển về mặt giao tiếp, cảm xúc, đạo đức. Tôi luôn luôn cảm thấy thích thú với những lý thuyết khoa học ngành giáo dục được thể hiện qua hành động và sự vui chơi của trẻ.
Bởi vậy chưa bao giờ tôi có thể lường trước được hoàn cảnh thực sự hiện nay của ngành giáo dục mầm non.
Các chính sách về giáo dục không phản ánh những điều chúng ta biết về cách học hỏi của trẻ được thực thi và áp dụng. Nhiều thập kỉ nay, chúng ta đều biết – thông qua các nghiên cứu về sự phát triển của trẻ và ngành khoa học thần kinh – rằng trẻ em học hỏi một cách rất tích cực – chúng cần phải di chuyển, sử dụng các giác quan, sờ mó vào các đồ vật, tương tác với những đứa trẻ khác và với giáo viên, sáng tạo, sáng chế. Nhưng hiện nay, trẻ em đi học mẫu giáo từ tuổi lên 4 và người lớn dạy chúng thông qua những chương trình học khắt khe.
Chưa bao giờ tôi có thể lường trước được rằng chúng ta cần phải bảo về quyền được vui chơi của trẻ em.
Vui chơi là cách tối ưu thông qua đó con người học hỏi và trưởng thành. Điều này không thể chối cãi. Vui chơi là cách thông qua đó trẻ em xây dựng nên các ý tưởng, hiểu được ý nghĩa các trải nghiệm cuộc sống của chúng và cảm thấy an toàn.
Nhưng ở trong các lớp học, sự vui chơi đang dần biết mất. Mặc dù chúng ta biết vui chơi đồng nghĩa với học hỏi ở trẻ em, chúng ta vẫn dẹp hoạt động vui chơi sang một bên để dành chỗ cho chương trình học các môn bắt buộc và sự “nghiêm khắc”.
Chưa bao giờ tôi có thể lường trước được rằng chúng ta sẽ phải đấu tranh để có những lớp học phù hợp với sự phát triển của trẻ em. Thay vì được học hỏi qua những hoạt động thực tiễn, giờ đây trẻ em phải ngồi một chỗ quá lâu để học chữ và học số. Càng ngày số trẻ em bị căng thẳng càng tăng. Các phụ huynh và giáo viên nói với tôi: trẻ em lo lắng rằng chúng không biết các đáp án đúng; chúng gặp ác mộng, chúng bứt tóc, chúng khóc lóc vì không muốn phải đến trường. Một số người nói đây là bạo hành trẻ em và tôi không thể không đồng ý.
Chưa bao giờ tôi có thể lường trước được rằng chúng ta lại kiểm tra và đánh giá trẻ em nhiều đến thế . Hiện tại, thay vì ngày đầu tiên đến trường để làm quen với lớp mới và bạn mới, trẻ em bị kiểm tra. Năm học mới vừa bắt đầu, và đã có một người mẹ kể với tôi thế này: “Ngày đầu tiên đi học mẫu giáo lớn của con gái tôi hầu như toàn là các bài đánh giá. Con tôi đến trường lúc 9h30 và về lúc 11h45. Trong thời gian ở trường, con được 5 giáo viên khác nhau kiểm tra các kĩ năng khác nhau. Khi tôi đón con về, con không muốn kể cho tôi nghe ở trường thế nào, nhưng con có nói là không muốn quay lại trường nữa. Con không biết tên các giáo viên, và con cũng không kết thêm bạn mới nào. Chiều hôm đó khi chơi với đồ chơi thú trong phòng riêng, tôi nghe thấy con dạy chúng luyện số và chữ.”
Những khả năng quan trong nhất của trẻ nhỏ không thể được kiểm tra – chúng ta đều biết điều này. Đọc tên số và chữ là những điều rất hời hợt và không liên quan gì đến những khả năng mà chúng ta muốn giúp trẻ em phát triển, đó là: sự tự giác, khả năng giải quyết vấn đề, khả năng giao tiếp và điều tiết cảm xúc, trí tưởng tượng, tính tò mò và tư duy sáng tạo – chính những khả năng này mới mới khiến chúng thành công ở trường học cũng như trong cuộc sống và những khả năng này không thể bị giới hạn trong các con số.
Thế nhưng hiện nay, tất cả ngân quỹ và thời gian dành cho phát triển chuyên muôn sư phạm lại dành cho việc huấn luyện giáo viên sử dụng các công cụ đánh giá học sinh bắt buộc. Có lẽ những con số trên các bài kiểm tra lại có giá trị hơn chính khả năng của người giáo viên trong việc quan sát và thấu hiểu sự phát triển toàn diện của các học sinh trong lớp học.
Lần đầu tiên tôi thấy được thực trạng của các chương trình giáo dục mầm non tại Mỹ là khi tôi đến thăm một ngôi trường ở Bắc Miami (Florida) trong một khu dân cư thu nhập thấp. Hầu hết các học sinh được ăn trưa ở đây miễn phí hoặc giảm phí.
Có 10 lớp học – từ mẫu giáo nhỡ đến mẫu giáo lớn. Trường có nhận được kinh phí hỗ trợ hay không phụ thuộc vào điểm trên các bài kiểm tra, bởi vậy không ngạc nhiên gì khi các giáo viên dạy để kiểm tra. Các trẻ có điểm thấp sẽ phải học đi học lại môn toán và môn đọc và không được học các môn nghệ thuật. Họ sử dụng một chương trình vi tính để dạy các trẻ từ 4 đến 5 tuổi cách đánh vần.
Ở một trường mẫu giáo mà tôi tới thăm, các bức tường đều trống trơn và lớp học cũng thế. Giáo viên đang kiểm tra một cậu bé trên máy vi tính ở góc lớp. Các học sinh khác đang ngồi ở bàn và chép lại các từ viết trên bảng. Các từ đó là: “Không nói chuyện. Ngồi yên một chỗ. Khoanh tay vào.”
Người giáo viên liên tục la mắng học sinh từ trong góc lớp: Im lặng! Không nói chuyện!
Trông phần lớn các học sinh sợ hãi hoặc lơ đãng, có một cậu bé đang ngồi một mình và khóc thầm. Tôi sẽ không bao giờ quên được khuôn mặt của những em nhỏ đó và tâm trạng của tôi khi quan sát chúng – những đứa trẻ đang chết dần chết mòn trong một môi trường hoàn toàn không phù hợp với những nhu cầu của chúng…