Đừng giao phó thân mạng cho kẻ khác.

17 Tháng Một 2017
Chuyên mục
Well-Being
Bình luận  0

Có một buổi chiều lộng gió, đi núi về, tôi thấy các cửa sổ và cửa ra vào của am Phương Vân bị gió thổi bật tung. Hồi trưa ra đi, tôi chỉ khép hờ các cửa. Gió lộng vào nhà, lạnh lẽo. Giấy tờ trên bàn viết của tôi bay tứ tán. Tôi lập tức đi đóng hết các cửa, đốt cây đèn lớn giữa nhà rồi đi nhặt tất cả giấy tờ và sắp chúng lại trên bàn. Xong xuôi, tôi đi đốt lửa ở lò sưởi. Một lúc sau, củi nổ lép bép và căn nhà ấm áp trở lại.

Có nhiều khi ở chốn đông người náo nhiệt, bạn cảm thấy mệt mỏi, lạnh lẽo và trống trải. Bạn rút lui về một mình, sống với nội tâm và cảm thấy ấm áp như tôi đang ngồi trong một căn nhà có mái, có tường che gió che sương và bên một bếp lửa hồng. Giác quan của chúng ta là những cửa sổ mở ra bên ngoài và nhiều khi gió lộng vào, thổi bay tứ tán mọi vật trong nhà. Nhiều người trong chúng ta đã quen mở rộng tất cả các cửa sổ giác quan, mặc tình cho hình sắc và âm thanh bên ngoài xâm chiếm. Nhiều khi những luồng gió bên ngoài lộng vào tận những ngõ ngách sâu kín của tâm hồn và tạo nên một khung cảnh trống lạnh xác xơ trong nội tâm ta. Có khi nào bạn lỡ xem một cái phim rất tồi trên máy truyền hình mà cứ đành tiếp tục để cho máy mở đến khi truyện phim chấm dứt? Tiếng la, tiếng hét, tiếng rên rỉ và tiếng súng nổ làm cho bạn khó chịu lắm phải không? Tại sao bạn không đứng dậy tắt máy đi mà cứ để cho cái phim kia nó hành hạ bạn như thế? À, tôi biết rồi. Cái máy truyền hình của bạn là cái máy rẻ tiền chỉ để nghe được độc nhất có một đài. Bạn không thể chuyển sang đài khác. Bạn không muốn tắt. Bạn không muốn đóng cái cửa sổ của bạn. Bạn sợ cô độc, trống lạnh khi phải đối diện với chính bạn.

Bạn cũng biết rằng tâm tư ta là gì thì ta là cái ấy. Nếu ta giận thì ta là cái giận, nếu ta yêu thì ta là cái yêu, nếu ta ngắm một đỉnh núi phủ tuyết thì ta là đỉnh núi phủ tuyết, nếu ta theo dõi một truyện phim thì ta là truyện phim, nếu ta nằm mơ thì ta là giấc mơ. Ta có một phép lạ vô song là có thể trở thành bất cứ thứ gì ta ước muốn mà không cần đến cuốn sách ước hay là chiếc đũa phép của một nàng tiên. Vậy thì tại sao ta lại mở cửa sổ của ta để đón nhận một cái truyện phim ồn ào, vô duyên và đầy tính cách bức hại như thế? Tôi không muốn động tới những phim hay. Tôi chỉ muốn nói tới những nhà làm phim rẻ tiền, chuyên thao túng cảm giác của khán giả. Họ kích thích cái sợ, cái lo và cái hồi hộp của bạn và họ tàn phá khán giả của họ, kể cả những khán giả rất trẻ. Ai cho phép họ làm như vậy? Chính là khán giả của họ. Chúng ta dễ dãi quá, chúng ta xem bất cứ phim ảnh nào. Và cũng tại vì chúng ta vừa có cảm giác cô đơn vừa có cảm giác lười biếng. Chúng ta không  muốn tạo ra sự sống của chúng ta. Chúng ta mở máy truyền hình ra và giao phó chúng ta cho kẻ khác dẫn dắt, uốn nắn, tạo tác và phá phách. Theo dõi một truyện phim, bị cuốn hút theo nó là chúng ta phó thác thân mạng chúng ta cho kẻ khác rồi. Ta nên biết rằng có thể là sau một truyện phim như thế, thần kinh và tâm tư ta bị tàn hại và đầu độc không ít.

Bạn, tôi chỉ mới nói về một truyện phim. Xung quanh chúng ta còn có bao nhiêu cạm bẫy khác do chính đồng loại chúng ta và do cả bản thân chúng ta tạo dựng ra và gài sẵn đó. Trong một ngày ta có thể tán thân thất mạng nhiều lần vì chúng. Ta phải cẩn thận, và phải bảo trọng thân mạng và sự an ổn của ta. Nói như vậy không phải là lúc nào ta cũng đóng im ỉm tất cả những cửa sổ giác quan của ta.

Thực ra, trong thế giới mà ta gọi là “bên ngoài”, có biết bao điều màu nhiệm. Cửa sổ của ta hãy mở trên những màu nhiệm đó. Bạn phải chọn lựa và thắp lên ngọn đèn quán niệm. Ngồi bên một dòng nước trong, nghe một bản nhạc hay hoặc theo dõi một truyện phim đẹp, ta cũng đừng phó thác ta hoàn toàn cho dòng nước, khúc nhạc hoặc truyện phim. Mặt trời ý thức mà được thắp lên là hầu hết mọi tai nạn ta đều tránh thoát được và dòng nước sẽ trong hơn, tiếng nhạc và truyện phim sẽ làm ta thấy rõ tâm tư của người nghệ sĩ hơn. Người hành giả sơ tâm thường bỏ chợ búa xã hội vào ngồi trong rừng xanh là để đóng lại những cái cửa sổ thường làm cho người ấy loạn tâm, và suốt ngày thấy núi rừng yên tĩnh, do đó, có thể khôi phục lại được chính mình mà không để tự mình trôi lăn theo dòng thác lũ của “thế giới bên ngoài”. Rừng cây im mát thanh tịnh giúp cho hành giả nhiếp tâm vào chánh niệm. Một khi chánh niệm đã vững chãi rồi thì dù ngồi giữa chốn chợ búa hành giả cũng không còn bị xáo động. Nhưng cho đến khi ấy, hành giả phải thận trọng, phải nuôi dưỡng chánh niệm hàng giờ, hàng ngày, phải chọn lựa những khung cảnh và những thực phẩm thích hợp cho bản thân mình.

(nguồn: “Trái tim mặt trời” – Thích Nhất Hạnh)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *