Để yên cho con chơi

19 Tháng Mười Một 2016
Chuyên mục
Unschooling
Bình luận  0

Mình đang thoải mái ngồi trong xe đẩy trên đường ra công viên, ngắm nhìn những cái cây đung đưa trong gió.

Rồi mọi thứ bừng sáng. Có cái gì đó soàn soạt thế nhỉ. Ah, là cỏ! Mình thích cỏ. Và nhìn kìa, sân chơi kia rồi. Ôi mình thích sân chơi quá.

Nhưng mà có mấy anh chị lớn. Vậy mình sẽ đợi vài phút và quan sát họ trước khi vào chơi cùng. Đợi một chút mình vẫn vui. Và chơi cùng đám cỏ này cũng thích. Nhìn kia, có con kiến! Kiến ơi bạn đi đâu vậy?

 “Con muốn trèo lên đây không?”

Mẹ muốn mình trèo. Nhưng hãy nhìn bạn kiến kìa. Bạn ấy đi cùng nhiều bạn kiến khác. Các bạn kiến đang đi theo hàng lối hẳn hoi. Buồn cười thật!

“Ra đây chơi cát con ơi!”

Ôi, mình phải ra chơi cát à! Nhưng mấy bạn kiến có đi ra bãi cát đâu, mấy bạn ấy đi lối kia cơ mà, còn mình thì muốn đi theo mấy bạn ấy. Các bạn ấy đi đâu vậy nhỉ?

 “Sao con không ra chơi cầu trượt nhỉ?

A! Giờ thì mẹ lại nâng mình lên. Ở trên cao thế này mình không thể nhìn thấy các bạn kiến. Mình để lạc các bạn ấy thì sao? KHÔNG!!!

“Không được đánh!”

Mình không được đánh ai cả. Nhưng mình có đánh ai đâu. Mình chỉ muốn xuống thôi. Mình chỉ muốn nhìn thấy các bạn kiến.

“Trèo lên đây! Đặt chân con vào đây!”

Nhưng mình không thể đi theo các bạn kiến nữa rồi vì mẹ muốn mình trèo.

  “Lại đây, nhanh lên, trượt xuống đi, vui lắm!”

Ở trên này cao thật. Có thể mình sẽ lại thấy các bạn kiến. Nhưng mình chẳng kịp nhìn nữa vì mình lại phải trượt. Mình hơi sợ cầu trượt. Cái cầu trượt này to quá, và mình muốn thấy các bạn khác trượt thế nào trước đã.

“Nhanh lên, các bạn khác đang đợi đến lượt kìa, mẹ sẽ giúp con, mẹ sẽ ở đây đỡ con.”

Mình phải trượt rồi, mẹ đang đợi kia kìa.

“Giỏi quá! Nào bây giờ mình ra chỗ đu quay thôi!”

Những thứ nhỏ nhất cũng khiến một đứa trẻ thích thú, phải thế không? Thật buồn là người lớn chúng ta lại mất đi khả năng sống trong giây phút hiện tại đó như những đứa trẻ – khả năng nhận biết và thưởng thức những điều nhỏ nhặt. Chúng ta lấy làm lạ khi trẻ em có thể ngồi chơi hàng giờ không chán với một cái que, hoặc khi chúng dừng lại để ngửi mùi hương của những bông hoa, khi chúng quan sát mọi thứ với một góc nhìn mới mẻ. Những khả năng này của trẻ em thật là tuyệt vời, khi chúng mất đi thì ta lại kêu than luyến tiếc. Tôi không cho rằng trẻ em lớn lên sẽ mất đi khả năng này. Tôi cho rằng người lớn chúng ta phải chịu trách nhiệm. Chính chúng ta đã luôn luôn giục giã trẻ. Chúng ta truyền cho trẻ những thông điệp về những thứ “thực sự” quan trọng (dựa trên quan điểm của bản thân ta)

Ví dụ ở trên chỉ là một tình huống rất thường thấy. Hiện nay hiếm có đứa trẻ nào được tự do khám phá môi trường xung quanh mà không có sự định hướng hoặc can thiệp của người lớn. Ở công viên, bọn trẻ luôn được hướng dẫn “nhìn chỗ này”, “thử cái kia”, “trèo lên đây” và “cười tươi để chụp ảnh nào.” Và rồi khi phải rời khỏi công viên trước khi bọn trẻ thực sự có cơ hội khám phá điều gì đó, chúng ta lại tự hỏi sao chúng lại lăn ra giận dỗi và ăn vạ như vậy.

Khi chúng ta thường xuyên can thiệp vào hoạt động vui chơi của trẻ hoặc luôn luôn hướng dẫn trẻ cần làm hay không làm điều gì, thông điệp của chúng ta là gì? Khi bọn trẻ không quan tâm tới điều ta nói mà cứ tiếp tục những điều chúng đang làm, để rồi chúng sẽ lại bị hướng dẫn ngược trở lại các hoạt động theo ý của người lớn, lúc đó chúng nghĩ gì?

Có lẽ là chúng ta không tôn trọng chúng chăng? Có lẽ là lựa chọn của chúng không quan trọng bằng lựa chọn của người lớn chăng? Có lẽ là vội vã xem xét mọi thứ quan trọng hơn việc thưởng thức một thứ một cách hoàn toàn và sâu sắc chăng? Có lẽ là chúng sẽ không bao giờ có thời gian mơ mộng chăng? Có lẽ là đam mê riêng của chúng không có giá trị chăng? Có lẽ là chúng ta không đủ tin tưởng chúng chăng?

Rồi chúng ta lại phàn nàn rằng trẻ con không thể tự chơi độc lập được, và rằng lúc nào chúng cũng muốn ta phải bày trò cho  chúng vui. Trẻ em sinh ra là đã có khả năng tự tiêu khiển rồi, cho đến khi chúng ta huấn luyện chúng mất đi khả năng này. Bạn không thể hy vọng con trẻ tập trung cao độ nếu lúc nào chúng cũng bị bạn can thiệp. Bạn không thể kỳ vọng chúng biết tự tiêu khiển nếu chúng luôn luôn được người khác bày trò cho vui.

Thời gian chơi tự do theo ý thích là vô giá với trẻ em. Trong một thế giới của các cuộc đua tranh và “luôn phải dẫn trước”, nhiều bậc cha mẹ cảm thấy cần phải mang lại cho trẻ thật nhiều kinh nghiệm, kể cả kinh nghiệm về vui chơi. Nhưng chúng ta không cần phải cho trẻ kinh nghiệm, mà hãy để trẻ tự trải nghiệm. Hãy đối xử với trẻ em như những con người thực sự và tôn trọng lựa chọn của chúng. Đôi khi chúng ta chỉ cần để trẻ chơi tự do.

Tôi không nói rằng đừng bao giờ chơi với các con. Chơi cùng con là một điều tuyệt vời! Nhưng chơi cùng con suốt ngày thì không ổn. Hãy đợi con mời bạn cùng chơi. Bạn không cần phải tham gia và khuyến khích con chơi theo những cách mà bạn nghĩ là có lợi. Bạn chỉ cần nhận ra rằng chơi cái gì cũng có lợi. Con quyết định chơi kiểu gì cũng được. Việc vui chơi, cũng giống như trẻ em, không cần thiết phải được kiểm soát.

Vậy khi ở công viên bạn sẽ làm gì? Chẳng phải làm gì mấy! Hãy quan sát thôi, hoặc đọc sách. Hoặc nếu bạn muốn chơi thì hãy xông vào mà chơi. Cá nhân tôi rất thích ngồi xích đu.

Hãy để các con tự do lựa chọn hoạt động mà chúng muốn tham gia, dù đó là chơi với các trò chơi trong công viên hay không. Chúng ta không cần phải can thiệp, bày trò hay hướng dẫn con chơi sao cho đúng cách. Hãy cho các con biết rằng bạn tôn trọng lựa chọn và mối quan tâm của chúng bằng cách để cho chúng yên.

Đừng giục giã các con! Đừng dạy chúng trông chờ sự chỉ bảo từ người khác thay vì tìm phương hướng nơi chính bản thân. Hãy để yên cho con chơi!

(Sara@happinessishereblog.com)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *