Chương 8: Bước ngoặt

2 Tháng Ba 2018
Chuyên mục
Sacred Economics
Bình luận  0

Trong ít nhất là một trăm năm nữa, chúng ta phải giả vờ với chính mình và với tất cả mọi người rằng ngay thẳng là phạm pháp và gian lận là hiệu quả. Trong một thời gian dài hơn nữa, sự tích góp, cho vay nặng lãi và sự đề phòng sẽ là những vị thần được chúng ta thờ phụng. -John Maynard Keynes (1931)

Câu chuyện và Ma thuật của Tiền

Khi cuộc khủng hoảng kinh tế tiến triển sang giai đoạn tiếp theo, chúng ta bắt đầu thấy sự phi lí của nhiều điều mà chúng ta từng nghĩ là chân lí. Nhiều điều tưởng như chắc chắn với thế hệ trước trở nên bấp bênh với thế hệ sau, và mặc dù vẫn hy vọng mong manh về sự trở lại như bình thường “vào giữa năm 2012” hoặc “chậm hơn dự kiến” – chúng ta bắt đầu nhận ra rằng mọi việc sẽ không quay trở về bình thường được nữa.

Khi phải đối mặt với một sự thay đổi đột ngột trong thực tại cá nhân, chẳng hạn như cái chết của một người thân yêu, đầu tiên con người thường phản ứng bằng cách phủ nhận thực tế đó. Câu đầu tiên mà tôi hay thốt lên khi bi kịch xảy ra là “Không thể tin được!” Tôi không ngạc nhiên khi suốt một thời gian dài các nhà lãnh đạo chính trị và các tập đoàn đã phủ nhận việc có một cuộc khủng hoảng đang tới gần. Năm 2007 tổng thống George W. Bush nói: “Về cơ bản nền kinh tế của đất nước là tốt”. Thư ký Kho bạc Henry Paulson nói: “Tôi không cho là các rắc rối của thị trường nhà đất đang gây ra một vấn đề nghiêm trọng. Mọi việc rồi sẽ ổn thôi”, “kinh tế sẽ không suy thoái”, “chúng ta đang trải qua một sự điều chỉnh trong lĩnh vực nhà ở”, “nước Mỹ không bị suy thoái”, “có thể giá nhà đất sẽ ổn định lại vào đầu năm 2009.” Hiện nay, các cơ quan chức năng đang “dự báo” tăng trưởng kinh tế trên 5 phần trăm trong giai đoạn 2010-2015 (nhưng thực sự là họ chỉ đang cố gắng nói với hy vọng lời nói của họ trở thành sự thật) (1)

Tất nhiên, nhiều tuyên bố này là những nỗ lực không thành thật trong việc quản lý nhận thức của người dân. Các nhà chức trách hy vọng rằng bằng cách kiểm soát nhận thức của công chúng về thực tế, họ có thể kiểm soát được chính thực tế – rằng bằng cách thao túng các biểu tượng, họ có thể thao túng cái thực tại mà chúng đại diện. Về bản chất, đây là những gì mà các nhà nhân chủng học gọi là “tư tưởng tôn giáo thần thánh”. Không phải vô cớ mà giới tinh hoa tài chính của chúng ta được gọi là các thầy tế. Mặc quần áo nghi lễ, nói một ngôn ngữ phức tạp, sử dụng những câu huyền bí, chỉ bằng một từ hoặc một nét chữ họ có thể khiến cho các khối tài sản tăng hoặc giảm giá trị cũng như khiến cho các quốc gia “bỗng nhiên” phát triển hoặc sụp đổ.

Tư tưởng tôn giáo-thần thánh thường là có hiệu quả. Cho dù đó là nghi lễ cúng tế, hoặc ký kết một khoản dự luật, hoặc thông báo số dư tài khoản, khi một nghi thức được đặt trong một câu chuyện mà mọi người đều tin, họ sẽ hành động theo như câu chuyện, họ sẽ đóng vai mà họ được giao trong câu chuyện đó, và họ sẽ đáp lại với thực tại mà câu chuyện đó thiết lập nên. Trước đây, khi một nghi lễ cúng tế được cho là đã thất bại, mọi người đều biết đây là một sự kiện quan trọng báo hiệu sự sụp đổ của thế giới, sự thay đổi của thực tại, sự kết thúc của Câu chuyện cũ và sự khởi đầu của một Câu chuyện mới. Theo cách nhìn nhận này, sự thất bại nhanh chóng của các nghi lễ tài chính hiện nay có ý nghĩa gì?

Chúng ta chế giễu những người nguyên thủy sống trong hang động vì họ tin rằng những hình minh hoạ động vật khắc trên những bức tường trong hang động có thể tác động một cách kỳ diệu đến các cuộc săn bắn. Thế mà, ngày nay chúng ta lại tự tạo ra những chiếc bùa chú cho riêng mình, những hệ thống biểu tượng thần kì của riêng mình, và chúng ta thực sự đang tác động đến thực tại vật chất thông qua chúng. Một vài con số thay đổi ở đây và ở kia, thế là hàng ngàn công nhân sẽ dựng nên một tòa nhà chọc trời. Một vài số khác thay đổi, thế là một doanh nghiệp đáng kính trọng phải đóng cửa. Nợ nước ngoài của một nước Thế giới thứ ba, một lần nữa cũng chỉ là các con số trong một máy vi tính, khiến cho người dân của nước đó rơi vào cảnh nô lệ vĩnh viễn để sản xuất hàng hoá xuất khẩu ra nước ngoài. Các sinh viên đại học vì phải lo trả nợ cho các khoản vay sinh viên (ở Mỹ sinh viên được cho vay tiền để trang trải chi phí học đại học với điều kiện họ cam kết sẽ dùng thu nhập trong tương lai để trả nợ-ND) nên phải từ bỏ ước mơ của mình và vội vàng lao vào kiếm tiền. Ý chí của họ phụ thuộc vào một mảnh giấy với các ký hiệu ma thuật (“Báo cáo số dư tài khoản”) gửi cho họ mỗi tháng một lần, giống như một lời nhắn ngắn ngủi trong một giáo phái tà thuật. (2) Thật vậy, những tờ giấy mà chúng ta gọi là tiền này, các đốm sáng điện tử này, có một ma lực khủng khiếp!

Ma thuật hoạt động theo cách nào? Các nghi thức và bùa chú khẳng định và duy trì những câu chuyện chung mà tất cả chúng ta đều tin và tham gia vào, những câu chuyện tạo dựng nên thực tại của chúng ta, phối hợp sức lao động của chúng ta, và tổ chức cuộc sống của chúng ta. Chỉ trong những khoảng thời gian đặc biệt thì chúng mới không có hiệu quả: thời điểm kết thúc câu chuyện. Hiện tại chúng ta đang bước vào thời điểm đó. Các biện pháp kinh tế được ban hành để ngăn chặn cuộc khủng hoảng đã bắt đầu trong năm 2008 đã chỉ có hiệu quả tạm thời. Chúng không giải quyết được gốc rễ của cuộc khủng hoảng. Cuộc cải cách hiệu quả duy nhất sẽ là một cuộc cái cách biểu hiện, khẳng định và duy trì một câu chuyện mới. Chúng ta hãy cùng đào sâu qua các lớp thực tại đang sụp đổ và mối quan hệ của chúng với tiền để biết được câu chuyện mới sẽ như thế nào.

Phản ứng đầu tiên của chính phủ đối với cuộc khủng hoảng năm 2008 là sự phủ nhận. Khi sự phủ nhận đó tỏ ra không có hiệu quả, Cục Dự trữ Liên bang và Bộ Tài chính đã thử một cách quản lý nhận thức khác. Bằng các câu thần chú bí ẩn, họ ra hiệu cho chính phủ rằng đừng để những tổ chức tài chính như Fannie Mae phá sản. Họ hy vọng rằng sự đảm bảo của họ sẽ đủ để duy trì giá trị của các tài sản, mà điều đó phụ thuộc vào sự thịnh vượng liên tục của các tổ chức này. Lẽ ra hành động này sẽ có hiệu quả nếu câu chuyện mà các biện pháp mang tính biểu tượng này kêu gọi chưa bị phá vỡ. Nhưng nó đã vỡ rồi. Cụ thể là, câu chuyện chỉ định giá trị cho chứng khoán thế chấp bởi tài sản và các chứng khoán phái sinh khác dựa trên các khoản vay không trả được đã kết thúc. Không giống như lạc đà hay ngũ cốc, nhưng giống như tất cả các loại tiền tệ hiện đại, chứng khoán có giá trị chỉ vì người ta tin rằng chúng có giá trị. Hơn nữa, đây không phải chỉ là một niềm tin riêng biệt, mà nó gắn liền với hàng triệu niềm tin, quy ước, thói quen, thỏa thuận và nghi thức khác.

Bước tiếp theo là bắt đầu bơm thêm một lượng lớn tiền mặt vào các tổ chức tài chính đang sắp sập, hoặc để đổi lấy một khoản tương ứng (thực chất là quốc hữu hoá các tổ chức tài chính đó, như trong trường hợp của Fannie Mae, Freddie Mac, và AIG) hoặc chẳng đổi lấy cái gì như trong chương trình TARP. Trong trường hợp thứ hai, Bộ Tài chính bảo đảm hoặc mua tài sản độc hại* của ngân hàng với hy vọng cải thiện bảng cân đối (thu chi, tài sản) của ngân hàng để họ có thể bắt đầu cho vay lại, do đó giữ cho bong bóng tín dụng tiếp tục mở rộng. Hành động này không có hề hiệu quả. Các ngân hàng giữ lại khoản tiền (ngoại trừ số tiền họ lấy ra để thưởng cho các giám đốc điều hành) như là một cách để chống lại việc tiếp tục có thêm các tài sản xấu, hoặc họ sử dụng khoản tiền đó để mua lại các ngân hàng nhỏ hơn và lành tính hơn. Họ đã không tiếp tục cho người tiêu dùng (những người đã hết khả năng trả nợ) vay, cũng không bỏ tiền ra nâng đỡ các doanh nghiệp trước bờ vực của một cuộc suy thoái. Giá trị tài sản tiếp tục giảm, tỷ lệ vỡ nợ tín dụng tiếp tục tăng, và toàn bộ tài sản phái sinh được xây dựng trên chúng tiếp tục sụp đổ. Tiêu dùng và hoạt động kinh doanh sụt giảm, thất nghiệp tăng vọt, và người dân ở châu Âu bắt đầu nổi loạn trên đường phố. Và tại sao lại như vậy? Chỉ vì một vài con số đã thay đổi trong những cái máy vi tính nào đó. Thật là kì diệu! Điều này chỉ hợp lí khi bạn coi những con số này là những cái bùa chú hiện thân cho các thỏa thuận. Một nhà cung cấp đào các khoáng vật ra khỏi mặt đất và gửi chúng đến một nhà máy, để đổi lấy cái gì? Đổi lấy một vài tờ giấy, hoặc nhiều khả năng hơn là, đổi lấy một số bit trong một cái máy vi tính, mà điều này chỉ có thể xảy ra với sự cho phép của một ngân hàng (là tổ chức “cung cấp tín dụng”).

(*toxic assets – Tài sản độc hại là thuật ngữ dùng để chỉ những loại tài sản mà không ai muốn sờ tới bởi vì nó bị coi là rất nguy hiểm. Ví dụ một người thế chấp nhà để có khoản vay cầm cố, người vay trả lãi đủ và đúng hạn thì đó là Tài sản lành mạnh, và các ngân hàng có thể bán đi các tài sản lành mạnh này cho các ngân hàng khác. Nhưng nếu người vay không hoàn thành nghĩa vụ trả nợ dẫn đến bị tịch thu nhà và giá của ngôi nhà giảm xuống thấp hơn giá trị của khoản nợ thì lập tức tài sản cầm cố là ngôi nhà bị giảm giá trị và trở thành tài sản độc hại -ND)

Trước khi chúng ta trở nên quá lo lắng về việc trao hàng tỷ tỷ đô la cho những người giàu, chúng ta hãy cùng xem xét lại tính thực tế của tiền bạc. Điều gì thực sự xảy ra khi số tiền này được trao đi? Hầu như chẳng có gì xảy ra. Chỉ có các bit trong các máy vi tính là thay đổi, và một vài người hiểu được cách diễn dịch của các bit đó tuyên bố rằng tiền đã được chuyển. Những bit đó là đại diện mang tính biểu tượng của một thỏa thuận về một câu chuyện. Trong câu chuyện này có người giàu và người nghèo, có chủ nợ và con nợ. Người ta nói rằng con cháu chúng ta sẽ phải trả những khoản nợ cứu trợ và khoản nợ kích thích phát triển kinh tế này, nhưng những khoản nợ đó cũng có thể được tuyên bố là không tồn tại. Chúng chỉ có thực khi tất cả chúng ta cùng tán thành câu chuyện mà trong đó chúng tồn tại. Con cháu của chúng ta sẽ chỉ phải trả nợ nếu câu chuyện về các khoản nợ kia vẫn chưa kết thúc. Nhưng tôi cho rằng ngày càng có nhiều người cảm thấy các khoản nợ liên bang, nợ nước ngoài của Mỹ cùng rất nhiều khoản nợ thế chấp và nợ tín dụng cá nhân của chúng ta sẽ không bao giờ được hoàn trả.

Chúng ta nghĩ rằng những ông trùm phố Wall đã bỏ trốn với hàng tỷ đô la, nhưng số tiền đó là gì? Chúng cũng là các con số trong máy vi tính, và về mặt lý thuyết có thể bị xóa bỏ. Tương tự với số tiền mà Mỹ nợ Trung Quốc hoặc các nước Thế giới Thứ ba nợ các ngân hàng. Chúng có thể biến mất với một lời tuyên bố đơn giản. Vì vậy, chúng ta có thể thấy rằng những khoản tiền khổng lồ trao đi trong nhiều chương trình cứu trợ tài chính cũng chỉ như như là một phương tiện khác trong việc quản lý nhận thức, mặc dù lần này đây này là một hành động vô thức. Sự cứu trợ này là hành động mang tính nghi thức nhằm cố gắng duy trì một câu chuyện, một ma trận các thỏa thuận và các hoạt động của con người xoay quanh câu chuyện đó. Chúng là nỗ lực để duy trì sức mạnh của các tà thuật mà chính những tà thuật này đang khiến cho các sinh viên phải lao đi kiếm tiền ngay sau khi tốt nghiệp và biến những người trung niên thành nô lệ của tài sản thế chấp của chính họ. Những tà thuật này cho một số người sức mạnh để thực sự dịch chuyển những ngọn núi theo nghĩa đen trong khi đó vẫn trói buộc nhiều người trong xiềng xích.

Nhắc tới Trung Quốc, chúng ta cần phải nhìn vào thực tế về mặt vật chất nằm dưới sự mất cân bằng thương mại. Về cơ bản, Trung Quốc đang vận chuyển cho chúng ta (Mỹ) số lượng lớn quần áo, đồ chơi, đồ điện tử, gần như mọi thứ trong Wal-Mart và đổi lại chúng ta sắp xếp lại một số bit trong một số máy vi tính. Trong khi đó, người lao động Trung Quốc cũng làm việc chăm chỉ y như chúng ta, nhưng mức lương của họ thì ít hơn của chúng ta nhiều. Nếu giống như thời xưa, Trung Quốc sẽ được gọi là “một quốc gia chư hầu” và những thứ mà họ gửi cho chúng ta sẽ được gọi là “cống vật” (3). Tuy nhiên, Trung Quốc cũng sẽ làm mọi điều có thể để duy trì hệ thống tiền tệ hiện tại, với cùng một lý do như chúng ta: tầng lớp thượng lưu của họ được hưởng lợi từ nó. Giống y như thời Roma cổ đại! Giới thượng lưu của đế quốc ngày càng thịnh vượng trên cái giá là sự khổ cực ngày càng tăng của người dân. Để xoa dịu và giữ cho họ dễ bảo và ngu ngốc, quần chúng được cung cấp bánh mì và rạp xiếc: thực phẩm rẻ tiền, những chuyện giật gân rẻ tiền, tin tức của người nổi tiếng và Super Bowl (“Siêu cúp Bóng bầu dục Mỹ” là trận tranh chức vô địch thường niên của Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia Mỹ từ năm 1967. Trong hầu hết các năm qua, Super Bowl là chương trình được theo dõi nhiều nhất trong các chương trình phát sóng của truyền hình Mỹ. Ngày Chủ nhật Siêu Cúp của giải Super Bowl không chỉ là một trong những sự kiện thể thao lớn nhất mà bây giờ được xem như là ngày lễ quốc gia của Mỹ-ND).

Dù chúng ta tuyên bố kết thúc nó, hay dù nó tự kết thúc, thì hồi kết của câu chuyện về tiền cũng sẽ là hồi kết của rất nhiều thứ khác. Đó là lý do tại sao Mỹ sẽ không tuyên bố vỡ nợ. Nếu Mỹ làm như vậy, thì câu chuyện mà dựa vào đó dầu mỏ Trung Đông, điện tử Nhật Bản, vải vóc Ấn Độ và nhựa Trung Quốc được vận chuyển tới Mỹ cũng sẽ chấm dứt. Thật không may, hay đúng hơn là may, câu chuyện đó không thể được duy trì mãi mãi. Lý do cơ bản là: những khoản nợ không thể phát triển theo cấp số nhân một cách vô hạn trong một thế giới hữu hạn.

Khi tiền bốc hơi như trong chu kỳ giảm phát nợ hiện tại, thế giới vật chất gần như vẫn chưa có nhiều thay đổi ngay tức thì. Các tệp tiền không biến thành tro bụi; các nhà máy không nổ tung; các máy móc không hỏng hóc; các giếng dầu chưa cạn kiệt; các kỹ năng của người dân không biến mất. Tất cả các vật liệu và kỹ năng được trao đổi trong nền kinh tế, mà dựa vào đó chúng ta có thực phẩm, chỗ ở, phương tiện đi lại, giải trí, vân vân, vẫn tồn tại như trước. Cái biến mất là khả năng phối hợp các hoạt động của chúng ta và khả năng tập hợp các nỗ lực chung. Chúng ta vẫn có thể hình dung ra được một sân bay mới, nhưng chúng ta không thể xây dựng nó. Ma thuật kỳ diệu mà có thể biến lời tuyên bố “Một sân bay sẽ được xây dựng ở đây” thành một thực tại vật chất đã mất đi sức mạnh của nó. Bàn tay của con người, trí óc của con người, và máy móc vẫn giữ nguyên khả năng của chúng, tuy nhiên chúng ta không thể làm được những gì chúng ta đã từng có thể làm. Cái duy nhất thay đổi ở đây là nhận thức của chúng ta.

Do đó, chúng ta có thể thấy các khoản cứu trợ, nới lỏng định lượng*, và các biện pháp tài chính khác để cứu nền kinh tế là những biện pháp quản lý nhận thức, nhưng ở mức độ sâu sắc và ít có ý thức hơn. Bởi vì cuối cùng thì tiền là gì? Tiền chỉ là một thỏa thuận xã hội, một câu chuyện ấn định ý nghĩa và các vai trò. Định nghĩa kinh điển về tiền – một phương tiện trao đổi, một kho giá trị, một đơn vị tài khoản – mô tả những chức năng của tiền, nhưng không nhắc tới tiền là gì. Về mặt vật chất, hiện tại nó gần như chẳng là cái gì. Về mặt xã hội, nó gần như là tất cả mọi thứ: là tác nhân chính cho sự phối hợp hoạt động của con người và cho sự tập hợp các mục đích tập thể của con người.

(*quantitative easing – các ngân hàng trung ương sẽ nới lỏng định lượng bằng cách in tiền và ghi nợ vào tài khoản mình. Sau đó, ngân hàng trung ương sẽ mua tài sản từ các ngân hàng thương mại bằng số tiền mới in ra này. Bằng cách tăng thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, ngân hàng trung ương kỳ vọng các ngân hàng thương mại này sẽ cho vay ra nhiều hơn để kích thích kinh tế)

Hiện nay, việc chính phủ triển khai hàng nghìn tỉ đô-la để cứu các tổ chức tài chính cũng không khác gì so với những câu nói trống rỗng của họ trước kia. Thực chất, cả hai đều chỉ là hành động thao túng nhiều loại biểu tượng khác nhau và cả hai đều thất bại vì một lý do giống nhau: câu chuyện mà nó cố gắng kéo dài đã đến hồi kết. Cái mà chúng ta từng cho là bình thường là không bền vững.

Nó không bền vững ở hai cấp độ. Thứ nhất là: kim tự tháp nợ tức sự gia tăng theo cấp số nhân của tiền chắc chắn sẽ vượt xa nền kinh tế thực. Giải pháp ở mức độ này là cái mà các nhà kinh tế học tự do (thường tự nhận là người theo chủ nghĩa Keynes) đề xuất: phân phối lại tài sản, kích thích tài chính, xóa nợ, và vân vân. Thông qua những điều này, họ hy vọng tái kích thích tăng trưởng kinh tế, nhưng ngay cả sự “bình thường” ở cấp độ này này cũng đang kết thúc.

Thử thách bước ngoặt của Nhân Loại

Câu chuyện đang kết thúc trong thời đại của chúng ta có nguồn gốc sâu xa hơn câu chuyện về tiền tệ nhiều. Tôi gọi câu chuyện này là “Sự thăng tiến của Nhân loại”. Đây là câu chuyện về sự phát triển bất tận, và hệ thống tiền tệ của chúng ta ngày nay là một hiện thân của câu chuyện đó, nó cho phép và thúc đẩy sự chuyển đổi những gì thuộc phạm vi tự nhiên thành những thứ thuộc phạm vi con người. Nó bắt đầu từ nhiều thiên niên kỉ trước, khi con người lần đầu tiên biết sử dụng lửa và sáng tạo các công cụ; nó tăng tốc khi chúng ta áp dụng những công cụ này để thuần hóa động vật và thực vật và bắt đầu chinh phục tự nhiên, để biến thế giới thuộc về riêng chúng ta. Nó đạt đến đỉnh cao vinh quang trong thời đại của Máy móc, khi chúng ta tạo ra một thế giới hoàn toàn nhân tạo, khai thác tất cả các sức mạnh của thiên nhiên và tưởng tượng rằng mình là chúa tể và chủ sở hữu của nó. Và bây giờ, câu chuyện đó đang dần đi đến kết thúc như một sự chứng ngộ không thể ngờ được rằng nó không đúng. Dù chúng ta cố giả vờ như thế nhưng thế giới không thực sự là của chúng ta; dù chúng ta ảo tưởng như thế nhưng chúng ta thực sự không kiểm soát được nó. Khi những hậu quả không mong đợi của công nghệ tăng lên, khi cộng đồng và sức khoẻ của chúng ta cũng như nền tảng sinh thái xuống cấp, khi chúng ta khám phá những chiều sâu mới của khổ đau, bạo lực và hận thù, chúng ta bước vào giai đoạn cuối cùng của câu chuyện: khủng hoảng, đỉnh cao, và kết thúc. Nghi lễ tà thuật của những người kể chuyện đã hết hiệu quả. Không có câu chuyện nào có thể tồn tại vượt quá hồi kết của nó.

Cũng như cuộc sống không kết thúc ở tuổi thiếu niên, sự tiến hóa của nền văn minh cũng không dừng lại với sự kết thúc tăng trưởng. Chúng ta đang ở giữa sự chuyển tiếp tương tự như sự chuyển tiếp từ thời niên thiếu sang thời kì trưởng thành. Sự tăng trưởng về thể chất chấm dứt, và các nguồn lực quan trọng quay trở vào trong để thúc đẩy tăng trưởng ở các phạm vi khác.

Dù ở mức độ cá nhân hay mức độ loài, quá trình chuyển đổi từ tuổi thơ ấu sang tuổi trưởng thành được đánh dấu bởi hai bước phát triển quan trọng. Thứ nhất: chúng ta biết yêu, và mối quan hệ yêu thương này khác với mối quan hệ giữa đứa trẻ với người mẹ. Khi còn nhỏ, đứa trẻ chủ yếu chỉ “nhận”, còn người mẹ chủ yếu chỉ “cho đi”. Tôi sẵn sàng cho con mình tất cả những gì có thể, và tôi muốn chúng nhận những điều đó một cách vô tư thoải mái. Lẽ đương nhiên là một đứa trẻ sẽ làm những điều cần làm để phát triển, cả về thể chất và tinh thần. Một người cha/mẹ tốt sẽ cung cấp các nguồn lực cần thiết cho sự tăng trưởng này, như Mẹ Trái Đất đã làm cho chúng ta.

Cho đến nay, con người chúng ta vẫn đang là con cái trong mối quan hệ với trái đất. Khi còn là những người săn bắt hái lượm, chúng ta ở trong tử cung của người mẹ, lúc đó không hề có sự phân biệt giữa con người và thiên nhiên, con người tồn tại trọn vẹn trong thiên nhiên. Một đứa trẻ sơ sinh không phân biệt rõ ràng giữa bản thân nó và người khác, phải mất một thời gian thì nó mới hình thành nên bản sắc và cái tôi riêng và học được rằng thế giới không phải là sự mở rộng của bản thân nó. Toàn thể loài người đã và đang là như vậy. Trong khi những người săn bắt hái lượm không hề có khái niệm “thiên nhiên” tách biệt với “con người”, thì những người làm nông nghiệp – người kiếm sống dựa vào sự khách quan hoá và thao túng thiên nhiên – đã nghĩ đến thiên nhiên như một thứ tách biệt với con người. Trong thời thơ ấu tức thời kì của nền văn minh nông nghiệp, nhân loại đã phát triển bản sắc riêng và lớn lên nhiều. Thời thiếu niên của con người gắn với nền công nghiệp và chúng ta đã lớn vọt hẳn lên. Về mặt tâm lí, thông qua Descartes, chúng ta tách biệt hẳn với thiên nhiên, phát triển bản ngã một cách hoàn toàn giống như các thiếu niên tuổi teen siêu lí lẽ. Trong Thời đại Khoa học, nhân loại đã hoàn thành giai đoạn phát triển nhận thức, trong đó bao gồm sự thao túng các khái niệm trừu tượng. Tuy nhiên, Dương cực thì sinh Âm, bởi vậy khi sự chia cắt lên đến đỉnh điểm thì đó cũng là lúc hạt giống mới xuất hiện: hạt giống của sự “tái hợp nhất”.

Ở tuổi vị thành niên, chúng ta bắt đầu yêu, thế giới của lý trí và sự ích kỷ tan vỡ khi cái tôi mở rộng để ôm ấp lấy người mà chúng ta yêu. Một mối quan hệ yêu thương mới mẻ xuất hiện, trong đó chúng ta không chỉ biết nhận mà còn biết cho đi và cùng nhau sáng tạo nữa. Là một cá nhân đã tách biệt hoàn toàn khỏi “mọi người khác”, chúng ta có thể bắt đầu yêu thương trở lại và trải nghiệm một sự tái hợp lớn hơn cả sự hợp nhất ban đầu, vì trong đó chứa toàn bộ hành trình của sự chia cắt.

Sự thức tỉnh trên diện rộng đầu tiên xảy ra trong những năm 1960 với sự ra đời của phong trào bảo vệ môi trường. Trên đỉnh điểm của sự chia cắt, nhìn lại công cuộc chinh phục thiên nhiên một cách đắc thắng, chúng ta bắt đầu để ý thấy Mẹ Thiên Nhiên đã trao cho chúng ta nhiều thế nào; chúng ta bắt đầu nhận thức được những nỗi đau, những vết thương của Mẹ, và chúng ta bắt đầu mong muốn không chỉ lấy đi từ trái đất, mà còn cống hiến cho trái đất, bảo vệ và nâng niu trái đất nữa. Mong muốn này không dựa trên nỗi sợ tuyệt chủng – điều đó đến sau – mà dựa trên tình yêu. Chúng ta phải lòng với trái đất. Trong thập kỷ đó, những bức ảnh đầu tiên của trái đất được chụp từ ngoài không gian bởi các vệ tinh, và chúng ta bị chuyển hoá bởi vẻ đẹp của hành tinh này. Nhìn trái đất từ bên ngoài là bước cuối cùng của sự tách biệt khỏi thiên nhiên. Khi các phi hành gia rời trái đất và bay ra ngoài vũ trũ, họ cũng phải lòng với trái đất. Đây là lời của phi hành gia Rusty Schweickart:

Nhìn từ mặt trăng, Trái Đất thật nhỏ bé và mong manh, nó như một cái đốm bé xíu kì diệu trong Vũ trụ mà có thể bị che khuất bởi một ngón tay cái. Rồi bạn nhận ra rằng cái đốm đó, cái thứ nhỏ bé màu xanh xanh trắng trắng đó, chứa đựng tất cả mọi thứ có ý nghĩa đối với bạn – lịch sử, âm nhạc, thơ ca, nghệ thuật, cái chết, sự sống, tình yêu, nước mắt, niềm vui, trò chơi, tất cả đều ở trên cái đốm nhỏ mà bạn có thể dùng ngón tay để che đi đó. Và bạn nhận ra rằng từ góc nhìn đó bạn đã thay đổi mãi mãi, rằng có một điều gì đó mới mẻ, rằng mối quan hệ của bạn với trái đất đã không còn như xưa nữa.

Dấu mốc thứ hai của quá trình chuyển đổi sang tuổi trưởng thành là một cuộc thử thách. Các nền văn hoá bộ lạc thời xưa tổ chức nhiều buổi lễ và nhiều cuộc thử thách, với mục đích phá vỡ tự ngã cá nhân của các thiếu nhiên thông qua sự cô lập, đau đớn, nhịn ăn, các loại cây tạo ảo giác, hoặc các phương tiện khác, và sau đó xây dựng lại và gộp cái tự ngã nhỏ bé đó vào với một cái ngã (identity) chung lớn hơn và siêu việt. Bằng trực giác, những con người hiện đại chúng ta tìm đến các thử thách này thông qua rượu, ma túy, tham gia bè nhóm và quân đội v.v…, nhưng kể cả như vậy những trải nghiệm đó thường chỉ mang tính cục bộ chứ chưa phải là toàn bộ quá trình [chuyển đổi sang đổi sang tuổi trưởng thành]. Điều đó khiến cho chúng ta giống như mãi mãi vẫn là thiếu niên và chỉ trở thành người trưởng thành khi số phận can thiệp và xé toạc thế giới cũ của chúng ta thành nhiều mảnh. Rồi sau đó chúng ta nhập vào một cái ngã lớn hơn, trong đó cho đi cũng tự nhiên như nhận lại. Một người trưởng thành thực thụ có toàn quyền nắm giữ các tài năng của mình và dùng chúng để đem lại lợi ích cho toàn thể.

Hiện nay nhân loại đang trải qua một thử thách tương tự. Nhiều cuộc khủng hoảng hội tụ là một thử thách thách thức cách chúng ta nhìn nhận bản thân, một thử thách mà không có gì đảm bảo là chúng ta sẽ sống sót qua được nó. Nó kêu gọi những năng lực chưa bao giờ được sử dụng đến và buộc chúng ta phải thay đổi mối liên hệ của mình với thế giới. Sự tuyệt vọng mà những người nhạy cảm cảm thấy khi đối mặt với cuộc khủng hoảng là một phần của cuộc thử thách. (4) Như một người đã được khai tâm, chúng ta sẽ tham gia cộng đồng của sự sống với tất cả mọi loài như một thành viên trưởng thành. Năng lực độc nhất về công nghệ và văn hoá của chúng ta, chúng ta sẽ dùng để góp phần đem lại lợi ích cho tất cả.

Khi nhân loại vẫn trong thời kì thơ ấu, một hệ thống tiền bạc mà là hiện thân của sự tăng trưởng và ngày càng lấy đi nhiều hơn từ trái đất có lẽ cũng hợp lí. Đó là một phần không thể tách rời của câu chuyện về sự Thăng tiến của con người. Ngày nay nó đang nhanh chóng trở nên lỗi thời. Nó không phù hợp với tình yêu của người trưởng thành, với một mối quan hệ mà trong đó “cho” cũng quan trọng như “nhận”. Đó là lý do tại sao không cải cách tài chính hoặc kinh tế nào có thể hoạt động hiệu quả nếu nó không đưa ra một kiểu tiền mới. Kiểu tiền mới này phải chứa đựng một câu chuyện mới, một câu chuyện mà trong đó chúng ta coi thiên nhiên không chỉ là mẹ mà còn là người yêu nữa. Chúng ta vẫn cần có tiền trong một thời gian dài bởi vì chúng ta cần những biểu tượng kỳ diệu để vật chất hoá Câu chuyện về Con người. Tính chất cơ bản của tiền sẽ không thay đổi: dù là tiền vật chất hay điện tử, thông qua nó chúng ta sẽ phân công vai trò, tập hợp mục đích và điều phối hoạt động của con người.

Ngày nay lãi suất là một phần của sự chia cắt, trong đó “nhiều hơn cho tôi là ít hơn cho bạn.” Bản chất của lãi suất là: Tôi sẽ chỉ “chia sẻ” tiền với bạn nếu tôi có thể kiếm về nhiều hơn nữa. Ở cấp độ mang tính hệ thống, lãi suất trên tiền tạo ra sự cạnh tranh, lo lắng, và phân cực giàu nghèo. Trong khi đó, câu nói “nhiều hơn cho tôi là ít hơn cho bạn” vừa là khẩu hiệu vừa là một điều hiển nhiên đối với cái tôi khép kín và tách biệt của kinh tế học, sinh học, và triết học hiện đại.

Chỉ khi ý thức về bản thân mở rộng để bao gồm những người khác, thông qua tình yêu, thì sự hiển nhiên đó mới được thay thế bởi điều trái ngược: “Nhiều hơn cho bạn cũng là nhiều hơn cho tôi.” Đây là chân lý cơ bản trong các lời dạy tâm linh đích thực trên toàn thế giới, từ Quy tắc Vàng của Chúa Jesus đến học thuyết Phật giáo về Nghiệp Quả. Tuy nhiên, chỉ đơn thuần hiểu và đồng ý với những lời dạy này là không đủ; có một khoảng cách giữa những điều chúng ta tin và cách chúng ta sống. Một sự chuyển hoá thực sự về cách sống là cần thiết, và sự chuyển hoá đó thường xảy ra theo cách tương tự như quá trình chuyển hoá tập thể đang diễn ra: thông qua sự sụp đổ của Câu chuyện cũ về Cái Tôi và Thế giới, và sự ra đời của một Câu chuyện mới. Câu chuyện về Cái Tôi cũng có khởi điểm và kết thúc. Đã bao giờ bạn có một trải nghiệm mà sau trải nghiệm đó, bạn hầu như không biết mình là ai nữa hay chưa?

Khi cái tôi đã trưởng thành và cảm nhận được sự liên kết của mình với vạn vật, sẽ có một sự cân bằng giữa cho và nhận. Khi đó, bạn cho dựa trên khả năng và nhận dựa trên nhu cầu.

“Mỗi người cho đi theo khả năng và nhận theo nhu cầu”. Đây là một nguyên tắc cơ bản của Chủ nghĩa Xã hội, nó lột tả bản chất của bất kỳ mạng lưới quà tặng nào (gift network), dù mạng lưới đó là một cơ thể con người, một hệ sinh thái hay văn hoá quà tặng trong các bộ lạc. Nền kinh tế thiêng liêng mà tôi sẽ miêu tả trong các chương sau cũng dựa trên nguyên tắc này. Trong nền kinh tế thiêng liêng, tiền sẽ phục vụ những mục đích khác hoàn toàn, những mục đích đó gắn liền với những Câu chuyện mới về Con người, về Cái tôi và về Thế Giới. Tiền sẽ mang tính tuần hoàn theo chu kỳ chứ không phát triển theo cấp số mũ, nó luôn quay trở lại nguồn gốc ban đầu của nó; nó khuyến khích bảo vệ và làm phong phú thiên nhiên, chứ không vắt kiệt tài nguyên thiên nhiên; nó định nghĩa lại sự giàu có dựa trên sự hào phóng của một người chứ không phải trên số tài sản mà người đó tích luỹ được; nó biểu thị sự trù phú chứ không phải sự khan hiếm. Nó có khả năng tái tạo hoạt động cho và nhận quà của các xã hội nguyên thủy trên quy mô toàn cầu, sản sinh ra các khả năng mới của nhân loại và hướng các khả năng đó vào mục đích phục vụ các nhu cầu của trái đất.

Tôi nhớ hồi còn là thiếu niên đã từng đọc và bị cuốn hút bởi cuốn Atlas Shrugged của Ayn Rand. Trong đó có các nhân vật siêu lí lẽ theo chủ nghĩa tuyệt đối về mặt luân lí. Cuốn sách là một bản tuyên ngôn của cái tôi khép kín và tách biệt, cái tôi vụ lợi ích kỉ, và cho đến nay nó vẫn cuốn hút nhiều người trẻ tuổi. Cuốn sách tập trung vào việc châm chọc một cách chua xót câu nói “mỗi người cho đi theo khả năng và nhận theo nhu cầu”. Nó vẽ lên một bức tranh về những người ganh đua nhau trong việc tỏ ra là mình khó khăn thiếu thốn để được nhận phần hơn, trong khi đó các nhà sản xuất lại chẳng có chút động lực nào để sản xuất. Kịch bản này phản ánh một nỗi sợ hãi căn bản của cái tôi hiện đại – cái tôi bị điều kiện hoá bởi sự khan hiếm: nếu tôi cho đi mà không nhận lại được gì thì sao? Mong muốn có sự đảm bảo được đền đáp, một khoản đền bù khi đánh liều cho đi một cách hào phóng, là tâm lí nền tảng của sự ích kỉ – một kiểu tâm lí vị thành niên. Tâm lí ích kỉ đó sẽ thay đổi khi nhận thức về cái tôi của chúng ta chín chắn hơn để thực sự đóng góp vào cộng đồng sự sống. Chúng ta ở đây để biểu lộ các món quà (tài năng) của mình; đó là một trong số những mong ước sâu xa nhất của chúng ta, và chúng ta không thể sống trọn vẹn nếu không làm vậy.

Hầu hết nhu cầu đã bị tiền tệ hoá, trong khi lượng lao động cần thiết để đáp ứng những nhu cầu đó đang giảm xuống. Do đó, để tài năng của con người được biểu lộ một cách trọn vẹn, sự dư thừa trong khả năng sáng tạo của con người nên đổi hướng sang các hoạt động khác không thân thiện với Tiền dựa trên sự Chia cắt [để đẩy nhanh sự sụp đổ của nó]. Bởi không nghi ngờ gì nữa, cỗ máy Tiền đã và vẫn đang tiếp tục phá huỷ rất nhiều điều tốt đẹp – cả những điều dành cho tất cả mà không thể bị sở hữu bởi bất kì cá nhân nào. Ví dụ như: một bầu trời đêm đầy sao không bị ô nhiễm ánh sáng; một vùng nông thôn yên ả không có tiếng ồn xe cộ; nền kinh tế đô thị đa văn hóa sôi động; các sông, hồ và biển không bị ô nhiễm; nền tảng sinh thái cho sự khai hoá của con người. Nhiều người trong chúng ta có tài năng trong các hoạt động bảo vệ và phát huy những điều đẹp đẽ đó, nhưng sẽ chẳng ai trả công cho chúng ta để chúng ta cống hiến tài năng của mình. Đó là bởi vì hệ thống tiền tệ như chúng ta biết dựa trên việc chuyển đổi các tài sản công cộng thành tài sản tư nhân. Tiền mới sẽ khuyến khích điều ngược lại, và mâu thuẫn giữa lý tưởng của chúng ta với thực tế tài chính thực tế sẽ kết thúc.

Tiền kèm lãi suất là tiền phải tăng trưởng, và nó phù hợp cho giai đoạn phát triển của nhân loại trên trái đất và cho câu chuyện về sự thăng tiến, thống trị và làm chủ của con người. Giai đoạn tiếp theo sẽ dành cho mối quan hệ hợp tác cùng sáng tạo với trái đất. Câu chuyện mới dành cho giai đoạn mới này đang hình thành ngay lúc này đây. Những người kể câu chuyện đó là những người có tầm nhìn trong các lĩnh vực như Nông nghiệp bền vững, y học tổng thể, năng lượng tái tạo, cải tạo sinh học bằng nấm, tiền tệ địa phương, công lý tái tạo, cha mẹ gắn kết, và hàng triệu lĩnh vực khác. Việc đảo ngược những thiệt hại mà Kỉ nguyên Lãi suất đã gây ra cho thiên nhiên, văn hoá, sức khoẻ và tinh thần sẽ đòi hỏi mọi tài năng của con người phải được phát triển ở một cấp độ mới.

Điều này có vẻ ngây thơ, mơ hồ và lý tưởng một cách vô vọng. Nhưng, hãy lắng nghe tiếng nói của lý tưởng và tiếng nói của sự hoài nghi trong bạn, và tự hỏi: “Mình có thể chấp nhận và hài lòng với những điều kém hơn thế này hay không?” Bạn có thể chịu đựng và chấp nhận một thế giới càng ngày càng xấu xí hay không? Bạn có chịu tin rằng sự xấu xí đó là không thể tránh khỏi hay không? Bạn không thể! Một niềm tin như vậy sẽ từ từ giết chết linh hồn bạn, đó là điều chắc chắn. Cái đầu của chúng ta thích chủ nghĩa hoài nghi, thích sự thoải mái và an toàn của nó, nó không dám tin vào bất kì điều gì phi thường, nhưng trái tim thì khác; nó kêu gọi chúng ta đến với cái đẹp, và chỉ khi lắng nghe theo lời kêu gọi của nó thì chúng ta mới dám sáng tạo nên một Câu chuyện mới.

Chúng ta đang ở đây để tạo ra một cái gì đó đẹp đẽ; tôi gọi đó là “thế giới đẹp hơn mà trái tim chúng ta tin là có thể”. Khi chân lí này ngấm càng ngày càng sâu trong chúng ta, và khi sự hội tụ của các cuộc khủng hoảng đẩy chúng ta ra khỏi thế giới cũ, chắc chắn ngày càng nhiều người sẽ sống bằng chân lí đó. Nhiều hơn cho bạn không có nghĩa là ít hơn cho tôi. Điều gì tôi làm cho bạn cũng là cho tôi. Sống để cho đi những gì mình có thể và lấy những gì mình cần. Chúng ta có thể bắt đầu ngay từ bây giờ. Chúng ta sợ, nhưng khi chúng ta thực sự sống như vậy, thế giới sẽ đáp ứng nhu cầu của chúng ta và còn hơn thế nữa. Rồi chúng ta sẽ thấy câu chuyện về Sự Chia Cắt, thể hiện trong hệ thống tiền tệ mà chúng ta vẫn biết, không phải là sự thật và chưa bao giờ là sự thật. Tuy nhiên, mười thiên niên kỷ vừa qua không phải là vô ích. Đôi khi chúng ta cần phải sống trên sự sai lầm đến hết mức tối đa trước khi sẵn sàng chạm được tới sự thật. Ước lệ sai lầm về sự Chia Cắt của Kỉ nguyên Lãi suất đã kết thúc. Chúng ta đã khám phá mọi ngóc ngách của nó, đã chạm tới các thái cực của nó, đã thấy rõ tất cả những thứ nó mang lại: các sa mạc và các nhà tù, các trại tập trung và các cuộc chiến tranh, sự lãng phí những cái tốt, cái thật, và cái đẹp. Giờ đây, những năng lực mà chúng ta đã phát triển trong suốt hành trình dài đó sẽ rất có ích cho Kỉ nguyên Tái Hợp sắp tới.

******KẾT THÚC PHẦN I******

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *