Chương 19: Không tích luỹ

4 Tháng Bảy 2018
Chuyên mục
Sacred Economics
Bình luận  0

Khi sự tích lũy của cải không còn thể hiện tính thượng lưu trong xã hội nữa, sẽ có những thay đổi lớn về tiêu chuẩn đạo đức. Chúng ta sẽ có thể tự giải thoát khỏi nhiều nguyên tắc đạo đức giả tạo đã giày vò chúng ta suốt hai trăm năm qua, mà thông qua những nguyên tắc này chúng ta đã tâng bốc một số đặc tính đáng ghét nhất của con người lên vị trí của những phẩm chất cao quý nhất. – John Maynard Keynes

Hãy sống nhân đức trước khi của cải khiến ngươi trở nên tham lam. – Sir Thomas Browne

Trong cuốn sách này tôi đã nêu rõ quan niệm về sự giàu có như là một dòng chảy thay vì một sự tích lũy. Đây không phải là một ý tưởng mới: sự giàu có chỉ trở thành một sự tích lũy từ khi nền văn minh nông nghiệp xuất hiện. Bởi vì người săn bắt hái lượm, với rất ít ngoại lệ, sống du mục, tài sản thực sự là một gánh nặng đối với họ. Nhưng nông dân thì sống ở một chỗ; hơn nữa, sinh kế của nông dân phụ thuộc vào việc lưu trữ thực phẩm, đặc biệt là trong trường hợp của nông nghiệp ngũ cốc. Những người săn bắt hái lượm duy trì dân số dưới mức khiến cho hệ sinh thái bị biến đổi; nếu có hạn hán hoặc lũ lụt, họ có thể dễ dàng di chuyển và thích nghi. Người nông dân thì không như vậy. Đối với người nông dân, sau bảy năm được mùa rất có thể là bảy năm mất mùa, như vậy có nghĩa là việc tích trữ một lượng lớn thực phẩm là hình thức đảm bảo tốt nhất cho cuộc sống. Từ ý tưởng này mà ngày nay chúng ta nhận định sự giàu có, địa vị, và nhiều thói quen khác là những đức hạnh cao quý, ví dụ như tính tiết kiệm, sự hy sinh, tính cần cù và siêng năng.

Sống mà không tích trữ thực phẩm, những người săn bắt hái lượm không làm nhiều hơn mức cần để đáp ứng những nhu cầu tức thì, và họ có rất nhiều thời gian rảnh rỗi để vui chơi. Đối với người nông dân, thì giờ rảnh rỗi khiến họ cảm thấy khá tội lỗi – họ có thể dành thời gian đó để làm thêm chút nữa, tích trữ hơn một chút nữa để phòng xa. Ở nông trại, luôn luôn có việc cần phải làm. Ngày nay, chúng ta thừa hưởng các quan điểm của người nông dân và nâng chúng lên mức thái quá, trong đó có định nghĩa về sự giàu sang của người nông dân. (1) Sau nông nghiệp, vào thời đại Công nghiệp hoá, các quan điểm này (đạo đức công việc, hy sinh hiện tại cho tương lai, tích luỹ, và kiểm soát) chạm tới một mức độ mới (2), điều này dẫn tới sự tích luỹ của cải mà ngay cả những vị vua Pharaoh giàu có nhất cũng chưa từng mơ tới.

Ngày nay chúng ta đang ở trong thời đại Thông tin, các quan điểm cũ càng được nhấn mạnh hơn nữa. Đây cũng là thời kì mà sự tích luỹ của cải, sự nghèo đói, và sự xa rời thế giới tự nhiên vượt xa bất kì thời kì nào trong quá khứ. Nhiều người quan sát đã chỉ ra rằng mỗi “thời đại” như thế đang tiếp nối thời đại cũ ở tốc độ tăng theo cấp số nhân. Nói nôm na là, thời đại nông nghiệp kéo dài ba thiên niên kỉ, thời đại công nghiệp kéo dài ba thế kỉ, thời đại thông tin kéo dài 3 thập kỉ. (3) Giờ đây chúng ta đang đứng bên lề của một sự kiện duy nhất: có thể những thời đại mới đến nhanh và mạnh như những cơn bão chỉ diễn ra trong vài năm, vài tháng, vài ngày, rồi tiếp đến là một sự chuyển tiếp sang một thời đại hoàn toàn mới, một cái gì đó chưa thể biết được và khác hoàn toàn về đặc tính so với bất kì cái gì trước đây. Có thể chúng ta chưa biết nhiều về nó, nhưng có một điều chắc chắn về Thời đại của sự Hợp nhất sắp tới, đó là nhân loại sẽ không còn giả vờ rằng mình được miễn khỏi các quy luật của tự nhiên nữa.

Rõ ràng tích luỹ là một sự vi phạm luật tự nhiên, nó mẫu thuẫn với con người mới và mối quan hệ của con người mới đó với tự nhiên. Tích trữ lương thực vượt quá khả năng tiêu thụ của một cá nhân không phải là không có trong tự nhiên, nhưng điều đó khá hiếm, và nhiều kiểu tích trữ thức ăn (vd: sóc nhặt nhạnh quả hạch) phục vụ mục đích khác.(4) Nói chung, các hệ thống tự nhiên có đặc điểm là lưu chuyển nguồn tài nguyên chứ không phải là tích luỹ. Trong một con vật, các tế bào không dự trữ lượng đường nhiều hơn mức nó cần trong vài giây, mà nó tin tưởng vào sự cung cấp liên tục của vũ trụ của nó là cơ thể.

Các nhà sinh vật học tiến hoá đưa ra hai lời giải thích cho việc con người tích trữ nguồn lực từ khía cạnh của sự quyết định của gien. Đầu tiên, điều đó cho con người sự an toàn, một lợi thế mang tính sống còn. Lí lẽ đó còn cho rằng những người săn bắt hái lượm cũng sẽ làm như vậy, chẳng qua là họ không có phương tiện gì mà thôi. Lí lẽ thứ hai là sự tích luỹ và tiêu thụ mang tính phô trương là một kiểu phô diễn để thu hút bạn tình. Nhà sinh vật học Walter K. Dodds viết rằng:

“Đàn ông và phụ nữ ngày càng phô diễn nhiều hơn khả năng kiểm soát và tiêu thụ của cải bởi sự thừa mứa của cải là một đặc điểm hấp dẫn giới tính. Trong một xã hội có tiêu chuẩn sống cao, sẽ là không đủ nếu chỉ phô diễn sự kiểm soát một lượng của cải đủ để bạn, bạn tình và con cái của bạn sống sót. Bạn bắt buộc phải kiểm soát lượng của cải lớn hơn những kẻ tình địch khác để thu hút bạn tình.” (5)

Nếu dựa trên các tiền đề của lý thuyết di truyền thông thường (bàn luận về điều này nằm ngoài phạm vi cuốn sách này), thì logic này có vẻ rất hợp lí. Tuy nhiên, lí luận này được dựa trên quan điểm hiện đại của chúng ta rằng thế giới là nơi các nguồn lực là khan hiếm và chúng ta cần phải cạnh tranh với nhau để giành phần cho mình. Khả năng tích luỹ và chiếm dụng tài nguyên là một lợi thế cho việc sinh con đẻ cái chỉ trong một xã hội nơi mà các nguồn lực không được chia sẻ công bằng. Trong một nền văn hóa chia sẻ dựa trên quà tặng, phúc lợi của con cái bạn không phụ thuộc quá nhiều vào việc người bạn đời của bạn có phải là một thợ săn nhạy bén hay người thu lượm giỏi giang hay không. Hơn nữa, bằng chứng nhân chủng học mâu thuẫn với lí thuyết của Dodds. Các bằng chứng cho thấy những người săn bắt hái lượm và những người nông dân nguyên thủy sản xuất rất ít, họ thích an nhàn hơn là tích lũy và kiểm soát của cải. (6) Không có sự cạnh tranh nào do gien chi phối để phô trương sự giàu có; ngược lại, tích trữ không khiến người ta trở nên có địa vị cao trong xã hội mà nó là một điều mang lại sự nhục nhã. Ngoài ra, sự chia sẻ rộng rãi các nguồn lực làm cho năng suất trở thành vấn đề gây tranh cãi. Nếu có bất kì cái gì được quyết định bởi gien thì đó là khuynh hướng chia sẻ và đóng góp vào phúc lợi chung của cả bộ lạc. Nói hơi quá một chút thì trong một cộng đồng quà tặng, hạnh phúc của bản thân là đem lại hạnh phúc cho mọi người.

Những sự lầm tưởng của cái tôi kín đáo và tách biệt nhiễm vào chúng ta quá sâu đến nỗi chúng ta thường cho rằng chúng là sự thật không thể chối cãi. Chúng ta tự phóng tác ra một thời kì không có thật, khi mà “mỗi người tự lo cho thân mình” hoặc có thể là “mỗi gia đình tự lo cho mình”, và tự cho rằng các cộng đồng là sự phát triển về sau này, là một sự cải tiến. Đáng nhắc đến là hai nhà triết học về lĩnh vực này – Hobbes và Rousseau. Hai người tuy có những quan điểm trái ngược về bản chất tự nhiên của cuộc sống của con người trong thiên nhiên nhưng lại đồng tình về “thời kì tưởng tượng” này. Với Hobbes, cuộc sống đã từng “cô độc, nghèo đói, bẩn thỉu, như thú vật và ngắn ngủi”. Với Rousseau, cuộc sống cũng rất cô quạnh:

“Vào thời nguyên thuỷ, con người không có nhà, không có lều, cũng không có bất kì tài sản nào; ai ở được chỗ nào thì ở, hiếm khi nhiều hơn một đêm; nam nữ gặp nhau mà không có dự tính trước, họ gặp do ngẫu nhiên hoặc do khuynh hướng giới tính, họ cũng không cần dùng nhiều ngôn ngữ để truyền tải mong muốn của mình cho người kia; và họ chia tay nhau với cùng một thái độ hờ hững. Ban đầu người mẹ cho con bú vì bản thân; rồi sau đó, khi thói quen này khiến cho những đứa con trở nên thân thiết, họ cho bú vì những đứa con: nhưng ngay khi những đứa con đủ lớn để tự đi tìm thức ăn, chúng sẽ bỏ rơi người mẹ; và, vì mẹ và con không có cách nào khác để không bị quên nhau ngoài việc liên tục nhìn thấy nhau, họ nhanh chóng không thể nhận ra nhau khi vô tình gặp lại nhau.” (7)

Cho dù điều này trước kia có đúng hay không, thì chắc chắn bây giờ nó đúng; rằng sự tích luỹ đúng là có khiến cho chúng ta an toàn hơn ít nhất là một chút, và thậm chí khiến chúng ta tăng khả năng hấp dẫn giới tính. Nhưng không được lâu dài. Tâm lí tích trữ tồn tại trùng với sự tăng tiến của sự chia cắt, và nó đang kết thúc cùng lúc với sự kết thúc của Kỉ nguyên Chia cắt. Sự tích luỹ là vô lí đối với bản thể rộng mở của kinh tế quà tặng.

Có một chủ đề quan trọng trong tất cả những việc mà tôi làm, đó là hợp nhất cách nhìn nhận của người săn bắt hái lượm với xã hội công nghệ hiện tại – một sự hoàn tất chứ không bỏ qua quá khứ. Trong cuốn sách này tôi nhắc đến hình thức tiền tệ của sự không tích luỹ (tiền tệ mất giá), của sự không sở hữu (loại bỏ hình thức kiếm tiền từ việc cho thuê tài sản), và của sự sản xuất ít (vui chơi và không tăng trưởng kinh tế). Có thể thấy rõ là nhiều người cảm nhận được sức kéo về phía những giá trị này cả trên khía cạnh cá nhân, ví dụ như phong trào chủ động sống tối giản và việc nghi vấn bản chất của công việc. Đi trước thời đại, họ là những người tiên phong của một cách sống vừa mới lại vừa cổ xưa mà cách sống đó sẽ sớm trở thành tiêu chuẩn.

Bill Kauth, người sáng lập Sacred Warriors (những chiến binh thiêng liêng) và nhiều tổ chức khác, là một nhà sáng chế xã hội (social inventor) nổi tiếng thế giới và là một người giàu, tuy nhiên không phải theo nghĩa thông thường. Ông sở hữu rất ít: một chiếc xe hơi cũ, vài vật sở hữu cá nhân, và theo tôi biết là ông không sở hữu bất kì tài sản tài chính nào. Ông nói với tôi rằng, nhiều năm trước ông đã tự thề nguyện sẽ không bao giờ kiếm nhiều hơn 24.000 đô-la mỗi năm, ông gọi đó là hạn mức thu nhập (income topping). Mặc dù vậy, ông nói “Tôi đã được ăn ở những nhà hàng tuyệt vời nhất thế giới, được tới rất nhiều nơi đẹp tuyệt trên trái đất, và có một cuộc sống phong phú lạ thường.”

Trong thời đại của cái tôi tách biệt, chúng ta luôn mang theo tâm lí nghi ngờ và chỉ trích, tâm lí này khiến cho cái nhìn của chúng ta về người khác và các tổ chức bị lệch lạc. Khi chúng ta được nghe một người truyền cảm hứng nói chuyện hoặc tham gia một khoá học có tính chuyển hoá, chúng ta bí mật (hoặc không bí mật lắm) tự hỏi: “Cái anh chàng này được lợi gì từ việc này? Mục đích của những việc này là gì?” Chúng ta dễ dàng nhận ra sự đạo đức giả, ví dụ như “quyên góp” thực ra là điều bắt buộc. Những nghi vấn của chúng ta thường là đúng. Quá nhiều giáo phái tôn giáo, phong trào tâm linh, và các tổ chức kinh doanh đa cấp có những người cầm đầu rất giàu có, và chúng ta băn khoăn “có phải từ trước đến nay vẫn thế?” Bill Kauth từng tìm cách tận dụng lợi thế của kinh doanh đa cấp nhưng loại bỏ “yếu tố lòng tham”, và ông nói hạn mức thu nhập là điều khả dĩ duy nhất.

Tâm lí ngờ vực vào điều tốt rằng “thực chất ai đó đang cố gắng trục lợi từ tôi” có một sự tương ứng nội tâm (internal counterpart), khi chúng ta tự vấn động cơ của chính mình. Đôi khi sự tự nghi ngờ bản thân này có nền tảng khá vững chắc. Nhiều khi tôi thấy như thể mọi điều tôi từng làm là có mục đích gì đó; rằng những món quà mà tôi đã cho đi là những cố gắng để gây ấn tượng với ai đó hoặc để cầu cạnh ai đó việc gì, rằng tất cả sự hào phóng của tôi là hành động cố gắng một cách thống thiết để được người khác chấp nhận, rằng mỗi mối quan hệ của tôi đều có động cơ trục lợi bí mật riêng cho bản thân. Dường như chưa bao giờ trong đời tôi từng làm một điều gì đó hào phóng thực sự; tôi luôn luôn có mục đích bí mật là nâng cao giá trị bản thân. Tâm lí tự ghê tởm bản thân này đầu tiên được phản chiếu cụ thể trong các thần thoại và tôn giáo. Ta nghĩ ngay đến bài thuyết giảng của Jonathan Edwards mang tên “những kẻ tội lỗi trong tay Đức chúa giận dữ” cũng như chủ thuyết về sự sa đoạ hoàn toàn của John Calvin. Trong đạo Phật, đó là nhận thức đáng xấu hổ rằng các hành động của chúng ta hoá ra đều xuất phát từ cái tôi ích kỷ, thậm chí và đặc biệt là sự cố gắng vượt thoát cái tôi!

Tôi đồng ý với Bill rằng hạn mức thu nhập là một cách hữu hiệu để loại bỏ sự ngờ vực có tác động không tốt đến các tổ chức và các ý tưởng có tiềm năng chuyển hoá sự sống. Nó có tác động từ bên trong, và bằng việc loại bỏ tâm lí tự nghi ngờ bản thân, nó khiến lời nói của chúng ta thực sự có sức mạnh. Nó khẳng định với bản thân chúng ta và với người khác về sự chân thành của chúng ta và giải phóng mọi người để họ đón nhận những món quà của chúng ta. Lời nguyện của Bill là một lời nguyện hoàn toàn cá nhân, ông ấy đã không kể về nó với ai trong nhiều thập kỉ cho đến khi ông đồng ý để tôi viết về nó. Ban đầu tôi cho rằng nếu ông ấy tự chia sẻ về nó thì sự chia sẻ đó sẽ có sức mạnh sơn, nhưng khi suy nghĩ kĩ thì tôi đã đổi ý. Năng lượng cốt lõi của lời nguyện đó sẽ lan toả từ Bill cho dù ông ấy có nói hay viết lời nguyện ra để người khác biết hay không. Hơn nữa, khi chia sẻ công khai, người nguyện và những người khác dễ sinh ra tâm lí nghi ngờ rằng động cơ thực sự là chỉ là để thể hiện mình tốt, để được chấp nhận. Tuy nhiên, Bill có nói rằng vào một thời điểm thích hợp, ông sẽ biến ý tưởng này thành một cam kết mang tính cộng đồng, để củng cố niềm tin và sự nương tựa giữa mọi người với nhau.

Tác động có lợi về mặt tâm lí và xã hội của hạn mức thu nhập khiến tôi nghĩ tới nó trong bối cảnh của kinh tế thiêng liêng, quá khứ và tương lai. Khi tìm hiểu về các nền văn hoá trước kia, tôi thấy có một điều khá giống với “hạn mức tài sản” (asset topping) – mà tôi gọi là sự không tích luỹ, đã được thực thi rộng rãi. Hãy nhớ lại bộ tộc ở Alaska được nhắc đến ở chương 18: sự vi phạm luật không phải là vì bạn là một thợ săn giỏi mà vì bạn không chia sẻ phần thực phẩm mà bạn săn được.

Không tích luỹ là một đặc tính của các xã hội săn bắt hái lượm, ở đó sự trù phú luôn hiện diện nhưng không có ai tích luỹ, và ở đó những người có thanh thế là những người cho đi nhiều nhất. Để cho đi nhiều, người ta cũng phải nhận nhiều, hoặc từ tự nhiên hoặc từ những người khác. Người thợ săn giỏi, người nghệ sĩ lớn, người tràn đầy năng lượng, người khoẻ mạnh, người may mắn là những người có nhiều hơn để cho đi. Trong bất kì trường hợp nào, một người có thanh thế theo cách này là một người đem lại lợi ích cho tất cả. Chỉ khi nào thu nhập cao biến thành sự tích luỹ, sự tiêu dùng hoang phí, hoặc sự tiêu thụ mang tính huỷ hoại thì chúng ta mới cần hạn chế sự thu nhập cao. Nói theo cách khác thì vấn đề không nằm ở thu nhập cao; vấn đề là ở chỗ khoản thu nhập bị mắc kẹt ở một chỗ, nó bất động và không lưu chuyển.

Không tích luỹ là một hành động có ý thức để không tích trữ một lượng tài sản lớn hơn mức vừa đủ. Nó không xuất phát từ mong muốn được là người đoan chính, mà từ sự thấu suốt rằng cảm giác cho đi tuyệt vời hơn nhiều cảm giác giữ lại cho bản thân, rằng cảm giác an toàn đến từ sự tích luỹ chỉ là một ảo tưởng, và rằng quá nhiều tiền và tài sản sẽ là một gánh nặng lên cuộc sống của chúng ta. Điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần quà tặng, trong đó nguyên tắc cốt lõi là món quà phải được lưu chuyển. Mauss viết: “Thông thường, nếu ai được nhận cái gì đó – dù là theo cách nào – thì tài sản đó cũng không được giữ cho riêng họ, trừ khi họ không thể sống thiếu nó.” Nói cách khác, nếu bạn cần thì dùng. Nếu không, hãy chuyển cho người khác. Nguyên tắc này quá rõ ràng đến mức một đứa trẻ cũng có thể hiểu được. Giữ những thứ bạn không dùng thì giữ để làm gì? Chỉ vì tâm lí “nhỡ đâu…”, chúng ta gom góp và tích trữ tài sản: Nhỡ đâu trong tương lai tôi không có đủ? Trong một nền văn hoá quà tặng, sẽ có người tặng cho bạn cái mà bạn cần. Trong một nền văn hoá tích trữ, nỗi sợ “nhỡ đâu” sẽ tự trở thành sự thật, nó tạo ra chính xác những điều kiện của sự bấp bênh và khan hiếm mà nó giả định.

Có thể bạn đang nghĩ rằng bởi vì chúng ta sống trong một nền văn hoá tích trữ và một hệ thống tiền tệ gây ra sự khan hiếm, không tích luỹ là một điều không thực tế vào thời điểm hiện tại. Có thể bạn đăm chiêu nghĩ rằng nếu ai cũng làm như vậy thì tốt quá, nhưng chẳng ai làm cả, bởi vậy tốt nhất là mình nên tự bảo vệ mình. Điều này rất logic. Tôi không thể đưa ra một lí lẽ hợp lí nào để phủ nhận điều này. Tôi chỉ có thể gợi ý, khi bạn đọc chương sách này, rằng bạn hãy để ý xem có điều gì đó khác ngoài lí lẽ đang giằng xé trong trái tim bạn hay không. Hãy nhìn xem lí lẽ, tính thiết thực, và lựa chọn an toàn đã đưa chúng ta tới đâu. Có lẽ giờ là lúc chúng ta cần lắng nghe “điều gì đó khác” kia.

Tôi không hay ủng hộ những thay đổi vội vã và khoa trương. Nếu bạn giàu, bạn có thể dần dần thực hiện sự không tích luỹ bằng việc giảm đi 5% tài sản của bản thân mỗi năm. Điều này chắc chắn sẽ xảy ra trong một nền kinh tế thiêng liêng – vậy tại sao ta không bắt đầu ngay từ bây giờ?

Những người nghèo, tất nhiên, vẫn luôn sống mà không tích luỹ. Nền kinh tế hiện tại đang thúc ép tầng lớp trung lưu làm điều tương tự, bởi hầu hết mọi người mua hàng hoá bằng nợ tín dụng thay vì để dành tiền để mua. Trong khi các khoản nợ kèm lãi suất sẽ không thống trị cuộc sống kinh tế trong tương lai, các khoản tiết kiệm đã đang trở nên lỗi thời đối với phần lớn người Mỹ rồi. Sự lỗi thời đó chính là điềm báo trước của một nền kinh tế không tích luỹ.

Việc tập trung vốn vẫn có vai trò của nó, và có những người mà khả năng thiên bẩm của họ là sử dụng tiền như một phương tiện cho sự sáng tạo thiêng liêng, như một hình thức để phối hợp hoạt động và trí lực của con người. Tiền là thứ quyết định xem ngày mai, năm ngàn người có xây dựng nên một toà nhà chọc trời hay không, có làm sạch những đống rác thải độc hại hay không, hay có tạo ra những bộ phim công nghệ cao hay không. Tất nhiên, vẫn có những phương tiện mà thông qua đó chúng ta có thể phối hợp hoạt động của con người, vài trong số đó kêu gọi những câu chuyện và sức mạnh lớn hơn cả tiền, nhưng tiền vẫn là một công cụ có hiệu lực. Đây là bản chất của sự “đầu tư thiêng liêng”, chủ đề của chương sau. Với những người đang nắm giữ của cải, tôi mời các bạn hãy nghĩ về điều mà bạn sẽ tạo nên thông qua tính hữu hiệu của sức mạnh tập thể. Hoặc, các bạn có thể dùng tiền vào những mục đích cao đẹp nào?

Mỗi sinh vật trong tự nhiên, mỗi tế bào trong cơ thể, chỉ có thể quản lí một lượng năng lượng nhất định. Chúng ta cũng vậy. Dòng chảy quá lớn tại một kênh có thể làm nổ tung kênh đó. Sự tích luỹ quá lớn là một khối u. Sự mua sắm hoang phí như một lâu đài mà bạn không bao giờ đặt chân tới, hoặc là chiếc Rolls-Royce thứ mười lăm, là các triệu chứng của nguồn thu nhập quá cao. Những người có thu nhập cao luôn cố gắng để làm tiêu tan dòng chảy năng lượng, cùng một lúc vừa buông vừa giữ. Điều mà anh ta cần làm là cho bớt của cải của mình đi để cân bằng giữa sự cho và sự nhận, vậy mà thay vào đó anh ta chỉ mua sắm và tích trữ. Đâu là nỗi sợ đang thúc ép anh ta phải nắm giữ ngay cả khi đang buông ra? Đó là nỗi sợ đang thống trị cái tôi tách biệt và cô đơn trong vũ trụ. Sự tích luỹ là một cách để khuếch đại cái tôi tách biệt nhỏ bé. Nhưng sau cùng, sự khuếch đại này hiển nhiên là một lời nói dối. Chúng ta rời bỏ thế giới này cũng giống như khi chúng ta đến: trần trụi.

Phần lớn những món đồ mà người giàu mua sắm là những sự thay thế cho cái mà họ thực sự cần – xe hơi thể thao thay thế cho tự do, các toà lâu đài bù đắp cho những sự kết nối đã mất của một cái tôi héo mòn, địa vị cao thay thế cho sự tôn trọng thật sự đến từ bản thân và những người khác. Đây quả là một trò chơi buồn. Thậm chí sự an toàn mà nó được cho là đem lại cho người chơi cũng là một sự lừa dối, bởi cuộc sống có cách để thâm nhập vào pháo đài của sự giàu có, gây ưu phiền cho những người sống ở đó với những hình thức méo mó của các căn bệnh của xã hội đang tác động tới tất cả mọi người. Tất nhiên, bạn có thể hình dung ra đủ loại cấp cứu y tế mà khi đó sự giàu có có thể là chiếc phao cứu sinh của bạn, nhưng như thế thì sao? Tất cả chúng ta ai rồi cũng sẽ chết, và dù bạn có sống lâu bao nhiêu, thời khắc đó sẽ đến, bạn sẽ nhìn lại cuộc đời mình và nó dường như quá ngắn ngủi, một tia sáng loé lên trong đêm tối, và bạn nhận ra rằng mục đích của cuộc sống sau cùng không phải là sống sót trong sự an toàn và tiện nghi tối đa, mà rằng chúng ta ở đây để trao tặng, và để sáng tạo nên những điều đẹp đẽ.

Để bạn khỏi nghĩ rằng việc thực hành không tích luỹ là một việc cao quý mà tôi đang làm, hãy để tôi nhấn mạnh với bạn rằng khi tôi bắt đầu sống theo cách này, tôi không hề có tư tưởng là mình đang phải hy sinh bản thân, mà tôi chỉ có cảm giác nhẹ nhõm và tự do. Tôi là một người hào phóng bình thường, hoàn toàn không như các vị thánh. Ý tưởng mà tôi đang đề nghị không có gì là cao quý, nó là một ý tưởng rất thực dụng. Đầu tiên, bởi vì nó giữ cho trái tim tôi nhẹ nhõm và tự do. Thứ hai, bởi vì tôi biết khi tôi cho tôi cũng sẽ nhận. Thứ ba, bởi vì tôi sẽ sống trong một sự trù phú và kết nối liên tục, thông qua các món quà vòng tròn kết nối của tôi sẽ ngày càng rộng mở. Thứ tư, bởi vì tôi tin là tôi sẽ có một cuộc sống tuyệt vời ngay cả trên phương diện vật chất. Ví dụ, tôi yêu biển, và trong nhiều năm tôi đã mơ ước một ngày được sống trong một ngôi nhà bên bờ biển. Ước mơ này sâu đậm đến mức tôi có thể nghe được tiếng của các con chim mòng biển và ngửi được mùi không khí mặn mòi của biển cả. Tôi từng nghĩ rằng để thực hiện được mơ ước này, tôi sẽ cần phải kiếm rất rất nhiều tiền. Giờ đây tôi tin rằng dù tôi có thể không bao giờ thực sự “sở hữu” một ngôi nhà bên bờ biển, nhưng tôi sẽ được mời đến ở trong một ngôi nhà như vậy bất cứ lúc nào, và khi người chủ nhà nói “cứ tự nhiên như ở nhà nhé”, họ sẽ thực sự có ý như vậy từ trong sâu thẳm trái tim.

Nếu thế giới nhiệt tình đón nhận những đóng góp của tôi, thì tôi kỳ vọng là mình sẽ nhận được rất nhiều quà tặng, nhiều hơn những gì mà tôi có thể sử dụng cho bản thân. Sẽ thật là phí phạm khi chúng ta tích luỹ nhiều tài sản, cổ phần và trái phiếu, các khoản đầu tư, những cái hầm và gác mái đầy đồ đạc! Vì sao lại tích luỹ khi thế giới này có thừa để chia sẻ? Dù tiền tệ mất giá và nền kinh tế quà tặng có xuất hiện hay không trong thời đại của chúng ta thì chúng ta vẫn có thể sống trên nguyên tắc đó ngay bây giờ. Nếu dùng ngôn ngữ của Gesell thì chúng ta có thể coi tiền cũng như mấy chiếc ô, hãy cho mượn hoặc cho không cho những người cần nó một cách vô tư. Tất nhiên, chẳng có sự đảm bảo rằng tôi sẽ luôn luôn nhận được số tiền hoặc các món quà mà tôi cần khi tôi cần chúng. Tôi sẵn sàng chấp nhận rằng đôi lúc tôi sẽ chẳng có khoản tiền nào cả, nhưng đó không phải là vấn đề khiến tôi quá lo lắng. Có thể tôi sẽ chết đói và hối tiếc vì đã không tích luỹ. Nhưng tôi nghi ngờ điều đó. Đối với tôi, sự tự do khỏi các mối lo – trải nghiệm sự nhẹ nhõm của buông bỏ – quan trọng hơn nhiều sự rủi ro. Nếu bạn muốn đảm bảo thì cứ tiếp tục tích luỹ, cho đến khi bạn nhận ra rằng sự an toàn chỉ là một ảo vọng, rằng những thăng trầm của cuộc sống sẽ có cách để xâm nhập vào pháo đài của sự giàu sang.

Ở mức độ sâu sắc, sự phân biệt giữa tích luỹ và không tích luỹ là một sự phân biệt sai. Nó thừa nhận sự khan hiếm và chia cắt là đúng. Một người với tâm lí quà tặng trải nghiệm sự trù phú của thế giới từ bên trong và sống một cuộc sống tương ứng với tâm lí đó. Tâm lí chia cắt nhìn nhận các món quà, các khoản vay và các khoản tiết kiệm như ba thứ rất khác nhau, nhưng có thực là vậy không? Nếu có lúc nào đó tôi nhận được nhiều hơn những gì mình có thể sử dụng, tôi có thể cho bớt đi, như vậy sẽ tạo ra sự biết ơn, hoặc tôi có thể cho người khác mượn, tạo ra nghĩa vụ thay vì sự biết ơn, hoặc tôi có thể để dành tiền, có vẻ như không dựa dẫm vào bất cứ ai. Nhưng ba sự lựa chọn này không khác nhau như vẻ ngoài của chúng. Đầu tiên, như đã bàn luận ở chương trước, sự khác nhau giữa lòng biết ơn và nghĩa vụ là không rõ ràng, và trong các nền văn hoá quà tặng, cái này củng cố cái kia. Cho dù lòng biết ơn hay các thoả thuận xã hội (dựa trên nguyên tắc biết ơn) là lí do khiến ai đó trao tặng cho những người đã trao tặng, thì kết quả vẫn giống nhau. Đối với các khoản tiết kiệm và đầu tư, trong một hệ thống tiền tệ dựa trên nợ tín dụng, chúng không khác gì các khoản vay. Một tài khoản tiết kiệm là một khoản cho ngân hàng vay. Giống như một khoản vay, khoản tiết kiệm nói rằng: “Tôi đã cho đi trong quá khứ và giờ đây kêu gọi những người khác cho lại tôi trong tương lai.” Kể cả trong trường hợp lãi không cố định hoặc hàng hoá vật chất, sự tích luỹ phụ thuộc vào các thoả thuận xã hội về quyền sở hữu.

Như vậy thì, theo một nghĩa nào đó, việc những người được nhận quà không tích luỹ là một điều không thể. Khi nào tôi vẫn cho đi trước sự chứng kiến của ai đó, tôi sẽ tạo dựng nên một nguồn cung phong phú cho tương lai. (Kể cả khi không có người nào chứng kiến, tôi tin rằng vũ trụ sẽ trao trả cho chúng ta những gì chúng ta đã cho đi, có thể bằng hình thức khác, có thể nhân lên gấp hàng trăm lần.) Vậy thì, sau cùng bản chất của sự không tích luỹ nằm ở ý định của ai đó khi họ cho, cho vay, đầu tư, hoặc tiết kiệm tiền. Trên tinh thần trao tặng, chúng ta tập trung vào mục đích và coi việc hoàn trả là không quan trọng, là điều đến sau. Trên tinh thần tích luỹ, chúng ta muốn đảm bảo và tối đa hoá khả năng nhận lại và để nơi/người nhận quà, khoản vay hoặc khoản đầu tư phục vụ cho mục đích đó. Trường hợp trước mang đến tự do, sự trù phú, và sự tin tưởng. Trường hợp sau đem lại lo âu, sự khan hiếm, và sự kiểm soát. Bất cứ ai sống với trường hợp trước thì đều giàu có. Bất cứ ai sống với trường hợp sau thì đều nghèo nàn, cho dù họ có sở hữu bao nhiêu tiền của.

Trong tương lai, khi tiền thuê kinh tế (vd: lợi nhuận chỉ từ việc sở hữu đất, tiền, v.v…) được loại bỏ bởi các cơ cấu xã hội, cách sống mà tôi vừa miêu tả sẽ phù hợp với logic kinh tế chứ không chỉ logic tâm linh. Nếu tiền kiểu gì cũng bị mất giá, thì thà cho người khác mượn với lãi suất bằng không còn hơn là giữ tiền nhiều hơn mức bạn cần. Hơn nữa, khi tâm lí trù phú trở nên rộng khắp, sự phân biệt giữa một khoản cho vay, một món quà và một khoản đầu tư sẽ mờ nhạt dần. Chúng ta sẽ cảm thấy an toàn vì biết rằng cho dù sự đáp trả một món quà có nằm trong một thoả thuận chính thức hay không, thì một nghĩa vụ đã được tạo ra, nếu không phải với một người nhất định thì là với xã hội hoặc thậm chí với vũ trụ. Đây là kết quả tự nhiên của Câu chuyện mới về cái Tôi – cái tôi tương tức – là nền tảng cho nền kinh tế thiêng liêng mà chúng ta đang chuyển đổi hướng tới. Nhiều hơn cho bạn là nhiều hơn cho tôi. Từ khía cạnh tâm linh, điều này vẫn luôn luôn đúng, ngay cả trong thời kì huy hoàng nhất của Thời đại của sự Chia cắt. Từ khía cạnh kinh tế, nó đã đúng trong nền văn hoá quà tặng xa xưa, và nó đang đúng trở lại khi chúng ta thiết lập những tổ chức kinh tế mới để tái tạo nền kinh tế quà tặng trong bối cảnh hiện đại.

Những tổ chức kinh tế mới phù hợp với tinh thần quà tặng này vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả của một sự thay đổi những nhận thức chung. Khi có đủ người bắt đầu sống không tích luỹ, họ sẽ thiết lập nên một nền tảng tinh thần dựa vào đó các tổ chức kinh tế mới có thể đứng vững. Nhiều người sẽ nhận thấy rằng kiểu tiền tệ mới phản ánh đúng các giá trị và trực giác tâm linh của họ. Họ sẽ hiểu, họ sẽ chấp nhận và thực hiện nó một cách nhiệt thành. Điều này đã đang xảy ra rồi: mặc dù việc sử dụng các loại tiền tệ bổ sung phải chịu sự phản đối nặng nề mang tính hệ thống, người ta vẫn thấy chúng hay ho và lôi cuốn. Mặc dù hiện tại chẳng có mấy lí do kinh tế để sử dụng chúng, người ta vẫn muốn sử dụng. Bằng trực giác, họ hiểu rằng những loại tiền tệ mới này tương ứng với Câu chuyện mới về Cái tôi mà họ đang bước vào. Những trực giác tâm linh của chúng ta đã và đang chỉ ra sự thật của thời đại sắp tới: rằng của cải là gánh nặng, rằng sự giàu sang thực sự đến từ sự sẻ chia, rằng điều chúng ta làm cho người khác cũng là những điều sẽ quay lại với chúng ta.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *