Phần II (chương 9 – 17) gợi ý các giải pháp mang tính hệ thống.
Phần III (chương 18 – 24) tập trung vào các giải pháp mang tính cá nhân.
Chúng tôi sẽ biên dịch phần III trước.
Chương 18: Tìm hiểu lại về Văn hoá Quà tặng
Sự chuyển đổi sang nền kinh tế thiêng liêng là một phần của sự thay đổi lớn hơn trong cách suy nghĩ và cách sống của chúng ta. Chỉ mỗi lí lẽ kinh tế không thì không đủ để duy trì nền kinh tế thiêng liêng. Nhiều người có tầm nhìn về kinh tế đã gợi ý nhiều cuộc cách mạng khá thuyết phục về tiền tệ và tài sản, nhưng trong số ít những cuộc cách mạng đã thực sự thành hình, chẳng có cái nào vượt qua được thử thách của thời gian. Vì vậy, phần cuối cùng của cuốn sách này tập trung vào việc thay đổi nhận thức và hành động để đồng hành với nền kinh tế thiêng liêng. Khi chúng ta hàn gắn lại vết rạn nứt giữa tinh thần và vật chất, chúng ta nhận ra rằng kinh tế học và tâm linh là hai thứ không thể tách rời. Ở mức độ cá nhân, kinh tế học có nghĩa là làm thế nào để trao tặng món quà của mình đồng thời đáp ứng được các nhu cầu của bản thân. Nó có nghĩa là làm thế nào để sống thật với chính mình mà vẫn là một phần của sự sống. Bằng cách thay đổi tư duy và những hành động mang tính kinh tế hàng ngày, chúng ta không chỉ chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận những thay đổi lớn sắp tới mà còn hỗ trợ cho sự xuất hiện của những thay đổi đó. Bằng cách sống với những nguyên tắc của kinh tế thiêng liêng, chúng ta đón chào khi nó tới và khiến cho nó dễ được chấp nhận hơn bởi mọi người.
Những người yêu nhau không thể chỉ sống cho riêng bản thân họ giống như những người cho vay nặng lãi. Thay vì cứ nhìn nhau, họ cuối cùng cũng sẽ phải nhìn về hướng cộng đồng. – Wendell Berry
Trong thời đại của mình chúng ta đã tạo ra một sự tách biệt giữa hoạt động trao đổi tiền bạc và hoạt động trao tặng quà. Cái trước thì ở trong phạm vi của tư lợi cá nhân có tính toán; cái sau thì ít nhất là có phần vị tha hoặc quên mình. Sự phân chia kinh tế thành hai phạm vi riêng biệt như vậy phản ánh những sự phân chia khác: con người và tự nhiên, tinh thần và vật chất, tốt và xấu, thiêng liêng và tầm thường, tâm trí và cơ thể. Những sự phân chia này là nền tảng của nền văn minh của chúng ta. Khi thời đại của sự Chia cắt đang gần tới hồi kết, tất cả những sự phân chia đó sẽ không thể tồn tại được nữa. Và như vậy, khi chúng ta xóa bỏ sự phân biệt giữa tinh thần-vật chất và trả lại sự thiêng liêng cho vật chất, khi chúng ta từ bỏ nỗ lực cải tạo thiên nhiên và nhận ra rằng chúng ta là một phần của thiên nhiên, thì chúng ta cũng sẽ trả lại tinh thần quà tặng về cho tất cả các khía cạnh của nền kinh tế con người, cho dù tiền có liên quan hay không.
Trong mỗi khía cạnh của sự thay đổi về mặt tiền tệ được mô tả trong cuốn sách này, tiền sẽ mang các đặc tính của một món quà:
Nền tảng của một nền kinh tế thiêng liêng là ý thức về sự trao tặng. Phần còn lại của cuốn sách này sẽ đưa ra những cách thức mà chúng ta có thể khôi phục tinh thần trao tặng trong cuộc sống để tạo điều kiện và chuẩn bị cho giai đoạn sắp tới của thế giới.
Tôi không gợi ý rằng bạn hãy trở thành một vị thánh và ngừng quan tâm tới bản thân. Văn hoá quà tặng không đơn giản như vậy. Khi chúng ta gắn cho vật chất những đặc điểm mà chúng ta từng gán cho tinh thần, chúng ta đồng thời gắn tinh thần với những đặc điểm không hoàn hảo của vật chất. Lĩnh vực tinh thần sẽ không còn là nơi chỉ có trật tự, hòa hợp, điều tốt lành và công lý hoàn hảo nữa. Tương tự như vậy, khi chúng ta gắn tiền với một số đặc điểm của văn hóa quà tặng, chúng ta phải nhận ra rằng thế giới quà tặng chưa bao giờ là và có lẽ không bao giờ sẽ là một thế giới của tính vị tha quên mình thuần tuý.
Hãy xem xét lý tưởng quà tặng mà Jacques Derrida mô tả: “Để món quà là một món quà thực sự, phải không có sự “có đi có lại”, không đáp trả, không trao đổi, không lại quà cũng không có sự mắc nợ”. Người cho sẽ không được hưởng một lợi ích nào hết, không được khen ngợi, không nhận sự biết ơn, và thậm chí là không được nghĩ rằng mình đã làm một việc đạo đức. Trong thực tế, điều này gần với hành động làm từ thiện ẩn danh, hoặc sự cúng dường thức ăn cho những người tu hành khổ hạnh đạo Jain (Kỳ-na giáo), những người này không biết ơn cũng không ca ngợi sự cúng dường. (1) Niềm tin tôn giáo của đạo Jain khá gần với sự liên hệ món quà với sự tinh khiết, tính tâm linh, và sự xuất thế. Thông qua sự khổ hạnh, người tu hành đạo Jain tìm cách xoá bỏ nghiệp lực và thanh lọc bản thân đồng thời không tạo ra bất kì mối ràng buộc mới nào với thế giới. Bởi vậy họ chắc chắn không bao giờ đến thăm một ngôi nhà hai lần và không bao giờ đáp lại bất cứ lời mời nào, cố gắng hướng tới lý tưởng không bị ràng buộc bởi bất kì mối liên hệ trần tục nào.
Người tu hành đạo Jain là một trường hợp cực đoan, nhưng nhiều tôn giáo khác trên thế giới cũng có những lý tưởng gần giống như vậy. Ví dụ, người theo đạo Thiên Chúa cùng nhau nhịn ăn, cầu nguyện và làm từ thiện trong bí mật. Những người tu theo đạo Phật cũng được cho là phải dành cuộc đời mình để cứu độ mọi chúng sinh, luôn đặt chúng sinh lên trước bản thân. Trong đạo Do Thái, nguyên tắc của chesed shel emet – lòng tốt cao quý nhất – là cho đi mà không hy vọng được đáp trả hoặc biết ơn, đồng thời mức cao nhất của từ thiện là cả người cho lẫn người nhận đều không biết ai đang cho và ai đang nhận. Làm từ thiện ẩn danh là một trong năm cột trụ của đạo Hồi, nhiều tổ chức từ thiện đạo Hồi được tài trợ bởi các nguồn ẩn danh. Có lẽ tôi không cần đưa ra thêm ví dụ nữa để người đọc thấy được mối liên hệ của lòng vị tha và hoạt động từ thiện ẩn danh với tôn giáo.
Lý tưởng tôn giáo của hành động trao tặng vô tư mà không tạo ra bất kì mối liên hệ xã hội nào, trớ trêu thay, lại rất giống với các giao dịch tiền tệ! Các giao dịch tiền tệ cũng không tạo ra nghĩa vụ hay ràng buộc gì: một khi tiền đã được thanh toán và hàng hoá được giao nhận, không bên nào còn nợ bên nào bất kì điều gì nữa. Nhưng ngoại trừ những hành động trao tặng lý tưởng được mô tả ở trên, sự cho/nhận các món quà là rất khác. Nếu bạn cho tôi một cái gì đó, tôi sẽ cảm thấy biết ơn và mong muốn cho đi cái gì đó để đền đáp, có thể cho lại bạn hoặc cho ai đó theo chỉ định của phong tục xã hội. Dù thế nào, một nghĩa vụ đã được tạo ra, đảm bảo rằng các món quà tiếp tục được lưu thông trong cộng đồng. Quà tặng ẩn danh không tạo ra các mối quan hệ như vậy và không củng cố các cộng đồng. Người nhận có thể vẫn biết ơn, nhưng sự biết ơn đó không có đối tượng, nó mông lung và trừu tượng.
Hơn nữa, lòng biết ơn phát sinh không chỉ từ việc được nhận quà, mà còn từ việc được chứng kiến hành động trao tặng. Sự hào phóng của người khác khiến chúng ta cũng muốn bản thân mình trở nên hào phóng. Chúng ta mong muốn trao tặng cho những người hào phóng. Sự cởi mở và niềm tin của họ khiến chúng ta cảm động. Nhưng họ cũng là những người có thể bị chỉ trích và tổn thương. Bởi vậy chúng ta muốn chăm sóc và quan tâm tới họ. Với ngoại lệ là hành động từ thiện ẩn danh, việc cho và nhận quà không thể xảy ra mà không tạo nên bất kì mối liên hệ xã hội nào. Thực chất, các món quà giúp chúng ta mở rộng cái tôi cá nhân để liên kết với những cá nhân khác, những người mà khi có nhiều hơn họ cần, sẽ trao tặng cho chúng ta những gì chúng ta cần. Lý tưởng tôn giáo của sự trao tặng không ràng buộc mà khiến cho lòng biết ơn mở rộng tới mức độ phổ quát có một chỗ đứng nhất định nếu chúng ta mong muốn hoà nhập vào cộng đồng sự sống của muôn loài. Nhưng tôi không nghĩ rằng giải pháp cho Kỉ nguyên của sự Chia cắt là trạng thái thống nhất hoàn toàn mang tính phổ quát. Chúng ta sẽ bước vào một bản thể đa chiều trong đó chúng ta và muôn loài là một thể thống nhất. Tuy nhiên, trước tiên chúng ta cần thống nhất với chính nhân loại và nền văn hoá riêng của nó, với các vùng miền, các cộng đồng, các gia đình của nhân loại và thống nhất với chính bản thân chúng ta. Như vậy, hành động trao tặng ẩn danh không ràng buộc tuy quan trọng nhưng chỉ có vai trò giới hạn trong nền kinh tế sắp tới.
Trong các nền văn hoá quà tặng nguyên thuỷ, tuy có sự tồn tại của các món quà mang tính phổ quát và không thể được đền đáp dưới hình thức hiến tế người/vật cho các thần linh, nhưng phần lớn các món quà đều mang tính xã hội. Trong cuốn chuyên khảo cổ điển The Gift (1924), Marcel Mauss đã chỉ ra rằng trong các xã hội nguyên thuỷ, không có sự tồn tại của các món quà không ràng buộc (free gift). Nói chung, các món quà và cách đền đáp phù hợp được xác định khá tỉ mỉ và được thi hành thông qua các quy tắc xã hội. Người ta mong muốn rằng các nghĩa vụ và cam kết phát sinh từ các món quà và sự trả ơn xứng đáng là một chất kết dính mang tính xã hội.
Chúng ta có thể cảm thấy sự vắng bóng của chất kết dính đó trong xã hội hiện nay. Theo logic “tôi và của tôi”, bất kỳ nghĩa vụ hay sự phụ thuộc nào cũng là một mối đe dọa. Quà tặng tạo ra các nghĩa vụ một cách tự nhiên, do đó, trong thời đại của sự Chia cắt, người ta trở nên sợ phải cho và thậm chí sợ phải nhận hơn là phải cho. Chúng ta không muốn nhận quà bởi vì chúng ta không muốn phải có nghĩa vụ gì với bất cứ ai. Chúng ta không muốn nợ bất cứ ai cái gì. Chúng ta không muốn phụ thuộc vào sự trao tặng của bất cứ ai hay vào hành động từ thiện nào – “Cảm ơn! Nhưng tôi có thể tự trả tiền cho cái này. Tôi không cần bạn đâu”. Đồng thời, chúng ta nâng việc làm từ thiện ẩn danh (không ràng buộc gì và không mong đợi được đền đáp) lên thành một hành động mang tính đạo đức cao thượng.
Một phần của việc sống trong tinh thần quà tặng là thừa nhận và tuân theo nghĩa vụ khi nhận cũng như khi cho. Mauss đưa ra ví dụ về người Dayaks, những người “thậm chí đã phát triển một hệ thống luật pháp và đạo đức hoàn chỉnh, theo đó ai mà có mặt khi người khác đang nấu ăn thì người đó sẽ có nghĩa vụ cùng ăn bữa ăn đó”(2) Bản thân tôi đã từng có kinh nghiệm về điều này khi sống nhiều năm ở Đài Loan, nơi những di tích của nền văn hoá nông nghiệp dựa trên nguyên tắc tặng quà vẫn còn tồn tại ở thế hệ những người cao tuổi. Ở đó, khách tới thăm nhà mà bạn không mời họ ăn uống thì đó là một thiếu sót trầm trọng, tuy nhiên bạn được mời ăn mà lại từ chối thì bạn cũng quả là thô lỗ. Nếu bữa tối đang được chuẩn bị mà bạn cố gắng cáo lui trước giờ ăn thì đó không hẳn là lịch sự (trừ khi có lí do cực kì thuyết phục). Từ chối một món quà đồng nghĩa với việc khinh suất mối quan hệ với người tặng quà. Nếu các món quà có thể tạo ra các mối liên kết thì việc từ chối tặng quà hoặc nhận quà có ý nói rằng: “Tôi không muốn liên quan gì tới anh/chị/bạn.” Mauss viết: “Việc từ chối tặng quà, cũng như từ chối nhận quà tương đương với việc tuyên chiến; đó là hành động chối bỏ mối liên hệ với cộng đồng. (3)
Chối bỏ mối liên hệ với cộng đồng là một vấn đề vô cùng hệ trọng. Khi kể về một bộ tộc Alaska mà ông từng sống cùng, tác giả Mark Dowie có nhắc đến việc bộ tộc đó có cuộc triệu tập những người lớn tuổi để bàn luận về việc một người trong bộ tộc đã vi phạm luật chia sẻ thực phẩm của họ. Người mà là chủ đề của cuộc bàn luận đã tích luỹ thực phẩm mà anh ta săn bắt được thay vì chia sẻ, như vậy là coi thường nguyên tắc quà tặng của bộ tộc. Những người lớn tuổi đã nhìn nhận sự việc đó trầm trọng đến mức nào? Mục đích của cuộc triệu tập đó là để đưa ra quyết định họ có cần giết người đàn ông kia hay không. (4)
Trong nhiều trường hợp, một cuộc thương lượng ngầm xảy ra trong đó hai bên thoả thuận cho đến khi họ cùng đồng ý về một món quà mà món quà đó phản ánh được mối liên kết sẽ được tạo ra. (5) “Ôi, tôi không thể ăn thêm được; tôi vừa mới ăn xong (nói dối). Chắc là tôi chỉ uống được một chén trà thôi.” Trà được dọn ra, kèm theo một đĩa đầy ắp bánh nướng đậu xanh, mận khô và hạt dưa. Tôi chỉ cắn vài hạt dưa. Người chủ nhà đưa tôi vài cái bánh để tôi mang về. Sự trao đổi tinh tế này của hành động cho và nhận quà không hiện hữu trong nền kinh tế thị trường của chúng ta.
Nhưng ngay cả ở Mỹ, dù xa lạ với văn hoá quà tặng, chúng ta vẫn cảm nhận được logic của nó. Có thể bạn đã từng có trải nghiệm này: bạn nhận được sự giúp đỡ từ ai đó, bạn muốn trả tiền cho họ vì điều đó, và bạn cảm thấy người kia tỏ ra thất vọng và xa lánh bạn. Trả tiền cho một món quà khiến nó không còn là một món quà nữa, hành động đó bẻ gãy mối liên kết đang được tạo ra.
Ác cảm với nghĩa vụ [gắn với quà tặng] khiến cho các giao dịch tiền tệ trở nên càng hấp dẫn. Như Richard Seaford nói, “trong một giao dịch thương mại, cái được giao dịch hoàn toàn và vĩnh viễn tách biệt khỏi người giao dịch.” (6) Khi chúng ta trả tiền cho mọi thứ mà chúng ta nhận, chúng ta sẽ không bị phụ thuộc, không có nghĩa vụ với ai, không bị ràng buộc bởi cái gì. Không ai có thể yêu cầu sự giúp đỡ từ chúng ta; không ai khiến chúng ta phải nể nang gì hết. Trong một nền kinh tế quà tặng, nếu ai đó nhờ bạn giúp đỡ thì bạn không thể từ chối được: người đó và cả xã hội đang nói, dù rõ ràng hay không rằng: “Anh có nhớ tất cả những điều chúng tôi đã làm cho anh? Nhớ lúc chúng tôi trong nom con cho anh không? Lúc chúng tôi giải cứu con bò của anh? Lúc chúng tôi xây lại chuồng bò của anh sau đám cháy? Anh nợ chúng tôi đấy!” Ngày hôm nay chúng ta muốn mình có thể nói: “Tôi đã trả tiền khi các anh trông con tôi. Tôi đã trả tiền khi các anh dọn dẹp lối đi nhà tôi. Tôi đã trả tiền cho tất cả mọi thứ các anh làm cho tôi. Tôi không nợ nần các anh bất kì điều gì!”
Bởi vì nó tạo ra lòng biết ơn hoặc nghĩa vụ, nên hành động sẵn sàng nhận một món quà chính nó là một hình thức của tính hào phóng. Việc nhận quà đồng nghĩa với việc bạn có ý nói “Tôi sẵn sàng mang nợ anh.” Hoặc, trong một nền văn hóa quà tặng phức tạp hơn, điều đó có ý là “Tôi sẵn sàng mang nợ cộng đồng.” Mở rộng nguyên tắc hơn nữa, việc hoàn toàn chấp nhận những món quà được ban cho chúng ta có ý nói rằng, “Tôi sẵn sàng mắc nợ Chúa Trời và vũ trụ”. Tương tự như vậy, khi từ chối nhận các món quà, chúng ta dường như lảng tránh những nghĩa vụ nảy sinh một cách tự nhiên cùng với sự biết ơn. Đây là lời của Stewart Millard – một tài xế taxi:
“Kết luận đầu tiên của tôi là tiền khiến cho chúng ta kém tinh tế trong các mối quan hệ với mọi người. Nếu tôi được anh bạn Greg (chủ tiệm xăm lốp) tặng cho một bộ lốp mới thì tôi sẽ phải đền đáp cho Greg thế nào đây? Và, nếu tôi không nhận món quà đó thì sao? Nếu nhận món quà của Greg thì một cách tự động, tôi sẽ muốn đáp lại sự hào phóng đó. Tôi có thể đáp lại bằng cái gì đây? Tôi có thể đợi cậu ấy nói rõ điều cậu ấy muốn, hoặc tôi có thể cố gắng tìm hiểu về mối quan tâm của Greg, và như vậy sự đền đáp sẽ là một hành động thực sự chân thành. Tôi có thể trả tiền, nhưng như vậy tôi sẽ không cần quan tâm đến những người đang ở ngay xung quanh mình. Có một lí do khiến chúng ta khó chấp nhận nhau: đơn giản vì chúng ta có tiền. Nếu một người làm chúng ta khó chịu, chúng ta chỉ cần đem tiền tới chỗ khác, và để mặc người kia muốn ra sao thì ra.”
Một trong những món quà quan trọng nhất mà bạn có thể cho đi là: nhận món quà của người khác với cả tấm lòng. Ngày nay chúng ta có rất nhiều cách để từ chối nhận, hoặc chỉ nhận một phần món quà. Bất cứ điều gì chúng ta làm để giảm nhẹ nghĩa vụ gắn với việc nhận quà là một hình thức từ chối – ví dụ: nhắc người tặng quà nhớ về cái mà bạn tặng họ năm ngoái; có ý nói rằng bạn xứng đáng được nhận món quà; giả vờ là bạn không thích món quà lắm dù nó là cái gì chăng nữa; hoặc đề nghị hoặc nhất quyết trả tiền cho cái gì đó. Khi ai đó khen tôi, thỉnh thoảng tôi từ chối lời khen đó bằng cách phủ nhận tính chân thực của nó và tỏ ra khiêm tốn (anh quá khen, tôi cũng thường thôi!), hoặc hạ thấp giá trị của lời khen đó (ai mà chẳng làm vậy, bình thường thôi mà!) Khi ai đó nói “Cảm ơn”, đôi khi tôi tự thấy mình từ chối lời cảm ơn đó bằng cách nói “Tôi có làm gì đâu”. Ai đó nói “Sách của anh đã thay đổi cuộc đời tôi” và tôi có thể đã trả lời rằng “Sự thay đổi đã có sẵn trong bạn rồi, sách của tôi chỉ là nhân tố trung gian thôi. Người khác cũng đọc những câu chữ như vậy mà có tác dụng gì đâu.” Mặc dù sự thật đúng là như vậy nhưng tôi thường dùng câu trả lời này để lái những lời khen tặng và cảm ơn mà tôi sợ phải nhận một cách trọn vẹn sang hướng khác. Khi lòng biết ơn khiến chúng ta muốn đáp trả một món quà, đừng đáp trả lại quá nhanh, nếu không nó sẽ trở thành một giao dịch tầm thường, không khác lắm so với khi bạn mua bán cái gì đó. Như vậy, nó huỷ bỏ mọi nghĩa vụ thay vì có khả năng kết nối người cho và người nhận một cách chặt chẽ hơn.
Nhận với cả tấm lòng tức là bạn sẵn sàng đặt mình vào vị trí có nghĩa vụ hoặc với người cho hoặc với cả xã hội. Biết ơn và nghĩa vụ đi đôi với nhau, chúng là hai mặt của một đồng tiền. Nghĩa vụ là nghĩa vụ làm gì? Là cho đi mà không cần được “đền bù”. Biết ơn là thế nào? Là mong muốn cho đi, cũng không cần được đền đáp, xuất phát từ nhận thức rằng mình đã được nhận rồi. Trong thời đại của sự Chia cắt, chúng ta đã tách hai mặt đồng tiền đó thành hai phạm trù riêng biệt, nhưng ban đầu chúng chỉ là một: nghĩa vụ là mong muốn đến từ bên trong và chỉ sau này mới là một điều bị ép buộc từ bên ngoài (7). Như vậy, rõ ràng là, miễn cưỡng nhận thực chất là miễn cưỡng cho đi. Chúng ta nghĩ rằng mình cao quý, hy sinh bản thân, không ích kỉ nếu chúng ta chỉ muốn cho mà không muốn nhận. Đừng nghĩ như vậy, chúng ta không phải thế đâu. Một người hào phóng khi họ cho đi một cách vô tư và cũng nhận một cách vô tư. Đừng sợ phải mang thêm nghĩa vụ, đừng sợ phải biết ơn. Chúng ta sợ nghĩa vụ bởi chúng ta cảnh giác với những điều “phải làm”, chúng ta thận trọng với sự ép buộc gắn liền với rất nhiều tổ chức xã hội. Nhưng khi chúng ta chuyển từ “phải làm” thành “muốn làm”, chúng ta tự do. Khi chúng ta nhận ra rằng bản thân sự sống là một món quà, rằng chúng ta ở đây để cho đi, thì chúng lúc đó chúng ta tự do. Sau cùng, những cái mà bạn lấy trong cuộc đời này đi theo bạn khi bạn chết. Chỉ có những món quà của bạn là còn ở lại.
Bạn có thể thấy trong nền văn hoá của chúng ta, tâm lí muốn từ chối quà tặng đã thâm nhập khắp mọi nơi, vậy nên chúng ta cần phải học lại rất nhiều. Nhiều lúc sự khiêm tốn thực ra chỉ là sự chối bỏ các mối liên hệ, sự xa cách với những người khác, sự từ chối nhận cái gì đó. Chúng ta sợ phải nhận y như sợ phải cho; thực vậy, nếu không thể làm được điều này thì ta không thể làm được điều kia. Có thể chúng ta tưởng rằng bản thân mình là vị tha và đoan chính vì sẵn sàng cho đi chứ không sẵn sàng nhận cái gì, nhưng như vậy cũng bủn xỉn y như là chỉ biết nhận mà không chịu cho đi, vì nếu không nhận thì “giếng” quà tặng của chúng ta sẽ khô cạn. Không chỉ bủn xỉn, chúng ta còn kiêu căng nữa: chúng ta tưởng nguồn của những món quà chúng ta cho đi là cái gì? Là bản thân chúng ta chăng? Không! Sự sống là một món quà, sự sống và tất cả những gì nuôi dưỡng sự sống, từ mẹ cha cho đến toàn bộ hệ sinh thái là một món quà. Chẳng có gì được tạo ra chỉ bằng nỗ lực của chúng ta hết. Ngay cả khả năng sáng tạo của chúng ta, dù là sự sáng tạo mang tính vật chất hay tinh thần cũng vậy (vậy nên đôi khi chúng ta gọi khả năng đó là “Trời ban”).
Tất nhiên, đôi khi từ chối một món quà là một việc hoàn toàn hợp lí, đặc biệt là khi bạn không muốn tạo ra kiểu liên kết mà món quà đó có ý tạo ra. Tất cả các món quà đều tạo ra những sợi dây ràng buộc. Nhưng thường thường, chúng ta không muốn nhận không phải vì không muốn tạo ra một mối liên kết nhất định nào đó, mà vì chúng ta không muốn tạo ra bất kì mối liên kết nào.
Các câu của miệng theo tinh thần New Age về việc “cởi mở tiếp nhận sự thịnh vượng” khiến tôi phát ốm, tuy nhiên, giống như mọi câu cửa miệng, nó cũng có ý đúng. Nhưng, nỗi sợ không dám nhận không phải chỉ là vấn đề của sự tự hạ thấp giá trị bản thân hay cảm giác mình không xứng đáng như theo lời của các “thầy” tâm linh, mà đó còn là nỗi sợ phải cho đi. Cho và nhận đi đôi với nhau, luôn luôn là vậy! Sợ nhận là sợ cho, là sợ kết nối, sợ sự sống. Cho và nhận, mang ơn và được mang ơn, dựa vào người khác và được người khác dựa vào-như thế mới thực là đang sống. Không cho cũng không nhận mà trả tiền cho mọi thứ, không bao giờ dựa vào bất cứ ai mà hoàn toàn độc lập về tài chính, không gắn kết với một cộng đồng hoặc một nơi chốn mà xê dịch liên tục… đó là thiên đường viển vông của cái tôi khép kín và tách biệt. Nương theo sự tự cao tâm linh về không ràng buộc, theo ảo tưởng tôn giáo về xuất thế gian, và theo tham vọng khoa học để làm chủ và vượt lên trên thiên nhiên không dẫn chúng ta lên thiên đường mà xuống địa ngục.
Khi thức tỉnh khỏi những ảo tưởng về không ràng buộc, sự độc lập và sự siêu việt, chúng ta hướng tới sự tái hợp nhất với bản thể rộng lớn của mình. Chúng ta mong mỏi có cộng đồng. Sự độc lập chưa bao giờ là gì khác ngoài những ảo tưởng. Sự thật là, vẫn luôn luôn là, và mãi mãi sẽ là: chúng ta hoàn toàn phụ thuộc lẫn nhau và phụ thuộc vào thiên nhiên. Chỉ có một cách duy nhất để không phải phụ thuộc, không phải nhận, không phải yêu thương, không phải mất mát, đó là đừng sống nữa, thế thôi.
Chắc chắn, “không ràng buộc” cũng có cái đúng đắn của nó, đó là khi chúng ta bớt níu giữ tài sản của mình. Sự không ràng buộc này tồn tại trong phạm vi của ràng buộc và kết nối, chứ không phải trong sự độc lập và tách biệt. Thật vậy, các món quà giúp chúng ta giải phóng khỏi cái tôi ích kỉ, chúng giúp chúng ta mở rộng bản thể để vượt ra ngoài cái tôi cá nhân, hướng mối quan tâm của cá nhân tới phúc lợi của một bản thể lớn hơn trong đó vạn vật có mối quan hệ tương tức. Quà tặng vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của sự mở rộng bản thể. Khi cảm thấy mình kết nối với người khác, chúng ta sẽ mong muốn cho đi. Càng cho đi nhiều, chúng ta càng cảm thấy kết nối mạnh mẽ hơn. Món quà là biểu hiện mang tính vật chất-xã hội của tính hợp nhất cơ sở của vạn vật.
Khi sống tách biệt khỏi thế giới, ta chẳng làm được điều gì nhiều dù tốt hay xấu. Sống trọn vẹn trong thế giới yêu cầu chúng ta phải sử dụng tài sản của mình một cách khôn ngoan (8). Bước cả hai chân vào phạm vi của những mối liên hệ và nghĩa vụ là một hành động hào phóng. Việc trao tặng công khai các món quà, trái ngược với các lý tưởng tôn giáo, có thể phát sinh sự đền đáp. Thông qua đó, chúng ta làm cho các món quà được lưu chuyển nhiều hơn, từ đó chúng ta lại càng muốn cho đi thêm nữa. Ý tưởng ở đây không phải là ép buộc hay sắp đặt để được đền đáp, như vậy thì món quà không còn là quà nữa, mà là đáp ứng một nhu cầu và tạo ra một mối ràng buộc.
Cùng với các câu chuyện, các món quà là những sợi dây gắn kết các mối quan hệ, gắn kết cộng đồng. Hai thứ này liên quan chặt chẽ tới nhau. Các câu chuyện có thể là một món quà, và các câu chuyện cũng đi kèm với các mòn quà, khiến các món quà trở thành độc nhất. Mong muốn kể lại câu chuyện về món quà gần như là không thể cưỡng lại được. Tôi nhớ bà tôi kể: “Đầu tiên bà tìm món quà này ở cửa hàng Macy, nhưng họ không có, sau đó bà lại đến J.C. Penny để tìm…” Trong bất kì sự kiện nào, các câu chuyện kể về “ai cho ai cái gì” là một yếu tố góp phần khơi gợi tính hào phóng và cảm giác kết nối trong cộng đồng.
“Tôi tặng bạn một cách vô tư và tin rằng tôi sẽ nhận được những điều mình cần, dù từ bạn hay từ một người khác trong vòng tròn quà tặng của chúng ta” – thái độ này của người tặng đánh trúng vào cảm xúc của chúng ta. Có một cái gì đó bất diệt và chân thực về lòng biết ơn và sự hào phóng mà không mong cầu được đền đáp và không tạo ra bất kì nghĩa vụ nào. (9) Vậy nên có một nghịch lí là: một mặt, các món quà phát sinh các nghĩa vụ và điều đó tạo nên sự đoàn kết về mặt xã hội và cộng đồng. Mặt khác, trái tim của chúng ta rung động trước những món quà mà không hề tạo ra bất kì nghĩa vụ nào và không mong cầu được đền đáp. Có cách nào để giải quyết được nghịch lí này hay không? Có – bởi nghĩa vụ không nhất thiết đến từ áp lực xã hội trong đó tư lợi cá nhân của cái tôi kín đáo và tách biệt được ưu tiên hàng đầu. Thay vào đó, nó có thể phát sinh một cách tự nhiên, không bị ép buộc, nó là kết quả của sự biết ơn. Nghĩa vụ này là một mong muốn thuộc về bản năng, là một hệ quả tất yếu của cảm xúc kết nối nảy sinh từ việc được nhận một món quà hoặc từ việc được chứng kiến một hành động hào phóng.
Lí lẽ của cái tôi kín đáo và tách biệt nói rằng con người về cơ bản là ích kỉ. Theo đó, xã hội phải áp dụng nhiều chế độ thưởng phạt để uốn nắn những hành vi ích kỉ của cá nhân cho phù hợp với lợi ích của cả xã hội. Hiện nay, nhiều phong trào tâm linh, kinh tế và tâm lí học đang thách thức khái niệm về cái tôi của Descartes. Cái tôi mới là một thứ có đặc tính tương tức, sự tồn tại của nó dựa trên sự tồn tại của mọi thứ khác và tất cả đều kết nối với nhau. Cái bản thể lớn này bao gồm tất cả mọi người và mọi vật trong vòng tròn quà tặng. Trong vòng tròn đó, quan niệm “nhiều hơn cho bạn là ít hơn cho tôi” là không đúng. Quà tặng luân chuyển, vì vậy sự thịnh vượng của người khác cũng đồng thời là sự thịnh vượng của bạn. Hoà nhập hoàn toàn trong bản thể rộng lớn này, không ai cần phải bị ép thì mới chia sẻ. Các cấu trúc xã hội dựa trên sự cho nhận vẫn có vai trò của nó: để nhắc nhở các thành viên trong xã hội về chân lí của tính tương tức, để dẫn lối cho những người có thể đã quên chân lí đó, và để cung cấp các cách thức cho-nhận thực sự hiệu quả trong việc đáp ứng các nhu cầu của xã hội. Ai cho ai cái gì? Mỗi nền văn hoá có một câu trả lời đúng khác nhau, phụ thuộc vào môi trường sống, hệ huyết thống, các niềm tin tôn giáo… của nó. Ở mỗi nền văn hoá, một cấu trúc quà tặng cụ thể sẽ tiến triển theo thời gian và định hướng sự phân bổ tài nguyên một cách phù hợp cho nền văn hoá đó.
Về cơ bản, đây cũng là điều mà chúng ta muốn nền kinh tế tiền tệ có thể làm: kết nối nhu cầu của con người (và của các sinh vật khác) với những món quà tương ứng của con người và thiên nhiên. Mỗi đề xuất về kinh tế và tiền tệ trong cuốn sách này đều hướng tới hiện thức hoá mục đích trên. Hệ thống kinh tế cũ không thích hợp với mục đích đó bởi: nó khiến cho của cải chỉ tập trung trong tay một số ít người, nó loại trừ những người không thể trả tiền (người nghèo, các loài khác và trái đất) khỏi nền kinh tế, nó không mang tính cá nhân và độc nhất, nó làm tan rã các cộng đồng và phá vỡ các mối liên kết, nó phủ nhận chu kì tuần hoàn và luật hồi đáp, nó hướng tới sự tích luỹ tiền bạc và tài sản. Nền kinh tế thiêng liêng mang những đặc điểm đối lập với những đặc điểm trên: nó bình đẳng, bao gồm tất cả, mang tính cá nhân, tạo mối liên kết, bền vững, và không tích lũy. Một nền kinh tế như vậy đang đến! Hệ thống cũ không thể kéo dài được nữa. Đã đến lúc chuẩn bị cho nền kinh tế thiêng liêng bằng cách sống theo nguyên tắc của nó ngay từ hôm nay.