Chúng ta đang hạ thấp nhân cách của trẻ em.

17 Tháng Tám 2017
Chuyên mục
Well-Being
Bình luận  2

Khi bạn ngồi lại và quan sát bất cứ một đám đông nào có trẻ em, bạn sẽ thấy rất nhanh và rõ một sự thật, đó là: trẻ em cần sự cho phép của người lớn để làm NGƯỜI.
Để khóc. Để phạm sai lầm. Để đi toilet. Để buồn bã. Để được lắng nghe. Để hưng phấn. Để sợ hãi. Để cảm thấy an toàn. Để gặp khó khăn. Để tự kiểm soát cơ thể mình. Để đừng bị dọa nạt. Và nhiều hơn nữa. Trẻ em liên tục bị người lớn khiến chúng cảm thấy chúng phải được người lớn cho phép thì mới được tôn trọng và được đối xử như những con người thực thụ.
“Không sao, đừng khóc”
“Con phải kiên nhẫn chứ”
“Con bị làm sao vậy?”
“Bình tĩnh lại”
“Có gì đâu, thôi đi con”
“Ăn cho xong đi”
“Im lặng nào”
“Ngồi yên đi nào”
“Vì cha/mẹ bảo thế”
“Đừng rên rỉ nữa”
“Đừng ngốc nghếch thế”
“Đừng có cãi lại!”
“Kìa, ra hôn bà đi con”
“Con mà không “ạ” thì mẹ không cho đâu”
“Nếu con không làm việc X này, cha/mẹ sẽ phạt con/ không cho con làm điều Y/ không cho con đi chơi…”
Tôi thấy các bậc cha mẹ ra lệnh cho con cái, thiếu sự kết nối, và trừng phạt con trẻ vì chúng xử sự “như trẻ con”. Tôi rất buồn vì điều đó. Nếu điều bạn nói là hợp lí thì trẻ em không cần phải bị trừng phạt để chấp nhận nó một cách nghiêm túc. Tất cả mọi người, ai cũng có quyền cảm thấy được lắng nghe và tôn trọng. Vì sao trẻ em lại không có quyền lên tiếng trong những quyết định có ảnh hưởng tới chúng? Bạn sẽ thấy, mọi việc không cần phải theo hướng này. Nếu bạn luôn tranh đấu với con cái, thì đương nhiên việc làm cha làm mẹ sẽ chẳng có gì vui.
Con người không thích bị kiểm soát. Trẻ em cũng là con người, và vì thế sẽ chống đối lại sự kiểm soát. Chắc chắn là các bậc cha mẹ không thích đóng vai trò là người kiểm soát những cá nhân không thích bị kiểm soát đâu nhỉ? Làm cha mẹ không cần phải theo hướng cha mẹ đối đầu con cái. Như bất kì một mối quan hệ nào (kể cả tình bạn), một mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau thì tốt đẹp hơn nhiều sự kiểm soát. Trẻ em không cần phải bị kiểm soát và ép buộc và trừng phạt thì mới HỌC HỎI. Trẻ em luôn sống và học hỏi từ cuộc sống của chúng. Chúng học cách xử lí những cảm xúc mạnh mẽ, khó khăn, mâu thuẫn, tất cả mọi thứ – từ cha mẹ. Bởi vậy nếu bạn muốn con bạn trở thành người như thế nào, hãy làm gương! Đó là điều đúng đắn nhất mà bạn có thể làm trong hành trình nuôi dạy con cái.
Trẻ em không cần phải làm gì để được tôn trọng như một con người. Trẻ em không phải đang chuẩn bị làm người, chúng đang là người, ngay giây phút này đây. Không phải chúng đang đợi để được sống cuộc sống của mình, chúng ĐANG SỐNG. Xã hội cư xử với trẻ em cứ như thể chúng đang trong quá trình chuẩn bị cho mai sau, lúc trưởng thành chúng sẽ được tôn trọng – chứ không phải là được tôn trọng ngay từ bây giờ. Trước khi chúng trưởng thành, ai cũng cho rằng mình được phép đối xử với trẻ em như những đối tượng cấp thấp với vỏ bọc là “làm cha mẹ” và “giáo dục”. Đối với nhiều người, “làm cha mẹ” đồng nghĩa với “trừng phạt” và “giáo dục” đồng nghĩa với “trường lớp”, nhưng sự thật lại khác xa như vậy.
Sự phân biệt đối xử với trẻ em đã cắm rễ quá sâu vào trong cuộc sống hiện đại. Những bậc cha mẹ nào đứng lên bảo vệ sự bất công với trẻ em thì thường xuyên bị chế nhạo. Tôi đã từng nói rằng tôi không muốn được coi là “người mẹ tốt” bởi một xã hội nghĩ quá ít cho trẻ em (lời người dịch: tác giả bài viết là một người mẹ Úc).
“Mỗi lần bước ra khỏi nhà hay mở mạng Internet là bạn sẽ có thể nhìn thấy nhiều ví dụ của sự phân biệt đối xử này. Mỗi ngày, bằng nhiều cách khác nhau, trẻ em nhận được thông điệp rằng chúng kém quan trọng, không xứng đáng được tôn trọng, thua kém so với người lớn, cho dù chúng ta có cố ý gửi các thông điệp đó hay không. Sự phân biệt đối xử này đã ăn sâu vào trong xã hội đến nỗi phần lớn chúng ta không còn nhận ra nó nữa.” – Sara, Happiness is here.
Việc hạ thấp nhân cách của trẻ em được chấp nhận và đôi khi còn được tán dương khi người lớn nói đùa, chế giễu, đổ lỗi cho trẻ em – những người đang học cách cư xử từ việc quan sát người lớn. Tôi thấy các bậc cha mẹ thường than phiền về con cái của họ. Nhiều người không nhận ra rằng cách nhìn trẻ em của họ đã bị xã hội định hình, và cách nhìn đó thường không tôn trọng trẻ em chút nào.
Tôi hiểu là việc làm cha mẹ có những lúc rất khó khăn, nhưng lấy đó làm lí do để có những câu nói đùa và chế giễu trẻ em thì tôi sẽ không tham gia đâu. Chúng ta không cần phải hạ thấp trẻ em để chia sẻ với nhau những khó khăn mà ta gặp phải khi nuôi dạy con cái.
Các bậc cha mẹ có thể đọc về cách nuôi dạy con trong sự tôn trọng nhưng phần lớn sẽ chọn yêu thích và sử dụng những thông tin phù hợp với quan điểm có sẵn của họ. Việc chọn những thông tin xác nhận quan điểm có sẵn của mình là đúng thì luôn dễ dàng hơn việc thay đổi quan điểm. Các bậc cha mẹ được xã hội định hướng rằng cách tốt nhất để nuôi dạy con cái là: cha mẹ toàn quyền quyết định mọi việc thay cho con cái, cha mẹ có quyền khen thưởng hoặc trừng phạt con cái. Khi trẻ em bị kiểm soát và ép buộc phải làm những điều chúng không muốn thì chúng sẽ có những hành động khiến cha mẹ phải dùng đến thưởng phạt.
Chúng ta thường nhẫm lẫn giữa hành vi của trẻ và chính đứa trẻ. Phần lớn chúng ta có thể tách biệt được vợ/chồng mình và hành vi của họ. Nhưng với trẻ em, một cách vô thức, chúng ta coi đứa trẻ = hành vi. Bởi vậy khi không ưa một hành vi nào đó của trẻ, ta lập tức mất đi sự tôn trọng dành cho chúng.
Một số hành vi của trẻ em dường như là không chấp nhận được, nhưng hiểu được cảm xúc của trẻ dẫn đến hành vi đó mới là vấn đề mấu chốt. Chúng ta có thể không thích cách trẻ phản ứng khi chúng gặp rắc rối nhưng đừng bỏ qua cảm xúc của chúng cũng như đừng xem nhẹ trải nghiệm của chúng. Sự cảm thông và thấu hiểu luôn luôn là câu trả lời.
Người khác hay nói tôi cần phải dừng phán xét các bậc cha mẹ, rằng tôi nên tôn trọng cách nuôi dạy con của những cha mẹ khác. Nhưng tôi không thể không lên tiếng khi trẻ em bị hạ thấp nhân cách và không được tôn trọng. Tôi sẽ làm mọi điều tôi có thể để đứng lên bảo vệ trẻ em, dù điều đó có làm nhiều bậc cha mẹ khó chịu.
Tôi viết bài này không phải để nói xấu các bậc cha mẹ khác. Tôi chỉ muốn nói rằng chúng ta đã đi lạc lối quá xa trong việc nuôi dạy con cái. Hơn thế nữa, chúng ta đang bảo vệ sự hạ thấp nhân cách của trẻ em. Đọc những điều này, bạn có thể không cảm thấy thích thú cho lắm vì chính bạn và tôi, chúng ta cũng đã từng là nạn nhân, nhưng chúng ta phải nhận ra sai lầm thì mới có thể thay đổi. Và chúng ta có thể thay đổi ngay trong cuộc sống của chính chúng ta.


(http://www.racheous.com/respectful-parenting/the-dehumanisation-of-children/)

2 responses on “Chúng ta đang hạ thấp nhân cách của trẻ em.

  1. Mia Pham nói:

    Những bài viết tuyệt vời giúp tôi có cái nhìn khác, tôi thực sự thay đổi nhiều.

  2. Thảo nói:

    Bạn đang cùng tôi đi đến giác ngộ

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *