Unschooling là sống trong hiện tại: Bây giờ & Ở đây

16 Tháng Bảy 2019
Chuyên mục
Unschooling
Bình luận  1

Dường như hiện nay mọi người đều đi tìm cách để tái kết nối: với bản thân mình, với người thân, và với những điều quan trọng trong cuộc sống. Chúng ta đọc và nghe nói nhiều về việc quay trở lại trọng tâm, buông bỏ những thứ phù phiếm, và lắng lòng lại. Chúng ta bị sao lãng liên tục bởi tin tức, quảng cáo, tin nhắn và các cuộc tranh cãi. Chúng ta thấy không còn thời gian để làm những việc có ý nghĩa với mình như làm vườn, vẽ vời, viết lách, hoặc đi dạo giữa thiên nhiên. Chúng ta luôn căng thẳng và mất tập trung. Ngay cả trẻ em ở trường cũng được hướng dẫn thực hành thiền. Tuy nhiên, trẻ em mới là người thực sự lắng nghe bản thân và hoà mình với môi trường xung quanh.

Sự thực là, không có ai sống trọn vẹn trong hiện tại, với tất cả sự chú tâm và những cảm xúc đi kèm theo đó, hơn một đứa trẻ trước khi nó bị đưa tới trường. Một đứa trẻ sơ sinh thể hiện sự cảm kích của nó ngay khi nhu cầu của nó được đáp ứng. Còn khi không được đáp ứng nó la hét bực bội. Một đứa trẻ sẽ dành cả ngày, lúc thì ngủ, lúc thì xem xét những ngón chân của mình hoặc cái mũi của mẹ với sự tập trung cao độ, mà không bao giờ lo lắng rằng lẽ ra nó cần phải làm việc gì khác.

Một đứa trẻ dùng hết năng lượng và khả năng của mình để thoả mãn trí tò mò, khám phá những âm thanh mà nó có thể tạo ra, những chuyển động mà nó có thể làm chủ. Nó thất bại liên tục khi cố gắng lẫy, bò, đứng, đi, dùng từ ngữ để diễn tả những điều mà nó vừa mới biết về thế giới xung quanh. Nó thử lại, rồi lại thất bại, nhưng lòng quyết tâm của nó đến từ tự thân và cực kì mạnh mẽ. Nó học hỏi từ sự thất bại, đồng hoá những điều nó đã học được, rồi gạt bỏ những sai lầm. Nó không cảm thấy xấu hổ hay thua cuộc khi thất bại, bởi điều đó giờ đây đã thuộc về quá khứ. Bây giờ và ở đây, tại thời điểm này, là một cơ hội mới để học hỏi. Thời khắc hiện tại thật sự đầy phấn khích, thật sự vô cùng tuyệt vời!

Là cha mẹ, chúng ta cổ vũ các em bé trong nỗ lực học hỏi của chúng. Chúng ta làm gương và hỗ trợ công cuộc học hỏi của chúng bởi chúng ta hiểu rằng mình không thể dạy trẻ nói, đi, ăn hay bất cứ kĩ năng cơ bản nào khác mà đứa trẻ học được trước tuổi lên 2. Trẻ phải tự học những kĩ năng đó, với sự hướng dẫn và hỗ trợ của chúng ta. Khi đồng hành với trẻ trên tiến trình thay đổi từng ngày như thế, bản thân chúng ta cũng cần sống trong hiện tại, điều tiết những thay đổi không thể tránh trong cuộc sống của mình, một cách tự nhiên chúng ta mất cảm giác về thời gian. Mặc dù nhiều người cố gắng tạo ra các khung thời gian, con cái của chúng ta liên tiếp chỉ ra món quà của Hiện tại, khiến chúng ta phải từ bỏ các tờ lịch hay thời gian biểu.

Rồi một ngày, và càng ngày càng quá sớm, chúng ta đem giao con mình cho những người xa lạ để họ bắt đầu “chuẩn bị” cho tương lai của chúng. Khoảnh khắc hiện tại mà trẻ đang sống toàn tâm trong đó bỗng nhiên trở thành một cái hộp vô trùng mà chúng không còn được phép khám phá tự do nữa. Vừa mới đây chúng ta còn khuyến khích trẻ đi và nói, bây giờ chúng lại phải ngồi im lặng. Lúc trước chúng ta ăn mừng sự học hỏi và những khám phá không giới hạn của trẻ, bây giờ chúng ta lại huấn luyện chúng nghe và làm theo chỉ dẫn. Trước đây chúng ta cố gắng rất nhiều để đáp ứng những nhu cầu về sinh học và tâm lí của trẻ, giờ đây chúng ta lại cho rằng việc kiểm soát và kìm nén những nhu cầu đó là chấp nhận được. Trước đây chúng ta vui mừng vì trẻ có cá tính riêng và độc lập, giờ đây chúng ta lại thấy rằng việc chúng vâng lời, rập khuôn và tuân theo số đông là tốt. Những thông điệp mà bây giờ trẻ nhận được không còn neo vào khoảnh khắc hiện tại – bây giờ và ở đây nữa, mà thay vào đó chúng tập trung vào những điều trong tương lai.

Con có thể nói khi được chỉ định. Con có thể vào nhà vệ sinh sau giờ học. Con phải chờ đợi, giống như tất cả mọi người khác. Con không thể vẽ bây giờ, giờ không phải là giờ vẽ. Môn Địa lý không được dạy vào năm học này. Một tiếng nữa mới tới giờ chơi. Giữa trưa mới tới giờ ăn trưa. Bài kiểm tra tuần tới rất quan trọng. Tương lai của con phụ thuộc vào bài kiểm tra đó.

Chẳng có gì là lạ khi chúng ta cần dạy thiền ở trường học. Làm sao chúng ta có thể kì vọng trẻ em sống và vui vẻ với hiện tại khi hệ thống giáo dục của chúng ta liên tục gửi đi các thông điệp rằng giá trị và mục đích của trẻ nằm hoàn toàn ở con người mà chúng sẽ trở thành trong tương lai? Khi hỏi trẻ “Mai sau con muốn làm gì?”, chúng ta đang nói với trẻ rằng con người mà trẻ đang là, những điều mà chúng đã biết, vì sao và thế nào mà chúng biết là không có giá trị.

Tất cả các trải nghiệm học tập có ý nghĩa đều xuất phát từ và củng cố bởi sự tích luỹ các kiến thức thực tế, sự xây dựng các kĩ năng hoặc sự tiếp xúc với hoặc quan sát một người nhiều kinh nghiệm. Sự học mà xuất phát từ sự tò mò hoặc mối quan tâm luôn là một phần không thể thiếu trong công cuộc tìm tòi mang tính chủ động, nó hoàn toàn là của người học, do người học tự kiểm soát.

Việc học mà bị ép buộc, áp đặt, hoặc thực hiện dưới nỗi sợ bị trừng phạt hay loại trừ thì không bao giờ nên được gọi là “giáo dục”. Nếu việc học chỉ như là một củ cà rốt đặt trước một con lừa (củ cà rốt là hình tượng ám chỉ lời hứa hẹn về thành công trong tương lai và chỗ đứng trong xã hội), để rồi rơi vào quên lãng sau khi nó đã được kiểm tra chính thức, vậy thì nó nên được coi là nông cạn, hoặc tệ hơn, là một sự vừa lãng phí vừa gây tổn hại tuổi thơ.

 

Unschooling là sống trong Hiện Tại

Khi chúng tôi chọn Unschooling như một lối sống, chúng tôi trao cho các con mình quyền tự chủ trong việc học, tự chủ về cơ thể, về trí tượng tượng của chúng và cách mà chúng sử dụng thời gian hàng ngày. Bởi hầu như chẳng bao giờ có hoạch định trước nên chúng tôi có cái đặc quyền hiếm có là tỉnh dậy và để cho thời gian hé mở tuỳ theo các mối quan tâm, trách nhiệm và những điều không thể đoán trước. Trong cuộc sống tự do, chúng tôi cho phép mình tự quyết định cái gì là quan trọng bây giờ và ở đây, tự lựa chọn cách xử lí các vấn đề hóc búa cũng như cách ăn mừng những khám phá của riêng mình.

Sống trong hiện tại có nghĩa là chúng tôi không quá lo lắng về ngày mai, mà sống trọn vẹn trong khoảnh khắc hiện tại. Nó không có nghĩa là chúng tôi sống vô trách nhiệm hay không lên kế hoạch cho tương lai hay không cân nhắc hậu quả của việc trì hoãn làm việc gì đó. Sự tự do cho phép trẻ nhận thức được điều gì là quan trọng nhất đối với chúng mà không bị phán xét hay chỉ trích. Ngược với tưởng tượng của phần lớn mọi người, việc trẻ được tự chủ về thời gian không dẫn đến những lựa chọn sai lầm mà thay vào đó, nó củng cố sự tự giác và trách nhiệm của trẻ.

Thế còn tương lai thì sao? Bỏ đi con lừa, cỗ xe và củ cà rốt, bạn bỏ đi một nguồn áp lực khổng lồ mang tên “thành công trong tương lai”. Những đứa trẻ được tự do quyết định học hỏi khi nào và như thế nào hầu như không bị nản lỏng bởi các sai lầm, chúng cũng không xấu hổ khi từ bỏ một hoạt động hay một mối quan tâm mà không còn mang lại niềm vui cho chúng hay có ý nghĩa với chúng nữa. Chúng cũng có thể theo đuổi nhiều mối quan tâm cùng lúc nếu muốn.

Các con tôi khi được hỏi muốn làm gì khi trưởng thành đã thay đổi câu trả lời nhiều lần. Nhưng tôi nhìn nhận con người mà các con đang là HÔM NAY: một diễn viên, một người đam mê địa lí, một stylist, một nhà ngôn ngữ học, một nghệ sĩ, một đứa trẻ, một con người, một cá nhân. Các con tôi hạnh phúc, cởi mở và tỉnh thức. Chúng có một mối liên hệ lành mạnh với quá khứ, chúng không sợ hay giả vờ là biết được tương lai. Là cha mẹ, chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi để cho cuộc sống trải ra từng ngày một, đan kết những điều giản dị và đáng nhớ vào cuộc sống.

(https://amuddylife.com/2018/11/14/carpe-diem-unschooling-is-all-about-living-in-the-present/)

One response on “Unschooling là sống trong hiện tại: Bây giờ & Ở đây

  1. Hoàng lương minh phương nói:

    Tuyệt vời. Đây đúng là điều mà mình mong muốn

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *