Để hiểu sâu về hệ thống giáo dục trường lớp, ta cần xem xét nó dưới góc độ lịch sử.
Khi ta thấy rằng trẻ em ở khắp mọi nơi phải đến trường, rằng hầu hết các trường học đều được tổ chức giống nhau, rằng xã hội đã chi trả rất nhiều tiền để lập nên những ngôi trường đó, một cách tự nhiên, ta cho rằng phải có một lý do rất logic cho tất cả những điều này. Ta cho rằng nếu không đưa trẻ đến trường hoặc nếu các trường học được tổ chức khác đi, trẻ em sẽ không thể trở thành những người trưởng thành có trình độ và có ích cho xã hội. Ta cho rằng có lẽ ai đó rất uyên bác đã khám phá ra điều này và chứng minh được là nó đúng, và rằng những lý thuyết khác về sự phát triển của trẻ em và giáo dục đã được thử nghiệm và đã thất bại.
Ở trường Sudbury Valley (bang Massachusset, Mỹ), 40 năm nay, trẻ em đã và đang tự giáo dục mình trong môi trường khác hoàn toàn với các trường học truyền thống. Nghiên cứu về ngôi trường này và các học sinh đã tốt nghiệp tại đây cho thấy, các học sinh tự học hỏi qua các hoạt động vui chơi và khám phá của chính mình mà không cần sự hướng dẫn hay thúc ép từ người lớn; và sau khi ra trường vẫn tiếp tục trưởng thành thành những các nhân có ích trong xã hội. Thay vì hướng dẫn và thúc ép các học sinh, ngôi trường này tạo ra một môi trường thuận lợi để các học sinh có thể vui chơi, khám phá và trải nghiệm tính dân chủ với kinh phí thấp hơn so với kinh phí tổ chức một ngôi trường tiêu chuẩn. Vậy tại sao phần lớn các trường học lại không như thế?
Nếu muốn hiểu tại sao các trường học tiêu chuẩn lại được tổ chức như hiện tại, ta phải loại bỏ ý trưởng cho rằng trường lớp là sản phẩm của nhiều nghiên cứu khoa học. Thực ra chúng là sản phẩm của lịch sử. Hệ thống trường học chỉ có nghĩa khi chúng ta nhìn nhận chúng từ khía canh lịch sử. Và bởi vậy, bước đầu tiên để giải thích vì sao trường học lại được tổ chức như hiện nay, tôi sẽ trình bày một cách ngắn gọn lịch sử của giáo dục, từ lúc con người xuất hiện cho tới nay.
Vào buổi sơ khai, trẻ em tự học hỏi thông qua các hoạt động vui chơi và khám phá, điều này diễn ra trong khoảng hàng trăm nghìn năm.
Nếu so sánh với lịch sử loài người, trường học là một tổ chức rất mới mẻ. Trong suốt hàng trăm nghìn năm, trước khi có sự xuất hiện của ngành nông nghiệp, con người sống thành những nhóm săn bắn hái lượm. Các chứng cứ của ngành nhân chủng học cho thấy trẻ em thời kì này học hỏi những điều cần thiết để trưởng thành thông qua các hoạt động tự vui chơi và khám phá. Người lớn trong thời kì này cho phép trẻ em gần như hoàn toàn tự do vui chơi và khám phá bởi họ nhân ra rằng trẻ học được rất nhiều điều một cách rất tự nhiên từ những hoạt động này.
Khi ngành nông nghiệp, và sau này là ngành công nghiệp xuất hiện, trẻ em bị buộc phải lao động. Hoạt động vui chơi và khám phá bị đè nén. Ý chí độc lập của trẻ, trước kia từng là một đức tính tốt, nay trở thành một thứ cần phải loại bỏ.
Khoảng 10 nghìn năm trước, khi nền nông nghiệp bắt đầu xuất hiện, cuộc sống của con người thay đổi. Con người khi săn bắt hái lượm cần rất nhiều kĩ năng và kiến thức. Để việc săn bắn và hái lượm có hiệu quả, họ cần hiểu biết rất nhiều về các loại cây cỏ động vật và môi trường xung quanh. Họ cũng cần phát triển những kĩ năng chế tạo và sử dụng các công cụ để săn bắt và hái lượm. Họ cũng cần phải có óc sáng tạo trong hoạt động tìm kiếm thức ăn và săn bắt. Tuy nhiên họ không lao động nhiều giờ trong ngày, và công việc của họ rất thú vị chứ không hề buồn thảm. Các nhà nhân chủng học báo cáo rằng những nhóm người săn bắt hái lượm mà họ nghiên cứu không phân biệt công việc và vui chơi, về cơ bản họ coi cuộc sống là cuộc chơi.
Nông nghiệp đã thay đổi tất cả một cách từ từ. Với nông nghiệp, con người tạo ra nhiều thực phẩm hơn nên sinh nhiều con hơn.Để làm nông nghiệp con người bắt buộc phải ở một chỗ – nơi họ trồng trọt – thay vì sống cuộc sống du mục, điều này khiến cho con người bắt đầu tích góp của cải. Nhưng nông nghiệp cũng yêu cầu nhiều người lao động hơn. Trước kia con người chỉ thu hoạch những gì thiên nhiên có sẵn thì giờ đây, người nông dân phải cày bừa, trồng trọt, chăn nuôi v.v… Để làm nông nghiệp tốt cần nhiều người làm những công việc không đòi hỏi nhiều kĩ năng trong nhiều giờ liền, lặp đi lặp lại, trong số đócó nhiều việc trẻ em có thể làm được. Khi các gia đình trở nên đông con, trẻ em phải làm việc ngoài đồng để nuôi sống các em bé hơn trong nhà, hoặc chúng phải làm việc ở nhà để giúp trông em. Cuộc sống của trẻ em thay đổi dần từ chỗ được tự do theo đuổi đam mê đến chỗ làm việc ngày càng nhiều hơn để phục vụ những thành viên khác trong gia đình.
Nền nông nghiệp và sự sở hữu đất đai và tài sản cũng tạo ra, lần đầu tiên trong lịch sử, sự khác biệt rõ ràng về địa vị xã hội. Những người không sở hữu đất trở nên phụ thuộc vào những người chủ đất. Bên cạnh đó, những chủ đất nhận ra rằng họ có thể trở nên giàu có hơn khi có người khác làm việc cho mình. Sự chiếm hữu nô lệ phát triển. Những người giàu trở nên giàu hơn do có những người khác phải phụ thuộc vào họ để tồn tại. Tất cả những điều này phát triển lên mức cực điểm vào thời Trung Cổ với Chủ Nghĩa Phong Kiến, khi xã hội được phân cấp nặng nề, chỉ một vài cá nhân làm vua chúa ở trên đỉnh và số đông là nô lệ và nông nô ở dưới đáy. Số đông đó, bao gồm cả trẻ em, phải làm việc phục vụ các vua chúa. Bài học cơ bản nhất mà bọn trẻ phải học là phải biết nghe lời, phải tự kìm nén ý chí của mình, và phải biết tôn trọng các vua chúa và chủ nhân của chúng. Một ý chí chống đối có thể sẽ bị xử tử.
Vào thời Trung Cổ, vua chúa và và các ông chủ chẳng hề e ngại khi đánh trẻ em để bắt chúng quy phục. Trong một tài liệu từ cuối thế kỉ 14 hoặc đầu thế kỉ 15 có chi tiết: một Bá tước người Pháp khuyên những những tay săn quý tộc nên “chọn một bé trai khoảng 7 hoặc 8 tuổi làm người hầu, và đứa bé này nên bị đánh cho đến khi nó biết thực sự sợ hãi khi không thực hiện được lệnh của chủ”. Tài liệu này tiếp tục đưa ra một số lượng lớn những công việc mà đứa trẻ phải làm và ghi lại rằng buổi đêm đứa trẻ phải ngủ trong một cái gác xép phía trên bầy chó săn để còn phục vụ lũ chó.
Khi nền công nghiệp phát triển và giai cấp tư sản xuất hiện, chế độ Phong kiến chìm xuống, nhưng điều này không khiến cho cuộc sống của trẻ em trở nên khá khẩm hơn. Các doanh nhân, cũng giống như những chủ đất, cần nhiều người lao động và để thu lại nhiều lợi nhuận họ cần bóc lột người lao động nhiều nhất có thể với mức lương phải trả thấp nhất có thể. Ai cũng biết về sự bóc lột diễn ra sau đó và nó vẫn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới này. Con người, kể cả trẻ em, làm việc từ lúc tỉnh dậy cho đến khi còn tỉnh táo, 7 ngày một tuần, trong những điều kiện kinh khủng, chỉ để tồn tại. Lao động trẻ em từ chỗ ở ngoài đồng ruộng, nơi ít nhất vẫn có ánh nắng mặt trời, không khí trong lành và một ít cơ hội vui chơi, chuyển đến những nhà máy tối tăm, đông đúc và bẩn thỉu. Ở Anh, các đốc công thường đưa con em của những người nghèo khổ tới các nhà máy, ở đây chúng bị đối xử như nô lệ. Mỗi năm có hàng ngàn trẻ em chết vì bệnh tật, đói ăn và kiệt sức. Mãi cho đến thế kỉ 19 nước Anh mới thông qua luật hạn chế lao động trẻ em. Năm 1883, luật mới cấm các nhà máy vải thuê lao động trẻ em dưới 9 tuổi và hạn chế thời gian lao động mỗi tuần ở mức 48 giờ cho các em từ 10 đến 12 tuổi và 69 giờ cho các em từ 13 đến 17 tuổi.
Nói tóm lại, sau khi xuất hiện nền nông nghiệp vài ngàn năm, việc giáo dục trẻ em chủ yếu là đè bẹp ý chí của trẻ em để biến chúng trở thành những người lao động tốt. Một trẻ ngoan là phải biết nghe lời, là phải biết kìm lại mong muốn vui chơi và khám phá của mình để làm theo lệnh của các ông chủ với lòng kính trọng. Thật may là kiểu giáo dục đó không thành công hoàn toàn. Bản năng vui chơi và khám phá của con người lớn đến mức nó không bao giờ bị tước đoạt hoàn toàn khỏi một đứa trẻ. Nhưng chắc chắn là triết lý giáo dục trong suốt thời kì đó trái ngược hoàn toàn với triết lý đã tồn tại hàng trăm ngàn năm của những người săn bắt hái lượm thời kì trước.
Vì nhiều lý do, một số mang tính chất tôn giáo, một số mang tính chất thế tục, ý tưởng về một nền giáo dục phổ thông bắt buộc xuất hiện và dần lan rộng. Giáo dục được hiểu là sự ghi nhớ và học thuộc lòng.
Khi nền công nghiệp ngày càng tiến bộ và trở nên tự động hoá, ở một số nơi trên thế giới nhu cầu về lao động trẻ em giảm xuống. Ý tưởng cho rằng tuổi thơ là thời kỳ học tập và trường học là nơi trẻ em đến để được giáo dục được lan truyền rộng khắp. Từ đầu thế kỉ 16 đến thế kỉ 19, ý tưởng về giáo dục phổ thông công lập bắt buộc được phát triển ở châu Âu. Ý tưởng này có rất nhiều người ủng hộ, ai cũng có những suy nghĩ riêng về việc bọn trẻ nên được dạy những bài học nào.
Động lực lớn thúc đẩy giáo dục phổ thông đến từ đạo Tin lành. Martin Luther tuyên bố rằng sự cứu vớt linh hồn tuỳ thuộc vào việc đọc Kinh Thánh của mỗi người. Hệ quả là mỗi người phải học đọc và phải biết rằng trong Kinh Thánh có những chân lý tuyệt đối và rằng sự cứu vớt linh hồn tuỳ thuộc vào việc mỗi người có hiểu được những chân lý này hay không. Luther và những người lãnh đạo khác của phong trào cải cách tôn giáo đề xướng rằng giáo dục công lập là nghĩa vụ Thiên Chúa Giáo để có thể cứu rỗi các linh hồn khỏi bị tội đày địa ngục vĩnh viễn. Vào cuối thể kỉ 17, nước Đức là nước đi đầu trong sự phát triển giáo dục trường lớp, đưa ra luật bắt buộc tất cả trẻ em phải đến trường; nhưng các trường học được tổ chức và quản lý bởi các nhà thờ dòng Luther chứ không phải bởi chính quyền.
Ở Mỹ vào giữa thế kỉ 17, Massachusetts là thuộc địa đầu tiên chỉ thị giáo dục trường lớp, mục đích được tuyên bố rõ ràng là để biến trẻ em thành những người theo Thanh giáo. Bắt đầu vào năm 1690, trẻ em ở Massachusetts và các thuộc địa lân cận học đọc từ quyển New England Primer, được biết đến là “quyển Kinh thánh nhỏ của New England”. Quyển sách này bao gồm những bài vần điệu ngắn để giúp trẻ học bảng chữ cái. Quyển Primer cũng có nhiều bài học được viết ra để dạy trẻ em biết sợ Chúa trời và phải có nghĩa vụ với ông bà cha mẹ.
Các chủ doanh nghiệp thì thấy rằng trường lớp là nơi đào tạo ra những công nhân tốt cho nhà máy của họ. Với họ, bài học quan trọng nhất là tính đúng giờ, biết làm theo chỉ dẫn, chịu đựng làm những việc tẻ nhạt trong nhiều giờ, khả năng đọc và viết ở mức hạn chế tối thiểu. Họ cho rằng, các môn học được dạy ở trường càng buồn tẻ càng tốt.
Khi các quốc gia hình thành rõ nét, các nhà lãnh đạo các quốc gia thấy rằng trường lớp là nơi đào tạo ta những người yêu nước và các chiến binh tương lai. Với họ, bài học quan trọng nhất là vinh quang tổ quốc, những thành tựu kì vĩ và đức hạnh cao cả của những người sáng lập và lãnh đạo đất nước, và sự cần thiết phải bảo về tổ quốc trước những thế lực xấu xa.
Cũng cần thêm vào đây những nhà cải cách thực sự quan tâm đến trẻ em, thông điệp của họ có thể khiến chúng ta thấy đồng cảm. Đây là những người cho rằng trường lớp là nơi bảo vệ trẻ em trước những thế lực xấu ngoài xã hội và là nơi cung cấp cho trẻ em những bài học cần thiết về mặt đạo đức cũng như kiến thức để phát triển thành những người trưởng thành có năng lực. Nhưng cả những người này cũng có nhưng ý tưởng riêng về những bài học mà trẻ em cần phải học. Họ cho rằng trẻ em nên học những bài học đạo đức và các môn học như tiếng La-tinh và toán học, các môn này sẽ khiến trí não của chúng hoạt động và biến chúng thành những học giả.
Thế là, mỗi nhóm người có liên quan đến việc sáng lập và ủng hộ trường lớp đều có những cái nhìn rõ ràng về bài học mà trẻ em cần học. Sự thật là, chẳng có ai tin rằng nếu trẻ em được tự do, kể cả khi ở trong một môi trường thuận lợi, thì chúng sẽ học được chính xác những gì mà họ (những người lớn) cho là thật sự quan trọng. Tất cả đều cho rằng trường học là nơi khắc vào tâm trí trẻ em một số chân lý và cách tư duy nhất định. Kể cả thời đó lẫn hiện tại, phương pháp khắc ghi duy nhất mà ta biết là bắt buộc lặp đi lặp lại nhiều lần và kiểm tra những điều đó xem đã được ghi nhớ chưa.
Khi trường lớp phát triển, người ta bắt đầu cho rằng việc học là công việc của trẻ em. Các phương pháp bạo lực đã từng được sử dụng để bắt trẻ em làm việc ngoài đồng và trong các nhà máy trước kia được chuyển vào trong các lớp học.
Sự lặp đi lặp lại và học thuộc lòng các bài học là một công việc chán ngắt với trẻ em, bởi bản năng của chúng là vui chơi tự do và tự khám phá thế giới. Trẻ em đã không dễ dàng thích nghi với việc lao động ngoài đồng và trong các nhà máy trước kia, chúng cũng không thích nghi dễ dàng gì với việc đến trường. Thế là không ngạc nhiên gì, người lớn lại can thiệp. Đến thời điểm lịch sử này, ý tưởng rằng ý chí của trẻ em cũng có giá trị hoàn toàn bị quên lãng. Tất cả mọi người đều nghiễm nhiên cho rằng để bắt trẻ con học thì ý chí của chúng phải bị bẻ gãy. Nhiều kiểu hình phạt được cho là đương nhiên trong tiến trình giáo dục. Ở một số trường trẻ em được cho phép vui chơi vào những thời điểm nhất định, để các em bớt căng thẳng; nhưng chơi không được coi là một cách học tập. Trong lớp học, vui chơi là kẻ thù của học tập.
Một thái độ nổi bật trong thế kỉ 18 của lãnh đạo các trường về sự vui chơi được phán ánh trong quyển quy tắc của John Wesley dành cho các trường mang tên ông, trong đó có đoạn: “Chúng ta không có ngày vui chơi, và chúng ta cũng không cho phép vui chơi vào bất kì thời gian nào vào bất kì ngày nào; bởi vì ai khi còn nhỏ mà chơi thì lớn lên cũng sẽ thế.”
Những phương pháp tàn bạo mà trước đây được dùng để bắt trẻ em làm việc ngoài đồng và trong các nhà máy được đưa vào sử dụng trong trường để bắt chúng học. Một số giáo viên thực sự thích thú với những trò tàn ác. Một giáo viên ở Đức giữ một bản ghi chép những chiêu trừng phạt học sinh trong suốt 51 năm dạy học, trong đó có: 911.527 lần đánh bằng roi, 124.010 lần đánh bằng gậy, 20.989 lần đánh bằng thước kẻ, 136.715 lần đánh bằng tay, 10.235 lần đánh vào miệng, 7.905 lần đấm vào tai, và 1.118.800 lần đánh vào đầu. Rõ ràng là người giáo viên này rất tự hào về sự nghiệp giáo dục của mình.
Trong cuốn tiểu sử của mình, John Bernard, một mục sư ở Massachusetts ở thế kỉ 18, đã miêu tả một cách đồng tình về việc khi còn nhỏ ông ta đã bị thầy giáo đánh ra sao. Ông ta bị đánh vì mong muốn được vui chơi không cưỡng lại được của mình, ông ta bị đánh khi không học được điều gì đó, ông ta bị đánh cả khi bạn cùng lớp không thể học được. Vì là một cậu bé thông mình, ông ta được giao trách nhiệm giúp các bạn học, và khi chúng không thể thuộc lòng một bài học thì ông ta bị đánh. Điều duy nhất khiến ông phàn nàn là có lần có một bạn cùng lớp cố tình làm lẫn lỗn các bài học để thấy ông ta bị đánh. Ông ta đã giải quyết vấn đề đó bằng cách đánh người bạn đó một trận sau giờ học và doạ sẽ đánh tiếp nữa trong tương lai.
Hiện tại các phương pháp giáo dục được áp dụng ở trường học không còn tàn nhẫn nữa, nhưng những lý thuyết cơ bản vẫn chưa thay đổi. Việc học vẫn được coi là công việc của trẻ em, và người lớn vẫn áp dụng bạo lực để ép trẻ em học.
Vào thế kỉ 19 và 20, hệ thống trường công lập tiến dần đến cái mà hiện nay chúng ta gọi là trường lớp tiêu chuẩn. Các phương pháp kỉ luật trở nên nhân đạo hơn, các bài học mang tính thế tục hơn; chương trình học được mở rộng bao gồm một danh sách các môn học càng ngày càng nhiều; và thời gian bắt buộc đến trường mỗi ngày và mỗi năm cũng tăng dần. Trường học dần thay thế công việc ngoài đồng, công việc ở các nhà máy và cả việc nhà, nó trở thành công việc chính của trẻ em. Người lớn thì làm việc 8 giờ mỗi ngày ở công sở, còn trẻ em thì học ở trường mỗi ngày 6 giờ (ở Mỹ), cộng thêm vài giờ làm bài tập ở nhà, và vài giờ học thêm ngoài trường học. Càng ngày cuộc sống của trẻ em càng được định nghĩa và định hình bởi chương trình học ở trường. Hiện nay trẻ em được đồng nhất dựa trên bậc học phổ thông của chúng, cũng tương tự như cách người lớn được đồng nhất dựa trên công việc hay sự nghiệp.
Giờ đậy trường lớp không khắt khe như xưa, nhưng vài tiền đề nhất định về bản chất của việc học vẫn không thay đổi: học là phải vất vả; nó là điều trẻ em phải bị ép thì mới làm, trẻ em không thể tự học được điều gì nếu được tự do hoạt động. Các bài học cụ thể mà trẻ em phải học phải được quyết định bởi các nhà giáo dục chuyên nghiệp chứ không phải do trẻ tự quyết. Bởi vậy giáo dục hiện nay vẫn, hơn bao giờ hết, chỉ là việc ghi nhớ và thuộc lòng.
Các nhà giáo dục khéo léo thì dùng “vui chơi” như một công cụ để trẻ em cảm thấy thích thú với vài bài học, và chúng được phép chơi tự do vào giờ giải lao (mặc dù thời gian giải lao ngày càng giảm), nhưng việc trẻ em tự do vui chơi vẫn được mặc định là không thích hợp cho giáo dục. Những đứa trẻ mà mong muốn vui chơi quá mãnh liệt đến mức không thể ngồi yên không bị đánh nữa, thay vào đó chúng được gửi đến bác sĩ để điều trị bằng thuốc.
Giờ đây trường học là nơi trẻ em được học về một sự phân định mà những người săn bắt hái lượm chưa bao giờ biết đến, đó là sự phân định giữa công việc và vui chơi. Thầy cô giáo luôn nói với học sinh: “phải làm xong bài tập rồi mới được chơi”. Thông điệp này chỉ ra là sự học tập ở trường là một công việc mà dù không muốn làm trẻ vẫn phải làm; và rằng vui chơi là điều ai cũng muốn thì chẳng có giá trị gì mấy. Có lẽ đây là bài học quan trọng hàng đầu về phương pháp giáo dục trường lớp của chúng ta. Cả khi trẻ em không học được điều gì ở trường, chắc chắn chúng vẫn hiểu được sự khác nhau giữa công việc và vui chơi và rằng học tập là công việc, không phải vui chơi.
(tác giả: GS Peter Gray – Free to Learn)