Trừ khi ta hiểu rõ từ trước đến giờ ta đã hành động thiếu tỉnh thức thế nào, ta sẽ có xu hướng từ chối tiếp nhận một phương thức làm cha mẹ dựa trên những lý tưởng khác hoàn toàn với những lý tưởng mà ta có từ trước tới giờ.
Theo truyền thống, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là mối quan hệ có thứ bậc. Cha mẹ là những người có quyền lực, là bậc “người lớn”, con cái chỉ là “lũ trẻ con” cần được dạy dỗ bởi người lớn – những người có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết hơn. Bởi vì con cái ta nhỏ tuổi hơn và không biết nhiều như ta nên ta tự cho rằng ta có quyền chỉ huy chúng, ta còn không hề mảy may nghĩ đến việc liệu sự sắp xếp thứ bậc này có tốt cho con cái ta hay cho chính ta hay không.
Về phía những người làm cha mẹ, khi nuôi dạy con theo kiểu truyền thống, cái tôi của họ càng trở nên lớn mạnh với những ảo tưởng về quyền lực. Trẻ con thì lúc nào cũng rất ngây thơ và luôn sẵn sàng bị chịu ảnh hưởng của người lớn, vì vậy chúng có xu hướng hầu như không kháng cự lại khi cha mẹ áp đặt cái tôi của họ lên chúng – đây là một bối cảnh khiến cái tôi của các bậc cha mẹ càng trở nên mạnh mẽ hơn.
Nếu bạn muốn thấu hiểu con, bạn phải bỏ đi ảo tưởng rằng bạn khôn ngoan hơn con. Khi bạn không trốn trong một hình tượng về cái tôi của mình, bạn sẽ có thể nhìn nhận con mình như một con người toàn vẹn y như chính bản thân bạn vậy.
Tôi sử dụng từ “hình tượng” để nói về “cái tôi” một cách có mục đích, bởi vậy tôi muốn giải thích rõ ý nghĩa của từ “cái tôi”. Theo kinh nghiệm bản thân, tôi thấy mọi người hay nghĩ “cái tôi” chính là “bản thân” họ, là con người thật của họ. Nhưng tôi lại sử dụng những từ này theo một cách khác.
Tôi muốn nói rằng “cái tôi” của ta thực sự không phải là con người thật của ta. “Cái tôi” mà tôi muốn nói đến là một hình tượng về bản thân ta mà ta luôn mang theo trong đầu – một hình tượng mà có thể khác xa với bản chất thật của con người ta. Tất cả chúng ta trưởng thành và mang theo mình một hình tượng như vậy. Hình tượng về cái tôi này bắt đầu hình thành khi ta còn nhỏ, nó chủ yếu dựa trên sự tương tác của ta với những người xung quanh.
Từ “cái tôi” mà tôi sử dụng là một ý tưởng mà ta tự tạo ra, nó dựa trên quan điểm của mọi người về ta. Theo thời gian ta dần tin rằng mình chính là một người như thế bởi hình tượng này đã che lấp đi con người thật của ta. Một khi hình tượng về cái tôi này được hình thành ở tuổi ấu thơ, ta có xu hướng lưu giữ nó trong suốt quãng đời còn lại.
Mặc dù ý tưởng về cái tôi của ta là hữu hạn, bản chất thực sự của ta lại là vô hạn. Nó tồn tại hoàn toàn tự do, nó không mong cầu điều gì từ người khác, không sợ hãi, không mặc cảm tội lỗi. Sống trong trạng thái đó nghe có vẻ là bất cần, nhưng thực ra nó lại cho phép ta kết nối và thấu hiểu người khác theo một cách thực sự có ý nghĩa. Khi ta không mong mỏi điều gì ở ở người khác, không muốn họ phải hành động theo một cách nhất định, ta sẽ nhìn thấu con người thật của họ và chấp nhận họ như thế.