Chương 2: Ảo tưởng về sự Khan Hiếm
Với sự dồi dào không suy giảm, mảnh đất nước Anh lớn lên và phát triển rực rỡ; phấp phới những cánh đồng vàng óng; khắp nơi là các xưởng sản xuất và dụng cụ công nghiệp, với mười lăm triệu công nhân, được cho là những người khoẻ nhất, lanh lợi nhất và nhiệt huyết nhất mà Trái Đất từng có; họ ở đây, sản phẩm mà họ làm ra ở đây, phong phú, dồi dào: nhưng chú ý! Có một sắc lệnh xấu gọi là Sự Ếm Bùa xuất hiện và nói rằng: “Không được chạm vào những thứ này, những người công nhân kia, những người quản lí kia, những người lười biếng kia; không ai được chạm vào những thứ này, không ai trong số các người xứng đáng; đây là những sản phẩm đã được ếm bùa!” –
Thomas Carlyle, Quá Khứ và Hiện Tại.
Người ta nói rằng tiền, hay ít nhất là sự ham tiền, là gốc rễ của mọi điều xấu xa. Nhưng tại sao lại như vậy? Sau cùng, mục đích cơ bản của tiền chỉ đơn giản là tạo điều kiện cho sự trao đổi – nói cách khác, tiền kết nối món quà với nhu cầu. Sức mạnh nào, sự xuyên tạc khủng khiếp nào, đã biến tiền thành một thứ ngược lại: một đại diện cho sự khan hiếm?
Sự thực là chúng ta đang sống trong một thế giới rất trù phú, một thế giới mà một lượng lớn thực phẩm, năng lượng và của cải vật chất bị bỏ đi và trở thành lãng phí. Nửa thế giới bị đói trong khi nửa còn lại bỏ đi một lượng thức ăn đủ để nuôi sống nửa kia. Ở Thế Giới Thứ Ba và cả những khu ổ chuột tại Mĩ, nhiều người không có thức ăn, nơi cư trú, và nhiều nhu yếu phẩm khác, cũng không có đủ tiền để mua những thứ đó. Cùng lúc đó, chúng ta đổ một đống tiền và tài nguyên vào các cuộc chiến tranh, rác nhựa, và vô số những sản phẩm khác không phục vụ cho hạnh phúc của con người. Rõ ràng là, sự nghèo đói không phải là kết quả của sự yếu kém trong lĩnh vực sản xuất. Nó cũng không phải vì người ta không sẵn sàng giúp đỡ người khác: nhiều người rất muốn cho người nghèo thức ăn, muốn khôi phục lại thiên nhiên, và muốn làm những việc có ý nghĩa nhưng họ không thể vì làm như thế không giúp họ có tiền. Tiền hoàn toàn thất bại trong việc kết nối món quà và nhu cầu. Vì sao vậy?
Trong nhiều năm liền, tôi tin vào những ý kiến thông thường của xã hội và cho rằng câu trả lời là “lòng tham”. Vì sao các nhà máy bóc lột sức lao động đẩy mức lương của công nhân xuống mức tối thiểu? Lòng tham. Vì sao người ta mua những chiếc xe SUV ngốn xăng? Lòng tham. Vì sao các công ty dược lấp liếm các nghiên cứu và bán những loại thuốc mà họ biết là nguy hiểm? Lòng tham. Vì sao các nhà cung cấp cá nhiệt đới phá huỷ rặng san hô? Vì sao các nhà máy thải chất thải độc hại ra các dòng sông? Vì sao các tập đoàn cướp cả chi phí lẽ ra là để trả lương hưu cho người lao động? Lòng tham, lòng tham, lòng tham.
Cuối cùng tôi trở nên khó chịu với câu trả lời đó. Vì một điều, nó cũng là một phần trong hệ tư tưởng của Sự Chia Cắt – gốc rễ của mọi điều xấu xa của nền văn minh chúng ta. Nó là một hệ tư tưởng bắt nguồn từ lúc Nông Nghiệp chia cắt thế giới thành hai phạm trù riêng biệt: hoang dã và thuần hoá, con người và thiên nhiên, lúa mì và cỏ dại. Nó bảo rằng trên thế giới này có hai sức mạnh trái ngược nhau: thiện và ác, và rằng chúng ta có thể tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn bằng cách loại bỏ điều ác. Trên thế giới có điều ác và trong bản thân chúng ta cũng có mặt ác, chúng ta phải trừ tiệt cái ác đi để biến thế giới trở nên tốt đẹp.
Cuộc chiến chống lại cái ác xảy ra trong mọi lĩnh vực của xã hội. Trong nông nghiệp, nó là mong muốn tiêu diệt chó sói, tiêu diệt mọi loài cỏ dại với glyphosate (một loại thuốc diệt cỏ được sử dụng rộng rãi, đặc biệt phù hợp với câu lâu năm), tiêu diệt các loài sâu có hại. Trong y tế, nó là cuộc chiến chống lại vi khuẩn, một cuộc chiến liên tục chống lại một thế giới thù địch. Trong tôn giáo, nó là cuộc vật lộn chống lại tội lỗi, hoặc chống lại cái tôi, hoặc chống lại sự vô đạo hoặc ý ngờ vực, hoặc chống lại sự phóng chiếu ra ngoài của những điều này: ác quỷ và những người không theo đạo. Nó là lối suy nghĩ của sự tẩy uế và làm trong sạch, của sự tự cải thiện và chinh phục bản thân, của sự vươn lên trên cả tự nhiên và thoát khỏi dục vọng, của sự hy sinh bản thân để trở nên tốt đẹp.
Nó nói rằng một khi cuộc chiến cuối cùng chống lại cái ác kết thúc, chúng ta sẽ đến được thiên đàng. Khi chúng ta loại bỏ tất cả các tên khủng bố hoặc tạo ra những hàng rào không thể xuyên thủng, chúng ta sẽ an toàn. Khi chúng ta phát triển những loại kháng sinh cực mạnh và cách điều chỉnh nhân tạo các hoạt động của cơ thể, chúng ta sẽ có một sức khoẻ hoàn hảo. Khi chúng ta làm cho tội ác trở nên bất khả thi và có một hệ thống luật pháp để quản lí tất cả mọi thứ, chúng ta sẽ có một xã hội hoàn hảo. Khi bạn vượt lên trên sự lười biếng, sự nghiện ngập, bạn sẽ có một cuộc sống hoàn hảo. Từ bây giờ đến đến khi đó, bạn cần phải cố gắng hơn nữa.
Cũng như vậy, vấn đề của nền kinh tế được coi là lòng tham, cả ở ngoài chúng ta – những người tham lam – lẫn ở trong chính chúng ta – xu hướng tham lam của bản thân. Chúng ta thích tự coi là mình không tham lam lắm, có thể là chúng ta có xu hướng tham lam, nhưng chúng ta kiểm soát được nó. Không như một số người! Một số người không kiểm soát được lòng tham. Không giống như chúng ta, họ không có lòng tốt cơ bản, họ sống mà không có phép tắc cơ bản. Nói gọn lại là, họ Xấu Xa. Nếu họ không thể học được cách kiểm soát dục vọng hoặc cách sống đơn giản hơn, thì chúng ta sẽ phải ép buộc họ làm những điều đó.
Rõ ràng, quan niệm về lòng tham tràn ngập sự phán xét người khác, và tràn ngập cả sự tự phán xét bản thân nữa. Sự tức giận và thù hận chính đáng của chúng ta đối với những người tham lam che giấu nỗi sợ hãi bí mật rằng chính chúng ta cũng chẳng tốt đẹp hơn họ. Kẻ đạo đức giả chính là người nhiệt thành nhất trong việc lên án cái ác. Biến kẻ thù thành cái gì đó bên ngoài bản thân là biểu hiện của những cảm xúc tức giận không được giải toả. Theo một cách nào đó, đây là điều cần thiết: hậu quả của việc giữ kín những cảm xúc đó hoặc hướng chúng vào bên trong rất khủng khiếp. Nhưng trong đời tôi, đã có lúc tôi vượt qua sự ghen ghét, vượt qua cuộc chiến tranh chống lại bản thân, vượt qua cuộc đấu tranh để làm người tốt, và vượt qua sự giả vờ rằng tôi tốt hơn người khác. Tôi tin rằng toàn nhân loại cũng đang tiến gần đến thời điểm đó. Bản thân sự tham lam là một triệu chứng của một vấn đề sâu sắc hơn chứ không phải là nguyên nhân. Đổ lỗi cho lòng tham và chống lại nó bằng cách tăng cường hoạt động tự kiểm soát đồng nghĩa với việc làm cuộc chiến chống lại bản thân trở nên căng thẳng hơn, mà đó chỉ là một biểu hiện khác của cuộc chiến chống lại thiên nhiên và cuộc chiến chống lại một cái khác là nền tảng của cuộc khủng hoảng của nền văn minh hiện tại.
Sự tham lam có lí trong hoàn cảnh của sự khan hiếm. Hệ tư tưởng đang bao trùm cuộc sống của chúng ta nói rằng nó có lí: nó được lồng vào Câu chuyện về Cái Tôi. Cái tôi tách biệt trong một vũ trụ được điều khiển bởi những sức mạnh không thân thiện và dửng dưng thì luôn luôn ở bờ vực của sự tuyệt chủng, và chỉ khi kiểm soát được những sức mạnh đó thì cái tôi đó mới được an toàn. Bị ném vào một vũ trụ khách quan nằm bên ngoài chúng ta, chúng ta phải cạnh tranh với nhau để giành lấy nguồn dự trữ giới hạn. Dựa trên câu chuyện về cái tôi tách biệt, cả ngành sinh học lẫn kinh tế học đều cho rằng lòng tham là một điều hiển nhiên cơ bản. Trong sinh học, đó là cái gien luôn tìm kiếm cách để tối đa hoá cơ hội sinh sản; trong kinh tế học, đó là một người khôn ngoan đi tìm cơ hội tối đa hoá tư lợi tài chính. Nhưng nếu giả thuyết về sự khan hiếm là sai thì sao? Nếu nó không phải là thực tại mà chỉ là một sự phóng chiếu của chính hệ tư tưởng của chúng ta thì sao? Nếu vậy, thì lòng tham không phải được khắc trong bộ gien của chúng ta mà nó chỉ là một triệu chứng của nhận thức về sự khan hiếm.
Một sự biểu thị rằng lòng tham chỉ phản chiếu nhận thức khan hiếm chứ không phải là kết quả của một thực tại khan hiếm là: những người giàu có xu hướng kém hào phóng hơn những người nghèo. Theo tôi thấy, người nghèo thường hay cho người khác mượn một khoản tiền mà, nếu nói về tỉ lệ thì sẽ bằng một nửa số tài sản của những người giàu. Một cuộc điều tra năm 2002 bởi Independent Sector, một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận, cho biết những người Mỹ kiếm ít hơn $25.000 mỗi năm chi ra 4,2% thu nhập để làm từ thiện, ngược lại với 2,7% đối với những người có thu nhập trên $100.000. Gần đây, Paul Piff, một nhà tâm lí học xã hội ở University of California-Berkeley, cho biết “những người có thu nhập thấp hào phóng hơn, làm từ thiện nhiều hơn, tin tưởng và giúp đỡ những người khác nhiều hơn những người có thu nhập cao”(1).
Từ kết quả nghiên cứu trên chúng ta sẽ có xu hướng muốn kết luận rằng những người tham lam thì trở nên giàu có, nhưng chúng ta cũng có thể nhận ra rằng sự giàu có khiến cho người ta tham lam. Tại sao lại như vậy? Trong hoàn cảnh của sự trù phú, tham lam là một điều ngớ ngẩn; chỉ trong hoàn cảnh của sự khan hiếm thì lòng tham mới là điều có lí. Những người giàu nhận thức về sự khan hiếm trong khi thực tế không hề tồn tại điều đó. Họ cũng lo lắng về tiền hơn bất cứ ai. Có thể nào chính tiền tạo ra nhận thức về sự khan hiếm? Có thể nào tiền, gần như đồng nghĩa với sự an toàn, lại mang lại điều hoàn toàn trái ngược? Câu trả lời cho cả hai câu này là: Đúng vậy. Ở mức độ cá nhân, những người giàu quan tâm đến tiền của họ nhiều hơn và khó có khả năng từ bỏ tiền hơn (từ bỏ dễ dàng là phản ánh thái độ của sự trù phú). Ở mức độ hệ thống, như chúng ta sẽ thấy, sự khan hiếm gắn liền với tiền, nó là kết quả trực tiếp của cách mà tiền được tạo ra và lưu hành.
Thừa nhận sự khan hiếm là một trong hai tiên đề quan trọng nhất của kinh tế học (tiên đề thứ hai là: bản năng của con người là muốn tối đa hoá tư lợi cá nhân). Cả hai đều sai; hay, chính xác hơn, chúng chỉ đúng trong một phạm vi hẹp, một phạm vi mà chúng ta, những con ếch ngồi ở đáy giếng, nhầm lẫn coi là toàn bộ thực tại. Những điều chúng ta cho là chân lí khách quan thì thực ra là một sự phóng chiếu của chính những nhận thức của chúng ta lên thế giới bên ngoài. Chúng ta quá đắm chìm trong sự khan hiếm đến nỗi tin rằng đó là bản chất của thực tại. Nhưng thực tế là, chúng ta sống trong một thế giới của sự trù phú. Sự khan hiếm mà chúng ta trải nghiệm ở mọi lúc mọi nơi là một ảo tưởng do hệ thống tiền tệ, chính trị và nhận thức của chúng ta tạo ra.
Chúng ta sẽ thấy, hệ thống tiền tệ, hệ thống quyền sở hữu, và hệ thống kinh tế nói chung phản ánh cảm nhận tương tự của cái tôi mà trong đó có nhận thức về sự khan hiếm. Đó là một cái tôi tách biệt và khôn ngoan, một cái tôi theo trường phái của Descartes: một trái bong bóng tâm lí bị bỏ rơi trong một vũ trụ vô thưởng vô phạt, đi tìm kiếm các cách thức để sở hữu, để kiểm soát, để chiếm bậy càng nhiều của cải càng tốt, nhưng bị kết án trước bởi sự tách biệt khỏi các mối liên kết với các hữu thể khác và cảm giác không bao giờ có đủ.
Sự khẳng định rằng chúng ta sống trong một thế giới của sự trù phú đôi khi gây ra phản ứng về mặt cảm xúc gần như sự thù địch trong những độc giả mà tin rằng việc con người chung sống hài hoà với thiên nhiên và các loài khác là không thể nếu dân số không giảm. Họ đưa ra các ví dụ về sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên, sự nóng lên toàn cầu, sự kiệt quệ của đất nông nghiệp, và dấu ấn của chúng ta trên hệ sinh thái như là bằng chứng nói lên rằng trái đất không thể tiếp tục chịu đựng nền văn minh công nghiệp nếu dân số giữ ở mức hiện tại.
Cuốn sách này gợi ý một sự hồi đáp cho mối quan tâm này như là một phần của tầm nhìn về một nền kinh tế thiêng liêng. Quan trọng hơn, nó cũng giải quyết các câu hỏi “làm thế nào” – ví dụ, làm thế nào để chúng ta sẽ tới đó từ đây. Bây giờ tôi sẽ đưa ra một phần hồi đáp, một lý do để hy vọng.
Đúng là hoạt động của con người ngày nay đã làm trái đất kiệt quệ. Các nhiên liệu hóa thạch, tầng chứa nước, lớp đất mặt, khả năng hấp thụ ô nhiễm, và các hệ sinh thái duy trì sự tồn tại của sinh quyển đều đang cạn kiệt với tốc độ đáng báo động. Tất cả các biện pháp được đưa ra là quá ít, quá trễ – giống như một giọt nước trong thùng chứa so với những gì cần thiết.
Mặt khác, một phần rất lớn trong những hoạt động này của con người là không cần thiết hoặc có hại cho hạnh phúc của con người. Trước hết hãy xem xét ngành công nghiệp vũ khí và các nguồn tài nguyên tiêu tốn cho các cuộc chiến tranh: khoảng 2 nghìn tỷ đô la mỗi năm, một lực lượng khoa học cực lớn và năng lượng sống của hàng triệu người trẻ tuổi, tất cả đều không phục phụ một nhu cầu nào trừ nhu cầu chúng ta tự tạo ra.
Hãy xem xét ngành công nghiệp nhà ở tại Hoa Kỳ, với các McMansion khổng lồ trong hai thập kỷ qua mà không phục vụ nhu cầu thực sự của con người (Thuật ngữ “McMansion” thường được sử dụng để nhắc đến những ngôi nhà nhiều tầng mới xây trong thời gian gần đây, không có kiểu kiến trúc rõ ràng, bề ngoài thiếu thẩm mỹ, chiếm diện tích rất lớn nhưng được xây bằng những vật liệu kém chất lượng). Ở một số quốc gia, một tòa nhà có diện tích tương tự có thể làm nhà cho năm mươi người ở. Các phòng khách nhiều ngóc ngách không được sử dụng, vì mọi người cảm thấy không thoải mái với diện tích lớn bất thường của nó, họ tìm kiếm sự thoải mái trong các khu vực nhỏ hơn. Vật liệu, năng lượng, và việc bảo trì các toà nhà “quái vật” như vậy là một sự lãng phí nguồn tài nguyên. Có lẽ lãng phí hơn nữa là bố cục của khu ngoại ô, các bố cục đó làm cho giao thông công cộng không khả thi và đòi hỏi rất nhiều thời gian để lái xe.
Hãy xem xét ngành công nghiệp thực phẩm, nơi có sự lãng phí khủng khiếp ở mọi cấp độ. Theo một nghiên cứu của chính phủ (Mỹ), tổn thất từ trang trại đến điểm bán lẻ là khoảng 4%, tổn thất từ điểm bán lẻ tới người tiêu dùng là 12% và tổn thất ở mức người tiêu dùng là 29%. (3) Hơn nữa, vùng đất nông nghiệp rộng lớn được dành để sản xuất nhiên liệu sinh học (biofuel), và nông nghiệp cơ giới hoá loại bỏ các kỹ thuật trồng xen canh và các kĩ thuật trồng trọt khác có thể làm tăng năng suất. (4)
Những con số này cho thấy sự đủ đầy là có thể ngay cả trong một thế giới có 7 tỷ người – nhưng cần nói trước là: mọi người sẽ dành thời gian nhiều hơn (bình quân đầu người) vào việc trồng thực phẩm, ngược lại xu thế của hai thế kỷ qua. Rất ít người nhận ra rằng nông nghiệp hữu cơ có thể đạt hiệu quả gấp 2-3 lần so với nông nghiệp cơ giới hoá hiện tại – trên hecta, chứ không phải trên mỗi giờ lao động. (5) Nếu bạn thích làm vườn và nghĩ rằng hầu hết mọi người sẽ được hưởng lợi từ việc gần gũi với đất hơn, đây là một tin vui. Với một vài giờ làm việc một tuần, một khu vườn ngoại ô điển hình rộng 1000 feet vuông (92,9m2) có thể đáp ứng hầu hết nhu cầu rau của gia đình; tăng diện tích lên gấp đôi và nó có thể cung cấp số lượng đáng kể các loại lương thực chủ yếu như khoai tây, khoai lang và bí. Hệ thống vận tải xuyên lục địa rộng lớn mang xà lách và cà rốt từ California đến các nơi còn lại của nước Mỹ có thực sự cần thiết? Liệu nó có thực sự nâng cao cuộc sống hay không?
Một kiểu phí phạm khác đến từ những công trình kém chất lượng và sự lỗi thời của nhiều sản phẩm sản xuất hàng loạt. Hiện tại, có rất ít ưu đãi về kinh tế, và đôi khi là chướng ngại, để sản xuất các loại hàng hoá có tuổi thọ dài lâu và dễ sửa chữa, với kết quả vô lý là mua một thiết bị mới lại rẻ hơn sửa chữa một cái cũ. Đây chắc chắn là hậu quả của hệ thống tiền tệ của chúng ta, và nó sẽ bị đảo ngược trong một nền kinh tế thiêng liêng.
Trong khu phố nơi tôi sống, mỗi gia đình đều sở hữu một máy cắt cỏ được sử dụng có lẽ là mười giờ mỗi mùa hè. Mỗi nhà bếp có một máy xay sinh tố được sử dụng nhiều nhất là mười lăm phút mỗi tuần. Tại bất kỳ thời điểm nào, khoảng một nửa số xe ô tô đỗ trên đường phố, không làm gì cả. Hầu hết các hộ gia đình đều có dụng cụ bảo vệ hàng rào riêng, dụng cụ điện riêng, thiết bị tập thể dục riêng. Bởi vì chúng hầu như không bao giờ được sử dụng, hầu hết những thứ đó là không cần thiết. Chất lượng cuộc sống của chúng ta vẫn sẽ cao với một nửa số xe hơi, một phần mười số máy cắt cỏ, và hai hoặc ba cái Stairmaster (dụng cụ thể dục leo lang) cho cả khu phố. Thực tế là, chất lượng cuộc sống của chúng ta thậm chí sẽ cao hơn vì ta sẽ có cơ hội để tương tác và chia sẻ với người khác. (6) Thậm chí ở mức tiêu dùng rất cao hiện tại, khoảng 40% năng lực công nghiệp của thế giới vẫn không được dùng đến. Con số đó có thể tăng lên 80% hoặc hơn mà không làm mất đi hạnh phúc của con người. Tất cả những gì chúng ta sẽ mất sẽ là sự ô nhiễm và sự nhàm chán gắn các công việc sản xuất trong các nhà máy. Tất nhiên, chúng ta sẽ mất rất nhiều “việc làm”, nhưng vì những “việc làm” đó cũng không đóng góp nhiều vào phúc lợi của con người, chúng ta có thể thuê những người làm các công việc đó đào hố ở dưới đất lên và lấp đầy chúng lại cũng không sao. Hay, tốt hơn là, chúng ta có thể để họ cống hiến trong các công việc cần nhiều lao động như nông nghiệp bán hoang dã, chăm sóc người ốm và người già, phục hồi các hệ sinh thái và tất cả các nhu cầu khác mà hiện tại không được đáp ứng vì những người có nhu cầu lại không có tiền.
Một thế giới không có vũ khí, không có McMansion ở những vùng ngoại ô trải dài bất tận, không có hàng núi các loại bao bì không cần thiết, không có các trang trại độc canh khổng lồ được cơ giới hoá, không có các cửa hàng lớn như những cái thùng tiêu tốn năng lượng, không có bảng quảng cáo điện tử, không có các đống rác thải vô tận, không tiêu thụ quá nhiều loại hàng hoá không ai thực sự cần không phải là một thế giới nghèo nàn. Tôi không đồng ý với những người bảo vệ môi trường khi họ nói rằng chúng ta sẽ phải sống với ít hơn. Thực tế, chúng ta sẽ sống với nhiều hơn: nhiều cái đẹp hơn, nhiều tính cộng đồng hơn, nhiều sự hoàn thiện hơn, nhiều nghệ thuật hơn, nhiều âm nhạc hơn, và các loại đồ dùng tuy ít hơn về số lượng nhưng tốt hơn về tính tiện ích và tính thẩm mỹ. Những thứ rẻ tiền đang lấp đầy cuộc sống hiện tại của chúng ta, dù số lượng có nhiều thế nào, cũng chỉ làm giảm giá trị cuộc sống.
Một phần của sự chữa lành mà một nền kinh tế thiêng liêng đại diện là việc chữa lành sự chia cắt mà chúng ta đã tạo ra giữa tinh thần và vật chất. Để bảo vệ sự thiêng liêng của mọi thứ, tôi ủng hộ việc ôm ấp lấy chủ nghĩa vật chất chứ không phải là xoá bỏ nó. Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ yêu các món đồ của mình nhiều hơn chứ không ít hơn. Chúng ta sẽ nâng niu các tài sản vật chất của chúng ta, tôn trọng nơi mà từ đó chúng đến và nơi mà chúng sẽ tới. Nếu bạn có một cái găng tay bóng chày hoặc một chiếc cần câu mà bạn rất giữ gìn, thì bạn sẽ hiểu những điều tôi đang nói. Đó là cách chúng ta tôn vinh những vật dụng của mình. Bạn có thể tưởng tượng được thế giới sẽ như thế nào nếu chúng ta tạo ra tất cả các loại đồ dùng với cùng sự quan tâm và tình cảm như thế không? Nếu mỗi kỹ sư đặt tình yêu đó vào các sáng tạo của mình? Ngày nay, thái độ như vậy là phi kinh tế. Bạn có thể mua một cái găng tay bóng chày mới hoặc cần câu mới, tại sao phải quá cẩn thận với các đồ dùng khi những cái mới có giá rẻ như vậy? Sự rẻ tiền của các món đồ là một phần của sự mất giá của chúng, nó ném chúng ta vào một thế giới rẻ mạt, nơi mọi thứ đều giống hệt nhau và đều tiêu hao.
Giữa sự dư thừa, thậm chí chúng ta – những người sống trong các quốc gia giàu có cũng sống trong lo âu, khao khát “an ninh tài chính” khi chúng ta cố gắng kìm hãm sự khan hiếm. Chúng ta lựa chọn (thậm chí những những lựa chọn không liên quan gì đến tiền bạc) theo tiêu chí “có thể mua được”, và chúng ta thường liên kết sự tự do với sự giàu sang. Nhưng khi chúng ta theo đuổi nó, chúng ta thấy rằng thiên đường của tự do tài chính là một ảo ảnh, nó rút lui khi chúng ta tiếp cận nó, và rằng cuộc đuổi bắt nó biến chúng ta thành nô dịch. Sự lo âu luôn ở đó, sự khan hiếm luôn luôn treo lơ lửng trên đầu chúng ta. Chúng ta gọi cuộc đuổi bắt đó là sự tham lam. Thật vậy, nó là một sự đáp lại nhận thức về sự khan hiếm.
Hãy để tôi đưa ra thêm một bằng chứng nữa, có tính gợi ý hơn là kết luận, cho tính chất nhân tạo hoặc ảo tưởng của sự khan hiếm mà chúng ta đang trải qua. Kinh tế học, theo trang một trong các cuốn sách giáo khoa, là nghiên cứu về hành vi của con người trong điều kiện khan hiếm. Do đó, sự mở rộng của lĩnh vực kinh tế là sự bành trướng của sự khan hiếm, là sự xâm nhập của tính khan hiếm vào các lĩnh vực của cuộc sống mà một thời từng rất dồi dào. Hành vi kinh tế, đặc biệt là trao đổi tiền để lấy hàng hoá, ngày nay nới rộng cả vào các lĩnh vực mà trước đây không bao giờ là đối tượng trao đổi tiền tệ. Lấy ví dụ, một trong những loại hình bán lẻ có mức tăng trưởng rất lớn trong thập kỷ qua là: nước đóng chai. Nếu có một thứ rất dồi dào trên trái đất đến mức gần như có mặt ở khắp nơi, thì đó là nước, nhưng ngày nay nó đã trở thành khan hiếm, thành một thứ chúng ta phải trả tiền để đổi lấy.
Trông trẻ hiện nay cũng là một lĩnh vực khác có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Khi tôi còn nhỏ, việc bạn bè và hàng xóm trông coi con trẻ của nhau trong vài giờ sau giờ học là “không thành vấn đề” – một vết tích của cuộc sống trong các ngôi làng hoặc các bộ lạc khi trẻ em được tự do chạy nhảy. Vợ cũ của tôi, Patsy, nói về thời thơ ấu của cô ấy ở vùng nông thôn ở Đài Loan, nơi mà trẻ em có thể tới nhà của hàng xóm vào giờ ăn tối để được cho bát cơm. Cộng đồng chăm sóc cho những đứa trẻ. Nói cách khác, bạn không thể mở nhà trẻ để nhận trông trẻ sau giờ học vì mọi đứa trẻ đều đã được cộng đồng chăm lo.
Để một cái gì đó trở thành đối tượng của thương mại, đầu tiên nó phải được làm cho khan hiếm. Khi nền kinh tế phát triển, theo định nghĩa, ngày càng có nhiều hoạt động của con người tham gia vào phạm vi của tiền, phạm vi của hàng hoá và dịch vụ. Thông thường chúng ta kết hợp tăng trưởng kinh tế với sự gia tăng của cải, nhưng chúng ta cũng có thể coi đó là một sự nghèo đi, sự khan hiếm gia tăng. Những điều mà trước đây chúng ta không bao giờ từng nghĩ là phải trả tiền, thì hiện tại chúng ta đã phải trả tiền cho nó. Trả tiền để sử dụng cái gì? Tất nhiên là để sử dụng tiền – thứ tiền mà chúng ta phải đấu tranh và hi sinh để có được. Nếu có một thứ khan hiếm, đó chắc chắn là tiền. Hầu hết những người tôi biết đều sống trong sự lo lắng không có đủ tiền, từ lo lắng ít đến lo lắng nhiều. Và như ta thấy, những người giàu có cũng không bớt lo lắng, nên chẳng có số tiền nào là “đủ.”
Từ góc nhìn này, chúng ta phải thận trọng khi bản thân phẫn nộ với những thông tin kiểu như “Hơn hai tỷ người sống dưới hai đô la mỗi ngày”. Thu nhập bằng tiền mặt thấp có thể có nghĩa là nhu cầu của một người được đáp ứng bên ngoài nền kinh tế tiền tệ, ví dụ thông qua các mạng lưới truyền thống của sự trao đổi và quà tặng. Trong những trường hợp như vậy, “phát triển” có nghĩa là làm tăng thu nhập bằng cách đưa các hoạt động kinh tế phi tiền tệ vào trong phạm vi của hàng hoá và dịch vụ, kết quả là tạo ra tâm lý khan hiếm, cạnh tranh và lo âu – những điều rất quen thuộc với chúng ta ở phương Tây, nhưng lại xa lạ với những người săn bắt hái lượm không dùng tiền hoặc những người nông dân tự cung tự cấp.
Các chương sau giải thích các cơ chế và ý nghĩa của sự biến đổi cuộc sống và thế giới thành tiền, sự biến tất cả mọi thứ thành hàng hoá đã và đang diễn ra trong vài thế kỉ qua. Khi mọi thứ đều phải trả tiền, thì sự khan hiếm tiền bạc làm cho mọi thứ trở nên khan hiếm, kể cả những điều cơ bản cho cuộc sống và hạnh phúc của con người. Đó là cuộc sống của nô lệ – của một người bị ép buộc phải làm việc gì đó để tồn tại.
Có lẽ dấu hiệu sâu sắc nhất về chế độ nô lệ của chúng ta là sự tiền tệ hoá thời gian. Đó là một hiện tượng có gốc rễ sâu hơn cả hệ thống tiền tệ của chúng ta, vì nó phụ thuộc vào cách đong đo thời gian từ trước khi tiền xuất hiện. Một con thú hoặc một đứa trẻ có “đầy thời gian”. Điều này cũng đúng đối với những người thuộc thời kỳ đồ đá – những người có những khái niệm rất lỏng lẻo về thời gian và hiếm khi vội vàng. Các ngôn ngữ nguyên thủy thường thiếu thời (tense), đôi khi còn không có từ “ngày hôm qua” hay “ngày mai”. Sự hờ hững với thời gian của những người nguyên thủy hiện tại vẫn còn rõ ràng ở các vùng nông thôn trên thế giới. Cuộc sống chuyển động nhanh hơn ở các thành phố lớn, nơi chúng ta luôn vội vã vì thời gian lúc nào cũng khan hiếm. Nhưng trong quá khứ, chúng ta đã từng có đầy ắp thời gian.
Xã hội càng bị tiền tệ hoá thì các công dân của xã hội đó càng lo lắng và vội vã. Tại những nơi trên thế giới mà vẫn còn ở bên ngoài nền kinh tế tiền tệ, nơi nông nghiệp tự cung tự cấp vẫn còn tồn tại và nơi mà hàng xóm giúp đỡ lẫn nhau, thì tốc độ của cuộc sống chậm hơn, ít vội vã hơn. Ở nông thôn Mexico, mọi việc đều được làm mañana (ngày mai). Một phụ nữ nông dân Ladakh được phỏng vấn trong bộ phim “Ancient Futures” của Helena Norberg-Hodge đã tổng hợp tất cả những điều đó trong việc mô tả người em gái đang sống ở thành phố của cô như sau: “Cô ấy có một cái nồi cơm điện, một chiếc xe hơi, một chiếc điện thoại – tất cả các loại thiết bị giúp tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, khi tôi đến thăm cô ấy, cô ấy luôn bận rộn đến nỗi chúng tôi hầu như không có thời gian để nói chuyện.”
Đối với một con thú, một đứa trẻ, hay một người săn bắt hái lượm, thời gian về cơ bản là vô hạn. Ngày nay, sự tiền tệ hoá thời gian đã làm cho nó cũng trở nên khan hiếm, như tất cả mọi thứ khác. Thời gian là cuộc sống. Khi chúng ta coi thời gian là khan hiếm, chúng ta sẽ thấy cuộc sống ngắn lại và trở nghèo nàn.
Nếu bạn được sinh ra trước thời kì người lớn lên kế hoạch toàn bộ cho cuộc sống của trẻ em và trẻ em bị thúc ép chạy từ hoạt động này sang hoạt động khác, thì có lẽ bạn vẫn còn nhớ cảm giác “thời gian là vĩnh cữu” của thời thơ ấu, những buổi chiều kéo dài mãi mãi, sự tự do vô tận của cuộc sống trước sự chuyên chế của lịch và đồng hồ. John Zerzan viết, “Đồng hồ làm cho thời gian khan hiếm và cuộc sống ngắn ngủi.” Một khi đã được định lượng thì thời gian cũng có thể được mua và bán, và sự khan hiếm của tất cả loại hàng hoá liên quan đến tiền cũng ảnh hưởng tới thời gian. “Thời gian là tiền bạc,” – một cách nói khác của câu “Tôi không có thời gian.”
Nếu thế giới vật chất về cơ bản là một thế giới phong phú, thì thế giới tâm linh còn phong phú hơn nhiều: những sáng tạo của tâm trí con người – những bài hát, câu chuyện, phim, ý tưởng, và mọi thứ khác mà được gọi tên là “tài sản trí tuệ”. Bởi vì ở thời đại kỹ thuật số, chúng ta có thể nhân bản và lan truyền chúng với chi phí không đáng kể, nên sự khan hiếm nhân tạo phải được áp đặt lên chúng để giữ chúng trong phạm vi của tiền. Ngành công nghiệp và chính phủ thi hành sự khan hiếm thông qua luật bản quyền, bằng sáng chế, và các tiêu chuẩn mã hoá, cho phép chủ sở hữu tài sản đó kiếm lợi nhuận từ việc sở hữu nó.
Sự khan hiếm là một ảo ảnh, một sáng tạo văn hoá. Nhưng bởi vì gần như toàn bộ cuộc sống của chúng ta nằm trong một thế giới được xây dựng bởi văn hoá, nên trải nghiệm của chúng ta về sự khan hiếm này là rất thật – thật đến nỗi hiện nay gần một tỷ người bị suy dinh dưỡng, và khoảng 5.000 trẻ em chết mỗi ngày do các nguyên nhân gây ra do bị đói. Vì vậy, phản ứng của chúng ta đối với sự khan hiếm – lo lắng và tham lam – là hoàn toàn dễ hiểu. Khi cái gì đó dồi dào, không ai ngần ngại chia sẻ nó. Chúng ta sống trong một thế giới dồi dào, nhưng được làm cho khác đi bằng nhận thức của chúng ta, văn hoá của chúng ta, và những câu chuyện vô hình nằm sâu trong nhận thức của chúng ta. Nhận thức của chúng ta về sự khan hiếm là một lời tiên tri tự biến thành sự thật. Tiền là trọng tâm trong việc tạo dựng nên ảo tưởng về sự khan hiếm – một ảo tưởng có khả năng tự vật chất hoá.
Tiền, thứ đã biến sự dồi dào thành sự khan hiếm, tạo ra lòng tham. Nhưng không phải bản thân tiền mà chỉ là loại tiền mà hiện tại chúng ta đang sử dụng, loại tiền mà là hiện thân của cảm giác về cái tôi của chúng ta – cảm giác được định hình bởi văn hoá, hiện thân của những câu chuyện tưởng tượng mà chúng ta không có ý thức về sự có mặt của nó, và hiện thân của mối quan hệ thù địch với thiên nhiên đã tồn tại hàng ngàn năm nay. Tất cả những điều này giờ đây đang thay đổi. Vậy, chúng ta hãy xem xét cách mà tiền trở thành thứ có ảnh hưởng đến tâm trí và cách sống của chúng ta, để chúng ta có thể hình dung cách mà hệ thống tiền tệ có thể thay đổi cũng bằng chính tâm trí và cách sống của mình.