Bạn đang nuôi dưỡng một cá nhân có tinh thần độc lập có một không hai trên đời

21 Tháng Bảy 2016
Chuyên mục
Conscious Parenting
Bình luận  0

Trên hành trình làm cha mẹ có nhiều dịp chúng ta tìm thấy chính mình trong một trận chiến giữa lý trí và trái tim, những lúc như vậy khiến ta có cảm tưởng nuôi một đứa con giống hệt như việc phải đi trên dây. Một phản ứng không đúng chỗ có thể làm tổn thương tinh thần của con trẻ, trong khi đó những nhận xét đúng đắn có khả năng khuyến khích chúng bay cao. Trong mọi thời điểm, chúng ta đều có thể lựa chọn: xây dựng hoặc đập phá, nuôi dưỡng hoặc làm “tê liệt”.
Khi con trẻ được là chính mình, chúng không hề bận tâm về những điều chúng ta – người làm cha mẹ – thường xuyên bị ám ảnh. Mọi việc trông thế nào trước mắt mọi người, sự thành công hay thành tích dẫn đầu – không có vấn đề nào trong số những vấn đề này là mối bận tâm của một đứa trẻ. Thay vì luôn luôn ở trong một trạng thái tinh thần lo lắng, trẻ em có xu hướng lao đầu vào khám phá mọi khía cạnh của cuộc sống, chúng sẵn sàng mạo hiểm tất cả.
Khi bạn làm cha mẹ, việc bạn nhận ra không phải mình đang nuôi một “bản sao mini” của chính mình là cực kì quan trọng. Thay vào đó, bạn đang nuôi một cá nhân có tinh thần độc lập có một không hai trên đời. Vì lý do này, điều quan trọng là ta cần phải tách biệt được bản chất thật của mình và của mỗi đứa con. Con trẻ không phải để cho ta sở hữu dưới bất kỳ hình thức nào. Khi ta hiểu được sâu sắc điều này, ta sẽ nuôi con theo cách sao cho phù hợp với nhu cầu của con, thay vì đưa con vào khuôn mẫu của ta sao cho phù hợp với nhu cầu của chính bản thân ta.
Thay vì đáp ứng nhu cầu cá nhân của con, ta có xu hướng tự tạo ra các ý tưởng và kỳ vọng rồi đặt chúng lên con em mình. Ngay cả khi ta có những ý định tốt nhất nhằm khuyến khích con cái thành thật với bản thân chúng, phần lớn chúng ta vẫn vô tình rơi vào cái bẫy của việc áp đặt mong muốn của mình lên các con. Do đó mối quan hệ cha mẹ – con cái thường xuyên làm suy yếu tinh thần của con trẻ thay vì làm nó sống động lên. Đây là một lý do quan trọng khiến nhiều đứa trẻ lớn lên trong sự lo lắng bồn chồn và phiền muộn.
Mỗi chúng ta bước vào hành trình làm cha mẹ với tầm nhìn của những gì nó SẼ LÀ. Hầu hết các tầm nhìn này đều do ta tưởng tượng ra. Chúng ta giữ những niềm tin, giá trị, và giả định mà ta chưa bao giờ kiểm định. Nhiều người trong chúng ta thậm chí không thấy có lý do gì để đặt câu hỏi về những ý tưởng của mình bởi ta tin rằng ta luôn “đúng” và chẳng có gì phải suy nghĩ lại. Dựa trên thế giới quan không bị thử thách, chúng ta vô tình đề ra những kỳ vọng cứng nhắc về những việc con cái ta cần làm thể hiện bản thân chúng.  Ta không nhận ra rằng thông qua việc áp đặt cách suy nghĩ của mình lên con cái, chính ta khiến tinh thần của con bị gò bó.
Ví dụ, nếu ta siêu thành công trong công việc, ta có khả năng kỳ vọng con cái ta cũng siêu thành công như ta. Nếu ta làm nghệ thuật, ta cũng tìm cách thúc đẩy con cái làm nghệ thuật. Nếu ta từng học rất giỏi ở trường, ta có xu hướng mong muốn con em mình cũng thật thông minh tài giỏi như ta. Nếu ta học không tốt và vì vậy gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, ta có thể đang sống trong nỗi sợ hãi rằng con cái ta cũng sẽ như vậy, điều này khiến ta phải làm mọi thứ trong khả năng để ngăn chặn không cho việc đó xảy ra.
Chúng ta muốn những gì ta cho là “tốt nhất” cho các con, nhưng khi đang tìm cách mang đến những điều này cho con, ta sẽ rất dễ quên rằng vấn đề quan trọng nhất là: con cái phải có quyền được là chính mình và chúng có quyền sống cuộc sống riêng của chúng.
Con trẻ sống trong một thế giới của sự khẳng định, không phải của sự phủ định. Chúng đến với ta mang trong mình tràn đầy tiềm năng. Mỗi đứa con của ta có số phận đặc biệt của riêng nó mà ta hay gọi là “nghiệp”. Bởi vì các con mang theo mình một kế hoạch chi tiết rồi, nên chúng thường đã biết rõ chúng là ai và chúng  muốn những gì. Chúng ta được chọn làm cha mẹ của chúng để giúp chúng hiện thực hoá những kế hoạch này. Vấn đề là nếu ta không chú ý tới con cái, ta sẽ cướp đi quyền được sống cuộc sống riêng của chúng. Thay vào đó, ta áp đặt các tầm nhìn của mình lên con cái, ta viết lại mục đích sống thiêng liêng của con theo ý tưởng của bản thân ta.
Không có gì ngạc nhiên khi ta thất bại trong việc hoà hợp với bản chất thực sự của các con. Làm sao ta có thể lắng nghe các con, trong khi rất nhiều người trong chúng ta hầu như không lắng nghe chính mình? Làm sao ta có thể cảm nhận được tinh thần của con và nghe được nhịp đập trái tim con nếu ta không thể làm điều này trong chính cuộc sống của mình? Khi chúng ta – người làm cha mẹ – đã mất phương hướng bên trong mình,  hỏi tại sao rất nhiều trẻ em lớn lên bị mất phương hướng, mất kết nối, và chán nản? Vì ta để mất liên lạc với thế giới nội tâm của chính mình, nên ta làm tê liệt khả năng làm cha mẹ trong sự tỉnh thức của bản thân.

(tác giả: tiến sĩ Shefali Tsabary – The Conscious Parent)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *