Unschooling là gì và nó khác Homeschooling như thế nào?

30 Tháng Tám 2016
Chuyên mục
Unschooling
Bình luận  2

“Chúng ta có thể giúp trẻ học hỏi, không phải bằng cách quyết định trẻ nên học cái gì và tìm kiếm các phương pháp hữu hiệu để dạy trẻ, mà bằng cách cho trẻ tiếp cận với thế giới càng nhiều càng tốt, chú trọng đến những điều trẻ làm, trả lời các câu hỏi của trẻ nếu có, và giúp trẻ khám phá những điều chúng quan tâm nhất.” John Holt

Unschooling là gì và nó khác Homeschooling (giáo dục tại nhà) như thế nào?

Câu trả lời  ngắn gọn là tất cả các unschooler (người áp dụng unschooling) là homeschooler (người áp dụng homeschooling) nhưng không phải homeschooler nào cũng là unschooler. Trên thực, tại Mỹ, chỉ có 10% homeschooler là unschooler, nhưng con số này đang tăng lên.

Unschooling ưu tiên việc học tập do trẻ tự định hướng bằng cách không học các môn học định sẵn trong sách giáo khoa như ở trường (toán, văn, lý, hóa, sử…), nó cũng không giống như homeschooling là mang chương trình học ở trường về nhà để tự học. Tất cả unschooler đều cho rằng: giáo trình định sẵn gây cản trở cho việc học hỏi tự nhiên.

Thuật ngữ Unschooling được đưa ra bởi nhà giáo dục John Holt. Trong 2 cuốn sách nổi tiếng “Vì sao trẻ thất bại” và “Trẻ học hỏi như thế nào”, ông đã chỉ ra những khiếm khuyết trong giáo dục tại trường lớp cũng như phương pháp giáo dục tại nhà Homeschooling. Ông nói: “Điều quan trọng nhất và có giá trị nhất để trẻ có thể học hỏi và phát triển ở nhà là: nhà không phải là một trường học khác.”

Unschooling không có nghĩa là trẻ không tham gia bất kì lớp học nào. Đôi khi các unschooler cũng tham gia các lớp học có giáo viên hướng dẫn nhưng đó là do trẻ tự lựa chọn và khi muốn, trẻ hoàn toàn có thể ngừng tham gia lớp học đó. Cha mẹ chỉ có vai trò giúp đỡ chứ không quyết định việc học tập của trẻ.

Đối với gia đình tôi, unschooling có nghĩa là cả gia đình học hỏi cùng nhau. Chúng tôi nuôi dưỡng niềm đam mê và khả năng của mỗi đứa con và kết nối các con với các lớp học hoặc người hướng dẫn có chuyên môn khi cần thiết. Vào thời điểm này với chúng tôi gia đình là quan trọng nhất và chúng tôi ưu tiên dành thời gian ở bên nhau để cùng nhau học hỏi. Chúng tôi học hỏi từ các viện bảo tàng, thư viện, công viên, bãi biển, những con đường mòn, trang trại, những người hàng xóm, các sự kiện trong cộng đồng, bạn bè và người thân và tất nhiên là từ gia đình mình nữa.

Lời khuyên tốt nhất của tôi là: bạn hãy tin tưởng quá trình học hỏi tự nhiên không bị ép buộc của trẻ. Tiến sĩ Peter Gray – tác giả cuốn sách Free to Learn – giáo sư ngành tâm lí học tại ĐH Boston – viết: “việc học tập thật dễ dàng và đầy niềm vui khi nó diễn ra một cách tự nhiên. Chúng ta làm cho việc học trở nên khó khăn và ảm đạm trong các lớp học khi tước đi cơ hội học tập tự nhiên của trẻ bằng cách cưỡng ép trẻ học những điều ta cho là cần thiết.

Hãy khám phá niềm vui từ việc học hỏi tự nhiên và bạn sẽ không hối hận.

(Tác giả: Kerry McDonald- thạc sĩ giáo dục trường ĐH Harvard, cô unschool cả 4 con của mình)

2 responses on “Unschooling là gì và nó khác Homeschooling như thế nào?

  1. <3, thật sự xuất sắc. Cám ơn Unschool Việt Nam ạ. Mình có 1 thắc mắc rằng: "Môi trường giáo dục nào là phù hợp cho tất cả các bạn unschooler ạ?" Đây là câu hỏi mình thắc mắc và thật sự muốn tìm hiểu về câu trả lời, đặc biệt là ở VN.

    Hy vọng sẽ được kết nối với các bạn để trao đổi nhiều hơn.

    • Chào bạn. Đây là câu trả lời chung cho câu hỏi của bạn: “Là người lớn, chúng ta có những trách nhiệm nhất định đối với con cái của mình và trẻ em trên toàn thế giới. Những trách nhiệm đó là tạo ra những nơi an toàn, có lợi cho sức khoẻ mà trong đó trẻ em có thể phát triển và được tôn trọng. Những trách nhiệm đó là nuôi dưỡng trẻ em bằng các loại thực phẩm thích hợp, không khí trong lành, những nơi vui chơi không độc hại, và nhiều cơ hội để tương tác một cách tự do với những trẻ em khác. Trách nhiệm đó là làm một tấm gương tốt cho con trẻ.” – Peter Gray.
      Để có câu trả lời cụ thể hơn, bạn có thể tham khảo các bài viết khác của Peter Gray trên trang Psychology Today. Các điều kiện ở Việt Nam không hoàn toàn giống các điều kiện ở Mỹ mà Peter Gray nhắc tới trong các bài viết của ông, nên để có câu trả lời phù hợp cần có quá trình tìm hiểu và thử nghiệm. Nhưng nói chung, để các bạn unschooler có thể phát huy khả năng tự giáo dục tối đa, thì các bạn ấy cần được VUI CHƠI TỰ DO tối đa trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, với nhiều người ở độ tuổi khác nhau, với nhiều người có vốn kiến thức khác nhau, với nhiều công cụ khác nhau.

Trả lời Trần Phi Dũng Hủy

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *