Tôi không bận tâm việc con tôi có biết đọc hay không.

17 Tháng Tám 2017
Chuyên mục
Unschooling
Bình luận  0

Đúng, bạn đã nghe đúng rồi đó. Tôi không bận tâm việc liệu con tôi có biết đọc hay không.
Chúng ta thường tuyên bố rằng chúng ta không mong đợi điều gì. Chúng ta thường tuyên bố rằng chúng ta cảm thấy thoải mái với sự lựa chọn của con mình hoặc ít nhất là chấp nhận kể cả khi không thoải mái với chúng vì chúng ta tôn trọng con. Nhưng có thực là như vậy không?
Hầu hết những người theo unschooling đều dần trở nên không bận tâm đến việc khi nào con họ biết đọc, nhưng nói chung đó vẫn là “khi nào”, chứ không phải “liệu có hay không”. Vậy bạn cảm thấy thế nào khi tôi nói: Tôi không bận tâm liệu con tôi có biết đọc hay không.
Cơ thể bạn phản ứng như thế nào? Điều gì đang chạy đua trong tâm trí của bạn? Vâng, hãy giữ ý nghĩ đó trong khi tôi giải thích.
Tôi thực sự không bận tâm liệu con tôi có biết đọc hay không vì …

?Một người không cần phải biết đọc để có một cuộc sống có ý nghĩa.
Mọi người hay cho rằng việc biết đọc là cần thiết nhưng thực sự không phải vậy. Một người phải thở, họ phải bơm máu, họ phải ăn và phải uống để duy trì sự sống và ý thức; Tuy nhiên việc đọc là hoàn toàn không bắt buộc. Thực ra đó chỉ là lập trường của những người theo chủ nghĩa khả năng, chủ nghĩa đó gợi ý rằng giá trị của sự tồn tại của một người được gắn với khả năng làm bất cứ điều gì của người đó.
Việc biết đọc có thể mang lại cho một người cách tiếp cận thông thường đối với một số điều nhất định trong cuộc sống nhưng luôn có những lựa chọn khác nếu một người không biết đọc. Hiện tại, các con của chúng tôi không thể đọc tất cả những gì chúng gặp nên chúng tôi đọc cho con nghe hoặc nghe sách âm thanh (audiobook) hoặc chúng tôi tạo ra các danh sách có biểu tượng và sơ đồ để các con có thể tự truy cập một số thông tin nhất định mà không cần đến sự trợ giúp của cha mẹ. Chúng tôi tìm cách để đáp ứng những nhu cầu phù hợp với hoàn cảnh và khả năng hiện tại. Đó là điều có thể tiếp tục vô thời hạn, đó là cách chúng tôi tiếp cận cuộc sống.

?Một đứa trẻ không cần cha mẹ bận tâm đến việc đọc của nó thì mới quan tâm đến việc đó.
Có rất nhiều lí do để một người trở nên hứng thú với việc đọc, đọc để hiểu biết hoặc để cho vui. Và đó là những lí do mà tôi mong muốn khiến con tôi hứng thú với việc đọc, chứ không phải vì tôi cho rằng đó là một việc quan trọng và cần thiết. Tác động từ bên ngoài là không cần thiết để một người có thể tìm thấy giá trị của việc đọc hay để họ nuôi dưỡng khả năng đọc. Trước đây khi tôi nhắc đến chuyện mình không bận tâm đến việc con có biết đọc hay không, sẽ luôn có ai đó cho rằng thế thì con tôi sẽ mù chữ nhưng hai vấn đề này thực ra không liên quan tới nhau.
Ở trường chúng ta được dạy để tin rằng một đứa trẻ không có khả năng tự quyết định và hành động dựa trên kiến thức của bản thân, nhưng đó chẳng phải là một trong những ý tưởng đầu tiên mà chúng ta phải vứt bỏ khi chúng ta deschool bản thân hay sao? Tôi không nói rằng mình sẽ ngăn cản hay không khuyến khích con đọc. Tôi chỉ trân trọng quyền lựa chọn của các con trong việc đọc mà thôi. Tôi sẽ ủng hộ sự lựa chọn của con và giúp đỡ con nếu con muốn nhưng để làm gì thì con hoàn toàn tự quyết định. Nói cho cùng, việc học là để phục vụ người học và nếu người học tìm thấy giá trị của việc đọc thì họ sẽ tự theo đuổi việc đó, còn nếu không thì sao lại phải dành khoảng thời gian hữu hạn của mình để làm vậy?

?Cảm xúc của đứa trẻ về sự lựa chọn của nó quan trọng hơn sự lựa chọn.
Nếu con bạn sống một cuộc sống vui vẻ, làm những việc mà không cần phải biết đọc, về nhà và giải trí với những trò không yêu cầu phải biết đọc và kết nối với người khác mà không cần phải đọc… thì bạn quan tâm đến việc con có biết đọc không để làm gì?
Và nếu con bạn đến gặp bạn khi chúng 15 tuổi hay 20 tuổi hay 30 tuổi hay bất cứ lúc nào để nói với bạn rằng việc không biết đọc làm chúng không hạnh phúc, thì lúc đó chúng có thể làm gì? Việc học hỏi không bao giờ có hạn định. Đó là một việc mà một người có thể làm vào khoảnh khắc mà họ cho là việc đó có ý nghĩa và cần thiết, dù cho khoảnh khắc đó là hôm nay hay ngày mai hay nhiều năm sau.
Ồ nhưng việc học dễ dàng nhất là khi chúng ta còn nhỏ tuổi, ai cũng nói vậy! Nhưng sự thực là càng nhỏ tuổi thì thời gian chúng ta phải đến trường càng ít (hoặc chưa phải đến trường), và có lẽ việc học là dễ dàng nhất khi chúng ta không bị nhồi vào đầu ý tưởng rằng chúng ta PHẢI học cái gì, vào lúc nào, để làm gì và KHÔNG bị khiến cảm thấy vô giá trị.

“Cuối cùng tôi nói: “Thưa bà, nếu ta đi học mà không biết đọc lúc ta 7 tuổi thì ta sẽ bị bêu xấu và bị làm cho bẽ mặt và bị khiến trở nên quá lo âu đến nỗi việc đó sẽ ảnh hưởng tới khả năng học hỏi của ta trong tương lai. Việc đó sẽ không xảy ra với Isabel đâu.” – Carol Black, A Thousand Rivers

“Khi nào” một đứa trẻ biết đọc là một sự mong đợi.
Tôi quan tâm đến con chứ không bận tâm đến việc chúng có khả năng làm gì.

(http://jitterberry.com/…/08/i-dont-care-if-my-children-read/)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *