Làm cha mẹ thiếu tỉnh thức là nơi tất cả chúng ta bắt đầu

24 Tháng Bảy 2016
Chuyên mục
Conscious Parenting
Bình luận  0

Một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất mà gần như bất kỳ ai trong chúng ta cũng phải trải qua là tạo ra cho thế giới một con người  và nuôi dưỡng con người này. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta tiếp cận với công việc này bằng một cách mà  chúng ta sẽ không bao giờ áp dụng vào công việc của mình. Ví dụ, nếu ta đứng đầu một tổ chức trị giá hàng tỷ đồng, ta sẽ soạn thảo một dự án phát triển tổ chức đó thật cẩn thận. Ta sẽ biết mục tiêu của mình là gì và làm thế nào để đạt được nó. Trong khi tìm cách thực hiện dự án này, ta sẽ phải làm quen với các nhân viên của mình và tìm cách phát huy tiềm năng của họ. Một phần của chiến lược sẽ là, ta xác định điểm mạnh riêng của ta và tìm hiểu làm thế nào để tận dụng chúng cũng như xác định những điểm yếu của ta để giảm thiểu tác động của chúng. Sự thành công của tổ chức này sẽ là kết quả của sự vạch ra chiến lược cho thành công.

Việc tự đặt ra những câu hỏi sau là rất cần thiết: “Nhiệm vụ làm cha mẹ của tôi là gì, triết lý làm cha mẹ của tôi là gì? Làm thế nào để thể hiện điều này trong tương tác hàng ngày của tôi với con? Tôi đã vạch ra một nhiệm vụ tận tâm chu đáo để làm cha mẹ, như tôi sẽ làm nếu tôi quản lý một tổ chức lớn hay chưa? “

Cho dù bạn là một cặp vợ chồng đang chung sống, hoặc đã ly thân hoặc một người cha/mẹ độc thân, việc suy nghĩ thật kĩ về cách ta nuôi dạy con là rất hữu ích. Nhiều người trong chúng ta không suy xét kĩ đến ảnh hưởng của cách chúng ta làm cha mẹ lên đến con cái ra sao. Liệu phương pháp ta đang áp dụng có bao gồm việc lắng nghe con cái? Liệu ta có sẵn sàng thay đổi cách ta tương tác với con nếu rõ ràng là phương pháp ta đang áp dụng không có hiệu quả?

Mỗi người chúng ta đều cho rằng ta đang làm những điều tốt nhất có thể cho con cái và hầu hết chúng ta là những bậc cha mẹ yêu con hết mực. Chắc chắn không phải vì không yêu mà ta áp đặt ý chí của ta lên con em mình. Thay vào đó, điều này bắt nguồn từ vô thức. Thực tế là nhiều người trong chúng ta không nhận thức được những động lực tiềm tàng trong mối quan hệ giữa ta và con cái.

Không ai trong chúng ta muốn nghĩ là bản thân mình không tỉnh thức. Ngược lại, đó là một khái niệm chúng ta có xu hướng muốn né tránh. Vì vậy, hễ có ai nói gì đó về cách làm cha mẹ của ta là ta lập tức bị kích động. Tuy nhiên, khi ta bắt đầu nhận thức được, ta sẽ thiết kế lại mối liên hệ mà ta chia sẻ với con em mình.

Con cái chúng ta phải trả một giá rất đắt khi ta thiếu tỉnh thức. Tiêu dùng quá nhiều, dùng thuốc men quá nhiều, bị phân loại và dán mác, rất nhiều trẻ không có hạnh phúc. Điều này là bởi vì, từ sự thiếu tỉnh thức chính mình, ta truyền lại cho con cái những nhu cầu riêng chưa được giải quyết, những kỳ vọng không được đáp ứng, và những ước mơ không thành. Mặc dù có ý định tốt, ta vẫn bắt con cái mình  làm nô lệ của những cảm xúc mà ta nhận được từ cha mẹ của chính ta, ta ràng buộc con cái với di sản của tổ tiên trong quá khứ. Bản chất của vô thức là như vậy đó, nếu không được chuyển hóa, nó sẽ thấm từ thế hệ này qua thế hệ khác. Chỉ khi nào sự tỉnh thức có mặt thì chu kỳ đau khổ trong gia đình mới có thể kết thúc.

(Tác giả: TS Shefali Tsabary)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *