Chương 3: Tiền và Lý Trí

30 Tháng Mười Một 2017
Chuyên mục
Sacred Economics
Bình luận  0

Khi tất cả đều bị cô lập bởi chủ nghĩ vị kỷ, không có gì ngoài bụi, và khi bão tố xảy ra, không có gì ngoài bùn. -Benjamin Constant

Sức mạnh gây ra ảo giác tập thể về sự khan hiếm chỉ là một trong những cách mà tiền gây ảnh hưởng đến nhận thức của chúng ta. Chương này sẽ khám phá một số ảnh hưởng về tâm lý và tâm linh sâu sắc của tiền bạc: trên cách mà chúng ta nhìn nhận thế giới, trên tôn giáo, trên nền triết học của chúng ta, thậm chí trên cả nền khoa học của chúng ta. Tiền len lỏi vào tâm trí, nhận thức, và bản sắc của chúng ta. Đó là lý do tại sao khi một cuộc khủng hoảng tiền tệ nổi lên, dường như cả thực tại cũng đang vỡ ra – dường như thế giới đang sụp đổ. Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân để chúng ta lạc quan, bởi vì tiền là một sản phẩm xã hội mà chúng ta có thể thay đổi. Những nhận thức mới nào và những hành động tập thể mới nào sẽ song hành với một loại tiền mới?

Chúng ta đã đang ở Chương 3, và thậm chí tôi còn chưa định nghĩa “tiền”! Hầu hết các nhà kinh tế học xác định tiền bằng các chức năng của nó, chẳng hạn như nó là một phương tiện trao đổi (medium of exchange), đơn vị tài khoản (unit of account), và kho giá trị (store of value). Theo đó, họ cho rằng tiền đã xuất hiện từ rất sớm, có lẽ là năm ngàn năm trước với sự xuất hiện của các loại hàng hoá tiêu chuẩn như ngũ cốc, dầu, gia súc, hoặc vàng được sử dụng để phục vụ các chức năng trên. Nhưng khi nói về tiền, tôi muốn nói về một thứ hoàn toàn khác biệt, thứ mà xuất hiện lần đầu tiên ở Hy Lạp vào thế kỷ thứ bảy TCN. Đó được cho là lần đầu tiên tiền không còn chỉ là hàng hóa mà trở thành một loại hữu thể riêng biệt. Do đó, ngoài nói về những chức năng của tiền, chúng ta còn có thể nói về vấn đề “tiền là cái gì” nữa.

Các nhà kinh tế học cho rằng tiền xu đã được phát minh để đảm bảo trọng lượng và độ tinh khiết cho mảnh kim loại có giá trị như một thứ hàng hoá. Chúng có giá trị bởi chúng được làm ra từ vàng hoặc bạc. Trên thực tế, giống như nguồn gốc đổi chác của tiền, giống như giả định về sự khan hiếm, câu chuyện này về nguồn gốc của tiền xu là sự tưởng tượng của một nhà kinh tế học. Câu chuyện giả tưởng này được gắn hẳn với một nhân vật lừng lẫy để đảm bảo tính xác thực cho nó. Aristotle viết:

Vì những nhu yếu phẩm không thể được mang đi mang lại một cách dễ dàng, nên mọi người đã cùng đồng ý sử dụng một thứ gì đó có ích và dễ sử dụng khi trao đổi hàng hoá với nhau, ví dụ như sắt, bạc và những thứ tương tự. Đầu tiên, giá trị của những thứ đó được đo bằng kích cỡ và trọng lượng của chúng, nhưng theo thời gian, họ đóng một con dấu lên đó, để khỏi phải mất công cân đo và để đánh dấu giá trị (1)

Câu chuyện này có vẻ khá hợp lý, nhưng bằng chứng lịch sử dường như mâu thuẫn với nó. Các đồng tiền xu đầu tiên, được đúc ở Lydia, được làm từ electrum (một hợp kim bạc-vàng) – mà tính đồng nhất về chất lượng là rất thấp. (2) Tiền xu nhanh chóng lan sang Hy Lạp, nơi mà mặc dù các đồng xu tương đối đồng nhất về trọng lượng và độ tinh khiết, nhưng nó thường có giá trị lớn hơn giá trị hàng hoá của loại bạc mà từ đó nó được đúc ra. (3) Thật vậy, một số thành phố-bang (bao gồm cả Sparta) đã đúc tiền xu từ các kim loại cơ bản như sắt, đồng, chì hoặc thiếc: những đồng tiền này có giá trị nội tại không đáng kể nhưng vẫn có chức năng như tiền. (4) Trong cả hai trường hợp, các đồng xu được đóng dấu có một giá trị (mà theo nhà sử học Richard Seaford, chúng ta sẽ gọi “giá trị uỷ thác”) lớn hơn một miếng kim loại giống hệt vậy nhưng chưa được đóng dấu. Tại sao? Một con dấu thì có sức mạnh huyền bí gì? Nó không phải là sự đảm bảo về trọng lượng và độ tinh khiết, cũng không phải là sự mở rộng quyền lực cá nhân của một người cai trị hay cơ quan tôn giáo. Seaford quan sát,

“Các con dấu dường như thể hiện quyền lực của người sở hữu con dấu đó, nhưng các con dấu trên đồng xu không tạo ra mối liên quan như chúng ta tưởng tượng giữa các đồng xu và nguồn của chúng. (5) Thay vào đó, dấu hiệu trên đồng xu xác nhận mảnh kim loại đó là có một giá trị nhất định. Và người ta không làm như vậy bằng cách truyền năng lượng (bằng phép thuật hay cách khác) sang mảnh kim loại, mà bằng cách đặt lên nó một hình dạng mà hình dạng đó được công nhận là có khả năng xếp mảnh kim loại vào một phạm trù riêng biệt, phạm trù của những đồng tiền thật…. Như vậy con dấu đồng xu thực chất chỉ là một kí hiệu …”  (6).

Bản thân các kí hiệu không có sức mạnh nội tại gì, nhưng chúng có được sức mạnh thông qua cách con người nhận thức về chúng. Trong phạm vi một xã hội có chung nhận thức, thì các kí hiệu hoặc biểu tượng sẽ mang sức mạnh có tính xã hội. Loại tiền mới xuất hiện ở Hy Lạp cổ đại trở thành có giá trị bởi một thoả thuận xã hội, trong đó các dấu hiệu trên đồng xu là bằng chứng. (7) Thỏa thuận này là bản chất của tiền. Ngày nay điều này là rõ ràng, khi hầu hết tiền là tiền điện tử và tiền giấy thì có giá trị nội tại chỉ xấp xỉ bằng một tờ giấy vệ sinh, nhưng tiền đã và vẫn đang là một sự thỏa thuận kể từ thời Hy Lạp cổ đại. Những nhà cải cách ủng hộ đồng tiền vàng như một cách để trở lại thời hoàng kim của “tiền thật” đang cố gắng quay trở lại một thứ chưa bao giờ tồn tại, ngoại trừ trong những khoảnh khắc lịch sử ngắn ngủi mà tiền vàng gần như là một lý tưởng. Tôi tin rằng bước tiếp theo trong tiến trình phát triển của tiền sẽ không phải là trở về một hình thức tiền tệ từ xa xưa, mà là sự chuyển đổi của nó từ một thoả thuận vô thức thành một thoả thuận có ý thức.

Qua hơn 5.000 năm, tiền đã phát triển từ hàng hoá thuần túy, đến một biểu tượng đặt trên một loại vật liệu, đến biểu tượng thuần khiết của ngày hôm nay. Kinh tế học thiêng liêng không tìm cách để đảo ngược tiến trình này, mà để hoàn thành nó. Tiền như một sự thoả thuận không đứng cô lập với các hệ thống kí hiệu và biểu tượng khác mà qua đó nền văn minh của chúng ta hoạt động. Chúng ta có thể đặt vào trong tiền các thỏa thuận mới về hành tinh của chúng ta, về các loài sinh vật, và về những gì chúng ta cho là thiêng liêng. Trong một thời gian dài chúng ta đã coi sự “tiến bộ” là thiêng liêng, sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, sự chinh phục thiên nhiên. Hệ thống tiền tệ của chúng ta phục vụ những mục tiêu đó. Hiện tại mục tiêu của chúng ta đang thay đổi, những siêu-truyện-kể của chúng ta cũng thay đổi và tiền sẽ là một phần trong những câu chuyện đó: Câu Chuyện về Cái Tôi, Câu Chuyện về Con Người, và Câu Chuyện về Thế Giới.

Mục đích của cuốn sách này là để kể một câu chuyện mới về tiền; để làm sáng tỏ những thoả thuận mới mà chúng ta có thể gắn vào trong những “tấm bùa” uỷ thác này, để tiền là đồng minh, chứ không phải kẻ thù, của một thế giới tốt đẹp hơn mà trái tim chúng ta biết là khả thi.

Không phải ngẫu nhiên mà Hy Lạp cổ đại, nơi mà tiền tượng trưng bắt nguồn, cũng là nơi đã sinh ra khái niệm hiện đại về “cái tôi”, các khái niệm về logic và lý trí, và các nền tảng triết học của lý trí hiện đại. Trong nghiên cứu khoa học của mình – Money and the Ancient Greek Mind, giáo sư văn học kinh điển Richard Seaford khám phá tác động của tiền bạc lên xã hội và lối suy nghĩ của đất nước và người dân Hy Lạp, ông làm sáng tỏ những đặc điểm khiến tiền trở nên độc đáo. Trong đó, tiền vừa cụ thể vừa trừu tượng, nó thuần nhất, không mang tính cá nhân, tiền là một mục tiêu phổ quát, là một phương tiện phổ quát, và nó không có giới hạn. Sự xuất hiện của sức mạnh mới và độc nhất này trên thế giới đã tạo ra những hậu quả sâu sắc, rất nhiều trong số đó đã thấm sâu vào niềm tin, văn hoá, tâm hồn và xã hội của chúng ta đến mức chúng ta khó có thể nhận ra chúng, chưa nói đến việc nghi vấn chúng.

Tiền là thuần nhất vì kể cả có bất kỳ sự khác biệt vật lí nào giữa các đồng tiền thì chúng vẫn đều có giá trị như nhau (nếu chúng có cùng mệnh giá). Mới hoặc cũ, mòn hoặc mịn, tất cả các đồng một-drachma đều như nhau. Đây là một điều mới mẻ trong thế kỷ thứ sáu trước Công nguyên. Trong thời đại cổ đại, Seaford nhận xét, quyền lực được trao cho ai hoặc vật gì thông qua các vật bùa chú độc nhất (ví dụ, một búp bê được cho là truyền từ Zeus), tiền thì ngược lại: nó được trao cho quyền lực thông qua một dấu hiệu tiêu chuẩn mà không quan tâm đến sự khác nhau về độ tinh khiết và trọng lượng. Chất lượng không quan trọng, chỉ có số lượng mới quan trọng. Bởi vì tiền có thể chuyển đổi thành tất cả các thứ khác, nó làm lây nhiễm tính chất đó sang các vật khác, biến chúng thành các mặt hàng – các đồ vật mà, miễn là chúng đáp ứng các tiêu chí nhất định, thì đều được xem là giống hệt nhau. Chỉ có số lượng mới quan trọng. Seaford nói,” Tiền khuyến khích tính đồng nhất giữa mọi thứ nói chung.” Tất cả mọi thứ đều bình đẳng, bởi vì chúng có thể được bán đi để lấy tiền, và sau đó tiền có thể được sử dụng để mua bất kỳ thứ gì khác.

Trong thế giới hàng hóa, mọi thứ đều có giá trị bằng với số tiền cần để thay thế chúng. Thuộc tính chính của chúng là “giá trị” – một sự trừu tượng. Tôi cảm thấy buồn và xa lạ trong câu nói “Bạn luôn có thể mua một cái khác”. Bạn có thấy câu nói đó thúc đẩy chủ nghĩa phi vật chất, khuyến khích sự tách rời khỏi thế giới vật chất trong đó mỗi người, mỗi nơi chốn và sự vật là đặc biệt, độc nhất? Không có gì ngạc nhiên khi các triết gia người Hy Lạp thời đại này bắt đầu nâng cao sự trừu tượng lên trên cả thực tế, lên đến cực điểm trong sáng kiến của Plato về một thế giới của các dạng thức hoàn hảo thực tế hơn cả thế giới thực của các giác quan. Không lạ gì mà cho đến ngày nay chúng ta vẫn đối xử với thế giới vật chất với một thái độ kiêu hãnh như thế. Không có gì ngạc nhiên khi sau hai ngàn năm đắm chìm trong trong tâm lý tiền bạc (mentality of money), chúng ta đã trở nên quá quen thuộc với sự thay thế của tất cả mọi thứ đến nỗi chúng ta hành xử như thể chúng ta có thể, nếu chúng ta hủy hoại hành tinh này, mua một hành tinh mới một cách đơn giản.

Tôi đặt tên cho chương này là “Tiền và Lý trí.” Rất giống với giá trị được uỷ thác của tiền, lý trí là một thứ trừu tượng cầm lái một phương tiện vật chất (thể xác). Giống như sự ủy thác tiền tệ, ý tưởng về lý trí như là một hữu thể riêng biệt và phi vật chất đã phát triển hàng ngàn năm nay, dẫn đến khái niệm hiện đại về một ý thức phi vật chất, một linh hồn tách biệt khỏi thân xác. Nói một cách rõ ràng, cả trong tư tưởng thế tục lẫn tôn giáo, cái thứ trừu tượng này trở nên quan trọng hơn phương tiện vật chất (tâm trí quan trọng hơn thể xác), tương tự như “giá trị” của một thứ quan trọng hơn các thuộc tính vật lý của chính nó.

Trong phần Lời giới thiệu, tôi đã đề cập đến ý tưởng rằng chúng ta đã tạo ra một vị thần dựa trên nhận thức của mình về tiền: một sức mạnh vô hình có khả năng điều khiển tất cả mọi thứ, làm cho thế giới trở nên sống động, một “bàn tay vô hình” chỉ huy hoạt động của con người, phi vật chất nhưng có mặt ở khắp nơi. Nhiều trong số các thuộc tính này của Thượng Đế hay linh hồn có nguồn gốc từ thời các triết gia Hy Lạp trước Socrate (trước năm 470 TCN) – những người đã phát triển ý tưởng của họ ngay chính thời điểm tiền bạc nắm quyền kiểm soát xã hội. Theo Seaford, họ thậm chí là những người đầu tiên phân biệt giữa bản chất và ngoại hình, giữa cụ thể và trừu tượng – một sự khác biệt hoàn toàn không tồn tại (ngay cả ngầm) vào thời của Homer (tác giả Sử thi Odyssey thời Hy Lạp cổ đại). Từ apeiron (trong vũ trụ học, có nghĩa là thực tại vĩnh cữu của vũ trụ – ND) của Anaximander đến các logos (nguyên tắc của trật tự và tri thức – ND) của Heraclitus tới học thuyết Pythagore “Tất cả là con số”, người Hy Lạp cổ đại đã nhấn mạnh tính ưu việt của sự trừu tượng: một nguyên tắc không nhìn thấy được nhưng điều khiển thế giới. Tư tưởng này đã thâm nhập vào DNA của nền văn minh của chúng ta tới mức mà quy mô của lĩnh vực tài chính lớn hơn hẳn nền kinh tế thực; trong đó tổng giá trị các dẫn xuất tài chính lớn gấp mười lần tổng sản phẩm quốc nội của thế giới; nơi những phần thưởng lớn nhất của xã hội được trao cho những phù thuỷ phố Wall – những người không làm gì khác hơn là điều khiển các biểu tượng. Đối với thương nhân đang ngồi trước máy tính, nó thực sự là như Pythagoras nói: “Tất cả là con số”.

Một biểu hiện của sự chia cắt giữa tinh thần và vật chất này mà ưu tiên cho tinh thần là ý tưởng: “Chắc chắn, cải cách kinh tế là một điều đáng làm, nhưng điều quan trọng hơn nhiều là sự chuyển hoá ý thức của con người.” Tôi nghĩ quan điểm này là sai lầm, vì nó dựa trên sự phân biệt sai giữa ý thức và hành động, và cuối cùng dẫn đến sự phân biệt sai giữa tinh thần và vật chất. Ở một mức độ sâu xa, tiền và ý thức đan xen lẫn nhau. Mỗi cái đều bị ràng buộc trong cái kia.

Tính trừu tượng của tiền được phát triển trong một bối cảnh phù hợp mang tính siêu-lịch sử rộng lớn. Tiền không thể phát triển mà không có một nền tảng của sự trừu tượng dưới dạng các chữ và số. Số và tên gọi (label) kéo chúng ta xa rời khỏi thế giới thực và dẫn trí óc của chúng ta suy nghĩ theo cách trừu tượng. Sử dụng một danh từ là ngụ ý nhắc tới một đặc tính của nhiều thứ cùng có chung tên gọi; nói rằng có năm cái gì đó làm cho mỗi cái trở thành một đơn vị. Chúng ta bắt đầu nghĩ đến các vật thể như là đại diện của một hạng mục chứ không phải là những vật mà bản thân chúng là độc nhất. Vì vậy, mặc dù có tính tiêu chuẩn nhưng các hạng mục với các đặc điểm chung không khởi đầu với tiền, mà chính tiền đã đẩy mạnh sự thống trị về mặt khái niệm của các hạng mục. Hơn nữa, tính đồng nhất của tiền đi kèm với sự phát triển nhanh chóng của các mặt hàng được tiêu chuẩn hóa để buôn bán thương mại. Sự tiêu chuẩn hóa như vậy là thô thiển trong thời kỳ tiền công nghiệp, nhưng ngày nay những vật dụng được sản xuất hàng loạt giống hệt nhau cũng gần như có nghĩa là sự dối trá của tiền đã biến thành chân lý.

Khi chúng ta xem xét hình thức của tiền trong tương lai, chúng ta hãy nhớ rằng tiền có thể đồng nhất hóa tất cả những gì nó chạm vào. Có lẽ tiền chỉ nên được sử dụng cho những gì là hoặc nên là tiêu chuẩn, có thể định lượng, hoặc giống nhau; có lẽ một loại tiền khác, hoặc chẳng cần đến tiền nữa, nên tham gia vào việc lưu thông những gì mang tính cá nhân và duy nhất. Chúng ta chỉ có thể so sánh giá dựa trên số lượng tiêu chuẩn; do đó, khi chúng ta nhận được nhiều hơn thế – một cái gì đó không đong đếm được – là chúng ta đã nhận được một khoản thêm (bonus), một thứ mà chúng ta đã không phải trả tiền cho nó. Nói cách khác, chúng ta đã nhận được một món quà. Chắc chắn là, chúng ta có thể mua một tác phẩm nghệ thuật, nhưng nếu chúng ta cảm thấy rằng nó chỉ như một loại hàng hoá, thì chúng ta đã phải trả quá nhiều cho nó; nhưng nếu đó là nghệ thuật chân chính, thì chúng ta đã phải trả quá ít. Tương tự, chúng ta có thể mua tình dục nhưng không mua được tình yêu; chúng ta có thể mua calo mà không mua được thực phẩm bổ dưỡng. Ngày nay chúng ta phải chịu đựng một sự nghèo túng của những điều vô giá, những thứ không đong đếm được; sự túng thiếu của những thứ mà tiền không thể mua được và sự thừa thãi của những thứ mà nó mua được (mặc dù sự thừa thãi này được phân bổ không đồng đều đến nỗi nhiều người thậm chí không có nổi những thứ đó) (8)

Tiền có thể đồng nhất hóa những thứ nó chạm vào, và nó cũng có thể đồng nhất hóa và làm mất tính cá nhân của những người dùng nó: “Nó tạo điều kiện cho kiểu trao đổi thương mại mà trao đổi đó không liên quan gì tới các mối quan hệ khác” (9). Nói cách khác, mọi người chỉ đơn giản là các bên tham gia trong một giao dịch. Trái ngược với những động cơ đa dạng là đặc trưng của hoạt động cho và nhận quà tặng, trong một giao dịch tài chính thuần túy, tất cả chúng ta đều như nhau: tất cả chúng ta đều muốn có được một thương vụ tốt nhất. Tính đồng nhất này giữa con người như là một hệ quả của tiền được giả định là một nguyên nhân bởi các nhà kinh tế học. Toàn bộ câu chuyện về sự tiến triển của tiền từ hoạt động đổi chác giả định rằng bản chất cơ bản của con người là muốn tối đa hóa lợi ích cá nhân. Trong đó, con người được coi là ai cũng như nhau. Khi không có tiêu chuẩn về giá, những người khác nhau thì muốn những thứ khác nhau. Khi tiền có thể trao đổi để lấy bất kỳ thứ gì, thì tất cả mọi người đều muốn chung một thứ: tiền.

Seaford viết: “Tiền được tách ra khỏi tất cả các liên kết mang tính cá nhân, nó trở nên lộn xộn và có khả năng được trao đổi với bất cứ ai để lấy bất cứ điều gì, nó thờ ơ với tất cả các mối quan hệ phi tiền tệ giữa người với người” (10). Không giống như các đồ vật khác, tiền không lưu giữ lại bất kì dấu vết nào về nguồn gốc của nó hay bất kì dấu vết nào của những người đã từng sử dụng nó. Trong khi một món quà dường như là một phần của người cho, tiền của ai cũng giống nhau. Nếu tôi có 2.000 đô la trong ngân hàng, một nửa từ bạn bè của tôi và một nửa từ kẻ thù của tôi, tôi không thể chọn tiêu 1.000 đô la từ kẻ thù trước và giữ lại phần tiền từ bạn bè tôi. Mỗi đô la đều có giá trị như nhau.

Có lẽ vì hiểu được điều đó nên nhiều người từ chối không lẫn lộn việc kinh doanh với tình bạn, họ đề phòng không để xảy ra xung đột tất yếu giữa tiền và mối quan hệ cá nhân. Tiền làm cho một mối quan hệ trở nên mất tính chất cá nhân, biến hai người thành “các bên trong một cuộc trao đổi”, mỗi bên đều có mục đích chung là tối đa hóa lợi ích cá nhân. Nếu tôi muốn tối đa hoá lợi ích cá nhân, mà có thể bạn sẽ phải thua thiệt, thì làm sao chúng ta có thể là bạn? Trong xã hội được tiền tệ hoá ở mức cao như xã hội của chúng ta, gần như tất cả nhu cầu đều có thể được đáp ứng bằng tiền, thì còn đâu những món quà cá nhân mà từ đó chúng ta có thể xây dựng tình bạn?

Động cơ lợi nhuận gần như luôn đối nghịch với các động cơ cá nhân tốt đẹp, bởi vậy mới có câu “Đừng để tâm quá; công việc thì nó phải thế”. Ngày nay, phong trào kinh doanh có đạo đức và phong trào đầu tư có đạo đức tìm cách hàn gắn sự đối nghịch giữa tình cảm và lợi nhuận, tuy nhiên, dù động cơ có chân thành cỡ nào chăng nữa, những nỗ lực đó thường biến đổi thành quan hệ công chúng PR (public relations – các hành vi giao tiếp với công chúng của một cá nhân hay tổ chức với mục tiêu giao tiếp xã hội và cộng đồng nhằm xây dựng hình ảnh – ND),”green-washing” (green-washing là một thuật ngữ mang ý nghĩa tiêu cực hàm ý miêu tả những hành động đánh lạc hướng người tiêu dùng, một hành động được coi là green-washing khi một công ty hay tổ chức dành nhiều tiền bạc và thời gian tự xưng là “xanh” – thân thiện với môi trường – thông qua quảng cáo và tiếp thị hơn là thực sự thực hiện hoạt động kinh doanh nhằm giảm thiểu tối đa tác động tới môi trường – ND), hay tự công chính (self-righteousness – là cảm giác hay sự thể hiện sự ưu việt về đạo đức, thường là tự mãn, có nguồn gốc từ ý thức rằng niềm tin, hành động hoặc các mối quan hệ của một người có đức hạnh cao hơn những người bình thường – ND). Đây không phải là tai nạn ngoài ý muốn. Trong các chương sau, tôi sẽ mô tả một mâu thuẫn chết người trong nỗ lực đầu tư có đạo đức, nhưng hiện tại bạn chỉ cần lưu ý đến sự nghi ngờ tự nhiên của bạn về vần đề này, và nói chung về bất kỳ tuyên bố nào để “kiếm tiền bằng cách làm việc tốt” (do well by doing good).

Bất cứ lúc nào chúng ta bắt gặp một doanh nghiệp có vẻ như có lòng vị tha, chúng ta sẽ có xu hướng nghĩ rằng, “Cái giá phải trả là gì?” Làm thế nào mà họ bí mật kiếm tiền từ điều này? Khi nào họ sẽ yêu cầu tôi chi tiền? Ý nghĩ ngờ vực, “Anh ta thực ra làm điều đó vì tiền” gần như là phổ quát. Chúng ta nhanh chóng phát hiện ra các động cơ tài chính trong mọi thứ mà người ta làm, và chúng ta cảm động sâu sắc khi ai đó làm điều gì đó hoan hỷ hay hào phóng đến nỗi rõ ràng là họ không có động cơ đó. Có vẻ như không hợp lý, thậm chí là kỳ diệu, khi ai đó thực sự cho đi mà không nghĩ cách để được đáp trả. Như Lewis Hyde đã nói, “Trong các đế chế của sự bóc lột, tính đa cảm của một người có trái tim thương yêu khiến chúng ta cảm động bởi vì nó nói lên những điều đã mất.” (11)

Tính phổ biến của sự nghi ngờ động cơ lợi nhuận kín đáo phản ánh tiền như một mục tiêu phổ quát. Hãy hình dung lại bạn hồi còn đi học, nói chuyện với người cố vấn nghề nghiệp, thảo luận về các khả năng của bạn và cách bạn có thể sử dụng chúng để kiếm sống – nghĩa là chuyển đổi chúng thành tiền (ở Mỹ, mỗi trường trung học đều có một bộ phận cố vấn hướng nghiệp – ND). Thói quen suy nghĩ này nằm sâu trong chúng ta: khi Jimi – cậu con trai tuổi teen của tôi cho tôi xem các trò chơi máy tính mà nó sáng tạo ra, đôi khi tôi bắt gặp bản thân mình đang nghĩ về việc làm thế nào để con có thể thương mại hóa các trò chơi đó và về những kỹ năng lập trình mà con có thể phát triển tiếp để phù hợp với thị trường. Gần như bất cứ lúc nào ai đó có một ý tưởng sáng tạo thú vị, chúng ta sẽ nghĩ ngay: “làm sao để chúng ta có thể kiếm tiền từ việc này?” Nhưng khi lợi nhuận trở thành mục đích của sự sáng tạo nghệ thuật chứ không phải chỉ là một hiệu ứng phụ, thì sản phẩm sáng tạo không còn là nghệ thuật nữa, và chúng ta trở thành những người bán hàng rẻ mạt. Mở rộng nguyên tắc này ra cuộc sống nói chung, Robert Graves cảnh báo, “Bạn chọn công việc đang làm để tạo cho bạn một khoản thu nhập ổn định và thời gian rảnh rỗi để phục vụ part-time “vị nữ thần” mà bạn yêu quý. Tôi là ai, bạn sẽ hỏi, mà dám cảnh báo bạn rằng vị nữ thần ấy đòi hỏi bạn phục vụ toàn thời gian hoặc không thì thôi?”(12)

Tiền như một mục tiêu phổ quát được gắn liền vào ngôn ngữ của chúng ta. Chúng ta nói đến việc tận dụng ý tưởng của mình làm “vốn” và sử dụng từ “cho không”, thực ra có nghĩa là cái gì đó có thể được nhận với sự biết ơn (chứ không phải trả tiền), như một từ đồng nghĩa với “không cần thiết”. Chắc chắn là tiền cũng gắn liền vào ngành kinh tế học, trong giả định rằng con người tìm cách tối đa hóa lợi ích cá nhân mà lợi ích cá nhân ở đây có nghĩa tương đương với tiền. Nó thậm chí còn được gắn vào khoa học, nơi tiền là một mật mã để giải bài toán về gia tăng cơ hội sinh sản. Ở đây, khái niệm về một mục tiêu phổ quát đã được thiết lập.

Ý tưởng rằng có một thứ gì đó là mục tiêu phổ quát của cuộc sống (dù đó là tiền bạc hay cái gì khác) là hoàn toàn không tự nhiên. Ý tưởng này rõ ràng nảy sinh vào khoảng thời gian mà tiền xuất hiện; có lẽ chính tiền đã gợi ý điều này cho các triết gia. Socrates đã sử dụng một phép ẩn dụ tiền trong việc gợi ý trí thông minh như là mục tiêu phổ quát: “Chỉ có một loại tiền (currency) duy nhất mà để có nó chúng ta phải đánh đổi tất cả những điều khác [niềm vui và nỗi đau] – đó là trí thông minh” (13). Trong tôn giáo điều này tương ứng với việc theo đuổi một mục đích tối hậu, ví dụ như sự cứu độ hay sự giác ngộ, từ đó mọi điều tốt đẹp khác sẽ tuôn chảy. Thật là quá giống với mục tiêu không giới hạn của tiền! Tôi tự hỏi nếu chúng ta từ bỏ việc theo đuổi một mục tiêu tổng thể, trừu tượng mà chúng ta tin là chìa khóa cho mọi thứ khác, thì điều gì sẽ xảy ra với cuộc sống tâm linh của chúng ta? Nếu chúng ta buông bỏ cái chiến dịch bất tận để cải thiện bản thân, để tiến gần tới một mục tiêu nào đó, thì cảm giác sẽ thế nào? Sẽ thế nào nếu chúng ta chỉ rong chơi, chỉ hiện hữu? Giống như sự giàu có, sự giác ngộ là một mục tiêu không có giới hạn, và trong cả hai trường hợp, việc theo đuổi nó có thể khiến chúng ta trở thành nô lệ. Trong cả hai trường hợp, tôi nghĩ rằng đối tượng của sự theo đuổi chỉ là sự một thay thế giả tạo cho rất nhiều điều mà mọi người thực sự muốn (14).

Trong một xã hội bị tiền tệ hoá hoàn toàn, nơi mà gần như mọi thứ đều là một mặt hàng hoặc một dịch vụ, tiền chuyển đổi sự đa dạng của thế giới thành một thể thống nhất, “một thứ duy nhất có thể làm thước đo cho và có thể trao đổi với hầu hết mọi thứ” (15). Apeiron, logos và các khái niệm tương tự đều là các phiên bản của sự thống nhất làm nền tảng tạo ra tất cả mọi thứ. Chính từ nền tảng đó mà tất cả mọi thứ xuất hiện và mọi thứ đều trở về. Như vậy, nó gần giống với quan niệm của người Trung Quốc cổ xưa về Đạo – cái sinh ra âmdương, và từ đó sinh ra hàng vạn thứ khác nhau. Thú vị là, bậc thầy huyền thoại của Đạo giáo, Lão Tử, đã sống cùng khoảng thời gian với các triết gia tiền-Socratic – cũng là thời gian ở Trung Quốc xuất hiện những đồng tiền xu đầu tiên. Trong bất kỳ trường hợp nào, ngày nay tiền vẫn là thứ sản sinh ra hàng vạn thứ. Khi bạn muốn tạo dựng bất kì cái gì trong thế giới này, bạn bắt đầu với một khoản đầu tư, với tiền. Và sau đó, khi bạn hoàn thành dự án của mình, đã đến lúc bán nó đi. Mọi thứ đến từ tiền; mọi thứ trở về với tiền.

Bởi vậy tiền không chỉ là một mục tiêu phổ quát; nó cũng đồng thời là một phương tiện phổ quát, thực sự nó là như vậy bởi vì nó là một phương tiện phổ quát đồng thời cũng là một cái đích phổ quát – thứ mà người ta không bao giờ có thể có quá nhiều. Hoặc ít nhất, đó là cách mà chúng ta nhận thức về nó. Nhiều lần tôi đã chứng kiến các cuộc thảo luận về việc tạo ra một cộng đồng có mục đích hoặc khởi động một dự án nào đó, chỉ để kết thúc với một sự thừa nhận đáng buồn rằng nó sẽ không bao giờ xảy ra bởi vì, “Chúng ta sẽ lấy tiền ở đâu ra?” Tiền được xem là yếu tố quyết định trong việc xác định những gì chúng ta có thể tạo ra: nó có thể mua bất cứ loại hàng hoá nào, có thể khiến người ta thực hiện hầu như bất kỳ dịch vụ nào. “Tất cả mọi thứ đều có giá của nó”. Dường như tiền thậm chí có thể mua được những thứ vô hình, chẳng hạn như địa vị xã hội, quyền lực chính trị và thiện ý của thần thánh (hoặc nếu không thì ít nhất là sự ủng hộ của các cơ quan tôn giáo). Chúng ta khá quen với việc nhìn nhận tiền là chìa khóa để thực hiện tất cả những điều chúng ta mong muốn. Bạn có bao nhiêu ước mơ mà bạn cho rằng bạn chỉ có thể hoàn thành nếu (và chỉ khi nào) bạn có tiền? Vì vậy, chúng ta thế chấp những ước mơ của mình để kiếm tiền, biến nó từ phương tiện thành đích đến.

Tôi sẽ không ủng hộ việc bãi bỏ tiền. Tiền đã vượt quá giới hạn của nó, trở thành phương tiện để đạt được những điều mà lẽ ra không bao giờ nên bị lây nhiễm tính đồng nhất và phi nhân cách của nó; trong khi đó, vì chúng ta đã cùng đồng ý coi nó như là phương tiện, những thứ mà tiền thật sự không thể mua đã trở nên không thể đạt được, và cho dù chúng ta có bao nhiêu tiền, chúng ta cũng chỉ có thể có được vẻ bề ngoài của những thứ đó mà thôi. Giải pháp là khôi phục tiền về đúng vai trò của nó. Vì đúng là có những thứ mà con người chỉ có thể tạo ra bằng tiền, hoặc bằng một số phương tiện tương đương để điều phối hoạt động của con người trên quy mô lớn. Trong hình thái thiêng liêng của nó, tiền là công cụ để hiện thực hoá một câu chuyện, là một thỏa thuận để phân định các vai trò và tập trung mục đích. Tôi sẽ trở lại chủ đề này sau – khi tôi mô tả cái mà tiền có thể trở thành trong một nền kinh tế thiêng liêng.

Bởi vì không có giới hạn rõ ràng cho những gì tiền có thể mua, nên lòng ham muốn tiền của chúng ta cũng có xu hướng không có giới hạn. Lòng ham muốn tiền vô hạn được thể hiện ra rất rõ ràng ở người Hy Lạp cổ đại. Ngay khi bắt đầu thời đại của tiền, nhà thơ vĩ đại đồng thời là nhà cải cách Solon đã quan sát thấy: “Về sự giàu có, dường như con người không chấp nhận một giới hạn nào, vì những người giàu có nhất trong số chúng ta đang háo hức muốn tăng sự giàu có của họ lên gấp đôi.” Aristophanes đã viết rằng tiền là độc nhất bởi vì với tất cả mọi thứ khác (như bánh mì, tình dục, v.v…), con người còn cảm thấy thoả mãn, nhưng với tiền thì không.

“Bao nhiêu là đủ?” – một người bạn đã từng hỏi một tỷ phú mà anh ta biết. Người tỷ phú bị bí câu trả lời. Lý do khiến không một khoản tiền nào có thể là đủ là vì chúng ta sử dụng nó để đáp ứng những nhu cầu mà tiền không thể mua được. Như vậy nó cũng giống như bất kỳ chất gây nghiện nào khác, tạm thời làm giảm nỗi đau của một nhu cầu chưa được đáp ứng trong khi nhu cầu đó vẫn chưa thực sự được đáp ứng. Cần phải tăng liều để làm giảm đau, nhưng chẳng bao giờ có lượng nào là đủ. Ngày nay, người ta sử dụng tiền như một sự thay thế cho sự kết nối, cho sự háo hức, cho lòng tự tôn, cho tự do, và cho nhiều điều khác. “Khi nào tôi có một triệu đô la, thì tôi sẽ tự do.” Có bao nhiêu người tài năng hy sinh tuổi trẻ của bản thân với mong muốn nghỉ hưu sớm để có một cuộc sống tự do, chỉ để thấy mình khi ở tuổi trung niên trở thành nô lệ của tiền?

Khi chức năng chính của tiền là một phương tiện để trao đổi, nó cũng phải tuân thủ các giới hạn tương tự như những loại hàng hoá mà nó được trao đổi, và ham muốn của chúng ta đối với nó bị giới hạn bởi sự thoả mãn của bản thân. Chỉ khi tiền có thêm chức năng bổ sung như là một kho-giá-trị thì mong muốn của chúng ta đối với nó trở nên không có giới hạn. Bởi vậy tôi sẽ khai thác ý tưởng biến tiền từ kho-giá-trị thành tiền như là phương-tiện-trao-đổi. Ý tưởng này có nguồn gốc cổ xưa từ Aristotle, người phân biệt giữa hai kiểu kiếm tìm sự giàu có: vì mục đích tích luỹ, và vì mục đích đáp ứng các nhu cầu khác. (16) Kiểu đầu tiên, ông nói, là “phản tự nhiên”, và hơn nữa, không có giới hạn.

Không giống như các loại hàng hóa vật chất, sự trừu tượng của tiền cho phép chúng ta, về nguyên tắc, sở hữu nó với số lượng không giới hạn. Do đó, các nhà kinh tế học dễ tin vào khả năng tăng trưởng vô hạn theo cấp số nhân, nơi chỉ một con số đại diện cho quy mô của toàn nền kinh tế. Tổng của tất cả các hàng hóa và dịch vụ là một con số, và một con số thì làm gì có giới hạn tăng trưởng? Lạc lối trong sự trừu tượng, chúng ta phớt lờ các giới hạn của tự nhiên và văn hóa để thích ứng với sự tăng trưởng kinh tế đó. Theo gót Plato, chúng ta làm cho sự trừu tượng trở nên thực tế hơn cả hiện thực, cố định Phố Wall trong khi nền kinh tế thực đang sụp đổ. Bản chất tiền tệ của sự vật được gọi là “giá trị”. Là một bản chất trừu tượng và thống nhất, nó làm giảm tính phong phú của thế giới. Tất cả mọi thứ đều được giảm xuống thành cái giá trị mà nó tương ứng với. Điều này tạo ra ảo tưởng rằng thế giới là vô hạn cũng như các con số. Với một mức giá nào đó, bạn có thể mua bất cứ thứ gì, thậm chí cả bộ da của một loài động vật đang bị đe doạ tuyệt chủng. (17)

Ẩn tàng trong cái vô hạn của tiền là một kiểu vô hạn khác: sự vô hạn trong phạm vi của con người – phần thế giới mà thuộc về con người. Sau cùng, chúng ta có thể mua và bán những gì để đổi lấy tiền? Chúng ta mua và bán tài sản, những thứ mà chúng ta sở hữu, những thứ mà chúng ta nhận thức như là thuộc về chúng ta. Công nghệ đã không ngừng mở rộng phạm vi đó, làm cho nhiều thứ trở nên sẵn có để sở hữu mà trước đây chưa bao giờ con người có thể đạt được hoặc thậm chí có thể nhận thức được: khoáng chất sâu trong lòng trái đất, băng thông trên phổ điện từ, các chuỗi gen. Cùng lúc với việc mở rộng phạm vi tiếp cận của công nghệ là sự tiến triển của tâm lý sở hữu, khi những thứ như đất đai, quyền sử dụng nước, âm nhạc và các câu chuyện bước vào phạm vi của những thứ có thể sở hữu được. Tính không có giới hạn của tiền bao hàm ý tưởng rằng phạm vi những thứ có thể sở hữu được có thể phát triển không giới hạn, và do đó định mệnh của nhân loại là chinh phục vũ trụ, là biến mọi thứ thành của con người, là làm cho cả thế giới phải thuộc về chúng ta. Định mệnh này là một phần của những gì tôi đã miêu tả như là câu chuyện hoang tưởng về Sự Thăng Tiến (Ascent), một phần của Câu chuyện về Con Người của chúng ta. Ngày nay, câu chuyện đó đang nhanh chóng trở nên lỗi thời, và chúng ta cần phải tạo ra một hệ thống tiền tệ phù hợp với câu chuyện mới sẽ thay thế nó. (18)

Các chức năng của tiền mà tôi đã thảo luận không nhất thiết là xấu. Bằng cách giúp đồng nhất hóa hoặc chuẩn hóa tất cả những gì nó chạm tới, bằng cách phục vụ như một phương tiện phổ quát, tiền đã cho phép con người thực hiện được nhiều kỳ quan. Tiền đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền văn minh công nghệ, nhưng có lẽ, cũng như với công nghệ, chúng ta gần như mới chỉ bắt đầu học cách sử dụng công cụ sáng tạo mạnh mẽ này cho mục đích thực sự của nó. Tiền đã thúc đẩy sự phát triển của những thứ tiêu chuẩn như các bộ phận máy và vi mạch – nhưng liệu chúng ta có muốn thực phẩm của chúng ta cũng đồng nhất không? Đặc điểm không có tính cá nhân của tiền tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa những khoảng cách xã hội rộng lớn, giúp phối hợp sức lao động của hàng triệu người mà hầu hết là những người xa lạ với nhau – nhưng liệu chúng ta có muốn mối quan hệ của mình với những người hàng xóm cũng không có tính cá nhân? Tiền như là phương tiện phổ quát cho phép chúng ta làm được gần như mọi thứ, nhưng liệu chúng ta có muốn nó cũng là một phương tiện độc nhất, đến mức mà nếu không có nó thì chúng ta gần như là không thể làm gì? Đã đến lúc chúng ta phải làm chủ công cụ này, khi mà nhân loại bước vào một vai trò mới có ý thức trên trái đất này.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *