Học tập không phải là giáo dục

3 Tháng Chín 2016
Chuyên mục
Unschooling
Bình luận  0

Khi cầm một quả cam lên, ta cảm nhận được kết cấu và trọng lượng của nó trên tay. Ta hít hà mùi thơm từ vỏ cam. Nếu đói, ta sẽ bóc vỏ quả cam ra rồi ăn ngấu nghiến từng múi cam. Một quả cam tươi có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, chất  xơ, chất khoáng, các loại vitamin có tác dụng tăng cường sức khoẻ. Và mùi vị của nó thì thật tuyệt vời.

Ta có thể mua các thành phần dinh dưỡng riêng biệt của một quả cam. Ta chỉ cần mua vitamin C, vitamin A, flavonoid, vitamin B tổng hợp, chất xơ, Kali và Canxi dưới dạng viên. Nhưng nếu thay thế một quả cam bằng từng ấy viên thực phẩm bổ xung thì quả là tốn kém. Các chất dinh dưỡng bị cô lập đó khi vào cơ thể cũng không có tác dụng nhiều như khi ta ăn quả cam. Ngoài ra, còn đâu là cảm giác thích thú khi cắn một múi cam mọng nước nữa? Một trải nghiệm trọn vẹn (ăn một quả cam) lại bị chia nhỏ thành nhiều phần dường như chẳng liên quan gì tới nhau (uống các viên vitamin).

Hãy hình dung điều này: từ khi ta còn bé, tất cả người lớn sống quanh ta đều nói rằng các viên vitamin này tốt hơn thực phẩm thật, rằng ta cần dùng vitamin thay thế cho các bữa ăn càng nhiều càng tốt. Ngay cả lúc đó chắc chắn ta vẫn muốn ăn những thứ khiến ta có cảm giác ngon miệng hơn là các viên vitamin. Và nếu đến khi ta 5 tuổi, việc thay thế bữa ăn bằng các viên thực phẩm bổ xung là bắt buộc thì điều gì sẽ xảy ra?

Đây là một cách nói hình tượng khi ta nghĩ đến nền giáo dục hiện tại khi trẻ em bị bắt buộc học các môn học không có tính thực tế và hầu như không có ý nghĩa gì với đời sống thật của chúng. Các nhà giáo dục hiện nay chia nhỏ các hiện tượng ra thành hàng ngàn chủ đề khác nhau và cố dạy trẻ em để rồi kiểm tra và đánh giá chúng. Không ai quan tâm đến mong muốn của trẻ, và nhiều trẻ khi có niềm đam mê ngoài các môn học thì gặp rất nhiều khó khăn vì để theo đuổi đam mê đó việc học tập ở trường sẽ bị ảnh hưởng. Các chương trình học ở trường không được thiết kế để trẻ em phát triển toàn diện và chỉ tập trung vào các vấn đề định sẵn với một liều lượng nhất định và các vấn đề này sẽ được kiểm tra lặp lại nhiều lần. Các giáo viên có tâm nhất với nghề cũng bị mắc kẹt trong hệ thống giáo dục không công nhận khả năng học hỏi tự nhiên của trẻ. Thực tế là, dù miễn cưỡng nhưng hầu hết người lớn chúng ta đều cho rằng muốn học thì phải đến trường, phải đi học, phải có giáo viên, mà không xem xét lại trường học đã gây ra những gì cho con em mình.

Ở những em bé, việc học hỏi luôn luôn diễn ra. Những tiến bộ kì diệu của một em bé từ lúc sơ sinh cho đến lúc 5 tuổi vẫn xảy ra kể cả khi không có ai dạy. Các em khám phá thế giới xung quanh, thử thách chính mình, phạm sai lầm và làm lại từ đầu với một sự háo hức học hỏi vô biên. Trẻ em dường như nhận ra rằng kiến thức, cũng giống như nước hay không khí, là một nguồn tài nguyên chung cho tất cả mọi người. Chúng cũng muốn được học hỏi một cách công bằng. Chúng chủ động trao cho bản thân quyền được học những kiến thức và thực tập những kĩ năng cần thiết cho cuộc sống. Người lớn chúng ta thì cho rằng kiến thức mà trẻ có được là do được người lớn dạy, nhưng bất kì khi nào ta cố gắng dạy dỗ chúng điều gì đó thì trẻ lại tỏ ra bướng bỉnh hoặc không quan tâm đến lời dạy của ta. Trẻ em thường bỏ qua những kiến thức chúng chưa sẵn sàng học, nhưng vào một lúc khác khi đã sẵn sàng chúng sẽ quay trở lại với vấn đề đó và tiếp thu một cách dễ dàng và thích thú. Những điều trẻ làm liên quan trực tiếp tới lí do chúng làm điều đó, bởi vì với trẻ, việc học tập phải có mục đích.  Trẻ em luôn tò mò, năng động, và tự thúc đẩy mình tiến tới sự toàn vẹn. Trẻ em luôn khao khát học hỏi. Nhưng hệ thống trường lớp lại can thiệp vào quá trình rất đỗi tự nhiên này của trẻ.

  • Trường học là nơi trẻ em thụ động nhận sự giáo dục từ người khác. Dù muốn học nhanh hơn chương trình đã định, trẻ cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong trường học, việc học sinh hoàn thành các bài tập được giao và có điểm tốt trên bài kiểm tra được ưu tiên hàng đầu. Mặc dù mỗi đứa trẻ khác nhau sẽ có những mong muốn tìm tòi khác nhau, nhưng điều đó gần như không có giá trị gì trong hệ thống trường lớp khi tất cả phải học những môn học giống nhau với liều lượng như nhau vào một thời điểm nhất định.
  • Khi trẻ được xếp vào các lớp học theo tuổi, chúng chỉ được giới hạn tiếp xúc với những cá nhân có hành vi, suy luận và khả năng tương tự mình. Chúng có rất ít cơ hội tiếp xúc với những người trưởng thành để có thể học hỏi từ họ. Chúng cũng bị tước mất cơ hội tự học có thể xảy ra khi trẻ được tương tác với những người không cùng độ tuổi. Sự hợp tác trong trường học thì bị cho là gian lận.
  • Khuynh hướng khám phá và thử nghiệm tự nhiên của trẻ được lái đi theo hướng đáp ứng các đòi hỏi của chương trình học đã định sẵn. Dần dần, thay vì tự khám phá, trẻ sẽ chỉ biết thu thập và lưu giữ thông tin do người khác mang lại.
  • Theo tự nhiên, cơ thể và trí não luôn hoạt động đi đôi với nhau. Trong khi học hỏi, di chuyển là điều rất tự nhiên. Nhưng khi ở trường, trẻ em phải ngồi một chỗ phần lớn thời gian và những kiến thức được dạy chỉ tập trung vào tư duy phân tích ở não trái. Rất nhiều trẻ mong muốn một chương trình học năng động hơn và nếu chúng cố gắng biến việc học hành trở nên sinh động thì chúng lại bị dán mác là “tăng động”.
  • Ở trường, trẻ được yêu cầu phải có câu trả lời đúng cho mọi câu hỏi mà không được phép thử nghiệm và phạm sai lầm. Trong nhiều trường hợp, từ cách nhìn của một đứa trẻ, câu trả lời này là đúng nhưng nó lại không trùng với câu trả lời đúng đã được định sẵn trong sách giáo khoa. Nhưng điều này cũng chẳng quan trọng, vì để được điểm tốt, trẻ không thể trả lời theo cách của riêng mình.
  • Việc nhấn mạnh phải có những câu trả lời đúng khiến trẻ không thể suy nghĩ một cách sáng tạo. Trẻ luôn luôn sợ bị sai. Sau nhiều năm được dạy phải tránh phạm sai lầm, sẽ chẳng có đứa trẻ nào nghĩ ra được điều gì mới mẻ và độc đáo nữa.
  • Ở trường, dù muốn hay không muốn, dù sẵn sàng hay không sẵn sàng đón nhận, trẻ em vẫn được dạy các môn học mà người khác cho là cần thiết. Kiến thức được lặp đi lặp lại kể cả khi những kiến thức đó không có ý nghĩa gì trong đời sống thực tế của trẻ.
  • Mong muốn được làm những việc có ý nghĩa, mong muốn đóng góp điều gì đó có giá trị, nhu cầu được thừa nhận vì chính mình, và tất cả những nhu cầu phát triển khác của trẻ bị cắt xén để thực hiện nhiệm vụ “cao cả” là hoàn thành bài tập.
  • Những đứa trẻ từ 6 tuổi đến 18 tuổi đều phải trải qua những điều tương tự, đó là: bài tập về nhà, điểm số, bài kiểm tra. Sự tự chủ và tính độc lập khó lòng phát triển trong một cái hộp kín như vậy.
  • Trẻ em phải nhanh chóng làm cho xong bài tập được giao, rồi phải chuyển sang môn học khác. Kiến thức được nhồi nhét vào trí nhớ ngắn hạn để có thể đạt điểm tốt và vượt qua các kì thi, cho dù những kì thi này có xu hướng chẳng liên quan gì tới sự suy tư sâu sắc. Thực tế là, điểm số cao không liên quan tới sự thành công trong công việc sau này, cũng như những mối quan hệ tích cực hay khả năng lãnh đạo. Học sinh không học để áp dụng kiến thức đó vào đời sống thực tế, và cũng không học để trở nên khôn ngoan hơn. Bản chất thực sự của việc học tập bị bỏ qua.
  • Việc học ở trường chia tách một cách rõ ràng những điều liên quan đến “giáo dục” và những trải nghiệm trực tiếp của một đứa trẻ. Điều này chỉ ra cho trẻ rằng việc học tập chỉ giới hạn trong một số lĩnh vực của cuộc sống. Một bức tường ngăn cách xuất hiện ở nơi trước kia từng là một trải nghiệm toàn vẹn. Sự tiếp thu tự nhiên và các trò chơi đứng một bên, ngược lại với công việc và học tập ở một bên khác. Trẻ mất đi niềm vui vốn có của sự học hỏi và khám phá.
  • Nếu trẻ em bị thúc ép, chúng cũng học được vài bài học. Đó là: giáo dục là một quá trình nhàm chán, nó khiến chúng cảm thấy tồi tệ về bản thân và nó không tôn trọng khả năng vốn có của trẻ. Trẻ em nhận ra rằng chúng làm điều gì thì cũng bị đánh giá. Chúng học cách dập tắt lòng nhiệt huyết của mình và nén lại những câu hỏi loé lên trong đầu trong quá trình học hỏi để hoàn thiện bản thân. Dần dần, sự tò mò của chúng bị bóp méo cho đến khi chúng không muốn học bất kì điều gì nữa ngoài những điều bị bắt phải học.

Người lớn chúng ta quá tin tưởng vào những bài học được thiết kế sẵn nên ta bắt ép con trẻ ngoài giờ học phải đi học thêm. Từ trường, trẻ được đưa đến các lớp học thể thao, học văn hoá nghệ thuật… để rồi khi về đến nhà trẻ sẽ chơi với những đồ chơi mang tính “giáo dục”. Thực tế là chúng ta không biết liệu tất cả những nỗ lực, thời gian và tiền bạc bỏ ra như vậy có đem đến cho trẻ những kiến thức có giá trị thật hay không.

Rất nhiều người trong chúng ta cho rằng giáo dục luôn luôn là nhồi nhét kiến thức vào đầu trẻ em, rồi sau đó khi được yêu cầu trẻ em sẽ phải nhả ra những kiến thức đó. Nhưng cách này thực sự không hiệu quả. Chúng ta liên tục cải cách giáo dục mà không nhận ra rằng: “ta không thể giải quyết một vấn đề bằng chính cái ý thức đã tạo ra vấn đề đó” (Einstein)

Chương trình giáo dục định sẵn thực ra là một điều khá mới mẻ trong lịch sử loài người. Thật tệ hại là chính nó lại đang phá hoại cách mà trẻ em được sinh ra để hoàn thiện bản thân và trưởng thành thành những cá nhân có ích. Từ khi xuất hiện trên trái đất cho đến nay, phần lớn thời gian (98% lịch sử loài người) con người là những nhóm săn bắn hái lượm và sống du mục. Mặc dù nền văn hoá và lối sống của chúng ta đã thay đổi khá nhiều nhưng tinh thần và cơ thể chúng ta thì vẫn vây. Giống như tổ tiên từ xa xưa, chúng ta vẫn hoà hợp với nhịp điệu của tự nhiên, vẫn phản ứng nhanh nhạy với các mối nguy hiểm, vẫn muốn sống nương tựa nhau trong một cộng đồng, và trong những năm đầu đời vẫn cần sự chăm sóc mang tính đáp ứng cao và khuyến khích khả năng của mình.

Chúng ta không cần quay lại sống như những nhóm người săn bắn hái lượm để khôi phục lại khả năng học hỏi tự nhiên của trẻ. Đã từ lâu, homeschooler và unschooler đã làm được điều này một cách dễ dàng. Các con tôi học hỏi khi chúng đã sẵn sàng và bằng những cách khiến cá tính của chúng được tăng trưởng. Chúng có thể thức muộn để ngắm sao hoặc chơi nhạc hoặc thiết kế các trò chơi vì biết rằng sáng mai chúng có thể dậy muộn. Chúng có thể dành cả buổi chiều để đọc sách hoặc tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Chúng có thời gian tìm hiểu sâu về những vấn đề chúng quan tâm, và những kiến thức đó thường sâu hơn và rộng hơn bất kì quyển sách giáo khoa nào. Chúng khám phá, đặt câu hỏi, làm tình nguyện, chơi với các bạn khác tuổi, tham gia làm việc nhà, mơ mộng, tìm kiếm thử thách, phạm sai lầm và làm lại từ đầu. Chúng quen với việc tự nghĩ một cách độc lập và theo đuổi đam mê của chính mình, bởi vậy chúng tự đề ra cho mình khái niệm thế nào là thành công.

(Tác giả: Laura Grace Weldon – tác giả sách Free Range Learning)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *