Rất nhiều thế hệ trôi qua, trên toàn thế giới, chúng ta đã quá quen với cách làm cha mẹ mà trong đó, vì có nhiều tuổi hơn và nhiều kinh nghiệm hơn, các bậc cha mẹ được đặt trên đỉnh kim tự tháp và trẻ em thì đương nhiên là ở dưới đáy. Ai cũng cho rằng trẻ em phải học cách sống trong thế giới của người lớn chứ không phải ngược lại.
Tôi thường hay nghe mọi người nói : “chúng là các con của tôi, và tôi sẽ quyết định điều gì tốt cho chúng”. Rất nhiều người tin rằng, bởi vì chúng ta là những bậc sinh thành nên chúng ta sở hữu các con, cứ như là các con là Tài Sản của chúng ta vậy. Ý tưởng sai lầm này khiến chúng ta tin rằng mình có quyền được ra lệnh cho con. Dựa trên niềm tin sai lệch này, chúng ta nghiễm nhiên cho mình quyền được ép buộc, điều khiển, thậm chí trừng phạt con cái. Tất nhiên, chúng ta che đậy những điều đó bằng việc bảo đó là “dạy dỗ” và tạo ra một triết lí được gọi là “kỉ luật”. Chúng ta tạo ra đủ kiểu chiến lược và kĩ thuật dạy trẻ. Rất nhiều sách được viết ra để phát triển chủ đề này. Nhưng, nếu chúng ta đủ can đảm để thừa nhận thì, tất cả các hình thức kỉ luật chỉ là một cách để nguỵ biện cho những cơn thịnh nộ của người lớn. Bạn đã bao giờ nghĩ rằng phần lớn những hành động mà chúng ta gọi là “kỉ luật con cái” chỉ là sự phản ứng của chính những đứa trẻ trong bản thân chúng ta khi chúng đang điên tiết chưa?
Trừ khi ta nhận ra rằng toàn bộ tiền đề của sự kỉ luật hà khắc được dựa trên sự ảo tưởng rằng ta trên phân trẻ em, thì hàng ngày những cuộc đấu tranh để điều chỉnh hành vi của con trẻ dù ở trong gia đình, trong lớp học, ngoài sân chơi, và những sự xung đột ngoài thế giới rộng lớn kia sẽ vẫn tiếp tục. Rõ ràng là, phương pháp làm cha mẹ độc đoán này là nguyên nhân dẫn tới thế giới hiện nay – đó có thể là một người phụ nữ trung niên chưa bao giờ dám tự quyết định cuộc sống cho riêng mình bởi cha của cô luôn cho rằng ông mới là người quyết định thay con, đó có thể là những nền chuyên chính độc tài trong đó người dân bị áp chế, đó có thể là những đất nước đi chinh phục những nước khác trong những cuộc xung đột mang tính quốc tế. Gốc rễ của những vấn đề mà chúng ta trải qua như những cá nhân, đất nước, và thế giới nằm ở niềm tin rằng con người cần phải được kiểm soát – một niềm tin mà, dù chúng ta đang sinh sống ở bất kì nền văn hoá nào hay khu vực nào trên thế giới, tràn ngập khắp mọi nơi trên con đường làm cha mẹ của chúng ta. Nhu cầu lấn át chính là bản chất của sự kỉ luật, và sự lấn át này là nguyên nhân dẫn đến rất nhiều sự khổ đau về mặt cảm xúc ở loài người đã tồn tại qua bao nhiêu thời đại.
Nếu bạn nhìn vào những người đàn ông được cho là “vĩ đại” trong quá khứ thì trong nhiều trường hợp, họ chính là những kẻ bạo chúa đi tìm cách khuất phục người khác. Sự “vĩ đại” mà họ giành được là thông qua sự kiểm soát, mà những người bị khuất phục phải chịu hậu quả. Dù là Alexander Đại Đế hay Napoleon, hay đế chế Rome và đế quốc Anh, thì họ đều có điểm chung là lấn át và kiểm soát người khác hoặc quốc gia khác.
Khi thế giới đánh giá “sự vĩ đại” bằng quyền lực của một nhà lãnh đạo, thì các công dân “tốt” – hay trẻ em “ngoan” – phải là những người biết tuân theo. Và ai là những công dân biết tuân theo lệnh nhất? Không phải là quân đội sao? Chính trong quân đội, mệnh lệnh và kỉ luật là quan trọng hơn tất cả mọi điều khác. Hành vi đồng nhất là tiêu chuẩn vàng trong một thế giới của sự kỉ luật.
Ngược lại, đôi lúc ở đâu đó trên thế giới, một nhà lãnh đạo xuất hiện và khiến cho sự hạnh phúc của những người xung quanh tăng lên bội phần. Mặc dù những nhà lãnh đạo như vậy trong lịch sử là hiếm hoi, nhưng ai trong chúng ta lại không muốn con mình lớn lên trở thành những nhà lãnh đạo thực sự – những người có thể đem đến hoà bình, thịnh vượng và hạnh phúc? Ai trong chúng ta lại không muốn con mình lớn lên trở thành những người có tinh thần tự do, luôn đi tiên phong và độc nhất? Ai trong chúng ta không muốn con mình được tự do là chính chúng thay vì dễ bảo, dễ điều khiển và bị kiểm soát bởi người khác?
Chúng ta nói chúng ta muốn mang lại điều tốt cho con trẻ, nhưng cơn nghiện kỉ luật của chúng ta lại đang ngầm phá hoại tất cả những điều mà ta muốn cho các con. Nếu chỉ có sự kiểm soát và vâng lời thì đảm bảo sẽ chỉ dẫn đến hoặc là sự tầm thường và chấp nhận tầm thường, hoặc là sự bạo ngược và chuyên chế.
Ở nhiều nơi trên thế giới chúng ta đã bước vào thời kì khai sáng chứ không còn ở thời kì tăm tối nữa. Chúng ta không bắt người để bán làm nô lệ, không thiêu sống họ vì họ có những niềm tin tôn giáo khác với chúng ta, và chúng ta cũng không tin bệnh tật là do Chúa trời trừng phạt nữa. Thời kì chúng ta đang sống là thời kì có thể nói là dân chủ nhất cho tới hiện tại.
Mặc dù chúng ta ngày càng hiểu tầm quan trọng của việc coi trọng con người và đối xử công bằng với tất cả, cộng với thái độ tỉnh thức trong việc chăm lo cho Trái Đất, nhưng với việc nuôi dạy con cái, phần lớn chúng ta vẫn kẹt ở thời kì tăm tối. Chịu sự kỉ luật từ người lớn, trẻ em trên toàn thế giới bị phân biệt đối xử hàng ngày và hậu quả để lại thật kinh khủng.
Bởi vậy đã đến lúc chúng ta thay đổi cách chúng ta làm cha mẹ, mà điểm mấu chốt là ý tưởng sai lầm về sự kỉ luật độc đoán – Đó chính là, thay vì nói “cha mẹ lớn và có nhiều kinh nghiệm sống nên bảo con phải nghe” thì chúng ta hãy cùng làm việc với con cái trên tinh thần xây dựng để phát triển tính tự giác của mỗi đứa trẻ.
(Tác giả Dr. Shefali Tsabary)
Em chào anh/ chị
Em là Trang, em đang quan tâm và có tìm đọc về “Unschool” tại trang web này.
Em có một câu không hiểu trong bài viết này. Đó là “Hành vi đồng nhất là tiêu chuẩn vàng trong một thế giới của sự kỷ luật”. Anh/chị có thể giải thích thêm giúp em được không ạ.
Em cảm ơn anh/chị rất nhiều.
Em Huyền Trang
Hành vi “đồng nhất” hay “rập khuôn”, tức là tất cả mọi người đều làm giống như nhau em ah.