Chương 5: Xác chết của các Tài Sản Chung

23 Tháng Mười Hai 2017
Chuyên mục
Sacred Economics
Bình luận  0

Chúng ta hổ thẹn về người Nam tước phong kiến, người đã ngăn cản người nông dân chạm vào đất trừ khi anh ta chịu trích một phần tư sản phẩm thu hoạch được để nộp cho chủ đất. Chúng ta gọi đó là thời kỳ man rợ. Mặc dù đã thay đổi về mặt hình thức, nhưng các mối liên hệ vẫn giữ nguyên như cũ, và người lao động buộc phải chấp nhận các nghĩa vụ như thời phong kiến bằng việc kí vào các “hợp đồng tự do”. Bởi vì, dù có thể quay mặt đi bất kì hướng nào, anh ta cũng không thể tìm thấy các điều kiện tốt hơn. Mọi thứ đã trở thành tài sản cá nhân, và anh ta phải chấp nhận như vậy, hoặc anh ta sẽ chết vì đói. -Peter Kropotkin

Nền tảng của mỗi khối tài sản lớn là một tội ác lớn. -Honoré de Balzac

Mặc dù đất tồn tại độc lập mà không phải do nỗ lực của con người tạo ra, nó cũng không khác biệt lắm so với bất kì loại tài sản nào khác. Đầu tiên chúng ta hãy xem xét tài sản vật chất – bất cứ thứ gì làm từ kim loại, gỗ, nhựa, thực vật hoặc động vật, khoáng chất, v.v… Chẳng phải những thứ này cũng là những thành phần của đất nhưng đã được biến đổi bởi nỗ lực của con người hay sao? Sự phân biệt giữa đất đai và những cải tiến (improvements) xảy ra trên đó – sự phân biệt giữa những gì đã tồn tại sẵn ở đó với những gì con người tạo ra – là như nhau với đất hay với bất kì loại hàng hoá vật chất nào khác. Tất cả những gì chúng ta sử dụng và tất cả những gì chúng ta sở hữu là những mẩu đất đã được biến đổi. Chúng là “nguồn vốn tự nhiên”- sự trù phú và tốt đẹp mà thiên nhiên ban cho chúng ta. Ban đầu chúng không phải là tài sản của riêng ai; chúng chỉ biến thành tài sản khi công nghệ giúp chúng ta mở rộng tầm hiểu biết và tâm lý chia cắt làm cho mong muốn sở hữu của chúng ta ngày càng trở nên mãnh liệt. Ngày nay, nhiều hình thức “vốn tự nhiên” mà chúng ta gần như không biết tới sự tồn tại của chúng đã trở thành tài sản, đó là: phổ điện từ, bản đồ gien, và gián tiếp là, sự đa dạng sinh thái và khả năng hấp thụ chất thải công nghiệp của trái đất (1)

Cho dù nó đã được biến thành một đối tượng sở hữu trực tiếp, như đất đai, dầu mỏ, và cây cối, hoặc nó vẫn là một tài sản chung mà chúng ta dựa vào đó để tạo ra các loại tài sản khác chẳng hạn như biển cả, các Tài Sản Chung ban đầu đều đã được bán hết: đầu tiên biến chúng thành tài sản và sau đó thành tiền. Đây là bước cuối cùng xác nhận rằng một cái gì đó thực sự đã hoàn thành quá trình biến chuyển của nó để thành tài sản. Để có thể tự do mua và bán một cái gì đó có nghĩa là nó đã được tách ra khỏi các mối quan hệ gốc; nói cách khác, nó đã trở thành một thứ “có thể chuyển nhượng”. Đó là lý do tại sao tiền đã trở thành một đại diện cho đất đai và cho tất cả các tài sản khác, và tại sao việc thu tiền thuê (lãi) cho việc sử dụng nó lại có những ảnh hưởng tương tự và góp phần tạo ra sự bất công tương tự như việc thu tiền thuê đất.

Vốn Văn hoá và Tinh thần

Vốn tự nhiên, vốn xã hội, vốn văn hoá và vốn tinh thần là bốn phạm trù rộng lớn thuộc sở hữu của tất cả. Mỗi phạm trù bao gồm những thứ đã từng là miễn phí, từng là một phần của nền kinh tế tự cung tự cấp hoặc nền kinh tế quà tặng, mà bây giờ chúng ta phải trả tiền để có được chúng. Mẹ trái đất không cướp đi cái gì của chúng ta, nhưng mẹ văn hoá thì có.

Trong cuộc đàm luận kinh tế, hình thức vốn quen thuộc nhất trong bốn hình thức trên là Vốn Văn Hoá, mà hay được gọi bằng thuật ngữ “tài sản trí tuệ”. Trước kia, một nguồn khổng lồ các câu truyện kể, ý tưởng, bài hát, hoạ tiết nghệ thuật, hình ảnh, và các phát minh về mặt kĩ thuật từng là một kho tài sản chung mà tất cả mọi người có thể sử dụng cho vui hoặc để tăng năng suất, hoặc có thể lấy để kết hợp vào những sản phẩm sáng tạo khác. Vào thời Trung Cổ, các nhà soạn nhạc có thể nghe các bài hát của nhau và mượn những giai điệu mới mà họ thích, sửa đổi chúng và đưa chúng trở lại kho tài sản âm nhạc chung. Ngày nay, các nghệ sĩ và nhà tài trợ của họ tranh giành bản quyền và bảo vệ mỗi sản phẩm sáng tạo mới. Họ truy tố quyết liệt bất cứ người nào thử kết hợp những bài hát của họ vào các bài hát mới. Điều tương tự xảy ra trong mọi lĩnh vực sáng tạo. (2)

Sự biện minh về mặt đạo đức cho tài sản trí tuệ cũng là: “Nếu tôi tự lập, và sức lao động của tôi thuộc về tôi, thì những gì tôi làm là của tôi”. Nhưng ngay cả việc đưa ra giả thuyết rằng “Tôi tự lập”, thì sự khẳng định tuyệt đối rằng sáng tạo nghệ thuật và trí tuệ nảy sinh chỉ từ tâm trí của người sáng tạo, độc lập với bối cảnh văn hoá, là vô lý. Bất kỳ sáng tạo trí tuệ nào (kể cả cuốn sách này) cũng đều dựa trên những mảnh thông tin của biển văn hóa bao quanh chúng ta, và cũng từ quỹ hình ảnh, giai điệu và ý tưởng được in sâu vào tâm hồn con người, hoặc thậm chí từ những thứ bẩm sinh đã có sẵn trong tâm hồn con người. Như Lewis Mumford nói: “Bằng sáng chế là một thiết bị cho phép một người nhận được những phần thưởng tài chính đặc biệt vì đã là mắt xích cuối cùng trong một tiến trình xã hội phức tạp mà chính tiến trình phức tạp đó mới là nguồn của sự sáng chế”. (3) Điều này cũng đúng đối với các bài hát, câu chuyện, và tất cả các sáng kiến văn hoá khác. Bằng cách biến chúng thành tài sản cá nhân, chúng ta đang tạo rào chắn cho những thứ không phải của mình. Chúng ta đang ăn cắp từ các tài sản văn hoá chung. Và bởi vì, giống như đất đai, các mảnh tài sản văn hoá chung tự thân nó có thể liên tục sản xuất ra nhiều loại tài sản khác, sự ăn cắp này là một tội ác vẫn đang diễn ra và góp phần vào việc phân chia giữa những người có và người không có tài sản, giữa chủ sở hữu và người thuê, giữa chủ nợ và người mắc nợ. Peter Kropotkin – một người Nga theo chủ nghĩa vô chính phủ đã nói lên điều này một cách hùng hồn:

Mỗi cỗ máy đều có cùng một lịch sử – một chuỗi dài của những đêm không ngủ và của sự nghèo khó, của tâm trạng vỡ mộng và của niềm vui, của những cải tiến từng phần được phát hiện bởi nhiều thế hệ người lao động vô danh, những người đã thêm vào phát minh ban đầu những điều nhỏ nhặt, mà nếu thiếu chúng thì ý tưởng có khả năng phát triển nhất cũng không thể “đơm hoa kết trái”. Hơn thế nữa: mỗi phát minh mới là một sự tổng hợp, là kết quả của vô số phát minh đã xuất hiện trước nó trong lĩnh vực rộng lớn của cơ học và công nghiệp.

Khoa học và công nghiệp, kiến thức và ứng dụng, phát kiến và sự thực hành thực tế dẫn tới các phát kiến mới, sự khôn ngoan của bộ óc, sự khéo léo của bàn tay, sự cực nhọc của tâm trí và cơ bắp – tất cả làm việc cùng nhau. Mỗi khám phá, mỗi sự tiến bộ, mỗi sự gia tăng trong tổng thể sự phong phú của con người mang trong mình nó những khó nhọc cả về thể chất lẫn tinh thần của quá khứ và hiện tại.

Bởi vậy ai có quyền gì mà chiếm đoạt một mẩu nhỏ của cả cái tổng thể vĩ đại này làm của riêng và nói rằng: “Cái này là của tôi, không phải của các anh”?

Những điều trên khiến tôi mong muốn chia sẻ những cuốn sách mình viết miễn phí trên mạng và bỏ qua một số quyền tác giả thông thường. Tôi không thể viết cuốn sách này ở ngoài một ma trận khổng lồ của các ý tưởng, một tập hợp các nguồn vốn văn hoá mà tôi không thể đính kèm theo đây sao cho hợp lý. (5)

Vốn tinh thần thì tinh tế hơn. Nó liên quan đến khả năng của tinh thần và giác quan của chúng ta, ví dụ, khả năng tập trung, tạo ra các thế giới tưởng tượng, và tạo niềm vui khi trải nghiệm cuộc sống. Khi tôi còn nhỏ, những ngày cuối cùng trước khi truyền hình và trò chơi điện tử thống trị tuổi thơ của trẻ em Mỹ, chúng tôi đã tạo ra thế giới riêng của mình với những câu chuyện phức tạp, thực hành các kĩ thuật tâm linh mà người lớn có thể sử dụng để tạo thành cuộc sống và thực tại chung của họ: tạo một hình ảnh, kể một câu chuyện xoay quanh hình ảnh đó mà có ý nghĩa và có nhiều vai, đóng giả các vai đó, vân vân. Ngày nay, những thế giới của trí tưởng tượng được định hình sẵn và đến từ các xưởng phim truyền hình và các công ty phần mềm, và trẻ em lang thang trong các thế giới rẻ tiền, loè loẹt, thường xuyên mang tính bạo lực tạo nên bởi những người xa lạ. Những thế giới đó cũng đi kèm với những hình ảnh minh hoạ sẵn, và khả năng tự tưởng tượng của trẻ em bị teo mòn đi. Vì không thể hình dung ra một thế giới mới, trẻ em lớn lên quen với việc chấp nhận bất kì thực tại nào được mang tới cho chúng. (6) Có thể nào điều này đang góp phần vào sự thụ động chính trị của công chúng Mỹ hay không?

Một lí do khác dẫn đến sự cạn kiệt về vốn tinh thần là sự kích thích các giác quan với cường độ mạnh của phương tiện truyền thông điện tử. Ví dụ, các phim hành động hiện đại diễn biến rất nhanh, rất ồn ào, kích thích mạnh, khiến cho những bộ phim cũ trở nên nhàm chán khi so sánh với chúng, chưa nói đến sách hay thế giới tự nhiên. Mặc dù tôi rất cố gắng hạn chế các con mình tiếp xúc với các sự thái quá hiện đại, chúng vẫn gần như không thể xem nổi các bộ phim sản xuất trước năm 1975. Khi đã quen với sự kích thích cường độ mạnh, khi không có chúng, chúng ta trở nên chán chường. Chúng ta trở nên phụ thuộc, và bởi vậy phải trả tiền để có được một cái gì đó trước đây từng có sẵn chỉ đơn giản vì chúng ta đang được sống. Một em bé hoặc một người săn bắt hái lượm sẽ bị mê hoặc bởi các quy trình chậm chạp của thiên nhiên: một cành cây nhỏ trôi nổi trên mặt nước, một con ong bay đến với bông hoa, và những thứ khác mà những người trưởng thành hiện đại không thể thấy rõ dù họ tập trung cao độ. Cũng giống như những người dân thuộc địa thời La Mã phải trả tiền để sử dụng mảnh đất họ cần để tồn tại, ngày nay hầu hết mọi người phải trả tiền cho chủ sở hữu của các quy trình, của phương tiện truyền thông và của nguồn vốn cần thiết để tạo ra sự kích thích giác quan cực độ mà họ cần để cảm thấy là mình đang sống.

Có thể bạn không thấy rằng vốn tinh thần tạo nên một loại tài sản chung. Điều thực sự bị chiếm làm của riêng ở đây là một điểm tập trung (locus of attention). Những khả năng của tâm trí con người mà tôi gọi là vốn tinh thần không tồn tại riêng biệt; chính nền tảng nuôi dưỡng và giáo dục của chúng ta và môi trường văn hoá mà trong đó chúng ta sống đã nuôi dưỡng và định hướng những khả năng đó. Khả năng tưởng tượng và đạt đến sự hoàn thiện của các giác quan của chúng ta phần nhiều là một khả năng mang tính tập thể, một khả năng mà hiện tại chúng ta không còn có thể rèn luyện với những nguồn có sẵn trong tâm trí và thiên nhiên, mà phải mua từ những người chủ sở hữu mới của các nguồn đó.

Sự chú ý của toàn thể loài người là một tài sản chung giống như đất đai và không khí. Đây là một nguồn nguyên liệu của sự sáng tạo. Để tạo ra một dụng cụ, để làm bất kì công việc nào, để làm bất cứ điều gì yêu cầu một người phải tập trung chú ý vào công việc đó thay vì vào những thứ khác. Sự hiện hữu khắp nơi của quảng cáo và phương tiện truyền thông trong xã hội của chúng ta làm vô hiệu quá khả năng tập trung của toàn thể loại người, nó làm suy yếu di sản thiêng liêng (khả năng tập trung) mà chúng ta được ban tặng. Khi đi trên đường, quay đi hướng nào tôi cũng thấy có một cái bảng hiệu. Dưới tàu điện ngầm, trên internet, trên đường phố, các thông điệp thương mại vươn ra để bắt lấy sự chú ý của chúng ta. Chúng thâm nhập vào suy nghĩ của chúng ta, vào các câu chuyện của chúng ta, vào cuộc đối thoại trong tâm trí chúng ta, và thông qua những con đường này, chúng thâm nhập vào cảm xúc, mong muốn và lòng tin của chúng ta, khiến tất cả hướng về hoạt động sản xuất và kiếm lời. Sự chú ý của chúng ta gần như không còn là của chúng ta nữa, bởi vậy nó rất dễ bị điều khiển bởi các quyền lực chính trị và thương mại.

Sau một thời gian dài bị điều khiển, chặt nhỏ, quen với các kích thích cường độ mạnh, và giật quanh từ một đối tượng khủng khiếp nhưng trống rỗng sang một đối tượng khác có tính chất tương tự, sự chú ý của chúng ta trở nên rời rạc đến nỗi chúng ta không thể tập trung chú ý đủ lâu để có thể tạo ra một cái gì đó độc lập khỏi những lập trình bao quanh chúng ta. Chúng ta mất khả năng duy trì tư duy, hiểu được sắc thái, và đặt mình vào vị trí của người khác. Vì dễ bị ảnh hưởng bởi những câu chuyện ngắn đơn giản với sức lôi cuốn ngay tức thì về mặt cảm xúc, chúng ta dễ dàng trở thành mục tiêu không những của quảng cáo, mà còn của hoạt động tuyên giáo, mị dân, và chủ nghĩa phát xít. Bằng nhiều cách khác nhau, tất cả những điều này đều phục vụ sức mạnh tiền bạc.

Sự khai thác từng mảng Cộng đồng (tiền tệ hoá các mối quan hệ trong cộng đồng)

Loại vốn quan trọng nhất của cuộc thảo luận này là vốn xã hội. Vốn xã hội chủ yếu là các mối quan hệ và kỹ năng, các “dịch vụ” mà mọi người từng tự cung cấp cho bản thân và cho nhau trong một nền kinh tế quà tặng, ví dụ như nấu ăn, chăm sóc trẻ em, chăm sóc sức khoẻ, lưu trú, giải trí, tư vấn, và trồng lương thực, may quần áo, và xây nhà. Chỉ một hoặc hai thế hệ trước đây, nhiều trong số những hoạt động này ít bị biến thành một loại dịch vụ hơn so với hiện nay. Khi tôi còn nhỏ, hầu hết những người mà tôi biết rất ít khi ăn ở nhà hàng, và những người hàng xóm chăm sóc con cái của nhau sau giờ học. Công nghệ đã và đang là công cụ biến các mối quan hệ giữa người với người thành các loại “dịch vụ”, giống như nó đã và đang biến những phần sâu trong trái đất thành các loại hàng hoá. Ví dụ, công nghệ sản xuất đĩa hát và đài phát thanh đã giúp biến âm nhạc từ một thứ mà mọi người tự tạo cho bản thân thành một thứ họ phải trả tiền để có. Công nghệ lưu trữ và vận chuyển đã làm điều tương tự trong ngành chế biến thực phẩm. Nói chung, sự phân chia lao động một cách tinh vi do công nghệ tạo nên đã làm cho chúng ta trở nên phụ thuộc vào những người xa lạ để có được hầu hết những vật dụng mà chúng ta dùng, và khiến cho người hàng xóm của chúng ta gần như không còn phụ thuộc vào chúng ta vì bất kì điều gì nữa. Bởi vậy các mối quan hệ kinh tế đã bị tách khỏi các mối quan hệ xã hội, khiến cho chúng ta chẳng còn gì mấy để có thể cho người láng giềng của mình và chúng ta cũng gần như không còn mấy cơ hội để tìm hiểu họ.

Việc tiền tệ hoá nguồn vốn xã hội là một hành động khai thác cộng động theo từng mảng. Không có gì ngạc nhiên khi tiền có liên quan sâu sắc đến sự tan rã của cộng đồng, bởi vì tiền là chuẩn mực của tính phi cá nhân. Chuyển đổi hai cánh rừng khác nhau thành tiền, và chúng trở thành như nhau. Với cùng một nguyên tắc, các nền văn hoá khác nhau đang nhanh chóng trở thành một nền văn hoá toàn cầu, nơi mà mỗi dịch vụ là một dịch vụ phải trả phí. Khi tiền làm trung gian cho tất cả các mối quan hệ của chúng ta, chúng ta sẽ mất đi tính độc nhất của mình để trở thành một người tiêu dùng tiêu chuẩn của các hàng hoá và dịch vụ tiêu chuẩn, và một viên chức tiêu chuẩn thực hiện các dịch vụ khác. Không có mối quan hệ kinh tế cá nhân nào quan trọng vì chúng ta luôn có thể “trả tiền cho người khác để làm một điều gì đó.” Không có gì ngạc nhiên, dù cố gắng hết sức, chúng ta thấy rất khó để thiết lập cộng đồng. Không có gì ngạc nhiên khi chúng ta cảm thấy không an toàn và có thể bị thay thế. Chúng ta sẽ thấy rằng, những điều này là kết quả của sự chuyển đổi, với động cơ là lãi suất, của những điều duy nhất và thiêng liêng thành những thứ giống nhau và tiền tệ hoá. Trong cuốn “Ascent of Humanity” tôi viết:

“Chúng ta không thực sự cần nhau nữa…” Còn có cách nói nào khác để miêu tả sự mất đi của cộng đồng trong thế giới hiện đại nữa hay không? Chúng ta không thực sự cần nhau nữa. Chúng ta không cần biết người trồng, vận chuyển, và chế biến đồ ăn của mình nữa, cũng không cần biết người may quần áo mà chúng ta đang mặc, không cần biết người xây ngôi nhà chúng ta ở, không cần biết người tạo ra bài hát mà chúng ta hát, không cần biết người sản xuất và sửa chữa chiếc xe hơi chúng ta lái; thậm chí chúng ta cũng không cần biết người đang chăm nom cho những đứa con sơ sinh của mình khi chúng ta ở công sở. Chúng ta phụ thuộc vào các vai trò đó, nhưng không phụ thuộc vào những người thực hiện chúng. Dù là gì thì chúng ta luôn có thể trả tiền cho ai đó để thực hiện chúng (hoặc trả tiền cho người khác để thực hiện chúng). Và chúng ta kiếm tiền bằng cách nào? Bằng cách thực hiện một vai trò chuyên biệt nào khác để những người khác trả tiền cho chúng ta…

Những việc cần thiết cho cuộc sống đã được chuyển qua cho các chuyên gia phụ trách, chúng ta chẳng còn mấy những việc ý nghĩa để làm (ngoài lĩnh vực mà chúng ta chuyên trách) ngoài giải trí. Cùng lúc đó, để duy trì cuộc sống hàng ngày, chúng ta chỉ phải làm những công việc một mình như: lái xe, mua đồ, trả hoá đơn, nấu các thực phẩm dễ chế biến, làm việc nhà. Chúng ta không cần đến sự giúp đỡ của hàng xóm, họ hàng, hay bạn bè. Chúng ta ước mình và người hàng xóm thân thiết hơn; chúng ta nghĩ rằng mình là những người thân thiện luôn sẵn lòng giúp đỡ hàng xóm của mình. Nhưng chẳng có gì để mà giúp họ cả. Trong những cái nhà-hộp của mình, chúng ta đã đầy đủ. Hay nói khác đi, chúng ta đầy đủ trong mối quan hệ với những người mình quen biết nhưng lại chưa bao giờ phụ thuộc đến thế vào những người hoàn toàn xa lạ sống cách chúng ta hàng ngàn dặm.

Sự biến đổi các mối quan hệ xã hội trở thành các dịch vụ khiến cho chúng ta không còn gì để làm cùng nhau ngoài việc tiêu thụ. Cùng tiêu thụ thì không thể xây dựng nên cộng đồng vì các món quà là không cần thiết. Tôi nghĩ rằng sự trống rỗng mà mọi người thường cảm thấy trong hầu hết các cuộc tụ họp xã hội phát sinh từ suy nghĩ “Tôi không cần bạn”.  Tôi không cần bạn giúp tôi tiêu thụ thức ăn, thức uống, thuốc men hay các trò giải trí. Sự tiêu thụ không đòi hỏi bất kì ai phải cho đi, không kêu gọi sự hiện diện thực sự của bất kì ai. Cộng đồng và sự thân mật không thể đến từ hành động cùng nhau tiêu thụ, mà chỉ từ hành động cho đi và cùng nhau sáng tạo.

Khi những người theo tự do chủ nghĩa kêu gọi sự bất khả xâm phạm của tài sản cá nhân, họ vô tình tạo ra nhu cầu cần phải có một Chính phủ quyền lực mà chính họ khinh miệt. Bởi khi không có các mối liên kết cộng đồng, các cá nhân phải phụ thuộc vào một nhà cầm quyền xa xôi – một chính quyền được xây dựng trên cơ sở luật pháp –  để thực hiện những chức năng xã hội mà trước đây cộng đồng từng đảm trách: an ninh, giải quyết tranh chấp và phân bổ vốn xã hội tập thể. Việc sở hữu hoá và tư nhân hoá lĩnh vực kinh tế khiến chúng ta trở nên độc lập nhưng bơ vơ không nơi nương tựa, độc lập khỏi những người chúng ta biết, nhưng phụ thuộc vào những tổ chức phi cá nhân có tính cưỡng chế được chỉ huy từ xa.

Khi tôi hỏi mọi người điều gì họ cảm thấy thiếu nhất trong cuộc sống, câu trả lời hay gặp nhất là “cộng đồng”. Nhưng làm sao chúng ta có thể xây dựng cộng đồng khi những viên gạch – những điều chúng ta làm cho nhau – đã được biến hết thành tiền? Cộng đồng gắn liền với các món quà. Không giống như tiền hay các giao dịch đổi chác mà trong đó không có bất kì ràng buộc nào sau giao dịch, các món quà luôn luôn kéo theo các món quà khác trong tương lai. Khi chúng ta nhận, chúng ta nợ; biết ơn là biết rằng ta đã được nhận và ta có mong muốn đáp trả. Nhưng giờ đây chúng ta còn gì để cho đi? Không phải những nhu yếu phẩm, không phải thức ăn, nơi cư trú, hay quần áo, không phải các trò giải trí, không phải các câu chuyện, không phải sự chăm sóc sức khoẻ: mọi người đều mua những thứ đó. Bởi vậy mới xuất hiện mong muốn tránh xa tất cả để trở về với một cuộc sống tự tung tự cấp, nơi mà chúng ta tự xây nhà và tự trồng thực phẩm và tự may quần áo, trong cộng đồng. Tuy rằng phong trào này có giá trị, nhưng tôi nghi ngờ rằng nhiều người sẽ lại bắt đầu làm các việc theo cách khó chỉ để có được cộng đồng. Có một giải pháp khác ngoài giải pháp lật ngược sự chuyên biệt hoá lao động và sự năng suất dựa trên máy móc của thời kì hiện đại, và nó xuất phát từ thực tế là tiền hoàn toàn không đáp ứng được rất nhiều nhu cầu của chúng ta. Nhiều nhu cầu tối quan trọng hiện nay không được đáp ứng bằng tiền bởi tiền có tính chất phi cá nhân. Cộng đồng trong tương lai sẽ phát sinh từ các nhu cầu mà tiền không thể đáp ứng.

Giờ bạn có thể thấy tại sao tôi lại gọi tiền là “xác chết của các tài sản chung”. Sự biến đổi vốn tự nhiên, văn hoá, xã hội, và tinh thần thành tiền là sự hoàn thiện quyền lực của tiền, tiền đồng hoá tất cả những gì nó chạm tới. Richard Seaford viết: “Bằng cách biến tính cá nhân thành ra một thứ phi cá nhân, sức mạnh của tiền cũng tương tự như sức mạnh của cái chết.” (7) Thật vậy, khi mỗi cánh rừng đều đã bị biến thành các tấm gỗ ván, khi mỗi hệ sinh thái đều đã bị bê tông hoá, khi mỗi mối quan hệ con người đều đã bị thay thế bằng một dịch vụ, thì sự tiến bộ của xã hội và của sự sống trái đất sẽ ngừng lại. Tất cả những gì còn lại là những đồng tiền chết và lạnh lẽo, như được cảnh báo trước trong thần thoại Vua Midas nhiều thế kỉ trước. Chúng ta sẽ chết-nhưng sẽ rất rất giàu.

Tạo ra Nhu cầu

Các nhà kinh tế học nói rằng những thứ như máy quay đĩa và xe ủi đất và công nghệ khác đã làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên sung túc hơn. Công nghệ tạo ra những hàng hoá và dịch vụ mới trước nay chưa từng có. Tuy nhiên, ở một mức độ sâu xa, những nhu cầu của con người mà những công nghệ đó đáp ứng được không có gì là mới. Chúng chỉ đáp ứng các nhu cầu đó theo một cách khác – một cách mà giờ đây chúng ta phải trả tiền cho nó.

Hãy xem xét ngành viễn thông. Con người không hề có nhu cầu về truyền thông đường dài. Chúng ta chỉ có nhu cầu giữ liên lạc với những người mình yêu quý và những người có mối liên hệ về mặt kinh tế với chúng ta mà thôi. Trước đây, những người này thường ở gần với chúng ta. Một người săn bắt hái lượm hoặc một người nông dân Nga sống ở thế kỉ 14 sẽ chẳng cần dùng đến điện thoại. Điện thoại bắt đầu đáp ứng một loại nhu cầu chỉ khi sự phát triển về công nghệ và văn hoá khiến con người phải sống càng ngày càng xa rời khỏi nhau và phá vỡ các mối liên kết trong các gia đình lớn và các cộng đồng địa phương. Bởi vậy cái nhu cầu cơ bản mà công nghệ có thể đáp ứng không phải là cái gì đó mới mẻ cả.

Hãy xem xét một thứ khác mà công nghệ mang lại cho chúng ta, môt thứ mà các con của tôi dường như bị thu hút một cách không cưỡng lại được dù tôi không hề thích điều đó chút nào: những trò chơi đóng giả trên mạng với một số lượng cực lớn người chơi trực tuyến. Cái nhu cầu mà các trò chơi này đáp ứng chẳng phải cái gì mới. Trẻ em và thiếu niên có nhu cầu khám phá rất mạnh mẽ, chúng muốn phiêu lưu, và muốn thiết lập một cá tính riêng thông qua sự tương tác với các bạn cùng trang lứa có cùng chung những mong muốn này. Trước đây, điều này xảy khi bọn trẻ ở ngoài trời cùng với các bạn mình. Khi tôi còn là một đứa trẻ, chúng tôi không có sự tự do như của các thế hệ trước, như bạn có thể đọc trong Tom Sawyer, nhưng tôi và các bạn của mình đôi khi đi lang thang hàng dặm, đến một con suối hay một mỏ hầm lò không sử dụng, tới một đỉnh đồi chưa được “phát triển”, đến các đường ray xe lửa. Ngày nay, thật khó để trông thấy một nhóm trẻ con rong chơi ngoài đường phố, khi mà mỗi tấc đất đều được rào lại và treo biển “cấm xâm phạm”, khi mà xã hội bị ám ảnh bởi sự an toàn, khi mà trẻ em bị người lớn lên kế hoạch làm hết việc này tới việc khác và bị ép phải “thể hiện”. Công nghệ và văn hoá đã cướp mất của trẻ em một thứ gì đó mà chúng thực sự cần rồi sau đó bán lại cho chúng dưới dạng các trò chơi điện tử.

Tôi nhớ ngày tôi thức tỉnh trước những điều đang xảy ra. Lúc đó tôi đang xem một tập của chương trình truyền hình Pokémon, nói về ba đứa trẻ rong chơi với nhau và cùng trải qua các cuộc phiêu lưu kỳ diệu. Những nhân vật trên màn hình, hư cấu, và được đăng kí thương hiệu này đang có những cuộc phiêu lưu kỳ diệu mà trước kia những đứa trẻ đã từng có nhưng bây giờ trẻ em phải trả tiền (thông qua quảng cáo) mới được xem. Kết quả là, GDP tăng lên. Những “hàng hoá và dịch vụ” mới (theo định nghĩa, đây là một phần của nền kinh tế tiền tệ) đã được tạo ra, thay thế những trải nghiệm mà trước đây từng là miễn phí.

Chỉ ngẫm nghĩ một chút là chúng ta sẽ thấy gần như mọi hàng hoá và dịch vụ hiện nay đáp ứng các nhu cầu mà trước kia được đáp ứng miễn phí. Vậy còn công nghệ y tế thì sao? So sánh sức khoẻ tồi tàn của chúng ta với sức khoẻ kỳ diệu của những người săn bắt hái lượm và những người nông dân sơ khai, chúng ta sẽ thấy rất rõ ràng là chúng ta đang mua sức khoẻ của mình bằng rất nhiều tiền. Ngành chăm sóc trẻ em? Ngành chế biến thức ăn? Ngành vận chuyển? Ngành dệt may? Tôi không có đủ không gian để phân tích từng ngành để chỉ ra rằng các nhu cầu nào đã bị đánh cắp rồi bán lại cho chúng ta. Nhưng tôi sẽ đưa ra thêm một bằng chứng cho quan điểm của mình: nếu sự tăng trưởng của tiền thực sự đã thúc đẩy công nghệ và văn hoá để đáp ứng các nhu cầu mới, vậy thì chúng ta phải cảm thấy thoả mãn hơn tổ tiên của chúng ta chứ, phải không?

Con người hiện đại có hạnh phúc và thoả mãn hơn không khi thay vì có người kể chuyện cho nghe thì chúng ta xem phim, thay vì cùng quây quần quanh một chiếc đàn dương cầm thì chúng ta nghe nhạc bằng MP3? Chúng ta có hạnh phúc hơn không khi ăn những thực phẩm sản xuất công nghiệp thay vì ăn những thứ được trồng trong khu vườn nhà mình hoặc nhà hàng xóm? Chúng ta có hạnh phúc hơn không khi sống trong những căn hộ khổng lồ được xây dựng sẵn thay vì sống trong những căn nhà cổ bằng đá hoặc trong các căn lều của người da đỏ? Chúng ta có đang hạnh phúc hơn không? Có cái nhu cầu nào mới được đáp ứng hay không?

Ngay cả khi không có nhu cầu mới nào được đáp ứng, tôi sẽ không loại bỏ công nghệ hoàn toàn, dù nó đã gây ra nhiều tàn tích cho thiên nhiên và nhân loại. Trên thực tế, những thành tựu khoa học và công nghệ CÓ đáp ứng nhiều nhu cầu quan trọng, những nhu cầu đó là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế thiêng liêng. Đó là nhu cầu khám phá, vui chơi, tìm tòi, và sáng tạo – những thứ mà chúng ta gọi là “thực sự cool” trong phong trào Kinh tế Mới. Trong nền kinh tế thiêng liêng, khoa học, công nghệ và sự chuyên môn hoá lao động sẽ tiếp tục đáp ứng các nhu cầu này. Hiện tại chúng ta cũng đã có thể thấy được mục đích cao cả hơn của khoa học và công nghệ rồi, nó giống như một gien lặn bất ngờ trở thành nổi trội mặc dù trước đây nó chỉ hoàn toàn được sử dụng để phục vụ mục đích thương mại. Trong trái tim của mỗi nhà khoa học và những người sáng tạo thực thụ là sự kinh ngạc, rộn ràng và hồi hộp trước những điều mới lạ. Mỗi tổ chức của thế giới cũ có một bản sao của nó trong thế giới mới, cùng một nốt nhạc đó nhưng ở quãng cao hơn. Chúng ta không kêu gọi một cuộc cách mạng xoá bỏ cái cũ và tạo ra cái mới lại từ đầu. Kiểu cách mạng đó đã được thử rồi, và mỗi lần lại mang về kết quả như nhau, bởi vì cách suy nghĩ như vậy chính nó là một phần của thế giới cũ. Kinh tế học thiêng liêng là một phần của một cuộc cách mạng hoàn toàn mới, một sự chuyển hoá chứ không xoá sạch. Trong cuộc cách mạng này, những người bị mất thậm chí còn không nhận ra là mình đã mất.

Cho đến ngày hôm nay, rất ít sản phẩm của nền kinh tế và công nghệ của chúng ta tham gia phục vụ các nhu cầu nói trên. Không chỉ các nhu cầu chơi, khám phá, và tự học hỏi không được thoả mãn, mà ngay cả những nhu cầu về thể chất khi được đáp ứng cũng đi kèm với nỗi lo âu và khó khăn tột cùng. Điều này mâu thuẫn với sự khẳng định của các nhà kinh tế rằng ngay cả khi không đáp ứng được các nhu cầu mới, công nghệ và sự phân công lao động cho phép chúng ta đáp ứng hiệu quả hơn các nhu cầu hiện có. Người ta nói rằng một cái máy có thể làm được lượng công việc của một nghìn người; một máy tính có thể phối hợp công việc của một nghìn cái máy. Theo đó, những người theo thuyết vị lai từ thế kỷ 18 đã tiên đoán rằng kỷ nguyên của sự nhàn rỗi đang tới gần. Kỷ nguyên đó chưa bao giờ đến, và trong ba mươi năm trở lại đây, dường như nó càng rút lui ra xa hơn. Rõ ràng có điều gì đó không ổn.

Một trong hai giả định chính của kinh tế học là con người thường hành động dựa trên tư lợi cá nhân và rằng cái tư lợi đó là lợi ích về tiền bạc. Hai người sẽ chỉ trao đổi (ví dụ, mua thứ gì đó vì tiền) nếu trao đổi đó có lợi cho cả đôi bên. Càng có nhiều trao đổi thì càng có nhiều lợi ích. Do đó các nhà kinh tế coi tiền đồng nghĩa với lợi ích. Đó là một trong những lý do tại sao tăng trưởng kinh tế là điểm mấu chốt không bàn cãi của chính sách kinh tế – khi nền kinh tế phát triển, đương nhiên mức độ “tốt đẹp” của thế giới cũng tăng lên. Chính trị gia nào lại không muốn góp công vào sự tăng trưởng kinh tế?

Logic kinh tế nói rằng khi một loại hàng hoá hay dịch vụ mới nào đó xuất hiện, nếu có người sẵn sàng trả tiền cho nó thì điều đó có nghĩa là ai đó được hưởng lợi ích. Theo nghĩa hẹp nào đó thì logic này đúng. Nếu tôi đánh cắp chìa khoá xe hơi của bạn, có thể bạn sẽ được lợi nếu bạn chịu bỏ tiền ra để chuộc lại nó từ tôi. Nếu tôi cướp đất của bạn, có thể bạn sẽ được lợi nếu chịu bỏ tiền ra thuê lại mảnh đất đó để mà tồn tại. Nhưng nói rằng các giao dịch tiền tệ là minh chứng cho sự tăng trưởng toàn bộ về mặt tiện ích thì vô lí; hay nói khác hơn là, nó khẳng định rằng những nhu cầu mà các giao dịch tiền tệ đáp ứng từ trước tơi nay chưa bao giờ được đáp ứng. Nếu chúng ta chỉ đang trả tiền cho cái gì đó mà trước kia từng được cung cấp thông qua sự tự cung tự cấp hoặc nền kinh tế quà tặng, thì logic của tăng trưởng kinh tế là sai. Ở đây ẩn giấu một động cơ thuộc về hệ tư tưởng cho giả thuyết rằng cuộc sống nguyên thủy, theo Hobbes nói, là “cô độc, nghèo nàn, bẩn thỉu, ngắn ngủi và tàn bạo”. Một quá khứ như vậy có thể biện minh cho hiện tại, khi mà các tính chất mà Hobbes nhắc đến đang thực sự hiện hữu trong cuộc sống hiện đại theo nhiều cách khác nhau. Cuộc sống trong nhà ở khu ngoại ô là gì, nếu không phải là cô độc? Cuộc sống ở châu Phi là gì, nếu không phải là ngắn ngủi? (8) Và đã có thời kì nào đọ được với thế kỷ vừa qua về sự bẩn thỉu và tàn bạo hay chưa? Có lẽ quan điểm của Hobbes rằng cuộc sống trong quá khứ là một cuộc đấu tranh sinh tồn khắc nghiệt chỉ là một sự phóng chiếu về mặt tư tưởng của chính điều kiện sống hiện tại của chúng ta.

Để nền kinh tế phát triển, phạm vi của những loại hàng hoá và dịch vụ có sử dụng đến tiền cũng phải phát triển. Tiền phải đáp ứng càng ngày càng nhiều các nhu cầu của chúng ta. Tổng sản phẩm quốc nội được xác định như tổng số lượng hàng hoá và dịch vụ mà một đất nước tạo ra. Chỉ có những hàng hoá và dịch vụ được trao đổi bằng tiền mới được tính.

Nếu tôi trông con của bạn và không lấy phí, các nhà kinh tế sẽ không tính đó là một dịch vụ hay cộng nó vào GDP. Nó không thể được dùng để trả một món nợ tài chính, và tôi cũng không thể đến siêu thị và nói: “Sáng nay tôi đã trông nom các con của người hàng xóm, nên làm ơn cho tôi một ít thực phẩm”. Nhưng nếu tôi mở một trung tâm trông trẻ và tính phí, tôi đã tạo ra một “dịch vụ”. GDP tăng lên và, theo các nhà kinh tế, xã hội trở nên giàu có hơn. Tôi đã góp phần phát triển kinh tế và nâng cao mức độ tốt đẹp của thế giới lên. “Hàng hoá” là những thứ bạn phải trả bằng tiền để có nó. Tiền = hàng hoá. Đó là phương trình của thời đại của chúng ta. (trong nguyên bản tiếng Anh, tác giả chơi chữ bằng cách sử dụng “goods” cho “hàng hoá”, và “goodness” cho “tốt đẹp”, vậy nên có phương trình “money = good” – ND)

Nền kinh tế cũng phát triển nếu tôi chặt rừng và bán gỗ. Rừng không phải là một loại hàng hoá. Nó chỉ trở thành hàng hoá nếu tôi làm đường, thuê lao động, chặt cây, và vận chuyển gỗ tới chỗ người mua. Tôi chuyển đổi một cánh rừng thành gỗ – một loại hàng hoá, và GDP tăng lên. Tương tự, nếu tôi sáng tác ra một bài hát và chia sẻ nó miễn phí, GDP không tăng và xã hội không được coi là giàu mạnh lên, nhưng nếu tôi đăng kí bản quyền cho bài hát đó và bán nó, nó sẽ trở thành một loại hàng hoá. Hoặc khi bắt gặp một xã hội truyền thống mà ở đó người ta dùng các loại thảo dược và các kĩ thuật cúng bái và cầu nguyện để chữa bệnh, tôi có thể phá huỷ nền văn hoá của họ và khiến bọ phải phụ thuộc vào các loại dược phẩm hoá học mà họ phải mất tiền mua, đuổi họ ra khỏi mảnh đất của chính họ để họ không thể là những người nông dân tự cung tự cấp mà bị buộc phải mua thực phẩm, và dọn sạch mảnh đất đó và thuê họ trồng độc canh chuối – và thế là tôi làm cho thế giới giàu có hơn. Tôi đã mang rất nhiều hoạt động, nhiều mối quan hệ, và nhiều tài nguyên thiên nhiên vào trong phạm vi của tiền.

Bất cứ khi nào ai đó trả tiền cho bất kì thứ gì mà họ từng tự làm hoặc từng nhận như là một món quà, mức độ “tốt đẹp” của thế giới lại tăng lên. Mỗi cái cây bị chặt xuống để biến thành giấy, mỗi ý tưởng được nắm giữ và biến thành tài sản trí tuệ, mỗi đứa trẻ chơi game thay vì tự tạo những thế giới tưởng tượng riêng, mỗi mối quan hệ giữa người với người bị biến thành một loại dịch vụ, đều làm cho những mảnh tài sản chung về thiên nhiên, văn hoá, tinh thần và xã hội trở nên ngày càng suy kiệt và bị biến thành tiền.

Đúng là năng suất hơn (về mặt lao động/giờ) khi những người có chuyên môn chăm sóc cho vài chục đứa trẻ cùng một lúc thay vì để các bậc cha mẹ ở nhà tự chăm con họ. Đúng là năng suất hơn khi chúng ta trồng trọt trên những cánh đồng hàng ngàn hec-ta với các máy cày khổng lồ và hoá chất thay vì tự trồng bằng tay một lượng thực phẩm tương tự trên hàng trăm mảnh đất nhỏ. Nhưng những sự năng suất này không làm cho chúng ta thảnh thơi hơn, cũng không đáp ứng bất kì nhu cầu mới nào. Sự năng suất chỉ khiến cho những nhu cầu cũ được đáp ứng một cách vô tội vạ, cuối cùng lên đến mức thái quá khi trong tủ quần áo của chúng ta chất đầy những bộ quần áo và những đôi giày chẳng mấy khi được mặc trước khi chúng bị thải ra bãi rác.

Ngay khi thời kì công nghiệp mới bắt đầu, các vấn đề xoanh quanh nhu cầu của con người đã xuất hiện, khởi đầu với ngành công nghiệp dệt may. Cuối cùng thì, một người thực sự cần mấy bộ quần áo? Giải pháp cho cuộc khủng hoảng của sự thừa mứa sản phẩm may mặc là thao túng mọi người để làm cho họ mua quần áo nhiều hơn mức mà họ cần. Ngành công nghiệp thời trang khuyến khích những người “sắp” sành điệu theo kịp xu hướng. Lí do mọi người đồng thuận với ý tưởng này một phần là vì quần áo có một vị trí đặc biệt trong mọi nền văn hoá. Người ta mặc các trang phục khác nhau để thoả mãn các nhu cầu từ thiêng liêng đến vui nhộn, từ vui vẻ đến u buồn. Trang phục cũng giúp người mặc thoả mãn nhu cầu său thẳm là tạo một cá tính riêng cho bản thân. Vấn đề ở đây là, không có nhu cầu nào mới đang được đáp ứng cả. Sản xuất nhiều và nhiều hơn nữa cũng chỉ để phục vụ các nhu cầu cũ theo hướng phức tạp hơn và không giới hạn mà thôi.

Hơn nữa, công nghiệp hoá ngành dệt may là nguyên nhân gây nên sự tan rã của các cộng đồng truyền thống và khiến mọi người dễ bị ảnh hưởng bởi ngành công nghiệp thời trang. Tôi đã miêu tả điều này trong một bối cảnh lớn hơn trong cuốn Ascent of Humanity:

Để mang chủ nghĩa tiêu thụ vào một nền văn hoá từng bị cô lập trước đây (không bị ảnh hưởng bởi khái niệm “phát triển kinh tế” –ND), trước tiên cần phải phá hủy ý thức của nền văn hoá đó về chính bản sắc của nó. Cách làm như sau: phá vỡ mạng lưới tương hỗ của nó bằng cách mang các mặt hàng tiêu dùng từ bên ngoài vào. Bào mòn sự tự trọng của nó bằng những hình ảnh đầy thu hút của phương Tây. Làm mờ nhạt các câu truyện thần thoại của nó thông qua công việc truyền giáo và giáo dục khoa học. Xoá bỏ các cách truyền đạt kiến thức địa phương truyền thống bằng cách xây dựng trường học với giáo trình mang từ bên ngoài vào. Hủy hoại ngôn ngữ của nó bằng cách sử dụng tiếng Anh hoặc một ngôn ngữ quốc gia hoặc quốc tế khác trong trường học. Cắt liên kết của nó với đất bằng cách nhập khẩu thực phẩm rẻ tiền để làm cho nông nghiệp địa phương mất tính kinh tế. Rồi bạn sẽ tạo ra một lớp người thèm khát những đôi giày sneaker sành điệu.

Khi một nhu cầu nào đó đã được đáp ứng đầy đủ, những sản phẩm thừa tạo nên một cuộc khủng hoảng của sự thừa mứa. Cuộc khủng hoảng đó được giải quyết bằng cách chuyển sang lĩnh vực sản xuất khác để thoả mãn các nhu cầu khác. Dần dần từng loại một, các tài sản chung từ thiên nhiên, văn hoá, xã hội đến tinh thần đều bị biến thành tài sản tư nhân và thành tiền. Khi vốn xã hội của việc sản xuất quần áo (nghĩa là các kỹ năng và truyền thống và các phương tiện để truyền lại các kĩ năng đó) trở thành một loại hàng hoá, và không ai may quần áo ngoài nền kinh tế tiền bạc nữa (chỉ may để kiếm tiền – ND), thì đó là lúc đem bán thậm chí nhiều quần áo hơn nữa bằng cách phá hủy các cấu trúc xã hội (nhằm duy trì bản sắc) khác. Bản sắc trở thành một loại hàng hoá, và quần áo và các mặt hàng tiêu dùng khác trở thành đại diện cho loại hàng hoá đó.

Mạng lưới liên kết xã hội (social ecology) – các kĩ năng chung, các phong tục tập quán, các cấu trúc xã hội mà đáp ứng được các nhu cầu của mỗi người – cũng là một nguồn của cải phong phú, cũng là một kho tàng giống như hệ sinh thái tự nhiên (natural ecology) mà sự sống trái đất là nền tảng. Câu hỏi đặt ra là: điều gì sẽ xảy ra khi tất cả các dạng thức vốn chung này bị xoá sổ? Điều gì sẽ xảy ra khi cá không còn để biến thành hải sản, khi rừng không còn để sản xuất giấy, khi lớp đất mặt không còn để sản xuất siro ngô, khi chẳng có điều gì mà mọi người làm cho nhau mà không tính phí?

Ngoài mặt, đây chẳng có vẻ gì là một cuộc khủng hoảng cả. Tại sao chúng ta cứ phải tiếp tục phát triển kinh tế cơ chứ? Nếu tất cả các nhu cầu của chúng ta đều được đáp ứng rồi thì tại sao chúng ta không thể làm việc ít hơn. Tại sao kỉ nguyên của sự thảnh thơi mà người ta hứa hẹn không bao giờ tới? Chúng ta sẽ thấy, trong hệ thống tiền tệ hiện tại, nó sẽ không bao giờ tới. Không có kì quan công nghệ mới nào là đủ cả. Cái hệ thống tiền tệ mà chúng ta được thừa hưởng sẽ luôn luôn bắt buộc chúng ta phải chọn phát triển thay vì sự an nhàn.

Người ta có thể nói rằng tiền đã đáp ứng được một nhu cầu thực sự chưa được đáp ứng trước đây – nhu cầu phát triển và hoạt động của con người trên quy mô hàng triệu hay hàng tỷ người. Nhu cầu của chúng ta về thực phẩm, âm nhạc, chuyện kể, thuốc men, v.v… có thể không được thỏa mãn tốt hơn thời kì đồ đá, nhưng lần đầu tiên chúng ta có thể tạo ra những thứ đòi hỏi nỗ lực phối hợp của hàng triệu chuyên gia trên toàn cầu. Tiền đã tạo điều kiện cho sự phát triển của một siêu sinh vật có bảy tỷ tế bào. Nó có vai trò điều phối sự đóng góp của các cá nhân và tổ chức để thực hiện các mục đích mà các cách phân nhóm nhỏ hơn không thể đạt được. Tất cả những nhu cầu mà tiền đã tạo ra hoặc chuyển từ cá nhân sang tiêu chuẩn và đồng nhất đều là một phần của sự phát triển mang tính thống nhất này. Ngay cả ngành công nghiệp thời trang cũng là một phần của nó, đó là một phương tiện để con người tạo cá tính cho riêng mình và có cảm giác mình thuộc về cái gì đó thông qua các mối liên kết xã hội xa xôi.

Giống như một sinh vật đa bào, nhân loại cần các cơ quan, các hệ thống con, và các phương tiện để phối hợp chúng. Tiền, cùng với văn hoá biểu tượng, công nghệ truyền thông, giáo dục, v.v… đã trở thành công cụ để phát triển những thứ này. Nó cũng giống như một loại hoóc môn tăng trưởng, vừa kích thích sự tăng trưởng vừa điều khiển cách thức tăng trưởng. Có vẻ như hiện nay chúng ta đang chạm đến các giới hạn của sự tăng trưởng, và do đó thời thơ ấu của loài người đang kết thúc. Tất cả các cơ quan của chúng ta đều đã phát triển hoàn thiện; một số thực sự đã sống lâu hơn cần thiết và có thể trở lại hình thái chỉ như một cơ quan vết tích. Chúng ta đang trưởng thành. Có lẽ chúng ta sắp biến sức mạnh sáng tạo (mới nhận ra) của hàng tỷ tế bào hướng tới mục đích chín chắn của nó. Do vậy, có lẽ chúng ta cần một loại tiền tệ khác, một loại mà vẫn tiếp tục điều phối tổ chức nhân loại phức tạp này nhưng không còn bắt buộc nó phải phát triển nữa.

Quyền lực Tiền

Tất cả các hình thức tài sản ngày nay đều có một đặc điểm chung: tất cả đều có thể được mua và bán vì tiền. Tất cả đều có thể quy đổi ra tiền, vì bất cứ ai sở hữu tiền là có thể sở hữu bất kỳ hình thức nào khác của vốn và sức mạnh sản xuất đi cùng với nó. Và hãy nhớ rằng, mỗi hình thức trong số các hình thức tài sản này đều xuất phát từ các tài sản chung – những thứ mà trước đây không được sở hữu bởi bất kì người nào, nhưng cuối cùng đã bị tước đoạt khỏi cộng đồng và bị biến thành tài sản riêng. Điều xảy ra với đất cũng xảy ra với tất cả những thứ khác, bởi vậy tạo nên sự tập trung của cải và quyền lực vào tay những người sở hữu chúng. Như những người sáng lập đạo Thiên Chúa – Proudhon, Marx, và George – đã biết, việc cướp tài sản của ai đó rồi bắt họ phải trả tiền để sử dụng lại nó là trái đạo đức. Tuy nhiên đó là điều xảy ra bất cứ khi nào bạn thu tiền thuê đất hoặc lấy lãi từ số tiền bạn cho ai đó mượn. Chẳng phải ngẫu nhiên mà gần như tất cả các tôn giáo trên thế giới đều nghiêm cấm việc cho vay nặng lãi. Không người nào xứng đáng được hưởng lợi chỉ vì họ sở hữu một cái gì đó đã tồn tại trước khi xuất hiện chế độ sở hữu. Và hiện tại tiền chính là hiện thân của tất cả những thứ đã tồn tại trước cả chể độ sở hữu, tiền là một loại tài sản tinh vi nhất.

Tuy nhiên, hệ thống tiền tệ với lãi suất âm mà tôi sẽ gợi ý và miêu tả trong cuốn sách này không chỉ được thúc đẩy bởi lí do đạo đức. Lãi suất là một vấn đề còn nghiêm trọng hơn cả việc để cho một tội ác tiếp tục tái diễn, nghiêm trọng hơn cả số tiền vẫn đang thu về từ một tội ác đã phạm phải. Lãi suất là cỗ máy cướp giật liên tục; nó là sức mạnh bắt buộc chúng ta, dù chúng ta có ý định tốt đến đâu, dù chúng ta muốn hay không muốn, trở thành đồng phạm trong hành động khai thác từng phần của trái đất.

Trong các chuyến du hành của mình, đầu tiên là du hành vào trong chính bản thân và sau đó du hành với vai trò là một người viết sách và diễn giả, tôi thường bắt gặp ở nhiều người một nỗi thống khổ sâu sắc và tâm lí bất lực tạo ra bởi sự phổ biến của cỗ máy đang nuốt chửng cả thế giới; với họ, dường như không tham gia vào cỗ máy đó là một điều bất khả thi.  Một trong số hàng triệu ví dụ là: những người khó chịu với Wal-Mart vẫn đang mua sắm tại đó hoặc tại các cửa hàng khác mà cửa hàng đó cũng một phần của chuỗi “hút máu người” toàn cầu (global predation chain), bởi vì họ không có đủ tiền để trả giá cao hơn cho những sản phẩm tương tự ở những cửa hàng khác. Còn điện – làm từ than đá bị tách ra khỏi các đỉnh núi – để vận hành căn nhà của tôi? Còn xăng để tôi đi lại và để người ta vận chuyển hàng hoá tới nhà tôi nếu tôi sống tách biệt ở một nơi ẩn dật? Tôi có thể giảm thiểu sự tham gia của mình vào cỗ máy đang nuốt chửng thế giới, nhưng tôi không thể tránh nó hoàn toàn. Khi mọi người nhận ra rằng chỉ sống trong xã hội này thôi cũng có nghĩa là họ đang tham gia phá hoại thế giới rồi, họ thường trải qua một khoảng thời gian muốn tìm kiếm một cộng đồng tự cung tự cấp nào đó hoàn toàn tách biệt khỏi thế giới. Nhưng như thế có tốt hay không, trong khi thế giới vẫn đang bị thiêu cháy? Nếu bạn không tham gia vào hành động làm ô nhiễm môi trường thì sao? Kể cả bạn sống trong rừng và ăn củ quả ở đó hay bạn ở ngoại ô và ăn thực phẩm được chở tới bằng xe tải từ California, thì trái đất cũng đang chạm tới giới hạn chịu đựng ô nhiễm của nó rồi (9). Mong muốn bào chữa cho bản thân khỏi tội lỗi chung của xã hội cũng giống như một hình thức mê tín, tương tự như việc bạn lắp các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái một ngôi nhà rộng 4000 thước vuông vậy (khoảng 371,6m2).

Mặc dù rất đáng được ca ngợi về mặt động lực, nhưng các phong trào tẩy chay Wal-Mart hoặc cải cách ngành chăm sóc sức khoẻ hoặc giáo dục, chính trị hoặc bất cứ cái gì khác nhanh chóng trở thành vô ích bởi các phong trào đó đang chống lại sức mạnh tiền bạc. Để có thể tạo ra bất kì ảnh hưởng nào, những người tham gia các phong trào phải cố gắng như thể họ đang phải bơi ngược dòng lên thượng lưu vậy. Và ngay khi chúng ta tạm nghỉ, một số điều khủng khiếp mới lại quét bay chúng ta đi một lần nữa; thiên nhiên, cộng đồng, sức khoẻ, hoặc tinh thần lại tiếp tục bị khai thác để biến thành tiền.

Vậy, quyền lực tiền chính xác là cái gì? Nó không phải là âm mưu xấu xa của các chủ ngân hàng đang điều khiển thế giới thông qua Hội đồng Bilderberg, Trilateral Commission và các công cụ khác của “Illuminati”. Đôi khi tôi cũng gặp những người đã đọc sách của David Icke và của một số người khác; họ tạo ra một trường hợp thuyết phục về một âm mưu toàn cầu cổ xưa để thiết lập “trật tự thế giới mới”, tượng trưng bởi con mắt trên đỉnh kim tự tháp, kiểm soát mọi chính phủ và mọi cơ quan, được điều khiển bởi một nhóm nhỏ bí mật những con quái vật thèm khát quyền lực mà kể cả Rothschilds hay Rockefellers cũng chỉ nằm trong số những con rối của chúng mà thôi. Nếu không hiểu được bản chất thực sự của vấn đề thì chắc chắn là tôi quá ngây thơ, hoặc quá kém hiểu biết.

Tôi thú nhận là mình ngây thơ, nhưng tôi không kém hiểu biết. Tôi đã đọc nhiều tài liệu kiểu trên và không cảm thấy thoả mãn. Mặc dù các sự kiện như 11/9 (máy bay đâm vào hai toà tháp đôi tại New York – ND) và vụ sát hại nhà Kennedy còn nhiều điều chúng ta chưa được biết, và rằng ngành công nghiệp tài chính, các tội ác có tổ chức, và quyền lực chính trị có liên quan mật thiết với nhau, nhưng nói một cách khái quát, các thuyết âm mưu quá đề cao khả năng của con người. Tôi cho rằng con người không thể có khả năng quản lí và điểu khiển những hệ thống phức tạp như vậy một cách thành công được. Rõ ràng là có điều gì bí ẩn đang xảy ra, và những sự trùng khớp ngẫu nhiên mà những người như Icke nhắc đến thách thức những lời giải thích thông thường. Nhưng nếu bạn cho tôi một khoảnh khắc để suy tư về lĩnh vực siêu hình học thì, tôi nhận thấy rằng chính hệ thống tư tưởng và niềm tin sâu kín của chúng ta và cái bóng vô thức của chúng là nguyên nhân gây ra một ma trận của những sự kiện đồng bộ mà nhìn vào chúng ta cứ ngỡ đó là một âm mưu. Sự thật là, có một âm mưu nhưng không có ai là chủ mưu. Mỗi người đều là một con rối, nhưng không ai là người điều khiển rối.

Hơn nữa, các thuyết âm mưu thường không thể kiểm chứng được. Chúng hấp dẫn về mặt tâm lý cũng như về mặt thực nghiệm. Các thuyết âm mưu có một sự quyến rũ bí ẩn bởi vì chúng đánh vào sự phẫn nộ lớn của chúng ta và xác định một cái gì đó để chúng ta xoáy vào, để đổ lỗi và để ghét. Thật không may, như nhiều nhà cách mạng đã phát hiện ra khi họ lật đổ các đầu sỏ chính trị, là hận thù của chúng ta bị đặt ở sai chỗ. Thủ phạm thực sự sâu sắc hơn và lan rộng hơn nhiều. Nó vượt lên trên cả ý thức của con người, và thậm chí cả các chùm ngân hàng và các đầu sỏ chính trị sống dưới trướng của nó. Thủ phạm thực sự là những kẻ lãnh chúa ngoài hành tinh đang cai trị thế giới từ các đĩa bay của họ. Đùa chút thôi. (10) Thủ phạm thực sự, kẻ đang thao túng những người kiệt xuất nhất của chúng ta từ đằng sau tấm màn, chính là hệ thống tiền tệ: một hệ thống dựa trên tín dụng, được dẫn dắt bởi lãi suất đã xuất hiện từ xa xưa, khiến cho sự chia cắt ngày càng sâu sắc. Hệ thống đó tạo ra sự cạnh tranh, sự phân hoá, và lòng tham. Nó bắt buộc nền kinh tế phải phát triển theo cấp số nhân. Và quan trọng nhất là, nó đang đến hồi kết thúc vào thời đại của chúng ta bởi vì nguồn nhiên liệu cho sự tăng trưởng – vốn tự nhiên, văn hoá, xã hội, và tinh thần – đang cạn kiệt.

Trong vài chương tới, tôi sẽ mô tả tiến trình này và cách hoạt động của lãi suất, hệ thống lại cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay như là cực điểm của một xu thế đã tồn tại hàng thế kỷ qua. Như vậy, chúng ta sẽ có thể hiểu rõ hơn cách tạo ra không chỉ một hệ thống tiền tệ mới, mà còn một kiểu hệ thống tiền tệ hoàn toàn khác biệt – một hệ thống mà có những tác động ngược lại so với hệ thống của chúng ta hiện nay: chia sẻ thay vì tích góp, bình đẳng thay vì phân hoá, làm giàu thêm các tài sản chung thay vì khai thác chúng, bền vững thay vì tăng trưởng. Hệ thống tiền tệ mới này cũng sẽ là hiện thân của một sự thay đổi sâu sắc hơn mà chúng ta đang thấy hiện hữu ngày hôm nay, một sự thay đổi về vai trò của con người để tiến tới một điều lớn lao hơn, trong đó tất cả đều được kết nối với nhau trong vòng tròn của món quà. Bất kỳ khoản tiền nào là một phần của Sự Tái Hợp này, Sự Chuyển Đổi Lớn này, chắc chắn xứng đáng được gọi là thiêng liêng.

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *