11 lý do tôi KHÔNG dạy các con mình

23 Tháng Một 2018
Chuyên mục
Unschooling
Bình luận  0

 Tôi là một người mẹ ở nhà và ủng hộ giáo dục gia đình nên có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi biết tôi KHÔNG dạy các con mình. Chẳng phải không đưa con đến trường thì các bậc cha mẹ sẽ phải tự dạy con mình hay sao? Không! Chúng tôi chỉ sống thôi. Và trong cuộc sống không cần đến kiểu dạy học như ở trong các trường lớp (giáo viên đưa cho học sinh những thông tin mà chúng có thể quan tâm hoặc không quan tâm, sau đó kiểm tra kiến thức của học sinh).

Đừng hiểu nhầm, chúng tôi rất thích học hỏi. Chúng tôi học hỏi mỗi ngày, nhưng đó là một điều khác hoàn toàn với việc dạy.

Nếu bạn đang bị choáng ngợp vì bạn cho rằng bọn trẻ không tới trường cũng có nghĩa là bạn phải nhận trách nhiệm làm giáo viên của chúng thì tôi có tin tốt cho bạn đây. Bạn không cần phải trở thành một giáo viên, bạn cũng không cần phải dạy con mình điều gì hết. Thực ra, không dạy lại tốt hơn cả dạy!

Vì sao?

Sau đây là 11 lý do tôi KHÔNG dạy các con mình

  1. Chúng không muốn được dạy

Đầu tiên, trẻ em thực sự không muốn được dạy. Tất nhiên, như vậy không có nghĩa là người lớn cũng không muốn dạy nữa. Nhưng những người được dạy cũng phải được có ý kiến chứ, phải không? Việc dạy chỉ nên là một sự lựa chọn thôi, phải không? Nếu bạn ngừng tìm cách dạy trẻ em mà thay vào đó để chúng tự học hỏi, bạn sẽ thấy chúng gần như không bao giờ yêu cầu bạn phải dạy chúng điều gì. Đôi khi chúng cần học một kĩ năng nhất định nào đó, chúng sẽ yêu cầu bạn dạy. Nhưng như vậy khác hoàn toàn với việc có một ai đó quyết định thay cho chúng những điều chúng nên biết, thời điểm chúng nên biết những điều đó, và cách mà chúng nên học những điều đó. Trẻ em chỉ hỏi người lớn thông tin về những điều chúng quan tâm thôi, chúng không cần sự chỉ dạy của người lớn.

Tôi biết có một số người tin rằng người lớn hiểu biết nhiều hơn trẻ em nên họ biết trẻ em nên học cái gì và không nên học cái gì, nhưng tôi không phải là một người trong số đó.

2. Chúng không cần được dạy

Trẻ em vừa không muốn được dạy, vừa không cần được dạy. Chúng hoàn toàn có khả năng tự theo đuổi các mối quan tâm của mình và tự giáo dục mình. Chúng sẽ học bất cứ điều gì chúng cần theo cách đó.

“Về mặt sinh học, trẻ em có thể tự chịu trách nhiệm về việc học tập của mình. Khi chúng được tự do và được cung cấp các phương tiện để theo đuổi đam mê riêng trong môi trường an toàn, chúng sẽ phát triển theo những cách rất đa dạng và khó đoán trước được, và chúng sẽ học được những kỹ năng và sự tự tin cần thiết để đáp ứng với những thách thức của cuộc sống. Trong một môi trường như vậy, trẻ em sẽ yêu cầu người lớn trợ giúp nếu cần. Sẽ không cần đến những bài học, bài giảng, bài tập, bài kiểm tra, điểm số bắt buộc, không cần phải chia trẻ em theo nhóm tuổi, không cần bất kì điều ép buộc nào khác như trong hệ thống trường học tiêu chuẩn của chúng ta. Thực tế là, tất cả những điều trên đều có ảnh hưởng xấu đến hoạt động học hỏi tự nhiên của trẻ.” – Peter Gray, Free to Learn

3. Việc học tập không nên bị ép buộc

Tôi không cho rằng việc học tập là điều tôi cần phải ép buộc một người nào đó làm. Tôi cũng sẽ khó chịu nếu ai đó bảo tôi rằng tôi cần học điều gì đó và tôi cần bỏ ra bao nhiêu thời gian để học điều đó. Trẻ em xứng đáng được hưởng tự do trong suy nghĩ như người lớn. Chúng xứng đáng có kiềm tự kiểm soát cuộc sống và tâm trí của chúng như người lớn. Việc cố gắng ép buộc trẻ em học thậm chí không khả thi, bạn không thể kiểm soát những mối quan tâm của một người khác.

“Trong nhiều năm tôi luôn cố gắng đi tìm câu trả lời cho câu hỏi sau: tại sao trẻ em lại không học những điều mà người lớn chúng ta dạy cho chúng? Và câu trả lời hợp lí nhất mà tôi có là: bởi vì chúng ta dạy chúng – nghĩa là, chúng ta cố kiểm soát tâm trí chúng.” – John Holt, How Children Fail

4. Con người không học bằng cách được dạy

Là một người trưởng thành, khi bạn muốn tìm hiểu một điều gì đó mới mẻ, bạn có thường xuyên đi tìm người nào đó để họ dạy mình không? Có thể là không thường xuyên lắm. Thay vào đó, bạn lên google để tìm kiếm, nói chuyện với mọi người về điều đó, đọc vài cuốn sách, quan sát những người có các kĩ năng mà bạn muốn học, xem một video trên mạng, thực hành, v.v… Mọi người luôn luôn học hỏi tốt nhất thông qua quan sát và thực hành. Kiến thức từng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bởi vì trẻ em từng được tham gia vào cuộc sống hàng ngày trong cộng đồng, từ đó chúng học được các kĩ năng cần thiết từ khi còn nhỏ. Chỉ mới rất gần đây thôi, chúng ta mới có một quan niệm rất vô lí rằng chúng ta cần đưa trẻ em vào trường học, xa khỏi cuộc sống thật, để chúng có thể học thuộc các kiến thức vô nghĩa. Tôi thà hỗ trợ các con mình học hỏi theo cách tự nhiên còn hơn.

5. Tôi không phải là Giáo viên

Một người giáo viên thì phải cố gắng dạy những đứa trẻ trong lớp các môn học trong một chương trình định sẵn, còn tôi thì không hứng thú với điều đó. Tôi không tin tưởng vào kiểu giáo dục “một phương pháp áp dụng cho tất cả”. Tôi cũng không có ý định nhồi nhét kiến thức vào đầu các con mình. Tôi không phải là giáo viên, tôi cũng không muốn là giáo viên. Tôi chỉ là một người tạo điều kiện cho các con tôi tự học hỏi. Đây là hành trình của các con tôi, không phải của tôi.

“Unschooling không phải việc khám phá ra một số kiến thức nhất định cần phải học. Unschooling là hành trình khám phá bản thân.” – Ben Hewitt, Home Grown

6.Tôi tin tưởng các con mình

Tôi hoàn toàn tin tưởng vào khả năng của các con mình. Tôi không lo lắng rằng chúng sẽ “vô giáo dục”. Trẻ em rất tuyệt vời! Tôi tin tưởng vào sự ham học hỏi bẩm sinh của các con. Nếu sự ham học hỏi đó không bị can thiệp, các con tôi sẽ tiếp tục theo đuổi đam mê của chúng và sẽ học tất cả những điều chúng cần biết cho cuộc sống của chúng.

7. Các con biết rõ điều chúng cần biết hơn tôi.

Ai là người biết rõ những điều mà một người cần hay quan tâm đến rõ hơn chính người đó? Tôi không tự cho là mình hiểu rõ con mình hơn là chúng hiểu bản thân.

“Bởi vì chúng ta không thể biết được trong tương lai những kiến thức nào là cần thiết, nên cố gắng dạy trước là điều vô lí. Thay vào đó, chúng ta nên cố gắng để bọn trẻ luôn ham học hỏi và có khả năng học hỏi tốt đến mức chúng có thể học bất kì điều gì cần học.” John Holt

Trường lớp thường giết chết sự ham học hỏi của trẻ. Không, cám ơn! Chúng tôi sẽ không tham gia vào trường lớp đâu.

8. Việc dạy tước đi cơ hội tự khám phá của trẻ

“Tôi nghĩ Jean Piaget đã nói rất đúng: khi bạn dạy một đứa trẻ điều gì đó, bạn vĩnh viễn tước đi cơ hội tự khám phá ra điều đó của đứa trẻ.” – Magda Gerber

Tôi muốn các con tôi tự khám phá, tôi muốn chúng cảm thấy tự hào vì được làm chủ việc học hỏi của mình. Nếu tôi dạy chúng những điều tôi nghĩ chúng nên biết, trả lời những câu hỏi chúng chưa hỏi, tôi sẽ tước mất cơ hội tự khám phá của chúng. Đó là cái giá phải trả cho việc dạy. Việc học tập bị ép buộc không thể nào so sánh được với sự tự khám phá.

9. Tôi không tin việc dạy sẽ đem lại kết quả tốt

Một người có thể dạy rất nhiều, nhưng không có gì đảm bảo rằng người được dạy cũng đang học. Và đó là sự thật đang xảy ra tại các trường học. Các kiến thức được ghi nhớ để học sinh qua được các bài kiểm tra, sau đó chúng rơi ngay vào quên lãng. Đó không phải là sự học thật sự. Nếu mục đích của trường lớp là sự học thật sự thì trường học đang thất bại. Nhưng trường lớp không được tạo ra để dành cho sự học thật sự. (xem Lịch sử trường học tại đây)

10. Tôi đang nghĩ cho Tương lai

Các công việc trong tương lai sẽ cần đến những người như thế nào? Có phải là những người có thể liệt kê lại các thông tin hay không? Hay là những người có thể làm việc theo các lối mòn cũ? Hay là những người có thể vượt qua các bài kiểm tra tiêu chuẩn? Hay là những người biết tuân theo đám đông? Hay là những người biết những kiến thức y hệt những người khác?

Tôi không nghĩ vậy. Thế giới cần những người biết cách giải quyết vấn đề. Những người sáng tạo có những suy nghĩ khác biệt. Những người độc nhất với những kĩ năng độc đáo. Những người có đam mê và muốn tạo ra sự khác biệt. Những người tự tin chịu trách nhiệm với việc học hỏi của bản thân. Những người tự giác. Sẽ gần như chẳng có ai như thế nếu tất cả mọi người đều phải tới trường và theo học các chương trình đã định sẵn. Cái mà một hệ thống giáo dục tiêu chuẩn mang lại là những con người bình thường. Chỉ có giáo dục tự do mới tạo ra những người sáng tạo và có khả năng tự học.

“Những người thất học ở thế kỉ 21 sẽ không phải là người không biết đọc biết viết, mà là người không thể học, từ bỏ kiến thức cũ, và học lại” – Alvin Toffle

11. Tôi không ủng hộ việc xem thường trẻ em

Việc người lớn tự cho rằng họ biết điều gì là tốt nhất cho trẻ em và tự quyết định những điều mà trẻ nên học mà không quan tâm đến ý kiến của trẻ là một ví dụ của việc xem thường trẻ em. Tôi tôn trọng các con tôi, tôi tôn trọng cả tinh thần lẫn cơ thể của chúng. Tôi không có quyền kiểm soát bất kì người nào. Tôi sẽ không kiểm soát quyền tự do và quyết định của các con mình.

Bởi vậy nên tôi KHÔNG dạy các con minh. Mục đích của tôi không phải là dạy con mà là để các con tự học hỏi. Việc dạy cản trở việc học bằng cách tập trung vào người dạy và các mong đợi và đánh giá của họ. Nhưng việc học không nên tập trung vào bất kì ai khác ngoài người học. Các con tôi quan tâm đến điều gì? Chúng muốn tuổi thơ của chúng như thế nào? Chúng muốn cuộc sống sau này của chúng sẽ như thế nào? Với tôi những điều đó quan trọng hơn nhiều.

“Hãy để ý ánh mắt của con bạn. Điều gì khiến chúng tinh nhanh và sáng bừng lên thì đó là nơi sự học đang diễn ra.” – Carol Black, A Thousand River

 

11 Reasons I’m NOT Teaching My Children

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *